Nội dung toàn văn Kế hoạch 2156/KH-UBND 2017 thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg Bắc Ninh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2156/KH-UBND | Bắc Ninh, ngày 06 tháng 7 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 26/CT-TTG NGÀY 16/5/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Ngày 06/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg (Chỉ thị 26) về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp (Nghị quyết 35). Nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị 26 gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 24/4/2017 về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 (Chỉ thị 05), UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 26 với những nội dung sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 26 nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị 05 của UBND tỉnh nhằm tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần “Bắc Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp” đã được tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian qua.
- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 151/CTr- UBND ngày 17/6/2016 hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP (Chương trình 151), tạo chuyển biến mới về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp thông qua hoạt động của Trung tâm hành chính công; đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
2. Yêu cầu
- Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong triển khai thực hiện Chỉ thị 26.
- Tăng cường sự phối hợp của các Sở, ban, ngành trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thực hiện cam kết của UBND tỉnh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; quan tâm công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đối với mọi loại hình doanh nghiệp.
II. Nhiệm vụ
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ đề ra trong Chương trình 151, tập trung vào các nhiệm vụ chính: đơn giản hóa và phối hợp trong thực hiện quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, đất đai và các nguồn lực tài chính của nhà nước. Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: đào tạo, tư vấn, thị trường; rà soát phí, lệ phí và các biện pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
2. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp; chấm dứt thái độ sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ. Kịp thời xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
3. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu chính: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, dễ thực hiện; nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ sự nghiệp công.
4. Triển khai, vận hành có hiệu quả mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện. Xây dựng Trung tâm hành chính công thành không gian giao tiếp thân thiện, văn minh, lịch sự, tiện ích, đề cao liêm chính trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
5. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm.
Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.
6. Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành trong tiếp nhận, tổng hợp và xử lý các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp qua đường dây nóng và mục hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Thực hiện các chương trình đối thoại doanh nghiệp, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt khó khăn, vướng mắc và giải quyết kịp thời kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh các hợp tác xã tỉnh.
7. Triển khai Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 09/6/2017 về việc Ban hành Đề án xây dựng chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020. Các Sở, ngành bố trí kinh phí hỗ trợ khởi nghiệp trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến công, xúc tiến đầu tư, thương mại đã bố trí trong dự toán kinh phí năm 2017; tăng cường hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhất là ở khu vực làng nghề.
8. Rà soát đánh giá các Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đã được UBND tỉnh ban hành trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở lưu trú cao cấp, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo lao động, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ thuận lợi theo đúng quy định của pháp luật.
III. Tổ chức thực hiện
1. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch này kết hợp thực hiện Chương trình 151, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số đo lường mức độ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh áp dụng cho Sở, ngành và UBND cấp huyện (DCI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index); Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index và Chỉ số sản xuất kinh doanh công nghệ thông tin (IT Industry Index).
2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016- 2020, tạo chuyển biến về chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho doanh nghiệp.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai,… để giảm thời gian, chi phí thủ tục hành chính theo yêu cầu của Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ.
4. Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 29/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi và tạo môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp.
5. Cổng thông tin điện tử tỉnh và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc công văn số 1232/UBND-KTTH ngày 26/4/2017 của UBND tỉnh về việc tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
6. Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế- xã hội có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai Kế hoạch này gắn với Chương trình 151 và các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công; đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước; định kỳ hàng quý báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; tiếp tục đề xuất các sáng kiến và bổ sung các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện nhằm đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 35 của Chính phủ và Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Văn phòng UBND tỉnh căn cứ vào Kế hoạch này tham mưu đề xuất các đề án liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp trong nội dung công tác của UBND tỉnh năm 2017 và các năm tiếp theo; phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |