Nội dung toàn văn Công văn 1169/BNN-TY kiểm soát nhập khẩu buôn bán trâu bò Quảng Trị 2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1169 /BNN-TY | Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2014 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Công văn số 735/UBND-NN ngày 18/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc tăng cường kiểm soát nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển trâu, bò qua cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất cảm ơn đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã quan tâm và chỉ đạo về vấn đề nhập khẩu trâu, bò qua biên giới, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngay sau khi nhận được Công văn nêu trên của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y rà soát, xem xét công tác phối hợp về việc quản lý kiểm dịch trâu bò nhập khẩu chính ngạch qua khu vực Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cụ thể như sau:
a) Về phối hợp kiểm tra điều kiện khu cách ly, quản lý kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò:
Trong những năm vừa qua, Cơ quan Thú y vùng III đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị: Định kỳ tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y khu cách ly, phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhập khẩu trâu, bò (xin gửi kèm theo Biên bản làm việc).
b) Về công tác phòng chống dịch tại khu cách ly kiểm dịch thị trấn Lao Bảo:
- Ngày 26/02/2014, Cơ quan Thú y vùng III tổ chức kiểm dịch nhập khẩu 69 con bò có nguồn gốc từ Thái Lan của Công ty TNHH Xuân Phú tại khu cách ly kiểm dịch ở thị trấn Lao Bảo, kiểm tra gia súc khi nhập khẩu đều khỏe mạnh, không có biểu hiện triệu chứng của bệnh truyền nhiễm; vào cuối ngày 27/02/2014 đã phát hiện 01 con bò có triệu chứng của bệnh Lở mồm long móng và đã áp dụng các biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng để phòng chống lây lan.
- Sau đó, Cơ quan Thú y vùng III đã phối hợp với Chi cục Thú y Quảng Trị, Trạm Thú y huyện Hướng Hóa tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM tam giá cho đàn gia súc và đã phát hiện thêm có 7 con bò bị phát bệnh LMLM sau tiêm phòng vắc xin do đàn bò đã bị nhiễm mầm bệnh trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời các đơn vị đã tổ chức áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tổ chức tiêu hủy 02 bò bị bệnh nặng và 6 con bò còn lại đã khỏi bệnh về lâm sàng, không để dịch lây lan ra khỏi khu cách ly kiểm dịch.
- Ngày 13/3/2014, Đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị (gồm có: Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan của địa phương) đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu cách ly kiểm dịch thị trấn Lao Bảo; lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng III đã tham dự cùng và Đoàn kiểm tra đã đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh tại khu cách ly kiểm dịch quyết liệt, đúng quy trình và đạt kết quả tốt.
2. Về một số đề xuất, kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đối với việc quản lý kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò qua biên giới:
a) Về tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò qua cửa khẩu Quảng Trị:
Ngay sau khi phát hiện đàn bò nhập khẩu có nhiễm bệnh LMLM nhập vào Việt Nam, Cục Thú y đã chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng III tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ các nước láng giềng qua khu vực cửa khẩu Lao Bảo, đồng thời phối hợp với địa phương để phòng chống dịch bệnh LMLM trên địa bàn.
b) Về phối hợp tổ chức quản lý kiểm dịch trâu bò nhập khẩu qua biên giới và sửa đổi Thông tư số 27/2009/TT-BNN ngày 28/5/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch nhập khẩu trâu bò từ Lào, Cămpuchia vào Việt Nam:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ trâu, bò nhập khẩu qua biên giới; đồng thời rà soát, điều chỉnh các quy định tại Thông tư số 27, nhằm giảm thiểu việc nhập lậu và ngăn chặn dịch bệnh động vật xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |