Nội dung toàn văn Công văn 1377/BNV-CTTN 2014 chọn trí thức trẻ tình nguyện về xã phát triển nông thôn miền núi 2013 2020
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1377/BNV-CTTN | Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2014 |
Kính gửi: | …………………………………………………………….. |
Thực hiện Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020; căn cứ Quyết định số 1152/QĐ-BNV ngày 22/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, để thực hiện tốt công tác tuyển chọn Đội viên Đề án, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc tuyển chọn trí thức trẻ tham gia Đề án (sau đây gọi tắt là ứng viên) như sau:
I. TIẾP NHẬN HỒ SƠ, TỔNG HỢP KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA ỨNG VIÊN
1. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ của ứng viên đăng ký tham gia Đề án.
a) Thành phần hồ sơ, địa điểm nhận hồ sơ thực hiện theo Thông báo số 890/TB-BNV ngày 18/3/2014 của Bộ Nội vụ về việc tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020;
b) Thời gian kết thúc nhận hồ sơ của ứng viên trước 30 ngày kể từ ngày tổ chức phỏng vấn tuyển chọn.
2. Phân loại hồ sơ đăng ký theo chức danh công chức xã và theo huyện nơi ứng viên đăng ký tình nguyện về công tác.
Sở Nội vụ các tỉnh có trách nhiệm đối chiếu với Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã Bộ Nội vụ để thống nhất chốt số lượng và danh sách ứng viên trước khi tổng hợp kết quả học tập trình Hội đồng tuyển chọn của tỉnh.
3. Tổng hợp kết quả học tập của ứng viên:
a) Đối với ứng viên học theo hệ niên chế điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập hệ đại học của ứng viên (bao gồm cả điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ đồ án, khóa luận). Kết quả học tập được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 1.
b) Đối với ứng viên học tập theo hệ tín chỉ kết quả học tập và tốt nghiệp được quy đổi theo thang điểm 100 như sau:
Điểm theo tín chỉ | Điểm quy đổi | ||
Điểm theo chữ | Điểm theo số | Thang điểm 10 | Thang điểm 100 |
A+ | 4,0 | Từ 9,0 đến 10 | Từ 90 đến 100 |
A | 4,0 | Từ 8,5 đến 8,9 | Từ 85 đến 89 |
B+ | 3,5 | Từ 8,0 đến 8,4 | Từ 80 đến 84 |
B | 3,0 | Từ 7,0 đến 7,9 | Từ 70 đến 79 |
C+ | 2,5 | Từ 6,5 đến 6,9 | Từ 65 đến 69 |
C | 2,0 | Từ 5,5 đến 6,4 | Từ 55 đến 64 |
D+ | 1,5 | Từ 5,0 đến 5,4 | Từ 50 đến 54 |
4. Lựa chọn danh sách ứng viên đủ điều kiện tham gia phỏng vấn
Trên cơ sở xét duyệt hồ sơ và tổng hợp kết quả học tập, Hội đồng tuyển chọn quyết định danh sách ứng viên đủ điều kiện tham gia phỏng vấn.
II. TỔ CHỨC PHỎNG VẤN TUYỂN CHỌN
1. Nội dung phỏng vấn
Hội đồng tuyển chọn trực tiếp hỏi, trao đổi và đối thoại với ứng viên để phát hiện, tuyển chọn được những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Đề án. Cụ thể như sau:
a) Kiểm tra nhận thức, hiểu biết chung của ứng viên về những vấn đề liên quan đến vị trí cần tuyển chọn gồm:
- Kiến thức chung về hệ thống chính trị ở cơ sở;
- Nhà nước và bộ máy nhà nước ở cơ sở;
- Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân xã;
- Nội dung quản lý nhà nước ở xã đối với lĩnh vực đăng ký tuyển chọn;
- Hiểu biết chung về tình hình kinh tế - xã hội của huyện nơi tình nguyện đến công tác.
b) Trao đổi để nắm được mục đích, lý tưởng, quyết tâm và khả năng khắc phục khó khăn khi tham gia Đề án của ứng viên gồm:
- Lý do ứng viên đăng ký tham gia Đề án (như để tìm việc làm hoặc có việc làm nhưng muốn thay đổi vị trí để phát huy năng lực chuyên môn, kinh nghiệm bản thân; muốn có cơ hội thăng tiến, hoặc muốn được trải nghiệm và cống hiến,...);
- Những trải nghiệm thực tế của ứng viên trước khi đăng ký tham gia Đề án (như đã có thời gian tham gia các đội tình nguyện ở những nơi khó khăn, gian khổ hoặc các hoạt động xã hội khác có tính chất tình nguyện khác,...cần nêu cụ thể chương trình, công việc đảm nhận và kết quả thu được);
- Sự sẵn sàng của ứng viên khi tham gia Đề án (như tinh thần xung kích, tình nguyện, khả năng vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ,...);
Đối với nội dung này người phỏng vấn cần nghiên cứu kỹ hồ sơ để đưa ra các câu hỏi phù hợp với từng ứng viên nhằm đánh giá và lựa chọn được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Đề án.
c) Kiểm tra hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm công tác của ứng viên gồm:
- Quá trình học tập, công tác của ứng viên;
- Điểm mạnh, điểm yếu, sở trường hoặc thành tích nổi bật của ứng viên;
- Các kỹ năng nổi trội của ứng viên (người phỏng vấn cần đưa ra các tình huống giả định mà ứng viên có thể gặp trong công việc của chức danh đăng ký tuyển chọn để ứng viên xử lý. Qua đó, phát hiện được tố chất, kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên);
d) Đánh giá tinh thần, thái độ và tác phong của ứng viên
Người phỏng vấn quan sát và nhận xét về tinh thần, thái độ và tác phong của ứng viên trong thời gian ứng viên tham gia phỏng vấn để cho điểm.
Căn cứ vào nội dung phỏng vấn nêu trên, Hội đồng tuyển chọn của các tỉnh xây dựng bộ câu hỏi phỏng vấn cho phù hợp với yêu cầu thực tế của từng địa phương.
2. Tổ chức phỏng vấn
a) Thông báo thời gian và địa điểm phỏng vấn:
- Hội đồng tuyển chọn thông báo bằng văn bản hoặc liên hệ theo địa chỉ e-mail, điện thoại ghi trên hồ sơ đăng ký để ứng viên biết được địa điểm và thời gian tổ chức phỏng vấn. Đồng thời, báo cáo về Bộ Nội vụ để chủ động cử công chức tham dự Hội nghị phỏng vấn và giám sát việc phỏng vấn tuyển chọn của tỉnh.
- Thời hạn thông báo cho ứng viên đăng ký dự tuyển ít nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức phỏng vấn.
b) Tổ chức Hội nghị phỏng vấn:
- Hội đồng tuyển chọn tổ chức Lễ khai mạc Hội nghị phỏng vấn với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo tỉnh, Hội đồng tuyển chọn, Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã Bộ Nội vụ, ứng viên và phóng viên báo, đài của địa phương.
- Nội dung khai mạc gồm các bước: chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, thông qua chương trình, công bố quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn, phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội đồng, phát biểu của đại diện Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã Bộ Nội vụ).
c) Phỏng vấn tuyển chọn:
- Bố trí các Tổ phỏng vấn, mỗi Tổ có ít nhất 03 thành viên. Trong đó, 01 thành viên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nơi ứng viên tình nguyện về công tác, 01 thành viên là người am hiểu chuyên môn của các chức danh công chức xã và 01 thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Kết thúc phỏng vấn đối với từng ứng viên, các thành viên trong Tổ trao đổi, thống nhất để cho điểm và chuyển kết quả cho Thư ký tổng hợp.
3. Tính điểm phỏng vấn
a) Điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100 và tính hệ số 1
b) Cơ cấu điểm phỏng vấn
Điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100. Cụ thể như sau:
- Về nhận thức và hiểu biết chung: | 20 điểm |
- Mục đích, lý tưởng, quyết tâm và khắc phục khó khăn: | 30 điểm |
- Về kinh nghiệm, kỹ năng và hiểu biết chuyên môn: | 40 điểm |
- Tinh thần, thái độ và tác phong: | 10 điểm |
c) Tiêu chí chấm điểm
- Đối với nhóm câu hỏi về nhận thức, hiểu biết chung của ứng viên cần dựa vào đáp án để cho điểm trên cơ sở kết quả trả lời của ứng viên.
- Đối với nhóm câu hỏi về mục đích, lý tưởng, quyết tâm và khả năng khắc phục khó khăn khi tham gia Đề án của ứng viên, việc cho điểm căn cứ vào kết quả trả lời của ứng viên gồm:
+ Xác định rõ mục đích tham gia Đề án;
+ Xác định rõ quyết tâm tình nguyện (như đã tìm hiểu điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đời sống và phong tục tập quán của người dân ở địa phương nơi tình nguyện đến công tác);
+ Từng tham gia các chương trình tình nguyện, hoạt động xã hội, từ thiện nhất là những chương trình có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Đã có thời gian sống, học tập và làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,...;
- Đối với nhóm câu hỏi mở liên quan đến kinh nghiệm, kỹ năng và hiểu biết chuyên môn, việc cho điểm dựa vào mức độ phù hợp của nhũng thông tin cá nhân mà ứng viên cung cấp so với yêu cầu công việc của vị trí công việc cần tuyển tại các huyện nghèo (như sự phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tham mưu, đề xuất).
- Đối với nhóm câu hỏi tình huống cho điểm dựa theo các tiêu chí sau:
+ Giải quyết tình huống hợp lý, khéo léo, thuyết phục;
+ Khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp trong thời gian ngắn;
+ Khả năng tư duy và sáng tạo trong giải quyết tình huống;
+ Khả năng phân tích và tổng hợp thông tin;
- Phần đánh giá hình thức, tác phong, cách ứng xử cho điểm dựa trên các tiêu chí sau:
+ Tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát;
+ Giao tiếp tự tin, khéo léo;
+ Có khả năng lắng nghe và thuyết phục được người phỏng vấn;
+ Thể chất tốt, diện mạo phù hợp.
Chỉ cho điểm tối đa với các ứng viên đáp ứng đủ các tiêu chí đặt ra.
d) Tổng hợp và xác định ứng viên đạt kết quả phỏng vấn:
- Hội đồng tuyển chọn tổng hợp kết quả phỏng vấn và báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn theo nguyên tắc bảo mật.
- Ứng viên đạt yêu cầu của phỏng vấn là những người có tổng số điểm của các nhóm câu hỏi từ 50 điểm trở lên.
Để bảo đảm nguyên tắc tuyển đến đâu, tổ chức bồi dưỡng và bố trí cho Đội viên Đề án về xã công tác đến đó, Bộ Nội vụ quy định thời gian tổ chức tuyển chọn Đội viên của các tỉnh như sau:
4. Xác định người đạt kết quả tuyển chọn
Người đạt kết quả tuyển chọn phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có điểm phỏng vấn đạt từ 50 điểm trở lên;
b) Có điểm xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển chọn Đội viên của từng huyện và tỉnh.
Trường hợp ở một vị trí cần tuyển có từ 02 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau thì người có kết quả điểm học tập cao hơn là người trúng tuyển; nếu kết quả điểm học tập bằng nhau thì người có điểm phỏng vấn cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn chưa xác định được người trúng tuyển thì Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên sau: Giới tính nữ, người có hộ khẩu thường trú ở huyện nơi tình nguyện đến công tác.
5. Thời gian tổ chức phỏng vấn
Để bảo đảm nguyên tắc tuyển đến đâu, tổ chức bồi dưỡng và bố trí cho Đội viên về xã công tác đến đó, Bộ Nội vụ thống nhất thời gian tổ chức phỏng vấn tuyển chọn của các tỉnh như sau:
a) Tháng 6 năm 2014 gồm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi;
b) Tháng 7 năm 2014 gồm các tỉnh Kiên Giang, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu;
c) Tháng 8 năm 2014 gồm các tỉnh Hòa Bình, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa;
d) Tháng 9 năm 2014 gồm các tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Kon Tum, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Lâm Đồng;
đ) Tháng 10 năm 2014 gồm các tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên, tỉnh Sơn La và tỉnh Lào Cai;
e) Tháng 11 năm 2014 gồm các tỉnh Hà Giang, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Yên Bái, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ.
g) Tháng 12 năm 2014 gồm các tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị.
III. HOÀN THIỆN HỒ SƠ KẾT QUẢ TUYỂN CHỌN ĐỀ NGHỊ BỘ NỘI VỤ THẨM ĐỊNH
1. Hội đồng tuyển chọn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả tuyển chọn.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án có trách nhiệm gửi kết quả tuyển chọn về Bộ Nội vụ để thẩm định.
3. Bộ Nội vụ thành lập Hội đồng thẩm định và thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh danh sách những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Đội viên của Đề án. Hồ sơ thẩm định gồm:
a) Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thẩm định kết quả tuyển chọn Đội viên;
b) Báo cáo kết quả tuyển chọn Đội viên của Hội đồng tuyển chọn;
c) Danh sách ứng viên đạt kết quả tuyển chọn đề nghị thẩm định;
d) Danh sách ứng viên tham gia phỏng vấn tuyển chọn Đội viên;
đ) Danh sách ứng viên đăng ký tham gia Đề án.
e) Hồ sơ của các ứng viên tham gia tuyển chọn.
Bộ Nội vụ chỉ thẩm định và công nhận kết quả tuyển chọn của ứng viên đã có hồ sơ nộp tại Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ theo danh sách đã thống nhất với Bộ Nội vụ trước khi tổ chức tuyển chọn.
Trên đây là thời gian tuyển chọn và phương pháp tuyển chọn ứng viên tham gia Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh căn cứ hướng dẫn này để xây dựng kế hoạch tuyển chọn cho phù hợp với tiến độ thực hiện Đề án và tình hình thực tế của địa phương./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |