Nội dung toàn văn Quyết định 01/2018/QĐ-UBND hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ Hòa Bình
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2018/QĐ-UBND | Hòa Bình, ngày 11 tháng 01 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 01/TTr-SKHCN ngày 04 tháng 01 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 01 năm 2018 và thay thế Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Quy định cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2018 /QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Văn bản này quy định về nội dung, mức hỗ trợ, tổ chức thực hiện hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có các hoạt động: Đầu tư đổi mới công nghệ; xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
2. Quy định này không áp dụng đối với các nội dung, lĩnh vực đã và đang thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, triển khai thi hành Quy định này.
2. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có các hoạt động được nêu tại Khoản 1, Điều 1.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Đổi mới công nghệ là thay thế một phần đáng kể (cốt lõi, cơ bản) hoặc toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác.
2. Cải tiến công nghệ là quá trình hoàn thiện, nâng cao khả năng công nghệ đang sử dụng để mang lại hiệu quả hơn hoặc làm cho công nghệ phù hợp với thực tế sản xuất và mang lại hiệu quả.
3. Hoàn thiện công nghệ là hình thức đầu tư công nghệ vì lý do thiếu kinh phí hoặc lý do khác nên dây chuyền công nghệ trước đó chưa hoàn chỉnh mà vẫn tạo ra sản phẩm.
4. Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ là tiếp nhận các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, các phương pháp quản lý mới đã được công bố vào công nghệ hiện có của đơn vị nhằm tạo ra năng suất, chất lượng hoặc tạo ra sản phẩm mới hay nhằm thay đổi quy trình sản xuất, phương pháp quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
5. Áp dụng các Hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến năng suất là xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn Quốc tế như: Các tiêu chuẩn thuộc bộ tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 14001, ISO/IEC 17020, ISO/IEC 17025; HACCP, GMP và công cụ cải tiến năng suất như: Kaizen, 5S...
6. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và hình thành mô hình kinh doanh mới có khả năng tăng trưởng nhanh, thông qua ứng dụng các thành tựu nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, quản lý để nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất, chất lượng hoặc giá trị của sản phẩm.
Điều 4. Các lĩnh vực, hoạt động được hỗ trợ
1. Hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, bao gồm: Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ; các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ áp dụng giải pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện công nghệ.
2. Hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm: Sáng chế/giải pháp hữu ích, nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, kiểu dáng công nghiệp.
3. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bao gồm: Xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; đăng ký phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
4. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Điều 5. Hình thức hỗ trợ
1. Hỗ trợ hướng dẫn xây dựng quy trình đào tạo, tập huấn cán bộ thực hiện các nội dung: Đầu tư đổi mới công nghệ; xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
2. Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp có hoạt động được quy định tại Điều 4.
Điều 6. Nguồn kinh phí hỗ trợ
Nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm được bố trí từ nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh và từ các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định.
Chương II
NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ
Điều 7. Nội dung và mức hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ
1. Hỗ trợ đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ
a) Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị trên 1.000.000.000 (một tỷ) đồng được hỗ trợ đến 20% giá trị hợp đồng, nhưng tối đa không quá 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng/hợp đồng;
b) Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng đến 1.000.000.000 (một tỷ) đồng được hỗ trợ đến 25% giá trị hợp đồng, nhưng không quá 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng/hợp đồng;
c) Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị dưới 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng được hỗ trợ đến 30% giá trị hợp đồng, nhưng không quá 125.000.000 (một trăm hai mươi lăm triệu) đồng/hợp đồng;
2. Hỗ trợ đối với dự án đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ, áp dụng giải pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện công nghệ.
a) Dự án có giá trị trên 2.000.000.000 (hai tỷ) đồng được hỗ trợ đến 20% giá trị phần công nghệ được đổi mới, cải tiến, áp dụng giải pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện theo dự toán đã được thẩm định, phê duyệt nhưng tối đa không quá 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng/dự án;
b) Dự án có giá trị từ 1.000.000.000 (một tỷ) đồng đến 2.000.000.000 (hai tỷ) đồng được hỗ trợ đến 30% giá trị phần công nghệ được đổi mới, cải tiến, áp dụng giải pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện theo dự toán đã được thẩm định, phê duyệt nhưng tối đa không quá 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng/dự án;
c) Dự án có giá trị dưới 1.000.000.000 (một tỷ) đồng được hỗ trợ đến 30% giá trị phần công nghệ được đổi mới, cải tiến, áp dụng giải pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện theo dự toán đã được thẩm định phê duyệt, nhưng tối đa không quá 150.000.000 (một trăm năm mươi triệu) đồng/dự án.
Điều 8. Nội dung và mức hỗ trợ đối với hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp
1. Đối với xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong nước (hỗ trợ tối đa 05 văn bằng/cơ sở):
a) Đối với sáng chế: Hỗ trợ 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng/sáng chế; đối với giải pháp hữu ích: Hỗ trợ 25.000.000 (hai lăm triệu) đồng/giải pháp hữu ích;
b) Đối với nhãn hiệu thông thường: Hỗ trợ 5.000.000 (năm triệu) đồng/nhãn hiệu;
c) Đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: Hỗ trợ 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng/nhãn hiệu;
d) Đối với kiểu dáng công nghiệp: Hỗ trợ 10.000.000 (mười triệu) đồng/kiểu dáng.
2. Đối với xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài (hỗ trợ tối đa 02 văn bằng/cơ sở; một văn bằng đăng ký tối đa tại 03 (ba) nước): Hỗ trợ 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng/đối tượng sở hữu công nghiệp.
Điều 9. Nội dung và mức hỗ trợ đối với hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng
1. Đối với các doanh nghiệp áp dụng một trong các hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ghi tại Khoản 5, Điều 3 Quy định này: Hỗ trợ 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng/01 doanh nghiệp khi được chứng nhận.
2. Đối với doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hoá được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mức hỗ trợ như sau:
a) Hỗ trợ 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng/01 doanh nghiệp/01 sản phẩm được chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương, hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Hỗ trợ 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng/01 doanh nghiệp/01 sản phẩm được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, hoặc tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ không quá 02 sản phẩm/năm cho một doanh nghiệp;
c) Hỗ trợ 10.000.000 (mười triệu) đồng/01 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng và công bố tiêu chuẩn cơ sở đối với những sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia và hỗ trợ tối đa không quá 02 sản phẩm/năm cho một doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được hỗ trợ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu).
Điều 10. Nội dung và mức hỗ trợ đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
1. Hỗ trợ kinh phí tổ chức và giải thưởng cho các dự án khởi nghiệp đạt giải trong các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:
a) Kinh phí tổ chức cuộc thi khởi nghiệp: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng/sự kiện;
b) Kinh phí giải thưởng cho dự án đạt giải: Tổng giá trị các giải thưởng không quá 50.000.000 đồng (năm mươi triệu).
2. Hỗ trợ kinh phí thuê địa điểm, gian hàng trưng bày, vận chuyển trang thiết bị, truyền thông quảng cáo khi tham gia các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ khoa học và Công nghệ, địa phương, tổ chức doanh nghiệp có chức năng tổ chức sự kiện tổ chức: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng/sự kiện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai chính sách;
b) Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch hàng năm. Xây dựng dự toán nhu cầu kinh phí hỗ trợ hàng năm gửi Sở Khoa học và Công nghệ;
c) Cấp, quản lý và quyết toán kinh phí hỗ trợ theo các quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình và các quy định khác có liên quan.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh theo quy định;
b) Chủ trì, phối hợp với Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh tổng hợp nhu cầu và kinh phí hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp trong tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện chính sách hàng năm; tiếp nhận ý kiến đóng góp và đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi nội dung chính sách cho phù hợp.
3. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan
Căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh trong công tác thẩm định bố trí nguồn vốn, thẩm định xét duyệt kinh phí hỗ trợ, nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện của các đối tượng được hỗ trợ.
4. Đơn vị, Doanh nghiệp
a) Đăng ký hỗ trợ với Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệp;
b) Tuân thủ chặt chẽ quy trình hỗ trợ, triển khai nội dung hỗ trợ, nhận và quyết toán kinh phí hỗ trợ theo hướng dẫn của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng có liên quan;
c) Cam kết về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, các chính sách đối với người lao động.
Điều 12. Xử lý vi phạm
1. Cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái nội dung quy định tại Quyết định này gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
2. Tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có hành vi gian dối để được hưởng hỗ trợ ưu đãi theo Quy định này thì phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được cấp và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật./.