Thông tư 27/2009/TT-BNN

Thông tư 27/2009/TT-BNN ban hành quy định về kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ các nước Lào và Cămpuchia vào Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Nội dung toàn văn Thông tư 27/2009/TT-BNN quy định kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ Lào Cămpuchia vào Việt Nam


BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

Số: 27/2009/TT-BNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2009

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM DỊCH NHẬP KHẨU TRÂU, BÒ TỪ CÁC NƯỚC LÀO VÀ CĂMPUCHIA VÀO VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ các nước Lào và Cămpuchia vào Việt Nam như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về việc kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò làm giống, để giết mổ từ các nước Lào và Cămpuchia vào Việt Nam.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, vận chuyển trâu bò làm giống, để giết mổ từ các nước Lào và Cămpuchia vào Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chủ hàng bao gồm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trâu bò từ các nước Lào và Cămpuchia vào Việt Nam.

2. Nhập khẩu chính ngạch là việc chủ hàng mua trâu, bò các nước Lào và Cămpuchia vào Việt Nam thông qua các hợp đồng mua bán với nước xuất khẩu.

3. Thu gom sau nhập khẩu là việc chủ hàng thu mua trâu, bò tại các xã biên giới được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, không có hợp đồng mua bán với nước xuất khẩu.

Chương 2.

KIỂM DỊCH NHẬP KHẨU TRÂU, BÒ THEO ĐƯỜNG CHÍNH NGẠCH

Điều 3. Yêu cầu về thủ tục kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò

1. Chủ hàng có nhu cầu nhập khẩu trâu, bò từ các nước Lào và Cămpuchia vào Việt Nam để làm giống hoặc giết mổ theo đường chính ngạch phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với Cục Thú y theo quy định tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y và Thông tư số 15/2006/QĐ-BNN">11/2009/TT-BNN ngày 04/03/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y.

2. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh của nước xuất khẩu, Cục Thú y hướng dẫn yêu cầu vệ sinh thú y đối với việc nhập khẩu trâu, bò vào Việt Nam.

Điều 4. Nội dung kiểm dịch trâu bò trước khi nhập khẩu

1. Căn cứ nhu cầu của chủ hàng về việc nhập khẩu trâu, bò từ các nước Lào, Cămpuchia vào Việt Nam và nơi cách ly kiểm dịch, Cục Thú y xem xét và chỉ định nơi cách ly kiểm dịch, cơ quan thú y thực hiện việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y nơi cách ly và kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò theo các quy định nêu tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này.

2. Trâu, bò được đưa về địa điểm cách ly kiểm dịch đã được cơ quan thú y kiểm tra đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y.

Riêng đối với trâu, bò nhập khẩu với mục đích giết mổ được đưa về cơ sở giết mổ có đủ điều kiện để nuôi nhốt cách ly kiểm dịch.

3. Yêu cầu vệ sinh thú y đối với nơi cách ly kiểm dịch.

Nơi cách ly kiểm dịch phải đảm bảo tối thiểu các điều kiện sau:

a) Nơi cách ly kiểm dịch phải bố trí ở một địa điểm riêng biệt, cách biệt với khu dân cư, chợ, trường học, khu vực công cộng, trục đường giao thông chính và khu vực chăn nuôi của địa phương;

b) Có hàng rào kép nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bên ngoài;

c) Có các dãy chuồng nuôi nhốt trâu, bò được lợp mái để hạn chế những ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đối với trâu, bò trong thời gian nuôi cách ly kiểm dịch;

d) Quy mô, diện tích chuồng trại, trang thiết bị, vật dụng chăn nuôi phải đáp ứng được yêu cầu chăm sóc nuôi dưỡng đàn trâu, bò;

đ) Thức ăn, nước uống cho trâu, bò nhập khẩu phải được cung cấp đầy đủ và đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y để không ảnh hưởng đến sức khỏe đàn trâu, bò nhập nội.

e) Nơi cách ly kiểm dịch phải có hệ thống thu gom, xử lý các chất thải rắn, thải lỏng trong quá trình nuôi cách ly kiểm dịch;

f) Có nơi nuôi nhốt trâu, bò ốm tách biệt với khu vực nuôi nhốt cách ly trâu, bò;

Nơi cách ly kiểm dịch phải được tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi đưa trâu, bò vào nuôi nuôi cách ly kiểm dịch.

Chương 3.

KIỂM DỊCH ĐỐI VỚI TRÂU, BÒ ĐƯỢC THU GOM SAU NHẬP KHẨU

Điều 5. Điều kiện đối với trâu, bò nhập khẩu được thu gom

1. Trâu, bò nhập khẩu chỉ được phép sử dụng với mục đích giết mổ.

2. Toàn bộ số trâu, bò được thu gom phải được đưa vào nơi nuôi cách ly kiểm dịch tại khu vực thuộc các xã biên giới và đảm bảo các yêu cầu nêu tại khoản 3, Điều 4 của Thông tư này.

3. Chủ hàng phải khai báo và làm thủ tục kiểm dịch đối với trâu, bò được thu gom sau nhập khẩu tại Chi cục Thú y sở tại.

Điều 6. Kiểm dịch đối với trâu, bò thu gom sau nhập khẩu

1. Chi cục Thú y các tỉnh biên giới tổ chức thực hiện việc kiểm dịch đối với trâu, bò thu gom sau nhập khẩu.

2. Nội dung kiểm dịch tại nơi cách ly kiểm dịch:

Sau khi đàn trâu, bò được đưa về nơi cách ly kiểm dịch 1 – 2 ngày, Chi cục Thú y thực hiện:

a) Theo dõi và kiểm tra lâm sàng sức khỏe đàn trâu, bò;

b) Đánh dấu trâu, bò bằng cách bấm thẻ tai theo quy định tại Quyết định số 70/2006/QĐ-BNN ngày 14/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 49/2006/QĐ-BNN ngày 13 tháng 6 năm 2006 đối với việc đánh dấu gia súc vận chuyển trong nước;

c) Lấy máu kiểm tra toàn đàn trâu, bò đối với các bệnh: Sẩy thai truyền nhiễm, Xoắn khuẩn, Lao bò;

d) Tiêm phòng vắc xin các bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng trâu bò theo quy định;

đ) Công bố kết thúc thời gian nuôi cách ly kiểm dịch đối với trâu, bò nhập khẩu đáp ứng các điều kiện sau: Khỏe mạnh về lâm sàng, có kết quả âm tính đối với các bệnh được kiểm tra, đã được tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định và đã được phun tắm thuốc diệt ký sinh trùng ngoài da; Nếu trâu, bò không đảm bảo các điều kiện để công bố kết thúc thời gian nuôi cách ly kiểm dịch thì Chi cục Thú y báo cáo về Cục Thú y để hướng dẫn xử lý kịp thời.

e) Thời gian nuôi cách ly kiểm dịch là 15 ngày; nếu thời gian cách ly kiểm dịch quá thời hạn nêu trên thì Chi cục Thú y phải thông báo cho chủ hàng biết rõ lý do.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới

1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các ban ngành chức năng trong tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có biên giới giáp với các nước: Tăng cường kiểm soát và kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp buôn bán, vận chuyển trâu, bò trái phép không tuân theo đúng hướng dẫn của Thông tư này.

2. Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành có liên quan trong tỉnh:

a) Khẩn trương quy hoạch và xây dựng các địa điểm nuôi cách ly trâu, bò sau nhập khẩu tại địa phương.

b) Trong trường hợp tỉnh chưa có địa điểm nuôi cách ly kiểm dịch, tạm thời yêu cầu chủ hàng xây dựng khu cách ly trâu, bò để kiểm dịch.

c) Thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch trâu, bò thu gom sau nhập khẩu tại các xã biên giới theo hướng dẫn tại Thông tư này.

d) Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển trâu, bò qua biên giới vào địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển trâu, bò chưa qua kiểm dịch thú y; nếu phát hiện trâu, bò mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải tổ chức bao vây, dập tắt dịch nhanh chóng và khử trùng tiêu độc triệt để, trường hợp nghi ngờ thì phải lấy mẫu xét nghiệm.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thú y:

a) Tổ chức thực hiện việc kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò chính ngạch từ Lào và Cămpuchia vào Việt Nam theo đúng quy định.

b) Hướng dẫn, giám sát Chi cục Thú y các tỉnh biên giới thực hiện việc kiểm dịch trâu, bò thu gom sau nhập khẩu tại các xã biên giới, đồng thời tổ chức xét nghiệm mẫu cho các Chi cục Thú y khi có yêu cầu.

c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài chính chỉ đạo các Ban, ngành có liên quan (như Bộ đội biên phòng, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường, Hải quan) phối hợp chặt chẽ với ngành thú y tăng cường quản lý, giám sát, ngăn chặn và xử lý triệt để việc nhập lậu, buôn bán, tiêu thụ trâu, bò không thực hiện theo đúng quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của chủ hàng

1. Chỉ mua trâu, bò từ các cơ sở chăn nuôi có địa chỉ rõ ràng, tại các vùng an toàn, không có dịch bệnh của nước xuất khẩu.

2. Thực hiện việc khai báo, nuôi cách ly kiểm dịch theo đúng hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Khai báo ngay với cơ quan thú y, khi phát hiện trâu, bò có hiện tượng ốm, bỏ ăn hoặc chết vì bất cứ lý do gì.

4. Chịu trách nhiệm chi phí cho việc nuôi cách ly kiểm dịch và các chi phí liên quan đến việc kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò; đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về kinh tế, chi phí phòng chống dịch và bị xử lý theo quy định của pháp luật, nếu không thực hiện đúng các quy định hiện hành để dịch bệnh lây lan.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo quốc gia PCDCGC;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng;
- Vụ Pháp chế, Trung tâm KNKN Quốc gia – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Các Cục: Quản lý thị trường – Bộ Công Thương; Quân khu – Bộ Quốc phòng; Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy – Bộ Công an;
- Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính;
- Sở NN&PTNT, CCTY các tỉnh, thành phố;
- Các CQTY vùng, CCKDĐV vùng, TTKTVSTY TW thuộc Cục Thú Y;
- Lưu VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 27/2009/TT-BNN

Loại văn bản Thông tư
Số hiệu 27/2009/TT-BNN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 28/05/2009
Ngày hiệu lực 12/07/2009
Ngày công báo 14/06/2009
Số công báo Từ số 293 đến số 294
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 15 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 27/2009/TT-BNN

Lược đồ Thông tư 27/2009/TT-BNN quy định kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ Lào Cămpuchia vào Việt Nam


Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Thông tư 27/2009/TT-BNN quy định kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ Lào Cămpuchia vào Việt Nam
Loại văn bản Thông tư
Số hiệu 27/2009/TT-BNN
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Diệp Kỉnh Tần
Ngày ban hành 28/05/2009
Ngày hiệu lực 12/07/2009
Ngày công báo 14/06/2009
Số công báo Từ số 293 đến số 294
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 15 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Thông tư 27/2009/TT-BNN quy định kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ Lào Cămpuchia vào Việt Nam

Lịch sử hiệu lực Thông tư 27/2009/TT-BNN quy định kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ Lào Cămpuchia vào Việt Nam