Nội dung toàn văn Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2015/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 53/2013/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam như sau:
1. Khoản 3 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Căn cứ năng lực tài chính của Công ty Quản lý tài sản, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo phương thức quy định tại Khoản 2 Điều này đối với các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này;
b) Được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu;
c) Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.”
2. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 9. Vốn điều lệ
1. Vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản là 2.000 tỷ đồng Việt Nam.
2. Việc điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính.”
3. Điểm i Khoản 1 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“i) Được hưởng một số tiền theo một tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính trên số tiền thu hồi của khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt trừ đi số tiền tương ứng Công ty Quản lý tài sản đã thu theo quy định tại Điểm l Khoản này.”
4. Bổ sung Điểm l, m, n vào Khoản 1 Điều 13 như sau:
“l) Được thu một số tiền theo một tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tính trên số dư còn lại cuối kỳ của khoản nợ mà Công ty Quản lý tài sản đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.
Số tiền tổ chức tín dụng trả cho Công ty Quản lý tài sản theo quy định này được hạch toán vào chi phí của tổ chức tín dụng.
m) Được kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của tổ chức tín dụng bán nợ, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ tố tụng trong việc khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm tại Tòa án; kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của tổ chức tín dụng bán nợ trong quá trình thi hành án.
n) Công ty Quản lý tài sản không phải đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm đã đăng ký khi mua lại khoản nợ xấu từ tổ chức tín dụng bán nợ và tổ chức tín dụng bán nợ không phải đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm khi mua lại hoặc nhận lại khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản.”
5. Bổ sung Điều 14a vào sau Điều 14 như sau:
“Điều 14a. Phát hành trái phiếu để mua nợ theo giá trị thị trường
1. Công ty Quản lý tài sản được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
2. Việc phát hành trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản không phải áp dụng quy định về nguyên tắc, điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và không áp dụng quy định về nguyên tắc huy động vốn theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Công ty Quản lý tài sản được phát hành trái phiếu theo các phương thức:
a) Đấu thầu phát hành;
b) Bảo lãnh phát hành;
c) Đại lý phát hành;
d) Bán trực tiếp.
4. Trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản do tổ chức tín dụng nắm giữ được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước.
5. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể việc phát hành trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản.”
6. Khoản 6, Khoản 7 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“6. Bán nợ cho các tổ chức, cá nhân. Việc bán nợ cho các tổ chức, cá nhân là người không cư trú được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Khởi kiện hoặc ủy quyền hoặc chuyển giao quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm ra Tòa án; ủy quyền hoặc chuyển giao quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện quyền và trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản trong thi hành án.”
7. Khoản 1 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua được xử lý theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá theo quy định tại Khoản 2 Điều này.”
8. Bổ sung Khoản 2a vào sau Khoản 2 Điều 18 như sau:
“2a. Sau 01 (một) lần bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định tại Khoản 2 Điều này không thành thì Công ty Quản lý tài sản được tiếp tục bán tài sản đó thông qua phương thức bán đấu giá hoặc bán tài sản đó trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua, đồng thời thông báo cho bên bảo đảm biết. Các trường hợp được coi là bán đấu giá không thành gồm:
a) Không có người tham gia đấu giá;
b) Không có người trả giá tại cuộc bán đấu giá;
c) Các trường hợp bán đấu giá không thành khác theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.”
9. Điểm c Khoản 1 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có lãi suất bằng 0% và có thời hạn tối đa 05 (năm) năm. Trường hợp phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính thì thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa không quá 10 (mười) năm.”
10. Khoản 3 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể việc tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt.”
11. Bổ sung Điểm c vào Khoản 1 Điều 21 như sau:
“c) Được mua lại các khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản trước thời điểm đến hạn của trái phiếu đặc biệt.”
12. Điểm a Khoản 2 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi mua lại các khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản theo quy định tại Khoản 3 Điều này.”
13. Sửa đổi, bổ sung Điểm a và bổ sung Điểm k vào Khoản 1 Điều 23 như sau:
“a) Tiền thu từ hoạt động thu hồi nợ;”
“k) Tiền thu theo quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 13 Nghị định này.”
14. Bổ sung Khoản 3 vào Điều 26 như sau:
“3. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế các cấp hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua.’’
15. Bổ sung Khoản 3 vào Điều 27 như sau:
“3. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các cấp phối hợp, hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản bảo đảm.”
16. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm theo đề nghị của Công ty Quản lý tài sản.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Quản lý tài sản.”
17. Bổ sung Điều 28a vào sau Điều 28 như sau:
“Điều 28a. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
1. Hướng dẫn việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật về xây dựng và kinh doanh bất động sản đối với tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.
2. Hướng dẫn về điều kiện bán tài sản bảo đảm của Công ty Quản lý tài sản là dự án bất động sản cho nhà đầu tư khi có vướng mắc.”
18. Bổ sung Điều 28b vào sau Điều 28a như sau:
“Điều 28b. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư để cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho người mua hoặc người trúng đấu giá tài sản trên đất của dự án đầu tư (người mua tài sản bảo đảm) là tài sản bảo đảm bị xử lý của khoản nợ của Công ty Quản lý tài sản.”
19. Bổ sung Khoản 1a, 1b vào sau Khoản 1 Điều 30 như sau:
“1a. Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan công an các cấp trong phạm vi quản lý của mình bảo đảm an ninh, trật tự tại nơi tiến hành thu hồi, thu giữ tài sản bảo đảm.
1b. Khi có đề nghị của Công ty Quản lý tài sản, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản thực hiện việc thu giữ, thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2015.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |