Nội dung toàn văn Quyết định 13/QĐ-XĐGN quy chế hoạt động Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo
BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/QĐ-XĐGN | Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 11 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 754/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo; Thủ trưởng cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TRƯỞNG BAN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TÌNH GIẢM NGHÈO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/QĐ-BCĐGN ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Ban Chỉ đạo)
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo là cơ quan tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II)
Nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 754/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo:
1. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể thông qua các phiên họp thường kỳ và đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban chỉ đạo khi được ủy quyền:
- Định kỳ 06 tháng, 01 năm, Ban Chỉ đạo tổ chức họp giao ban để kiểm điểm, đánh giá các hoạt động về thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch đã đề ra.
- Các phiên họp của Ban Chỉ đạo phải được thông báo bằng văn bản về nội dung, thời gian và địa điểm trước 05 ngày làm việc. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm nghiên cứu văn bản, chuẩn bị ý kiến thảo luận, bố trí thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo.
- Các đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo được thảo luận tập thể và theo kết luận của Ban Chỉ đạo. Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp được thể hiện dưới hình thức thông báo của Văn phòng Chính phủ.
2. Hàng năm, Ban Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động 02 Chương trình và từng dự án, chính sách của mỗi chương trình theo kế hoạch chung của Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo (đồng thời gửi các Phó Trưởng Ban chỉ đạo).
Điều 3. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, ngoài việc đề xuất cơ chế, chính sách giảm nghèo thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành quản lý, còn có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về những vấn đề được phân công, cụ thể:
1. Theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động của các chính sách, dự án được phân công phụ trách.
2. Định kỳ hàng quý (trước ngày 20 của tháng cuối quý) báo cáo Ban Chỉ đạo về tiến độ, kết quả thực hiện các hoạt động, dự án thuộc Bộ, ngành và địa phương quản lý.
3. Trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương tình tại địa phương được phân công mỗi năm ít nhất một lần và ủy quyền cho cán bộ kiểm tra, đánh giá tại địa phương được phân công tối thiểu mỗi quý 1 lần. Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày kết thúc các đợt kiểm tra, các ủy viên Ban Chỉ đạo phải có báo cáo bằng văn bản gửi về Ban Chỉ đạo (thông qua 02 Văn phòng điều phối chương trình).
4. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể nhân dân trong quá trình chỉ đạo thực hiện.
Chương II.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN
Điều 4. Trưởng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ và kết quả thực hiện 02 Chương trình; phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung, dự án 02 chương trình.
Điều 5. Nhiệm vụ của các Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Trưởng ban Chỉ đạo về triển khai, điều hành, giải quyết công việc thường xuyên cảu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giúp Trưởng Ban Chỉ đạo về triển khai, điều hành, giải quyết công việc thường xuyên của Chương trình 135 giai đoạn II; trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng điều phối Chương trình 135 giai đoạn II.
Điều 6. Các Ủy viên trong Ban chỉ đạo có trách nhiệm giúp Trưởng ban:
1. Ủy viên thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
- Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ; xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình; đề xuất cơ chế hỗ trợ xã mới thoát nghèo trình Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một số dự án: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; dạy nghề cho người nghèo; nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực giảm nghèo và truyền thông; hoạt động giám sát, đánh giá.
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Ủy viên thường trực Chương trình 135 giai đoạn II là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ:
- Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Chương trình 135 giai đoạn II và kế hoạch thực hiện hàng năm; hướng dẫn cơ chế quản lý thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các dự án của Chương trình 135; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ ngân sách và kỹ thuật cho chương trình; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình.
- Chủ trì tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một số dự án: phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực thực hiện chương trình; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật; hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số.
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình của các Bộ, ngành, địa phương.
3. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất nguồn lực, phân bổ vốn cho các chương trình; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý thực hiện chương trình.
4. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với ủy viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí ngân sách theo mục tiêu của 02 Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; chủ trì, hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chính sách, dự án của các chương trình; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo; xây dựng văn bản hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp quyết toán kinh phí của Chương trình.
5. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo hướng dẫn thực hiện dự án: khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; hướng dẫn xây dựng các công trình phục vụ phát triển thủy sản ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo và xã nghèo; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc hướng dẫn địa phương thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.
6. Ủy viên là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
7. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng đề án trợ giúp người nghèo về nhà ở trình Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án; phối hợp với ủy viên Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo.
8. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo.
9. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục, đào tạo.
10. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp xã.
11. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
12. Ủy viên là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải phối hợp với ủy viên Ủy ban Dân tộc chỉ đạo, thực hiện hoàn thành 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II có đường ô tô đến trung tâm xã; chỉ đạo các địa phương quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn theo hướng nâng cấp đường giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chương III.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HAI VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH
Điều 7. Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Văn phòng điều phối Chương trình 135 giai đoạn II có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo:
1. Phối hợp xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo hàng năm; xây dựng và trình Ban Chỉ đạo kế hoạch 5 năm và hàng năm triển khai thực hiện 02 Chương trình trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương.
2. Lập kế hoạch, dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và kinh phí quản lý từng Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
3. Giúp Ban Chỉ đạo triển khai và phối hợp các hoạt động của 02 Chương trình.
4. Phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; đôn đốc, theo dõi việc tổ chức thực hiện 02 Chương trình ở các địa phương, các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan.
5. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động bảo đảm thực hiện mục tiêu của Chương trình.
6. Tổng hợp, đánh giá, báo cáo Ban Chỉ đạo về kết quả, các kiến nghị để trình Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình và công tác thi đua, khen thưởng.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo giao.
Chương IV.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Quy chế này được áp dụng cho Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất ý kiến, nội dung bổ sung, sửa đổi trình Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, giải quyết./.