Nghị định 110-HĐBT

Nghị định 110-HĐBT năm 1992 Hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Nghị định 110-HĐBT hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được thay thế bởi Nghị định 54-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật bổ sung Luật thuế xuất khẩu và được áp dụng kể từ ngày 01/09/1993.

Nội dung toàn văn Nghị định 110-HĐBT hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu


HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 110-HĐBT

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 1992

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 110 - HĐBT NGÀY 31-3-1992 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THI HÀNH LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá VIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26 tháng 12 năm 1991;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính
.

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

ĐỐI TƯỢNG CHIỤ THUẾ VÀ ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ

Điều 1. - Tất cả hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trong các trường hợp sau đây đều là đối tượng chịu thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu:

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức kinh tế Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế được phép mua bán, trao đổi vay nợ với nước ngoài.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức kinh tế nước ngoài, của các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3. Hàng hoá nói ở khoản 1, khoản 2 được phép xuất khẩu vào các khu chế xuất tại Việt Nam và hàng hoá của các xí nghiệp trong khu chế xuất được phép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

4. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để làm hàng mẫu, quảng cáo, dự hội chợ triển lãm.

5. Hàng viện trợ hoàn lại và không hoàn lại.

6. Hàng hoá vượt quá tiêu chuẩn hành lý được miễn thuế mang theo người của cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.

7. Hàng là quà biếu, quà tặng vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hoặc gửi về cho các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam và ngược lại.

8. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế của công dân Việt Nam được Nhà nước cử đi công tác, lao động và học tập ở nước ngoài, của các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và của các cá nhân người nước ngoài làm việc tại các tổ chức nói trên hoặc tại các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

9. Hàng là tài sản di chuyển vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế của các tổ chức, cá nhân nước ngoài xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam do hết thời hạn cư trú và làm việc tại Việt Nam và của cá nhân người Việt Nam được Chính phủ Việt Nam cho phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.

Điều 2. - Đối với hàng hoá mua bán, trao đổi tiểu ngạch qua biên giới, Hội đồng Bộ trưởng sẽ có qui định riêng.

Điều 3. - Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây không thuộc diện chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sau khi làm đầy đủ thủ tục hải quan:

1. Hàng vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc các hàng hoá từ nước ngoài nhập khẩu vào khu chế xuất và hàng hoá từ khu chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài hoặc hàng hoá từ khu chế xuất này đưa sang khu chế xuất khác trong lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Hàng chuyển khẩu bao gồm các hình thức sau đây:

a) Hàng hoá được chuyển thẳng từ cảng nước xuất khẩu đến cảng nước nhập khẩu không đến cảng Việt Nam.

b) Hàng hoá được chở đến cảng Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam mà đi luôn tới cảng nước nhập khẩu.

c) Hàng đưa vào kho ngoại quan rồi chuyển đến nước khác không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam theo quy chế quản lý kho ngoại quan.

3. Hàng viện trợ nhân đạo bao gồm hàng viện trợ của các tổ chức Liên hợp quốc, viện trợ Nhà nước theo các chương trình dự án viện trợ đã được ký kết và các khoản viện trợ đột xuất của các chính phủ, tổ chức nước ngoài để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các thủ tục quản lý, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể các thủ tục hải quan đối với các trường hợp không thuộc diện chịu thuế quy định tại điều này.

Điều 4. - Tất cả các tổ chức, cá nhân có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế qui định tại Điều I Nghị định này đều là đối tượng nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác thì tổ chức nhận uỷ thác chịu trách nhiệm nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Điều 5. - Hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết hoặc tham gia có những quy định về miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thực hiện theo những quy định này. Bộ Tài chính quyết định miễn hoặc giảm thuế đối với từng trường hợp cụ thể với quy định của Điều ước quốc tế đó.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ NỘP THUẾ

Điều 6. - Căn cứ để tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

1. Số lượng từng mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (gọi tắt là tờ khai hàng) của các tổ chức, cá nhân có hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Giá tính thuế quy định tại Điều 7 Nghị định này.

3. Thuế suất của mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Điều 7. - Giá tính thuế:

1. Giá tính thuế đối với hàng xuất khẩu là giá bán cho khách hàng tại cửa khẩu xuất không bao gồm chi phí vận tải (F) và phí bảo hiểm (I) theo hợp đồng bán hàng phù hợp với các chứng từ khác có liên quan đến việc bán hàng.

Giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu là giá mua của khách hàng tại cửa khẩu nhập bao gồm cả chi phí vận tải (F) và phí bảo hiểm (I) theo hợp đồng mua hàng phù hợp với các chứng từ khác có liên quan đến việc mua hàng.

Giá tính thuế tính bằng đồng Việt Nam là giá tính thuế bằng ngoại tệ nhân với tỷ giá mua vào giữa đồng Việt Nam và tiền nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Bộ Tài chính hướng dẫn tỷ giá đối với đồng tiền mà Ngân hàng chưa công bố tỷ giá.

2. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nếu có hợp đồng mua, bán và các chứng từ hợp lệ đủ điều kiện để xác định giá tính thuế theo quy định thì giá tính thuế được xác định theo hợp đồng.

Bộ Tài chính cùng với Bộ Thương mại và Du lịch quy định cụ thể các điều kiện để xác định giá tính thuế theo hợp đồng mua, bán.

3. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không đủ điều kiện xác định giá tính thuế theo hợp đồng quy định tại khoản 2 điều này, hoặc giá ghi trong hợp đồng quá thấp so với giá mua, bán thực tế tối thiểu tại cửa khẩu và đối với Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức khác không phải là mua bán, không thanh toán qua Ngân hàng thì giá tính thuế là giá mua, bán thực tế tối thiểu tại cửa khẩu.

Bộ Tài chính chủ trì, cùng với Bộ Thương mại và Du lịch và Tổng cục Hải quan căn cứ vào nguyên tắc định giá tính thuế quy định tại khoản 1 Điều này để quy định giá mua, giá bán thực tế tối thiểu.

Điều 8. - Thuế nộp bằng đồng tiền Việt Nam; trường hợp đối tượng nộp thuế muốn nộp thuế bằng ngoại tệ thì phải nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Những trường hợp phải nộp thuế bằng ngoại tệ do Bộ Tài chính quyết định.

Điều 9. - Số thuế xuất, thuế nhập khẩu bằng (=) số lượng từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu nhân (x) với giá tính thuế, nhân (x) với thuế suất của từng mặt hàng ghi trong Biểu thuế

Chương 3:

BIỂU THUẾ

Điều 10. - Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu được ban hành kèm theo Nghị định này.

Bộ Tài chính chủ trì bàn với Bộ Thương mại và Du lịch căn cứ vào chính sách khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu từng mặt hàng, sự biến động về giá cả thị trường trong từng thời gian để trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng điều chỉnh các mức thuế xuất trong biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định này phù hợp với khung thuế suất do Hội đồng Nhà nước quy định.

Điều 11. - Thuế suất đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu gồm thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi.

1. Thuế suất thông thường là thuế suất được quy định trong Biểu thuế xuất khẩu và Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo nghị định này.

2. Thuế suất ưu đãi:

a) Thuế suất ưu đãi được áp dụng đối với các hàng hoá xuất khẩu có đủ các điều kiện sau đây:

- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo các Hiệp định thương mại đã ký kết giữa Chính phủ hai nước, trong đó có điều khoản ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cho từng mặt hàng với số lượng cụ thể.

- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải là hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam (đối với hàng xuất khẩu), hoặc tại nước có ký kết điều khoản ưu đãi trong quan hệ thương mại với Việt Nam (đối với hàng nhập khẩu).

Bộ Tài chính căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản này hướng dẫn cụ thể các trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi.

b) Thuế suất ưu đãi được áp dụng thống nhất bằng 70% (bảy mươi phần trăm) của thuế suất ghi trong biểu thuế xuất khẩu. Biểu thuế nhập khẩu.

c) Các trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi khác với quy định trên sẽ do Hội đồng Bộ trưởng quyết định cụ thể theo đề nghị của Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan.

Chuơng 4:

MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ, HOÀN LẠI THUẾ

Điều 12. - Các trường hợp được miễn thuế quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định chi tiết như sau:

1. Hàng viện trợ không hoàn lại bao gồm:

- Hàng viện trợ không hoàn lại song phương hoặc đa phương của các tổ chức Chính phủ, các tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ.

- Hàng viện trợ không hoàn lại do các tổ chức nhân đạo, giáo dục, ý tế, văn hoá nước ngoài hoặc của các tổ chức tôn giáo quốc tế viện trợ cho các cơ quan khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá và các tổ chức tôn giáo của Việt Nam để dùng trực tiếp cho khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá và tôn giáo.

2. Hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để dự Hội chợ triển lãm, bao gồm những hàng hoá được phép tạm xuất khẩu hoặc tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, hết thời hạn hội chợ, triển lãm phải nhập về Việt Nam đối với hàng tạm xuất và xuất khẩu ra nước ngoài đối với hàng tạm nhập.

3. Hàng là tài sản di chuyển, hàng của công dân Việt Nam đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác và học tập ở nước ngoài mang theo hoặc gửi về nước trong mức quy định, bao gồm:

a) Hàng là tài sản di chuyển của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài xuất khẩu qua biên giới Việt Nam do hết thời hạn cư trú và làm việc tại Việt Nam và của cá nhân người Việt Nam được Chính phủ Việt Nam cho phép định cư ở nước ngoài hoặc hàng là tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài nay được Chính phủ Việt Nam cho phép định cư ở Việt Nam.

Bộ Tài chính cùng với Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan quy định cụ thể định mức được miễn thuế đối với hàng là tài sản di chuyển của từng đối tượng phù hợp với luật pháp của từng nước và quốc tế.

b. Hàng hoá mang theo hoặc gửi về nước của công dân Việt Nam đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác và học tập ở nước ngoài trong tiêu chuẩn quy định của Hội đồng Bộ trưởng.

Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Thương mại và Du lịch và Tổng cục hải quan trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành mức được miễn thuế quy định tại điểm b khoản này.

4. Hàng xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân người nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao do Hội đồng Bộ trưởng quy định phù hợp với các đều khoản quốc tế mà Việt Nam ký kết.

Bộ tài chính chủ trì cùng với Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành mức được miễn thuế qui định tại khoản này.

5. Hàng xuất khẩu để trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

Bộ Tài chính hướng dẫn đối với từng trường hợp được miễn thuế quy định tại Điều này.

Điều 13. - Các trường hợp được xét miễn thuế quy định tại Điều 11 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định chi tiết như sau:

1. Hàng nhập khẩu chuyên dùng cho an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học và giáo dục, đào tạo của các cơ quan, tổ chức Nhà nước bằng nguồn kinh phí do ngân sách cấp.

2. Hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho nước ngoài và xuất khẩu theo các hợp đồng gia công đã ký kết bao gồm các hình thức: nhận vật tư, nguyên liệu giao toàn bộ thành phẩm hoặc trả tiền một phần hoặc toàn bộ vật tư, nguyên liệu để bán toàn bộ thành phẩm cho nước ngoài theo hợp đồng gia công.

3. Hàng xuất khẩu, nhập khẩu của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và của bên nước ngoài hợp tác kinh doanh các trường hợp cần khuyến khích đầu tư được xét miễn thuế trong các trường hợp quy định tại Nghị định số 28-HĐBT ngày 6 tháng 2 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

4. Hàng là quà biếu, quà tặng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân của Việt Nam và ngược lại được miễn thuế theo mức quy định của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính quy định các thủ tục miễn thuế đối với các trường hợp quy định tại Điều này.

Điều 14. - Trường hợp hàng hoá trong quá trình vận chuyển, bốc xếp bị hư hỏng, mất mát có lý do xác đáng được Công ty Giám định hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinacontrol) chứng nhận thì được giảm thuế tương ứng với tỷ lệ hư hao của hàng hoá. Cơ quan hải quan cung cấp tỉnh, thành phố căn cứ vào mức độ tổn thất đã được giám định của Vinacontrol và kiểm tra xem xét các hồ sơ theo quy định của Bộ Tài chính để xét giảm thuế.

Điều 15. - Khi lý do của các trường hợp được miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế quy định tại các Điều 12, 13 và 14 Nghị định này đã thay đổi, các chủ hàng hoá xuất nhập khẩu trong thời hạn 2 ngày có trách nhiệm khai báo với cơ quan hải quan cấp tỉnh, thành phố để cơ quan hải quan làm thủ tục thu đủ số thuế đã được miễn, giảm.

Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn cụ thể thủ tục và thẩm quyền xét thu đủ thuế đối với các trường hợp này.

Điều 16. - Các trường hợp được xét hoàn lại thuế và thời hạn hoàn thuế quy định tại Điều 14 và Điều 15 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định chi tiết như sau:

a) Các trường hợp được hoàn thuế:

1. Hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã kê khai hàng hoá nhập khẩu với cơ quan thuế và đã nộp thuế nhập khẩu theo thông báo thuế nhưng hàng vẫn còn để trong khu vực quản lý hải quan tại các cửa khẩu biên giới và sau đó được phép xuất khẩu.

2. Hàng hoá xuất khẩu đã kê khai và đã nộp thuế theo thông báo thuế, nhưng thực tế không xuất khẩu nữa.

3. Hàng đã nộp thuế theo tờ khai, nhưng thực tế xuất khẩu hoặc nhập khẩu ít hơn.

4. Hàng hoá là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ xuất khẩu thành phẩm.

5. Hàng hoá tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu, hàng tạm xuất khẩu để tái nhập khẩu được hoàn thuế tương ứng với số hàng tái xuất khẩu hoặc tái nhập khẩu.

b) Thời hạn xét hoàn thuế:

Trong thời hạn 30 ngày (ba mươi ngày), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin hoàn thuế, Bộ Tài chính phải làm xong thủ tục hoàn thuế cho các đối tượng nộp thuế. Quá thời hạn nói trên thì ngoài số thuế được hoàn, các đối tượng nộp thuế còn được hưởng tiền lãi tính trên số thuế chậm hoàn của số ngày chậm hoàn theo mức lãi suất tiền gửi ngân hàng tại thời điểm hoàn thuế.

Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn cụ thể thủ tục xét hoàn thuế đối với các trường hợp được hoàn thuế quy định tại Điều này.

Chương 5:

XỬ LÝ CÁC VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI

Điều 17. Việc xử lý các vi phạm ghi ở Điều 20 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định như sau:

1. Tổ chức, cá nhân nào chậm nộp thuế thì mỗi ngày chậm nộp bị phạt năm phần nghìn (0,5%) số tiền nộp chậm.

a) Thời hạn để xác định ngày chậm nộp thuế đối với các trường hợp hàng xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 1 của Nghị định này:

- Quá 15 ngày đối với hàng xuất khẩu kể từ ngày tổ chức và cá nhân nhận được thông báo của cơ quan thuế về số thuế phải nộp.

- Quá 30 ngày đối với hàng nhập khẩu, kể từ ngày tổ chức và cá nhân nhận được thông báo của cơ quan thuế về số thuế phải nộp.

b) Các trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9 Điều 1 của Nghị định này phải nộp ngay trước khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài hoặc nhập khẩu hàng vào Việt Nam.

2. Đối với các trường hợp quá 90 ngày, tính từ ngày nhận được thông báo chính thức số thuế phải nộp của cơ quan thu thuế, đối tượng nộp thuế nào chưa nộp xong thuế thì cơ quan hải quan không được làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu cho chuyến hàng tiếp theo của các đối tượng nộp thuế, đồng thời thông báo cho Bộ Thương mai và Du lịch biết. Nhận được thông báo của cơ quan hải quan, Bộ Thương mại và Du lịch không được cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu cho các đối tượng nợ thuế đó cho đến khi đối tượng nợ thuế đó nộp đủ số thuế còn nợ theo xác nhận của cơ quan hải quan.

3. Đối tượng nộp thuế có hành vi gian lậu thuế trong việc nộp thuế thì bị phạt tiền từ 2 đến 5 lần số thuế gian lậu.

Bộ Tài chính quy định cụ thể các hành vi gian lậu và mức phạt tiền tương ứng đối với từng hành vi gian lậu.

4. Cá nhân trốn thuế đã bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều này mà còn vi phạm, hoặc trốn thuế với số lượng lớn hoặc phạm tôi trong các trường hợp nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật hình sự.

Điều 18. - Khi lý do miễn thuế đã thay đổi mà đối tượng nộp thuế không thực hiện đúng quy định về thời hạn khai báo cho cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15 Nghị định này thì mỗi ngày quá hạn bị phạt năm phần nghìn (0,5%) số thuế phải nộp, và nếu tiếp tục vi phạm các quy định về chậm nộp thuế gian lậu trong việc nộp thuế thì sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Điều 19. - Trong các trường hợp đối tượng nộp thuế không đồng ý với quyết định xử phạt của cơ quan thu thuế quy định tại khoản 1 và 3 Điều 17 thì vẫn phải chấp hành biện pháp xử phạt đó, nhưng có quyền khiếu nại lên Tổng cục Hải quan. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ đơn khiếu nại Tổng cục Hải quan phải giải quyết xong. Nếu vẫn không đồng ý cách giải quyết của Tổng cục Hải quan thì đối tượng nộp thuế có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong thời hạn 30 ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải giải quyết xong, quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.

Điều 20. - Cán bộ thuế, và các cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng, tham ô tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thì phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số tiền đã chiếm dụng, tham ô, và tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm hoặc cố ý làm trái quy định của luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. - Tổ chức, cá nhân mỗi lần có hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu phải đến cơ quan hải quan tỉnh, thành phố hoặc những cơ quan đã được Tổng cục Hải quan cho phép để làm thủ tục đăng ký tờ khai hàng. Trong thời hạn tám (8) giờ (giờ làm việc) kể từ khi đăng ký tờ khai hàng, cơ quan hải quan phải thông báo chính thức cho tổ chức, cá nhân nộp thuế số thuế phải nộp theo kê khai. Trong thời hạn 15 ngày đối với hàng xuất khẩu, và 30 ngày đối với hàng nhập khẩu kể từ ngày nhận được thông báo chính thức số thuế phải nộp, tổ chức, cá nhân phải nộp xong thuế.

Trong thời hạn hai (2) ngày (ngày làm việc) kể từ ngày kiểm hoá xong lô hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu, nếu hàng hoá có thay đổi khác (thừa hoặc thiếu) so với khai báo, cơ quan hải quan phải điều chỉnh lại số thuế phải nộp, đồng thời thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp thuế số thuế chính thức phải nộp.

Quá thời hạn 15 ngày đối với hàng xuất khẩu; và 30 ngày đối với hàng nhập khẩu, kể từ ngày cơ quan hải quan xác nhận đăng ký tờ khai hàng, nhưng tổ chức và cá nhân chưa có hàng hoá thực xuất khẩu hoặc thực nhập khẩu thì việc đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu và thông báo thuế đối với lô hàng hoá đó không còn giá trị. Khi có hàng hoá xuất khẩu, hoặc nhập khẩu thì phải làm lại thủ tục đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, hoặc nhập khẩu mới. Cơ quan hải quan làm lại thông báo chính thức theo tờ khai hàng xuất khẩu, hoặc nhập khẩu mới đăng ký.

Điều 22. - Các đối tượng nộp thuế có hàng hoá được phép xuất, nhập khẩu trong các trường hợp quy định tại khoản 6, 7, 8, 9 của Điều 1 Nghị định này khi xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam đều phải kê khai với cơ quan thuế tại các cửa khẩu và nộp thuế đầy đủ trước khi đưa hàng ra khỏi khu vực cửa khẩu để xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 23.

a) Tổng cục Hải quan có trách nhiệm quy định thủ tục khai báo, kiểm hoá, tính thuế nộp thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, nhập khẩu và tổ chức thực hiện việc thu thuế thống nhất trong toàn ngành hải quan. Hải quan tỉnh, thành phố và hải quan cửa khẩu có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về thủ tục đăng ký tờ khai khi tổ chức, cá nhân có hàng xuất khẩu, nhập khẩu cung cấp đủ các chứng từ hợp lệ để tính thuế. Tính đúng số thuế mà tổ chức, cá nhân phải nộp thuế, đảm bảo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

b) Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định và hướng dẫn việc thu nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nghiệp vụ về sổ sách, kế toán, về hoàn trả tiền thuế, về báo cáo định kỳ, báo cáo kết quả thu nộp ngân sách, nợ đọng tiền thuế để ngành hải quan các cấp thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của ngành hải quan.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm quy định và hướng dẫn các ngân hàng cơ sở cung cấp đầy đủ tài liệu thanh toán liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu gồm tên các ngân hàng, số liệu tài khoản của các đối tượng nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan hải quan và cơ quan thuế để phục vụ cho việc kiểm tra thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 24. - Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1992 và thay thế các Nghị định số 08-HĐBT ngày 30 tháng 1 năm 1988, số 54-HĐBT ngày 20 tháng 5 năm 1989, số 391-HĐBT ngày 10 tháng 11 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Các văn bản khác của Hội đồng Bộ trưởng về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Hàng hoá xuất nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan từ ngày 1 tháng 4 năm 1992 thì nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Nghị định này.

Điều 25. - Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch, Tổng cục trưởng tổng cục Hải quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 110-HĐBT

Loại văn bảnNghị định
Số hiệu110-HĐBT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/03/1992
Ngày hiệu lực01/04/1992
Ngày công báo15/04/1992
Số công báoSố 7
Lĩnh vựcThuế - Phí - Lệ Phí, Xuất nhập khẩu
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 01/09/1993
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị định 110-HĐBT hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu


Văn bản bị đính chính

    Văn bản đính chính

      Văn bản hiện thời

      Nghị định 110-HĐBT hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
      Loại văn bảnNghị định
      Số hiệu110-HĐBT
      Cơ quan ban hànhHội đồng Bộ trưởng
      Người kýPhan Văn Khải
      Ngày ban hành31/03/1992
      Ngày hiệu lực01/04/1992
      Ngày công báo15/04/1992
      Số công báoSố 7
      Lĩnh vựcThuế - Phí - Lệ Phí, Xuất nhập khẩu
      Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 01/09/1993
      Cập nhật7 năm trước

      Văn bản hợp nhất

        Văn bản gốc Nghị định 110-HĐBT hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

        Lịch sử hiệu lực Nghị định 110-HĐBT hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu