Nội dung toàn văn Quyết định 1168/QĐ-TTg 2015 duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1168/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 (sau đây gọi là Chương trình) với các nội dung chính sau đây:
I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT
Trên cơ sở kết quả của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010, bằng nguồn kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu sau:
1. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.
2. Phổ cập dịch vụ viễn thông công ích, bảo đảm quyền truy nhập bình đẳng, hợp lý cho mọi người dân, hộ gia đình, đồng thời theo từng thời kỳ ưu tiên hỗ trợ việc sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và đầu thu truyền hình số của hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước.
3. Bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai; cung cấp cho mọi người dân khả năng truy nhập miễn giá cước đến các dịch vụ viễn thông bắt buộc.
4. Bảo đảm các trường học, bệnh viện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên toàn quốc khả năng sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng.
5. Bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
II. DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VÀ ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG
1. Dịch vụ viễn thông công ích
a) Dịch vụ viễn thông bắt buộc bao gồm:
- Dịch vụ viễn thông khẩn cấp;
- Dịch vụ viễn thông di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải;
- Dịch vụ viễn thông phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
b) Dịch vụ viễn thông phổ cập bao gồm:
- Dịch vụ điện thoại cố định;
- Dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định;
- Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định;
- Dịch vụ thông tin di động mặt đất;
- Dịch vụ viễn thông di động hàng hải cho tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải.
2. Đối tượng thụ hưởng của Chương trình
a) Mọi người dân được hỗ trợ:
- Sử dụng miễn giá cước các dịch vụ viễn thông khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định;
- Sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng của Chương trình theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.
b) Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước được hỗ trợ:
- Sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích nếu đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp viễn thông;
- Thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền hình quảng bá công nghệ số.
c) Ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển được hỗ trợ:
- Sử dụng miễn giá cước dịch vụ viễn thông di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải;
- Sử dụng dịch vụ viễn thông di động hàng hải (điện thoại HF, VHF) qua hệ thống đài thông tin duyên hải theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.
d) Các trường học, bệnh viện, Ủy ban nhân dân cấp xã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.
III. KINH PHÍ
1. Kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình là 11.000.000.000.000 đồng (mười một ngàn tỷ đồng), được bảo đảm từ nguồn thu của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, trong đó:
a) Kế hoạch kinh phí dự kiến dành cho các nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông của tất cả các chương trình thành phần chiếm 70% tổng kinh phí của toàn bộ Chương trình;
b) Kế hoạch kinh phí dự kiến hỗ trợ cho một doanh nghiệp viễn thông để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trong toàn bộ giai đoạn thực hiện Chương trình không vượt quá 70% tổng kinh phí dành cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông của Chương trình, trừ trường hợp trên địa bàn cụ thể hoặc đối với nhiệm vụ cụ thể, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định để tham gia thực hiện nhiệm vụ của Chương trình;
c) Việc quyết toán các nhiệm vụ của Chương trình được thực hiện trên cơ sở kết quả thực hiện của doanh nghiệp và dự toán đã được phê duyệt.
2. Mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam:
a) Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng là 1,5% doanh thu các dịch vụ viễn thông quy định tại Điều 9 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
b) Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về là 1,5% doanh thu dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về;
c) Trên cơ sở tình hình triển khai thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình trong trường hợp cần thiết.
IV. CÁC CHƯƠNG TRÌNH THÀNH PHẦN
1. Chương trình thành phần 1: Kết nối băng rộng
a) Mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu 1: Bảo đảm trên 99% các xã có điện được kết nối bằng hệ thống truyền dẫn băng rộng;
- Mục tiêu 2: Bảo đảm trên 99% các xã có điện có mạng truy nhập băng rộng cố định, mạng truy nhập băng rộng di động;
- Mục tiêu 3: Bảo đảm kết nối truyền dẫn cáp quang từ đất liền tới trung tâm hành chính của các huyện đảo.
b) Các nhiệm vụ:
- Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ đầu tư thiết lập hệ thống truyền dẫn băng rộng đến các xã chưa có kết nối truyền dẫn băng rộng;
- Nhiệm vụ 2: Hỗ trợ đầu tư thiết lập mạng truy nhập băng rộng cố định tại các xã chưa có mạng truy nhập băng rộng cố định với khả năng cung cấp dịch vụ cho tất cả các cơ quan, tổ chức trên địa bàn và cho ít nhất 5% số hộ gia đình tại địa bàn cấp xã ở miền núi, hải đảo, 10% số hộ gia đình tại địa bàn cấp xã ở đồng bằng;
- Nhiệm vụ 3: Hỗ trợ đầu tư thiết lập mạng truy nhập băng rộng di động đến các xã chưa có mạng truy nhập băng rộng di động với khả năng phủ sóng cho ít nhất 60% địa bàn cấp thôn tại các xã miền núi, hải đảo và 90% địa bàn cấp thôn tại các xã, phường đồng bằng;
- Nhiệm vụ 4: Hỗ trợ thiết lập đường truyền dẫn cáp quang kết nối từ đất liền đến trung tâm hành chính của các huyện đảo trên cơ sở hạ tầng cáp quang của Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Nhiệm vụ 5: Hỗ trợ triển khai các giải pháp tăng cường bảo đảm liên lạc an toàn, tin cậy trong việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông cho công cộng và cho chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.
2. Chương trình thành phần 2: Kết nối khẩn cấp
a) Mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu 1: Bảo đảm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên toàn quốc được sử dụng miễn giá cước dịch vụ viễn thông khẩn cấp; bảo đảm ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển được sử dụng miễn giá cước dịch vụ viễn thông di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải;
- Mục tiêu 2: Bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
b) Các nhiệm vụ:
- Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ việc sử dụng miễn giá cước dịch vụ viễn thông khẩn cấp và dịch vụ viễn thông di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển thông qua hệ thống đài thông tin duyên hải;
- Nhiệm vụ 2: Hỗ trợ chi phí cung cấp dịch vụ viễn thông phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
3. Chương trình thành phần 3: Kết nối cộng đồng
a) Mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu 1: Bảo đảm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên toàn quốc được sử dụng miễn giá cước dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định;
- Mục tiêu 2: Bảo đảm người dân tại các xã có tỷ lệ hộ gia đình là thuê bao dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định thấp khả năng tiếp cận dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tại các điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng được Chương trình phát triển và duy trì với chi phí hợp lý;
- Mục tiêu 3: Bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước có nhu cầu thông tin liên lạc khả năng tiếp cận dịch vụ điện thoại cố định mặt đất hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau với chi phí hợp lý;
- Mục tiêu 4: Bảo đảm ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải với chi phí hợp lý.
b) Các nhiệm vụ:
- Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ việc sử dụng miễn giá cước dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định;
- Nhiệm vụ 2: Hỗ trợ trang thiết bị để thiết lập 500 điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng tại các xã có tỷ lệ hộ gia đình là thuê bao sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định thấp và chưa có điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng;
- Nhiệm vụ 3: Hỗ trợ chi phí duy trì hoạt động của 500 điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng nêu tại Nhiệm vụ 2 nói trên và của các điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng còn đang hoạt động thuộc phạm vi Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010 theo Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
- Nhiệm vụ 4: Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước sử dụng dịch vụ của 01 số thuê bao dịch vụ điện thoại cố định mặt đất hoặc 01 số thuê bao dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích nếu đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp viễn thông;
- Nhiệm vụ 5: Hỗ trợ ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển sử dụng dịch vụ viễn thông di động hàng hải (điện thoại HF, VHF) thông qua hệ thống đài thông tin duyên hải theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.
4. Chương trình thành phần 4: Kết nối công sở
a) Mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu 1: Bảo đảm trên 99% các trường học, bệnh viện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên toàn quốc khả năng tiếp cận dịch vụ truy nhập Internet băng rộng với chi phí hợp lý;
- Mục tiêu 2: Bảo đảm khả năng truy nhập của người dân tới các dịch vụ công trực tuyến.
b) Các nhiệm vụ:
- Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ kết nối Internet băng rộng cho các trường học, bệnh viện, Ủy ban nhân dân cấp xã chưa được kết nối Internet băng rộng;
- Nhiệm vụ 2: Hỗ trợ các trường học, bệnh viện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên toàn quốc sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích;
- Nhiệm vụ 3: Hỗ trợ các bệnh viện trong Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 của Bộ Y tế sử dụng dịch vụ thuê kênh theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.
- Nhiệm vụ 4: Hỗ trợ thiết lập cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các cấp và dịch vụ công trực tuyến trên cổng phục vụ người dân, tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.
5. Chương trình thành phần 5: Kết nối truyền hình số
a) Mục tiêu cụ thể:
Bảo đảm người dân trên cả nước, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền dẫn, phát sóng tín hiệu truyền hình công nghệ số mặt đất hoặc vệ tinh.
b) Các nhiệm vụ:
- Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ đầu tư trang bị máy phát truyền hình số mặt đất để phát các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo;
- Nhiệm vụ 2: Hỗ trợ thiết lập cổng thông tin điện tử và tổng đài hỗ trợ, tư vấn giải đáp thông tin về số hóa truyền hình;
- Nhiệm vụ 3: Hỗ trợ chi phí cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình số qua vệ tinh VINASAT để phát chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu cho các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, các vùng lõm khó thu được tín hiệu truyền hình số mặt đất;
- Nhiệm vụ 4: Hỗ trợ điều tra phương thức thu xem truyền hình và tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình;
- Nhiệm vụ 5: Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc vệ tinh nếu đã có máy thu truyền hình tương tự và chưa sử dụng dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp, truyền hình Internet (IPTV).
V. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN
1. Phương thức hỗ trợ thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông
a) Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) lập Danh mục và dự toán kinh phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tại địa phương;
b) Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông lập và gửi Danh mục và dự toán kinh phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tại địa phương cho Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Trên cơ sở Danh mục và dự toán kinh phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tại địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, thẩm tra và phê duyệt Danh mục và dự toán kinh phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông;
d) Trên cơ sở Danh mục và dự toán kinh phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông đã được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn doanh nghiệp viễn thông làm chủ đầu tư để thực hiện và quản lý dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu, xây dựng;
đ) Doanh nghiệp viễn thông được lựa chọn làm chủ đầu tư xây dựng, trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, xây dựng và quyết toán dự án đầu tư theo quy định;
e) Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam bố trí và thanh toán kinh phí hỗ trợ trực tiếp hoặc ủy thác chi qua Kho bạc Nhà nước cho doanh nghiệp là chủ đầu tư theo quy định về quản lý tài chính của Quỹ.
2. Phương thức hỗ trợ đầu thu truyền hình số
a) Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Kế hoạch và dự toán hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại địa phương;
b) Trên cơ sở Kế hoạch và dự toán hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, thẩm tra và phê duyệt Kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ đầu thu truyền hình số;
c) Trên cơ sở Kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ đầu thu truyền hình số đã được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư để thực hiện và quản lý dự án mua sắm đầu thu truyền hình số theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu;
d) Đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư xây dựng, trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu mua sắm đầu thu truyền hình số theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu sau khi dự án được phê duyệt và quyết toán dự án đầu tư theo quy định;
đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì , phối hợp với đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư tổ chức phân phối đầu thu truyền hình số đúng, kịp thời và trực tiếp cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định, đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình hỗ trợ tại địa phương;
e) Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam bố trí và thanh toán kinh phí hỗ trợ đầu thu truyền hình số trực tiếp hoặc ủy thác chi qua Kho bạc Nhà nước cho đơn vị được lựa chọn là chủ đầu tư theo quy định về quản lý tài chính của Quỹ.
3. Phương thức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
a) Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể danh mục dịch vụ viễn thông công ích, đối tượng được hỗ trợ, giá cước dịch vụ viễn thông công ích, mức hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông lập dự toán hỗ trợ việc sử dụng dịch vụ viễn thông công ích;
b) Các doanh nghiệp viễn thông lập và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông dự toán kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích để Bộ tổng hợp làm cơ sở phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ tài chính cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hàng năm;
c) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích có trách nhiệm thống kê, báo cáo chính xác, kịp thời và quyết toán kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hàng năm với Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở số liệu thực hiện được Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xác nhận;
đ) Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam bố trí và thanh toán kinh phí hỗ trợ trực tiếp hoặc ủy thác chi qua Kho bạc Nhà nước cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo quyết toán kinh phí hỗ trợ đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt;
đ) Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của các doanh nghiệp viễn thông.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cụ thể phương thức thực hiện các nhiệm vụ khác của Chương trình.
VI. QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH
1. Thành lập Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để giúp Bộ trưởng quản lý, điều phối việc thực hiện Chương trình trên phạm vi cả nước.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
Kinh phí hoạt động của Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích được bảo đảm từ nguồn thu của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của Chương trình tại địa phương.
3. Các Bộ được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình chỉ định một đơn vị chức năng chịu trách nhiệm giúp Bộ quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của Chương trình.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Các nhiệm vụ, kế hoạch của Chương trình được thực hiện thường xuyên, liên tục, không bị ràng buộc bởi các quyết định đầu tư phát triển hàng năm. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm cụ thể như sau:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Danh mục và dự toán kinh phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, Kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ đầu thu truyền hình số; hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông lập dự toán kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại địa phương;
b) Phê duyệt Danh mục và dự toán kinh phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, Kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ đầu thu truyền hình số;
c) Lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư và quản lý các dự án đầu tư thuộc Chương trình theo quy định của pháp luật;
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện, quản lý, điều phối, giám sát, thanh tra, kiểm tra, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Chương trình và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình;
đ) Ban hành danh mục dịch vụ viễn thông công ích; quy định chất lượng, giá cước, đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;
e) Quy định, hướng dẫn việc tổ chức triển khai và chế độ báo cáo thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình;
g) Phê duyệt quyết toán Chương trình.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn hạch toán, thu, nộp của các doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; hướng dẫn thực hiện việc quản lý, chuyển giao tài sản hình thành từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
b) Hướng dẫn việc báo cáo kinh phí thực hiện Chương trình hàng năm và quyết toán Chương trình;
c) Hướng dẫn việc sử dụng kinh phí quản lý Chương trình và cơ chế tài chính của Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;
d) Chỉ đạo, giám sát hệ thống Kho bạc Nhà nước bảo đảm việc ủy thác chi của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quy định và hướng dẫn điều tra thống kê liên quan đến việc sử dụng dịch vụ viễn thông công ích của người dân, hộ gia đình, trường học, bệnh viện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong kế hoạch điều tra thống kê;
b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Cung cấp báo cáo, số liệu cần thiết về các trường học, bệnh viện cho Bộ Thông tin và Truyền thông để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình;
b) Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình triển khai, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giáo dục, y tế trong phạm vi Chương trình.
5. Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện việc cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện lực (bao gồm cả hạ tầng cáp quang điện lực trên toàn quốc) theo quy định tại Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.
6. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành giao thông vận tải phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, đặc biệt dọc theo các tuyến giao thông trọng điểm theo quy định tại Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng viễn thông trong phạm vi Chương trình;
b) Phối hợp kiểm tra, xác nhận số liệu để phục vụ việc thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải.
7. Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Lập và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông Danh mục và dự toán kinh phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tại địa phương;
b) Lập và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông Kế hoạch hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại địa phương;
c) Chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ đầu thu tín hiệu truyền hình số đến các đối tượng thụ hưởng của Chương trình tại địa phương;
d) Phối hợp kiểm tra, xác nhận số liệu để phục vụ việc thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;
đ) Quản lý, điều phối, phổ biến, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong phạm vi Chương trình;
e) Báo cáo, cung cấp các số liệu cần thiết và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình;
g) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lồng ghép các chương trình, đề án, dự án khác của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
8. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam chịu trách nhiệm:
a) Bảo đảm kinh phí đầy đủ, kịp thời để triển khai các nhiệm vụ của Chương trình;
b) Cấp kinh phí, kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng kinh phí hỗ trợ của Quỹ để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đúng mục đích và hiệu quả.
9. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình có trách nhiệm:
a) Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả kinh phí được Chương trình hỗ trợ;
b) Thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành;
c) Lập và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông dự toán kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; quyết toán kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích với Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Báo cáo, cung cấp số liệu cần thiết và phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình;
đ) Ngoài các trách nhiệm nêu trên, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường có trách nhiệm đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
10. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ thiết bị có trách nhiệm:
a) Quản lý, sử dụng thiết bị được hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả;
b) Không được biếu, tặng, bán, điều chuyển thiết bị được hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |