Nội dung toàn văn Công văn 31/BCĐ-TW chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu
BAN CHỈ ĐẠO 127/TW | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/BCĐ-TW | Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2008 |
Kính gửi: Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thanh phố trực thuộc TW
Tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu tuy đã được các cơ quan chức năng tích cực kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nhưng thời gian gần đây tiếp tục tái diễn. Một số tổ chức, cá nhân, nhất là các cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu đã sử dụng nhiều hình thức gian lận tinh vi hơn để gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu gây thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng, tạo tâm lý thiếu tin tưởng cho người dân, gây bức xúc cho công luận.
Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1353/CĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2008, tiếp theo Công văn số 18/BCĐ-QLTT ngày 08/7/2008 của Trưởng Ban Chỉ đạo 127/TW - Bộ Trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai các Phương án đề ra tại Hội nghị triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2008 trong đó có Phương án số 14/PA-BCĐ của Ban Chỉ đạo 127/TW về chống buôn lậu, gian lận thương mại (đo lường, chất lượng) đối với mặt hàng xăng dầu, Ban Chỉ đạo 127/TW yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn căn cứ theo Phương án số 14/PA-BCĐ ngày 8/7/2008 của Ban Chỉ đạo 127/TW, tổ chức các Đoàn Kiểm tra Liên ngành trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm bao gồm các lực lượng chức năng (Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Sở Khoa học và Công Nghệ…) tập trung kiểm tra quyết liệt và toàn diện tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh, các thiết bị đo lường, chất lượng xăng dầu...Nội dung kiểm tra cụ thể là:
- Kiểm tra việc chấp hành các qui định về đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu.
- Kiểm tra việc chấp hành quy định về đại lý kinh doanh xăng dầu.
- Kiểm tra việc chấp hành quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
- Kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu (sử dụng cột bơm trái quy định, điều chỉnh trái phép các phương tiện đo, sử dụng các phương tiện đo không hợp chuẩn, đặc biệt chú ý việc sử dụng con chíp điện tử để gian lận trong đo lường…)
- Kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (pha xăng chất lượng thấp hoặc dầu vào xăng có chất lượng cao, pha dầu điêzen 0,25%S vào dầu điêzen 0,05%S, bán dầu điêzen 0.25%S không đúng quy định…)
- Kiểm tra việc pha màu xăng thương phẩm.
2. Xử phạt kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tất cả các thủ đoạn và biện pháp gian lận trong đo lường và kinh doanh xăng dầu; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu cần được công bố công khai, tuyên truyền rộng rãi để cảnh báo cho nhân dân biết, cùng phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, ngăn chặn, xử lý.
Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai ngay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Trưởng Ban Chỉ đạo 127/TW - Bộ trưởng Bộ Công Thương các biện pháp ngăn chặn việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu như trên. Kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm cần được thống kê đầy đủ và báo cáo định kỳ bằng văn bản về Ban Chỉ đạo 127/TW để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.