Công văn 1329/STC-NS

Công văn 1329/STC-NS hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công và xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức do Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng ban hành

Nội dung toàn văn Công văn 1329/STC-NS quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công


UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
SỞ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1329/STC-NS
V/v: Hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công và xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được để chi trả thu nhập tăng thêm cho CBCC

Đà Lạt, ngày 07 tháng 8 năm 2007

 

Kính gửi: Phòng Tài chính - KH các huyện, thị xã, thành phố

Qua 2 năm triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ tại các địa phương bước đầu đã đạt được những kết quả: tạo điều kiện cho các cơ quan chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí được giao một cách hợp lý nhất để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc sử dụng lao động và nguồn kinh phí được giao; nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ngân sách cấp; tăng thu nhập cho cán bộ công chức trong đơn vị đồng thời thực hiện quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và cán bộ công chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, việc triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị dự toán trực thuộc ngân sách các huyện, thị xã, thành phố còn có nhiều lúng túng, vướng mắc như việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn sơ sài, mang hình thức đối phó; xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được không dựa trên chất lượng công việc đã thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; trách nhiệm của cơ quan tài chính cấp huyện trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, thẩm tra quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị dự toán trực thuộc chưa kịp thời, quá trình triển khai thực hiện chế độ tự chủ của các đơn vị trực thuộc còn có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết, tháo gỡ.

Để khắc phục tình trạng trên và cũng đồng thời giúp cho các địa phương, các đơn vị dự toán trực thuộc ngân sách cấp huyện triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo đúng quy định của nhà nước. Ngoài những nội dung Sở Tài chính đã hướng dẫn Phòng Tài chính - KH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngân sách huyện tại các văn bản số 638/TC-NS ngày 30/5/2006, văn bản số 1078/STC-HCSN ngày 30/8/2006, văn bản số 148/STC-HCSN ngày 22/01/2008 và văn bản số 248/STC-NS ngày 04/02/2008 của Sở Tài chính. Sở Tài chính lưu ý và hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:

I. Hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản công

- Đơn vị thực hiện chế độ tự chủ phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhằm chủ động sử dụng kinh phí được giao đúng chế độ, tiết kiệm, có hiệu quả.

- Khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải căn cứ vào chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành, tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong thời gian qua và khả năng nguồn kinh phí được giao để quy định. Mức chi, chế độ chi, tiêu chuẩn định mức xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ không được vượt quá chế độ, định mức, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nghiêm cấm việc các đơn vị tự đặt ra chế độ để chi hỗ trợ tiền lễ, tết,...ngoài chế dộ nhà nước ban hành trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

- Thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, các cơ quan đơn vị phải có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, hợp lệ trừ các khoản thanh toán công tác phí khoán, khoán văn phòng phẩm (nếu thanh toán theo chế độ khoán) và khoản thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động hàng tháng.

- Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế quản lý sử dụng tài sản do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ ban hành sau khi có ý kiến tham gia của công đoàn đơn vị, phải được công khai trong toàn cơ quan, và báo cáo cơ quan quản lý tài chính cấp trên trực tiếp.

(Nội dung xây dựng quy chế theo Mẫu số 01)

II. Hướng dẫn thực hiện chế độ tự chủ

1. Nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

- Không tăng biên chế, trừ trường hợp sáp nhập, chia tách hoặc điều chỉnh nhiệm vụ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Không tăng kinh phí được giao, trừ trường hợp do điều chỉnh nhiệm vụ, điều chỉnh biên chế hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền; do nhà nước thay đổi chính sách tiền lương, thay đổi định mức phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh tỷ lệ phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quản lý hành chính;

- Thực hiện công khai, dân chủ; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cán bộ công chức trong cơ quan.

2. Quy định cụ thể về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị thực hiện chế độ tự chủ

2.1. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế

2.1.1. Biên chế của cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tự chủ: là chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao bao gồm cả biên chế dự bị.

2.1.2. Quyền chủ động trong việc sử dụng biên chế được giao

- Được quyền quyết định sắp xếp, phân công cán bộ công chức theo vị trí công việc để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan.

- Được điều động cán bộ công chức giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan.

- Được tiếp nhận số lao động trong biên chế bằng hoặc thấp hơn chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp số biên chế thực tế thấp hơn chỉ tiêu được giao vẫn được cơ quan quản lý tài chính giao kinh phí theo chỉ tiêu biên chế được giao.

- Căn cứ vào yêu cầu công việc và trong phạm vị nguồn kinh phí được giao đầu năm, Thủ trưởng cơ quan được quyền hợp đồng thuê khóan công việc hoặc hợp đồng lao động đối với các chức danh: Bảo vệ, lái xe, tạp vụ, vệ sinh. Khi ký kết hợp đồng lao động, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải bảo đảm chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

2.2. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí được giao

2.2.1. Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ

- Kinh phí giao cho đơn vị thực hiện chế độ tự chủ được xác định giao hàng năm trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao, kể cả biên chế dự bị (nếu có), định mức phân bổ dự toán chi ngân sách tính trên biến chế và các khoản chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù theo chế độ quy định.

- Phần thu phí, lệ phí và thu khác được để lại theo chế độ quy định: Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được cấp có thẩm quyền giao thu phí, lệ phí và thu khác căn cứ vào các văn bản do cơ quan có thẩm quyền quy định để xác định mức phí, lệ phí và thu khác được trích để lại bảo đảm hoạt động phục vụ thu (sau khi trừ đi số đã trích theo tỷ lệ để thực hiện cải cách tiền lương).

2.2.2. Điều chỉnh kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ

- Kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ, được điều chỉnh khi cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ, do Nhà nước thay đổi chính sách tiền lương, HĐND Tỉnh thay đổi định mức phân bổ dự toán ngân sách và do điều chỉnh biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Các trường hợp phát sinh làm thay đổi mức kinh phí được giao để thực hiện chế độ tự chủ, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ đề nghị cơ quan quản lý tài chính cấp trên điều chỉnh dự toán.

2.2.3. Sử dụng kinh phí được giao để thực hiện chế độ tự chủ

Trong phạm vị kinh phí được giao, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có quyền hạn và trách nhiệm:

- Chủ động bố trí, sử dụng kinh phí theo nội dung, yêu cầu công việc được giao cho phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm, có hiệu quả.

- Được quyết định mức chi cho từng nội dung công việc phù hợp với đặc thù của cơ quan nhưng không vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định của Nhà nước.

- Được sử dụng toàn bộ kinh phí được giao tự chủ tiết kiệm được hoặc chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

- Sử dụng các khoản phí, lệ phí và thu khác được để lại theo đúng nội dung chi, không được vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Chú ý bố trí nguồn thu phí, lệ phí và thu khác để thực hiện cải cách tiền lương.

2.3. Cơ sở xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được

2.3.1. Đối với các đơn vị thủ hưởng ngân sách

Các cơ quan thực hiện chế độ tự chủ khi xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được cần lưu ý một số vấn đề sau:

a. Xác định nguồn kinh phí tiết kiệm dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm

Các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ được giao cụ thể là hoàn thành về khối lượng công việc trong năm, chất lượng các công việc đã hoàn thành được duyệt hoặc chấp nhận, thời gian hoàn thành công việc, tình hình chấp hành chế độ thông tin báo cáo, nguồn kinh phí được giao trong năm và việc chấp hành các chính sách, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định hiện hành,...được cơ quan có thẩm quyền công nhận là hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm. Căn cứ vào tính chất đặc thù công việc của từng ngành, từng lĩnh vực, UBND cấp huyện cần ban hành các tiêu chí riêng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc cho sát với thực tế, cụ thể như sau:

- Các đơn vị thuộc ngành giáo dục và đào tạo phải hoàn thành các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: số lượng chỉ tiêu học sinh; số đơn vị đạt chuẩn phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, các mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch, chất lượng giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh; hệ thống văn bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất và thiết bị trường học và một số nhiệm vụ khác được các ngành cấp trên giao, quản lý các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Các đơn vị thuộc ngành thanh tra phải hoàn thành các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng theo chương trình, kế hoạch của thanh tra ngành, thanh tra tỉnh giao, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài và thực hiện một số nhiệm vụ khác do ngành cấp trên giao, quản lý các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Các đơn vị thuộc ngành xây dựng phải hoàn thành các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải hoàn thành các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, phát triển nông thôn, phòng chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh trên động vật, thực vật trên địa bàn; quản lý các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương và một số nhiệm vụ khỏc được Sở, ngành cấp trờn giao.

- Các đơn vị thuộc ngành lao động thương binh xã hội phải hoàn thành các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương và một số nhiệm vụ khỏc được Sở, ngành cấp trờn giao.

- Các đơn vị thuộc ngành y tế phải hoàn thành 100% các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bao gồm các lĩnh vực: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; dược phẩm; mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm; trang thiết bị y tế; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; quản lý các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương và một số nhiệm vụ khỏc được Sở, ngành cấp trờn giao. Chỉ coi là hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh khi công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong năm đạt 100% kế hoạch giao.

- Các đơn vị thuộc ngành công thương phải hoàn thành các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; thương mại; xây dựng; phát triển đô thị; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở; hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm: cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường đô thị; công viên, cây xanh; chiếu sáng; rác thải; bến, bãi đỗ xe đô thị); giao thông; khoa học và công nghệ; quản lý các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương và một số nhiệm vụ khỏc được Sở, ngành cấp trờn giao.

- Các đơn vị thuộc ngành văn hóa thông tin phải hoàn thành các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: số gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; số bản, làng, cụm dân cư văn hóa; số buổi chiếu phim phục vụ vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; số buổi hoạt động của đội thông tin lưu động; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; bưu chính, viễn thông và Internet; công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin; phát thanh; báo chí; xuất bản; quản lý các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương và một số nhiệm vụ khỏc được Sở, ngành cấp trờn giao.

- Các đơn vị thuộc ngành tài nguyên môi trường phải hoàn thành các chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị quản lý như: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng, thuỷ văn; đo đạc, bản đồ; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của địa phương,...và một số nhiệm vụ khác được các sở, ngành cấp trên giao.

- Các đơn vị thuộc ngành phát thanh truyền hình phải hoàn thành các chỉ tiêu như: Diện tích phủ sóng phát thanh, truyền hình; thời lượng phát sóng truyền thanh, truyền hình,...và một số nhiệm vụ khác được cơ quan có thẩm quyền giao.

- Các đơn vị thuộc ngành tài chính phải hoàn thành các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, các nhiệm vụ thuộc ngành, đơn vị mình quản lý và một số nhiệm vụ đột xuất khác được cơ quan có thẩm quyền giao.

- Các đơn vị thuộc các ngành khác phải hoàn thành các nhiệm vụ được Sở, ngành quản lý giao.

Ngoài ra các đơn vị thuộc ngành này cần đưa kết quả chấp hành chế độ thông tin báo cáo là một tiêu chí trong việc xem xét đánh giá chất lượng công tác và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc hàng năm.

b. Xác định nguồn kinh phí tiết kiệm trong chỉ tiêu biên chế được giao

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao bổ sung chỉ tiêu biên chế để thực hiện nhiệm vụ trong năm nhưng do nhiệm vụ đó không thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình dẫn đến nguồn kinh phí được giao bổ sung không thực hiện được thì cơ quan, đơn vị đó không được xác định nguồn kinh phí trên là nguồn kinh phí tiết kiệm được mà phải nộp trả lại cho ngân sách nhà nước.

c. Xác định nguồn kinh phí tiết kiệm trên tổng số dự toán kinh phí được giao đầu năm để thực hiện chế độ tự chủ

Kết thúc năm ngân sách, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao được cơ quan có thẩm quyền công nhận, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thấp hơn dự toán kinh phí được giao đầu năm để thực hiện chế độ tự chủ thì phần kinh phí chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm được. Tuy nhiên, trong quá trình xác định cần lưu ý một số nội dung sau:

- Khoản kinh phí được giao nhưng chưa hoàn thành công việc trong năm phải chuyển sang năm sau để hoàn thành việc đó, không được xác định là kinh phí hành chính tiết kiệm được.

- Các cơ quan, đơn vị đã bố trí kinh phí tự chủ để thực hiện nhiệm vụ nhưng sau đó lại nhận được các nguồn huy động, tài trợ, viện trợ,...để thay thế cho kinh phí ngân sách nhà nước cấp thì nguồn thay thế đó không được coi là kinh phí tiết kiệm được. Chỉ coi là kinh phí tiết kiệm được khi số thực hiện thấp hơn số dự toán đầu năm được duyệt trong điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Các đơn vị thực hiện chế độ tự chủ không đảm bảo dự toán được giao đầu năm (trừ trường hợp do bổ sung biên chế, do điều chỉnh nhiệm vụ, bổ sung tăng lương, thay đổi định mức phân bổ dự toán) mà xin bổ sung kinh phí hoạt động thì đơn vị đó cuối năm không được sử dụng nguồn kinh phí còn thừa để chi tăng thu nhập cho cán bộ công chức và phải hoàn trả lại kinh phí còn thừa trên cho ngân sách nhà nước.

- Đối với các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, quà biếu, cho, tặng và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật thì thực hiện sử dụng theo đúng nội dung của tổ chức, cá nhân đã tài trợ. Không được sử dụng các nguồn vốn này để chi cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức.

- Nguồn kinh phí đã bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương trong năm nếu vì lý do một lý nào đó mà sử dụng không hết thì được chuyển sang năm sau để thực hiện nhiệm vụ chi cải cách tiền lương, không được xác định là nguồn kinh phí tiết kiệm được để chi tăng thu nhập.

- Nghiêm cấm các đơn vị sử dụng nguồn kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ để chi tăng thu nhập cho cán bộ công chức trong đơn vị.

2.3.2. Đối với UBND các xã, phường, thị trấn

Ngoài việc vận dụng các nguyên tắc để xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được như đã nêu trên, do đặc thù của các xã, phường, thị trấn là một cấp ngân sách vừa là đơn vị sử dụng ngân sách nên việc xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được cần phải dựa trên các tiêu chí riêng như sau:

- Hoàn thành các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước như: các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí để cân đối nhiệm vụ chi ngân sách phải đạt 100% trở lên so với dự toán do cấp có thẩm quyền giao đầu năm.

- Tùy theo khả năng của ngân sách để cân đối thực hiện các nhiệm vụ chi, nhưng đối với các khoản chi sự nghiệp phải đảm bảo mức chi cả năm không có sự nghiệp nào đạt dưới 90%.

- Chỉ xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được trên tổng số chi quản lý hành chính thực hiện so với dự toán giao đầu năm với điều kiện không được sử dụng các nguồn kinh phí để bổ sung kinh phí hoạt động ngoài dự toán Hội đồng nhân dân cấp xã giao đầu năm như: vượt thu ngân sách, nguồn chi khác, nguồn dự phòng và các nguồn khác (trừ trường hợp quy định tại điểm 1 khoản II văn bản này).

- Nghiêm cấm việc sử dụng nguồn kết dư ngân sách, vượt thu ngân sách và các nguồn khác để chi bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ công chức.

Việc xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được để chi bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ công chức không đúng quy định tại văn bản này thì phải thu hồi nộp trả cho ngân sách nhà nước hoặc giảm trừ vào dự toán năm sau.

2.4. Sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm được

- Kinh phí tiết kiệm được sử dụng cho các nội dung sau:

+ Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức theo hệ số tăng thêm quỹ tiền lương nhưng tối đa không quá 01 lần so với lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định đối với các đơn vị quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp do ngân sách bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động, được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm nhưng tối đa không quá 02 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm do nhà nước quy định sau khi đã thực hiện trích lập các quỹ; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sau khi đã thực hiện trích lập các quỹ theo quy định.

+ Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích.

+ Chi cho các hoạt động phúc lợi trong cơ quan.

+ Chi trợ cấp khó khăn và chi hỗ trợ tinh giản biên chế.

+ Chi lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

- Thủ trưởng đơn vị thực hiện chế độ tự chủ quyết định việc sử dụng kinh phí tiết kiệm theo các nội dung trên sau khi thống nhất với công đoàn đơn vị và được công khai trong toàn đơn vị .

- Cuối năm kinh phí tiết kiệm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

2.5. Chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức

- Trả thu nhập tăng thêm: Việc chi trả thu nhập tăng thêm cho từng CBCC trong cơ quan phải bảo đảm nguyên tác gắn chất lượng với hiệu quả công việc; người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập cao hơn. Mức chi do Thủ trưởng đơn vị quyết định sau khi thống nhất ý kiến với công đoàn đơn vị.

- Tạm chi trước thu nhập tăng thêm: Căn cứ kết quả hoạt động trong quý, năm của đơn vị; nhằm động viên kịp thời cán bộ công chức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, căn cứ vào số kinh phí có thể tiết kiệm Thủ trưởng đơn vị được quyết định tạm chi trước thu nhập tăng thêm (ngày lễ, tết,...) cho cán bộ công chức trong đơn vị. Mức tạm chi hàng quý tối đa không quá 60% số kinh phí có thể tiết kiệm được một quý, năm (đối với các đơn vị quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp do nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động); không quá 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi được xác định theo quý (đối với các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động và các đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động).

Sau khi quyết toán năm được cơ quan tài chính thẩm định và xác định được chính xác số chênh lệch thu lớn hơn chi, Thủ trưởng đơn vị thực hiện chi trả tiếp thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trường hợp đơn vị đã tạm chi vượt quá số kinh phí đơn vị tiết kiệm được thì phải khấu trừ vào dự toán chi năm sau của đơn vị.

III. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc hướng dẫn thực hiện chế độ tự chủ

1. Trách nhiệm của UBND cấp huyện

- Ban hành các tiêu chí cơ bản để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị thực hiện chế độ tự chủ như đã nêu tại điểm 2 Mục III của văn bản này.

- Chỉ đạo cơ quan tài chính kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chế độ tự chủ của các đơn vị trực thuộc. Hàng năm phải tổ chức sơ kết để đánh giá tình hình thực hiện chế độ tự chủ tại địa phương mình để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoặc xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Kết thúc năm ngân sách chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh và Sở Tài chính về tình hình thực hiện chế độ tự chủ của các đơn vị trực thuộc. Đề xuất với cơ quan quản lý tài chính cấp trên và một số cơ quan có liên quan tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện chế độ tự chủ.

2. Trách nhiệm của Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố

- Thẩm định quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công của các đơn vị trực thuộc và có ý kiến bằng văn bản gửi đơn vị dự toán trực thuộc, Kho bạc nhà nước để kiểm soát chi. Trường hợp quy chế chi tiêu nội bộ do đơn vị xây dựng vượt quá chế độ, định mức tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì cơ quan tài chính có trách nhiệm yêu cầu cơ quan ban hành quy chế chi tiêu nội bộ điều chỉnh lại cho phù hợp.

(Mẫu Thông báo thẩm tra Quy chế theo mẫu số 02 đính kèm)

- Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện chế độ tự chủ theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Sở Tài chính. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện cơ quan, đơn vị nào xác định kinh phí tiết kiệm được không đúng theo quy định tại văn bản này thì yêu cầu đơn vị thu hồi nộp trả cho ngân sách nhà nước hoặc thu hồi bằng hình thức giảm trừ dự toán chi thường xuyên năm sau (phần kinh phí thực hiện chế độ tự chủ).

- Tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành các tiêu chí cơ bản để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị thực hiện chế độ tự chủ, trong đó phải có các tiêu chí đánh giá như sau:

+ Khối lượng, chất lượng công việc thực hiện

+ Thời gian giải quyết công việc

+ Chế độ thông tin, báo cáo

+ Tình hình chấp hành chính sách, chế độ và quy định về tài chính

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tự chủ của các đơn vị trực thuộc. Có biện pháp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoặc xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện chế độ tự chủ về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của cơ quan quản lý tài chính cấp trên đối với các đơn vị trực thuộc về Sở Tài chính. Đề xuất với cơ quan quản lý tài chính cấp trên và một số cơ quan có liên quan tháo gỡ những khó khăn trong qúa trình thực hiện chế độ tự chủ.

3. Trách nhiệm của cơ quan thực hiện chế độ tự chủ

- Thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý tài chính cấp trên về các quyết định của mình trong việc quản lý, sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính được giao.

- Thực hiện các biện pháp tiết kiệm trong việc sử dụng biên chế và kinh phí được giao; ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, tổ chức thảo luận dân chủ, thống nhất trong cơ quan nhằm thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, công khai tài chính trong việc quản lý và sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính trong cơ quan, tạo điều kiện cho Công đoàn, CBCC đơn vị được tham gia thực hiện và giám sát thực hiện chế tự chủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Sở Tài chính.

- Hàng năm báo cáo cơ quan quản lý cấp trên quản lý trực tiếp kết quả thực hiện chế độ tự chủ của đơn vị mình.

4. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước

- Thực hiện việc kiểm soát chi theo đúng quy định hiện hành. Được quyền từ chối thanh toán các khoản chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định hiện hành; sử dụng nguồn kinh phí không đúng mục đích, thủ tục hồ sơ thanh toán không đúng quy định kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

- Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng công quỹ chi chi quà biếu, quà tặng, tổ chức hội nghị, tiếp khách, chi tiền thưởng,...không đúng quy định; kiên quyết không thanh toán, quyết toán các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng.

Trên đây là hướng dẫn của Sở Tài chính về việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công và cách xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được để chi trả thu nhập tăng thêm. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ảnh về Sở Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./-

 

 

Nơi nhận:
- Như trên (thực hiện);
- UBND các H, TX, TP (chỉ đạo);
- KBNN các H,TX,TP (phối hợp);
- Ban Giám đốc;
- Phòng NS (2), T.Tra, HCSN;
- Lưu VT.

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Yên

 

Mẫu số 01

HƯỚNG DẪN

Nội dung xây dựng quy chế chi tiêu nội bô, quy chế quản lý và sử dụng tài sản của các cơ quan

Chương I: Quy định chung

Điều 1. Mục đích, nguyên tắc và căn cứ để xây dựng quy chế

1. Mục đích xây dựng quy chế

- Tạo quyền chủ động trong quản lý và chi tiêu tài chính cho thủ trưởng cơ quan;

- Tạo quyền chủ động cho cán bộ, công chức trong cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ;

- Là căn cứ để quản lý, thanh toán các khoản chi tiêu trong đơn vị, thực hiện kiểm soát của Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo quy định;

- Sử dụng tài sản công đúng mục đích, có hiệu quả;

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu;

- Công bằng trong đơn vị; khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, thu hút và giữ được những người có năng lực trong đơn vị.

2. Nguyên tắc xây dựng quy chế

- Không được vượt quá chế độ chi hiện hành do cơ quan có thầm quyền quy định;

- Phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị;

- Phải đảm bảo cho cơ quan và cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động;

- Mọi việc chi tiêu phải đảm bảo có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp;

- Phải được thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong cơ quan;

- Phải có ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn đơn vị bằng văn bản.

3. Căn cứ để xây dựng quy chế

- Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tài chính hiện hành của nhà nước và UBND tỉnh quy định.

- Căn cứ tình hình thực hiện qua các năm về chi tiêu và sử dụng tài sản tại cơ quan;

- Căn cứ vào chương trình, kế hoạch các nhiệm vụ được giao trong năm;

- Dự toán chi ngân sách được giao thực hiện chế độ tự chủ.

Điều 2. Đối tượng thực hiện: là toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị

Chương II: Quy chế chi tiêu nội bộ

Điều 3. Mua và sử dụng văn phòng phẩm

- Căn cứ mức sử dụng văn phòng phẩm (bút viết, bút phủ, giấy phô tô, mực in, mực máy photocoppy, cặp đựng tài liệu...) của từng chức danh công chức hoặc của từng Phòng, ban.... chuyên môn để xác định mức khoán bằng hiện vật cho phù hợp.

- Cơ quan có thể xây dựng mức khoán sử dụng văn phòng phẩm cho từng Phòng, Ban trong đơn vị, quy định thời gian sử dụng, cấp mới đối với một số loại văn phòng phẩm.

Điều 4. Sử dụng ô tô phục vụ công tác

Căn cứ quy định tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô và quản lý, sử dụng phương tiên đi lại tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước, đơn vị xây dựng quy chế quy định cụ thể các đối tượng được sử dụng xe ôtô, không được sử dụng xe ôtô công phục vụ cho nhu cầu của cá nhân. Quy định cụ thể việc xử lý đối với các trường hợp sử dụng xe ôtô không đúng quy định.

Điều 5. Sử dụng điện thoại

- Về sử dụng điện thoại tại công sở:

Căn cứ thực tế cước phí sử dụng điện thoại tại cơ quan trong 1-2 năm trước để xây dựng mức khoán kinh phí thanh toán cước sử dụng điện thoại tại cơ quan cho phù hợp với từng đầu máy điện thoại hoặc theo từng đơn vị (Phòng, ban.....).

- Về sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động:

Căn cứ quy định của nhà nước và của UBND Tỉnh về tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng của các cơ quan, đơn vị quy định cụ thể đối tượng được trang bị, mức khoán thanh toán cước phí sử dụng điện thoại hàng tháng bằng hoặc thấp hơn mức quy định của nhà nước và UBND tỉnh; quy định về việc thanh toán chi phí sửa chữa, thay thế điện thoại...

Điều 6. Sử dụng điện, nước trong cơ quan

- Đối với việc sử dụng điện: Đơn vị xây dựng quy chế quy định việc sử dụng điều hòa nhiệt độ, điện thắp sáng trong cơ quan, không được sử dụng điện cho nhu cầu cá nhân. Quy định về quản lý, sử dụng điện của từng Phòng, ban, bộ phận; chế độ bảo quản, sử dụng đồ điện của cơ quan.

- Đối với việc sử dụng nước: Đơn vị xây dựng quy chế quy định về việc sử dụng nước trong cơ quan, không được sử dụng nước cho nhu cầu cá nhân.

Điều 7. Về chế độ công tác phí

Căn cứ vào chế độ quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính, Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 23/8/2007 của UBND Tỉnh quy định về chế độ công tác phí, hội nghị phí đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động và đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn theo quy định. Trong đó phải quy định rõ:

- Quy định về đi công tác

- Quy định về tạm ứng và thanh toán chi phí phục vụ công tác

- Quy định về khoán công tác phí

- Quy định về thanh toán phụ cấp cho cán bộ, công chức đi công tác

- Quy định về thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác

Điều 8. Mua và sử dụng sách, báo, tạp chí

Trong quy chế cần quy định cụ thể về mua và sử dụng sách, báo, tạp chí phục vụ công tác chuyên môn cho Thủ trưởng đơn vị và các bộ phận, phòng ban với tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều 9. Quy định về thanh toán chế độ đi học

Cán bộ, công chức được cử đi học phải là đối tượng thuộc diện kế hoạch đào tạo của cơ quan; chỉ đạo tạo những kiến thức phù hợp với nhiệm vụ được phân công và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của nhà nước.

Sau một đợt học phải tập hợp đầy đủ các chứng từ, giấy tờ liên quan chuyển kế toán thanh toán theo quy định. Thời gian học kết thúc (mỗi đợt học) trong năm nào thì phải làm thanh toán ngay trong năm đó.

Điều 10. Chi tiêu hội nghị và tiếp khách

- Đối với chế độ chi hội nghị: Căn cứ vào chế độ quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính, Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 23/8/2007 của UBND Tỉnh quy định về chế độ công tác phí, hội nghị phí đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp.

- Đối với chế độ chi tiếp khách: Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính và Quyết định số 58/2007/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh để quy định trong quy chế cho phù hợp và phải lập phiếu báo khách đến (tên đoàn khách, số người, thành phần...) trình lãnh đạo cơ quan. Trường hợp khách đến đột xuất phải xin ý kiến của Lãnh đạo cơ quan về các khoản tiếp khách. Tổ chức tiếp đón trên tinh thần triệt để tiết kiệm.

Điều 11. Sử dụng từ nguồn kinh phí tự chủ cho các hoạt động phong trào của cơ quan

Tùy theo điều kiện cụ thể của từng năm, cơ quan dành một khoản kinh phí (từ 1% - 3%) trên tổng số kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ từ nguồn ngân sách cấp để phục vụ cho hoạt động phong trào của cơ quan. Nguồn kinh phí này được quản lý và sử dụng theo chế độ quy định về chứng từ thanh toán.

Chương III: Quản lý và sử dụng tài sản công

Điều 12. Việc quản lý và sử dụng xe ôtô cơ quan

- Định kỳ hàng năm phải xác định định mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp của từng loại xe.

- Xe chỉ được khởi hành khi có lệnh điều xe của cơ quan

- Chỉ sử dụng xe phục vụ cho công việc chung của cơ quan, không được sử dụng xe phục vụ riêng cho nhu cầu của cá nhân.

- Văn phòng và lái xe mở sổ ghi chép, theo dõi lịch trình đi công tác của từng chuyến đi, từng xe. Cuối mỗi tháng kế toán cùng lái xe ghi số công tơ mét (km) của từng xe để làm cơ sở thanh toán kinh phí.

Điều 13. Quản lý, sử dụng máy vi tính, máy photocopy và máy fax

- Đối với máy vi tính:

- Đối với máy photocopy, máy fax:

Điều 14. Việc mua sắm và sửa chữa tài sản nhà nước của cơ quan

- Về nguyên tắc chỉ mua những tài sản phục vụ cho hoạt động của cơ quan và nhu cầu công tác chuyên môn đã có trong dự toán được duyệt. Thủ tục và trình tự mua sắm thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

- Về sửa chữa tài sản cố định: Dù sửa chữa thường xuyên hay sửa chữa lớn đều phải tuân thủ đúng trình tự và thủ tục quy định:

+ Bộ phận sử dụng trực tiếp lập phiếu báo gửi bộ phận kế toán, tài vụ hoặc văn phòng để xin sửa chữa

+ Bộ phận kế toán hoặc văn phòng cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra và trình Thủ trưởng cơ quan phê duyệt.

Điều 15. Kiểm kê, điều động, nhượng bán, thanh lý tài sản cố định của cơ quan thực hiện đúng theo quy định hiện hành của nhà nước.

Chương IV: Sử dụng kinh phí tự chủ của cơ quan

Điều 16. Kinh phí tự chủ của cơ quan

Kinh phí tự chủ của cơ quan bao gồm các nguồn sau:

- Kinh phí tự chủ do ngân sách cấp hàng năm

- Các khoản thu phí, lệ phí và thu khác do thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được phép thu theo quy định của pháp luật (bao gồm cả các khoản tiền hoa hồng, chiết khấu thanh toán được hưởng).

Điều 17. Sử dụng kinh phí tự chủ của cơ quan

Kinh phí tự chủ của cơ quan ngoài việc quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật và chương II của quy chế này thì được quy định chi tiết đối với một số nội dung tại Điều 18, 19, 20 sau đây.

Điều 18. Sử dụng các khoản thu phí, lệ phí và thu khác của cơ quan

Tất cả các khoản thu phí, lệ phí và thu khác do thực hiện nhiệm vụ của cơ quan được phép thu theo quy định của pháp luật sau khi trích nộp ngân sách theo đúng chế độ quy định (nếu có). Số còn lại được quản lý và sử dụng như sau:

- Trích theo tỷ lệ quy định để bổ sung nguồn làm lương theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.

- Số còn lại sau khi thanh toán các khoản chi phí phục vụ công tác thu, còn lại bổ sung nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.

Kế toán đơn vị có nhiệm vụ mở sổ sách theo dõi chi tiết các khoản thu theo từng bộ phận chuyên môn để kiểm tra đề xuất chi và hạch toán kế toán theo đúng quy định.

Điều 19. Sử dụng kinh phí tự chủ tiết kiệm được

Tổng số kinh phí tiết kiệm được được phân bổ như sau:

- Trích lập quỹ khen thưởng tối đa không quá 10% trên tổng số kinh phí tiết kiệm được để chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích

- Trích lập quỹ phúc lợi tối đa không quá 10% trên tổng số kinh phí tiết kiệm được để chi cho việc trợ cấp khó khăn đột xuất, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ (kể cả những người đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức). Khi phát sinh nhu cầu, Ban chấp hành công đoàn cơ quan làm văn bản đề nghị Thủ trưởng cơ quan xem xét phê duyệt.

- Trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập tối đa không quá 10% trên tổng số kinh phí tiết kiệm được nhằm mục đích ổn định thu nhập của cán bộ công chức trong những năm tiếp theo.

- Trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (đối với các đơn vị sự nghiệp công lập) không khống chế mức trích tối thiểu 25% trên tổng số kinh phí tiết kiệm được.

- Số kinh phí tiết kiệm được còn lại (sau khi trừ đi số đã trích các quỹ) dùng để chi bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ công chức.

Điều 20. Căn cứ và phương pháp tính bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ công chức

1. Căn cứ tính toán:

- Căn cứ quỹ tiền lương, tiền công được phép trả tăng thêm tối đa trong năm;

- Căn cứ vào hệ số lương và phụ cấp lương (không bao gồm phụ cấp chức vụ);

- Căn cứ chức danh cán bộ;

- Căn cứ hiệu suất công tác của từng cán bộ, công chức được phân loại theo cấp độ thành tích công tác A, B và C.

Tổng số tiền bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tối đa không quá 1,0 (một) lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ (đối với các đơn vị quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động); đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động, được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm nhưng tối đa không quá 02 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm do nhà nước quy định sau khi đã thực hiện trích lập các quỹ; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sau khi đã thực hiện trích lập các quỹ theo quy định.

2. Phương pháp tính toán:

a. Tổng số tiền được bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ, công chức (bằng số kinh phí tiết kiệm được còn lại sau khi đã trích lập các quỹ) được coi là 100% tổng số tiền được bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ, công chức chia (:) cho tổng hệ số lương và phụ cấp (phụ cấp chức vụ, khu vực, thâm niên vượt khung nếu có) theo cấp độ thành tích của toàn cơ quan nhân (x) với hệ số lương và phụ cấp nêu trên của từng cán bộ, công chức theo cấp độ thành tích.

Công thức cụ thể như sau:

Tổng số tiền chi tăng thu nhập cho CBCC

=

Số KP phí tiết kiệm được sau khi đã trích lập các quỹ

x

Hệ số lương và phụ cấp của từng CBCC theo cấp độ thành tích

Tổng hệ số lương và phụ cấp theo cấp độ thành tích

Ví dụ: Trong năm 2007, tổng hệ số lương và phụ cấp (chức vụ, khu vực, tham niên vượt khung) của đơn vị X như sau:

STT

Họ và tên

Hệ số lương

HS phụ cấp

Tổng cộng

1

Nguyễn Văn A

3,99

0,6

4,59

2

Nguyễn Văn B

4,32

0,4

4,72

Cộng

8,31

1,0

9,31

Cuối năm 2007 căn cứ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao Ông Nguyễn Văn A được đánh giá Loại A, Ông Nguyễn Văn B được đánh giá Loại C.

Tổng số kinh phí tiết kiệm được trong năm 2007 của đơn vị X (sau khi đã trích lập các quỹ) là 20 triệu đồng.

* Cách tính thu nhập tăng thêm cho từng CBCC của đơn vị X như sau:

Hệ số lương và phụ cấp của từng cán bộ công chức theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ như sau: Ông Nguyễn Văn A cuối năm được đánh giá là Loại A do vậy hệ số lương và phụ cấp của Ông A để tính thu nhập tăng thêm là (4,59 x 100% = 4,59); Ông Nguyễn Văn B cuối năm được đánh giá là Loại C do vậy hệ số lương và phụ cấp để tính thu nhập tăng thêm của Ông B là (4,72 x 80% = 3,776).

Tổng số tiền chi tăng thu nhập cho Ong Nguyễn Văn A

=

20.000.000

x

4,59

=

10.972.986 đồng

8,366

 

Tổng số tiền chi tăng thu nhập cho Ong Nguyễn Văn B

=

20.000.000

x

3,776

=

9.027.014 đồng

8,366

b. Về cấp độ thành tích: Cấp độ thành tích công tác của cán bộ, công chức được bình xét và phân loại vào cuối năm và được hội đồng Thi đua khen thưởng cấp huyện khen thưởng; cán bộ công chức được cử đi học ngắn hạn hoặc dài hạn, cấp độ thành tích trong thời gian được cử đi học căn cứ vào kết quả học tập, cụ thể là:

- Loại A: Cán bộ, công chức đạt từ danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở trở lên hoặc có kết quả học tập đạt loại giỏi thì được hưởng bằng 100% số tiền thu nhập tăng thêm được hưởng tại điểm a khoản 2 điều 20 Quy chế này.

- Loại B: Cán bộ, công chức đạt từ danh hiệu lao động tiên tiến hoặc có kết quả học tập đạt loại khá thì được hưởng bằng 90% số tiền thu nhập tăng thêm được hưởng tại điểm a khoản 2 điều 20 Quy chế này.

- Loại C: Cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có kết quả học tập đạt loại trung bình thì được hưởng bằng 80% số tiền thu nhập tăng thêm được hưởng tại điểm a khoản 2 điều 20 Quy chế này.

Cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao (bao gồm cả kết quả học tập dưới trung bình) thì không được tính thu nhập tăng thêm từ kinh phí tiết kiệm được.

Điều 21. Chi tạm ứng trước thu nhập tăng thêm

Vào những dịp lễ, tết hoặc hàng quý, để động viên cán bộ công chức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; căn cứ tình hình thực hiện của quý trước, nếu xét thấy cơ quan có khả năng tiết kiệm được kinh phí; Thủ trưởng cơ quan căn cứ vào số kinh phí có thể tiết kiệm được để quyết định tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức trong cơ quan. Mức tạm chi không quá 60% quỹ tiền lương một quý của cơ quan (đối với các đơn vị quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp do nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động); không quá 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi được xác định theo quý (đối với các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động và các đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động).

Điều 22. Quy định việc xử lý vi phạm và giải quyết các trường hợp đặc biệt khi sử dụng vượt mức khoán

1. Căn cứ vào các mức khoán chi trong quy chế chi tiêu nội bộ đã khoán cho cá nhân hoặc các Phòng, ban; cuối tháng hoặc cuối quý, trên cơ sở kết quả thực hiện:

- Nếu vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ có liên quan đến các lĩnh vực đã có quy định của nhà nước thì xử lý theo quy định hiện hành.

- Nếu vi phạm vượt định mức quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ đối với những lĩnh vực chưa có quy định của nhà nước thì đơn vị phải chịu trách nhiệm xử lý hoặc phải trừ vào kinh phí tiết kiệm năm sau.

2. Quy định các trường hợp sử dụng vượt mức giao khoán thì được xem xét bổ sung thêm mức giao khoán, cấp duyệt bổ sung mức giao khoán; các trường hợp vượt phải thu hồi từ cá nhân nộp lại công quỹ; trường hợp vượt mức phải giảm trừ tiết kiệm năm sau.

Chương V: Tổ chức thực hiện

Điều 23. Tất cả cán bộ, công chức của cơ quan có trách nhiệm thực hiện quy chế này, các bộ phận chuyên môn đưa nội dung quy chế này vào sinh hoạt định kỳ, thường xuyên nhắc nhở để cán bộ, công chức thực hiện tốt.

Giao cho đồng chí Kế toán trưởng phối hợp với Ban chấp hành công đoàn (Ban thanh tra nhân dân) theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế. Việc chấp hành tốt quy chế này là một trong những tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng của các tập thể và cá nhân hàng năm.

Thủ trưởng và kế toán đơn vị có trách nhiệm thực hiện tốt kế hoạch chi tiêu được duyệt, hàng tháng kế toán phải lập báo cáo sử dụng kinh phí gửi Thủ trưởng đơn vị để điều hành; hàng năm lập báo cáo công khai tài chính và kinh phí tiết kiệm được trước hội nghị cán bộ, công chức.

Điều 24. Trong quá trình tổ chức thực hiện quy chế nếu có những vấn đề nào chưa phù hợp với tình hình thực tế hoặc do chế độ, chính sách của nhà nước có điều chỉnh bổ sung thì giao cho kế toán đơn vị tập hợp ý kiến của cán bộ công chức tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị xem xét và thông qua hội nghị cán bộ, công chức hàng năm.

 

Mẫu số 02

UBND HUYỆN.................
PHÒNG TÀI CHÍNH - KH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /TB-TCKH-NS

Đà Lạt, ngày     tháng      năm 2008

 

 

THÔNG BÁO

Về kết quả thẩm tra quy chế chi tiêu nội bộ của Phòng………….

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm.........; Căn cứ Thông tư số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/01/2006 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ; Căn cứ Thông tư số 71/2007/TTLT-BTC-BNV ngày 17/12/2007 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/01/2006 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ;

Hoặc: Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm..........; Căn cứ Thông tư số 43/2006/NĐ-CP">71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Căn cứ Thông tư số 113/2007/TT-BTC ngày 24/9/2007 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2006/NĐ-CP">71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính;

Sau khi xem xét quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công của Phòng..........., Về cơ bản thống nhất theo những nội dung đã quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công của đơn vị. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị và phù hợp với chế độ, định mức, tiêu chuẩn quy định hiện hành của Nhà nước, trong quy chế chi tiêu nội bộ cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung một nội dung như sau:

- Về bố cục của quy chế: (Đã phù hợp và đầy đủ những nội dung chưa?)

- Về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã quy định trong Quy chế: (Nêu lên những điểm chưa phù hợp)

- Về quản lý tài sản tại đơn vị: (Đã quy định đầy đủ chưa, còn điểm nào chưa được bổ sung)

- Về căn cứ và phương pháp tính toán để chi tăng thu nhập cho cán bộ công chức.

Yêu cầu đơn vị căn cứ vào những nội dung trên đây để điều chỉnh, bổ sung vào trong Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế; chế độ, định mức, tiêu chuẩn quy định hiện hành của Nhà nước và gửi Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính làm căn cứ để kiểm soát chi và giám sát việc thực hiện của đơn vị./-

 

Nơi nhận:
- UBND huyện (báo cáo);
- Phòng........ (thực hiện);
- KBNN ....... (Kiểm soát chi);
- Lãnh đạo Phòng;
- Bộ phận Ngân sách;
- Lưu VT.

TRƯỞNG PHÒNG




Nguyễn Văn A

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 1329/STC-NS

Loại văn bản Công văn
Số hiệu 1329/STC-NS
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 07/08/2007
Ngày hiệu lực 07/08/2007
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lực Không xác định
Cập nhật 18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Công văn 1329/STC-NS

Lược đồ Công văn 1329/STC-NS quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Công văn 1329/STC-NS quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công
Loại văn bản Công văn
Số hiệu 1329/STC-NS
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Văn Yên
Ngày ban hành 07/08/2007
Ngày hiệu lực 07/08/2007
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lực Không xác định
Cập nhật 18 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản được căn cứ

Văn bản hợp nhất

Văn bản gốc Công văn 1329/STC-NS quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công

Lịch sử hiệu lực Công văn 1329/STC-NS quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công

  • 07/08/2007

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 07/08/2007

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực