Quyết định 1813/QĐ-UBND

Quyết định 1813/QĐ-UBND năm 2007 tổ chức thực hiện Kế hoạch Chương trình 5 về Đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010

Quyết định 1813/QĐ-UBND 2007 Kế hoạch Chương trình 5 Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu Đồng Nai 2006 2010 đã được thay thế bởi Quyết định 25/2009/QĐ-UBND Quy định chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý và được áp dụng kể từ ngày 23/04/2009.

Nội dung toàn văn Quyết định 1813/QĐ-UBND 2007 Kế hoạch Chương trình 5 Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu Đồng Nai 2006 2010


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1813/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 25 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH 5 ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NĂNG KHIẾU TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết 51/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 5 về việc thông qua Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tại Công văn số 464/SGDĐT.KHTC ngày 16/3/2007 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 455/TTr-SNV ngày 27/4/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình 5 về Đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 (thuộc Đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến 2020).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Văn Một

 

KẾ HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH 5

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NĂNG KHIẾU TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1813/QĐ-UBND ngày 25/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

I. MỤC TIÊU CHUNG

Phát hiện kịp thời, bồi dưỡng phù hợp, đào tạo cơ bản những học sinh giỏi, tài năng năng khiếu theo hướng chuyên sâu trong các lĩnh vực: Khoa học - Công nghệ, Thể dục thể thao, Ngoại ngữ, Văn hóa - Nghệ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ nhằm định hướng quy hoạch phát triển thành đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán, chuyên gia đầu ngành của tỉnh và bồi dưỡng các học sinh có năng lực đặc biệt ở các lĩnh vực khác để phát triển tài năng, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020. Học sinh các lớp năng khiếu sẽ là lực lượng nòng cốt của tỉnh đi tham dự các hội thi thuộc lĩnh vực liên quan ở cấp Quốc gia và khu vực.

II. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO

1. Đào tạo khoa học - công nghệ

- Nội dung đào tạo:

Đào tạo ở hai lĩnh vực tin học trẻ và thiết kế mô hình Robot cho các đối tượng là học sinh bậc THCS, THPT có học lực giỏi, xuất sắc về các môn tự nhiên, có kiến thức cơ bản về CNTT, có sự yêu thích về các ngành khoa học - kỹ thuật.

Tin học trẻ giảng dạy về phần mềm sáng tạo, tin học vui, lập trình cơ bản. Thiết kế Robot giảng dạy về an toàn lao động, điện cơ bản, trang bị điện, cảm biến đo lường, khí nén thủy lực, máy điện, khí cụ điện, điện tử cơ bản, cơ khí, nguyên lý hoạt động của Robot và thực hiện chế tạo Robot đơn giản.

- Số lượng học viên:

* Đối với lớp tin học: Được mở trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa với quy mô mỗi địa phương tối thiểu 1 lớp từ 15-20 học sinh, đối với những địa bàn đông dân cư hoặc điều kiện kinh tế phát triển có thể tăng thêm lớp tùy theo tình hình thực tế của địa phương.

* Đối với lớp Robot: Trước mắt đào tạo thí điểm tại TP. Biên Hòa 1 lớp với 15-20 học viên. Sau đó triển khai tiếp ở một vài huyện hoặc thị xã, tới năm 2008 triển khai trên cả 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

- Việc tổ chức giảng dạy.

+ Đối với lớp tin học: Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ giao thêm nhiệm vụ cho đơn vị trường học tại các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đảm bảo thuận tiện về vị trí, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lớp năng khiếu.

+ Đối với lớp Robot: Sở Khoa học - Công nghệ sẽ chủ động phối hợp với trường Đại học Lạc Hồng để giảng dạy lớp thí điểm tại Tp. Biên Hòa, sau đó sẽ tiến hành trang bị các trang thiết bị, đào tạo đội ngũ giáo viên để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng đặt địa điểm giảng dạy gắn với nhà trường ở các địa phương.

- Phương thức đào tạo: Ngoài giờ học chính khóa.

2. Đào tạo năng khiếu TDTT

- Nội dung đào tạo: Tập trung đào tạo VĐV năng khiếu ở các bộ môn sau: Bóng đá, bơi lội, cầu lông.

- Số lượng VĐV từng môn:

+ Năng khiếu bóng đá: 25 vận động viên/năm.

+ Năng khiếu bơi lội: 20 vận động viên/năm

+ Năng khiếu cầu lông: 12 vận động viên/năm.

- Việc tổ chức giảng dạy.

Sở Thể dục - Thể thao có trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh giao thêm nhiệm vụ cho trường Năng khiếu thể dục thể thao đào tạo lớp năng khiếu TDTT tập trung ở các bộ môn: Bóng đá, cầu lông, bơi lội.

3. Đào tạo năng khiếu ngoại ngữ

- Nội dung đào tạo: Đào tạo học sinh năng khiếu ngoại ngữ bậc THCS có học lực giỏi, xuất sắc về ngoại ngữ (bậc THPT đã được đào tạo tại trường THPT chuyên Lương Thế Vinh).

- Số lượng học viên: Được mở trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa với quy mô mỗi địa phương tối thiểu 1 lớp từ 15-20 học sinh, đối với những địa bàn đông dân cư hoặc điều kiện kinh tế phát triển có thể tăng thêm lớp tùy theo tình hình thực tế của địa phương.

- Việc tổ chức giảng dạy.

Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tham mưu trình UBND tỉnh giao thêm nhiệm vụ cho các trường THCS trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố Biên Hòa đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, vị trí thuận lợi để đảm nhận việc đào tạo.

- Phương thức đào tạo: Ngoài giờ học chính khóa.

4. Đào tạo năng khiếu văn hóa nghệ thuật

- Được tập trung đào tạo tại trường Trung học VHNT, mỗi năm tuyển khoảng 30 em, trên cơ sở những học sinh giỏi của trường Trung học văn hóa nghệ thuật và các đối tượng được phát hiện từ các nhà văn hóa, các phong trào văn hóa nghệ thuật.

- Việc tổ chức giảng dạy.

Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh giao thêm nhiệm vụ cho trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật đào tạo lớp năng khiếu văn hóa nghệ thuật.

5. Đào tạo năng khiếu cho học sinh có năng lực đặc biệt: Tập trung đào tạo tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.

6. Đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ để định hướng quy hoạch phát triển thành đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán đảm bảo các tiêu chuẩn về năng lực quản lý, phẩm chất chính trị:

- Được tuyển chọn và đào tạo từ bậc THPT tại trường chuyên Lương Thế Vinh, quy mô mỗi năm 2 lớp, mỗi lớp từ 20 - 25 học sinh. Sau giai đoạn THPT sẽ được định hướng để vào các trường đại học chuyên ngành theo các ngành nghề mà tỉnh đang cần.

- Việc tổ chức giảng dạy:

Giai đoạn THPT sẽ học chương trình học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có gắn với việc đào tạo nâng cao về ngoại ngữ, tin học, khả năng giao tiếp; việc học bậc THPT sẽ do trường THPT chuyên Lương Thế Vinh trực tiếp quản lý và điều hành.

III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRIỂN KHAI ĐỂ THỰC HIỆN

1. Biên soạn nội dung giảng dạy

Tổ chức biên soạn các chuyên đề, nội dung giảng dạy cho các lớp tin học, Robot, ngoại ngữ, văn hóa nghệ thuật, TDTT, lớp năng khiếu đặc biệt, lớp đào tạo cán bộ trẻ để bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán của tỉnh.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin

Tổ chức tốt việc thông tin tuyên truyền rộng rãi trong các trường học, địa phương để tạo được sự quan tâm, tham gia thi tuyển đông đảo của học sinh.

3. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy

Thực hiện việc trang bị, đầu tư kịp thời cơ sở vật chất, thiết bị cho các lớp năng khiếu để bảo đảm việc học lý thuyết và thực hành.

- Lớp tin học: Đầu tư trang bị hệ thống máy vi tính, bàn ghế, thư viện sách tin học hỗ trợ cho giảng dạy, học tập.

- Lớp Robot: Đầu tư các trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thư viện sách liên quan đến công tác giảng dạy, chế tạo Robot.

- Lớp Ngoại ngữ: Đầu tư phòng Multimedia, thư viện sách ngoại ngữ hỗ trợ cho việc giảng dạy, học tập.

- Lớp VHNT: Đầu tư phòng thiết bị phục vụ giảng dạy.

- Lớp TDTT: Trang bị thêm các trang thiết bị chuyên dùng cho tập luyện các môn bóng đá, bơi lội, cầu lông.

IV. KINH PHÍ (chi tiết theo biểu đính kèm)

1. Trợ cấp cho đối tượng năng khiếu, học sinh giỏi

- Trợ cấp học bổng 60.000 đồng/hs/tháng cho học sinh các lớp năng khiếu khoa học - công nghệ, thể dục - thể thao, ngoại ngữ, văn hóa nghệ thuật, năng lực đặc biệt khác và lớp đào tạo cán bộ trẻ để bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán của tỉnh. Ước tổng kinh phí là 1,91 tỷ.

- Ngoài ra, để khuyến khích tinh thần nỗ lực học tập, phấn đấu đạt giải cao trong các kỳ thi, hỗ trợ mức thưởng cho các đối tượng là học sinh năng khiếu, học sinh lớp 11, 12 đạt giải tỉnh, Quốc gia như sau:

+ Hỗ trợ học bổng 500.000 đồng/hs/năm cho đối tượng là học sinh các lớp năng khiếu, học sinh lớp 11 đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh.

+ Hỗ trợ học bổng 1.500.000 đồng/hs/năm cho đối tượng là học sinh lớp năng khiếu, học sinh lớp 12 đạt giải Quốc gia.

2. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất

Kinh phí để thực hiện chủ yếu được cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh cấp để thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, chi thường xuyên…, ngoài ra, có thể tranh thủ sự hỗ trợ của xã hội nếu có.

2.1. Tăng cường cơ sở vật chất:

+ Đầu tư thiết bị cho lớp năng khiếu tin học: Trang bị 11 phòng máy vi tính gồm 1 máy chủ và 20 máy con, các thiết bị bàn ghế khác: 2,42 tỷ đồng.

+ Đầu tư thiết bị cho lớp năng khiếu Robot: Trang bị các thiết bị thực hành cho 11 lớp Robot, kinh phí 2 tỷ đồng.

+ Đầu tư thiết bị cho lớp ngoại ngữ: Trang bị 11 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng cho lớp ngoại ngữ, kinh phí dự kiến 2,2 tỷ đồng.

+ Đầu tư thiết bị cho lớp năng khiếu TDTT: Trang bị các thiết bị hỗ trợ cho tập luyện của học sinh ở các bộ môn: Bóng đá, cầu lông, bơi lội; kinh phí dự kiến 750 triệu đồng.

+ Đầu tư thiết bị cho lớp năng khiếu VHNT: Trang bị các trang thiết bị hỗ trợ cho việc dạy và học của lớp năng khiếu VHNT; dự kiến kinh phí 250 triệu đồng.

2.2. Kinh phí biên soạn giáo trình:

+ Giáo trình lớp tin học: 50 triệu đồng

+ Giáo trình lớp Robot: 50 triệu đồng

+ Giáo trình lớp ngoại ngữ: 50 triệu đồng

+ Giáo trình lớp TDTT: 50 triệu đồng

+ Giáo trình lớp VHNT: 50 triệu đồng

2.3. Riêng kinh phí giảng dạy cho giáo viên của các lớp sẽ được tính theo quy định hiện hành của Nhà nước trên cơ sở của hợp đồng giảng dạy.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Biên soạn giáo trình, nội dung giảng dạy

- Việc biên soạn các chuyên đề, nội dung giảng dạy, thi tuyển của lớp năng khiếu tin học sẽ do Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn; chuyên đề, nội dung giảng dạy lớp Robot sẽ do Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với trường Đại học Lạc Hồng tổ chức biên soạn.

- Việc biên soạn các chuyên đề, nội dung giảng dạy, thi tuyển lớp năng khiếu ngoại ngữ sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.

- Việc biên soạn các chuyên đề, nội dung giảng dạy lớp năng khiếu văn hóa, nghệ thuật sẽ do Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức biên soạn.

- Việc biên soạn các chuyên đề, nội dung giảng dạy lớp năng khiếu thể dục, thể thao sẽ do Sở Thể dục - Thể thao tổ chức biên soạn.

- Việc biên soạn các chuyên đề, nội dung giảng dạy, phương pháp thi tuyển lớp học sinh có năng lực đặc biệt khác do Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức biên soạn.

- Việc tổ chức giảng dạy, tổ chức chương trình dạy ngoại ngữ, tin học, nâng cao khả năng giao tiếp của lớp đào tạo cán bộ quản lý trẻ để quy hoạch phát triển thành đội ngũ cán bộ cốt cán của tỉnh sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ phối hợp thực hiện.

2. Tổ chức chiêu sinh:

Trên cơ sở tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tin học, Robot, ngoại ngữ sẽ được các địa phương tổ chức thi tuyển. Riêng các lớp VHNT, TDTT sẽ được tuyển chọn dựa trên những học viên, sinh viên ưu tú đang học tại trường hoặc từ các nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Đối với các lớp đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ cốt cán của tỉnh sẽ tổ chức chiêu sinh theo phương thức: Vòng một sẽ tổ chức thi tuyển theo kế hoạch của trường chuyên Lương Thế Vinh, vòng hai tổ chức kết hợp việc xem xét phẩm chất đạo đức, khả năng giao tiếp và các năng lực khác để tuyển chọn ra các đối tượng xuất sắc nhất cho lớp đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ để định hướng quy hoạch phát triển bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của tỉnh.

3. Thời gian thực hiện:

Bắt đầu tổ chức tuyển sinh các lớp vào năm học 2007-2008.

4. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và địa phương:

4.1. Sở Giáo dục và Đào tạo: Là cơ quan thường trực của chương trình, có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các cơ quan, cơ sở giảng dạy các lớp năng khiếu để tham mưu cho UBND tỉnh quyết định.

Phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức biên soạn các chuyên đề, nội dung giảng dạy, ngân hàng đề thi của các lớp năng khiếu tin học.

Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ để xây dựng ngân hàng câu hỏi cho lớp đào tạo cán bộ trẻ để quy hoạch phát triển thành đội ngũ cán bộ cốt cán của tỉnh.

Chủ trì biên soạn tài liệu, nội dung giảng dạy, đề thi tuyển lớp năng khiếu ngoại ngữ.

Thực hiện chỉ đạo, giao thêm nhiệm vụ cho trường học tại các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa trong việc tổ chức giảng dạy, đào tạo các lớp năng khiếu ngoại ngữ, tin học, Robot và giao thêm nhiệm vụ cho trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đào tạo lớp cán bộ trẻ để quy hoạch phát triển thành đội ngũ cán bộ cốt cán của tỉnh.

Hàng năm tổng hợp, tham mưu kế hoạch kinh phí cho các lớp năng khiếu tin học, ngoại ngữ, Robot, lớp đào tạo cán bộ trẻ tạo nguồn từ trường chuyên Lương Thế Vinh.

Phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan để thực hiện kiểm tra tình hình giảng dạy ở các lớp năng khiếu.

4.2. Sở Khoa học - Công nghệ: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Đại học Lạc Hồng tham gia tổ chức biên soạn các chuyên đề, nội dung giảng dạy, ngân hàng đề thi của các lớp năng khiếu tin học, Robot.

Hàng năm, tham gia cùng Sở Giáo dục - Đào tạo kiểm tra tình hình giảng dạy của các lớp năng khiếu tin học, Robot.

Thực hiện việc vận động các đơn vị hỗ trợ các trang thiết bị cho lớp tin học, Robot.

4.3. Sở Văn hóa - Thông tin, Thể dục - Thể thao, Nhà Thiếu nhi tỉnh:

Chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát, quản lý, kiểm tra hoạt động của các lớp năng khiếu văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, lớp năng khiếu đặc biệt.

Kịp thời đề xuất các kiến nghị, vướng mắc của các lớp năng khiếu VHNT, TDTT, năng khiếu đặc biệt gửi Thường trực Ban Chỉ đạo (Sở Giáo dục và Đào tạo), để nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết trên cơ sở đã trao đổi, thống nhất với các Sở, ngành có liên quan.

Hàng năm, tổng hợp nhu cầu kinh phí, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của các lớp năng khiếu trên gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư trình UBND tỉnh giải quyết.

4.4. Sở Tài chính:

Hướng dẫn các Sở có liên quan lập kế hoạch kinh phí cho các lớp năng khiếu theo chế độ, quy định hiện hành của Nhà nước.

Hàng năm thực hiện việc thẩm định, duyệt kế hoạch kinh phí hoạt động của các lớp năng khiếu để tham mưu trực tiếp UBND tỉnh giao kinh phí.

4.5. Sở Kế hoạch - Đầu tư:

Hàng năm cùng các Sở, ngành liên quan đi kiểm tra tình hình cơ sở vật chất của các lớp năng khiếu để tham mưu UBND tỉnh cân đối kinh phí hỗ trợ.

4.6. Sở Nội vụ:

Chủ trì phối hợp với các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học - Công nghệ, Văn hóa - Thông tin, Thể dục - Thể thao, Nhà Thiếu nhi để tham mưu UBND tỉnh các vấn đề sau:

+ Các chính sách, chế độ cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý các lớp năng khiếu.

+ Cử giáo viên các lớp đi bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo sau Đại học.

+ Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động của các lớp năng khiếu.

4.7. Hội khuyến học tỉnh:

Xem xét thực hiện ưu tiên việc hỗ trợ khuyến học, khuyến tài cho học sinh, giáo viên các lớp năng khiếu.

4.8. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và TP. Biên Hòa:

Có sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành để thực hiện việc mở các lớp năng khiếu ở địa phương cũng như việc tuyên truyền, thông tin để học sinh, người dân được biết.

Thực hiện việc vận động người dân hỗ trợ, tham gia cùng Nhà nước thực hiện chương trình.

Trên đây là kế hoạch triển khai chương trình đào tạo năng khiếu thuộc Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến 2020. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và TP. Biên Hòa căn cứ triển khai thực hiện./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1813/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1813/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành25/06/2007
Ngày hiệu lực25/06/2007
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 23/04/2009
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1813/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1813/QĐ-UBND 2007 Kế hoạch Chương trình 5 Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu Đồng Nai 2006 2010


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1813/QĐ-UBND 2007 Kế hoạch Chương trình 5 Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu Đồng Nai 2006 2010
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1813/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Đồng Nai
                Người kýVõ Văn Một
                Ngày ban hành25/06/2007
                Ngày hiệu lực25/06/2007
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 23/04/2009
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 1813/QĐ-UBND 2007 Kế hoạch Chương trình 5 Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu Đồng Nai 2006 2010

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 1813/QĐ-UBND 2007 Kế hoạch Chương trình 5 Đào tạo bồi dưỡng năng khiếu Đồng Nai 2006 2010