Nghị quyết 157/NQ-HĐND năm 2007 phòng chống HIV/AIDS Sơn La đã được thay thế bởi Nghị quyết 70/2014/NQ-HĐND biện pháp phòng chống HIV/AIDS Sơn La đến 2020 và được áp dụng kể từ ngày 12/04/2014.
Nội dung toàn văn Nghị quyết 157/NQ-HĐND năm 2007 phòng chống HIV/AIDS Sơn La
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 157/2007/NQ-HĐND | Sơn La, ngày 10 tháng 8 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA, GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Căn cứ Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Căn cứ Quyết định số 60/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS;
Xét Tờ trình số 53/TTr-UBND ngày 20/6/2007 của UBND tỉnh về việc ban hành Nghị quyết về các biện pháp cấp bách phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 - 2010 và những năm tiếp theo; Báo cáo thẩm tra số 272/BC-VHXH ngày 02/8/2007 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quyết định các biện pháp cấp bách phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 - 2010 và những năm tiếp theo, với những nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT
Không để HIV/AIDS phát triển tràn lan thành đại dịch trong thời gian tới. Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở mức 0,55% và không tăng sau năm 2010; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ
- 100% các đơn vị, các huyện, thị xã trong toàn tỉnh đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị và địa phương.
- Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100% nhân dân hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
- Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng thông qua việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại: thực hiện các biện pháp can thiệp đối với 100% các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.
- Bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị thích hợp: 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV, 100% trẻ em bị nhiễm HIV, 90% người lớn nhiễm HIV được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp; 50% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV.
- Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS: 50% số huyện, thị xã có khả năng tự đánh giá và dự báo về diễn biến tình hình HIV/AIDS ở địa phương; 100% các trường hợp xét nghiệm HIV tuân thủ theo đúng quy định.
- Ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: bảo đảm 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu được sàng lọc HIV trước khi truyền ở tất cả các tuyến; 100% cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
III. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
1. Nhóm giải pháp về công tác chỉ đạo, tổ chức, nhân lực
1.1 Công tác chỉ đạo
- Thực hiện sự lãnh đạo của các cấp Ủy Đảng, UBND các cấp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND các cấp, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác trong công tác phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật. Các cấp chính quyền, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang phải xác định nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của ngành mình, cấp mình.
- Các cấp chính quyền, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS, đầu tư nguồn lực (nhân lực, phương tiện, ngân sách) cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
1.2 Về tổ chức, nhân lực và đào tạo
- Kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã. Tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Tăng cường biên chế cho Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh và Khoa phòng, chống HIV/AIDS của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị xã.
- Từng bước thống nhất các đầu mối trong ngành y tế nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Chủ động đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS có đủ kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
2. Nhóm giải pháp về truyền thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS
2.1 Phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng
- Phát động phong trào toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tăng cường vận động toàn dân tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS; gắn nội dung phòng, chống HIV/AIDS với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
- Phát huy vai trò của những người tiêu biểu, các già làng, trưởng bản, người cao tuổi; lấy đơn vị tổ dân phố, bản, tiểu khu làm nòng cốt cho việc vận động người dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
2.2 Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi
- Triển khai đồng bộ các hình thức thông tin, tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh về phòng, chống HIV/AIDS. Thực hiện việc lồng ghép thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông với quy mô lớn trên phạm vi toàn tỉnh ít nhất mỗi năm hai lần, đưa giáo dục truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS vào các hoạt động và sự kiện văn hóa - xã hội hàng năm của tỉnh.
- Sử dụng cách tiếp cận phù hợp với từng đối tượng cụ thể để tuyên truyền, vận động; chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp, truyền thông theo từng nhóm nhỏ, giáo dục đồng đẳng. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên gắn với đội ngũ cộng tác viên y tế thôn bản và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn.
- Triển khai và nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo về dự phòng lây nhiễm HIV, giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản và kỹ năng sống tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề và phổ thông. Nâng cao thời lượng giảng dạy về công tác phòng, chống HIV/AIDS cho hệ thống trường y, tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ giảng dạy về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.
- Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các Sở, Ban, Ngành liên quan trong việc biên tập mới, sửa đổi, bổ sung, cập nhật thông tin, kiến thức về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.
- Đa dạng hóa các loại hình truyền thông: bản tin, phim tài liệu, hệ thống panô, áp phích; xuất bản các ấn phẩm bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền giáo dục cho đông đảo đồng bào trong tỉnh về phòng, chống HIV/AIDS.
- Phát triển các biện pháp can thiệp có định hướng để đưa hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tiếp cận các dịch vụ, hỗ trợ và chăm sóc về mặt xã hội cho nhóm cộng đồng đặc biệt dễ bị tổn thương như trẻ em đường phố, thanh niên bỏ học, người không có việc làm, lao động di trú và các nhóm khác.
2.3 Truyền thông can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông về chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về chương trình giảm thiểu tác hại. Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình can thiệp, giảm tác hại trong và ngoài tỉnh.
- Triển khai chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại: chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch, chương trình sử dụng bao cao su đối với các địa bàn có nhiều người nghiện chích ma túy, mại dâm và tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao.
- Tăng cường giáo dục đồng đẳng, thông qua những người đã bị nhiễm HIV tuyên truyền kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao.
- Tuyên truyền với các nhóm nghiện ma túy không sử dụng tiêm chích.
2.4 Truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và giảm tác động đến kinh tế - xã hội do HIV/AIDS gây ra
- Giáo dục, truyền thông, tư vấn tập trung cho nhóm người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nhiễm HIV đối với bản thân, gia đình và cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS. Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ đồng đẳng của người nhiễm HIV/AIDS, mọi người trong các nhóm tự chăm sóc, hỗ trợ nhau.
- Tăng cường phối hợp liên ngành để đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ để người nhiễm HIV được tiếp cận dễ dàng. Tổ chức tập huấn về chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS cho cán bộ y tế, cán bộ tham gia công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Tập huấn chống phân biệt đối xử, đảm bảo tính bí mật, riêng tư theo quy định của pháp luật và cung cấp các dịch vụ có chất lượng.
3. Nhóm giải pháp chuyên môn kỹ thuật
3.1. Giám sát HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm tự nguyện
- Xây dựng Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh với các phòng xét nghiệm đạt chuẩn. Tăng cường đủ biên chế, đào tạo chuyên môn, tiến hành kiểm tra, giám sát và chuẩn hóa thường xuyên.
- Bảo đảm 100% cán bộ y tế tham gia chương trình giám sát trọng điểm và cán bộ xét nghiệm HIV/AIDS được huấn luyện về kỹ thuật. Mở rộng và nâng cao chất lượng xét nghiệm phát hiện. Việc giữ bí mật hay công khai người nhiễm HIV thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát trọng điểm, mở rộng giám sát đến các vùng sâu, vùng xa. Thống nhất và đảm bảo thực hiện công tác giám sát theo các quy định chuyên môn.
- Tổ chức triển khai chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện trong địa bàn tỉnh. Lồng ghép dịch vụ tư vấn vào các chương trình y tế, chương trình kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Xây dựng mạng lưới xét nghiệm tự nguyện.
3.2. Bảo đảm an toàn truyền máu
Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong an toàn truyền máu. Phối hợp với Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên và các Sở, Ban, Ngành tổ chức tuyên truyền, vận động những người khỏe mạnh không có yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV tình nguyện hiến máu nhân đạo.
3.3. Phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về cách dự phòng lây nhiễm HIV qua dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội.
- Đảm bảo các cơ sở y tế có đầy đủ các trang, thiết bị tối thiểu phục vụ công tác vô trùng trong các dịch vụ y tế. Cán bộ y tế nghiêm túc thực hiện đúng và đầy đủ các quy tắc chuyên môn trong khám, chữa bệnh.
- Tăng cường hướng dẫn và quản lý công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế tư nhân.
3.4. Đẩy mạnh công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS
- Tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với thuốc điều trị kháng vi rút HIV. Tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh nhân AIDS.
- Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh làm nòng cốt, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và huy động hỗ trợ của chính quyền các cấp để thực hiện tốt công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.
- Xác định tuyến huyện là trung tâm của công tác chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, cùng với việc huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể của địa phương.
3.5. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Tăng cường truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; lồng ghép với chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và làm mẹ an toàn. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân...
- Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tư vấn và hỗ trợ xã hội cho các phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Mở các khóa đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ thuộc mạng lưới ở tất cả các tuyến về lĩnh vực dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tư vấn và hỗ trợ sữa thay thế cho trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV.
3.6. Phòng, chống nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục
- Xây dựng mạng lưới giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục ở các huyện. Lồng ghép giám sát HIV/AIDS và giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Đảm bảo khả năng phát hiện và điều trị sớm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
- Tư vấn, khám và điều trị cho bạn tình của người mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Thành lập các phòng khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục lưu động tại các địa bàn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đối với nhóm có nguy cơ cao.
3.7. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
- Khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền trong điều trị HIV/AIDS. Định kỳ tổ chức các hội nghị khoa học trao đổi kinh nghiệm, công bố các kết quả nghiên cứu, đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Duy trì, mở rộng và phát huy hiệu quả các dự án quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Tăng cường năng lực điều hành và quản lý các dự án.
4. Nhóm giải pháp về đầu tư, tài chính
4.1. Về xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị
- Xây dựng Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh và hệ thống Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thị xã là đầu mối về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Đầu tư trang thiết bị y tế, trang thiết bị làm việc, tạo điều kiện để Trung tâm đi vào hoạt động có hiệu quả.
4.2. Về đầu tư kinh phí
- Tăng dần mức đầu tư và huy động nguồn kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS, phấn đấu đạt mức tương ứng với tăng trưởng kinh tế và diễn biến dịch. Mức tăng ngân sách đầu tư mỗi năm khoảng 10% so với năm trước.
- Kinh phí phòng, chống HIV/AIDS tập trung huy động từ các nguồn: chương trình mục tiêu quốc gia; ngân sách các dự án phòng, chống HIV/AIDS; ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn khác.
Hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh cân đối kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo nguồn kinh phí đối ứng cho các dự án phòng, chống HIV/AIDS triển khai tại địa phương.
- Thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
- Sử dụng hiệu quả và thực hiện phân cấp, quản lý kinh phí đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân các cấp; các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể và nhân dân tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện Nghị quyết; đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XII thông qua.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |