Quyết định 1470/QĐ-UBND 2008 đấu thầu cung ứng thuốc cơ sở y tế công lập Yên Bái năm 2009 đã được thay thế bởi Quyết định 1813/QĐ-UBND 2009 đấu thầu mua thuốc cơ sở y tế công lập Yên Bái và được áp dụng kể từ ngày 18/11/2009.
Nội dung toàn văn Quyết định 1470/QĐ-UBND 2008 đấu thầu cung ứng thuốc cơ sở y tế công lập Yên Bái năm 2009
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1470/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 18 tháng 9 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐẤU THẦU THUỐC VÀ CUNG ỨNG THUỐC TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI NĂM 2009
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Dược số 34/2005/QH11, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2005;
Căn cứ Luật đấu thầu số 61/2005/QH11, được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật dược;
Căn cứ Nghị định số 120/2004/NĐ-CP ngày 12/5/2004 của Chính phủ quy định về việc quản lý giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC-BCT ngày 10/8/2007 của liên Bộ: Y tế - Tài chính - Công thương về việc hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại tờ trình số 838/TTr-SYT ngày 03/9/2008;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đấu thầu thuốc và cung ứng thuốc năm 2009 trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Giao cho sở Y tế tổ chức việc đấu thầu thuốc và cung ứng thuốc theo nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong năm 2009 theo quy định đã ban hành.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH
VỀ ĐẤU THẦU THUỐC VÀ CUNG ỨNG THUỐC NĂM 2009 TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 18/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định về việc đấu thầu thuốc và cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu phòng bệnh, khám và chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
Các cơ sở y tế công lập có sử dụng nguồn kinh phí nhà nước bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, nguồn thu viện phí, nguồn trẻ em dưới 6 tuổi và các nguồn khác do nhà nước quản lý để mua thuốc theo quy định của Luật đấu thầu.
Điều 3. Quy định này không điều chỉnh trong các trường hợp sau:
a) Nguồn vốn quay vòng thuốc thiết yếu mua thuốc để bán phục vụ tại các trạm y tế xã;
b) Nguồn vốn mua thuốc để bán dịch vụ tại các đơn vị y tế chuyên khoa tuyến tỉnh;
c) Các loại thuốc đông nam dược (trừ thuốc thành phẩm);
d) Thuốc do nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước;
đ) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất. Thuốc thành phẩm đông dược do Công ty cổ phần Dược phẩm tỉnh Yên Bái sản xuất;
e) Vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, các loại chế phẩm thực hiện theo Quyết định số 28/2007/QĐ-BYT ngày 10/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa của một số khối lượng máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn;
g) Các loại hóa chất xét nghiệm, các hóa chất đáp ứng cho hoạt động của các loại máy phục vụ cho chẩn đoán và điều trị;
h) Các loại vật tư tiêu hao, vật tư thay thế trong khám chữa bệnh (trừ bơm kim tiêm, găng tay, bông gạc).
i) Mua bổ sung một số lượng mặt hàng thuốc không nằm trong danh mục kế hoạch đấu thầu với số lượng nhỏ, có tổng giá trị dưới 100 triệu đồng/năm. Trường hợp này, Thủ trưởng cơ sở y tế công lập được quyền quyết định mua sắm các mặt hàng thuốc sau khi đã được sự thống nhất của Hội đồng thuốc và điều trị của đơn vị với điều kiện đảm bảo chất lượng và giá mua thuốc không vượt quá giá tối đa hiện hành của mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế. Trong trường hợp, mặt hàng thuốc đó chưa được công bố giá tối đa, thì đơn giá mua thuốc phải đảm bảo không được cao hơn giá mặt hàng thuốc đó đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế công lập được Cục Quản lý dược cập nhật và thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành Y tế (Website của Cục Quản lý dược).
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Hình thức tổ chức đấu thầu mua thuốc:
Sở Y tế tổ chức đấu thầu mua thuốc theo nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Điều 5. Thẩm quyền trong đấu thầu mua thuốc:
a)Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc theo quy định hiện hành.
b) Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc:
Giao cho Sở Y tế phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của đơn vị theo quy định hiện hành.
Điều 6. Kế hoạch đấu thầu mua thuốc:
a) Căn cứ lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc:
- Dự toán chi ngân sách nhà nước năm kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của các đơn vị.
- Tình hình thực tế mua thuốc của năm trước
- Dự kiến nhu cầu mua thuốc năm kế hoạch
- Kế hoạch đấu thầu được lập 01 lần/năm
Trường hợp đơn vị chưa được giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm kế hoạch thì căn cứ lập kế hoạch đấu thầu phải đảm bảo đủ 03 điều kiện còn lại quy định tại điểm này.
b) Nội dung của từng gói thầu trong kế hoạch đấu thầu:
- Tên gói thầu.
- Kế hoạch số lượng, nồng độ, hàm lượng, đơn vị tính, dạng bào chế của từng mặt hàng thuốc đấu thầu theo tên gốc (generic name). Nếu là thuốc hỗn hợp nhiều thành phần, phải ghi đầy đủ các thành phần của thuốc theo tên gốc. Trong trường hợp mời thầu theo tên biệt dược phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương điều trị” trong kế hoạch đấu thầu (tương đương điều trị là tương đương về bào chế và sau khi được sử dụng cùng liều lượng thì tác dụng của thuốc, cả về hiệu lực và an toàn là cơ bản như nhau). Danh mục mặt hàng theo tên gốc, thuốc hỗn hợp nhiều thành phần, thuốc biệt dược do Sở Y tế quy định trên cơ sở danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế và đề nghị bằng văn bản của thủ trưởng cơ sở y tế công lập sau khi đã được Hội đồng thuốc và điều trị của đơn vị đó thống nhất.
- Giá gói thầu: Giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu của các mặt hàng thuốc không được cao hơn giá tối đa của các mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế. Trong trường hợp, mặt hàng thuốc đó chưa được công bố giá tối đa, khi xây dựng kế hoạch đấu thầu, Sở Y tế phải tham khảo các mặt hàng thuốc đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế công lập được Cục Quản lý dược cập nhật và thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành Y tế (Website của Cục Quản lý dược).
- Nguồn vốn.
- Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu áp dụng đối với từng gói thầu
- Thời gian lựa chọn cho từng gói thầu
- Hình thức hợp đồng áp dụng
- Thời gian thực hiện hợp đồng
c) Trình duyệt kế hoạch đấu thầu:
- Sở Y tế có trách nhiệm trình kế hoạch đấu thầu lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Hồ sơ trình duyệt:
+ Văn bản trình duyệt: Thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 11, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ.
+ Tài liệu kèm theo văn bản trình duyệt: Khi trình duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc, Giám đốc Sở Y tế gửi kèm theo bản chụp các tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc quy định tại điểm a và điểm b của Điều này.
d) Thẩm định kế hoạch đấu thầu:
- Cơ quan, tổ chức chủ trì thẩm định: Giao Sở Y tế chủ trì thẩm định kế hoạch đấu thầu mua thuốc.
- Nhiệm vụ của Sở Y tế:
+ Có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung quy định tại các điểm a, b và c của Điều này.
+ Lập báo cáo kết quả thẩm định trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
đ) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu:
Trong thời gian không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ báo cáo thẩm định của Sở Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu của Sở Y tế.
Điều 7. Hồ sơ mời thầu:
a) Lập hồ sơ mời thầu:
Thực hiện theo các quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ. Ngoài ra cần đảm bảo các điều kiện, yêu cầu sau:
- Số lượng, nồng độ, hàm lượng, đơn vị tính, dạng bào chế của từng mặt hàng thuốc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu.
- Yêu cầu về chất lượng thuốc:
+ Bảo đảm theo tiêu chuẩn chất lượng theo các quy định hiện hành
+ Hạn sử dụng: Tuân theo các quy định về hạn sử dụng thuốc của Luật Dược và các quy định tại Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Dược.
+ Nhãn thuốc: Theo đúng quy chế nhãn, có tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt Nam.
- Yêu cầu về điều kiện của nhà thầu:
+ Nhà thầu có thể tham gia một, nhiều hoặc tất cả các mặt hàng thuốc trong một gói thầu mà nhà thầu có khả năng cung cấp;
+ Cam kết cung ứng kịp thời, đủ thuốc nếu trúng thầu;
+ Cam kết thu hồi thuốc trong trường hợp thuốc đã giao nhưng không đảm bảo chất lượng hoặc có thông báo thu hồi của cơ quan có thẩm quyền mà nguyên nhân không phải lỗi của bên mời thầu;
+ Cam kết đảm bảo khả năng cung cấp thuốc theo yêu cầu về chất lượng thuốc theo đúng giá thầu (kể cả trường hợp cung cấp thuốc theo nhiều đợt trong năm).
- Đánh giá hồ sơ dự thầu:
Bên mời thầu đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng mặt hàng trong mỗi gói thầu.
b) Thẩm định hồ sơ mời thầu:
- Cơ quan, tổ chức chủ trì thẩm định hồ sơ mời thầu do Sở Y tế quyết định.
- Nhiệm vụ của cơ quan tổ chức chủ trì thẩm định hồ sơ mời thầu:
- Có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ và quy định tại điểm a của Điều này;
+ Phải lập báo cáo kết quả thẩm định trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 65 của Luật Đấu thầu trình Giám đốc Sở Y tế phê duyệt hồ sơ mời thầu.
c)Phê duyệt hồ sơ mời thầu:
Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu
Điều 8. Kết quả lựa chọn nhà thầu:
a) Trình kết quả lựa chọn nhà thầu:
- Tổ chức chuyên môn có đủ năng lực và kinh nghiệm theo quy định tại Điều 9 của Luật Đấu thầu được Thủ trưởng đơn vị giao để tổ chức đấu thầu theo các quy định của pháp luật về đấu thầu có trách nhiệm trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Hồ sơ trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 71, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ.
b) Thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:
- Cơ quan tổ chức chủ trì thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu do Thủ trưởng đơn vị quyết định;
- Nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức chủ trì thẩm định:
+ Tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung thẩm định quy định tại khoản 1, Điều 72, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ.
+ Lập báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu trên cơ sở báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu của tổ chức chuyên môn xét thầu trình Thủ trưởng đơn vị quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2, Điều 72, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ.
c) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 40 Luật Đấu thầu.
d) Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu: thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Đấu thầu và khoản 3, Điều 20, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ.
đ) Giá thuốc trúng thầu: Giá thuốc trúng không được cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu và không vượt quá giá tối đa hiện hành của từng mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế.
Điều 9. Chi phí trong đấu thầu:
Thực hiện theo quy định tại mục VII, phần II, Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.
Chương III
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10. Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất (khi có vướng mắc, kiến nghị) theo quyết định của cấp có thẩm quyền tiến hành kiểm tra về đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Nội dung kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu và Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ.
Điều 11. Thanh tra Sở Y tế, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính thực hiện thanh tra việc đấu thầu mua thuốc của Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật.
Nội dung thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 71 của luật Đấu thầu.
Điều 12. Xử lý vi phạm: Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định tại điều 75 của Luật Đấu thầu, tạo các Điều 50,51, 53 và 53 của Nghi định số 58/2008/NĐ-CP và theo quy định của Luật Thanh tra.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung những loại thuốc có nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định và có số lượng lớn cho tất cả các cơ sở y tế công lập trong toàn tỉnh, Các cơ sở y tế công lập căn cứ vào kết quả đấu thầu này để ký kết hợp đồng mua thuốc theo nhu cầu ngay trong năm
Điều 14. Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức đấu thầu mua thuốc theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị bệnh nhân.
Điều 15. Chế độ báo cáo: Định kỳ hàng năm Sở Y tế báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bằng văn bản kết quả thực hiện công tác đấu thầu mua thuốc để tổng hợp báo cáo các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.
Điều 16. Thời gian thực hiện đấu thầu mua thuốc theo Quy định này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2009 đến hết ngày 31/12/2009, quy định này thay thế các quy định trước đây về cung ứng thuốc đối với cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái./.