Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK

Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 do Tổng cục Quản lý đất đai ban hành

Nội dung toàn văn Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê đất đai xây dựng bản


BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRUỜNG
TỔNG CỤC QUẢN LÝ
ĐẤT ĐAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK
V/v hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010.

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2009

 

Kính gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Chỉ thị số 618/CT-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 (sau đây gọi chung là kiểm kê đất đai năm 2010 theo Chỉ thị số 618/CT-TTg) Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn thực hiện kiểm kê đất đai năm 2010 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI NĂM 2010

Việc kiểm kê đất đai năm 2010 phải xác định được hiện trạng diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính, hiện trạng quỹ đất đang quản lý, sử dụng, quỹ đất đã đưa vào sử dụng nhưng còn để hoang hoá, quỹ đất chưa sử dụng; đánh giá đúng thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất, tình hình biến động đất đai, tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; tình hình thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất.

Đất đai được kiểm kê về số lượng (diện tích) đến từng loại đất, theo các nhóm đối tượng sử dụng (người sử dụng) và theo nhóm đối tượng quản lý trong từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chnug là xã); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là huyện); tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh); các vùng địa lý tự nhiên - kinh tế và cả nước đến ngày 01/01/2010. Trong đó xã là đơn vị cơ bản để tiến hành việc kiểm kê ; huyện, tỉnh, vùng địa lý tự nhiên - kinh tế, cả nước là đơn vị tổng hợp số liệu kiểm kê.

Kết quả kiểm kê đất đai được thể hiện trong bảng số liệu, trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất (dạng giấy và dạng số) trên địa bàn từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng địa lý tự nhiên - kinh tế và cả nước. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 các cấp xã, huyện, tỉnh của mỗi tỉnh, thành phố được lập theo một cơ sở toán học thống nhất theo hệ tọa độ VN-2000, múi chiếu 30, kinh tuyến trục được qui định cụ thể cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được qui định tại phụ lục 1 của Qui định về thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất ban hành kèm theo Quyết định số 22/2007/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi là Qui định thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất) và phụ lục 1b của Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000, 1:10000 ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 (các biểu kiểm kê, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ tài liệu) đều phải thực hiện ở dạng số và dạng giấy. Trường hợp ở cấp xã thực hiện ở dạng giấy thì cấp huyện phải chuyển về dạng số và để chuyển lưu ở cấp xã, sử dụng ở cấp huyện và giao nộp lên cấp trên.

II. KIỂM KÊ DIỆN TÍCH ĐẤT Ở CẤP XÃ:

II.1. Số liệu kiểm kê diện tích đất và thông tin về quản lý sử dụng đất

Số liệu kiểm kê diện tích đất được tính đến từng loại đất, từng nhóm đối tượng sử dụng đất và các thông tin về quản lý, sử dụng đất của cấp xã được điều tra, thống kê theo các biểu đã được quy định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất (sau đây gọi là Thông tư số 08 /2007/TT-BTNMT) và các biểu được qui định trong hướng dẫn này bao gồm:

1. Biểu 01-TKĐĐ: Kiểm kê diện tích đất nông nghiệp;

2. Biểu 02-TKĐĐ: Thống kê, kiểm kê diện tích đất phi nông nghiệp;

3. Biểu 03-TKĐĐ: Thống kê, kiểm kê diện tích đất đai;

4. Biểu 04-TKĐĐ: Thống kê, kiểm kê người sử dụng, quản lý đất;

5. Biểu 05-TKĐĐ: Thống kê, kiểm kê về tăng, giảm diện tích đất theo mục đích sử dụng;

6. Biểu 06-TKĐĐ: Phân tích tình hình tăng, giảm diện tích đất theo mục đích sử dụng;

7. Biểu 07-TKĐĐ: Thống kê, kiểm kê đất theo đơn vị hành chính;

8. Biểu 08-TKĐĐ: Cơ cấu diện tích theo mục đích sử dụng đất và đối tượng sử dụng, quản lý đất;

9. Biểu 09-TKĐĐ: Biến động diện tích đất theo mục đích sử dụng;

10. Biểu 10-TKĐĐ: Thống kê, kiểm kê diện tích đất đai theo mục đích được giao, được thuê, được chuyển mục đích nhưng chưa thực hiện;

11. Biểu 11-TKĐĐ: Kiểm kê diện tích đất đai có sử dụng kết hợp vào mục đích phụ;

12. Biểu 12-TKĐĐ: Hiện trạng quản lý và sử dụng đất qui hoạch lâm nghiệp;

13. Biểu 13-TKĐĐ: Biến động đất trồng lúa từ ngày 01/01/2005 đến ngày 01/01/2010;

14. Biểu 14-TKĐĐ: Tình hình sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp xã;

15. Biểu 15-TKĐĐ: Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức;

16. Biểu 16-TKĐĐ: Tổng hợp tình hình xử lý vi phạm, tranh chấp đất đai của các tổ chức;

17. Biểu 17-TKĐĐ: Tình hình đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

18. Biểu 18-TKĐĐ: Tổng hợp tình hình đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

19. Biểu 19-TKĐĐ: Tổng hợp tình hình lập sổ sách, hồ sơ địa chính sử dụng ở các cấp.

Phương pháp lập biểu thống kê từ Biểu 01 đến 11-TKĐĐ theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT.

Phương pháp lập biểu thống kê từ Biểu 12 đến 19 - TKĐĐ theo hướng dẫn tại phụ lục kèm theo Hướng dẫn này.

Số liệu diện tích thể hiện trong các biểu nêu trên phải phù hợp với diện tích thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất của xã.

II.2. Phương pháp kiểm kê đất đai ở cấp xã

II.2.1. Tài liệu sử dụng trong kiểm kê đất đai

Đặc điểm của công tác kiểm kê đất đai là dựa trên cơ sở kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính kết hợp với điều tra thực địa để tính diện tích, tuy nhiên ở những địa bàn chưa có bản đồ địa chính thì cần phải tận dụng mọi nguồn tài liệu hiện có của ngành tài nguyên và môi trường và các loại tài liệu khác có liên quan như: bản đồ 299, bản đồ qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp, qui hoạch chi tiết xây dựng, kết quả kiểm kê đất đai năm 2005, kết quả kiểm kê quỹ đất của các tổ chức đang quản lý, sử dụng được Nhà nước giao đất cho thuê chưa sử dụng theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết quả thống kê hang năm.v.v.

II.2.2. Phương pháp tính toán tổng hợp số liệu cấp xã

II.2.2.1. Tổng diện tích tự nhiên trong địa giới hành chính:

Đây là công việc hết sức cần thiết để bảo đảm sự thống nhất số liệu tổng diện tích tự nhiên của từng đơn vị hành chính các cấp trong các kỳ thống kê, kiểm kê đất đai; bảo đảm cho việc đánh giá chính xác tình hình sử dụng các loại đất và tình hình biến động đất đai giữa các kỳ thống kê, kiểm kê đất đai.

Do những bất cập còn tồn tại về diện tích tự nhiên nên Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 6612/VPCP-KTN ngày 06 tháng 10 năm 2008 giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành rà soát, tính toán lại tổng diện tích tự nhiên đối với từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh. Việc rà soát địa giới hành chính và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính có dự án riêng thực hiện trong năm 2010 và các năm tiếp sau. Tuy nhiên, đối với cấp xã trong đợt kiểm kê này phải tiến hành kiểm tra, rà soát và chuyển đường địa giới hiện đang quản lý sử dụng lên bản đồ để xác định hiện trạng diện tích tự nhiên. Hiện trạng diện tích tự nhiên sau kiểm kê đất đai năm 2010 được so sánh, đối chiếu với hồ sơ địa giới hành chính của các đơn vị hành chính nhằm hoàn chỉnh hồ sơ địa giới hành chính, phục vụ giải quyết dứt điểm tranh chấp về địa giới hành chính.

Việc tính toán xác định diện tích tự nhiên được thực hiện theo hướng dẫn chi tiết tại điểm 2.1 mục II của Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT. Riêng đối với các đơn vị hành chính tiếp giáp với biển, diện tích tự nhiên tạm thời tính đến đường mép nước biển triều cao nhất trong nhiều năm (gọi chung là đường mép nước biển).

Diện tích tự nhiên được tổng hợp theo kết quả điều tra phải bằng diện tích tự nhiên theo hiện trạng đang quản lý, sử dụng xác định trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất của đơn vị hành chính.

II.2.2.2. Đất đã sử dụng vào các mục đích.

Diện tích đất đã sử dụng vào các mục đích ở cấp xã được thực hiện như sau:

a. Đối với các xã có bản đồ địa chính (chính qui và cơ sở) và bản đồ giải thửa, bản đồ tài liệu khép kín ranh giới hành chính.

Sao in bản đồ tài liệu, sử dụng bản đồ này để điều tra, đối soát thực địa. Đối với các chỉ tiêu chưa chuyển đổi hệ thống chỉ tiêu năm 2005 theo Thông tư số 28/2004/TT-BTNMT sang Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT sẽ tiến hành rà soát chuyển đổi hệ thống hồ sơ, chuyển đổi hệ thống ký hiệu, chỉ tiêu đất đai và đối tượng sử dụng đất cũ sang hệ thống chỉ tiêu đất đai và đối tượng sử dụng đất mới trên bản đồ và trên sổ theo dõi biến động và sổ mục kê. Do hệ thống chỉ tiêu mới có sự thay đổi, nên phải kết hợp điều tra thực địa để chuyển đổi những chỉ tiêu này.

Đối chiếu sổ mục kê với sổ theo dõi biến động và hồ sơ giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài liệu thanh tra đất đai, tài liệu kiểm kê đất của các tổ chức theo Chỉ thị 31/2007/CT-TTg để xác định các thửa đất biến động trong kỳ và lập danh mục thửa đất biến động.

Điều tra thực địa: Dùng bản đồ sao in để đi thực địa đối soát đường địa giới hành chính và đối soát các thửa đất. Chỉnh lý sổ sách đối với thửa biến động về loại đất, diện tích, đối tượng sử dụng; sau đó tổng hợp lại diện tích các trang sổ mục kê đất có thửa biến động theo các đối tượng sử dụng và loại đất của biểu thống kê (lập bảng biến động các loại đất - phụ lục lập biểu biến động kèm theo). Tổng hợp tất cả các trang sổ theo từng tờ bản đồ và tổng hợp tất cả các tờ bản đồ trong sổ theo đối tượng sử dụng và loại đất ra số liệu toàn sổ. Số liệu này sẽ được đưa vào biểu 01-TKĐĐ, biểu 02-TKĐĐ, biểu 03- TKĐĐ và biểu 04-TKĐĐ.

Tổng hợp số liệu kiểm kê: Trường hợp bản đồ địa chính thành lập trước năm 2005 và đã được sử dụng để kiểm kê năm 2005 thì thực hiện tổng hợp các thửa biến động và chỉnh lý biểu kiểm kê năm 2005 để tổng hợp thành biểu kiểm kê đất đai năm 2010. Trường hợp bản đồ thành lập sau kiểm kê năm 2005 thì tổng hợp lại tất cả các thửa đất từ sổ mục kê sau khi chỉnh lý biến động đến thời điểm kiểm kê 2010.

Đối với các xã có bản đồ địa chính chính qui dạng số thực hiện theo phương pháp cập nhật, chỉnh lý biến động, cập nhật đối tượng sử dụng, quản lý đến từng thửa đất trên bản đồ số để tổng hợp số liệu, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê đất đai năm 2010 cho địa phương mình bằng công nghệ số.

b. Đối với các xã không có bản đồ địa chính và giải thửa khép kín ranh giới hành chính.

Chia thành 2 khu vực:

+ Khu vực không có bản đồ địa chính hoặc bản đồ giải thửa

+ Khu vực có bản đồ địa chính hoặc bản đồ giải thửa.

* Khu vực không có bản đồ địa chính, bản đồ giải thửa.

Do điều kiện kinh phí và thời gian cho kiểm kê đất đai có hạn nên không thể tổ chức đo đạc mới cho các khu vực này được vì vậy phải áp dụng phương pháp thống kê đất đai trên cơ sở thu thập tài liệu, số liệu đã có của ngành tài nguyên và môi trường và các ngành có liên quan kết hợp với việc sử dụng bản đồ hiện có (bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2005, bản đồ nền, bản đồ ảnh hàng không, các loại bản đồ khác).

Số liệu kiểm kê đất đai năm 2005 và số liệu thống kê các năm gần nhất được dùng làm cơ sở để chỉnh lý kết hợp với nguồn số liệu biến động của từng loại đất, loại đối tượng sử dụng trên cơ sở các nguồn tài liệu như: Số liệu kiểm kê rừng, số liệu giao đất nông nghiệp, đất ở, đất chuyên dùng, số liệu khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng; số liệu từ kết quả kiểm kê quỹ đất của các tổ chức theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; các nguồn số liệu này được chuyển đổi hệ thống chỉ tiêu đất đai và đối tượng sử dụng đất cũ sang hệ thống chỉ tiêu đất đai và đối tượng sử dụng đất mới. Rà soát, lập danh mục tổng hợp các thửa biến động trong kỳ kiểm kê từ các nguồn tài liệu nêu trên, sử dụng các loại bản đồ hiện có (bản đồ nền), kết hợp với điều tra thực địa khoanh vẽ trên bản đồ những khu vực, thửa đất có biến động và tính diện tích các thửa này.

Lập bảng biến động (phụ lục lập biểu biến động kèm theo) để tính toán diện tích những thửa biến động

Chỉnh lý, bổ sung những biến động mới và tổng hợp giữa các loại đất, giữa các đối tượng sử dụng trong tổng diện tích tự nhiên của xã theo hiện trạng địa giới hành chính.

* Đối với các khu vực có bản đồ địa chính, bản đồ giải thửa

Đối với những khu vực có bản đồ địa chính, bản đồ giải thửa thì thực hiện như đối với trường hợp xã có bản đồ địa chính đã nêu tại điểm a mục II.2.2.2 này.

II.2.2.3. Đất giao quản lý:

Khi tiến hành rà soát, đối soát thực địa phải khoanh vẽ, đánh dấu những diện tích các loại đất thuộc chỉ tiêu giao quản lý theo qui định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT để thống kê, chỉnh lý vào sổ mục kê đất giao cho các đối tượng để quản lý.

II.2.2.4. Đất qui hoạch lâm nghiệp.

Thực hiện Công văn số 2007/TTg-KTN ngày 20 tháng 10 năm 2009 về triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 80/TTg-KTN ngày 15 tháng 01 năm 2009, với mục đích kết hợp tránh lãnh phí, chồng chéo trong các kỳ kiểm kê, kết quả kiểm kê đất lâm nghiệp trong quá trình thực hiện kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 sẽ là cơ sở về tổng số diện tích đất lâm nghiệp và đất lâm nghiệp có rừng để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành kiểm kê chi tiết các loại rừng trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp. Do vậy đối với các xã có đất lâm nghiệp, ngoài việc kiểm kê các loại đất lâm nghiệp theo qui định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT sẽ phải tiến hành kiểm kê chi tiết hơn đối với đất đã qui hoạch cho mục đích lâm nghiệp.

Diện tích đất qui hoạch cho lâm nghiệp được điều tra thống kê trên cơ sở kết quả rà soát qui hoạch ba loại rừng đã được phê duyệt, đã công bố, kết hợp với qui hoạch sử dụng đất đã phê duyệt của các địa phương để tiến hành rà soát các khoanh đất qui hoạch lâm nghiệp và tổng hợp thống kê vào biểu 12-KKĐĐ (có phụ lục hướng dẫn lập biểu kèm theo).

II.2.2.5. Điều tra chi tiết đối với chỉ tiêu đất trồng lúa

Thực hiện Thông báo số 277/TB-VPCP ngày 07 tháng 9 năm 2009 về việc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng điều tra, kiểm tra xác định chính xác hiện trạng đất trồng lúa. Do vậy, đối với các xã có diện tích đất trồng lúa, ngoài việc xác định chính xác diện tích đất chuyên lúa, đất lúa nước còn lại, đất lúa nương theo đối tượng sử dụng từ xã, huyện, tỉnh, vùng và cả nước như đã qui định tại biểu 01-TKĐĐ, còn phải tiến hành điều tra chi tiết về tình hình biến động đất trồng lúa để tổng hợp vào biểu 13-TKĐĐ (có phụ lục hướng dẫn kèm theo).

II.2.2.6. Điều tra chi tiết đối với đất do Ủy ban nhân dân cấp xã sử dụng.

Qua kết quả thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai các năm từ năm 2005 đến nay và qua báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg đã cho thấy tình hình sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp xã còn nhiều bất cập, đặc biệt đối với các đất công ích, đất trụ sở ... do vậy, đối với đất của Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành điều tra chi tiết phần đất được giao sử dụng (biểu 14-TKĐĐ, có phụ lục hướng dẫn kèm theo).

II. 2.2.7. Đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất cho thuê đất.

Để đảm bảo cập nhật dữ liệu đất của các tổ chức đã thực hiện theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các xã, huyện, tỉnh cập nhật, bổ sung và chỉnh lý biến động từ ngày 01 tháng 4 năm 2008 đến ngày 01 tháng 01 năm 2010. Trường hợp phát hiện số liệu kiểm kê đất của các tổ chức đã báo cáo trước đây có sai sót thì phải bổ sung, chỉnh sửa và có báo cáo chi tiết về sự thay đổi này (biểu 15-TKĐĐ). Đặc biệt lưu ý đến việc rà soát, kiểm tra để tổng hợp báo cáo tình hình xử lý vi phạm tranh chấp đất của các tổ chức (biểu 16-TKĐĐ, có phụ lục hướng dẫn kèm theo).

( Các biểu này do cấp tỉnh lập, cấp xã, huyện sẽ phối hợp thực hiện).

II.2.2.8. Diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, đo đạc địa chính

Đối với các xã đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phải thực hiện thống kê diện tích các loại đất đã được cấp giấy chứng nhận và số hộ gia đình, cá nhân tổ chức đã được cấp giấy, số giấy đã cấp, diện tích đã đo đạc... vào biểu 17- TKĐĐ, 18-TKĐĐ (có phụ lục hướng dẫn kèm theo).

Riêng tình hình lập sổ sách, hồ sơ địa chính do cấp tỉnh lập (biểu 19 – TKĐĐ, có phụ lục hướng dẫn kèm theo), cấp xã, cấp huyện phối hợp thực hiện.

II.2.2.9. Chuyển đổi một số chỉ tiêu năm 2005 về chỉ tiêu năm 2010 để so sánh biến động.

Năm 2005 thực hiện kiểm kê theo hệ thống chỉ tiêu được quy định tại Thông tư số 28/2004/TT-BTNMT có một số điểm khác so với hệ thống chỉ tiêu qui định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT để chuyển đổi hệ thống số liệu năm 2005 theo chỉ tiêu cũ sang hệ thống chỉ tiêu mới được thuận tiện, các địa phương cần lưu ý các chỉ tiêu tương ứng như trong biểu sau:

CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NĂM 2010

CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NĂM 2005

GHI CHÚ

Đất trồng cây hàng năm

Đất trồng cây hàng năm

 

Đất cỏ dùng vào chăn nuôi

Đất cỏ dùng vào chăn nuôi

Đất trồng cỏ

Đất cỏ tự nhiên cải tạo

Bỏ chỉ tiêu chi tiết

Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

- Đất trụ sở cơ quan, công rình sự nghiệp của nhà nước

- Đất trụ sở khác

Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

Đất trụ sở cơ quan tổ chức

Đất trụ sở cơ quan

Đất trụ sở khác

Đất công trình sự nghiệp Đất công trình sự nghiệp không KD

Đất công trình sự nghiệp

có KD

Bỏ bớt chỉ tiêu chi tiết

Đất quốc phòng

Đất an ninh

Đất quốc phòng an ninh

Đất quốc phòng

Đất an ninh

Tách thành 2 chỉ tiêu riêng

Đất có mục đích công cộng

Đất giao thông

Đất thuỷ lợi

Đất cơ sở văn hoá

Đất cơ sở y tế

 

Đất có mục đích công cộng

Đất giao thông

Đất giao thông không KD

Đất giao thông có KD

Đất thuỷ lợi

Đất thuỷ lợi không KD Đất thuỷ lợi có KD

Đất cơ sở văn hoá

Đất cơ sở văn hoá không KD

Đất cơ sở văn hoá có KD

Đất cơ sở y tế

Đất cơ sở y tế không KD

Đất cơ sở y tế có KD

 

 

 

Bỏ chỉ tiêu chi tiết

 

Đất cơ sở giáo dục-đào tạo

Đất cơ sở thể dục-thể thao

Đất có di tích danh thắng

Đất chợ

Đất bãi thải xử lý chất thải

Đất cơ sở giáo dục-đào tạo

Đất cơ sở giáo dục-đào tạo không KD

Đất cơ sở giáo dục-đào tạo có KD

Đất cơ sở thể dục-thể thao

Đất cơ sở thể dục-thể thao không KD

Đất cơ sở thể dục-thể thao có KD

Đất có di tích danh thắng

Đất chợ

Đất chợ được giao không thu tiền

Đất chợ khác

Đất bãi rác, bãi xử lý nước thải

Bỏ chỉ tiêu chi tiết

Đất công trình năng lượng

Đất công trình bưu chính viễn thông

Đất để chuyển dẫn năng lượng, truyền thông

Đất để chuyển dẫn năng lượng, truyền thông không KD

Đất để chuyển dẫn năng lượng, truyền thông có KD

Bỏ bớt chỉ tiêu chi tiết và tách thành 2 chỉ tiêu mới

Đất cơ sở nghiên cứu khoa học

Đất cơ sở dịch vụ về xã hội

 

Thêm mới 2 chỉ tiêu

Đất phi nông nghiệp khác

Đất phi nông nghiệp khác

Chỉ tiêu mới

 

Đất cơ sở tư nhân không KD

Đất làm nhà tạm, lán trại

Đất cơ sở dịch vụ nông nghiệp tại đô thị

Bỏ bớt chỉ tiêu chi tiết

III. TỔNG HỢP SỐ LIỆU KIỂM KÊ Ở CẤP HUYỆN, CẤP TỈNH, CÁC VÙNG ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN - KINH TẾ VÀ CẢ NƯỚC

Số liệu kiểm kê diện tích đất đai của từng đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh được xây dựng trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm kê của từng đơn vị hành chính cấp dưới thuộc đơn vị hành chính cấp mình: cấp huyện tổng hợp từ cấp xã, cấp tỉnh tổng hợp từ cấp huyện, cả nước tổng hợp từ cấp tỉnh. Số liệu kiểm kê đất đai vùng địa lý tự nhiên - kinh tế được tổng hợp từ kết quả kiểm kê đất đai các tỉnh có trong vùng đó.

III.1. Biểu kiểm kê diện tích đất ở cấp huyện trên cơ sở các biểu thống kê của các xã trong địa bàn hành chính huyện gồm:

Toàn bộ số biểu quy định mà cấp xã phải thực hiện theo Thông tư 08/2007/TT-BTNMT và các biểu theo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 618/CT- TTg bao gồm: 12, 13, 14, 17, 18 - TKĐĐ.

Trường hợp ở cấp xã chưa thực hiện ở dạng số, cơ quan TNMT cấp huyện có trách nhiệm lập bản số để gửi lại UBND xã, lưu ở cấp huyện, giao nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo qui định.

III.2. Biểu kiểm kê diện tích đất ở cấp tỉnh trên cơ sở các biểu tổng hợp của các huyện gồm:

Toàn bộ số biểu quy định mà cấp huyện phải thực hiện theo Thông tư 08/2007/TT-BTNMT và các biểu theo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 618/CT- TTg bao gồm: 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 - TKĐĐ

Số lượng biểu cần lập ở mỗi cấp qui định như trong bảng sau:

STT

Tên biểu

Số lượng cần lập ở mỗi cấp

Cấp xã

Cấp huyện

Cấp tỉnh

Các vùng và Cả nước

Dạng giấy

Dạng số (nếu có)

Dạng giấy

Dạng số

Dạng giấy

Dạng số

Dạng giấy

Dạng số

I

Hệ thống biểu

 

 

 

 

 

 

 

 

1

01-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

2

02-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

3

03-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

4

04-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

5

05-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

6

06-TKĐĐ

-

-

03

03

02

02

10

02

7

07-TKĐĐ

-

-

03

03

02

02

10

02

8

08-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

9

09-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

10

10-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

11

11-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

12

12-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

13

13-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

14

14-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

15

15-TKĐĐ

-

-

 

 

02

02

10

02

16

16-TKĐĐ

-

-

 

 

02

02

10

02

17

17-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

18

18-TKĐĐ

02

02

03

03

02

02

10

02

19

19-TKĐĐ

-

-

 

 

02

02

10

02

II

Báo cá

 

 

 

 

 

 

 

 

Báo cáo kết quả kiểm kê

02

02

02

02

02

02

10

02

IV. QUY TRÌNH THÀNH LẬP BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT CẤP XÃ.

IV.1. Sơ đồ tổng quát quy trình thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã

IV.2. Nội dung chính các bước trong quy trình thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã

Bước 1: Xác định các yêu cầu kỹ thuật – lập dự toán kinh phí

- Thu thập, đánh giá, phân loại tài liệu

- Nghiên cứu đặc điểm, tình hình đơn vị hành chính cần thành lập bản đồ

- Xác định các yêu cầu kỹ thuật – dự toán công trình.

Bước 2: Công tác chuẩn bị nội nghiệp

- Xác định các loại bản đồ, tài liệu sử dụng; nhân sao các tài liệu được chọn để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất: bản đồ địa chính, bản trích đo địa chính, bản đồ địa chính cơ sở, bản đồ giải thửa, tư liệu ảnh, bình đồ ảnh, bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước...(sau đây gọi chung là bản đồ tài liệu)

- Kiểm tra cơ sở toán học của bản đồ; nắn chuyển bản đồ và bình đồ ảnh về hệ tọa độ VN-2000 (theo bản đồ nền)

- Nhân sao bản đồ nền, bản đồ tài liệu

- Lập kế hoạch thực hiện chi tiết

- Vạch tuyến khảo sát thực địa

- Xây dựng các chỉ dẫn kỹ thuật

Đối với trường hợp sử dụng ảnh hàng không, viễn thám để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cần thực hiện việc điều vẽ ảnh nội nghiệp trước khi làm công tác ngoại nghiệp, bao gồm:

- So sánh các loại tài liệu hiện có với hình ảnh bình đồ ảnh, xác định khu vực biến động

- Điều vẽ, khoanh định các yếu tố nội dung hiện trạng sử dụng đất trên ảnh;

- Kiểm tra kết quả điều vẽ, khoanh định các yếu tố nội dung hiện trạng sử dụng đất trên ảnh.

Đối với trường hợp thành lập bản đồ bằng hiện chỉnh bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước, cần thực hiện một số công việc nội nghiệp trước khi làm công tác ngoại nghiệp:

- Bổ sung, chỉnh lý các yếu tố nội dung cơ sở địa lý theo các tài liệu thu thập được lên bản sao bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước;

- Bổ sung, điều chỉnh các yếu tố về địa giới hành chính (nếu có) theo hồ sơ, tài liệu về điều chỉnh địa giới hành chính;

- Bổ sung, chỉnh lý các yếu tố nội dung hiện trạng sử dụng đất theo các tài liệu thu thập được lên bản sao;

- Kiểm tra kết quả bổ sung, chỉnh lý nội nghiệp.

Bước 3: Công tác ngoại nghiệp

a. Chỉnh lý, bổ sung bản đồ nền

- Điều tra, đối soát, bổ sung, chỉnh lý các yếu tố nội dung cơ sở địa lý đã thay đổi hoặc mới xuất hiện lên bản sao bản đồ nền (các yếu tố về giao thông, thủy hệ, địa hình…)

- Điều tra, đối soát, chỉnh lý, bổ sung các yếu tố về địa giới hành chính đã thay đổi hoặc mới xuất hiện căn cứ vào bản đồ, hồ sơ địa giới hành chính và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thành lập đơn vị hành chính mới, điều chỉnh địa giới hành chính. Trường hợp trên bản đồ nền, trên bản đồ tài liệu mà đường ranh giới hành chính biểu thị không phù hợp với các văn bản pháp qui về đường địa giới hành chính phải chỉnh sửa lại đường địa giới hành chính theo đường qui định và báo cáo trong thuyết minh bản đồ. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa đường địa giới hành chính theo bản đồ, hồ sơ địa giới hành chính và đường địa giới hành chính đang quản lý ở địa phương mà chưa được giải quyết thì phải thể hiện cả hai loại đường địa giới hành chính trên bản đồ theo quy định.

b. Điều tra, khoanh vẽ, chỉnh lý, bổ sung các yếu tố nội dung hiện trạng sử dụng đất lên bản đồ tài liệu

- Đối với trường hợp sử dụng bản đồ địa chính, trích đo địa chính, bản đồ giải thửa, bản đồ địa chính cơ sở:

Điều tra, khoanh vẽ, chỉnh lý, bổ sung các yếu tố nội dung hiện trạng sử dụng đất lên bản sao bản đồ địa chính, trích đo địa chính, bản đồ giải thửa hoặc bản sao bản đồ địa chính cơ sở.

Việc điều tra, khoanh vẽ, chỉnh lý, bổ sung các khoanh đất được thực hiện theo mục đích sử dụng và theo loại đối tượng quản lý, sử dụng; thể hiện cụ thể ranh giới các khoanh đất trên bản đồ nội nghiệp, làm cơ sở để chuyển vẽ các yếu tố này ở nội nghiệp.

Đối với đất lúa nước và đất lâm nghiệp, ngoài việc khoanh vẽ, chỉnh lý, bổ sung các khoanh đất theo quy định hiện hành còn phải khoanh vẽ, chỉnh lý, bổ sung các khoanh đất theo các tiêu chí, loại đất được thống nhất giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được quy định tại phần II văn bản này.

- Đối với trường hợp sử dụng ảnh hàng không, ảnh viễn thám có độ phân giải cao đã được nắn chỉnh thành sản phẩm bình đồ ảnh trực giao:

Trên cơ sở các tài liệu hiện có, kết quả điều vẽ, khoanh định các yếu tố nội dung hiện trạng sử dụng đất trên ảnh ở nội nghiệp, điều vẽ, khoanh định bổ sung các yếu tố nội dung tại thực địa nhằm mục đích kiểm tra, chỉnh lý, bổ sung, sửa chữa các sai sót điều vẽ nội nghiệp; xác định các đặc trưng, đặc tính và định lượng của các đối tượng; điều vẽ bổ sung các yếu tố trong quá trình nội nghiệp không thể xác định được. Đối với các khu vực ảnh bị mây hoặc bị lóa hoặc không có trên ảnh và không có các nguồn tài liệu khác để bổ sung thì phải thực hiện việc đo vẽ bù bằng phương pháp đo đạc tại thực địa.

- Đối với trường hợp thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã năm 2010 theo phương pháp hiện chỉnh bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước:

- Trên cơ sở kết quả bổ sung nội nghiệp trên bản sao bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước, tiến hành điều tra, đối soát, bổ sung, chỉnh lý các yếu tố địa giới hành chính ở thực địa để thể hiện đúng theo hồ sơ pháp lý và thực tế quản lý về địa giới hành chính. Nếu phát hiện có sự mâu thuẫn giữa địa giới hành chính theo hồ sơ địa giới hành chính và thực tế quản lý của địa phương mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thì trên bản đồ phải thể hiện cả hai loại đường địa giới hành chính.

- Điều tra, bổ sung, chỉnh lý các yếu tố nội dung cơ sở địa lý đã thay đổi hoặc mới xuất hiện lên bản sao BĐHT sử dụng đất năm 2005.

- Điều tra, bổ sung, chỉnh lý các biến động về hiện trạng sử dụng đất lên bản sao bản sao bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước.

- Điều tra, bổ sung, chỉnh lý các yếu tố nội dung khoanh đất theo nhóm đối tượng người sử dụng đất lên bản sao bản sao bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước.

Bước 4: Chỉnh sửa, chuyển vẽ kết quả điều tra, bổ sung thực địa lên bản đồ nền dạng số để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Gồm các nội dung công việc:

- Kiểm tra, tu chỉnh kết quả điều tra, bổ sung, chỉnh lý ngoài thực địa;

- Chuyển vẽ các yếu tố nội dung hiện trạng sử dụng đất đã được điều tra, bổ sung, chỉnh lý ngoại nghiệp:

+ Chuyển vẽ các nội dung bổ sung, chỉnh lý ngoại nghiệp các yếu tố cơ sở địa lý, các yếu tố về địa giới hành chính lên bản đồ nền

+ Chuyển vẽ các nội dung điều tra, bổ sung, chỉnh lý ngoại nghiệp trên bản đồ địa chính, bản trích đo địa chính, bản đồ địa chính cơ sở lên bản đồ nền

+ Chuyển vẽ kết quả điều vẽ, khoanh vẽ, đo đạc bổ sung trên bình đồ ảnh hàng không, viễn thám về các yếu tố nội dung hiện trạng sử dụng đất lên bản đồ nền

+ Chuyển vẽ kết quả cập nhật, bổ sung, chỉnh lý các biến động hiện trạng sử dụng đất lên bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước.

Bước 5: Biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010

Biên tập các yếu tố nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất, gồm:

- Nhóm lớp cơ sở toán học gồm: khung bản đồ, lưới kilômét, lưới kinh vĩ tuyến, chú dẫn, trình bày ngoài khung và các nội dung có liên quan;

- Nhóm lớp địa hình gồm: dáng đất, các điểm độ cao;

- Nhóm lớp thủy hệ gồm: thủy hệ và các đối tượng có liên quan;

- Nhóm lớp giao thông gồm: các yếu tố giao thông và các đối tượng có liên quan;

- Nhóm lớp địa giới hành chính gồm: đường biên giới, địa giới hành chính các cấp, mốc biên giới, mốc địa giới hành chính ;

- Nhóm lớp ranh giới và các ký hiệu loại đất gồm: ranh giới các khoanh đất; ranh giới các khu đất khu dân cư nông thôn, khu công nghệ cao, khu kinh tế; ranh giới các nông trường, lâm trường, các đơn vị quốc phòng, an ninh; ranh giới các khu vực đã quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã triển khai cắm mốc trên thực địa; các ký hiệu loại đất;

- Nhóm lớp các yếu tố kinh tế, xã hội;

- Biên tập biểu đồ cơ cấu sử dụng đất.

Bước 6: Hoàn thiện, in bản đồ

- Kiểm tra kết quả biên tập bản đồ;

- Tính diện tích, so sánh diện tích với các biểu thống kê, kiểm kê diện tích đất đai;

- Hoàn thiện và in bản đồ.

Bước 7: Viết thuyết minh bản đồ

- Tuân theo quy định viết báo cáo thuyết minh trong Quy định thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

- Báo cáo những tồn tại, biện pháp xử lý liên quan xác định địa giới hành chính

- Báo cáo những vướng mắc trong quá trình thi công và biện pháp xử lý

- Báo cáo những vướng mắc còn tồn tại

Bước 8: Kiểm tra nghiệm thu

Căn cứ Quy định thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, Thông tư số 05/2009/TT-BTNMT ngày 01 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hướng dẫn này để tiến hành kiểm tra kỹ thuật ngoại nghiệp, nội nghiệp, nghiệm thu sản phẩm theo quy định.

Việc kiểm tra, nghiệm thu cần tiến hành đồng thời với công tác kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm kiểm kê diện tích đất đai của các đơn vị hành chính.

Bước 9: Giao nộp sản phẩm

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất (in trên giấy)

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng số, khuôn dạng *.DGN, lưu trên đĩa CD.

- Bản đồ tài liệu dạng số; khuôn dạng DGN lưu trên đĩa CD;

- Bản sao bản đồ nền, bản đồ địa chính, địa chính cơ sở, bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2005 đã được đối soát, bổ sung, chỉnh lý ngoài thực địa

- Thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất in trên giấy và dạng số

- Hồ sơ kiểm tra nghiệm thu.

IV.3. Một số yêu cầu và hướng dẫn cụ thể khi thực hiện các bước thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 cấp xã

Ngoài Quy định về thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được ban hành theo Quyết định số 22/2007/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 cấp xã cần bảo đảm thực hiện theo một số yêu cầu và hướng dẫn cụ thể sau:

IV.3.1. Yêu cầu về công tác chuẩn bị, điều vẽ, bổ sung nội nghiệp

- Phải bảo đảm về cơ sở toán học, tỷ lệ của bản đồ nền được sử dụng để xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định;

- Bản đồ nền hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước được chọn để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 phải được bổ sung, chỉnh lý các yếu tố nội dung cơ sở địa lý và địa giới hành chính theo các tài liệu thu thập được;

- Phải thực hiện nắn chuyển bản đồ tài liệu và bình đồ ảnh được sử dụng về hệ tọa độ VN-2000 (theo cơ sở toán học của bản đồ nền) để chuyển vẽ nội dung theo tọa độ lên bản đồ nền;

- Việc điều vẽ ảnh nội nghiệp đối với trường hợp sử dụng bình đồ ảnh hàng không, viễn thám để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất:

+ Khảo sát tổng quan, người suy giải ảnh cần tiếp cận với đối tượng ngoài thực địa để biết bản chất, đặc điểm của các loại đất chính, các dấu hiệu điều vẽ. Khảo sát tổng quan tiến hành theo tuyến và tại những điểm đặc trưng.

+ Phân tích suy giải ảnh: nhằm phát hiện, nhận dạng và xác định loại đất theo hệ thống phân loại đã quy định. Cần thu thập các tài liệu bổ trợ cung cấp thêm thông tin về các loại đất khó hoặc không xác định được trên ảnh như ảnh vệ tinh (ngoài ảnh chính), ảnh hành không, các loại bản đồ thể hiện loại hiện trạng sử dụng đất, các báo cáo và số liệu thống kê về sử dụng đất của đơn vị cần thành lập bản đồ. Các tài liệu này có thể cung cấp các thông tin xác định loại đất giúp ích rất nhiều cho khâu suy giải ảnh.

+ Suy giải ảnh bằng mắt là quá trình phát hiện, nhận dạng, phân tích và xác định các đối tượng cần xác định dựa theo hình ảnh của chúng nhờ các dấu hiệu trực tiếp (dấu hiệu ảnh) và dấu hiệu gián tiếp (dấu hiệu phi ảnh và các chỉ thị). Các dấu hiệu trực tiếp có ý nghĩa quan trọng để điều vẽ các loại đất trên ảnh vệ tinh: Màu sắc, kích thước, hình dáng, diện mạo, cấu trúc hình ảnh, bóng…

Các dấu hiệu gián tiếp cũng có ý nghĩa rất lớn trong giải đoán các loại hiện trạng đất trên ảnh vệ tinh. Các dấu hiệu này hình thành từ tính quy luật trong phân bố các loại đất, từ mối quan hệ phụ thuộc của loại đất với các đối tượng hiện được trên ảnh…Thí dụ trên ảnh vùng đồng bằng Bắc bộ vào lúc lúa đã gặt và chưa gặt có tông màu khác nhau nhưng vẫn có thể xác định được đất trồng lúa, đất chuyên rau màu dựa vào hệ thống bờ thửa… Dựa vào điều kiện sinh thái, vị trí phân bố có thể xác định được loại đất chuyên cói (vùng duyên hải), dựa vào phương thức nuôi tôm và cấu trúc hình ảnh có thể dễ dàng xác định trên ảnh vùng nuôi tôm, dựa vào điều kiện sinh thái có thể phân biệt được cồn phi lao ven biển với rừng ngập mặn; dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của người giải đoán ảnh…

+ Đối tượng điều vẽ: Các yếu tố nền tự nhiên (sông suối, hệ thống đường giao thông), khoanh đất theo hiện trạng sử dụng, chủ yếu bằng kinh nghiệm của người điều vẽ và sử dụng bộ khóa suy giải ảnh (nếu có) để điều vẽ; các yếu tố về đối tượng (nhóm đối tượng) sử dụng đất được xác định trong quá trình điều vẽ dựa vào tài liệu địa chính hiện có tại địa phương, tài liệu do các cơ quan quản lý cung cấp để xác định mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng các khoanh đất.

- Việc chỉnh lý, bổ sung các yếu tố hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp thành lập bản đồ bằng hiện chỉnh bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước cần khai thác, sử dụng tối đa các nguồn tài liệu bổ trợ hiện có nhằm giảm bớt khối lượng ngoại nghiệp. Các tài liệu, bản đồ có thể được sử dụng như bản đồ địa chính, trích đo địa chính (đối với khu vực có loại tài liệu này), bản đồ, hồ sơ giao đất, thu hồi đất… Các tài liệu bản đồ sử dụng cần được nắn chuyển về hệ tọa độ của bản đồ hiện trạng sử dụng đất kỳ trước đề chuyển vẽ nội dung bằng tọa độ nhằm bảo đảm độ chính xác cần thiết.

IV.3.2. Yêu cầu về điều tra, khoanh vẽ, chỉnh lý, bổ sung các yếu tố nội dung ở thực địa

Việc điều tra, khoanh vẽ, chỉnh lý, bổ sung các yếu tố nội dung ở thực địa nhằm kiểm tra, hoàn chỉnh các yếu tố nội dung đã được chỉnh lý, bổ sung ở khâu chuẩn bị về nội nghiệp; đồng thời khoanh vẽ, chỉnh lý, bổ sung trực tiếp các yếu tố nội dung đối với các khu vực không có đủ tài liệu nội nghiệp.

Ngoài việc bảo đảm Quy định thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, công tác ngoại nghiệp cần bảo đảm một số yêu cầu cụ thể sau:

- Chỉ thực hiện việc khoanh vẽ để chỉnh lý, bổ sung các yếu tố nội dung khi trên bản đồ có các yếu tố địa vật, địa hình rõ rệt, tin cậy để khoanh vẽ bằng phương pháp tương quan. Trong trường hợp trên bản đồ được sử dụng không có đủ các yếu tố địa vật, địa hình rõ rệt làm cơ sở cho việc khoanh vẽ thì phải thực hiện việc đo vẽ bổ sung, chỉnh lý các yếu tố nội dung bằng phương pháp thích hợp nhằm bảo đảm độ chính xác cần thiết.

- Việc khoanh vẽ phải xác định đầy đủ ranh giới các khoanh đất theo mục đích sử dụng và theo nhóm đối tượng người sử dụng, ranh giới các khu đất khu dân cư nông thôn, khu công nghệ cao, khu kinh tế, ranh giới các nông trường, lâm trường, các đơn vị quốc phòng - an ninh, ranh giới các khu vực đã quy hoạch chính thức được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã triển khai quy hoạch cắm mốc cố định trên thực địa.

Đối với ranh giới các khoanh đất theo mục đích sử dụng đã được pháp luật đất đai quy định, còn phải thể hiện đầy đủ ranh giới các loại đất lúa, các loại đất lâm nghiệp, ranh giới quy hoạch ba loại rừng, được xác định theo phương án, kế hoạch kiểm kê đất đai năm 2010 (đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất).

- Để xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất, quá trình khoanh vẽ chỉnh lý, bổ sung các yếu tố nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất từ các bản đồ tài liệu như bản đồ địa chính, trích đo địa chính hoặc bản đồ khác có tỷ lệ lớn hơn bản đồ hiện trạng sử dụng đất, không thực hiện việc tổng quát hoá các yếu tố nội dung để bảo đảm tính chính xác và đầy đủ của cơ sở dữ liệu. Việc tổng quát hoá các yếu tố nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo Quy định thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất chỉ được thực hiện khi biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng trực quan (để in ra giấy – bản đồ treo tường).

IV.3.3. Yêu cầu về biên tập, trình bày bản đồ

Việc biên tập, trình bày bản đồ hiện trạng sử dụng đất phải theo Ký hiệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng số phải bảo đảm theo Quy định thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; cơ sở dữ liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất phải bảo đảm thống nhất giữa thông tin không gian và các thông tin thuộc tính.

Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã dạng trực quan, các khoanh đất phải được thể hiện mã loại đất, mã đối tượng sử dụng đất, diện tích khoanh đất. Việc biểu thị các khoanh đất và diện tích từng loại đất phải bảo đảm tương ứng với các biểu số liệu kiểm kê.

Mã loại đất, mã đối tượng sử dụng đất biểu thị trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất phải theo đúng quy định và thống nhất với mã loại đất, mã đối tượng sử dụng đất được thể hiện tại các biểu kiểm kê đất đai năm 2010.

V. THÀNH LẬP BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT CẤP HUYỆN, CẤP TỈNH

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 cấp huyện được thành lập theo phương pháp tổng hợp từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất các xã thuộc huyện; bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp tỉnh năm 2010 được thành lập theo phương pháp tổng hợp từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các huyện trực thuộc tỉnh.

Việc tổng hợp bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp dưới để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp trên được thực hiện bằng công nghệ bản đồ số; bản đồ dạng giấy chỉ được sử dụng để hỗ trợ, theo dõi, kiểm tra trong quá trình thực hiện.

Quy trình thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh được thực hiện theo các bước:

Bước 1: Xác định các yêu cầu kỹ thuật – dự toán công trình

- Đánh giá sơ bộ bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp, phân loại tài liệu;

- Xác định các yêu cầu kỹ thuật của việc thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp;

- Dự toán kinh phí công trình.

Bước 2: Công tác chuẩn bị:

- Chuẩn bị bản đồ nền cấp huyện, cấp tỉnh

- Tập hợp bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp, bao gồm cả bản đồ giấy và số;

- Kiểm tra số lượng, chất lượng bản đồ hiện trạng sử dụng đất các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp;

- Lập kế hoạch thực hiện chi tiết.

Bước 3: Xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất:

- Bổ sung, chỉnh lý yếu tố nội dung cơ sở địa lý trên bản đồ nền (nếu có).

- Kiểm tra, hoàn thiện bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 các đơn vị hành chính cấp dưới về cơ sở toán học, địa giới hành chính và các yếu tố nội dung của bản đồ; tiếp biên, xử lý các mâu thuẫn, sai sót về nội dung, nhất là về địa giới hành chính.

- Tổng quát hóa các nội dung về hiện trạng sử dụng đất từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp dưới để chuyển lên bản đồ nền của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp trên; mức độ tổng quát hóa nội dung được thực hiện theo tỷ lệ bản đồ cần thành lập và chỉ thực hiện đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng trực quan (treo tường).

- Chuyển vẽ các yếu tố nội dung từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp dưới đã được tổng quát hóa lên bản đồ nền.

- Đối với cơ sở dữ liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất, không thực hiện tổng quát hóa nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp dưới mà thực hiện tích hợp đầy đủ nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp dưới vào dữ liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp trên.

- Biên tập, trình bày bản đồ

Bước 4: Hoàn thiện và in bản đồ

- Kiểm tra kết quả biên tập bản đồ;

- Hoàn thiện và in bản đồ;

- Viết báo cáo thuyết minh bản đồ

Bước 5: Kiểm tra, nghiệm thu, giao nộp sản phẩm

- Kiểm tra, nghiệm thu;

- Đóng gói và giao nộp sản phẩm

VI. NỘI DUNG BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI

1. Mô tả tình hình tổ chức thực hiện, phương pháp thu thập số liệu kiểm kê đất đai, nguồn gốc số liệu thu thập tại cấp xã, độ tin cậy của số liệu thu thập và số liệu tổng hợp, các thông tin khác có liên quan đến số liệu; phân tích sự khác nhau giữa số liệu trong hồ sơ địa chính và số liệu thu thập trên thực địa; nguồn tài liệu và phương pháp xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất; sự phù hợp giữa số liệu và bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

2. Thuyết minh kết quả kiểm kê đất đai gồm: đánh giá hiện trạng sử dụng đất; đánh giá tình hình biến động về sử dụng đất từ hai kỳ kiểm kê gần nhất (kỳ kiểm kê năm 2005) đến kỳ kiểm kê này và phân tích nguyên nhân biến động; tình hình tranh chấp địa giới hành chính và số liệu kiểm kê đối với phần diện tích đất đang tranh chấp (nếu có); kiến nghị biện pháp tăng cường quản lý sử dụng đất đai.

3. Phân tích, đánh giá tình hình sử dụng đất của ủy ban nhân dân cấp xã, đề xuất giải pháp sử dụng có hiệu quả hơn.

4. Đánh giá tình hình cập nhật dữ liệu đất của các tổ chức đã thực hiện theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tình hình xử lý các vi phạm, tranh chấp của các tổ chức sau khi thực hiện kiểm kê theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg.

5. Đánh giá chung về tình hình quản lý, sử dụng đất; đặc biệt là tình hình quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, đất trồng lúa; đánh giá tiềm năng phát triển quỹ đất thuộc nhóm đất chưa sử dụng; đề xuất các giải pháp sử dụng đất hiệu quả.

6. Đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nêu những kiến nghị và đề xuất về các giải pháp để đẩy nhanh và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt đối với đất ở đô thị.

VII. KIỂM TRA NGHIỆM THU

Việc thẩm định, kiểm tra nghiệm thu sản phẩm kết quả kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện theo qui định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT Quyết định số 22/2007/QĐ-BTNMT Quyết định số 23/2007/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 12 năm 2007 và Thông tư số 05/2009/TT- BTNMT ngày 01 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

VIII. THỜI GIAN BÁO CÁO

1. Thời điểm kiểm kê

Thời điểm kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất thống nhất trên phạm vi cả nước là ngày 01 tháng 01 năm 2010.

2. Thời điểm hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010:

- Cấp xã hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 30 tháng 4 năm 2010;

- Cấp huyện hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 30 tháng 6 năm 2010;

- Cấp tỉnh hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 15 tháng 8 năm 2010;

- Vùng địa lý tự nhiên - kinh tế và cả nước hoàn thành trước ngày 31 tháng 10 năm 2010.

Trên đây là hướng dẫn chung nghiệp vụ kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010, trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Tổng cục Quản lý đất đai (Cục Đăng ký và Thống kê) để hướng dẫn giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển (để b/c);
-Các Phó Tổng cục trưởng;
- Bộ NN&PTNT (để phối hợp) ;
- Sở NN&PT NTcác tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ(để phối hợp);
- Các Vụ: KH, TC (Bộ TNMT);
- Cục CNTT;
- Vụ KHTC, Cục QHĐĐ, TTĐTĐGTNĐ, TTLT&TTĐĐ (TCQLĐĐ);
- Lưu VT, VP(TH), (CĐKTK.PTK180).

Q. TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phùng Văn Nghệ

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu1539/TCQLĐĐ-CĐKTK
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành26/10/2009
Ngày hiệu lực26/10/2009
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBất động sản
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật15 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK

Lược đồ Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê đất đai xây dựng bản


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê đất đai xây dựng bản
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu1539/TCQLĐĐ-CĐKTK
                Cơ quan ban hànhTổng cục Quản lý đất đai
                Người kýPhùng Văn Nghệ
                Ngày ban hành26/10/2009
                Ngày hiệu lực26/10/2009
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBất động sản
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật15 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê đất đai xây dựng bản

                      Lịch sử hiệu lực Công văn 1539/TCQLĐĐ-CĐKTK hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê đất đai xây dựng bản

                      • 26/10/2009

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 26/10/2009

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực