Quyết định 142/2003/QĐ-UB khám chữa bệnh cho người nghèo Lâm Đồng đã được thay thế bởi Quyết định 483/QĐ-UBND năm 2010 công bố danh mục văn bản hết hiệu lực Lâm Đồng và được áp dụng kể từ ngày 04/03/2010.
Nội dung toàn văn Quyết định 142/2003/QĐ-UB khám chữa bệnh cho người nghèo Lâm Đồng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/2003/QĐ-UB | Đà Lạt, ngày 16 tháng 10 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V KHÁM CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 16/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ v/v khám chữa bệnh cho người nghèo;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16/12/2002 của Liên Bộ Y tế-Tài chính v/v hướng dẫn tổ chức khám chữa bệnh và lập, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 16/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ;
- Theo đề nghị của Sở Y tế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Thực hiện việc khám chữa bệnh cho người nghèo theo qui định tại quyết định này.
Điều 2: Đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo theo quyết định này gồm:
1. Người nghèo theo qui định hiện hành về chuẩn hộ nghèo qui định tại quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và được cấp sổ thực hiện chính sách đói nghèo của tỉnh.
2. Người có hộ khẩu thường trú tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tại các thôn buôn vùng III thuộc tỉnh Lâm Đồng.
3. Người dân tộc thiểu số (trừ người Hoa) thường trú tại Lâm Đồng.
4. Các đối tượng qui định tại các khoản 1, 2, 3 điều này không thuộc diện được hưởng chế độ cho người nghèo, bao gồm:
a) Các đối tượng thuộc diện hưởng chế độ Bảo hiểm Y tế bắt buộc theo qui định tại Nghị định 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ và các qui định hiện hành khác (đối tượng được ngân sách Nhà nước hoặc các tổ chức kinh tế mua thẻ BHYT bắt buộc): người lao động đang làm việc hoặc nghỉ hưu; ngời được hưởng trợ cấp theo pháp lệnh người có công; người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học; bố mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của chồng và của vợ, vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi của sĩ quan tại ngũ được Bộ Quốc phòng mua thể và cấp thể BHYT cho thân nhân sĩ quan tại ngũ theo qui định tại Nghị định 63/2002/NĐ-CP ngày 18/6/2002 của Chính phủ.
b) Do bị hậu quả của các tệ nạn xã hội: Đánh nhau, say rượu, tự tử hoặc do bị tai nạn giao thông.
c) Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục: lậu, giang mai và các bệnh hoa liễu khác.
d) Tự lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh (trái tuyến vượt tuyến), khám chữa bệnh theo yêu cầu riêng.
e) Các bệnh thuộc diện quản lý của chương trình mục tiêu quốc gia như: sốt rét, phong, tâm thần, bướu cổ, sốt xuất huyết được thực hiện khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí theo qui định của chương trình.
Điều 3: Các đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo qui định tại điều 2 khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước từ trạm y tế xã, phường, thị trấn đến bệnh viện và viện có giường bệnh tuyến Trung ương được miễn tiền viện phí và không phải đóng tiền tạm ứng khi nhập viện.
Điều 4: Để được hưởng chế độ khám chữa bệnh, đối tượng phải:
1. Đi khám chữa bệnh đúng tuyến, trừ trường hợp cấp cứu. Nơi khám chữa bệnh đầu tiên là tại trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc tại phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện nếu các cơ sở này kiêm nhiệm nhiệm vụ của trạm y tế. Trường hợp bệnh nặng vượt khả năng điều trị của tuyến dưới thì được chuyển lên tuyến trên.
2. Xuất trình thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo và các giấy tờ tùy thân để xác định là đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho nưgời nghèo do Sở Y tế hướng dẫn .
Điều 5:
1. Các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Lâm Đồng từ trạm y tế xã, phường, thị trấn đến bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho nưgời nghèo như đối với đối tượng BHYT. Chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo được Ban quản lý Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh thanh toán.
2. Sở Y tế ký hợp đồng với các bệnh viện và viện có giường bệnh của Trung ương để thực hiện việc khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo thuộc tỉnh.
Điều 6: Thành lập Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo là Quỹ của Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận, bảo toàn và phát triển nguồn vốn.
Quỹ được hình thành từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước (bao gồm hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; bổ sung từ nguồn đảm bảo xã hội thuộc ngân sách tỉnh) cấp đảm bảo tối thiểu bằng 75% tổng giá trị của Quỹ và nguồn huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Quỹ được đặt tại Sở Y tế và có con dấu riêng.
Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và được tính lãi suất theo qui định hiện hành.
Điều 7: Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh được dùng để:
1. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo thuộc tỉnh với các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước.
Qui trình tổ chức thanh toán và nguyên tắc thanh toán thực hiện theo điểm b, khoản 3.2.1, mục 3 Thông tư 14 ngày 16/12/2002 của Liên Bộ Y tế-Tài chính. Việc giám định chi phí khám chữa bệnh hợp đồng với BHYT tỉnh để thực hiện.
2. Chi phí giám định và in thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo. Mức chi không vượt quá 5% tổng giá trị Quỹ. Định mức chi và nội dung chi do Ban quản lý Quỹ tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Hỗ trợ một phần viện phí cho các trường hợp gặp khó khăn đột xuất (không thuộc đối tượng qui định được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo) do mắc các bệnh nặng, chi phí cao khi điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước.
ủy quyền cho Trưởng Ban quản lý Quỹ qui định cụ thể về đối tượng, mức và trình tự xét duyệt việc hỗ trợ; đồng thời tổ chức việc xét duyệt hỗ trợ cho đối tượng.
Điều 8: Phát hành thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo theo mẫu qui định và hướng dẫn tại công văn số 11612 ngày 31/12/2002 của Bộ Y tế để cấp cho các đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo thuộc tỉnh.
Việc phát hành và cấp phát thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo được thực hiện như sau:
1. Sở Y tế là cơ quan phát hành và quản lý thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo. Hàng năm căn cứ vào số đối tượng cần được cấp thẻ và khả năng tài chính của Quỹ, Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt số lượng thẻ cần được cấp phát để tổ chức in ấn và chuyển cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổ chức cấp phát cho đối tượng.
2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện thống kê tổng hợp đối tượng, tổ chức cấp phát thẻ cho cấp huyện.
3. UBND cấp huyện căn cứ hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc tổ chức cấp phát thẻ cho đối tượng ở trên địa bàn; ủy quyền cho Phòng Tổ chức Lao động Xã hội trực tiếp cấp phát thẻ.
Điều 9: Tổ chức thực hiện:
1. Ban quản lý quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh (có quyết định riêng) có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, tổ chức triển khai việc thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo và quản lý Quỹ. Ngòai các nhiệm vụ được qui định tại các điều liên quan của quyết định này, Ban quản lý Quỹ có nhiệm vụ:
a) Chỉ đạo việc phối hợp tổ chức công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và theo dõi, giám sát tình hình thực hiện.
b) Chỉ đạo các cơ quan có liên quan lập dự toán Quỹ hàng năm. Việc lập dự toán Quỹ thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3.1 Thông tư 14 ngày 16/12/2002 của Liên Bộ Y tế-Tài chính.
c) Tổ chức thực hiện việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo với các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Tổ chức xét và chi hỗ trợ một phần viện phí cho các trường hợp khó khăn đột xuất.
d) Giám sát việc chi tiêu của Quỹ. áp dụng cơ chế giám sát như quy định hiện hành đối với BHYT.
Thẩm định báo cáo quyết toán năm của quỹ trình UBND tỉnh phê duyệt và gửi Liên bộ Y tế - Tài chính.
c) Trưởng Ban quản lý quỹ xây dựng quy chế hoạt động của Ban quản lý Quỹ, phân công nhiệm vụ của các thành viên phối hợp tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
2/ Sở Y tế có trách nhiệm :
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước trong tỉnh tổ chức thực hiện việc khám chữa bệnh cho người nghèo theo quyết định này đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi và tránh bị lợi dụng.
- Ký hợp đồng với các bệnh viện và việc có giường bệnh tuyến trung ương để thực hiện việc khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh.
- Hàng năm, chủ trì phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Sở Tài chính vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan trong tỉnh xác định số lượng đối tượng, xây dựng dự toán ngân sách khám chữa bệnh cho người nghèo theo định mức trình UBND tỉnh.
- Tổ chức quản lý và điều hành quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Hướng dẫn, cấp phát kinh phí và thanh quyết toán kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh và tuyến trung ương; chi kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn đột xuất bị bệnh hiểm nghèo; Lập báo cáo quyết toán thu chi hàng năm.
- In ấn và quản lý nguồn thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính vật giá, Sở Lao động-Thương binh và xã hội và các sở, ngành liên quan kiểm tra giám sát tình hình thực hiện việc khám chữa bệnh cho người nghèo.
- Trực tiếp ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện việc giám định chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo.
3/ Sở Lao động-Thương binh và xã hội có trách trách nhiệm :
- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp số liệu hàng năm về đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo và tổng hợp chung toàn tỉnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc cấp phát, thu hồi thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo và kiểm tra việc thực hiện.
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc tổ chức kiểm tra giám sát tình hình thực hiện công tác khám chữa bệnh cho người nghèo.
4. Sở Tài chính vật giá có trách nhiệm :
- Chủ trì, phối hợp với Sở y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối các nguồn ngân sách tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách cho Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo.
- Hướng dẫn, thanh kiểm tra việc chi phí, thanh quyết toán kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc quản lý tài chính.
- Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ.
- Tham mưu đề xuất việc huy động các nguồn ngoài ngân sách để xây dựng quỹ.
5/ Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh có trách nhiệm :
- Giám sát tình hình thực hiện việc khám chữa bệnh cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện việc khám chữa bệnh cho người nghèo.
6/ UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm : Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tổng hợp đầy đủ, chính xác số liệu đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo và việc cấp thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo ở trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và xã hội.
7/ Đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh và giám sát tình hình thực hiện.
Điều 10: Nghiêm cấm việc sử dụng quỹ sai mục đích; các hành vi lợi dụng làm sai việc khám chữa bệnh cho người nghèo theo quy định tại quyết định này. Cơ quan Nhà nước, CBCC vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo vi phạm sẽ bị thu hồi thẻ.
Điều 11: Quyết định này thay thế quyết định số 130/2002/QĐ-UB ngày 16/9/2002 của UBND tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày ký. Các đối tượng thuộc diện khám chữa bệnh miễn phí theo quyết định 130 nhưng không thuộc đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo quy định ở quyết định này nếu đã được cấp thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo trước khi quyết định này có hiệu lực thì tiếp tục được hưởng chế độ khám chữa bệnh miễn phí đến hết thời gian sử dụng thẻ.
Điều 12: Chánh Văn phòng HĐND&UBND tỉnh, giám đốc các Sở: Y tế, Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Sở Tài chính vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong tỉnh căn cứ quyết định thi hành./-
| TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |