Nội dung toàn văn Kế hoạch 68/KH-UBND năm 2013 phổ biến pháp luật người dân nông thôn Bắc Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/KH-UBND | Bắc Giang, ngày 23 tháng 07 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI DÂN NÔNG THÔN VÀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ” GIAI ĐOẠN 2013 - 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
Thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban bí thư Trung ương Đảng (khóa XI); Công văn số 1661/BNN-PC ngày 01/01/2012 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012” trong năm 2012, trong đó hướng dẫn việc thực hiện Đề án 554 trong năm 2012 và xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 554 giai đoạn 2013 - 2016; Chỉ thị số 1497/CT-BNN-PC ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013 - 2016. Để triển khai thực hiện tốt Đề án giai đoạn 2013 - 2016, UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước nâng cao ý thức làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương đề ra trong Nghị quyết số 26/TW ngày 25/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
2. Yêu cầu
- Nội dung triển khai thực hiện Đề án phải cụ thể, bám sát hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương; lựa chọn các nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng. Thực hiện có hiệu quả việc phối hợp giữa các đơn vị có liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
- Kế thừa và tiếp tục phát huy kết quả phổ biến, giáo dục pháp luật, nhân rộng những mô hình, hình thức tuyên truyền có hiệu quả.
II. NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nội dung
1.1. Củng cố, kiện toàn tổ chức và nhân sự thực hiện công tác phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật để theo dõi và thực hiện công tác của Đề án
1.2. Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật
- Lựa chọn các nội dung pháp luật phù hợp để tập hợp, tuyển chọn, biên tập, biên soạn mới hoặc chỉnh lý, hoàn thiện các tài liệu pháp luật phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương.
- Xây dựng, củng cố, tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời cung cấp các phương tiện hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác này.
- Thực hiện khen thưởng đối với tập thể, gia đình, cá nhân và khu dân cư thực hiện tốt việc chấp hành pháp luật; tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật ở cơ sở và cộng đồng dân cư nông thôn, dân tộc thiểu số.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hình thức phù hợp. Tập trung vào việc tuyên truyền các văn bản pháp luật mang tính thiết thực, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân nông thôn, người dân tộc thiểu số; vận động người dân nông thôn, người dân tộc thiểu số chấp hành tốt pháp luật; xây dựng và nhân rộng các hình thức tuyên truyền trong chấp hành pháp luật.
- Đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo điểm, duy trì và phát triển các mô hình câu lạc bộ pháp luật có hiệu quả.
- Lựa chọn nội dung pháp luật, tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật phù hợp với người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án; phối hợp với Ban điều hành Đề án ở Trung ương để kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện Đề án; đánh giá tỷ lệ người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
2. Tiến độ thực hiện
2.1. Năm 2013
- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký thực hiện Đề án;
- Xây dựng Kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt;
- Ban hành các văn bản phục vụ cho việc quản lý, điều hành và thực hiện Đề án;
- Lập dự toán kinh phí thực hiện;
- Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số;
- Tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức phù hợp;
- Đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo điểm, duy trì và phát triển các mô hình câu lạc bộ pháp luật có hiệu quả;
- Kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Đề án.
2.2. Năm 2014 - 2015
- Tiếp tục các hoạt động tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Chỉnh lý, bổ sung các tài liệu pháp luật phục vụ công tác tuyên truyền;
- Tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm đã được tổng kết, đánh giá có hiệu quả;
- Kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Đề án;
- Sơ kết 02 năm thực hiện Kế hoạch, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.
2.3. Năm 2016
- Kiểm tra, rà soát lại kết quả thực hiện các nội dung của kế hoạch để tập trung chỉ đạo những nội dung chưa đạt được;
- Tiếp tục bổ sung các tài liệu pháp luật; tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các tài liệu đã được biên soạn, chỉnh lý;
- Tổ chức đánh giá tổng kết vào quý IV năm 2016.
3. Kinh phí thực hiện Đề án
- Cấp tỉnh: Hàng năm, giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự toán kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt.
- UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương bố trí kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương theo kế hoạch.
- Việc lập dự toán chi tiết hàng năm được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước trên cơ sở nội dung trong kế hoạch.
4. Chế độ thông tin báo cáo
Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo nội dung được phân công, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nội dung của Kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, tổng hợp báo cáo theo quy định (báo cáo 6 tháng trước ngày 05/6; báo cáo năm trước ngày 05/11 hàng năm).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện Tiểu Đề án 1: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho người dân nông thôn” trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án với UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 10/11 hàng năm để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
2. Sở Tư pháp
Phối hợp với các cơ quan chủ trì các Tiểu Đề án xây dựng bộ tài liệu pháp luật, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí dành thời lượng thích hợp, xây dựng chuyên trang, chuyên mục thông tin, phổ biến các nội dung của Đề án trên cổng thông tin điện tử tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện Đề án.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở (nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, đội thông tin lưu động, đội chiếu bóng lưu động) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện Đề án thực hiện các nội dung của Đề án.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí hàng năm; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện Đề án và kế hoạch này theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
6. Ban Dân tộc tỉnh
- Tiếp tục thực hiện Tiểu Đề án 2: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
7. Hội Nông dân tỉnh
- Thực hiện Tiểu Đề án 3: “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn” trên địa bàn tỉnh nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
8. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Chỉ đạo và thực hiện Tiểu Đề án 4: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số" trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương; bố trí cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo kế hoạch.
- Phối hợp với các đơn vị thực hiện Tiểu Đề án để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tại địa phương.
- Căn cứ vào nội dung được phân công và chức năng, nhiệm vụ của ngành, hàng năm các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm hiệu quả thiết thực.
Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch, tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |