Nội dung toàn văn Nghị quyết 11/NQ-HĐND 2015 điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/NQ-HĐND | Bắc Giang, ngày 10 tháng 7 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA “ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật Giao thông Đường thuỷ ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Quyết định 269/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 80/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 về việc thông qua “Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu phát triển
1.1. Mục tiêu tổng quát
- Giai đoạn 2015 – 2020: Tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, một số tuyến đường huyện, đường đến trung tâm các xã khó khăn, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ kết nối, công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị. Phát triển đường thủy nội địa và đường sắt đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, chia sẻ thị phần hợp lý với vận tải đường bộ. Nghiên cứu phát triển dịch vụ logistics và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng cạn trên địa bàn tỉnh.
- Giai đoạn 2021 - 2030: Hoàn chỉnh, từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo vận tải thông suốt toàn bộ mạng lưới đối nội và đối ngoại.
1.2. Mục tiêu cụ thể
1.2.1. Mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng
a) Đường bộ
- Đường cao tốc: Hoàn thành cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, 2- 4 làn xe.
- Quốc lộ: Triển khai xây dựng nền đường vành đai V thủ đô Hà Nội tiêu chuẩn 4 - 6 làn xe.
- Đường tỉnh: Cải tạo, nâng cấp, đưa vào cấp đường tỉnh với mục tiêu ở vùng đồng bằng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV trở lên; miền núi đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V. Chuyển một số đường huyện quan trọng lên thành đường tỉnh, kết hợp mở một số tuyến, đoạn tuyến mới ở những khu vực cần thiết.
- Giao thông nông thôn: Cứng hóa mặt đường đường huyện đạt khoảng 87 - 90%; đường xã đạt 58,5-65%; Nâng cấp đường thôn, bản đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại B, cứng hoá mặt đường đạt 55- 60%, thực hiện duy tu bảo dưỡng trên 70% khối lượng.
- Giao thông đô thị: Phát triển giao thông đô thị được xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH, phát triển không gian và bố trí hạ tầng kỹ thuật của đô thị.
b) Đường thủy nội địa: Nạo vét luồng lạch, chỉnh trị dòng sông đảm bảo cho các phương tiện có tải lớn. Xây dựng thêm cảng mới, các bến bãi, bến khách ngang sông, kết hợp giao thông đường thủy với giao thông đường bộ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vận tải.
c) Đường sắt: Thực hiện theo Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
1.2.2. Mục tiêu phát triển vận tải và phương tiện
a) Đường bộ:
Vận tải hàng hóa: Khối lượng vận chuyển đến năm 2020 đạt 25,4 triệu tấn, năm 2030 đạt 77 triệu tấn, tăng trưởng bình quân đến năm 2020 là 8,28%/năm, giai đoạn 2021-2030 là 11,73%/năm.
Vận tải hành khách: Khối lượng vận chuyển đến năm 2020 đạt 47,3 triệu hành khách, đến năm 2030 đạt 139,4 triệu hành khách, tăng trưởng bình quân đến năm 2020 là 11,69%/năm, giai đoạn 2021- 2030 là 11,43%/năm.
Vận tải khách công cộng đô thị: Đến năm 2020 đảm bảo vận chuyển được khoảng 40% nhu cầu.
b) Đường thủy nội địa:
Khối lượng vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa đến năm 2020 đạt 3,97 triệu tấn, tăng trưởng bình quân là 11,97%/năm; đến năm 2030 đạt 6,37 triệu tấn, tăng trưởng bình quân là 18,5%/năm.
c) Đường sắt: Khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt đến năm 2020 đạt 168.970 tấn, tăng trưởng bình quân là 18%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đến năm 2020 đạt 105.000 người, tăng trưởng bình quân là 11%/năm.
1.2.3. Đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm xe cơ giới
Đến năm 2020 lưu lượng đào tạo của các cơ sở đạt 4.500 học viên. Tổng số đào tạo và sát hạch đạt từ 12.000 - 14.000 học viên/năm. Đầu tư nâng cấp Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hiện có, phát triển dây chuyền kiểm định mới.
1.2.4. Công nghiệp giao thông vận tải.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp đóng mới, lắp ráp, sửa chữa phương tiện vận tải đáp ứng nhu cầu.
2. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sau điều chỉnh, bổ sung
2.1. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:
2.1.1. Đường bộ
a) Cao tốc và quốc lộ: Bao gồm 02 tuyến cao tốc và 04 tuyến quốc lộ (trong đó bổ sung tuyến quốc lộ 17 được nâng lên từ đường tỉnh 398B, đường tỉnh 398).
- Cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn: Giai đoạn 2015 – 2020 đầu tư cao tốc đoạn từ Đồng Ú đến cầu Như Nguyệt, dài 37,4 km thành 2-4 làn xe. Giai đoạn 2021-2030 hoàn thành đầu tư 4-6 làn xe.
- Cao tốc Nội Bài – Hạ Long – Móng Cái: Hoàn thành sau năm 2020.
- Quốc lộ:
+ Giai đoạn 2015-2020: Quốc lộ 1 duy trì cấp III; quốc lộ 31 đầu tư nâng cấp đoạn Km0 – Km40 đạt cấp III, đoạn Km40 – Km76 (thị trấn An Châu) đạt cấp IV; quốc lộ 37 nâng cấp đoạn Km13 - Km46+400 đạt cấp III và xây dựng cầu Cẩm Lý tách khỏi đường sắt, các đoạn còn lại duy trì theo cấp hiện trạng; quốc lộ 279 duy trì cấp IV; quốc lộ 17 hoàn thành đoạn tuyến từ đường tỉnh 398 đi quốc lộ 18 và triển khai xây dựng đoạn tránh thành phố Bắc Giang quy mô 4 làn xe;
+ Giai đoạn 2021-2030: Hoàn thành toàn bộ các quốc lộ 31, quốc lộ 37, quốc lộ 17 đạt cấp III. Riêng quốc lộ 279 duy trì cấp IV.
- Đường vành đai V thủ đô Hà Nội qua địa bàn tỉnh Bắc Giang dài 51,3 km:
+ Giai đoạn 2015-2020: Xây dựng nền đường đoạn từ Dĩnh Trì đến đường tỉnh 294 dài 29,7 km đạt cấp III;
+ Giai đoạn 2021-2030: Xây dựng hoàn thiện toàn tuyến đạt cấp II, 4 làn xe.
- Tuyến kết nối cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn và Hà Nội – Thái Nguyên:
+ Giai đoạn 2015 – 2020: Triển khai xây dựng tuyến đạt cấp III đồng bằng theo hình thức BOT;
+ Giai đoạn 2021 – 2030: Duy trì tuyến.
b) Đường tỉnh: Chuyển đường tỉnh 398 thành quốc lộ 17, hệ thống đường tỉnh còn 17 tuyến. Nâng cấp đường một số đường huyện quan trọng lên đường tỉnh (giai đoạn 2015-2020 nâng cấp 14 tuyến; giai đoạn 2021-2030 nâng cấp 9 tuyến.) Mở mới 4 tuyến đường tỉnh đảm bảo tính kết nối vùng.
c) Giao thông nông thôn: Giai đoạn 2015-2020 cứng hóa đường huyện đạt khoảng 87 - 90%; cứng hóa đường xã đạt 58,5 - 65%; Nâng cấp đường thôn, bản đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại B, cứng hoá mặt đường đạt 55 - 60%, thực hiện duy tu bảo dưỡng trên 70% khối lượng.
d) Giao thông đô thị: Phát triển mạng lưới giao thông đô thị phù hợp với Quy hoạch Xây dựng đô thị được duyệt.
e) Bến bãi:
+ Giai đoạn 2015 – 2020: Thực hiện xây dựng mới 6 bến xe khách, nâng cấp 3 bến; xây dựng các trạm dừng nghỉ trên đường tỉnh, quốc lộ;
+ Giai đoạn 2021 – 2030: Thực hiện xây dựng mới 12 bến xe khách ở trong tỉnh.
2.1.2. Đường thủy nội địa: Cải tạo luồng, chiều sâu mớn nước theo Quyết định số 1071/QĐ - BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Giai đoạn đến năm 2020 thực hiện quy hoạch cảng xăng dầu, cảng Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc; Cảng Á Lữ (chuyển cảng Á Lữ về Tân Tiến - TP Bắc Giang thành cảng hành khách); nâng cấp cảng Cẩm Lý, Lục Nam, Mỹ An, nâng cấp tuyến kết nối các cảng, bến với quốc lộ 37, xây dựng mới cảng Quang Châu; Quy hoạch cảng Đồng Sơn thành thành cảng đầu mối giao thông thủy – đường sắt – đường bộ. Quy hoạch lại 58 bến khách ngang sông hiện có và tổ chức quản lý hoạt động theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 373/QĐ-UBND ngày 01/8/2013 của UBND tỉnh Bắc Giang.
2.1.3. Đường sắt: Thực hiện Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.
2.2. Quy hoạch vận tải và phương tiện
- Các tuyến vận tải: Mở thêm 51 tuyến vận tải kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước; kết hợp mở mới các tuyến nội tỉnh, tuyến buýt khác có nhu cầu.
- Phương tiện vận tải: Số lượng phương tiện đường bộ đến năm 2020 có khoảng 38.728 xe các loại. Đến năm 2030 dự báo khoảng 72.149 chiếc.
- Quy hoạch đầu mối vận tải lớn: Quy hoạch cảng cạn tại xã Đồng Sơn thành phố Bắc Giang và thị trấn Kép, huyện Lạng Giang. Xây dựng Trung tâm logistics tại thành phố Bắc Giang, huyện Lạng Giang và xây dựng tuyến đường kết nối giữa cảng cạn, trung tâm Logistics với quốc lộ 1.
2.3. Quy hoạch phát triển công nghiệp giao thông vận tải: Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng các cơ sở hiện có. Đầu tư xây dựng thêm cơ sở đóng mới và sửa chữa trên sông Cầu thuộc địa bàn xã Quang Châu hoặc xã Vân Trung huyện Việt Yên. Giai đoạn 2015 – 2020 xây dựng mới 2 trung tâm kiểm định tại thành phố Bắc Giang và huyện Lục Nam (hoặc huyện Lạng Giang). Giai đoạn 2021 – 2030 mở rộng thêm 2 dây chuyền của Trung tâm kiểm định ở thành phố Bắc Giang và huyện Lục Nam (hoặc huyện Lạng Giang). Quy hoạch Cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cho phù hợp với số lượng giai đoạn hiện nay và dự báo giai đoạn tiếp theo.
2.4. Quỹ đất sử dụng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải: 1588,60 ha giai đoạn 2016- 2020 (chưa bao gồm đất bến bãi và hành lang giao thông).
3. Nhu cầu vốn đầu tư đầu tư, xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng: Giai đoạn 2015-2020 khoảng 18.302 tỷ đồng, bình quân khoảng 3.660 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2020 khoảng 17.815 tỷ đồng, bình quân khoảng 1.781 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, Trái phiếu chính phủ, tín dụng, vốn PPP, ODA, BOT và xã hội hóa; trong đó vốn Trái phiếu chính phủ, ODA, BOT và xã hội hóa chiếm tỷ trọng lớn.
4. Các giải pháp, chính sách chủ yếu thực hiện quy hoạch
Bao gồm 8 nhóm giải pháp, chính sách thực hiện quy hoạch: Giải pháp, chính sách quản lý nhà nước; giải pháp, chính sách tạo vốn phát triển giao thông vận tải; giải pháp, chính sách về khoa học công nghệ; giải pháp, chính sách về bảo trì; giải pháp, chính sách về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp, chính sách tuyên truyền, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển giao thông vận tải; giải pháp, chính sách đảm bảo an toàn giao thông; giải pháp, chính sách bảo vệ môi trường.
Điều 2. Giao UBND tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch.
Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 13 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |