Nghị quyết 22/2011/NQ-HĐND Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững Kon Tum 2011 2015 đã được thay thế bởi Quyết định 62/QĐ-UBND 2017 công bố danh mục văn bản hết hiệu lực Kon Tum và được áp dụng kể từ ngày 25/01/2017.
Nội dung toàn văn Nghị quyết 22/2011/NQ-HĐND Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững Kon Tum 2011 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2011/NQ-HĐND | Kon Tum, ngày 05 tháng 08 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN VỮNG TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2011-2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020; Quyết định số 581/2011/QĐ-TTg ngày 20/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020.
Sau khi xem xét Tờ trình số 57/TTr-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015, với các chỉ tiêu chủ yếu sau:
1. Đẩy mạnh công tác phát triển rừng bằng biện pháp trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, nâng độ che phủ rừng đạt trên 68%. Đến 2015, phải trồng mới được 36.000 ha rừng tập trung, trong đó rừng phòng hộ 1.000 ha và rừng sản xuất 35.000 ha; trồng 10 triệu cây phân tán là cây gỗ lớn, cây gỗ quý hiếm, cây đặc sản và một số loại cây khác; khoanh nuôi tái sinh rừng 11.000 ha.
2. Tổ chức khai thác rừng tự nhiên trên lâm phần các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp đang quản lý theo phương án quản lý rừng bền vững hoặc phương án điều chế rừng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Sản lượng khai thác phù hợp với năng lực rừng, năng lực khai thác, chế biến và thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp, đảm bảo tái trồng rừng và có hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Khai thác tận dụng gỗ từ rừng tự nhiên chuyển đổi sang trồng cao su và trên các công trình xây dựng. Khai thác rừng trồng phục vụ chế biến gỗ và sản xuất bột giấy với sản lượng 600.000 m³.
3. Chế biến 2,1 triệu m³ gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và rừng tự nhiên (bao gồm: 0,15 triệu m³ phục vụ gỗ xây dựng, 0,15 triệu m³ phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, 1,8 triệu m³ phục vụ sản xuất bột giấy).
4. Tổng thu của ngành lâm nghiệp đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm, trong đó thu ngân sách khoảng 60 tỷ đồng/năm.
5. Thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh; triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung chủ yếu đối với các công trình thủy ban điện trên địa bàn tỉnh và chi trả cho các chủ rừng để đầu tư tái trồng rừng và khoán bảo vệ rừng.
6. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân gây nuôi một số loài động vật rừng hoang dã theo quy định của pháp luật; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm và một số dược liệu quý để hình thành các vùng dược liệu chuyên canh.
Điều 2. Giao ủy ban ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa X, kỳ họp thứ 2 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |