Quyết định 122/2003/QĐ-TTg

Quyết định 122/2003/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 122/2003/QĐ-TTg chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về dân tộc


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 122/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 122/2003/QĐ-TTG NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 2003 VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc;
Căn cứ Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg ngày 12/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ)

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 về công tác dân tộc. Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ xây dựng Chương trình hành động với nội dung chủ yếu sau:

A. Mục tiêu và yêu cầu của chương trình:  

- Mục tiêu: Tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách về công tác dân tộc theo các quan điểm cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.

- Yêu cầu: Cụ thể hoá các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết thành các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án với bước đi phù hợp, phân công tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đó.

B. Nội dung chương trình:

I. TỔ CHỨC QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT:

1. Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức quán triệt sâu rộng trong các ngành, các cấp, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số về nội dung Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX; Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương hướng dẫn các cơ quan truyền thông đại chúng có chuyên mục tuyên truyền, giải thích sâu về nội dung Nghị quyết.

2. Các Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương tổ chức quán triệt Nghị quyết gắn liền với việc kiểm điểm trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc trong thời gian qua; đề ra các giải pháp khắc phục những khuyết điểm, yếu kém; phát huy những thành quả đã đạt được nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VÀ CẤP BÁCH:

Từng Bộ, ngành, địa phương rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch, các chính sách, giải pháp, chương trình, dự án và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ sau:

1. Phát triển sản xuất, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm đổi thay rõ rệt bộ mặt kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi:

a) Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc và miền núi:

- Các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực cho thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) và thực hiện các Quyết định 168, 186, 173 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đến hết năm 2005 cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn bao gồm: các công trình hạ tầng trên địa bàn xã (theo thứ tự ưu tiên: giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, điện, chợ...) và xây dựng các trung tâm cụm xã.

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng các tỉnh có kế hoạch cơ bản hoàn thành xây dựng đường ô tô đến trung tâm tất cả các xã vào cuối năm 2005. Ưu tiền đầu tư xây dựng đường ra biên giới phục vụ phát triển kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng.

- Bộ Công nghiệp có kế hoạch bảo đảm có điện sử dụng cho tất cả các xã vùng đồng bào dân tộc và miền núi trước năm 2010. Đối với những xã không thể đưa điện lưới quốc gia đến được, thì giải quyết bằng các dạng năng lượng khác (thuỷ điện nhỏ, năng lượng mặt trời, gió...). Xây dựng chính sách hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình chính sách được cấp điện đến tận nhà.

- Từ nay đến hết năm 2005, các địa phương, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn phải đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, trước hết là các công trình thuỷ lợi và khai hoang đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc hiện không có hoặc thiếu đất sản xuất.

- Các địa phương chỉ đạo tiếp tục xây dựng chợ ở trung tâm cụm xã và xã thực sự phù hợp với tập quán và nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Ưu tiên xây dựng chợ ở địa bàn biên giới; chấm dứt tình trạng xây dựng chợ lại không có người đến họp.

b) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, với đặc điểm xã hội của từng dân tộc, phát triển đa dạng hoá ngành, nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế hàng hoá; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên cơ sở cải tạo giống, gia tăng đầu tư cho khoa học - công nghệ ứng dụng vào các quá trình sản xuất nhằm tăng năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích. Khuyến khích đẩy mạnh các mô hình liên kết 5 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà tín dụng, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở vùng dân tộc và miền núi.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và chủ trì cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh thực hiện các giải pháp về tổ chức, vốn, kỹ thuật, phương tiện, vật tư… cho các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Hỗ trợ các địa phương tiếp tục xây dựng các cơ sở nhân giống, sản xuất và cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất ở từng vùng.

- Những năm trước mắt, trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn phải tiếp tục coi trọng sản xuất lúa, mầu và phát triển chăn nuôi, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực để bảo đảm xoá đói và chống tái đói. Những nơi có điều kiện thì phát triển trồng trọt, chăn nuôi hàng hoá.

c) Thực hiện một số chính sách, giải pháp đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo:

- Bảo đảm cho các hộ dân tộc thiểu số không có và thiếu đất được có đất sản xuất theo các Quyết định 168/2001/QĐ-TTg Quyết định 173/2001/QĐ-TTg Quyết định 186/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế, tiến tới giải quyết dứt điểm việc khiếu nại về đất đai; tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng lũ lụt và các địa phương có khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Các địa phương có kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu tới năm 2010 cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%.

- Bảo đảm về cơ bản việc cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng đối với vùng sâu, vùng cao, núi đá, bằng việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án... gắn với huy động tốt nội lực của dân.

- Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực sự có khó khăn về nhà ở phù hợp với khả năng và đặc điểm bản sắc văn hóa, gắn kết phát huy truyền thống đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng của các dân tộc.

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách: trợ giá, trợ cước vận chuyển các mặt hàng chính sách xã hội, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách đầu tư, tín dụng... để đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa có tư liệu sản xuất, phát triển sản xuất, bảo đảm xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.

- Xây dựng chính sách giải quyết việc làm, kể cả những ngành nghề phi nông nghiệp và xuất khẩu lao động trong vùng đồng bào dân tộc.

d) Quy hoạch, sắp xếp lại dân cư ở những nơi cần thiết:

- Trong năm 2003, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phê duyệt xong các dự án Quy hoạch dân cư, gắn với quy hoạch sản xuất đến năm 2010 cho các xã vùng dân tộc và miền núi. Vận động các hộ sống ở trên núi cao xuống vùng có điều kiện thuận lợi hơn để ổn định sản xuất và đời sống. Thực hiện các dự án: Kinh tế kết hợp với quốc phòng, đưa dân trở lại sinh sống ở vùng biên giới; xây dựng các khu tái định cư cho các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi; xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long; các Khu kinh tế cửa khẩu, thị trấn, thị tứ các trung tâm cụm xã, các nông, lâm trường. Hình thành nhiều tiểu vùng kinh tế hàng hoá phát triển, có cơ sở chế biến, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ....

- Trên cơ sở tổng kết công tác định canh, định cư, Uỷ ban Dân tộc xác định rõ tiêu chí định canh, định cư giai đoạn hiện nay; nếu còn tình trạng du canh, du cư với quy mô dự án xã, bản thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ định canh, định cư trong Chương trình 135 theo nội dung Quyết định 138/2000/QĐ-TTg ngày 29/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát lại quy hoạch và có kế hoạch chủ động, hạn chế và tiến đến chấm dứt việc di cư tự do, trọng điểm là địa bàn Tây Nguyên và Bình Phước.

2. Về Văn hoá - Xã hội:

a) Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực:

- Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và chống tái mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở các địa phương vùng dân tộc và miền núi vào năm 2010.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục đào tạo ở vùng dân tộc và miền núi, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các mô hình trường dân tộc bán trú dân nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức cho học sinh dân tộc thiểu số học chung lớp với học sinh dân tộc đa số. Xúc tiến chương trình phát triển giáo dục mầm non, các trường mẫu giáo công lập trong vùng dân tộc. Tổ chức dạy nói tiếng phổ thông ngay từ lớp mầm non và mẫu giáo.

- Tổ chức dạy và học chữ dân tộc phù hợp với từng vùng, từng dân tộc.

- Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên (phù hợp với từng dân tộc, từng vùng) trong tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Đổi mới chính sách về học phí, học bổng, tín dụng đào tạo, thực hiện chủ trương xã hội hoá và công bằng xã hội ở vùng dân tộc và miền núi.

- Chỉ đạo thực hiện Quyết định 159/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 về việc thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học mầm non và phổ thông. Xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên và nhà công vụ cho giáo viên công tác tại địa bàn vùng dân tộc miền núi có nhiều khó khăn.

- Phát triển hệ thống các trường, lớp dạy nghề (kể cả các ngành nghề phi nông nghiệp), để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này. Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia thu hút lao động và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật lao động cho người dân tộc thiểu số.

- Củng cố hệ thống các trường dự bị đại học dân tộc hiện có, mở thêm trường dự bị đại học dân tộc tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, các khoa dự bị đại học tại các trường đại học, cao đẳng của các khu vực trọng điểm theo Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp học phổ thông thuộc các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Về y tế:

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo đến hết năm 2005 phải cơ bản xây dựng kiên cố hóa xong các trạm y tế ở xã, phòng khám đa khoa ở cụm xã, nâng cấp cải tạo và xây đựng các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực với đầy đủ trang thiết bị, cơ bản chuẩn hoá 100% trạm y tế xã và cơ sở y tế ở trung tâm cụm xã.

- Bộ Y tế hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các miễn phí hợp lý tiền khám, chữa bệnh tại các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khu vực II và III.

- Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương mở lớp đào tạo bác sĩ cử tuyển hệ chính quy cho đối tượng là người dân tộc thiểu số. Có chế độ phụ cấp phù hợp và thực hiện chính sách nhà ở cho bác sĩ công tác tại các xã đặc biệt khó khăn. Bảo đảm đến hết năm 2005 có 80% số xã có bác sĩ, trước năm 2010 có 100% số xã có bác sĩ phục vụ. Ưu tiên đào tạo đội ngũ y sĩ, hộ sinh cho các bản, làng.

- Các địa phương có các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn thì kết hợp quân - dân y chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh cho dân. Khuyến khích trồng và sử dụng các loại thuốc dân gian phù hợp với từng vùng; bảo đảm cơ số thuốc dự phòng cần thiết cho các vùng ngập lũ.

- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các dịch vụ y tế, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng và giảm dần tỷ lệ trẻ sơ sinh bị chết. Chậm nhất trước năm 2010, kiểm soát và giải quyết cơ bản một số bệnh xã hội nguy hiểm. Hàng năm chủ động tổ chức phòng chống dịch bệnh không để các dịch bệnh lớn, nguy hiểm xảy ra.

c) Về văn hoá và thông tin:

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng đề án nhằm đảm bảo cho tất cả các xã đặc biệt khó khăn có trạm truyền thanh, truyền hình; tăng thời lượng và nâng cao chất lượng phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng tiếng các dân tộc trong khu vực, làm báo hình bằng tiếng dân tộc. Bảo đảm đến năm 2010 có 100% số dân được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và 90% số đồng bào dân tộc được xem truyền hình. Có chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ làm công tác phát thanh, truyền hình ở cơ sở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

- Bộ Văn hóa - Thông tin có kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số; chăm lo đào tạo nghệ sỹ, bồi dưỡng nghệ nhân là người dân tộc thiểu số làm công tác văn hoá nghệ thuật; củng cố và xây dựng các thiết chế văn hoá, nhất là thiết chế văn hoá thông tin cơ sở, xây dựng nhà văn hoá, cụm thông tin bưu điện, phát thanh, cấp không thu tiền các loại báo, tạp chí phục vụ cho các hoạt động văn hoá, thông tin ở tại thôn, bản vùng dân tộc và miền núi, tổ chức phục vụ chiếu phim, biểu diễn văn nghệ cho đồng bào nơi có điều kiện.

- Đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, tổ chức các lễ hội, tăng cường giao lưu văn hoá giữa các dân tộc trong khu vực và các vùng trong cả nước. Uỷ ban Thể dục thể thao chủ trì cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh xây dựng đề án phát triển thể dục - thể thao vùng đồng bào dân tộc.

- Vận động, hướng dẫn đồng bào khắc phục, tiến tới xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong sinh hoạt, tiêu dùng, tảo hôn, mê tín, dị đoan làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc và miền núi.

3. Bảo vệ môi trường:

- Tăng cường các hình thức tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho mọi người về ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng dân tộc và miền núi.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng; bảo vệ các nguồn nước, sông, suối, chống xói mòn đất; quy hoạch và quản lý chặt chẽ việc phát triển sản xuất công nghiệp, việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, các công trình thuỷ lợi ở vùng dân tộc và miền núi, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái và chống ô nhiễm nguồn nước.

- Hoàn thiện các chính sách về giao đất, giao, khoán rừng. Thực hiện hiệu quả dự án trồng 5 triệu ha rừng, các dự án vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các dự án bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng dân tộc và miền núi. Đa dạng hoá việc giao rừng gắn kết hợp lý lợi ích của Nhà nước - Cộng đồng (làng - xã) - Gia đình - Doanh nghiệp. Xây dựng và mở rộng các mô hình phát triển kinh tế rừng với bảo vệ và phát triển vốn rừng. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân đấu tranh kiên quyết phòng, chống lâm tặc, đốt phá rừng.

- Kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư ở vùng dân tộc và miền núi.

- Chậm nhất đến năm 2005 cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng lâm tặc tàn phá rừng.

4. Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở:

a) Bộ Nội vụ cùng Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Quyết định 85/2002/QĐ-TTg ngày 28/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn với những nét đặc thù ở vùng đồng bào dân tộc

b) Thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc nhất là cấp huyện và cơ sở:

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở và cấp huyện là người dân tộc thiểu số; đổi mới chương trình, nội dung và hình thức đào tạo; sử dụng có hiệu quả số học sinh, sinh viên đã được đào tạo từ các trường, số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là con em đồng bào dân tộc thiểu số làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở.

- Bộ Nội vụ, Uỷ ban Dân tộc phối hợp với các Ban Đảng có kế hoạch chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, chủ chốt nhất là Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, xã đội, công an xã; thu hút cán bộ có năng lực về địa phương. Bổ sung, sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng và các cơ chế chính sách đãi ngộ cán bộ ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là những cán bộ công tác lâu năm ở miền núi, vùng cao.

- Phát huy vai trò tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín và nhân sĩ, trí thức trong các dân tộc. Chú trọng xây dựng cốt cán trong các dòng họ.

c) Tăng cường cán bộ có chất lượng xuống các huyện, xã trọng điểm phức tạp còn nhiều yếu kém bức xúc:

- Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để xác định các xã trọng điểm, phức tạp cần được tăng cường cán bộ giúp cơ sở giải quyết yêu cầu nhiệm vụ có liên quan.

- Thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ xuống cơ sở có thời hạn, vừa đảm bảo có cán bộ tăng cường cho các địa bàn xung yếu về chính trị, an ninh, vừa đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ qua thực tiễn ở những nơi khó khăn.

d) Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tập quán, văn hoá của mỗi vùng dân tộc theo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, Pháp luật, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc: giám sát hoạt động của tổ chức và cán bộ ở cơ sở; bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, trưởng thôn, trưởng bản; giám sát việc sử dụng công quỹ, ngân sách nhà nước, vốn đầu tư; thực hiện chương trình, dự án, chính sách...; giúp đỡ nhau sản xuất, xoá đói giảm nghèo, bảo thọ, học tập, hoà giải nội bộ, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

5. Tăng cường quốc phòng, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi:

a) Tập trung giải quyết cơ bản những điểm nóng phức tạp, bức xúc hiện nay:

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nắm chắc tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và làm thất bại mọi âm mưu, ý đồ hoạt động của các thế lực thù địch phá hoại an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xóa bỏ cơ bản các nguyên nhân và điều kiện bên trong mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để kích động, tạo cơ sở xã hội tập hợp lực lượng chống phá cách mạng của các tổ chức phản động: "nhà nước Khmer Krôm" ở Nam Bộ, "Nhà nước Đê ga" ở Tây Nguyên, "Vương quốc người H'Mông", kiên quyết không để xảy ra biểu tình, gây rối, gây bạo loạn, khủng bố.

- Tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện có đông người tham gia, không để lây lan, kéo dài thành "điểm nóng".

- Thực hiện tốt chính sách tôn giáo; bảo đảm cho hoạt động của các tôn giáo bình thường, đúng Pháp luật; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, giáo dục quần chúng có tín ngưỡng và tranh thủ các chức sắc tôn giáo, ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị và truyền bá tà giáo.

- Huy động sức mạnh tổng hợp, áp dụng các biện pháp đấu tranh xoá bỏ tệ nạn ma tuý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng điểm là miền núi phía Bắc.

b) Xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường thế và lực quốc phòng giữ vững an ninh trật tự xã hội trên các địa bàn trọng điểm, xung yếu về quốc phòng và an ninh. Quy hoạch sắp xếp lại dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào an tâm phát triển sản xuất, tham gia giữ vững an ninh quốc phòng. Có quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân định cư ở khu vực biên giới. Phát huy đa dạng hoá các mô hình phát triển kinh tế - xã hột gắn với quốc phòng an ninh.

c) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự khu vực biên giới; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng: Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, xây dựng cơ chế phối hợp các lực lượng thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, khu vực biên giới, đường biên giới; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm, đấu tranh kịp thời với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

III. ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN TỘC:

1. Xây dựng Luật Dân tộc để Chính phủ trình Quốc hội.

2. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc và miền núi:

a) Các Bộ, ngành chức năng chủ trì rà soát, bổ sung hoàn thiện và thực hiện các nhóm chính sách ở vùng dân tộc và miền núi:

- Ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo.

- Ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội: giáo dục, y tế, văn hoá.

- Ưu tiên hỗ trợ cho ổn định chính trị an ninh, quốc phòng.

- Ưu tiên đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số và cán bộ công tác vùng dân tộc thiểu số.

b) Uỷ ban Dân tộc rà soát lại và xác định địa bàn, đối tượng, ưu tiên đầu tư:

- Định kỳ hàng năm phải rà soát, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 khu vực (I, II, III), trên cơ sở đó bổ sung hoàn chỉnh các giải pháp chính sách cho phù hợp với đặc điểm của từng khu vực.

- Xác định địa bàn, đối tượng ưu tiên đầu tư cho xóa đói giảm nghèo, vùng đặc biệt khó khăn:

+ Xác định từ nay đến hết năm 2005 có bao nhiêu xã có thể ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn? để tập trung hỗ trợ đầu tư cho những xã còn lại.

+ Xem xét và có chính sách hoặc chương trình dự án riêng ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho những làng, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II.

+ Rà soát lại diện đối tượng thuộc chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, chỉ hỗ trợ những dân tộc thiểu số mà diện hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí rất thấp, đời sống trên nhiều lĩnh vực khó khăn nghiêm trọng.

c) Rà soát hoàn thiện bổ sung một số chương trình, dự án:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

+ Rà soát đánh giá lại các chương trình, dự án hiện đang thực hiện ở vùng dân tộc và miền núi để đảm bảo đầu tư có hiệu quả cao và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 7 đã đề ra.

+ Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội các vùng trọng điểm: Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Uỷ ban Dân tộc có trách nhiệm:

+ Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả dự án hỗ trợ các dân tộc thiểu số có dân số rất ít người.

+ Tổng kết, đánh giá hiệu quả Chương trình 135, đề xuất các giải pháp chính sách, chương trình, dự án tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn còn lại khi Chương trình 135 kết thúc (hết năm 2005).

3. Đổi mới nội dung quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc:

a) Quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 và Nghị định 51/2003/NĐ-CP của Chính phủ xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc; xác định rõ nội dung cơ bản, đối tượng trọng điểm của công tác quản lý nhà nước về dân tộc trên phạm vi cả nước và từng vùng, từng địa phương.

b) Phân định rõ nội dung, phạm vi trách nhiệm của các ngành, các cấp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dân tộc.

c) Xây dựng, triển khai các quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến dân tộc.

4. Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở:

Một số Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ có một bộ phận chuyên trách theo dõi việc thực hiện chính sách dân tộc. Bộ Nội vụ chủ trì cùng Uỷ ban Dân tộc hoàn thành xây dựng hệ thống các cơ quan công tác dân tộc ở các tỉnh, huyện có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trong năm 2003. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Xây dựng tiêu chuẩn công chức làm công tác dân tộc. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Tuyển chọn, tăng cường cán bộ giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt về cơ quan làm công tác dân tộc ở các cấp.

C. Tổ chức thực hiện:

1. Các Bộ, ngành Trung ương căn cứ vào nội dung Chương trình này và chức năng, nhiệm vụ của mình: xây dựng Chương trình hành động; xây dựng, rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình, dự án theo sự phân công của Chính phủ (phụ lục kèm theo).

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiến hành tổng kết công tác dân tộc, việc thực hiện chính sách dân tộc của địa phương trong những năm qua, xây dựng chương trình hành động phát huy lợi thế của địa phương, chủ động khai thác nội lực, vận dụng và cụ thể hoá những chính sách đặc thù phù hợp với nội dung Nghị quyết và tình hình các dân tộc của địa phương, có bước đi thích hợp cho thời kỳ 2001 - 2005 và đến 2010.

2. Các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra đôn đốc các địa phương, cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai thực hiện Chương trình, kịp thời đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp và tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình hành động này. Mỗi Bộ, ngành phân công một đồng chí Thứ trưởng, mỗi tỉnh phân công một đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình. Giao Uỷ ban Dân tộc là cơ quan giúp Chính phủ kiểm tra đôn đốc, tổng hợp và đề xuất các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ 6 tháng một lần. Trong 6 tháng cuối năm nay, Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với các dân tộc, các vùng dân tộc và miền núi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề xuất các công việc cấp bách cần tiến hành từ nay đến năm 2005, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


DANH MỤC

CÁC NHIỆM VỤ QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Nội dung công việc

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Hình thức văn bản/công việc

Thời gian hoàn thành hoặc trình TTCP

I

Tổ chức quán triệt Nghị quyết

Uỷ ban Dân tộc

UBTWMTQVN, Ban Dân vận, Ban

TT-VH và các cơ quan hữu quan

Thông tư hướng dẫn

Quý III/2003

II

Tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách

 

 

 

 

1

Phát triển sản xuất đẩy mạnh XĐGN, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm đổi thay rõ rệt bộ mặt KT-XH vùng dân tộc và miền núi

 

 

 

 

a)

Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc và miền núi

 

 

 

 

 

- Dự án cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn

Uỷ ban Dân tộc

Bộ KH&ĐT, TC,

NN&PTNT và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý I/2004

 

- Dự án cấp điện đến tất cả các xã

Bộ Công

nghiệp

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC và các Bộ ngành, liên quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

 

- Đầu tư các công trình hạ tầng ở vùng dân tộc và miền núi

Bộ KH&ĐT

UBDT và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

 

- Dự án đưa điện thoại xuống xã

Bộ Bưu

chính, viễn

thông

UBND tỉnh và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

b)

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hàng hoá

Bộ NN &

PTNT

UBDT, Bộ KH &ĐT, TC và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

c)

Thực hiện một số giải pháp, chính sách đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo:

 

 

 

 

 

- Giải quyết các vấn đề: đất đai, giống, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, cấp nước sinh hoạt

Bộ NN &

PTNT

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC và các Bộ, ngành hữu quan

Thông tư

hướng dẫn

Quý IV/2003

 

- Giải quyết vấn đề nhà ở

Bộ LĐTB & XH

UBDT, Bộ KH và ĐT, TC và các Bộ,

ngành hữu quan

Thông tư

hướng dẫn

Quý IV/2003

 

- Tiêu thụ sản phẩm

Bộ Thương

mại

UBDT, Bộ TC và các Bộ ngành hữu

quan

Thông tư

hướng dẫn

Quý IV/2003

 

- Trợ giá, trợ cước vận chuyển các mặt hàng chính sách xã hội, hỗ trợ hộ dân tộc đặc biệt khó khăn

Uỷ ban Dân tộc

Bộ TC, TM, LĐTB & XH và các Bộ, ngành hữu quan

Thông tư

hướng dẫn

Quý IV/2003

d)

Quy hoạch sắp xếp dân cư ở những nơi cần thiết

Bộ NN &

PTNT

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC, LĐTB & XH, Quốc phòng

Quyết định

của TTCP

Quý I/2004

2

Về văn hoá-xã hội

 

 

 

 

a)

Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực

Bộ GD&ĐT

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC, LĐTB & XH

Quyết định

của TTCP

Quý III/2003

b)

Phát triển y tế vùng dân tộc và miền núi

Bộ Y tế

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC

Quyết định

của TTCP

Quý II/2003

c)

Phát triển thể dục thể thao vùng dân tộc và miền núi

Uỷ ban Thể dục Thể thao

UBDT và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

 

Về văn hoá - thông tin

 

 

 

 

 

- Dự án phát thanh, truyền hình vùng dân tộc

Đài THVN,

Đài TNVN

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

 

- Các vấn đề về văn hoá ở vùng dân tộc và miền núi

Bộ VH-TT

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC và các cơ quan hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

3

Bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi

Bộ TN&MT

Bộ KH&ĐT, TC, UBDT và các Bộ, ngành hữu quan

Thông tư

hướng dẫn

Quý IV/2003

4

Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở

 

 

 

 

a)

Kế hoạch đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở

Bộ Nội vụ

UBDT và các cơ quan hữu quan

Thông tư

hướng dẫn

Quý III/2003

b)

Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc là người dân tộc thiểu số

Uỷ ban Dân tộc

Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý I/2004

c)

Tăng cường cán bộ

xuống địa bàn trọng

điểm

Bộ Nội vụ

UBDT và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý III/2003

d)

Xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tập quán của mỗi vùng

Uỷ ban Dân tộc

Các cơ quan hữu quan

Thông tư hướng dẫn

Quý IV/2003

5

Tăng cường quốc

phòng, bảo đảm ổn

định chính trị trật tự

an toàn xã hội vùng

dân tộc và miền núi

 

 

 

 

a)

Tập trung giải quyết những điểm nóng, phức tạp

Bộ Công an

Bộ Quốc phòng, UBDT và các Bộ,

ngành hữu quan

Chỉ thị của

TTCP

Quý III/2003

b)

Xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển KT-XH gắn với an ninh quốc phòng

Bộ KH&ĐT

Bộ Quốc phòng, Công an, UBDT và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

c)

Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự khu vực biên giới

Bộ Công an

Bộ Quốc phòng, UBDT và các cơ quan hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

III

Đổi mới công tác dân tộc

 

 

 

 

1

Xây dựng Luật Dân tộc

Uỷ ban Dân tộc

Các cơ quan hữu quan của Chính phủ và Quốc hội

Luật Dân tộc

Năm 2004

2

Xây dựng, bổ sung,

hoàn thiện một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc và thiền núi

 

 

 

 

a)

Các nhóm chính sách

 

 

 

 

 

- Phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo

Bộ KH&ĐT

UBDT và các cơ quan hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý I/2004

 

- Chính sách xã hội

Bộ LĐTB &XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ VH-TT

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC và các cơ quan hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý II/2004

 

- Chính sách an ninh, quốc phòng

Bộ Quốc

phòng

UBDT, Bộ KH & ĐT, TC và các cơ quan hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý I/2004

 

- Chính sách bồi dưỡng, sử dụng cán bộ cơ sở là người dân tộc

Bộ Nội vụ

UBDT và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý I/2004

b)

- Rà soát lại địa bàn và đối tượng ưu tiên đầu tư

Uỷ ban Dân tộc

 

Quyết định

của TTCP

Quý IV/2003

 

- Dự án dân tộc thiểu số ít người, tổng kết Chương trình 135

Uỷ ban Dân tộc

Bộ KH&ĐT, NV, TC, LĐTB&XH và các cơ quan hữu quan, các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý I/2004

c)

Rà soát hoàn thiện một số chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi

Bộ KH&ĐT

UBDT, Bộ TC, NN & PTNT, LĐTB & XH và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định

của TTCP

Quý II/2004

d)

Kiểm tra, đánh giá các chính sách đối với vùng tộc và miền núi, đưa ra Chương trình trọng tâm đến năm 2005

Uỷ ban dân tộc

Bộ KH&ĐT, NN& PTNT, LĐTB&XH và các Bộ, ngành hữu quan

Quyết định của TTCP

Quý IV/2003

3

Đổi mới nội dung quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc

Uỷ ban Dân tộc

Bộ NV, CA, QP, các cơ quan hữu quan

Quyết định của TTCP

Quý II/2004

4

Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về công tác dân tộc

Bộ Nội vụ

UBDT và các cơ quan hữu quan

Nghị định của CP

Quý III/2003

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 122/2003/QĐ-TTg

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 122/2003/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 12/06/2003
Ngày hiệu lực 16/07/2003
Ngày công báo 01/07/2003
Số công báo Từ số 69 đến số 70
Lĩnh vực Bộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 122/2003/QĐ-TTg

Lược đồ Quyết định 122/2003/QĐ-TTg chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về dân tộc


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 122/2003/QĐ-TTg chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về dân tộc
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 122/2003/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Ngày ban hành 12/06/2003
Ngày hiệu lực 16/07/2003
Ngày công báo 01/07/2003
Số công báo Từ số 69 đến số 70
Lĩnh vực Bộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 18 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Quyết định 122/2003/QĐ-TTg chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về dân tộc

Lịch sử hiệu lực Quyết định 122/2003/QĐ-TTg chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về dân tộc

  • 12/06/2003

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 01/07/2003

    Văn bản được đăng công báo

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 16/07/2003

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực