Nội dung toàn văn Công văn 3991/TCHQ-GSQL công tác phân loại hàng hoá
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3991/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2004 |
Kính gửi: Cục trưởng cục Hải quan tỉnh, thành phố
Phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là một trong những nghiệp vụ chuyên môn chủ yếu của Hải quan. Công tác này đã được lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố chú trọng, nhiều đơn vị đã bố trí cán bộ được đào tạo, có chuyên môn vững để tham mưu đề xuất về phân loại hàng hoá giúp cho công tác thông quan hàng hoá được thực hiện nhanh chóng và thống nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp Cục Hải quan tỉnh, thành phố đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn hay đề nghị các Trung tâm phân tích, phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Trung tâm) phân tích đối với những mặt hàng không phải là mới, phức tạp hay khó phân loại (như mặt hàng vỏ ti vi, lưỡi cưa thẳng bản to, thuốc giảm đau hạ sốt dạng dịch truyền, và một số mặt hàng là máy móc, thiết bị, hàng hoá đã xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu nhiều lần.v.v. Thậm chí có nơi còn gửi cả một chai dầu gội đầu đề nghị phân tích, phân loại). Những trường hợp như vậy đã làm chậm trễ việc thông quan hàng hoá, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện ngay một số việc sau:
1. Quán triệt thực hiện đúng các nguyên tắc phân loại hàng hoá:
1.1. Khi phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải tuân thủ và thực hiện đúng các nguyên tắc chung và quy định cụ thể đã được quy định tại Mục B Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 29 tháng 08 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc phân loại hàng hoá theo Danh Mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Biểu thuế xuất khẩu.
1.2. Khi áp dụng các Quy tắc tổng quát để phân loại hàng hoá, cần chú ý Quy tắc tổng quát 1 là quy tắc phải được xem xét và áp dụng đầu tiên. Theo Quy tắc tổng quát 1 thì tên mô tả của nhóm hàng và chú giải bắt buộc của phần, chương, phân nhóm trong Danh Mục có giá trị pháp lý cao nhất. Do đó, nếu tên mô tả của nhóm hàng đã rõ ràng, phù hợp với tên gọi của hàng hoá, các chú giải bắt buộc không có quy định khác và mặt hàng cần phân loại có thể xếp vào mã số cụ thể thì sử dụng ngay quy tắc tổng quát 1 để phân loại.
2. Mặt hàng cần phân tích, giám định để xác định mã số hàng hoá:
2.1. Mặt hàng cần phân tích, giám định là những mặt hàng cần phải xác định các chỉ tiêu kỹ thuật như thành phần hoá học, thông số vật lý, công dụng làm cơ sở cho việc xác định tên hàng, mã số và những mặt hàng này thường là những mặt hàng lần đầu tiên làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại Cục Hải quan địa phương. Đối với những mặt hàng khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 3 dưới đây.
2.2. Đối với những mặt hàng thuộc danh Mục do Trung tâm đảm nhận phân tích, phân loại thì gửi đến Trung tâm để phân tích, phân loại (Danh Mục mặt hàng Trung tâm đủ Điều kiện phân tích, phân loại do Tổng cục Hải quan thông báo).
2.3. Đối với những mặt hàng không thuộc danh Mục do Trung tâm phân tích thì Chi cục Hải quan thực hiện việc trưng cầu giám định tại cơ quan tổ chức sự nghiệp kỹ thuật trực thuộc các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành có chức năng kiểm tra, thử nghiệm hàng hoá (sau đây gọi tắt là tổ chức giám định) theo quy định tại Thông tư số 44/2001/TT-BKHCNMT ngày 25 tháng 7 năm 2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn kiểm tra hàng hoá của các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước.
Khi trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định, chi cục Hải quan phải nêu rõ yêu cầu giám định để khi có kết luận của tổ chức giám định, cơ quan hải quan có thể căn cứ vào đó để xác định mã số hàng hoá (tổ chức giám định không có chức năng xác định mã số hàng hoá).
2.4. Kết quả phân tích của Trung tâm và kết quả giám định của tổ chức giám định phải ghi đầy đủ, rõ ràng thành phần, hàm lượng, công dụng, tên hàng theo yêu cầu phân tích hoặc theo yêu cầu giám định. Riêng Trung tâm còn phải kết luận về mã số hàng hoá.
3. Đối với những mặt hàng không cần phân tích, giám định:
Mặt hàng không cần phân tích, giám định là những mặt hàng mà việc phân loại, áp mã chỉ căn cứ vào kiểm tra cảm quan và tài liệu kỹ thuật (không phải phân tích hoặc không thể phân tích. Ví dụ như máy móc, thiết bị…). Đối với các mặt hàng này, nếu đã áp dụng các nguyên tắc phân loại vẫn không thể phân loại được thì đề nghị Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn. Trong trường hợp này, Chi cục và Cục hải quan cần tạo Điều kiện để chủ hàng giải trình, bổ sung hồ sơ hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức chuyên môn, các nhà sản xuất ở địa phương để phân loại. Nếu Cục Hải quan tỉnh, thành phố không hướng dẫn được thì báo cáo Tổng cục để chỉ đạo. Khi báo cáo phải gửi kèm tài liệu, phải nêu rõ ý kiến và đề xuất của đơn vị về việc phân loại mặt hàng đó.
4. Về sử dụng kết luận phân tích, giám định:
4.1. Đối với mặt hàng đã có kết luận của Trung tâm thì Chi cục Hải quan căn cứ vào kết luận của Trung tâm để làm thủ tục thông quan hàng hoá.
4.2. Trường hợp doanh nghiệp không nhất trí với kết luận của Chi cục Hải quan (ở đây là kết luận của Trung tâm) thì được lựa chọn một tổ chức giám định chuyên ngành để phân tích, giám định lại, nhưng phải nêu rõ lý do, căn cứ không đồng ý. Chi cục Hải quan cần hướng dẫn doanh nghiệp nêu rõ yêu cầu giám định với tổ chức giám định (như quy định tại Điểm 2.4 trên) để đảm bảo kết luận của tổ chức giám định có thể làm căn cứ để xác định mã số hàng hoá. Trong thời gian chưa có kết quả giám định lại thì vẫn phải sử dụng kết luận của Chi cục Hải quan để áp mã, tính thuế.
4.3. Trường hợp kết quả giám định lại khác với kết luận phân tích, phân loại của Trung tâm về thành phần, hàm lượng, công dụng, tên hàng thì Chi cục Hải quan báo cáo Lãnh đạo Cục để có văn bản trao đổi trực tiếp với tổ chức giám định hoặc tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Trung tâm và các cơ quan này để thống nhất kết luận.
Nếu sau khi trao đổi vẫn không thống nhất thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục, nêu rõ ý kiến, căn cứ phân tích, giám định của từng cơ quan và đề xuất giải quyết của Cục Hải quan.
4.4. Trường hợp doanh nghiệp không nhất trí với kết luận của tổ chức giám định thì có văn bản kiến nghị gửi Bộ, ngành quản lý chuyên ngành. Trong khi chờ kết luận của Bộ, ngành quản lý chuyên ngành, Chi cục Hải quan vẫn phải áp dụng kết luận của tổ chức giám định để làm thủ tục hải quan. Kết luận của Bộ, ngành quản lý chuyên ngành là kết luận cuối cùng.
4.5. Trường hợp Chi cục Hải quan không thống nhất với kết luận của Trung tâm (nếu do Trung tâm phân tích, phân loại) hoặc của tổ chức giám định (nếu cần giám định tại tổ chức giám định) thì báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố để được hướng dẫn. Nếu Cục Hải quan tỉnh, thành phố không hướng dẫn được thì báo cáo Tổng cục. Trước khi báo cáo Tổng cục cần thực hiện như sau:
- Trao đổi với Trung tâm (hoặc tổ chức đã giám định), nêu rõ lý do không thống nhất và tuỳ trường hợp cần thiết có thể đề nghị Trung tâm (hoặc tổ chức giám định khác) thực hiện việc phân tích lại theo quy định tại Quyết định số 710/TCHQ-QĐ/PTPL ngày 3 tháng 6 năm 2003 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế về phân tích, phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong ngành Hải quan.
- Nếu Cục Hải quan tỉnh, thành phố không thống nhất được với Trung tâm (hoặc tổ chức giám định) thì báo cáo Tổng cục, trong đó nêu rõ ý kiến của các bên và đề xuất của Cục Hải quan về việc phân loại mặt hàng đó.
5. Giải quyết trường hợp doanh nghiệp không nhất trí với kết luận phân loại hàng hoá của Chi cục Hải quan:
5.1. Nếu doanh nghiệp không đồng ý với kết luận phân loại hàng hoá của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan, thì có thể gửi trực tiếp văn bản lên Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét lại việc phân loại hàng hoá do Chi cục Hải quan thực hiện.
5.2. Khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét giải quyết theo đúng quy định về thời gian và trình tự giải quyết đã được phân cấp.
5.3. Trường hợp doanh nghiệp gửi trực tiếp văn bản đề nghị xem xét lại việc phân loại hàng hoá do Chi cục Hải quan thực hiện lên Tổng cục Hải quan, thì Tổng cục sẽ yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo để Tổng cục xem xét trả lời.
6. Phân loại hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên của một doanh nghiệp:
Để giảm thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan, và đảm bảo thống nhất trong việc xác định mã số hàng hoá mà một doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu, nhập khẩu, Cục Hải quan tỉnh, thành phố cần tổ chức làm việc với từng doanh nghiệp để xác định mã số cho các mặt hàng đó. Sau khi đã xác định mã số của từng mặt hàng, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thông báo cho toàn Cục biết, thực hiện. Biện pháp này cần thông báo rộng rãi để các doanh nghiệp biết, hướng ứng.
7. Bố trí công chức có đủ năng lực về phân loại hàng hoá làm nhiệm vụ kiểm hoá:
7.1. Năng lực về phân loại hàng hoá là yêu cầu không thể thiếu đối với một kiểm hoá viên hải quan. Vì vậy, các đơn vị hải quan chỉ bố trí những công chức đủ năng lực để phân loại hàng hoá làm công tác kiểm hoá, không bố trí công chức yếu và thiếu kiến thức chuyên môn về mặt hàng hc chưa được đào tạo về phân loại hàng hoá làm nhiệm vụ kiểm hoá, công chức mới được Điều chuyển về làm nhiệm vụ kiểm hoá thì phải được đào tạo về các kiến thức trên trước khi làm nhiệm vụ này. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng định kỳ (hàng tháng, quý) kiến thức mới về hàng hoá và phân loại hàng hoá cho công chức làm nhiệm vụ kiểm hoá.
7.2. Những công chức hải quan hiện nay đang làm công tác kiểm hoá, nếu thường xuyên phân loại hàng hoá sai, thường không xác định được mã số cho mặt hàng kiểm hoá. v.v… thì đơn vị không bố trí các công chức này làm công tác kiểm hoá mà phân công làm công việc khác.
Yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định trên đây. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc báo cáo Tổng cục để được hướng dẫn kịp thời.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |