Hướng dẫn 1090/HD-SXD

Hướng dẫn 1090/HD-SXD năm 2013 nội dung Thiết kế đô thị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Nội dung toàn văn Hướng dẫn 1090/HD-SXD 2013 nội dung Thiết kế đô thị Hòa Bình


UBND TỈNH HÒA BÌNH
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1090/HD-SXD

Hòa Bình, ngày 19 tháng 11 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

NỘI DUNG THIẾT KẾ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị;

Căn cứ Thông tư số 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-UBND ngày 20/5/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc ban hành Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình.

Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện nội dung Thiết kế đô thị trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các đồ án Thiết kế đô thị riêng trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Những quy định chung

1. Đối tượng áp dụng: Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động Thiết kế đô thị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

2. Những yêu cầu chung về thiết kế đô thị trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và Thiết kế đô thị riêng.

2.1. Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và đồ án quy hoạch chi tiết phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Các quy định trong Luật quy hoạch đô thị liên quan đến Thiết kế đô thị được cụ thể hóa tại các chương II, III, IV của của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng.

2.2. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồ án Thiết kế đô thị riêng thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 32 của Luật quy hoạch đô thị.

2.3. Tổ chức, cá nhân tham gia lập đồ án Thiết kế đô thị riêng phải có đầy đủ năng lực theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án Thiết kế đô thị riêng phải có kinh nghiệm về thiết kế kiến trúc công trình và bảo tồn di sản, di tích (tại khu vực có các di sản, di tích, kiến trúc cổ, cũ).

4. Đối tượng lập đồ án Thiết kế đô thị riêng gồm: Thiết kế đô thị cho một tuyến phố; Thiết kế đô thị cho các ô phố, lô phố.

II. Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung

1. Xác định vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị

1.1. Xác định khu vực nội đô hiện hữu; khu vực dự kiến phát triển mới; khu vực cảnh quan thiên nhiên, nhân tạo; khu vực bảo tồn và khu vực đặc thù.

1.2. Định hướng về hình ảnh đô thị và không gian kiến trúc theo tính chất, mục tiêu phát triển của từng khu vực.

2. Tổ chức không gian các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, quảng trường lớn, điểm nhấn đô thị

2.1. Định hướng tổ chức không gian các khu trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa - thể thao, tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế cho phù hợp với tính chất, chức năng đô thị.

2.2. Định hướng tổ chức không gian khu vực cửa ngõ đô thị về không gian kiến trúc cảnh quan, xác định vị trí và diễn họa ý tưởng hình khối các công trình điểm nhấn theo các hướng, tuyến giao thông chính hướng vào trong đô thị.

2.3. Tổ chức các trục không gian chính

a) Định hướng kiến trúc cho các trục đường chính, các khu vực đặc trưng trong đô thị theo nguyên tắc đảm bảo sự chuyển tiếp về hình ảnh kiến trúc đô thị đã phát triển qua các giai đoạn.

b) Đề xuất các trục chính đặc trưng khu vực đô thị.

c) Đề xuất bảo tồn, khai thác cảnh quan thiên nhiên hiện hữu về địa hình, cây xanh, sông hồ, mặt nước, bổ sung thiết kế cảnh quan nhân tạo.

2.4. Tổ chức không gian quảng trường

a) Xác định quy mô, tính chất của quảng trường theo cấp quốc gia, cấp địa phương trong đô thị hoặc khu vực đô thị.

b) Nghiên cứu không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh quảng trường.

2.5. Tổ chức không gian tại các điểm nhấn đô thị

a) Xác định vị trí điểm nhấn của toàn đô thị và từng khu vực đô thị.

b) Trong trường hợp điểm nhấn là công trình kiến trúc hoặc cụm công trình kiến trúc, cần đề xuất định hướng về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh cho phù hợp; trường hợp tận dụng cảnh quan tự nhiên làm điểm nhấn cần có định hướng tôn tạo, khai thác.

3. Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước

3.1. Tổ chức không gian cây xanh

a) Xác định không gian xanh của đô thị, bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị.

b) Giải pháp cây xanh trong các trục không gian chính, các khu đô thị.

3.2. Tổ chức không gian mặt nước

a) Đề xuất quy định bảo tồn, khai thác, phát huy cảnh quan mặt nước tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Đề xuất vị trí quy mô các hồ nước nhân tạo bổ sung cho đô thị.

4. Yêu cầu thể hiện Thiết kế đô thị trong đồ án Quy hoạch chung

4.1. Phần thuyết minh diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu ở mục 1, mục 2, mục 3 của Phần II của Hướng dẫn này và phù hợp với nội dung của các bản vẽ thiết kế đô thị.

4.2. Hồ sơ gồm bản vẽ và mô hình

a) Phần bản vẽ: Thể hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu ở mục 1, mục 2, mục 3 của Phần II của Hướng dẫn này và được thể hiện theo tỷ lệ 1/2.000 - 1/1.000. Các bản vẽ phối cảnh tổng thể và các góc nhìn chính mô phỏng không gian kiến trúc phù hợp, để làm rõ được các nội dung nghiên cứu, tối thiểu thể hiện được các bản vẽ sau:

- Bản vẽ xác định vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị;

- Bản vẽ khung thiết kế đô thị tổng thể;

- Bản vẽ thiết kế mạng lưới đường và các liên kết cảnh quan;

- Bản vẽ định hướng tổ chức không gian các khu trung tâm;

- Bản vẽ định hướng tổ chức không gian khu vực cửa ngõ đô thị;

- Bản vẽ tổ chức các trục không gian chính;

- Bản vẽ tổ chức không gian quảng trường lớn;

- Bản vẽ tổ chức không gian tại các điểm nhấn đô thị;

- Bản vẽ tổ tổ chức không gian cây xanh, mặt nước.

b) Phần mô hình:

Mô hình tổng thể được thực hiện theo tỷ lệ 1/5000 - 1/2000. Đối với các trường hợp cần minh họa cụ thể một số không gian chính có thể thực hiện mô hình theo tỷ lệ 1/1000 - 1/500. Vật liệu làm mô hình phù hợp với ý tưởng thiết kế.

4.3. Số lượng hồ sơ: Tương ứng với hồ sơ quy hoạch chung.

III. Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch phân khu

1. Xác định các chỉ tiêu khống chế về khoảng lùi

1.1. Xác định khoảng lùi trên cơ sở đánh giá hiện trạng cốt nền và kiến trúc cảnh quan, địa hình tự nhiên, tính chất và chức năng các tuyến phố chính.

1.2. Việc xác định khoảng lùi công trình phải phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.

2. Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm, dọc các trục đường chính, các khu vực không gian mở, các công trình điểm nhấn

2.1. Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm

a) Xác định mật độ xây dựng và chiều cao công trình kiến trúc của từng khu vực. Tỷ lệ (%) cây xanh trong khu vực trung tâm.

b) Nội dung thiết kế cải tạo, chỉnh trang đối với khu vực trung tâm hiện hữu và giải pháp kiến trúc cảnh quan khu vực trung tâm mới để tạo nét đặc thù đô thị.

2.2. Cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính

a) Đề xuất nguyên tắc bố cục và hình khối kiến trúc trên cơ sở phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán văn hóa xã hội và đặc thù khu vực.

b) Cây xanh cho các trục đường chính: cần khai thác tối đa chủng loại cây xanh sẵn có tại địa phương.

c) Các tuyến đường sông cần bảo tồn cảnh quan tự nhiên, đề xuất ý tưởng thiết kế cảnh quan kiến trúc, kiến trúc của cầu, kè sông, lan can.

2.3. Các khu vực không gian mở

a) Đề xuất về chức năng cho các không gian mở trong khu vực nghiên cứu.

b) Xác định không gian kiến trúc cảnh quan mở về: hình khối kiến trúc, khoảng lùi, cây xanh, quảng trường.

c) Nghiên cứu không gian kiến trúc cảnh quan tại các ngã, nút giao thông đô thị lớn và trong từng khu vực.

2.4. Các công trình điểm nhấn

a) Cụ thể hóa Thiết kế đô thị theo đồ án quy hoạch chung, nêu ý tưởng kiến trúc công trình điểm nhấn theo tính chất công trình, cảnh quan xung quanh.

b) Điểm nhấn ở các vị trí điểm cao cần khai thác địa thế và cảnh quan tự nhiên, hoặc đã có công trình kiến trúc, hoặc đề xuất xây dựng công trình mới, giải pháp giảm thiểu sự lấn át của các kiến trúc xung quanh.

c) Điểm nhấn ở các vị trí khác được cụ thể bằng việc đề xuất xây dựng công trình hoặc cụm công trình kiến trúc, hoặc không gian kiến trúc cảnh quan.

2.5. Khu vực các ô phố

a) Xác định về mật độ, tầng cao xây dựng, ngôn ngữ và hình thức kiến trúc, thể loại công trình đối với khu vực đô thị mới. Giải pháp bảo tồn tôn tạo đối với khu phố cổ, khu phố cũ.

b) Giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị.

3. Yêu cầu thể hiện Thiết kế đô thị trong đồ án Quy hoạch phân khu

3.1. Phần thuyết minh: Diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu ở mục 1, mục 2, mục 3 trong của phần III của Hướng dẫn này và phù hợp với nội dung của các bản vẽ thiết kế đô thị.

3.2. Phần bản vẽ: Thể hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu ở mục 1, mục 2, mục 3 của phần III của Văn bản này và bản vẽ được thể hiện theo tỷ lệ 1/1.000 - 1/500; Các bản vẽ phối cảnh các tuyến trục chính làm rõ ý tưởng nghiên cứu. Không gian kiến trúc thể hiện được nét đặc trưng của đô thị, tối thiểu thể hiện được các bản vẽ sau:

- Bản vẽ đánh giá hiện trạng cảnh quan kiến trúc;

- Bản vẽ các chỉ tiêu khống chế về chỉ giới đường đỏ, khoảng lùi công trình, cốt nền xây dựng;

- Bản vẽ thiết kế cảnh quan đô thị khu vực trung tâm;

- Bản vẽ thiết kế cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính;

- Bản vẽ thiết kế đô thị khu vực không gian mở và các công trình điểm nhấn;

- Bản vẽ thiết kế đô thị các khu vực các ô phố;

- Bản vẽ tổ chức không gian cây xanh, mặt nước.

3.3. Phần mô hình: Trường hợp cần làm rõ một số không gian chính thì mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/500 - 1/200. Mô hình tổng thể thực hiện với tỷ lệ 1/2.000 - 1/1.000. Vật liệu làm mô hình phù hợp ý tưởng thiết kế.

3.4. Số lượng hồ sơ: Tương ứng với hồ sơ quy hoạch phân khu.

IV. Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết

1. Xác định các công trình điểm nhấn trong khu vực quy hoạch theo các hướng tầm nhìn.

­1.1. Cụ thể hóa các công trình điểm nhấn được xác định từ quy hoạch phân khu, định hình thiết kế kiến trúc công trình phù hợp với tính chất sử dụng và tạo thụ cảm tốt.

1.2. Trong trường hợp điểm nhấn không phải là công trình kiến trúc, có sử dụng không gian cảnh quan là điểm nhấn thì cần cụ thể hóa về cây xanh, mặt nước.

2. Xác định chiều cao xây dựng công trình

2.1. Tổ chức không gian và chiều cao cho toàn khu vực nghiên cứu và cụ thể đối với từng lô đất.

2.2. Xác định chiều cao công trình trên cơ sở tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phù hợp với mật độ xây dựng và cảnh quan, cây xanh, mặt nước trong khu vực đô thị đã được quy định trong quy hoạch phân khu.

3. Xác định khoảng lùi công trình trên từng đường phố, nút giao thông

3.1. Xác định cụ thể khoảng lùi đối với công trình kiến trúc trên từng đường phố, nút giao thông; đề xuất các giải pháp khả thi để sửa chữa những khiếm khuyết trong đô thị hiện hữu bằng các giải pháp: trồng cây xanh bổ sung, làm mái hiên dọc hè phố, hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật khác.

3.2. Đề xuất khoảng lùi tạo không gian đóng/mở bằng phương án thiết kế trên cơ sở thực trạng và giải pháp nhằm làm phong phú không gian kiến trúc cảnh quan, đảm bảo tiện lợi trong khai thác sử dụng.

3.3. Việc xác định khoảng lùi tối thiểu của công trình phải tuân thủ quy hoạch phân khu, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.

4. Xác định hình khối, màu sắc, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc

4.1. Đối với hình khối kiến trúc

a) Cụ thể hóa quy hoạch phân khu: thiết kế về tổ chức không gian cảnh quan, tạo lập hình ảnh kiến trúc khu vực.

b) Xác định khối tích các công trình bằng giải pháp: hợp khối hoặc phân tán.

c) Đề xuất giải pháp cho các kiến trúc mang tính biểu tượng, điêu khắc.

4.2. Đối với hình thức kiến trúc chủ đạo

a) Đề xuất hình thức kiến trúc chủ đạo là kiến trúc hiện đại hoặc kiến trúc kết hợp với truyền thống; kiến trúc mái dốc hoặc mái bằng, cốt cao độ của các tầng, hình thức cửa, ban công, lô gia.

b) Đề xuất các quy định bắt buộc đối với các kiến trúc nhỏ khác về: kích cỡ, hình thức các biển quảng cáo gắn với công trình.

4.3. Màu sắc chủ đạo của công trình kiến trúc phải phù hợp với tính chất và lịch sử khu đô thị, cảnh quan thiên nhiên khu vực, tập quán và sự thụ cảm của người bản địa về vật liệu, màu sắc.

5. Hệ thống cây xanh mặt nước và quảng trường

5.1. Đối với hệ thống cây xanh

a) Thiết kế hệ thống cây xanh phải sử dụng chủng loại cây xanh đô thị, đảm bảo yêu cầu về môi trường và cảnh quan, phù hợp với mặt cắt hè đường và điều kiện khí hậu thổ nhưỡng khu vực.

b) Xác định hệ thống cây xanh đường phố, vườn hoa, công viên.

5.2. Đối với mặt nước (sông, hồ): Phải đề xuất phương án thiết kế trên cơ sở kết hợp giữa mặt nước và hệ thống cây xanh.

5.3. Đối với quảng trường: Cụ thể hóa trên cơ sở quy hoạch phân khu. Đề xuất phương án kiến trúc khu vực bao quanh quảng trường, với việc sử dụng vật liệu, màu sắc, ánh sáng, cây xanh.

6. Yêu cầu thể hiện Thiết kế đô thị trong đồ án Quy hoạch chi tiết

6.1. Phần thuyết minh diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu tại mục 1, mục 2, mục 3, mục 4, mục 5 trong phần IV của Hướng dẫn này và phù hợp với nội dung của các bản vẽ thiết kế đô thị.

6.2. Hồ sơ gồm bản vẽ thể hiện được các nội dung yêu cầu tại mục 1, mục 2, mục 3, mục 4, mục 5 trong phần IV của Hướng dẫn này, bản vẽ được thể hiện theo tỷ lệ 1/500 – 1/200. Các bản vẽ phối cảnh các góc, thể hiện được ý tưởng về không gian kiến trúc và kiến trúc nhỏ mang tính biểu tượng; điêu khắc trong đô thị cần làm rõ ý tưởng nghiên cứu. Không gian kiến trúc phải thể hiện được nét đặc trưng của đô thị.

a) Đối với thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết là đô thị, khu dân cư như sau:

- Bản vẽ tổ chức tầm nhìn theo hướng tuyến, trục cảnh quan và hệ thống điểm nhấn;

- Bản vẽ xác định chiều cao cho từng loại công trình;

- Bản vẽ xác định chỉ giới xây dựng (khoảng lùi công trình) trên các trục đường phố, từng nút giao;

- Bản vẽ tổ chức không gian, màu sắc chi tiết các khu vực, các vùng cảnh quan đặc thù;

- Bản vẽ quy hoạch hệ thống cây xanh mặt nước, khu vực quảng trường;

- Các bản vẽ kỹ thuật và bố trí tiện ích đô thị.

b) Đối với thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết không là đô thị và không là khu dân cư như sau:

- Đối với các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng có tính chất của đồ án là: Khu du lịch sinh thái, các khu chức năng đặc thù, thì các nội dung thiết kế đô thị được thể hiện trên cơ sở nghiên cứu, xem xét áp dụng các nội dung của thiết kế đô thị như đối với quy hoạch chi tiết khu đô thị và dân cư. Các nội dung thể hiện tại mục 6.2, phần IV của Hướng dẫn này, gồm các bản vẽ sau:

+ Bản vẽ thể hiện nội dung xác định các công trình điểm nhấn, chiều cao xây dựng công trình;

+ Bản vẽ thể hiện nội dung xác định khoảng lùi công trình trên từng tuyến đường, nút giao thông;

+ Bản vẽ thể hiện nội dung xác định hình khối, màu sắc, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc;

+ Bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch hệ thống cây xanh mặt nước;

+ Khuyến khích thể hiện rõ các quy định về kỹ thuật hạ tầng và quy định về các trang thiết bị, các công trình tiện ích khác phục vụ trong khu vực quy hoạch.

6.3. Phần mô hình: Trường hợp cần làm rõ một số không gian chính, mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/200. Mô hình tổng thể thực hiện với tỷ lệ 1/1.000-1/500. Vật liệu làm mô hình phù hợp ý tưởng thiết kế.

6.4. Số lượng hồ sơ: tương ứng với hồ sơ quy hoạch chi tiết

V. Thiết kế đô thị trong đồ án thiết kế đô thị riêng

1. Các cơ sở, yêu cầu để lập Thiết kế đô thị riêng

1.1. Thiết kế đô thị riêng cần xác định phạm vi lập Thiết kế đô thị, mục tiêu, nguyên tắc và các quy định về nội dung cần đạt được đối với Thiết kế đô thị và hồ sơ sản phẩm của đồ án Thiết kế đô thị.

1.2. Đánh giá hiện trạng và phân tích tổng hợp (lập bảng biểu hệ thống sơ đồ và các bản vẽ minh họa) về: số lượng, tương quan tỷ lệ (%) giữa các thể loại công trình, vật thể kiến trúc; khoảng lùi, chiều cao, màu sắc cho các công trình kiến trúc; cây xanh, địa hình cốt cao độ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

1.3. Nội dung nghiên cứu thiết kế đồ án Thiết kế đô thị riêng

a) Tổ chức không gian quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan.

b) Bảo tồn đô thị đối với các đô thị cổ, đô thị cũ...( nếu có).

c) Yêu cầu đối với hệ thống hạ tầng.

d) Đánh giá tác động môi trường.

1.4. Thành phần hồ sơ của nhiệm vụ thiết kế đô thị riêng:

a) Tờ trình: Nêu tóm tắt của thuyết minh nhiệm vụ thiết kế, dự toán kinh phí.

b) Thuyết minh:

- Nêu các nội dung nghiên cứu của mục 1.1;1.2;1.3 của Phần V của Hướng dẫn này;

- Đề cương, dự toán kinh phí khảo sát địa hình có tỷ lệ 1/500-1/200 (hệ tọa độ và cao độ Quốc gia VN2000-KTT1060-MT30); Kinh phí thực hiện việc lập quy hoạch thiết kế đô thị riêng.

c) Thành phần bản vẽ kèm theo hồ sơ nhiệm vụ thiết kế, bao gồm:

- Bản vẽ sơ đồ vị trí mối liên hệ vùng của khu vực nghiên cứu thiết kế đô thị trích từ quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung đô thị;

- Bản vẽ sơ đồ ranh giới nghiên cứu, phạm vi khu vực lập thiết kế đô thị riêng theo tỷ lệ 1/500-1/200 (có tọa độ ranh giới khu lập thiết kế đô thị riêng).

d) Dự thảo quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị riêng.

đ) Các văn bản pháp lý liên quan.

e) Lưu đĩa CD lưu toàn bộ nội dung đồ án.

2. Nội dung đồ án Thiết kế đô thị cho một tuyến phố

a). Nội dung thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố mới, yêu cầu phải thể hiện phải được các nội dung cụ thể như sau:

- Đánh giá hiện trạng, đề xuất Thiết kế đô thị về: mật độ, tầng cao, khoảng lùi, tỷ lệ cây xanh trên tuyến phố. Các nội dung này phải tuân thủ theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã được duyệt;

- Định hình các khối và hình thức kiến trúc chủ đạo, kiến trúc chính: màu sắc, vật liệu sử dụng trong kiến trúc; cụ thể hóa bằng thiết kế sơ bộ kiến trúc các công trình điểm nhấn và những kiến trúc nhỏ khác. Thiết kế tổng thể hệ thống cây xanh và cảnh quan, chỉ định chủng loại, kích cỡ cây xanh;

b) Nội dung thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố cũ phải thể hiện được các nội dung cụ thể như sau:

- Đánh giá hiện trạng kiến trúc trên tuyến phố, kèm theo hình ảnh hiện trạng, đánh giá cụ thể đối với các công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan đô thị;

- Xác định mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao: Đề xuất nội dung và phương án thiết kế khoảng lùi cho tuyến phố và từng công trình, tuân thủ nguyên tắc không được phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống khu vực và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; Phương án thiết kế cụ thể chiều cao kiến trúc công trình cho tuyến phố gắn với mật độ xây dựng. Giải pháp kiểm soát tầng cao cho cả tuyến phố, từng đoạn phố.

3. Nội dung của đồ án Thiết kế đô thị cho một ô phố, lô phố

a) Nội dung Thiết kế đô thị riêng quy định tại Văn bản này được áp dụng chung cho ô phố, lô phố trong đô thị cũ hoặc khu vực cần cải tạo.

b) Nội dung thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan:

- Xác định mật độ xây dựng, tầng cao, khoảng lùi công trình trên ô phố, với các nội dung: Khống chế chiều cao công trình tối đa, tối thiểu đối với ô phố, lô phố; Đề xuất nội dung và phương án thiết kế khoảng lùi công trình không được phá vỡ cấu trúc truyền thống khu vực, đáp ứng tiện ích công trình và phù hợp với cảnh quan chung; Quy định cụ thể giới hạn chiều cao tầng một (hoặc tầng trệt) trở xuống, kích thước và cốt cao độ của các ban công, lô gia, mái;

- Các bản vẽ định hình về kiến trúc, với các nội dung: Công trình điểm nhấn, ngôn ngữ kiến trúc chủ đạo, bố cục và phân bổ các công trình theo chức năng, hình thức kiến trúc của từng thể loại công trình; Hình thức kiến trúc, giải pháp tổ chức các không gian lõi bên trong ô phố, lô phố: Các không gian công cộng, giao thông nội bộ, không gian đi bộ, giải trí, thể dục thể thao, cây xanh, mặt nước; Giải pháp thiết kế phải kế thừa, đảm bảo hài hòa hình thức kiến trúc đặc trưng với kiến trúc mới, hiện đại; Đề xuất thiết kế kiến trúc nhỏ mang tính biểu tượng, điêu khắc và trang trí gắn kết với ngôn ngữ hình khối chung của khu vực. Đối với các biển quảng cáo cần đề xuất kích cỡ, màu sắc, tỷ lệ phù hợp; Sử dụng màu sắc, vật liệu cho công trình kiến trúc phải phù hợp với truyền thống và tập quán khu vực, hài hòa với cảnh quan tự nhiên chung đô thị;

- Đối với hệ thống cây xanh và cảnh quan, với các nội dung: giải pháp thiết kế cây xanh kết hợp với mặt nước, cảnh quan tự nhiên khu vực. Lựa chọn chủng loại cây xanh sẵn có tại địa phương, có kích cỡ, màu sắc phù hợp phương án thiết kế;

- Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ đối với các công trình di tích văn hóa lịch sử theo Luật di sản, các quy định quản lý xây dựng các công trình xung quanh.

c) Nội dung thiết kế hạ tầng kỹ thuật và đề xuất về giải pháp thiết kế hạ tầng với các nội dung yêu cầu:

- Về giao thông: xác định mặt cắt lòng đường, vỉa hè, biển báo giao thông. Thiết kế sơ bộ hình thức, màu sắc, vật liệu và chỉ định phương tiện giao thông cho các tuyến giao thông nội bộ;

- Hạ tầng kỹ thuật khác: đề xuất thiết kế sơ bộ các hệ thống trang thiết bị hạ tầng đồng bộ, các công trình tiện ích đường phố và chiếu sáng đô thị.

d) Đối khu vực quảng trường chính, khu công cộng đặc thù trong đô thị và một số loại hình khác có thể áp dụng theo đồ án Thiết kế đô thị cho một ô phố.

4. Quy định quản lý theo Thiết kế đô thị riêng

4.1. Quy định những vấn đề cụ thể trong công tác quản lý theo nội dung của đồ án Thiết kế đô thị riêng.

a) Về không gian kiến trúc cảnh quan.

b) Hệ thống hạ tầng đô thị và môi trường.

4.2. Tổ chức thực hiện theo đồ án Thiết kế đô thị riêng. Nêu rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức cá nhân liên quan trong việc tổ chức thực hiện.

5. Yêu cầu nội dung thể hiện thuyết minh đối với đồ án Thiết kế đô thị riêng cho một tuyến phố, ô phố, lô phố

- Thuyết minh Thiết kế đô thị riêng cho một tuyến phố phải diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu ở mục 2, tại Phần V của Hướng dẫn này và phù hợp với các bản vẽ thiết kế đô thị;

- Thuyết minh Thiết kế đô thị riêng cho ô phố, lô phố diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu tại Điều 18 của Thông tư số 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, cũng như tại Khoản 3, Phần V của Văn bản này và phù hợp với các bản vẽ thiết kế đô thị.

6. Thành phần của hồ sơ Thiết kế đô thị riêng cho một tuyến phố, ô phố, lô phố tỷ lệ 1/500 – 1/200, bao gồm:

- Hồ sơ khảo sát địa hình của khu vực thiết kế đô thị riêng cho một tuyến phố, ô phố, lô phố có tỷ lệ tương ứng theo nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt;

- Bản vẽ sơ đồ vị trí, mối quan hệ khu vực thiết kế với đô thị;

- Bản vẽ đánh giá lịch sử phát triển của khu vực;

- Bản vẽ hiện trạng (có phân tích đánh giá kiến trúc cảnh quan khu vực) thể hiện tỷ lệ 1/500-1/200 dựa trên cơ sở bản đồ địa hình có tỷ lệ tương ứng;

- Bản vẽ cơ cấu thiết kế đô thị;

- Bản vẽ Khung thiết kế đô thị;

- Bản vẽ các khu vực cần can thiệp;

- Bản vẽ quy định chiều cao và mật độ xây dựng;

- Các bản vẽ minh họa (quy định chiều cao, hình khối kiến trúc, mặt đứng, mái, mái hiên, ô văng, ban công, màu sắc, hình thức kiến trúc và các quy định khống chế về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt nền);

- Các bản vẽ minh họa triển khai chi tiết (mặt bằng, mặt đứng, phối cảnh minh họa) tỷ lệ 1/500-1/200; Trong trường hợp cần làm rõ kiến trúc một số công trình tiêu biểu, đặc trưng, điểm nhấn tại những khu vực cụ thể thì tỷ lệ bản vẽ 1/200-1/100;

- Bản đồ quy định về kỹ thuật hạ tầng (mặt cắt cốt đường, cốt xây dựng nền đường, cốt xây dựng vỉa hè, các trang thiết bị đường phố và các công trình tiện ích khác, các công trình xây dựng trong đô thị) thể hiện tỷ lệ 1/500;

- Phần văn bản:

+ Tờ trình;

+ Thuyết minh (kèm bản vẽ A3 thu nhỏ);

+ Dự thảo quyết định phê duyệt đồ án thiết kế đô thị riêng;

+ Dự thảo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế và các văn bản pháp lý liên quan;

- Số lượng hồ sơ trình duyệt: Phần bản vẽ và văn bản: 07 bộ.

7. Phần mô hình của đồ án Thiết kế đô thị riêng:

Mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/500, vật liệu làm mô hình phù hợp với ý tưởng Thiết kế đô thị. Trường hợp cần thiết phải làm rõ những khu vực có công trình, điểm nhấn, ý tưởng chính của đồ án thì mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/200.

8. Đĩa CD lưu toàn bộ nội dung đồ án

VI. Tổ chức thực hiện

1. Đối với thiết kế đô thị trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết:

Nội dung thiết kế đô thị nằm trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; Do đó hồ sơ thiết kế đô thị sẽ được thẩm định và phê duyệt cùng với đồ án quy hoạch theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật về quy hoạch xây dựng.

2. Đối với đồ án Thiết kế đô thị riêng:

Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án Thiết kế đô thị riêng thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 32 của Luật quy hoạch đô thị.

Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng và Thông tư số 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị, với những nội dung nêu trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có gì vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan phản ánh về Sở Xây dựng để được hướng dẫn thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND tỉnh (B/c);
- Giám đốc, các PGĐ Sở;
- UBND các huyện và Tp. Hòa Bình;
- L­ưu: VT, KTQH (M25b).

GIÁM ĐỐC





Trần Hồng Quang

 

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1090/HD-SXD

Loại văn bảnHướng dẫn
Số hiệu1090/HD-SXD
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành19/11/2013
Ngày hiệu lực19/11/2013
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật10 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1090/HD-SXD

Lược đồ Hướng dẫn 1090/HD-SXD 2013 nội dung Thiết kế đô thị Hòa Bình


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Hướng dẫn 1090/HD-SXD 2013 nội dung Thiết kế đô thị Hòa Bình
                Loại văn bảnHướng dẫn
                Số hiệu1090/HD-SXD
                Cơ quan ban hànhTỉnh Hòa Bình
                Người kýTrần Hồng Quang
                Ngày ban hành19/11/2013
                Ngày hiệu lực19/11/2013
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật10 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Hướng dẫn 1090/HD-SXD 2013 nội dung Thiết kế đô thị Hòa Bình

                      Lịch sử hiệu lực Hướng dẫn 1090/HD-SXD 2013 nội dung Thiết kế đô thị Hòa Bình

                      • 19/11/2013

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 19/11/2013

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực