Nội dung toàn văn Quyết định 1553/QĐ-BTC 2014 thực hiện 19/NQ-CP cải thiện kinh doanh nâng cao cạnh tranh quốc gia
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1553/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP NGÀY 18/03/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ TÀI CHÍNH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA
(Kèm theo Quyết định số: 1553/QĐ-BTC ngày 08/07/2014 của Bộ Tài chính)
I. Khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia
Khái niệm năng lực cạnh tranh được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Những tranh luận về khái niệm năng lực cạnh tranh xoay quanh các quan điểm về thị phần, chi phí, hiệu quả thương mại, năng suất, mức sống của người dân, ...
Về năng lực cạnh tranh quốc gia, hiện có nhiều tổ chức nghiên cứu và đo lường năng lực cạnh tranh các quốc gia, nền kinh tế. Uy tín của các tổ chức quốc tế đánh giá năng lực cạnh tranh là khác nhau nên tầm ảnh hưởng của các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cũng không giống nhau. Tuy nhiên, nhìn chung các bên có liên quan, nhất là giới nghiên cứu và hoạch định chính sách đều chấp nhận chúng là các nguồn tham khảo tin cậy khi xem xét năng lực cạnh tranh của các quốc gia khác nhau. Có lẽ, đó là lý do mà rất ít quốc gia trên thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh riêng cho mình. Ở cấp độ quốc gia hay nền kinh tế, một số chính phủ, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của mình, đã đánh giá năng lực cạnh tranh theo hình thức báo cáo chuyên sâu toàn diện hoặc chuyên sâu về một hay một số nhóm vấn đề và các chỉ số tương ứng.
Đối với ngành Tài chính, năng lực cạnh tranh quốc gia được thể hiện trên một số lĩnh vực sau:
Xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Chú trọng các cơ chế, chính sách về quyền sở hữu tài sản, bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, các quy định về phá sản, giải thể, cạnh tranh ... Xây dựng cơ chế vận hành đồng bộ, thông suốt thị trường chứng khoán, bảo đảm phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Có cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như là một phương thức phát triển mới, đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
II. Mục tiêu
Trong giai đoạn 2014-2015, mục tiêu của Bộ Tài chính là cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, tập trung vào các nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện TTHC, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, Phấn đấu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6. Trong đó, cụ thể là:
1. Đơn giản hóa, cải cách quy trình, hồ sơ và TTHC nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm.
2. Đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất, nhập khẩu và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp, phấn đấu thời gian xuất khẩu và thời gian nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6 thời gian xuất khẩu là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày.
3. Hoàn thiện quy định về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư theo hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế.
4. Tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.
5. Công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính doanh nghiệp, đánh giá xếp hạng doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
III. Thực trạng các lĩnh vực của Bộ Tài chính liên quan đến đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia
Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) là một báo cáo được Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện hàng năm nhằm đánh giá mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu trên nhiều lĩnh vực như: thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, sử dụng lao động, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thương mại quốc tế, giải thể doanh nghiệp, ...
1. Lĩnh vực Thuế
Theo cách đánh giá của Báo cáo môi trường kinh doanh, chỉ tiêu “nộp thuế” không phải theo khái niệm về thuế thông thường (thuế là các khoản thu của Chính phủ không hoàn lại), mà khái niệm thuế bao gồm tất cả các khoản đóng góp bắt buộc mà chủ doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của Chính phủ, làm ảnh hưởng tới kết quả thu nhập của doanh nghiệp. Khái niệm về thuế theo Báo cáo môi trường kinh doanh bao gồm: các khoản thuế thu nhập (thuế thu nhập/lợi tức), thuế tài sản, thuế phương tiện giao thông (phí xăng dầu), các khoản phí, lệ phí khác và các khoản bảo hiểm mà chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải nộp (BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp).
Báo cáo môi trường kinh doanh đo lường và đánh giá mức độ thuận lợi về thuế theo 3 nội dung được chấm điểm có mức độ quan trọng như nhau, đó là: Số lần nộp thuế, thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, tổng mức thuế suất. Theo kết quả đánh giá của Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014, mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam đứng ở mức 149/189 nền kinh tế trên thế giới (tụt 4 bậc so với năm 2013) và đứng cuối bảng xếp hạng so với các nước trong khu vực.
Theo dữ liệu tính toán của Báo cáo môi trường kinh doanh, gánh nặng tuân thủ về thủ tục hành chính thuế Việt Nam, nhất là chi phí về thời gian để thực hiện thủ tục hành chính thuế liên tục nhiều năm đều ở nhóm các nước cao nhất thế giới. Năm 2009-2010, tổng thời gian nộp thuế của Việt Nam là 1050 giờ (bao gồm 650 giờ nộp thuế thông thường và 400 giờ đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc). Năm 2013-2014 là 872 giờ, trong đó thời gian mà doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số 335/872 giờ.
Trong thời gian gần đây, ngành Tài chính đã nỗ lực thực hiện rất nhiều những cải cách về thuế nhưng những cải cách đó chỉ mới thực hiện trong phạm vi hạn chế hoặc chưa thật sự có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh về lĩnh vực thuế. Có thể thấy số giờ thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế trong các năm gần đây có xu hướng giảm nhưng chi phí về thời gian tuân thủ thuế của doanh nghiệp ở Việt Nam còn cao gấp 4,98 lần so với các nước OECD; gấp 4,1 lần các nước ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương; và gấp 5,1 lần so với các nước trong ASEAN-6.
2. Lĩnh vực Hải quan
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014, thời gian các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu trung bình của Việt Nam là 21 ngày cao hơn so với thời gian xuất khẩu, nhập khẩu trung bình của các nước ASEAN- 6.
Thời gian xuất khẩu, nhập khẩu tính cho hàng hóa xuất, nhập khẩu theo đường biển và được tính theo số ngày thực hiện, bao gồm thời gian chuẩn bị cho các hồ sơ chứng từ (liên quan đến ngân hàng, phục vụ thông quan, lưu giữ hàng hóa và vận chuyển nội địa). Trong đó, thời gian nhập khẩu được tính từ khi phương tiện vận tải chở hàng nhập khẩu về đến cảng đích tới khi hàng hóa hoàn tất các thủ tục và được đưa về kho của doanh nghiệp. Thời gian hàng xuất khẩu được tính từ khi được đưa về kho của doanh nghiệp. Thời gian hàng xuất khẩu được tính từ khi doanh nghiệp đóng hàng container tại khi của doanh nghiệp đến khi tàu vận chuyển hàng xuất bắt đầu rời bến đi. Như vậy, để có thể phấn đấu giảm thiểu thời gian xuất, nhập khẩu hàng hóa trung bình thì không chỉ riêng ngành Tài chính mà còn cả các cơ quan, Bộ, ban, ngành khác có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa phải đảm bảo sự cam kết tham gia thực hiện, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để cùng thực hiện đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, hồ sơ liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu. Việc thực hiện tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp cần phải có sự tham gia và quyết tâm thực hiện của tất cả các Bộ, ban, ngành và các đơn vị khác có liên quan.
IV. Nhiệm vụ
1. Rà soát, đánh giá lại quy trình, hồ sơ và TTHC xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp, phấn đấu giảm thời gian xuất, nhập khẩu bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình thời gian xuất khẩu của nhóm nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày).
Giao Tổng cục Hải quan chủ trì:
(i) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trước tháng 8/2014.
(ii) Rà soát, hệ thống hóa danh mục các quy trình, TTHC xuất, nhập khẩu, báo cáo danh mục các quy trình, TTHC về xuất, nhập khẩu trước tháng 11/2014.
(iii) Tổ chức rà soát, kiến nghị các phương án đơn giản hóa các quy trình, TTHC xuất, nhập khẩu Báo cáo các phương án đơn giản hóa TTHC trước tháng 3/2015.
(iv) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan để thực thi phương án đơn giản hóa quy trình, TTHC xuất, nhập khẩu Báo cáo đề xuất sửa đổi văn bản QPPL trước tháng 12/2015.
2. Rà soát, đánh giá lại và cải tiến quy trình, hồ sơ và TTHC nộp thuế, rút ngắn thời gian mà các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm).
Giao Tổng cục Thuế chủ trì:
(i) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trước tháng 8/2014.
(ii) Rà soát, hệ thống hóa danh mục các quy trình, thủ tục hành chính nộp thuế, báo cáo danh mục các quy trình, TTHC về nộp thuế trước tháng 11/2014.
(iii) Tổ chức rà soát, kiến nghị các phương án đơn giản hóa các quy trình, TTHC nộp thuế, báo cáo các phương án đơn giản hóa TTHC trước tháng 3/2015.
(iv) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan để thực thi phương án đơn giản hóa quy trình, TTHC nộp thuế Báo cáo đề xuất sửa đổi văn bản QPPL trước tháng 12/2015.
3. Rà soát, đánh giá việc công khai, minh bạch quy trình, TTHC cấp phát vốn ngân sách nhà nước để hoàn thiện tốt hơn. Giao Vụ Ngân sách Nhà nước chủ trì, báo cáo kết quả trước tháng 12/2014.
4. Rà soát, đánh giá đơn giản hóa TTHC liên quan đến chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho các hoạt động sự nghiệp.
Giao Kho bạc Nhà nước, Vụ Đầu tư căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao:
(i) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trước tháng 8/2014.
(ii) Hệ thống hóa danh mục các quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho các hoạt động sự nghiệp, báo cáo danh mục các quy trình, TTHC trước tháng 11/2014.
(iii) Tổ chức rà soát, kiến nghị các phương án đơn giản hóa các quy trình, TTHC liên quan đến chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho các hoạt động sự nghiệp, báo cáo các phương án đơn giản hóa TTHC trước tháng 3/2015.
(iv) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan để thực thi phương án đơn giản hóa quy trình, TTHC liên quan đến chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho các hoạt động sự nghiệp, báo cáo đề xuất sửa đổi văn bản QPPL trước tháng 12/2015.
5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc một cách toàn diện, hiện đại; triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông, tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực này để tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay từ năm 2014. Công khai, minh bạch về TTHC lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận và giám sát việc thực hiện; tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc về những khó khăn, vướng mắc để xử lý kịp thời.
Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả tổng hợp chung với báo cáo kiểm soát TTHC, báo cáo cải cách hành chính định kỳ của đơn vị.
Giao Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan triển khai phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực được giao quản lý theo hướng dẫn tại công văn số 1159/BNV-CCHC ngày 10/4/2014 của Bộ Nội vụ.
6. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, chi ngân sách nhà nước để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ khác trong các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả trong năm 2014.
7. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước, tập trung tại các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty; Đổi mới cơ chế đầu tư vốn nhà nước làm chủ sở hữu; tăng cường chức năng giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước; Hoàn thiện cơ chế xử lý nợ trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Giao Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì:
(i) Nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trình Bộ dự thảo Luật trong năm 2014.
(ii) Tiếp tục triển khai Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, báo cáo kết quả thực hiện trước tháng 12/2014.
(iii) Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế xử lý nợ trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trình Bộ ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 38/2006/TT-BTC hướng dẫn trình tự thủ tục và xử lý tài chính đối với hoạt động mua bán, bàn giao tiếp nhận xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp trước tháng 12/2014.
Giao Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện Nghị định dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động đánh giá định mức tín nhiệm trước tháng 12/2014.
8. Xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành bao gồm hệ thống mạng thông tin, trang thiết bị máy tính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ.
Giao Cục Tin học và Thống kê Tài chính chủ trì xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành bao gồm hệ thống mạng thông tin, trang thiết bị máy tính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, đảm bảo việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3-4, báo cáo kết quả triển khai trong năm 2014, 2015.
9. Tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động rà soát TTHC; Công khai minh bạch trên Internet về thủ tục hành chính và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.
Các đơn vị thuộc Bộ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.
10. Tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, kế hoạch kiểm soát TTHC, kế hoạch kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/1/2014 của Chính phủ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ được phân công.
Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ:
(i) Tổ chức thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân tham gia theo Kế hoạch kiểm soát TTHC được phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, báo cáo phương án đơn giản hóa TTHC; Kết quả sản phẩm đầu ra theo phân công nhiệm vụ tại Quyết định 329/QĐ-BTC.
(ii) Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính tại các đơn vị theo Kế hoạch CCHC năm 2014 đã được phê duyệt tại Quyết định số 07/QĐ-BTC báo cáo Kết quả sản phẩm đầu ra theo phân công nhiệm vụ tại Quyết định 07/QĐ-BTC.
(iii) Triển khai kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/1/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 được ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-BTC ngày 08/1/2014, Kết quả đầu ra theo các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động được ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-BTC ngày 08/1/2014.
11. Một số nhiệm vụ liên quan khác:
(i) Hoàn thành việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ. Giao Vụ Pháp chế là đầu mối tổ chức triển khai, các đơn vị căn cứ các TTHC thuộc phạm vi giải quyết của mình thực hiện xây dựng quy trình theo quy định.
(ii) Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số Cải cách hành chính của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để thực hiện đánh giá, tự chấm điểm công tác CCHC tại các đơn vị từ năm 2014. Giao Vụ Pháp chế chủ trì, trình Bộ ban hành Quyết định phê duyệt bộ chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tài chính trước tháng 12/2014.
V. Tổ chức thực hiện
1. Các đơn vị
(i) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch hành động, cụ thể hóa các nhiệm vụ thành các để án, công việc, để xây dựng chương trình công tác tháng, quý và năm.
(ii) Định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh theo đúng quy định tại Nghị quyết 19/NQ-CP.
2. Vụ Pháp chế
(i) Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch hành động.
(ii) Tổ chức hội thảo về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động đối với các đơn vị thuộc Bộ.
(iii) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động, kịp thời báo cáo Bộ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong phạm vi quản lý của Bộ.
(iv) Định kỳ 06 tháng và 01 năm, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Bộ Tài chính trình Bộ phê duyệt gửi Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (qua Văn phòng Phát triển bền vững - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.