Công văn 4880/BKHĐT-QLKKT

Công văn 4880/BKHĐT-QLKKT năm 2014 báo cáo kết quả làm việc của Đoàn công tác liên ngành với Công ty Formosa và các doanh nghiệp bị thiệt hại tại Khu kinh tế Vũng Áng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Nội dung toàn văn Công văn 4880/BKHĐT-QLKKT 2014 báo cáo Đoàn công tác liên ngành doanh nghiệp bị thiệt hại Khu kinh tế Vũng Áng


BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4880/BKHĐT-QLKKT
V/v báo cáo kết quả làm việc của Đoàn công tác liên ngành với Công ty Formosa và các doanh nghiệp bị thiệt hại tại KKT Vũng Áng.

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 248/TB-VPCP ngày 29/6/2014 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức Đoàn công tác liên ngành làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Formosa và các doanh nghiệp bị thiệt hại để thông báo và hướng dẫn các biện pháp giải quyết cụ thể đối với các kiến nghị của doanh nghiệp. Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, tổ chức Đoàn công tác liên ngành, gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài chính (tài chính, thuế, hải quan), Công an và Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Đoàn công tác đã có 3 buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Formosa và 27 doanh nghiệp Trung Quốc (là các nhà thầu thực hiện các hạng mục của Dự án Formosa) và đi thực địa tại KKT Vũng Áng từ ngày 07-08/7/2014. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. TÓM TẮT NỘI DUNG LÀM VIỆC

- Đoàn công tác đã làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổ công tác liên ngành của Tỉnh để trao đổi về tiến độ triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại; ghi nhận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ.

- Đoàn công tác thông báo cho Công ty Formosa và các doanh nghiệp biết sự việc xảy ra vừa qua là bất ngờ và không mong muốn. Nguyên nhân của sự việc này là do một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều đối tượng đã bị bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam (tại Hà Tĩnh đã xử lý hình sự 02 đối tượng).

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, trong đó có Công ty Formosa và các nhà thầu, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các doanh nghiệp. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

- Đoàn công tác đã giải thích và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về các biện pháp, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại sớm khắc phục khó khăn, trở lại sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các doanh nghiệp tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại để có căn cứ xem xét hỗ trợ trên cơ sở: (i) xác định những thiệt hại đã được bảo hiểm (ii) xác định cụ thể thiệt hại trực tiếp/gián tiếp (iii) cung cấp hợp đồng bảo hiểm thân thể của 04 người lao động Trung Quốc bị tử vong.

- Riêng đối với Công ty Formosa, Đoàn công tác nhấn mạnh ngay sau khi sự việc xảy ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ, ngành đã trực tiếp đến thị sát tại Dự án và động viên, chia sẻ những tổn thất về người và tài sản của Công ty Formosa và các nhà thầu. Đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực Dự án và thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động Trung Quốc (chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chữa trị, thuốc men, thực phẩm cho người lao động bị thương...). Sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có 4 văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh giải quyết cơ bản 17 kiến nghị của Công ty.

II. KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG TY FORMOSA

1. Kiến nghị Việt Nam cử Đoàn công tác sang Trung Quốc thăm hỏi người lao động bị thương và gia đình có người bị tử vong

Công ty cho biết, trước khi xảy ra sự kiện ngày 14/5/2014, hàng ngày có khoảng 26.000 người làm việc tại Dự án, trong đó lao động kỹ thuật Trung Quốc khoảng từ 5.000 đến 6.000 người. Sau sự kiện này, số lao động kỹ thuật Trung Quốc trở lại làm việc tại Dự án chỉ khoảng 300 người, Công trình chính của Dự án (lò luyện cốc, lò cao của nhà máy thép) chưa thể tiếp tục tiến hành xây dựng đã ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của Dự án. Công ty Formosa kiến nghị Đoàn công tác của Việt Nam (đại diện của Công ty Formosa sẽ cùng tham gia) sang Trung Quốc thăm hỏi, động viên người lao động bị thương và các gia đình có người bị tử vong, đồng thời động viên các nhà thầu sớm đưa công nhân quay trở lại Việt Nam để làm việc.

Trả lời của Đoàn công tác:

Chia sẻ những tổn thất mà Công ty Formosa và các nhà thầu gặp phải do sự kiện xảy ra ngày 14/5/2014 và nhắc lại nguyên nhân của sự kiện này là do một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản gây ra, hiện nay nhiều đối tượng đã bị bắt giữ và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Công ty Formosa được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam, nên tổn thất của Công ty cũng chính là tổn thất của Việt Nam. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương là dự án có quy mô lớn, quan trọng nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức thăm hỏi lao động bị thương và gia đình có người bị tử vong. Đề nghị Công ty Formosa phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Ngoại giao Việt Nam để phối hợp tổ chức thăm viếng.

2. Về các vấn đề cụ thể

Công ty Formosa nêu 07 vấn đề, trong đó có 03 vấn đề đã được giải quyết cần được các Bộ, ngành hướng dẫn để thực hiện, 02 câu hỏi xác nhận và 02 kiến nghị, trong đó có 01 kiến nghị mới. Đoàn công tác đã trả lời cụ thể như sau:

2.1. Các vấn đề đã được giải quyết, cần hướng dẫn để triển khai thực hiện

(i) Về miễn thu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng máy móc thiết bị, Công ty đề nghị:

a) Hướng dẫn cụ thể về việc miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng và tàu thuyền chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ;

b) Hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện ghi thu ngân sách đồng thời ghi chi hoàn thuế đối với thuế giá trị gia tăng của máy móc, trang thiết bị để tạo tài sản cố định;

c) Hướng dẫn cụ thể về phương thức Hải quan tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu máy móc thiết bị trước, thông quan kịp thời, kiểm tra sau (hiện nay hồ sơ khai báo Hải quan nếu vượt qua 15 ngày thì phải khai báo lại, kiến nghị cho phép sử dụng bản sao của Trung tâm kiểm nghiệm và kéo dài thời gian khai báo đến 20 ngày);

d) Tốc độ bốc dỡ tại Cảng Vũng Áng chậm, sau khi đi vào phục hồi thi công toàn diện thì càng bị tắc nghẽn, đề nghị giúp đỡ hướng dẫn cụ thể giải quyết vấn đề tắc nghẽn tại cảng Vũng Áng;

đ) Hướng dẫn cụ thể phương pháp hoàn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và thuế giá trị gia tăng đã nộp.

Trả lời của Đoàn công tác:

- Đại diện Đoàn công tác đã thông báo và giải thích với Công ty ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải liên quan đến việc miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng máy móc thiết bị hình thành tài sản cố định, linh kiện, nguyên vật liệu của Công ty. Về nội dung kiến nghị nêu tại điểm a, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn tại văn bản 8044/BTC-CST ngày 17/6/2014.

- Đại diện Đoàn công tác (Bộ Tài Chính) và Hải quan Hà Tĩnh đã làm việc riêng với Bộ phận xuất nhập khẩu của Công ty Formosa để hướng dẫn thực hiện các vấn đề nêu tại điểm c và đ nêu trên.

- Về vấn đề tốc độ bốc dỡ tại Cảng Vũng Áng chậm: đại diện Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Việt Lào (là công ty kinh doanh cảng Vũng Áng) đề nghị Công ty Formosa đẩy nhanh tiến độ vận chuyển 12.000 tấn thiết bị hiện nay chưa vận chuyển tại cảng và cần bố trí lực lượng và phương tiện để có thể nhận hàng 24/24h trong khu vực Dự án. Đoàn công tác đề nghị, Công ty Formosa và Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Việt Lào bố trí làm việc trong thời gian sớm nhất để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Đoàn công tác cũng thông báo, Bộ Tài chính sẽ có văn bản chính thức hướng dẫn Công ty các nội dung nêu tại điểm b và c.

(ii) Về thành lập khu xúc tiến đầu tư:

Công ty Formosa dự định quy hoạch một phần đất đai trong khu sinh hoạt (khoảng 281 ha) làm khu xúc tiến đầu tư do Công ty Formosa hoặc do Công ty khác chiếm trên 20% cổ phần của Công ty Formosa thực hiện. Đề nghị hướng dẫn cụ thể thủ tục xin phép đầu tư khu xúc tiến đầu tư? Khu xúc tiến có thể thực hiện đánh giá tác động môi trường độc lập và được hưởng điều kiện ưu đãi đầu tư như Công ty Formosa?

Trả lời của Đoàn công tác:

- Trường hợp Công ty Formosa làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu xúc tiến đầu tư (KCN), Công ty Formosa cần thực hiện bổ sung mục tiêu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo đúng quy định, pháp luật tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Công ty cần đáp ứng điều kiện kinh doanh bất động sản và hoàn thành các thủ tục quy hoạch liên quan đã được phê duyệt theo quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khu xúc tiến đầu tư do Công ty Formosa trực tiếp tiến hành khai thác được tiến hành đánh giá tác động môi trường độc lập.

- Trường hợp thành lập pháp nhân mới (do Tập đoàn Formosa và các công ty khác cùng nhau góp vốn) làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN thì cần thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới theo quy định của pháp luật. Đây là một dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN (độc lập với dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương) nên trình tự, thủ tục đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

(iii) Về quyền sử dụng đất của người lao động Việt Nam làm việc tại Công ty khi mua nhà (ký túc xá) do Công ty Formosa xây dựng

- Đề nghị hướng dẫn cụ thể khi người lao động Việt Nam làm việc tại Công ty Formosa mua nhà (ký túc xá) do Công ty xây dựng được cấp quyền sử dụng đất lâu dài.

- Hiện nay pháp luật quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội (để được hưởng ưu đãi) có diện tích dưới 70 m2 và đối tượng mua nhà ở xã hội (bao gồm cả công nhân trong KCN, KKT) có lương tháng dưới 9 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Công ty đề nghị cần nới lỏng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội (trên 70m2) và đối tượng được mua hoặc thuê nhà ở xã hội có lương tháng cao hơn cho phù hợp thực tế.

Trả lời của Đoàn công tác:

- Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân (độc thân và hộ gia đình) thuê hoặc mua của Công ty Formosa để người lao động ổn định cuộc sống và gắn bó làm việc lâu dài với Công ty là cần được khuyến khích. Theo quy định của pháp luật về đất đai, người lao động Việt Nam làm việc tại Công ty mua nhà do Công ty Formosa xây dựng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Đề nghị Công ty Formosa lập hồ sơ dự án theo quy định của pháp luật và lập kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, giải quyết

- Về đề nghị của Công ty nới lỏng đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội và tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội, Đoàn công tác ghi nhận và sẽ trao đổi với Bộ Xây dựng.

2.2. Về các câu hỏi/đề xuất của Công ty Formosa

(i) Về quản an ninh:

Công ty Formosa chân thành cảm ơn cam kết bảo đảm an toàn cho Dự án của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại các cuộc gặp với Chủ tịch Tập đoàn Formosa vào các ngày 19 và 20/6/2014. Công ty đề nghị giúp đỡ, bảo đảm duy trì lực lượng bảo vệ an ninh hiện có cho đến khi nhà máy xây dựng hoàn thành.

Trả lời của Đoàn công tác:

Sau khi xảy ra sự kiện ngày 14/5/2014, Chính phủ Việt Nam cam kết đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhà đầu tư tại Việt Nam. Tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí các lực lượng công an, bộ đội biên phòng tại khu vực Dự án và trong Khu kinh tế Vũng Áng để bảo đảm an ninh trật tự. Đề nghị Công ty Formosa và các nhà thầu cần chủ động bảo vệ và quản lý tài sản của mình. Tỉnh đã lập đường dây nóng và đã thông báo cho Công ty Formosa về số điện thoại để liên lạc khi cần trợ giúp. Trong thời gian tới, Đề nghị Công ty Formosa và các doanh nghiệp lưu ý và phản ánh thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan địa phương để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

(ii) Về Tổ chuyên trách liên ngành trung ương cho Dự án Formosa:

Đề nghị cho biết đầu mối của Tổ công tác liên ngành của trung ương hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Dự án Formosa.

Trả lời của Đoàn công tác:

Tổ công tác liên ngành được thành lập theo Quyết định số 733/QĐ-BKHĐT ngày 09/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư do ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng. Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là đầu mối liên lạc để báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ giải quyết các vấn đề của Công ty.

2.3. Các kiến nghị

(i) Kiến nghị được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn:

Công ty Formosa tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Dự án Formosa được miễn thu 5% thuế khấu trừ tại nguồn do Dự án có quy mô lớn, ngoài vốn tự có, cần vay vốn để thực hiện.

Trả lời của Đoàn công tác:

Đề nghị Công ty Formosa thực hiện theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 248/TB-VPCP ngày 29/6/2014 của Văn phòng Chính phủ. Đoàn công tác ghi nhận kiến nghị của Công ty.

(ii) Về bồi thường đối với thiệt hại của Công ty (kiến nghị mới):

- Công ty Formosa đang đàm phán việc bồi thường bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, đề nghị cho biết Chính phủ Việt Nam xác định sự kiện ngày 14/5/2014 xảy ra tại Hà Tĩnh đã đạt đến mức độ bạo động hoặc bạo loạn chưa?

- Mức độ thiệt hại của Công ty Formosa và các nhà thầu ước tính khoảng 262.136.000USD (kể cả thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp). Hiện Công ty Formosa đang xin bồi thường bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, kính mong Chính phủ Việt Nam có thể bổ sung bồi thường bằng tiền mặt đối với phần còn lại chưa được chi trả từ bảo hiểm.

Trả lời của Đoàn công tác:

- Khẳng định lại sự kiện ngày 14/5/2014 do một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp và nhiều đối tượng đã bị bắt giữ và xử lý hình sự. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp bảo hiểm xác định và đưa thiệt hại của các doanh nghiệp vào phạm vi được bảo hiểm (công văn số 7316/BTC-QLBH ngày 03/6/2014).

- Về hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, tại văn bản số 248/TB-VPCP ngày 29/6/2014 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu hồ sơ đánh giá thiệt hại của Công ty Formosa cần hoàn thành trước ngày 30/6/2014. Tuy nhiên, đến nay theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Formosa vẫn chưa hoàn thành hồ sơ theo hướng dẫn nên Chính phủ Việt Nam chưa có cơ sở xem xét hỗ trợ. Đoàn công tác đề nghị Công ty Formosa khẩn trương thống kê thiệt hại theo hướng dẫn và gửi Tổ công tác tỉnh Hà Tĩnh theo 2 mốc tiến độ ngày 10/7/2014 và ngày 15/7/2014 để được xem xét hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, Công ty Formosa cần sớm gửi hồ sơ báo cáo thiệt hại đánh giá bồi thường tới doanh nghiệp bảo hiểm để được đánh giá bồi thường theo quy định.

III. KIẾN NGHỊ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ THẦU

Tham dự cuộc họp có đại diện của 27 doanh nghiệp là các nhà thầu thi công các hạng mục của Dự án Formosa, trong đó có 25 doanh nghiệp Trung Quốc. 6 Công ty Trung Quốc phát biểu ý kiến và được tổng hợp thành các vấn đề như sau:

1. Kiến nghị bồi thường cho 4 công nhân bị tử vong và các công nhân bị thương (Công ty Tập đoàn luyện kim Trung Quốc 19 (Công ty MCC 19) - đơn vị thi công lò cao của Nhà máy thép; Công ty TNHH thiết kế khảo sát công trình Tam Hàng Vụ Trung Giao - đơn vị thi công cảng)

Trong sự kiện vừa qua, có 04 công nhân lao động của Công ty MCC đã bị tử vong. Công ty Tam Hàng Vụ Trung Giao có 35 người bị thương nặng. Hiện nay công nhân người Trung Quốc của Công ty đã quay về Trung Quốc, chưa quay trở lại làm việc nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của Dự án Formosa. Đề nghị có phương án bồi thường thỏa đáng cho công nhân bị tử vong và tổ chức Đoàn công tác sang Trung Quốc thăm hỏi công nhân bị thương.

Trả lời của Đoàn công tác:

- Đoàn công tác chia sẻ với các Công ty về sự mất mát về tài sản, con người và khẳng định nguyên nhân do một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp, nhiều đối tượng đã bị bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương và đưa ra các biện pháp, chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại. Chính phủ Việt Nam đã cam kết đảm bảo an ninh tuyệt đối cho người nước ngoài và tài sản, không để xảy ra trường hợp tương tự như vừa qua.

- Sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã sớm ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực Dự án và thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động Trung Quốc (bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chữa trị, thuốc men, thực phẩm cho người lao động bị thương...).

- Đoàn công tác đề nghị Công ty MCC cung cấp hợp đồng bảo hiểm thân thể đối với 4 người đã bị chết và mức độ bồi thường của bảo hiểm đối với họ để phía Việt Nam xem xét hỗ trợ. Đoàn công tác khẳng định hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trên tinh thần nhân đạo và đề nghị Công ty MCC, với cương vị là nhà thầu chính xây dựng nhà máy thép Formosa, có quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện cam kết tại Hợp đồng ký kết với Công ty Formosa, sớm đưa công nhân Trung Quốc quay trở lại làm việc tại Dự án.

- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Trung Quốc và Tập đoàn Formosa tổ chức Đoàn công tác thăm hỏi lao động bị thương và gia đình có người bị tử vong.

2. Kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại (bao gồm cả thiệt hại gián tiếp) và cho phép lùi thời gian báo cáo thiệt hại đến ngày 30/7/2014 (Công ty MMC 20, Công ty cổ phần kỹ thuật công trình CISDI, Công ty xây dựng cảng Trung Quốc)

Trả lời của Đoàn công tác:

- Tại văn bản số 248/TB-VPCP ngày 29/6/2014 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu hồ sơ đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp cần hoàn thành trước ngày 30/6/2014. Tuy nhiên, đến nay theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, các Công ty vẫn chưa hoàn thành hồ sơ theo hướng dẫn nên Chính phủ Việt Nam chưa có cơ sở xem xét hỗ trợ. Do các nhà thầu Trung Quốc mới quay trở lại Việt Nam vào cuối tháng 6/2014, nên việc thống kê thiệt hại, thu thập chứng từ, hóa đơn đã bị cháy sẽ mất nhiều thời gian. Đoàn công tác đề nghị các nhà thầu khẩn trương thống kê thiệt hại theo hướng dẫn và gửi Tổ công tác tỉnh Hà Tĩnh theo 2 mốc tiến độ ngày 10/7/2014 và ngày 15/7/2014 để được xem xét hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.

- Đề nghị các Công ty khi thống kê cần xác định rõ (i) giá trị thiệt hại được bảo hiểm (ii) giá trị thiệt hại trực tiếp/gián tiếp.

- Đoàn công tác thông tin, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các địa phương có đầu mối tại các cơ quan hải quan, thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp thu thập tài liệu, chứng từ bị mất/cháy.

3. Kiến nghị có các biện pháp an ninh đảm bảo an toàn cho người lao động Trung Quốc khi quay trở lại làm việc tại Việt Nam; (người dân vẫn dò hỏi quốc tịch Trung Quốc hay Đài Loan; vẫn còn có hiện tượng mất trộm vặt tại công trường Dự án Formosa (Công ty CISDI, Công ty MCC 19, Công ty Tam Hàng Vụ Trung Giao, Công ty Tâm Vĩnh)).

Trả lời của Đoàn công tác:

Sau khi xảy ra sự kiện ngày 14/5/2014, Chính phủ Việt Nam cam kết đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhà đầu tư tại Việt Nam. Tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí các lực lượng công an, bộ đội biên phòng tại khu vực Dự án và trong Khu kinh tế Vũng Áng để bảo đảm an ninh trật tự. Đề nghị các nhà thầu cần chủ động bảo vệ và quản lý tài sản của mình. Tỉnh đã lập đường dây nóng và đã thông báo cho Công ty Formosa và các nhà thầu số điện thoại để liên lạc khi cần trợ giúp. Trong thời gian tới, đề nghị Công ty Formosa và các doanh nghiệp lưu ý và phản ánh thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan địa phương để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

IV. KIẾN NGHỊ CỦA UBND TỈNH HÀ TĨNH (công văn số 294/BC-UBND ngày 21/7/2014 và báo cáo ngày 04/7/2014)

1. Trong quá trình xác định giá trị thiệt hại của Công ty Formosa và các nhà thầu, do Dự án đang trong quá trình xây dựng cơ bản nên sau khi sự việc xảy ra, các nhà thầu nước ngoài đã về nước, thời gian sau mới trở lại thì hiện trường có sự xáo trộn, không như ban đầu khi xảy ra sự cố. Do địa bàn rộng trong khi thiệt hại của Công ty Formosa và các nhà thầu chủ yếu là vật tư, công cụ thi công, thiết bị văn phòng... nên việc xác định thiệt hại gặp nhiều khó khăn. Công ty và các doanh nghiệp mới có báo cáo tổng hợp thiệt hại nhưng chưa cung cấp được chứng từ để chứng minh, tài sản, vật tư, thiết bị thiệt hại. Tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành:

- Hướng dẫn phương pháp xác định thiệt hại đối với trường hợp dự án đang trong quá trình thi công xây dựng cơ bản;

- Hướng dẫn về việc đánh giá và xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp về thiệt hại gián tiếp;

- Hướng dẫn xử lý trong các trường hợp nhà thầu không cung cấp được hồ sơ chứng minh (mất, hư hỏng...);

- Phương pháp xác định thiệt hại của các vật rẻ tiền;

- Xác định chi phí bồi thường của công ty bảo hiểm và chi phí hỗ trợ của nhà nước;

- Cho ý kiến về miễn xử lý khoản tiền phạt do Công ty Formosa vi phạm trong kê khai hoàn thuế (1,259 tỷ đồng).

2. Đề nghị ngân sách trung ương tiếp tục bố trí 800 tỷ đồng hỗ trợ cho Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án Formosa; 219 tỷ đồng cho Dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng và 276 tỷ đồng cho Dự án nhà ở công nhân KKT Vũng Áng.

V. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ

1. Nhận xét

- Qua trao đổi, làm việc với Đoàn công tác, Công ty Formosa và các doanh nghiệp nhà thầu đã hiểu rõ hơn các chính sách, biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam; nắm được yêu cầu báo cáo khi xác định giá trị thiệt hại và nguyên tắc hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.

- Công ty Formosa và các doanh nghiệp bị thiệt hại có thái độ hợp tác, chia sẻ và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại sớm quay trở lại làm việc tại công trường Dự án.

- Dự án của Công ty Formosa đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, thiệt hại trực tiếp của Công ty Formosa và các doanh nghiệp chủ yếu là do mất cắp vật liệu, dụng cụ thi công, thiết bị văn phòng và hồ sơ tài liệu, nên cần có thời gian thu thập hồ sơ chứng minh thiệt hại.

- Báo cáo số liệu thiệt hại của Công ty Formosa và các nhà thầu mới chỉ đưa ra con số khái toán, chưa có hồ sơ tài liệu để chứng minh giá trị thực của thiệt hại này. Số liệu báo cáo thiệt hại chưa tách bạch được giá trị thiệt hại gián tiếp/trực tiếp; giá trị thiệt hại có bảo hiểm/không có bảo hiểm. Ngoài ra, số liệu thiệt hại do Công ty Formosa tổng hợp có thay đổi (Tỉnh báo cáo giá trị thiệt hại trực tiếp của Formosa và các nhà thầu khoảng 643 tỷ đồng, riêng Formosa là 39 tỷ đồng ngày 7/7/2014, đến ngày 21/7/2014 giảm xuống 13 tỷ đồng). Do vậy, giá trị thiệt hại của Formosa và các nhà thầu đến thời điểm báo cáo là chưa chính xác, nên chưa có cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án hỗ trợ cho Công ty Formosa và các doanh nghiệp.

- Mặc dù Đoàn công tác đã thông báo và khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm an ninh về người và tài sản cho các nhà đầu tư tại Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp nhà thầu Trung Quốc vẫn bày tỏ thái độ lo lắng, chưa an tâm khi lao động Trung Quốc quay trở lại làm việc tại Dự án.

- Việc công nhân của các nhà thầu Trung Quốc xây dựng lò cao và lò luyện cốc quay lại làm việc tại Dự án là mối quan tâm hàng đầu của Tập đoàn Formosa. Tập đoàn Formosa bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ để công nhân của các nhà thầu này sớm quay lại làm việc tại Dự án.

2. Kiến nghị

Với nội dung trên, để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Công ty Formosa và các doanh nghiệp nhà thầu sớm trở lại làm việc tại Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao:

- Các Bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm có văn bản hướng dẫn Công ty Formosa các vấn đề Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao tại các Thông báo số 210/TB-VPCP ngày 23/5/2014, số 219/TB-VPCP ngày 02/06/2014 và số 248/TB-VPCP ngày 29/6/2014.

- Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn Công ty Formosa và các doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ thống kê thiệt hại theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ đối với từng doanh nghiệp; có ý kiến về đề nghị miễn xử lý khoản tiền phạt do Công ty Formosa vi phạm trong kê khai hoàn thuế với số tiền 1,259 tỷ đồng, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn Công ty Formosa thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân Việt Nam; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài; nghiên cứu đề xuất của Công ty liên quan đến quy định đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội và tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội.

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Formosa khẩn trương tổ chức đoàn sang Trung Quốc thăm hỏi người lao động bị thương và gia đình có công nhân bị tử vong.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối đôn đốc các Bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn Công ty Formosa và các doanh nghiệp các nhiệm vụ đã được giao, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề cần tháo gỡ và phát sinh mới (nếu có); phối hợp với Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngân sách trung ương hỗ trợ các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án Formosa; dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng và dự án nhà ở công nhân KKT Vũng Áng.

- UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động tại Dự án Formosa và KKT Vũng Áng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./

 

 

Nơi nhận:
- Như trên (kèm tài liệu);
- PTTg Hoàng Tr
ung Hải (để b/c);
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (để b/c);
- Các Bộ: TC, CT, XD, CA, QP, NG, TN&MT;
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
- Tổng cục Hải quan;
- UBND tỉnh Hà Tĩnh
;
- Ban Quản lý KKT Vũng Áng;
- Lưu: VT, QLKKT.
P

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Trung

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 4880/BKHĐT-QLKKT

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu4880/BKHĐT-QLKKT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/07/2014
Ngày hiệu lực29/07/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcDoanh nghiệp
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật10 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Công văn 4880/BKHĐT-QLKKT 2014 báo cáo Đoàn công tác liên ngành doanh nghiệp bị thiệt hại Khu kinh tế Vũng Áng


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 4880/BKHĐT-QLKKT 2014 báo cáo Đoàn công tác liên ngành doanh nghiệp bị thiệt hại Khu kinh tế Vũng Áng
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu4880/BKHĐT-QLKKT
                Cơ quan ban hànhBộ Kế hoạch và Đầu tư
                Người kýNguyễn Văn Trung
                Ngày ban hành29/07/2014
                Ngày hiệu lực29/07/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcDoanh nghiệp
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật10 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Công văn 4880/BKHĐT-QLKKT 2014 báo cáo Đoàn công tác liên ngành doanh nghiệp bị thiệt hại Khu kinh tế Vũng Áng

                      Lịch sử hiệu lực Công văn 4880/BKHĐT-QLKKT 2014 báo cáo Đoàn công tác liên ngành doanh nghiệp bị thiệt hại Khu kinh tế Vũng Áng

                      • 29/07/2014

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 29/07/2014

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực