Quy định 4795-TN-XNK kinh doanh dịch vụ thủ tục hàng hoá quá cảnh lãnh thổ Việt Nam đã được thay thế bởi Quyết định 08/TM-XNK hàng hóa của nhân dân Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam và được áp dụng kể từ ngày 25/06/1994.
Nội dung toàn văn Quy định 4795-TN-XNK kinh doanh dịch vụ thủ tục hàng hoá quá cảnh lãnh thổ Việt Nam
BỘ THƯƠNG NGHIỆP ******** | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4795-TN-XNK | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1991 |
QUY ĐỊNH
TẠM THỜI CỦA BỘ THƯƠNG NGHIỆP SỐ 4795-TN-XNK NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1991 VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ THỦ TỤC HÀNG QUÁ CẢNH LÃNH THỔ VIỆT NAM
Căn cứ tập quán thương mại quốc tế và các chính sách về quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại của Nhà nước, Bộ Thương nghiệp tạm thời quy định chế độ kinh doanh dịch vụ thủ tục cho hàng quá cảnh lãnh thổ Việt Nam như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Hàng quá cảnh là hàng hoá từ một nước được phép đi qua lãnh thổ Việt Nam để sang một nước khác trong thời hạn quy định.
2. Hàng quá cảnh không được tiêu thụ hoặc lưu giữ quá thời hạn quy định trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Hàng quá cảnh được vào ra khỏi Việt Nam theo giấy phép của Bộ Thương nghiệp.
4. Hàng quá cảnh nhập vào, xuất ra phải theo đúng hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá, cửa khẩu, tuyến đường kho, bãi (nếu có lưu kho, bãi), thời gian quy định trong giấy phép và chịu sự kiểm tra, giám sát của Hải quan Việt Nam. Trường hợp trong giấy phép không quy định nhưng vì lý do đặc biệt, cần lưu kho, lưu bãi, chủ hàng hoặc người thay mặt chủ hàng phải xin phép và được Hải quan cấp tỉnh sở tại chấp nhận địa điểm, thời hạn lưu kho, bãi và chịu mọi sự kiểm tra, giám sát của Hải quan cấp tỉnh sở tại.
5. Các đơn vị kinh tế được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu và các đơn vị kinh tế quốc doanh chuyên kinh doanh giao nhận, vận tải được làm dịch vụ thủ tục cho hàng quá cảnh của nước ngoài khi được Bộ Thương nghiệp Việt Nam cho phép. Chủ hàng nước ngoài hoặc đơn vị kinh tế làm dịch vụ thủ tục cho hàng quá cảnh phải thực hiện đúng luật pháp hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
6. Tất cả các loại hàng hoá của nước ngoài đều được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam nhưng phải phù hợp với luật pháp của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Hải quan Việt Nam.
7. Việc thanh toán phí dịch vụ làm thủ tục cho hàng quá cảnh do hai bên thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ và phải phù hợp với luật pháp Việt Nam.
II. THỦ TỤC LÀM DỊCH VỤ HÀNG QUÁ CẢNH
1. Các đơn vị kinh tế quy định tại điểm 5 phần I trên đây nếu có nhu cầu kinh doanh dịch vụ thủ tục hàng quá cảnh phải gửi hồ sơ về Bộ Thương nghiệp xin phép, gồm:
a) Đơn xin kinh doanh dịch vụ thủ tục cho hàng quá cảnh với nội dung:
- Tên đơn vị; địa chỉ đơn vị.
- Tên đơn vị quản lý trực tiếp (Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh)
- Số giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu (nếu là đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu).
- Tên tổ chức, nước thuê đơn vị làm dịch vụ.
- Loại hình dịch vụ (theo từng dịch vụ hay theo từng thời gian).
- Phương thức thanh toán tiền dịch vụ.
Đơn này phải được cấp quản lý (Bộ, tỉnh) xác nhận, ký tên, đóng dấu.
b) Bản sao hợp đồng dịch vụ hoặc những chứng từ có giá trị như hợp đồng giữa bên nước ngoài với đơn vị nhận làm dịch vụ (Lưu ý: trong hợp đồng này phải có quy định "Hợp đồng chỉ có giá trị thực hiện khi được Bộ Thương nghiệp phê duyệt").
c) Sau khi nhận được hồ sơ, trong vòng 15 ngày làm việc, Bộ Thương nghiệp có văn bản trả lời cho phép hay không cho phép đơn vị làm dịch vụ này.
2. Đơn vị kinh tế được phép kinh doanh dịch vụ thủ tục về hàng quá cảnh có quyền xin giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu từng chuyến hàng quá cảnh tại phòng cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp.
3. Hồ sơ xin giấy phép từng chuyến hàng quá cảnh gồm:
a) Văn bản của Bộ Thương nghiệp cho phép chủ hàng nước ngoài được quá cảnh hàng hoá qua lãnh thổ Việt Nam.
b) Giấy phép kinh doanh dịch vụ thủ tục cho hàng hoá quá cảnh.
c) Bản sao hợp đồng dịch vụ chuyến.
4. Căn cứ vào hồ sơ trên, Phòng cấp giấy phép của Bộ Thương nghiệp cấp giấy phép quá cảnh.
Giấy phép quá cảnh bao gồm một giấy phép nhập khẩu và một giấy phép xuất khẩu đi liền nhau thành một bộ, trên có ghi rõ "Quá cảnh".
5. Sau mỗi chuyến hàng, đơn vị kinh tế làm dịch vụ có trách nhiệm gửi bộ giấy phép quá cảnh đã thanh toán về phòng cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp, chậm nhất không được quá 30 ngày kể từ ngày hàng thực xuất ra khỏi biên giới.
III - ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
1. Mọi trường hợp vi phạm quy định tạm thời này đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
2. Bản qui định tạm thời này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Mọi quy định trước đây trái với bản qui định tạm thời này đều bãi bỏ.
| Hoàng Minh Thắng (Đã ký) |