Nội dung toàn văn Quyết định 1087/QĐ-UB 1999 quy định tạm thời thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự Tuyên Quang
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1087/QĐ-UB |
Tuyên Quang, ngày 04 tháng 10 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
"VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ THI NÂNG NGẠCH TỪ NHÂN VIÊN LÊN CÁN SỰ; TỪ NGẠCH NHÂN VIÊN, CÁN SỰ LÊN NGẠCH CHUYÊN VIÊN"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ; Thông tư số 95/1998/NĐ-CP">04/1999/TT-TCCP ngày 20/3/1999 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
- Căn cứ Quyết định số 463/1998/QĐ-TCCP-BCTL ngày 04/9/1998 của Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ quy định về việc thi nâng ngạch nhân viên lên cán sự, từ ngạch nhân viên, cán sự lên ngạch chuyên viên;
- Xét đề nghị của ông Trưởng Ban tổ chức chính quyền tỉnh tại Tờ trình số 432/TTr-TC ngày 22 tháng 9 năm 1999 về việc Quy định thi tuyển và tuyển dụng vào các ngạch công chức; Quy định về việc thi nâng ngạch công chức ngành Hành chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định tạm thời về việc thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự; từ ngạch nhân viên, cán sự lên ngạch chuyên viên".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các Quy định trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban tổ chức chính quyền, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
T/M ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH TUYÊN QUANG |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ
VIỆC THI NÂNG NGẠCH TỪ NHÂN VIÊN LÊN CÁN SỰ; TỪ NGẠCH NHÂN VIÊN, CÁN SỰ LÊN NGẠCH
CHUYÊN VIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1087/QĐ-UB ngày 04 tháng 10 năm 1999 của
UBND tỉnh Tuyên Quang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Việc thi nâng ngạch công chức thực hiện theo nguyên tắc:
1- Nâng ngạch phải căn cứ vào nhu cầu vị trí làm việc.
2- Người dự thi nâng ngạch phải có phẩm chất đạo đức tốt, phải có đủ các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch công chức mới.
3- Việc tổ chức thi nâng ngạch công chức phải đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ và chất lượng.
Điều 2. Đối tượng thi nâng ngạch công chức tại Quy định này gồm:
1- Từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự.
2- Từ ngạch nhân viên, cán sự lên ngạch chuyên viên.
Điều 3. Việc tổ chức thi nâng ngạch cho đối tượng quy định tại điều 2 bản Quy định này do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; Ban tổ chức chính quyền tỉnh là cơ quan thường trực.
Điều 4. Hình thức thi nâng ngạch gồm hai phần bắt buộc:
1- Thi viết.
2- Thi vấn đáp.
Điều 5. Người dự thi là công chức Nhà nước hoặc đang hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao và được Hội đồng sơ tuyển của đơn vị cơ sở xét cử đi dự thi.
Chương II
ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ DỰ THI VÀ TỔ CHỨC SƠ TUYỂN
Điều 6. Cơ quan và người được cử đi dự thi nâng ngạch phải có đủ các điều kiện sau đây:
1- Cơ quan phải có nhu cầu công việc và vị trí làm việc của ngạch.
2- Người được cử đi dự thi phải có đủ các văn bằng, chứng chỉ của ngạch theo Quyết định 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Ban tổ chức- Cán bộ Chính phủ, cụ thể:
a) Ngạch cán sự:
- Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp đúng chuyên ngành.
- Được đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước theo nội dung, chương trình của Học viện hành chính quốc gia.
b) Ngạch chuyên viên:
- Tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành.
- Được đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên theo nội dung, chương trình của Học viện hành chính Quốc gia.
- Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A.
Điều 7.
1- Các Sở, Ban, Ngành của Tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành lập Hội đồng sơ tuyển do người đứng đầu Sở, Ban, Ngành của tỉnh, UBND các Huyện, Thị xã quyết định.
2- Thành phần Hội đồng sơ tuyển gồm 5 người:
- Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển là lãnh đạo Sở, Ban, Ngành của tỉnh, UBND các Huyện, Thị xã.
- Các ủy viên do yêu cầu cụ thể của sở, Ban, Ngành, UBND các Huyện, Thị xã cử các Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ hoặc công chức có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín trong cơ quan, đơn vị tham gia.
3) Nhiệm vụ của Hội đồng sơ tuyển:
- Hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đăng ký dự thi theo đúng yêu cầu tại khoản 1 điều 8 của bản Quy định này.
-Tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ sơ đúng người theo nguyên tắc quy định ở khoản 2 điều 8 của bản Quy định này.
Điều 8: Hồ sơ đăng ký dự thi và quy trình tổ chức việc sơ tuyển của người dự thi:
1- Hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch (hồ sơ cá nhân) gồm:
a) Đơn xin dự thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự; từ nhân viên, cán sự lên chuyên viên.
b) Bản đánh giá, nhận xét của đơn vị trực tiếp sử dụng, quản lý công chức về:
- Phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
- Ý thức tổ chức kỷ luật lao động.
- Trình độ, năng lực và hiệu quả công tác.
- Quan hệ với đồng nghiệp.
c) Bản khai lý lịch khoa học (theo mẫu đính kèm).
d) Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu tại khoản 2, điều 6 (có xác nhận của cơ quan công chứng Nhà nước).
đ) Hai ảnh cỡ 4x6 và 2 phong bì có dán tem, ghi địa chỉ liên lạc. Hồ sơ của người dự thi được đựng trong túi hồ sơ cỡ 21cm x 32cm và gửi về Hội đồng sơ tuyển quy định ở điều 6.
2- Hội đồng sơ tuyển xét duyệt cử người đi dự thi theo nguyên tắc:
a) Hội đồng sơ tuyển xem xét đơn vị cử người đi dự thi thực tế có nhu cầu, vị trí làm việc của ngạch không?
b) Hội đồng xét duyệt hồ sơ của từng người theo các điều kiện đã nêu ở khoản 1 điều này; sau đó bỏ phiếu kín. Người được cử đi dự thi phải đạt được từ 2/3 số phiếu trở lên so với tổng số thành viên Hội đồng sơ tuyển.
c) Hội đồng sơ tuyển lập danh sách người dự thi (theo mẫu) và báo cáo lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng sơ tuyển ký văn bản cử người đi dự thi nâng ngạch về Tỉnh để tổ chức kỳ thi. Văn bản gửi về Tỉnh gồm:
- Công văn gửi Tỉnh, về việc cử người tham dự thi nâng ngạch.
- Danh sách người dự thi (theo mẫu).
- Hồ sơ cá nhân người dự thi (theo danh sách).
3) Hội đồng sơ tuyển nộp lệ phí thi về Hội đồng thi của Tỉnh để chi theo các nội dung: tiền thù lao giảng bài; coi thi, chấm thi; phục vụ cho việc tổ chức thi, giấy thi, giấy chứng nhận.
Chương III
NỘI DUNG VÀ TỔ CHỨC THI
Điều 9. Nội dung thi căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch cán sự, chuyên viên ban hành kèm theo Quyết định số 414/TCCP-BCTL ngày 20/5/1993 của Ban Tổ chức- Cán bộ Chính phủ.
1- Nội dung thi ngạch cán sự:
a) Phần thi viết gồm các vấn đề về:
- Pháp lệnh cán bộ, công chức và những văn bản của Nhà nước hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh.
- Hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước của các Bộ, các sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, huyện, hệ thống tổ chức theo chuyên ngành của địa phương.
- Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
- Cách thể hiện một văn bản (công văn); yêu cầu người dự thi viết dự thảo một văn bản để xem xét khả năng viết, thủ tục văn bản, thẩm quyền ký văn bản.
b) Phần thi vấn đáp:
Mục đích hỏi thi vấn đáp là để xác định khả năng đánh giá, phân tích và cách ứng xử, tri thức xã hội của người dự thi; do đó, trong thi vấn đáp sẽ tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
- Đưa ra các tình huống xử lý để yêu cầu người dự thi trả lời cách giải quyết.
- Đưa ra những văn bản của các cơ quan để người dự thi nhận xét đúng, sai theo quy định ban hành văn bản của Nhà nước.
- Những yêu cầu hiểu biết theo quy định của tiêu chuẩn nghiệp vụ.
- Những vấn đề về kinh tế - xã hội, công tác quản lý của đơn vị, địa phương.
2) Nội dung thi của ngạch chuyên viên:
a) Phần thi viết gồm các vấn đề về:
- Pháp lệnh cán bộ, công chức và những văn bản của Nhà nước hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh.
- Hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống tổ chức theo chuyên ngành.
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của các Bộ, Ngành Trung ương, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã.
- Những vấn đề cơ bản của cải cách hành chính Nhà nước, mục tiêu và đối tượng của quản lý hành chính Nhà nước.
- Dự thảo một văn bản (công văn, quyết định, chỉ thị, ...) để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của địa phương.
b) Phần thi vấn đáp:
Nội dung hỏi thi vấn đáp là để xác định khả năng nắm bắt để quản lý, phát hiện năng khiếu, tri thức xã hội của người dự thi, cách xử lý tình huống khi tiếp xúc với đối tượng quản lý. Vì vậy, thi vấn đáp sẽ tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
- Những vấn đề về tình hình phát triển kinh tế, xã hội đời sống và phát triển của ngành.
- Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành, địa phương đang được thực hiện ở ngành, địa phương.
- Đưa ra những văn bản của các cơ quan để người dự thi nhận xét nội dung, hình thức và tính pháp lý của văn bản.
- Chức năng, nhiệm vụ và vị trí của ngạch chuyên viên.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Hàng năm các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phải nắm được số lượng cần thi nâng ngạch cho các ngạch tại Quy định này, báo cáo về Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, để trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho tổ chức thi nâng ngạch.
Điều 11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thi nâng ngạch của Tỉnh (sau đây gọi là Hội đồng thi); Hội đồng có con dấu riêng.
Hội đồng thi có năm thành viên gồm:
- Chủ tịch Hội đồng thi là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phó Chủ tịch Hội đồng thi là Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
- Thư ký Hội đồng thi là chuyên viên theo dõi về công tác quản lý công chức của Ban tổ chức chính quyền tỉnh.
- Các thành viên khác là lãnh đạo Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh.
Điều 12. Hội đồng thi có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1- Hướng dẫn Quy chế, Nội quy thi, lập hồ sơ của người dự thi, nội dung thi, các tài liệu tham khảo, nghiên cứu trước khi thi cho người tham dự kỳ thi (sau đây gọi là thí sinh).
2- Tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách thí sinh thi nâng ngạch.
3- Tổ chức việc ra đề thi, chọn đề thi đảm bảo bí mật, đúng nội dung hướng dẫn thi nâng ngạch và yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức dự thi.
4- Thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi và tổ chức chỉ đạo hoạt động của Ban coi thi, Ban chấm thi thực hiện đúng quy chế thi nâng ngạch quy định, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công khai, công bằng, dân chủ và chất lượng.
5- Quy định đáp án và thang điểm chấm thi.
6- Lập danh sách kết quả thi, công bố kết quả và thông báo điểm cho từng thí sinh dự thi.
7- Tổ chức phúc tra kết quả thi nếu thí sinh có yêu cầu xin phúc tra.
8- Báo cáo kết quả thi nâng ngạch với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, xem xét gửi văn bản về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính Phủ để thống nhất và ra quyết định công nhận kỳ thi nâng ngạch.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện dung Quy định này. Đơn vị cá nhân nào vi phạm Quy chế thi nâng ngạch hoặc có những hành động tiêu cực trong quá trình tổ chức thi nâng ngạch thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 14. Bản Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định khác trái với Quy định này đều bãi bỏ./.