Văn bản khác 229/KH-UBND

Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Nội dung toàn văn Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 229/KH-UBND

Hà Giang, ngày 09 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 04 năm 2011, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;

Căn cứ Thông tư số 108/2008/NĐ-CP">28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010, quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05 tháng 08 năm 2013, quy định về kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 162/TTr-SCT ngày 01 tháng 9 năm 2016,

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành “Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, nội dung cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh

Trong giai đoạn hiện nay ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim, chế biến nông lâm sản và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã và đang phát triển mạnh, do vậy nhu cầu kinh doanh, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hóa chất liên tục gia tăng. Trước hết là nhu cầu về xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật liệu nổ công nghiệp và các hóa chất khác, khối lượng tồn trữ của hóa chất tại các kho chứa không ngừng tăng lên.

Hoạt động hóa chất nói chung luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an toàn và sự cố hóa chất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi tiếp xúc với nó do bản chất độc hại của chúng. Hoạt động hóa chất luôn đi liền với nguy cơ xảy ra sự cố, tác động trên phạm vi rộng đến sức khỏe con người, tài sản vật chất và ô nhiễm môi trường.

Thực hiện Luật Hóa chất, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất; Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP; Thông tư số 108/2008/NĐ-CP">28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP; Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05/08/2013 quy định về kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp.

Ngày 05 tháng 3 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cấp tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và để đảm bảo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chủ động trong việc phối hợp ứng cứu sự cố hóa chất có nguy cơ xảy ra trong tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm. Để phòng ngừa có hiệu quả sự cố hóa chất độc hại tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất an toàn, hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường; đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại địa phương thì việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất là cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn trong công tác quản lý cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến hóa chất theo đúng quy định của pháp luật.

2. Các căn cứ pháp lý để lập Kế hoạch

- Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007;

- Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 được thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 40/2013/QH13 được thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2013;

- Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 23 tháng 06 năm 2014;

- Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/03/2005 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;

- Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

- Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất;

- Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

- Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường;

- Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/04/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

- Nghị định số 76/2014/NĐ-CP ngày 29/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

- Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;

- Thông tư số 108/2008/NĐ-CP">28/2010/TT-BCT ngày 28/6/2010, quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

- Thông tư số 40/2011/TT-BCT ngày 14/11/2011 của Bộ Công Thương quy định về khai báo hóa chất;

- Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13/12/2012 của Bộ Công Thương quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất;

- Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa;

- Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05/08/2013, quy định về kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;

- Thông tư số 36/2014/TT-BCT ngày 22/10/2014 của Bộ Công Thương quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất;

- Công văn số 9574/BCT-HC ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công Thương hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh;

- Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020 có xét đến 2030;

- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1364-79 các chất độc hại. Phân loại và yêu cầu chung về an toàn;

- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;

- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng;

- Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến hóa chất công nghiệp.

II. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. TÓM TẮT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

1.1. Điều kiện tự nhiên

a) Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ và sự phân chia hành chính

Hà Giang là tỉnh miền núi, nằm ở cực Bắc Tổ quốc, tọa độ địa lý 22o10 đến 23o30 vĩ độ Bắc, 104o20 đến 105o34 kinh độ Đông, phía Bắc giáp các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Diện tích tự nhiên là 7.914,8892 km2.

b) Đặc điểm địa hình, mạng sông suối

Địa hình tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có nhiều dãy núi cao độ dốc lớn, chiếm 48,36% diện tích toàn tỉnh. Độ cao trung bình từ 800m - 1200m so với mực nước biển, đặc biệt dãy Tây Côn Lĩnh cao hơn 2400m. Trên địa bàn tỉnh có một số con sông chính như Sông Lô, Sông Gâm, Sông Chảy, Sông Miện, Sông Bạc, Sông Nho Quế. Về cơ bản địa hình tỉnh Hà Giang có thể chia thành ba vùng như sau:

- Vùng I: Là vùng cao núi đá phía Bắc còn gọi là Cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, với 90% diện tích là núi đá vôi. Tại đây có núi đá tai mèo sắc nhọn, khe núi sâu và hẹp cùng nhiều vách đá dựng đứng, xen kẽ những dải núi cao là thung lũng với những dải đất hẹp.

- Vùng II: Là vùng cao núi đất phía Tây gồm huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, là một phần cao nguyên Bắc Hà. Địa hình phổ biến dạng vòm hoặc dạng nửa vòm, vùng này thuộc khối thượng nguồn sông chảy sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp có sự chia cắt mạnh, nhiều nếp gấp.

- Vùng III: Là vùng đồi núi thấp, bao gồm các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình và Thành phố Hà Giang. Khu vực này có những dải rừng già xen kẽ những thung lũng tương đối bằng phẳng nằm dọc theo sông suối, đây là vùng đất phì nhiêu thích ứng với nhiều loại cây trồng, đồng thời là vựa lúa lớn của tỉnh.

c) Đặc điểm khí hậu

Là tỉnh vùng núi cao nên khí hậu ở Hà Giang mang tính chất nhiệt đới gió mùa, lạnh rõ rệt. Mưa bão tập trung từ tháng 6 đến tháng 8. Nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là duy trì độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, ấm hơn vùng Đông Bắc nhưng lạnh hơn miền Tây Bắc. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 21,6o - 23,9o, dao động nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch cao hơn nhiều so với vùng đồng bằng.

d) Đặc điểm tài nguyên sinh học

Do đặc điểm địa chất kiến tạo nên tỉnh Hà Giang có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, tập trung chủ yếu là khoáng sản sắt, mangan, chì kẽm, antimol. Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, có nhiều loại gỗ quý và có tới 1000 loại cây dược liệu. Chính những đặc điểm về địa hình và khí hậu đã tạo điều kiện cho Hà Giang có các loại rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới đặc thù, có nhiều loại động vật quý hiếm.

Do điều kiện địa hình của tỉnh Hà Giang chủ yếu là đồi núi cao, địa hình chia cắt mạnh, sông suối xen kẽ nhiều nên hệ thống giao thông đi lại hết sức khó khăn. Các cơ sở hóa chất nằm rải rác tại các huyện, các xã vùng cao, vùng biên giới, vì thế khi có sự cố hóa chất xảy ra thì việc ứng cứu sẽ gặp nhiều khó khăn.

1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội

a) Dân cư và lao động

Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc chung sống, đông nhất là dân tộc Mông chiếm 30,52%, dân tộc Tày chiếm 25,35%, dân tộc Dao chiếm 15,35% còn lại là các dân tộc khác. Theo thống kê dân số hiện tại có khoảng 800.000 người. Nguồn lực lao động dồi dào nhưng cơ bản là lao động phổ thông, chưa được đào tạo nghề theo chuyên môn. Dân trí nhìn chung chưa phát triển đồng đều, vùng cao, vùng sâu có trình độ dân trí thấp.

b) Cơ sở hạ tầng

Đến nay tỉnh Hà Giang cơ bản đã phát triển được hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống giao thông đường bộ được xây dựng đến tận các thôn bản, hệ thống đường chính được rải nhựa đường, hệ thống đường thôn xóm chủ yếu bê tông hóa và cấp phối đảm bảo cho việc đi lại thuận tiện.

Hệ thống điện được kéo đến hầu hết các trung tâm xã trên địa bàn tỉnh và tại các điểm kinh tế chính nguồn điện được đáp ứng đảm bảo.

Hệ thống viễn thông cho đến nay đã cơ bản phủ kín sóng điện thoại di động và hệ thống cáp hữu tuyến đã được kéo đến trung tâm các xã.

Cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, cơ quan công sở cơ bản đã được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

c) Một số lĩnh vực chính phát triển kinh tế

- Sản xuất nông nghiệp

Hà Giang là tỉnh có điều kiện khó khăn trong phát triển nông nghiệp do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không thuận lợi. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỉnh Hà Giang phát triển theo hướng chuyên sâu từng lĩnh vực có thế mạnh và chuyển dịch dần theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến.

Tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm khoảng 36,7 % trong đó chú trọng vào các lĩnh vực chính như: Chè xanh, cam sành, ngô, đỗ tương, lúa; trồng rừng sản xuất. Gần đây đang tập trung phát triển cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc làm hàng hóa.

- Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp

Trong những năm gần đây công nghiệp có bước đột phá về phát triển, đóng góp vào ngân sách của tỉnh khá lớn. Trong đó chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản, thủy điện. Cho đến nay trên địa bàn tỉnh đã đưa vào quy hoạch 215 điểm mỏ, phê duyệt được 99 điểm mỏ với 28 loại khoáng sản khác nhau, hiện có 51 dự án được cấp phép. Về thủy điện đến nay có 46 dự án trong quy hoạch với tổng công suất lắp máy 774,8 MW, số nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động là 22 nhà máy với tổng công suất là 354,3 MW.

- Thương mại, dịch vụ, du lịch

Hà Giang là tỉnh biên giới nên hoạt động thương mại phát triển tốt, tính hết năm 2015 tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 6.500 tỷ đồng. Dự tính những năm tiếp theo hoạt động thương mại sẽ có sự phát triển hơn nữa, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở.

Được thiên nhiên ban tặng về cảnh quan, môi trường tự nhiên và được sự quan tâm đầu tư kịp thời của lãnh đạo tỉnh, nên hoạt động du lịch của tỉnh Hà Giang trong những năm qua phát triển nhanh về quy mô lẫn chiều sâu. Hàng năm đã thu hút được lượng khách khá lớn đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

d) Văn hóa - xã hội

- Giáo dục và đào tạo

Chương trình đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả cao, cụ thể như: Chất lượng giáo dục được cải thiện, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp tăng; tỷ lệ huy động trẻ 0 - 2 tuổi đi nhà trẻ đạt 32%, trẻ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98%, trẻ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98,7% vượt chỉ tiêu đề ra.

Mạng lưới giáo dục đào tạo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được quan tâm. Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được phát triển nhất là việc xây dựng các trường chuẩn quốc gia, xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Toàn tỉnh hiện có 855 trường học và cơ sở giáo dục.

- Y tế, dân số

Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều tiến bộ, mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân được nâng lên; mạng lưới khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư phát triển khá nhanh, đặc biệt là y tế cơ sở. Hiện nay 100% trạm y tế xã có bác sỹ luân phiên trực, thăm khám cho nhân dân; toàn tỉnh có 96,7% thôn có nhân viên y tế; 9,8 bác sỹ/vạn dân; 29,2 giường bệnh/vạn dân.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện hiệu quả, công tác y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyên truyền, ứng phó vấn đề sức khỏe, dịch bệnh được thực hiện tốt.

Hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến huyện về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ y sỹ, bác sỹ cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác cứu hộ, cứu nạn tại địa bàn. Đối với tuyến xã điều kiện cơ sở vật chất chưa được đáp ứng đầy đủ, đội ngũ y sỹ, bác sỹ chưa nhiều, do vậy chỉ là đơn vị phối hợp trong công tác ứng phó sự cố hóa chất.

2. TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG, TÌNH HÌNH SỰ CỐ HÓA CHẤT VÀ NĂNG LỰC ỨNG PHÓ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

2.1. Tổng quan tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh

Theo số liệu báo cáo, thống kê trên địa bàn tỉnh Hà Giang, khối lượng hóa chất tồn trữ lớn nhất tại các cơ sở chưa vượt ngưỡng quy định tại phụ lục IV và phụ lục VII của Nghị định số 26/2011/NĐ-CP Do vậy, cho đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở đơn lẻ nào phải xây dựng biện pháp hoặc kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất và khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do hóa chất gây ra (có biểu đính kèm tại phụ lục số 1).

Tổng hợp, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển của các cơ sở hóa chất trên địa bàn tỉnh:

a) Hoạt động sản xuất hóa chất:

Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có nhà máy sản xuất hóa chất mà chủ yếu là kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất để sản xuất các sản phẩm.

b) Hoạt động kinh doanh hóa chất:

Trong hoạt động kinh doanh hóa chất trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu là lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

- Về sang chiết và kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng:

Có 01 trạm nạp khí LPG vào chai của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Đông Tùng (địa chỉ: tại Km 5, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).

- Về kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp:

Có 01 kho chứa VLNCN của Chi nhánh Công nghiệp hóa chất mỏ Hà Tuyên (địa chỉ tại phường Quang Trung, Thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang); và 01 kho chứa VLNCN của Chi nhánh Công ty kinh tế kỹ thuật Quốc Phòng (địa chỉ tại phường Ngọc Hà, Thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang).

- Về kinh doanh xăng dầu và bán lẻ bình gas:

Có 32 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và bán lẻ bình gas; trong đó tập trung ở địa bàn Thành phố Hà Giang có 06 cửa hàng; huyện Bắc Quang có 07 cửa hàng; huyện Vị Xuyên có 05 cửa hàng; huyện Quang Bình có 03 cửa hàng; huyện Quản Bạ có 01 cửa hàng; huyện Yên Minh có 02 cửa hàng; huyện Đồng Văn có 01 cửa hàng; huyện Mèo Vạc có 01 cửa hàng; huyện Hoàng Su Phì có 02 cửa hàng; huyện Xín Mần có 01 cửa hàng ( có biểu đính kèm tại phụ lục 1).

c) Sử dụng hóa chất để sản xuất

- Lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ

Có 01 nhà máy sản xuất nguyên liệu giấy và giấy bản (địa chỉ tại Cụm công nghiệp Nam Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) và 01 nhà máy sản xuất ván thanh, ván MDF (địa chỉ tại Khu công nghiệp Bình Vàng). Các loại hóa chất sử dụng chủ yếu là natrihydroxit, canxihydroxit (NaOH; CaOH) để tẩy trắng và lưu huỳnh chống mối mọt.

- Lĩnh vực sản xuất nước sạch

Có 02 nhà máy sản xuất nước sạch, hóa chất sử dụng là dung dịch Clo (địa chỉ 01 nhà máy tại tổ 5, phường Trần Phú, Thành phố Hà Giang; và 01 nhà máy tại Thị trấn Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang).

- Lĩnh vực tuyển quặng chì, kẽm, antimol, vàng

Có 04 nhà máy tuyển quặng chì, kẽm (địa chỉ tại xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê 02 nhà máy; tại xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên 01 nhà máy; tại xã Yên Thành, huyện Bắc Quang 01 nhà máy). Hóa chất sử dụng chính là kẽm sun phát (ZnS04), đồng sun phát (CuS04).

Có 03 nhà máy tuyển quặng antimol (địa chỉ tại xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc 01 nhà máy; tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc 01 nhà máy; tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh 01 nhà máy). Hóa chất sử dụng chính là kẽm sun phát (ZnS04), đồng sun phát (CuS04).

Có 02 nhà máy tuyển quặng vàng (địa chỉ tại xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang 01 nhà máy; tại xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang 01 nhà máy). Hóa chất sử dụng chính là Hydro xianua (HCN), thủy ngân (Hg).

- Lĩnh vực luyện kim

Có 01 nhà máy luyện antimol (địa chỉ tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang); có 02 nhà máy luyện chì, kẽm (địa chỉ tại Cụm công nghiệp Nam Quang 01 nhà máy và tại Khu công nghiệp Bình Vàng 01 nhà máy). Hóa chất sử dụng là soda (Na2C03), dung dịch điện phân NaCl. Trong tương lai 02 nhà máy luyện chì, kẽm có thể sản xuất axit sunphuric từ nguồn khí S02 thải ra của nhà máy.

- Lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô.

Có 01 nhà máy lắp ráp ô tô (địa chỉ tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Hóa chất sử dụng chính là các loại dung môi sơn, dung môi hòa tan, dung môi điện phân.

d) Vận chuyển hóa chất

Hầu hết các loại hóa chất được vận chuyển bằng đường bộ.

Vận chuyển xăng dầu, gas: Các đơn vị kinh doanh xăng, dầu, gas sử dụng xe chuyên dụng của mình để vận chuyển hoặc thuê đơn vị có đủ điều kiện vận chuyển.

Vận chuyển VLNCN: Sử dụng xe chuyên dụng phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật để vận chuyển VLNCN từ doanh nghiệp cung ứng đến các doanh nghiệp sử dụng.

Vận chuyển các loại hóa chất khác: Các đơn vị sử dụng hóa chất không trực tiếp vận chuyển mà đều thuê lại các đơn vị khác.

2.2. Đánh giá tình hình sự cố hóa chất đã xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua trên cơ sở thông tin đã thu thập

Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Hà Giang sự phát triển của các ngành công nghiệp đã có sự đa dạng nhưng còn ở quy mô nhỏ, số lượng đơn vị hoạt động có liên quan đến hóa chất nguy hiểm không nhiều.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố hóa chất, một phần do hoạt động hóa chất còn hạn chế hoặc do điều kiện cơ sở vật chất chứa đựng, bảo quản hóa chất đảm bảo an toàn, công tác phòng ngừa tốt.

2.3. Xác định các nguy cơ gây ra sự cố hóa chất lớn

Căn cứ vào thực tế hoạt động hóa chất tại tỉnh Hà Giang chủ yếu là hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và một số nhà máy tuyển quặng chì kẽm, chế biến giấy, bột giấy, luyện kim, vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất nước sạch, sơn ô tô. Do vậy các nguy cơ gây ra sự cố hóa chất lớn chủ yếu là cháy nổ, vỡ hồ bùn thải tuyển của các nhà máy tuyển quặng chì kẽm. Địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất lớn nhất là Thành phố Hà Giang do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu, tập trung nhiều dân cư và khu công nghiệp Bình Vàng. Khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố khi xảy ra tại một địa điểm kinh doanh hóa chất vào khoảng 40.000 m2.

- Đặc tính hóa lý và độc tính chính của một số loại hóa chất nguy hiểm được lưu trữ tại các cơ sở kinh doanh, sử dụng được thể hiện tại bảng 1 và 2.

- Khoảng cách cách ly ban đầu và khoảng cách phát tán theo hướng gió của một số hóa chất được thể hiện tại bảng 3.

- Xác định khoảng cách tương ứng với các mức độ rủi ro cá nhân được thể hiện tại phụ lục 4.

2.4. Đánh giá năng lực về con người, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở và của các cơ quan chức năng

Để các cơ sở được phép đi vào hoạt động kinh doanh, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hóa chất thì việc thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và đảm bảo về điều kiện con người, điều kiện cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy cơ sở phải luôn đảm bảo. Vậy có thể đánh giá sơ bộ năng lực ứng phó ban đầu đối với sự cố hóa chất của cơ sở là đảm bảo.

Đối với cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang chỉ có một đơn vị Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trực thuộc Công an tỉnh Hà Giang có trụ sở tại Thành phố Hà Giang. Vì vậy đối với địa bàn các huyện đang thiếu lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp. Nếu trên địa bàn các huyện có xảy ra sự cố hóa chất lớn thì việc ứng cứu mang tính chuyên nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề cần quan tâm khắc phục đối với tỉnh Hà Giang.

Trong thời gian qua tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban Phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ, đồng thời đã xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra UBND tỉnh Hà Giang cũng đã phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến 2020 có xét đến 2030, trong đó thành lập các Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc các huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì, Bắc Quang.

III. KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA SỰ CỐ HÓA CHẤT

1. Giải pháp về quản lý

- Để quản lý tốt các cơ sở hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang thì việc trước hết phải làm là quản lý tốt công tác quy hoạch ngành hóa chất. Đến nay trên địa bàn tỉnh mới thực hiện được quy hoạch về ngành xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng còn quy hoạch chung về ngành hóa chất thì chưa thực hiện. Tuy vậy hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa có cơ sở nào sản xuất hóa chất, chỉ có một số cơ sở kinh doanh và sử dụng hóa chất. Cho đến nay các cơ sở hóa chất (trừ xăng dầu) đều được bố trí ở những nơi xa khu dân cư. Trong thời gian tới nếu có phát sinh cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh thì sẽ bố trí tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đã được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch. Nhằm giảm thiểu tối đa mọi sự cố hóa chất có thể xảy ra mà ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường môi sinh và tài sản xã hội thì việc cấp phép hoạt động cho một cơ sở hóa chất phải đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

- Nhằm phòng ngừa những sự cố hóa chất có thể xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng phải thường xuyên thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất đối với các cơ sở có liên quan đến hóa chất. Tăng cường công tác kiểm tra địa bàn để nắm bắt tình hình hoạt động của cơ sở, nắm bắt tình trạng điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện con người của cơ sở, điều kiện ứng phó sự cố tại chỗ của cơ sở. Nếu phát hiện cơ sở hóa chất có nguy cơ xảy ra sự cố thì cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ cơ sở tìm mọi biện pháp khắc phục cho đến khi không còn tồn tại nguy cơ nhãn tiền.

- Đối với các cơ quan chức năng có liên quan đến quản lý hoạt động hóa chất phải thường xuyên phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hóa chất. Đặc biệt sự phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ, Chi cục Bảo vệ môi trường, Cảnh sát Bảo vệ môi trường và chính quyền địa phương các cấp.

- Hàng năm cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về công tác phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố hóa chất; tổ chức diễn tập tại cơ sở phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

2. Giải pháp nâng cao năng lực của cơ sở hóa chất trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

2.1. Giải pháp chung

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động tại các cơ sở hoạt động hóa chất trong việc tuân thủ quy định quản lý an toàn hóa chất và các cơ quan quản lý có liên quan.

- Giáo dục, đào tạo kỹ thuật an toàn hóa chất cho người lao động tiếp xúc với hóa chất trong quá trình làm việc.

- Rà soát, yêu cầu các chủ đầu tư dự án, chủ doanh nghiệp hoạt động hóa chất xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật.

2.2. Giải pháp cụ thể

- Giải pháp thứ nhất: Loại bỏ các chất độc hại, nguy hiểm hoặc thay thế bằng các chất ít nguy hiểm hơn hoặc không còn nguy hiểm.

Đây là giải pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tối đa tác hại của hóa chất đến con người và môi trường. Ví dụ như: Thay thế dung môi dễ cháy nổ bằng dung môi ít cháy nổ; thay thế quy trình làm việc thủ công bằng quy trình làm việc tự động hóa …

- Giải pháp thứ hai: Cách ly nguồn phát sinh hóa chất nguy hiểm với khu vực dân cư, khu vực tài sản công cộng có giá trị bằng khoảng cách an toàn hoặc che chắn nguồn hóa chất nguy hiểm nhằm ngăn cách mọi nguy cơ liên quan tới hóa chất đối với con người, tài sản. Cách ly nguồn hóa chất dễ cháy nổ với các nguồn phát sinh nhiệt, tia lửa điện, sóng điện từ …

Mục đích nhằm hạn chế sự lan tỏa hơi, khí độc hại, nguy hiểm tới khu tập trung dân cư, môi trường môi sinh. Đồng thời hạn chế nguy cơ phát sinh cháy nổ hóa chất.

- Giải pháp thứ ba: Sử dụng hệ thống thông gió thích hợp để khuếch tán nồng độ hơi hóa chất độc hại, dễ cháy nổ lên vùng không trung, làm giảm nguy cơ xảy ra cháy, nổ hóa chất.

Thông gió là một hình thức kiểm soát hơi, khí độc, bụi, khói thải ra của quá trình sản xuất, tồn chứa hóa chất. Thông gió có thể bằng phương pháp tự nhiên hoặc cưỡng bức, có thể kết hợp thu gom, xử lý bằng các hệ thống lọc cơ học và sục hóa chất trung hòa.

- Giải pháp thứ tư: Trang bị phương tiện, dụng cụ báo khói, báo cháy; thiết bị chống ngắn mạch điện, chống sét; thiết bị đo nhiệt độ, đo nồng độ hơi hóa chất…; ngoài ra trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị chữa cháy như bình cứu hỏa, bể nước, bể cát, máy bơm nước…

Phần lớn các nguy cơ từ hoạt động hóa chất có thể kiểm soát được bằng các biện pháp kỹ thuật.

- Giải pháp thứ năm: Điều kiện cơ sở vật chất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn trữ hóa chất phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn, ví dụ như: Hệ thống giao thông nội bộ phải đảm bảo cho việc cứu chữa cháy nổ; hệ thống điện phải đáp ứng nhu cầu công suất của tổng thiết bị sử dụng, phải có đầy đủ thiết bị phòng chống ngắn mạch, quá tải…; phải bố trí trang thiết bị máy ở vị trí thích hợp, đủ khoảng cách an toàn với khu vực tồn trữ hóa chất…

3. Kế hoạch kiểm tra, giám sát nguồn nguy cơ xảy ra sự cố

Để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Hàng năm cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở, thông qua công tác kiểm tra, giám sát cơ quan chức năng thực hiện việc tuyên truyền pháp luật về hóa chất và hướng dẫn cơ sở thực hiện đầy đủ những nội dung pháp luật quy định về hoạt động hóa chất. Đồng thời yêu cầu cơ sở nghiêm túc thực hiện triệt để các quy định về an toàn, phòng ngừa sự cố hóa chất và khắc phục ngay những nguy cơ có thể xảy ra gây mất an toàn đối với cơ sở kinh doanh, sử dụng hóa chất.

4. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra tuân thủ quy định về an toàn hóa chất, kiểm tra tính sẵn sàng lực lượng để ứng phó sự cố hóa chất

Định kì hàng năm cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra an toàn các cơ sở hoạt động hóa chất. Đồng thời đôn đốc lực lượng ứng phó sự cố hóa chất luôn rèn luyện tinh thần, thể lực và sẵn sàng điều kiện cơ sở vật tư kỹ thuật để ứng phó sự cố hóa chất nếu xảy ra.

Lấy đơn vị PCCC và Cứu nạn cứu hộ là nòng cốt trong công tác cứu hộ cứu nạn, đồng thời phối hợp với lực lượng quân sự địa phương là trọng tâm tác nghiệp, ngoài ra có sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp sẵn sàng ứng cứu nhằm làm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

V. KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

1. Kịch bản sự cố hóa chất lớn có thể xảy ra, xác định khu vực chịu ảnh hưởng của các sự cố hóa chất

1.1. Sự cố rò rỉ, tràn, đổ hóa chất

Sự cố rò rỉ, tràn, đổ hóa chất có thể xảy ra đối với tất cả các cơ sở kinh doanh, sử dụng, vận chuyển hóa chất. Đây là sự cố diễn ra có thể từ từ hoặc nhanh chóng tùy thuộc vào tình huống xảy ra. Mức độ ảnh hưởng tới con người, môi trường, môi sinh và tài sản tùy thuộc vào đặc tính và sự phát tán của hóa chất.

Khu vực ảnh hưởng đồng hành cùng địa điểm cơ sở hoạt động, phạm vi ảnh hưởng thường trong một diện tích nhỏ, chủ yếu tại cơ sở hoạt động. Ngoại trừ một số trường hợp tràn đổ hóa chất trong quá trình vận chuyển, trường hợp này thường xảy ra với 01 chuyến vận tải xăng, dầu, gas … khu vực ảnh hưởng không xác định cụ thể.

1.2. Sự cố vỡ ao, đập chứa hóa chất

Sự cố này có thể xảy ra đối với các cơ sở tuyển quặng chì, kẽm, antimol, vàng. Đây là sự cố diễn ra thường vào mùa mưa lũ, sự cố thường nhanh chóng và khó kiểm soát. Mức độ ảnh hưởng tới con người, môi trường, môi sinh là nguy hiểm, lâu dài.

Khu vực và phạm vi ảnh hưởng của sự cố kể trên thường ở vùng sâu; vùng xa trung tâm thị trấn, thị tứ. Tuy vậy phạm vi ảnh hưởng thường là diện rộng, kéo dài, do hóa chất chảy theo các nguồn nước khe, suối. Việc khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn do tính chất địa hình, đặc tính hóa chất.

1.3. Sự cố cháy, nổ

Sự cố cháy nổ có thể xảy ra đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng, vận chuyển hóa chất như: Xăng, dầu, gas, vật liệu nổ, clo, dung môi sơn... Đây là sự cố diễn ra rất nhanh chóng, hậu quả khó lường. Mức độ ảnh hưởng đến con người, môi trường có thể xảy ra khó lường trước về thiệt hại.

Khu vực ảnh hưởng có thể xảy ra nhiều nhất là các trị trấn, thị tứ, thành phố. Đây là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh xăng, dầu, đồng thời cũng là nơi tập trung đông dân cư, tài sản vật chất công cộng. Phạm vi ảnh hưởng có thể lên đến 20.000 m2 khi xảy ra tại một cơ sở.

2. Dự báo tình huống, diễn biến của các nguy cơ xảy ra sự cố để lựa chọn phương án ứng cứu tương ứng và phù hợp

Như đã phân tích ở trên sự cố hóa chất có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu do cháy nổ; rò rỉ, tràn đổ hóa chất; vỡ ao chứa chất thải nguy hại của cơ sở tuyển quặng.

Các sự cố nếu xảy ra sẽ diễn biến rất nhanh ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó để có phương án ứng cứu tương ứng và phù hợp. Chúng ta đưa ra một số phương án lựa chọn ứng phó như sau:

2.1. Sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất ở diện rộng

Thông gió khu vực rò rỉ hoặc tràn hóa chất, hủy bỏ tất cả các nguồn lửa, nguồn phát nhiệt lớn, tia lửa điện; cô lập khu vực tràn đổ, rò rỉ hóa chất, nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực tràn đổ, rò rỉ hóa chất. Những người có nhiệm vụ ứng phó sự cố hóa chất phải mang thiết bị phòng hộ cá nhân phù hợp. Hấp thụ hóa chất tràn đổ, rò rỉ bằng chất liệu trơ (như vermiculite, cát, đất), không sử dụng chất liệu dễ cháy. Sau đó thu gom hóa chất và chứa đựng trong các thùng chứa hóa chất nguy hại. Sử dụng dụng cụ không phát ra tia lửa điện để thu gom. Dùng nước rửa sạch khu vực hóa chất tràn đổ, rò rỉ; thu gom nước và trung hòa rồi mới thải ra môi trường theo quy định bảo vệ môi trường.

2.2. Sự cố vỡ ao, đập chứa hóa chất có khối lượng lớn

Kiểm tra nồng độ, đặc điểm, tính chất hóa chất chảy ra khu vực khe suối, nguồn nước của nhân dân. Thông báo cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng biết để không tiếp tục sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hóa chất. Sử dụng các hóa chất theo tính chất, định lượng cụ thể để trung hòa hóa chất độc chảy ra môi trường, dùng các phương tiện thiết bị nạo vét lòng khe, suối, tập kết chất bùn chứa hóa chất nguy hại vào khu vực an toàn. Quan trắc môi trường khu vực có sự cố hóa chất chảy ra. Nếu nguồn nước vẫn bị ảnh hưởng do hóa chất gây ra thì phải tiếp tục xử lý cho đến khi đảm bảo an toàn đối với con người.

2.3. Sự cố cháy nổ lớn

Cần cách ly một trong ba yếu tố gây nên quá trình cháy (nhiệt, nhiên liệu và oxy). Các vật liệu dùng chữa cháy như: Cát, bột đá, nước, các bình cứu hỏa … Tùy vào các đặc tính của từng đám cháy do nguồn nhiên liệu tham gia khác nhau mà sử dụng các loại hóa chất hoặc phương tiện chữa cháy khác nhau.

3. Xây dựng các kế hoạch ứng phó với các kịch bản sự cố hóa chất lớn đã được chỉ ra

Đối với cơ sở kinh doanh, sử dụng hóa chất, yêu cầu cơ sở phải xây dựng kế hoạch ứng phó tại chỗ để phòng ngừa, giảm thiểu sự cố có thể xảy ra. Hàng năm tổ chức diễn tập tại cơ sở để nắm bắt tốt thao tác, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất và chủ động trong quá trình ứng cứu sự cố nếu xảy ra. Đối với Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, hàng năm phải xây dựng kế hoạch hành động, kế hoạch kiểm tra và kế hoạch ứng phó sự cố.

Trong kế hoạch ứng phó sự cố có sự phân công chi tiết đối với các ngành, các cấp và lấy lực lượng PCCC & Cứu nạn cứu hộ kết hợp với lực lượng quân sự làm nòng cốt.

3.1. Quy trình ứng phó sự cố hóa chất

a) Tiếp nhận thông tin về sự cố hóa chất

Thông tin về sự cố hóa chất được tiếp nhận thông qua nhiều kênh khác nhau để đảm bảo nhanh chóng kịp thời ứng cứu. Thông thường khi có sự cố hóa chất cơ sở báo tin trước nhất cho lực lượng PCCC & CNCH hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.

Khi nhận được thông tin chính xác về sự cố hóa chất Ban Chỉ đạo là đơn vị quyết định triển khai mọi nhiệm vụ về ứng cứu.

b) Đánh giá tình hình sơ bộ ban đầu

Khẩn trương họp Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình sơ bộ ban đầu về sự cố như: Địa điểm xảy ra, loại hóa chất, loại hình sự cố, nguyên nhân xảy ra, khu vực ảnh hưởng, ước lượng mức độ ảnh hưởng…

c) Triển khai hoạt động ứng phó

Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp yêu cầu lực lượng Công an (Đơn vị PCCC & CNCH), lực lượng quân sự (BCH Quân sự tỉnh, BCH Quân sự huyện và xã đội) là đơn vị trực tiếp tiến hành công tác ứng phó sự cố. Đồng thời yêu cầu lực lượng cứu nạn, cứu hộ của các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện công tác ứng phó sự cố. Ngay sau đó chỉ đạo bằng công điện khẩn, văn bản hỏa tốc đến các ngành, các cấp và các lực lượng chức năng triển khai công tác ứng phó, khắc phục sự cố nhằm khẩn trương khắc phục nhanh nhất mọi thiệt hại đối với người, tài sản.

Nguyên tắc ứng phó: Ưu tiên cứu người trước hết rồi mới đến môi trường, tài sản; cứu khu vực quan trọng trước mới đến khu vực phụ trợ; cứu hộ hồ sơ, sổ sách trước rồi mới đến tài sản, nhà xưởng sau.

d) Cứu nạn, cứu hộ

Người trực tiếp chỉ huy cứu nạn, cứu hộ chỉ đạo lực lượng nòng cốt là Cảnh sát PCCC - CNCH trực tiếp làm công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ; các lực lượng quân sự, công an, y tế phối hợp cứu người, tài sản vật chất, bố trí điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ mọi công tác ứng phó như: Đảm bảo giao thông, xây dựng lều trại; cung cấp điện, nước, thông tin, phương tiện, dụng cụ, thực phẩm …

3.2. Sơ tán dân trong khu vực ảnh hưởng

Tùy theo tính chất sự cố và tình hình ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực sự cố mà Ban Chỉ đạo quyết định sơ tán hay không sơ tán dân cư.

Trường hợp phải sơ tán dân cư: Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất yêu cầu lực lượng Công an (Cảnh sát PCCC & CNCH), quân sự (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, xã đội) xây dựng lều bạt tạm tại vị trí thích hợp gần nơi xảy ra sự cố nhưng đảm bảo khoảng cách an toàn, thuận lợi trong công tác điều trị, chăm sóc người bị nạn và đảm bảo đủ chỗ ở cho những người khác thuộc khu vực sự cố. Phối hợp với chính quyền địa phương để huy động điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho nhân dân khu vực sự cố trong thời gian ứng phó, khắc phục sự cố; đảm bảo về công tác an ninh trật tự, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và các điều kiện khác phục vụ nhân dân nơi xảy ra sự cố.

Danh sách số điện thoại đường dây nóng ứng phó sự cố hóa chất

TT

Tên cơ quan, đơn vị

Thủ trưởng
(người đứng đầu)

Số điện thoại di động cá nhân

1

Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đ/c: Hà Thị Minh Hạnh

0915759323

2

Sở Công Thương

Giám đốc

Đ/c: Nguyễn Khắc Quyền

0912336453

3

Công an tỉnh

Giám đốc

Đ/c: Hầu Văn Lý

0913271322

4

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chỉ huy trưởng

Đ/c: Đoàn Quốc Việt

0982025307

5

Sở Y tế

Giám đốc

Đ/c: Lương Viết Thuần

0904186390

6

UBND thành phố HG

Chủ tịch

Đ/c: Nguyễn Thị Phương Lan

0912006067

7

UBND huyện Bắc Quang

Chủ tịch

Đ/c: Nguyễn Trung Hiếu

0913081136

8

UBND huyện Vị Xuyên

Chủ tịch

Đ/c: Lương Văn Đoàn

0913327219

9

UBND huyện Quang Bình

Chủ tịch

Đ/c: Nguyễn Tiến Dũng

0913271494

10

UBND huyện Bắc Mê

Chủ tịch

Đ/c: Củng Thị Mẩy

0915934024

11

UBND huyện Quản Bạ

Chủ tịch

Đ/c: Nguyễn Chí Thâm

0912103838

12

UBND huyện Yên Minh

Chủ tịch

Đ/c: Phan Thị Minh

 

13

UBND huyện Đồng Văn

Chủ tịch

Đ/c: Hoàng Văn Thịnh

0912393933

14

UBND huyện Mèo Vạc

Chủ tịch

Đ/c: Nguyễn Cao Cường

01233119988

15

UBND huyện H.Su Phì

Chủ tịch

Đ/c: Thèn Ngọc Minh

0945566688

16

UBND huyện Xín Mần

Chủ tịch

Đ/c: Hoàng Nhị Sơn

0914661056

4. Các giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố hóa chất

Tùy theo tình hình thực tế của sự cố hóa chất và tính chất, đặc điểm của loại hóa chất mà chúng ta phân ra các loại ảnh hưởng tác động để đưa ra giải pháp kỹ thuật khắc phục.

4.1. Nguyên tắc chung: Loại bỏ các nguy cơ còn tồn tại để chuẩn bị làm vệ sinh khu vực sự cố hóa chất. Tiếp theo dọn dẹp sạch chất thải, chất tro cháy, các thứ đổ vỡ, trang thiết bị hỏng hóc … Quản lý chất thải nguy hại theo quy định. Khôi phục lại môi trường ban đầu và đánh giá các thiệt hại về người và tài sản.

4.2. Một số trường hợp cụ thể:

Thứ nhất: Khắc phục sự cố do cháy, nổ hóa chất là xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng hoặc các loại hóa chất khác có khả năng cháy nổ.

Sự cố do cháy nổ hóa chất thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng đối với cơ sở vật chất hoặc nguy cơ gây tai nạn cho con người. Cơ sở vật chất thường bị phá hủy không có khả năng phục hồi hoặc không còn tính năng sử dụng sau khi bị sự cố cháy nổ xảy ra. Do vậy biện pháp kỹ thuật khắc phục sự cố cháy nổ hóa chất gặp rất nhiều khó khăn mà không đem lại hiệu quả, thông thường là các biện pháp kỹ thuật tháo dỡ, lắp đặt, thu dọn trang thiết bị, dụng cụ tại hiện trường hoặc áp dụng kỹ thuật xây dựng mới cơ sở vật chất bị hư hỏng.

Thứ hai: Khắc phục sự cố do rò rỉ hóa chất là xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng hoặc các loại hóa chất khác.

Trước hết phải khoanh vùng hóa chất bị rò rỉ, tìm mọi biện pháp để không cho hóa chất phát tán ra môi trường xung quanh, xây dựng cảnh báo khu vực và cho người canh gác 24/24 giờ. Tìm vị trí hóa chất bị rò rỉ từ bình, bồn chứa, bể chứa. Xác định các nguyên nhân gây rò rỉ và tìm giải pháp khắc phục. Tùy theo tính chất của bình chứa, bể chứa, loại hóa chất đang chứa đựng chúng ta tìm biện pháp hàn gắn chỗ rò rỉ sao cho đảm bảo an toàn. Nếu hóa chất có tính chất nguy hiểm dễ cháy nổ có thể phải di dời sang thiết bị chứa đựng khác trước khi thao tác hàn gắn chỗ rò rỉ. Đồng thời trong thời gian khắc phục sự cố thì ngừng mọi hoạt động kinh doanh, sử dụng hóa chất để đảm bảo an toàn đối với người và cơ sở vật chất.

Thứ ba: Khắc phục sự cố vỡ đập ngăn hồ lắng bãi thải nguy hại tại các nhà máy tuyển quặng.

Xác định phạm vi ảnh hưởng của sự cố đối với vỡ đập ngăn của các hồ lắng bãi thải tuyển quặng đối với con người, đối với môi trường vùng hạ du của nhà máy. Sau đó tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn bùn thải mang theo các hóa chất độc hại không phát tán lan truyền trên diện rộng và cho tiến hành nạo vét thu hồi và xử lý khối lượng hóa chất, bùn thải mang theo hóa chất. Sử dụng các biện pháp trung hòa hóa chất độc hại còn tồn tại trong môi trường sau khi nạo vét. Quan trắc môi trường để đánh giá công tác khắc phục và xác định nồng độ các chất độc hại còn tồn tại trong môi trường đã đạt yêu cầu theo quy định hay chưa.

5. Công tác đảm bảo

5.1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh là đơn vị chịu mọi trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công cho các ngành, các cấp và trực tiếp chỉ đạo các lực lượng nòng cốt trong ứng cứu sự cố hóa chất.

Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu hộ cứu nạn và các Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn các huyện là đơn vị chuyên nghiệp có chức năng, nhiệm vụ chính đảm bảo công tác cứu hộ cứu nạn, ứng phó mọi sự cố trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Lực lượng quân sự có trách nhiệm phối hợp trong công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục sự cố. Ngoài ra có lực lượng cứu nạn, cứu hộ của các ngành, các cấp cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng phó, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố (có danh mục huy động lực lượng kèm theo kế hoạch tại Phụ lục 2).

5.2. Điều kiện cơ sở vật chất

Để duy trì lực lượng đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố hóa chất thì đòi hỏi lực lượng Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác. Đồng thời thường xuyên diễn tập sẵn sàng tác nghiệp trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Ngoài ra phải phối hợp với lực lượng quân sự để ứng cứu tại chỗ ban đầu và thực hiện công tác đảm bảo an ninh, tính mạng người dân, tài sản, của cải vật chất của nhân dân. (có Phụ lục 3: Danh mục huy động trang thiết bị, dụng cụ kèm theo).

5.3. Tài chính

Mọi chi phí cho hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh được thực hiện dựa trên nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động hàng năm hoặc theo từng sự vụ xẩy ra. Ban chỉ đạo là đơn vị xây dựng chi phí tài chính hoạt động hàng năm trình cơ quan chức năng phê duyệt cấp kinh phí. Hoạch toán chi phí tài chính thông qua các cơ quan chức năng chuyên môn trực tiếp tham gia ứng phó sự cố hóa chất.

6. Công tác tổ chức, phối hợp thực hiện

Ban Chỉ đạo là đơn vị điều hành chung có trách nhiệm kết nối mọi thông tin liên lạc với các bộ phận phụ trách. Ban Chỉ đạo cử người chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp và điều hành công tác ứng cứu sự cố. Lực lượng PCCC & CNCH và lực lượng quân sự là bộ phận trực tiếp nhận lệnh từ người chỉ huy tại hiện trường.

Các ngành, các cấp cử người, phương tiện tham gia ứng cứu sự cố hóa chất thực hiện theo sự chỉ đạo, điều hành của chỉ huy Ban Chỉ đạo.

6.1. Trách nhiệm của các ngành, các cấp

a) Sở Công Thương

Sở Công Thương là cơ quan thường trực, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo phòng ngừa sự cố hóa chất cấp tỉnh nắm bắt tình hình chung về các cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm trên địa bàn. Định kỳ báo cáo công tác đảm bảo an toàn đối với các cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm, hàng năm xây dựng kế hoạch tập huấn, diễn tập, kiểm tra. Thường xuyên phối hợp với các ngành, cấp hoàn thiện, bổ sung, cập nhật mọi thông tin về nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kinh phí hàng năm cho hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, trên cơ sở kinh phí của các đơn vị xây dựng trình lên Ban Chỉ đạo.

b) Công an tỉnh

Đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn phân luồng giao thông thông suốt nơi xảy ra sự cố hóa chất. Có trách nhiệm chỉ đạo, điều động đơn vị PCCC & CNCH thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố. Đơn vị PCCC & CNCH là lực lượng nòng cốt trực tiếp thực hiện công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn tỉnh; có trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trạng thiết bị, dụng cụ sẵn sàng thực hiện công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ; luôn luôn chuẩn bị lực lượng con người tối đa của đơn vị cho một kíp ứng phó sự cố, luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai thực hiện.

Hàng năm phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, diễn tập, kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm.

Xây dựng dự trù kinh phí cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tổ chức diễn tập, tập huấn hàng năm của đơn vị mình gửi Ban Chỉ đạo tổng hợp.

c) Lực lượng quân sự

Là lực lượng trực tiếp phối hợp trong công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ. Đây là lực lượng trực tiếp tiếp cận sớm nhất tại địa bàn các huyện thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, điều động lực lượng quân sự trên địa bàn thực hiện ứng phó sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, diễn tập, kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm.

Xây dựng dự trù kinh phí cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tổ chức diễn tập, tập huấn hàng năm của đơn vị mình gửi Ban Chỉ đạo tổng hợp.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất; tham mưu trong công tác thanh tra, kiểm tra và ban hành văn bản quy định về công tác bảo vệ môi trường tại các dự án nói chung. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, Kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án hóa chất trước khi đi vào hoạt động theo quy định.

đ) Sở Y tế

Bảo đảm cho công tác cấp cứu, điều trị cho người bị nạn do sự cố hóa chất gây ra; Sở y tế có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp, tức thời cho Trung tâm y tế các huyện, thành phố thực hiện công tác cấp cứu, điều trị ban đầu cho người bị nạn tại địa bàn xảy ra sự cố hóa chất.

Xây dựng dự trù kinh phí cho công tác ứng phó sự cố hóa chất, tổ chức diễn tập, tập huấn hàng năm của đơn vị mình gửi Ban Chỉ đạo tổng hợp.

e) Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về công nghệ đối với các dự án công nghiệp; trong đó có dự án, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất; chủ trì tổ chức thẩm định dây chuyền công nghệ đối với các dự án trước khi đi vào hoạt động.

f) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Có trách nhiệm tổ chức quản lý an toàn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất thuộc ngành quản lý trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đôn đốc các cơ sở hóa chất thuộc ngành quản lý thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn đối với kho chứa, cửa hàng kinh doanh hóa chất.

g) Hội Chữ thập đỏ tỉnh

Có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống sự cố hóa chất. Tham gia ứng cứu khi xảy ra sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh. Tập hợp, huy động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ và triển khai hỗ trợ nhân dân khu vực bị sự cố.

h) Sở Tài chính

Có trách nhiệm xây dựng dự toán ngân sách hàng năm phục vụ cho công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, trên cơ sở bản dự toán kinh phí do Ban Chỉ đạo phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh xây dựng.

i) UBND các huyện, thành phố

Có trách nhiệm bố trí lực lượng dân quân, phối hợp với lực lượng của các cơ quan chức năng thực hiện công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn điều động lực lượng trực tiếp tham gia công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn quản lý.

7. Kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố hóa chất

Hàng năm Ban Chỉ đạo hóa chất cấp tỉnh sẽ tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất. Thời gian, địa điểm, quy mô tổ chức do Trưởng ban Chỉ đạo họp thống nhất và quyết định.

Tùy tình hình thực tế hàng năm của địa phương Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh có thể không tổ chức diễn tập mà thay bằng các chương trình tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Giao cho Sở Công Thương tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo trình UBND tỉnh quyết định.

- Các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Kế hoạch này triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, trong đó tập trung xây dựng lực lượng con người và phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chuyên ngành sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Kế hoạch này được áp dụng thực hiện từ ngày ký ban hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG HÓA CHẤT VÀ KHU VỰC CÓ NGUY CƠ XẢY RA SỰ CỐ HÓA CHẤT

STT

TÊN CƠ SỞ, DOANH NGHIỆP

ĐỊA CHỈ, KHU VỰC CÓ NGUY CƠ SỰ CỐ

Loại hóa chất

1

Cty TNHH SXTM&DV Đông Tùng

KM 5, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

LPG

2

Cty Xăng Dầu Hà Giang

Tổ 18, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang

Xăng, dầu

3

Cửa hàng xăng dầu Hà Yên

Tổ 2, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang

Xăng, dầu

4

Cửa hàng xăng dầu Cầu Mè

Tổ 18, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang

Xăng, dầu

5

Cửa hàng xăng dầu Quang Trung

Tổ 7, phường Quang Trung, TPHG

Xăng, dầu

6

Cửa hàng xăng dầu Vị Xuyên (02 cửa hàng)

Thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

7

Cửa hàng xăng dầu Việt Lâm

Thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

8

Cửa hàng xăng dầu Tân Quang

Xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

9

Cửa hàng xăng dầu Cơ khí

Thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

10

Cửa hàng xăng dầu Hùng An

Xã Hùng An, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

12

Cửa hàng xăng dầu Vĩnh Tuy

Thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

13

Cửa hàng xăng dầu Đồng Yên

Xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

14

Cửa hàng xăng dầu Yên Bình

Thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

15

Cửa hàng xăng dầu Nà Trì

Xã Nà Trì, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

16

Cửa hàng xăng dầu Hoàng Su Phì

Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh HG

Xăng, dầu

17

Cửa hàng xăng dầu Thông Nguyên

Xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

19

Cửa hàng xăng dầu Yên Phú

Xã Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

20

Cửa hàng xăng dầu Bắc Mê

Thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

21

Cửa hàng xăng dầu Minh Tân

Xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

22

Cửa hàng xăng dầu Quản Bạ

Xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

22

Cửa hàng xăng dầu Yên Minh

Thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

23

Cửa hàng xăng dầu Đồng Văn

Thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

24

Cửa hàng xăng dầu Mèo Vạc

Thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

26

Cửa hàng xăng dầu thương mại

Tổ 4, phường Ngọc Hà, TP Hà Giang

Xăng, dầu

27

Cửa hàng xăng dầu thương mại

Tổ 10, phường Minh Khai, TP Hà Giang

Xăng, dầu

28

Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Huệ

Thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

29

Cửa hàng xăng dầu Bảo Sơn

Thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

30

Cửa hàng xăng dầu thương mại

Xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

31

Cửa hàng xăng dầu Bảo Sơn

Thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

32

Cửa hàng xăng dầu Thanh Thủy

Xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

33

Cửa hàng xăng dầu xã Mậu Duệ

Thị trấn Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang

Xăng, dầu

34

Kho vật liệu nổ công nghiệp của quân đội

Phường Ngọc Hà, Thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang

Vật LNCN

35

Kho vật liệu nổ công nghiệp của Chi nhánh Hóa chất mỏ Hà Tuyên

Phường Quang Trung, Thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang

Vật LNCN

36

Công ty cổ phần ô tô Giải Phóng

Xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Dung môi sơn

37

Nhà máy sản xuất nước sạch TP. Hà Giang

Số 34, đường An Cư, tổ 5, phường Trần Phú, T.P Hà Giang

Khí Clo (Cl2)

38

Nhà máy sản xuất nước sạch Bắc Quang

Thị trấn Vinh Quang, huyện Bắc Quang

Khí clo (Cl2)

39

Nhà máy tuyển quặng chì kẽm Minh Sơn

Xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang

ZnS04; CuS04

40

Nhà máy tuyển quặng chì kẽm Na Sơn

Xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

ZnS04; CuS04

41

Nhà máy tuyển quặng chì kẽm Bản Kẹp

Xã Minh sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang

ZnS04; CuS04

42

Nhà máy tuyển quặng antimon Bản Trang

Thôn Bản Trang, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc

ZnS04; CuS04

43

Nhà máy tuyển, antimon Khâu Vai

Xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

ZnS04; CuS04

44

Nhà máy tuyển, luyện antimol Mậu Duệ

Xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang

ZnS04; CuS04; Na2C03

45

Nhà máy luyện chì kim loại

Khu công nghiệp Bình Vàng

H2S04, NaCl

46

Nhà máy luyện chì kim loại

Cụm Công nghiệp Nam Quang

H2S04, NaCl

47

Nhà máy tuyển quặng vàng Việt Hồng

Xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xianua, Thủy ngân

48

Nhà máy tuyển quặng vàng Tiên Kiều

Xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Xianua, Thủy ngân

49

Nhà máy giấy Hải Hà

Cụm công nghiệp Nam Quang

Na2S04; Na0H

50

Nhà máy chế biến gỗ ván thanh, ván MDF

Khu công nghiệp Bình Vàng

Na2S04; Na0H

51

Nhà máy tuyển quặng chì kẽm Ao Xanh

Xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

ZnS04; CuS04

 

PHỤ LỤC 2

LỰC LƯỢNG DỰ KIẾN HUY ĐỘNG ỨNG PHÓ, CỨU HỘ, CỨU NẠN SỰ CỐ HÓA CHẤT

STT

LỰC LƯỢNG
(số người)

Tỉnh

Huyện, Thành phố

Xã, phường, thị trấn

Tổng cộng
(số người)

1

PCCC&CNCH

30

15

 

45

2

Quân sự

20

20

05

45

3

Cảnh sát giao thông

03

05

 

08

4

Y tế

10

05

02

17

5

Lực lượng các ngành, cấp dự kiến

10

10

05

25

 

Tổng cộng

(số người)

73

55

12

140

 

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ DỰ KIẾN HUY ĐỘNG ỨNG PHÓ, CỨU HỘ, CỨU NẠN SỰ CỐ HÓA CHẤT

STT

Danh mục phương tiện, trang thiết bị

Đơn vị

Sở, ngành, đơn vị

Huyện, thành phố

Tổng cộng

Tổng số

Huy động

Tổng số

Huy động

1

Xe cứu hỏa, xe cứu nạn

Chiếc

08

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

 

 

08

2

Xe cứu thương

Chiếc

05

Sở Y tế, Công An, Quân sự tỉnh

01

Y tế huyện

15

3

Xe tải

Chiếc

10

Công an BCH QS tỉnh

01

BCH QS huyện

11

4

Máy bộ đàm

Máy

10

BCH QS tỉnh 05; Cảnh sát PCCC 05

02

BCH QS huyện

12

5

Máy phát điện

Máy

02

Công an, BCH QS tỉnh

02

Công an huyện BCH QS huyện

04

6

Cưa máy

Chiếc

02

Công an, BCH QS tỉnh

02

Công an huyện BCH QS huyện

04

7

Máy khoan cắt bê tông

Chiếc

10

Công an, BCH QS tỉnh

02

Công an huyện BCH QS huyện

12

8

Nhà bạt các loại

Cái

10

Công an, BCH QS tỉnh

02

Công an huyện BCH QS huyện

12

9

Xà beng các loại

Cái

10

BCH QS tỉnh

10

Công an huyện BCH QS huyện

20

10

Búa các loại

Cái

10

BCH QS tỉnh

10

BCH QS huyện

20

11

Cuốc và xẻng

Cái

10

BCH QS tỉnh

10

BCH QS huyện

20

12

Cưa tay

Cái

02

BCH QS tỉnh

02

BCH QS huyện

04

13

Đèn pin các loại

Cái

20

Sở Công Thương

10

BCH QS huyện

30

14

Dây thừng

Mét

200

BCH QS tỉnh

300

BCH QS huyện

500

15

Kìm cộng lực

Cái

10

BCH QS tỉnh

05

BCH QS huyện

15

16

Loa cầm tay

Cái

05

Công an, BCH QS tỉnh

02

Công an huyện BCH QS huyện

07

17

Đèn pha

Cái

06

Công an, BCH QS tỉnh

02

Công an huyện BCH QS huyện

06

 

PHỤ LỤC 4

Bảng 1. Phân loại và hình đồ cảnh báo của một số hóa chất được tồn chứa nhiều trên địa bàn tỉnh Hà Giang

STT

Tên hóa chất

Công thức hóa học

Mã số Cas

Xếp loại nguy hiểm

Ghi nhãn hóa chất

1

Sodium Carbonate

Na2CO3

497-19-8

Kích ứng mắt (loại 2)

2

Hydrochloric Acid

HCl

7647-01-0

- Ăn mòn kim loại (loại 1)

- Ăn mòn da (loại 1B)

- Gây phỏng da nghiêm trọng và tổn thương mắt

- Ăn mòn

- Độc tính tiếp xúc (loại 3)

- Kích thích hệ hô hấp

- Gây bỏng da

3

Sulfuric Acid

H2SO4

7664-93-9

- Ăn mòn da (loại 1A)

- Gây phỏng da nghiêm trọng và tổn thương mắt

- Ăn mòn

- Có hại cho sinh vật thủy sinh với tác dụng lâu dài

4

Sodium Hydroxide

NaOH

1310-73-2

- Có thể ăn mòn kim loại

- Gây bỏng da nghiêm trọng và tổn thương mắt

5

Nitric Acid

HNO3

7697-37-2

- Chất lỏng oxy hóa (loại 3)

- Ăn mòn da (loại 1A)

6

Aceton

C3H6O

67-64-1

- Chất lỏng dễ cháy (loại 2)

- Kích ứng mắt loại 2

- Độc tính tiếp xúc (loại 3)

7

Clorine

Cl2

7782-50-5

- Khí oxi hóa (loại 1)

- Khí nén dưới áp lực, độc cấp tính theo đường hô hấp (loại 2)

- Ăn mòn da (loại 1)

- Kích ứng hô hấp (loại 3)

- Ảnh hưởng môi trường thủy sinh (loại )

- Kích ứng mắt (loại 1)

21534

 

Bảng 2. Tính chất lý hóa, độc tính của các hóa chất được tồn chứa nhiều trên địa bàn tỉnh Hà Giang

STT

Tên hóa chất

Tính chất hóa lý

Độc tính

Ngưỡng độc

1

Sodium Carbonate

(497-19-8)

- Trạng thái vật lý: Rắn

- Màu sắc: Trắng

- Mùi: Không mùi

- Điểm sôi: 400oC

- Điểm nóng chảy: 851oC

- Nhiệt độ phân hủy: 400oC

- Độ hòa tan: Tan trong nước

- Tỷ trọng riêng/Mật độ: 1,55

Cảnh báo nguy hiểm

Gây kích ứng mắt nghiêm trọng

Con đường tiếp xúc và triệu chứng

Mắt: Có thể gây tổn thương giác mạc. Tiếp xúc với mắt có thể gây kích ứng nặng và bỏng mắt.

Da: Tiếp xúc với da gây kích ứng và có thể bị bỏng, đặc biệt là nếu da ướt hoặc ẩm.

Nuốt phải: Có thể gây kích ứng đường tiêu hóa.

Hít phải: Có hại nếu hít phải. Có thể gây kích ứng đường hô hấp với đau rát trong mũi và họng, ho, thở khò khè, khó thở và phù phổi.

Mãn tính: Kéo dài hoặc lặp đi lặp lại khi hít phải có thể gây chảy máu mũi, nghẹt mũi, xói mòn của răng, thủng vách ngăn mũi, đau ngực và viêm phế quản.

- LD50: 4,090 mg/kg (Chuột - qua hệ tiêu hóa)

- LC50: 5,750 mg/l/2 giờ (Chuột - hệ hô hấp)

- LC50: 300mg/l/96 giờ (Cá)

- EC50: 265 mg/l/48 giờ (Động vật không xương sống dưới nước)

2

Hydrochloric Acid

(7647-01-0)

- Trạng thái vật lý: Chất lỏng

- Màu sắc: Màu vàng

- Mùi đặc trưng: Mùi hăng

- Khối lượng riêng (kg/m3): 1,2 g/cm3 tại 25oC

- Áp suất hơi: 227 hPa ở 21,1oC; 547 hPa ở 37,7oC

- Tỷ trọng hơi (Không khí = 1) ở nhiệt độ, áp suất tiêu chuẩn: 3,39

- Độ hòa tan trong nước: Dễ dàng hòa tan trong nước lạnh.

- Điểm sôi (oC): 100

- Điểm đông (oC): -30

Cảnh báo nguy hiểm:

Các nguy hại thể chất

 - Ăn mòn kim loại.

Các nguy hại sức khỏe

- Gây phỏng da nghiêm trọng và tổn thương mắt.

- Gây kích ứng đường hô hấp.

Các nguy hại về môi trường

 - Có hại cho sinh vật thủy sinh với tác dụng lâu dài.

Các đường tiếp xúc và triệu chứng

Mắt: gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm bỏng mắt, chảy nước mắt; có thẻ dẫn đến thiệt hại cho giác mạc vĩnh viễn. Trong trường hợp tiếp xúc bằng mắt, rửa sạch với nhiều nước và chăm sóc y tế ngay lập tức.

Hít phải: Hít phải hơi có thể gây ra hành động ăn mòn màng nhầy. Các triệu chứng bao gồm nghẹt thở, ho, thở khò khè, viêm thanh quản, khó thở, nhức đầu hoặc buồn nôn.

Da: Ăn mòn nghiêm trọng và nhanh chóng tiếp xúc. Mức độ thiệt hại phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc. Các triệu chứng bao gồm nóng, ngứa, mẩn đỏ, viêm, sưng các mô tiếp xúc. có hại nếu được hấp thụ qua da.

Nuốt phải: Gây nôn, ăn mòn nghiêm trọng miệng, thực quản và đường tiêu hóa nếu nuốt phải. Các triệu chứng bao gồm cháy, nghẹt thở, buồn nôn,nôn mửa và đau nặng.

Mãn tính: Lặp đi lặp lại hay lâu dài với sản phẩm có thể sản xuất kích ứng mắt mãn tính và kích ứng da nghiêm trọng. Lặp đi lặp lại hoặc kéo dài tiếp xúc với hơi có thể gây kích ứng đường hô hấp dẫn đến phế quản nhiễm trùng. Phơi nhiễm nhiều lần với sản phẩm có thể tạo ra sự suy giảm chung của sức khỏe bởi sự tích tụ trong một hoặc nhiều bộ phận cơ thể con người.

- LD50: 900 mg/kg (Chuột - qua hệ tiêu hóa)

- LC50: 1.108 ppm/1 giờ (Chuột - hệ hô hấp)

- LC50: 282 mg/l/96 giờ (Cá)

3

Sulfuric Acid

(7664-93-9)

- Trạng thái vật lý: Chất lỏng (Chất lỏng nhờn dày)

- Màu sắc: Trong, không màu.

- Mùi đặc trưng: Không mùi, nhưng có mùi nghẹt thở khi nóng.

- Khối lượng riêng (kg/m3): 1,98 g/cm3 tại 25oC.

- Tỷ trọng hơi (Không khí = 1) ở nhiệt độ, áp suất tiêu chuẩn: 3,39.

- Độ hòa tan trong nước: Dễ dàng hòa tan trong nước lạnh. Sulfuric là hòa tan trong nước với giải phóng nhiều nhiệt. Hòa tan trong rượu etylic.

- Điểm sôi (oC): 290

- Điểm đông (oC): 3

- Độ pH: 1,2pH tại nồng độ 5 g/l

Cảnh báo nguy hiểm

Các nguy hại thể chất

 - Chất lỏng

Các nguy hại sức khỏe

 - Độc hại khi hít phải.

 - Kích ứng hệ hô hấp.

 - Kích ứng mắt.

 - Ăn mòn da.

Các nguy hại về môi trường

 - Có hại cho sinh vật thủy sinh với tác dụng lâu dài

Các đường tiếp xúc và triệu chứng

Mắt:

- Gây bỏng mắt nghiêm trọng. Có thể gây ra chấn thương mắt không thể đảo ngược. Có thể gây viêm kết mạc.

- Gây mù lòa.

Hít phải:

- Có thể gây kích ứng đường hô hấp với đau ở mũi và họng, ho, thở khò khè, khó thở và phù phổi.

- Nguyên nhân bỏng hóa chất đến đường hô hấp.

- Khi hít vào có thể gây tử vong do co thắt, viêm, phù nề thanh quản và phế quản, viêm phổi do hóa chất và phù phổi.

- Nguyên nhân ăn mòn màng nhầy.

Da:

- Gây bỏng da; có thể gây hoại tử mô.

- Có thể gây phát ban da (trong trường hợp nhẹ hơn), và da lạnh và dẻo với xanh tím hoặc màu nhạt.

Đường tiêu hóa:

- Có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài đến đường tiêu hóa.

- Nguyên nhân bỏng đường tiêu hóa. Có thể gây độc tính với nhiễm toan.

Lưu ý

Mãn tính: Kéo dài hoặc hít phải lặp đi lặp lại có thể gây ra chảy máu cam, nghẹt mũi, xói mòn của răng, thủng vách ngăn mũi, đau ngực và viêm phế quản; kéo dài hoặc hít phải lặp đi lặp lại có thể gây ra tổn thương thận và phổi. Kéo dài hoặc lặp đi lặp lại tiếp xúc với da có thể gây viêm da. Kéo dài hoặc lặp đi lặp lại liên hệ với mắt có thể gây ra viêm kết mạc.

- LD50: 2.140 mg/kg (Chuột - qua hệ tiêu hóa)

- LC50: 510 mg/m3/2 giờ (Chuột - hệ hô hấp)

- LC50: 42 mg/l/96 giờ (Cá)

- EC50: 29 mg/l/48 giờ (Động vật không xương sống dưới nước)

4

Hydrogen Peroxide

(7722-84-1)

- Trạng thái vật lý: Lỏng.

- Màu sắc: Không màu.

- Mùi đặc trưng: Mùi axit nhẹ.

- Áp suất hơi: 23 mmHg 30oC.

- Khối lượng riêng (kg/m3): 1,2 g/cm3 tại 30oC

- Tỷ trọng hơi (Không khí = 1) ở nhiệt độ, áp suất tiêu chuẩn: 1,17.

- Độ hòa tan trong nước: tan trong nước.

- Điểm sôi (oC): 108

- Điểm đông (oC): -25

- Giới hạn nồng độ cháy, nổ dưới (% hỗn hợp với không khí): 40%Vol

Cảnh báo nguy hiểm

Các nguy hại thể chất

 - Ăn mòn.

Các nguy hại sức khỏe

- Hại nếu nuốt phải

- Nguyên nhân tổn thương mắt nghiêm trọng.

Các đường tiếp xúc và triệu chứng

Mắt: Hơi sản phẩm ăn mòn và gây kích thích mắt. Các triệu chứng bao gồm đau, tấy đỏ và mờ mắt. Sản phẩm bắn vào mắt có thể gây ra sự phá hủy giác mạc vĩnh viễn dẫn đến mù lòa.

Hít phải: Hơi sản phẩm ăn mòn và gây kích thích đường hô hấp. Hít sản phẩm dạng sương mù có thể đốt cháy màng nhầy của mũi và họng. Trong trường hợp nặng, tiếp xúc có thể dẫn đến phù phổi và tử vong.

Da: Ăn mòn; Các triệu chứng của đỏ, đau và bỏng có thể xảy ra.

Đường tiêu hóa: Gây ăn mòn và gây kích ứng miệng, cổ họng, và bụng. Liều lượng cao có thể gây ra triệu chứng đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy cũng như phồng rộp hoặc phá hủy mô. Bụng chướng (do giải phóng nhanh chóng của oxy), và nguy cơ thủng dạ dày, co giật, phù phổi, hôn mê, phù não có thể (chất lỏng trong não), và có thể dẫn đến tử vong.

Mãn tính: Không có thông tin

Lưu ý: Những người bị rối loạn về da từ trước hoặc vấn đề về mắt hoặc suy giảm chức năng hô hấp có thể nhạy cảm hơn với các tác động của sản phẩm này.

 

5

Nitric Acid

(7697-37-2)

- Trạng thái vật lý: Chất lỏng

- Màu sắc: Không màu

- Mùi đặc trưng: Không mùi

- Áp suất hơi: 6 hPa ở 20oC

- Tỷ trọng hơi (nước = 1) ở nhiệt độ, áp suất tiêu chuẩn: 1,408

- Độ hòa tan trong nước: Dễ dàng hòa tan trong nước lạnh, hòa tan trong nước với giải phóng nhiều nhiệt.

- Điểm sôi (oC): 121

- Điểm nóng chảy (oC): -41,6

Cảnh báo nguy hiểm:

Các nguy hại thể chất

 - Chất lỏng oxy hóa

Các nguy hại sức khỏe

 - Gây phỏng da nghiêm trọng và tổn thương mắt.

 Các nguy hại về môi trường

 - Có hại cho sinh vật thủy sinh.

Các đường tiếp xúc và triệu chứng

Mắt: Ăn mòn; nguyên nhân gây bỏng mắt nghiêm trọng. Hơi có thể gây tổn thương mắt, tầm nhìn bị hư hỏng, mù lòa.

Hít phải: Có thể gây ăn mòn màng nhầy. Các triệu chứng bao gồm nghẹt thở, ho, thở khò khè, viêm thanh quản, khó thở, nhức đầu hoặc buồn nôn.

Da: Ăn mòn. Gây bỏng da nghiêm trọng.

Nuốt phải: Ăn mòn, nuốt phải có thể bỏng môi, khoang miệng, đường hô hấp trên, thực quản và có thể là đường tiêu hóa.

Lưu ý

Mãn tính: Tác dụng lâu dài: Ăn mòn. Tiếp xúc kéo dài gây tổn thương mô nghiêm trọng.

 

6

Aceton

(67-64-1)

- Trạng thái vật lý: Chất lỏng

- Mùi: Mùi bạc hà

- Độ hòa tan: Hòa tan hoàn toàn trong nước

- Nhiệt độ sôi: 56oC

- Nhiệt độ nóng chảy: -94,8oC

Cảnh báo nguy hiểm

- Chất lỏng dễ cháy

- Gây kích ứng mắt nghiêm trọng.

- Có thể gây buồn ngủ hoặc chóng mặt

Con đương tiếp xúc và triệu chứng

Da: Dị ứng cho da. Hấp thụ qua da có thể gây ra tác dụng độc hại.

Tiếp xúc nhiều lần hoặc kéo dài có thể gây ban đỏ (đỏ của da) hoặc viêm da, mất mỡ trên mô.

Mắt: Dị ứng cho mắt. Các triệu chứng bao gồm ngứa, rát, đỏ và chảy nước mắt.

Hít phải: Có hại khi hít phải. Hơi có thể gây ra buồn ngủ và chóng mặt. Hít nồng độ cao của hơi có thể gây trầm cảm và trạng thái mê man. Tiếp xúc quá mức nghiêm trọng có thể sản xuất các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm cả tình trạng hôn mê và nguy cơ tổn thương thận.

Nuốt phải: Có hại: Có thể gây tổn hại phổi nếu nuốt phải. Nuốt phải gây cảm giác nóng rát ở miệng, họng và dạ dày và rối loạn tiêu hóa. Nuốt phải gây nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, nói lắp và nhìn mờ.

- LD50: 5.800 mg/kg (Chuột - qua hệ tiêu hóa).

- LC50: 100 mg/l/8 giờ (Chuột - hệ hô hấp).

- LC50: 5.540 mg/l/96 giờ (Cá).

7

Amonium Hydroxide

(1336-21-6)

- Trạng thái vật lý: Chất lỏng

- Màu sắc: Không màu

- Mùi đặc trưng: Mùi ammoniac (mùi khai)

- Khối lượng riêng: 0,92 g/cm3

- Áp suất hơi: 112,5 mmHg ở 20oC

- Tỷ trọng hơi (không khí = 1) ở nhiệt độ, áp suất tiêu chuẩn: 0,59

- Độ hòa tan: Dung dịch

- Điểm sôi (oC): 27

- Điểm đông (oC): -34,9

Cảnh báo nguy hiểm:

- Gây phỏng da nghiêm trọng và tổn thương mắt.

- Có thể gây kích ứng đường hô hấp.

- Rất độc cho sinh vật thủy sinh.

Các đường tiếp xúc và triệu chứng

Mắt: Tiếp xúc với hơi sản phẩm gây tổn thương mắt, gây bỏng mắt

Hít phải: Gây dị ứng nghiêm trọng của đường hô hấp trên với ho, bỏng, khó thở, và có thể hôn mê.

Da: Gây dị ứng da nghiêm trọng. Gây bỏng da. Có thể thâm nhập vào các vết loét trên da. Tiếp xúc với da có thể gây biến màu, viêm da.

Nuốt phải: Có hại nếu nuốt phải. Có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài đến đường tiêu hóa, nguyên nhân bỏng đường tiêu hóa, gây co thắt cổ họng, nôn mửa, co giật và sốc

Mãn tính: hít phải có thể gây viêm đường hô hấp và tổn thương phổi. Tiếp xúc kéo dài hoặc lặp đi lặp lại có thể gây ra tổn thương giác mạc và sự phát triển của đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

- LD50: 350 mg/kg (Chuột - qua hệ tiêu hóa)

8

Clorine

(7782-50-5)

- Trạng thái vật lý: Chất khí

- Màu sắc: Vàng lục nhạt

- Mùi: Hắc

- Khối lượng: 70,9 g/mol

- Điểm sôi -34 oC

- Điểm đông -101 oC

Cảnh báo nguy hiểm

- Gây phỏng da nghiêm trọng và tổn thương mắt.

- Có thể gây độc với đường hô hấp do thay thế oxy khiến ngạt thở nhanh.

- Rất độc cho sinh vật thủy sinh.

Các đường tiếp xúc và triệu chứng

Mắt: Tiếp xúc với hơi sản phẩm gây tổn thương mắt, gây bỏng mắt.

Hít phải: ăn mòn hệ hô hấp và Tử vong nếu hít phải.

Da: Gây bỏng da nặng. Có thể thâm nhập vào các vết loét trên da. Tiếp xúc với da có thể gây biến màu, viêm da.

 

 

Bảng 3. Khoảng cách cách ly ban đầu và khoảng cách phát tán theo hướng gió

STT

Tên Hóa chất

Mã số Cas

Tràn đổ, rò rỉ nhỏ (1)

Tràn đổ lớn (2)

Khoảng cách cách ly ban đầu (m)

Khoảng cách phát tán theo hướng gió (km)

Khoảng cách cách ly ban đầu (m)

Khoảng cách phát tán theo hướng gió (km)

Ngày

Đêm

Ngày

Đêm

1

Hydrochloric Acid

7647-01-0

50

-

-

50

-

-

2

Sulfuric Acid đậm đặc bốc khói

7664-93-9

100

0,4

0,9

400

2,9

5,7

3

Sodium Hydroxide (dung dịch)

1310-73-2

50

-

-

50

-

-

4

Sodium Hydroxide (rắn)

1310-73-2

25

-

-

25

-

-

5

Sodium Hypochlorite (Javel)

7681-52-9

50

-

-

50

-

-

6

Oxalic Acid

144-62-7

 

 

 

 

 

 

7

Hydrogen Peroxide

7722-84-1

50

-

-

50

0,1

0,1

8

Toluene

108-88-3

50

-

0

50

0,3

0,3

9

Metyl Isobutyl Ketone

141-79-7

50

-

-

50

0,3

0,3

10

Nitric Acid (đậm đặc)

7697-37-2

30

0,1

0,3

150

0,5

1,1

11

Đồng Sunfate

7758-98-7

25

-

-

25

-

-

12

Sắt (II) Sulfate

7782-63-0

25

-

-

25

-

-

13

Sulfur

7704-34-9

25

-

-

25

0,1

0,1

14

Sodium Metabisulfite

7681-57-4

25

-

-

25

-

-

15

Aceton

67-64-1

50

-

-

50

0,1

0,1

16

Ethanol

64-17-5

50

-

-

50

0,1

0,1

17

Methanol

67-56-1

50

-

-

50

0,1

0,1

18

Amonium Hydroxide

1336-21-6

50

-

-

50

0,1

0,1

19

Phosphoric Acid

7664-38-2

50

-

-

50

-

-

20

Boric Acid

10043-35-3

50

-

-

50

0,1

0,1

21

Formaldehyde

50-00-0

50

-

-

50

-

-

22

Acetic Acid

64-19-7

50

-

-

50

-

-

23

LPG

 

100

-

-

100

0,8

0,8

24

Amoniac

 

30

0,1

0,2

150

0,8

2

 

PHỤ LỤC 5

XÁC ĐỊNH KHOẢNG CÁCH TƯƠNG ỨNG VỚI CÁC MỨC ĐỘ RỦI RO CÁ NHÂN

Bảng A: Khoảng cách cách ly đối với chất lỏng dễ cháy có nguy hiểm cháy bề mặt (pool fire hazard)

Thể tích (m3)

1

10

100

1.000

5.000

1 0,000

25.000

Vùng cách ly

5 m

9 m

17 m

Khoảng cách đê bao = 22m

Khoảng cách đê bao = 28m

Khoảng cách đê bao = 38m

Khoảng cách đê bao = 56m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

8 m

16 m

26 m

 

Bảng B: Khoảng cách cách ly đối với chất lỏng dễ cháy có nguy hiểm bùng cháy (Flash- fire hazard)

Thể tích (m3)

5.000

10.000

25.000

Khoảng cách đê bao (m)

28

38

56

Vùng cách ly

Khoảng cách đê bao + 30 m

Khoảng cách đê bao + 45 m

Khoảng cách đê bao + 70 m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

 

Bảng C: Khoảng cách cách ly đối với khí hóa lỏng dễ cháy có nguy hiểm bùng cháy (Flash- fire hazard)

Điểm sôi

Khối lượng (tấn)

1

10

100

1.000

Thấp

Vùng cách ly

50 m

90 m

150 m

250 m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

80 m

130 m

230 m

360 m

Cao

Vùng cách ly

25 m

40 m

70 m

120 m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

35 m

60 m

110 m

180 m

 

Bảng D: Khoảng cách cách ly đối với khí độc hóa lỏng bằng cách nén (Nguy hiểm từ đám mây khí độc)

Mức độ độc hại

Khối lượng (tấn)

0,1

1

10

100

1.000

Cực kỳ độc

Vùng cách ly

0,4 km

1,2 km

2,8 km

 

 

Vùng sử dụng đất không giới hạn

0,8 km

2,2 km

 

 

 

Rất độc

Vùng cách ly

200 m

0,4 km

0,7 km

1,3 km

2,5 km

Vùng sử dụng đất không giới hạn

330 m

0,6 km

1,1 km

2,1 km

3,9 km

Độc cao

Vùng cách ly

100 m

170 m

0,3 km

0,5 km

0,9 km

Vùng sử dụng đất không giới hạn

160 m

270 m

0,5 km

0,8 km

1,3 km

Độc trung bình

Vùng cách ly

9 m

20 m

50 m

130 m

0,3 km

Vùng sử dụng đất không giới hạn

16 m

40 m

95 m

230 m

0,6 km

Ít độc

Vùng cách ly

 

 

10 m

20 m

40 m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

 

 

17 m

30 m

60 m

 

Bảng E: Khoảng cách cách ly đối với khí độc hóa lỏng bằng làm lạnh (Nguy hiểm từ đám mây khí độc)

Mức độ độc hại

 

Thể tích (m3)

0,1

1

10

100

1.000

10.000

Cực kỳ độc

Vùng cách ly

1,1 km

1,9 km

2,8 km

4,3 km

 

 

Vùng sử dụng đất không giới hạn

1,6 km

2,6 km

4,0 km

 

 

 

Rất độc

Vùng cách ly

0,3 km

0,4 km

0,7 km

1,0 km

4,6 km

2,5 km

Vùng sử dụng đất không giới hạn

0,4 km

0,6 km

0,9 km

1,5 km

2,3 km

3,5 km

Độc cao

Vùng cách ly

70 m

120 m

190 m

 0,3 km

 0,5 km

 0,8 km

Vùng sử dụng đất không giới hạn

110 m

170 m

270 m

 0,5 km

 0,7 km

1.1 km

Độc trung bình

Vùng cách ly

30 m

40 m

70 m

110 m

170 m

260 m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

40 m

60 m

100 m

150 m

240 m

380 m

Ít độc

Vùng cách ly

7 m

10 m

15 m

20 m

30 m

40 m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

9 m

15 m

20 m

30 m

40 m

60 m

 

Bảng F: Khoảng cách cách ly đối với chất lỏng độc (Nguy hiểm từ đám mây khí độc do hóa hơi)

Mức độ độc hại

 

Thể tích (m3)

 

 

 0,1

1

10

100

1.000

10.000

25.000

Khoảng cách đê bao (m)

 

 

 

 

22

38

56

Rất độc

Vùng cách ly

160 m

 0,4 km

1,0 km

2,2 km

D + 2,8 km

D + 6 km

D + 10 km

Vùng sử dụng đất không giới hạn

280 m

 0,7 km

1,9 km

3,6 km

Độc cao

Vùng cách ly

50 m

110 m

 0,3 km

 0,6 km

D + 0,8 km

D + 1,6 km

D + 2,6 km

Vùng sử dụng đất không giới hạn

80 m

200 m

 0,5 km

1.0 km

Độc trung bình

Vùng cách ly

20 m

50 m

120 m

 0,2 km

D + 0,3 km

D + 0,6 km

D + 0,9 km

Vùng sử dụng đất không giới hạn

40 m

90 m

210 m

 0,4 km

Ít độc

Vùng cách ly

4 m

10 m

20 m

40 m

D + 40 m

D + 80 m

D + 140 m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

8 m

20 m

40 m

70 m

Rất ít độc

Vùng cách ly

 

 

10 m

20 m

D + 4 m

D + 8 m

D + 16 m

Vùng sử dụng đất không giới hạn

20 m

30 m

(Ghi chú: D: Khoảng cách đê bao)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 229/KH-UBND

Loại văn bản Văn bản khác
Số hiệu 229/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 09/09/2016
Ngày hiệu lực 09/09/2016
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Không xác định
Cập nhật 8 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 229/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Loại văn bản Văn bản khác
Số hiệu 229/KH-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Ngày ban hành 09/09/2016
Ngày hiệu lực 09/09/2016
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Không xác định
Cập nhật 8 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản được căn cứ

Văn bản hợp nhất

Văn bản gốc Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Hà Giang

  • 09/09/2016

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 09/09/2016

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực