Quyết định 1883/QĐ-UBND

Quyết định 1883/QĐ-UBND năm 2014 về Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020

Nội dung toàn văn Quyết định 1883/QĐ-UBND 2014 tiêu thụ nông thuỷ sản tái cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Long 2015 2020


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1883/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN TỔ CHỨC HỆ THỐNG TIÊU THỤ NÔNG - THUỶ SẢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Đề án số 03.ĐA/TU ngày 20/02/2014 của Tỉnh uỷ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020;

Theo Kế hoạch số 927/KH-UBND ngày 16/4/2014 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị hiệu quả và phát triển bền vững năm 2014;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1689/TTr-SCT ngày 21/11/2014 về việc đề nghị xem xét, ban hành Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này ''Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020''.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp thuộc đối tượng Đề án triển khai thực hiện nội dung Đề án theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh và thủ trưởng các đơn vị có liên quan và chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ

 

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC HỆ THỐNG TIÊU THỤ NÔNG - THUỶ SẢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1883/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT - KINH DOANH NÔNG - THUỶ SẢN CỦA TỈNH:

1. Điều kiện tự nhiên:

Vĩnh Long có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long và trong vùng ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là giữa hai thành phố lớn của cả nước như thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh.

Các tuyến quốc lộ đi ngang qua địa bàn tỉnh như: QL.1A, QL.53, QL.54, QL.57, QL.80, hiện đang được nâng cấp và mở rộng, cùng với tuyến đường thuỷ quan trọng như: Sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu, các nhánh sông nội địa như sông Mang Thít (là trục đường thuỷ quan trọng từ TP.HCM đến các tỉnh khu vực ĐBSCL), tạo điều kiện thông thương dễ dàng với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh.

Sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long rất đa dạng, đặc biệt là thâm canh cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, hệ số đất quay vòng cao (trồng lúa 2,78 vụ/năm). Đặc biệt, là ở các cù lao ven sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên thích hợp cho trồng cây ăn trái đặc sản, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và trồng luân canh lúa - rau, màu, cho phép phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, qui mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, phù sa bồi đắp quanh năm đã hình thành những vùng chuyên canh lớn như: Bưởi năm roi, khoai lang, lúa, nhãn, chôm chôm, cam sành, thuỷ sản,…, là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Long phát triển nông nghiệp ổn định và bền vững.

2. Tình hình sản xuất - kinh doanh mặt hàng nông sản của tỉnh năm 2013:

Mặc dù bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, giá tiêu thụ sản phẩm thấp nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp và thuỷ sản (giá so sánh 2010) ước đạt 18.948 tỷ đồng, tăng 1,0% so với năm 2012. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,8%, ngành thuỷ sản giảm 3,28%. Cụ thể:

a) Lúa gạo:

Diện tích đất trồng lúa gần 70.000 ha,  cơ cấu 2 - 3 vụ lúa/năm. Diện tích lúa xuống giống năm 2013 đạt 181.951 ha, đạt 97,91% so với năm 2012. Năng suất bình quân đạt 5,96 tấn/ha, tăng 1,41% so với năm 2012. Sản lượng lúa cả năm đạt 1.065.217 tấn, tăng 0,63% so với năm 2012. Trong đó, lúa hàng hoá đạt 665.000 tấn (quy gạo: 400.000 tấn).

Các vụ lúa xuống giống đúng lịch thời vụ, né rầy, công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được tăng cường và phát huy hiệu quả, nên năng suất lúa đạt khá cao, sâu bệnh xảy ra với mật số và tỷ lệ thấp, nằm trong tầm kiểm soát. Nông dân thực hiện tốt các biện pháp canh tác, đa số sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM 6976, OM 4218, OM 6561, OM 4900… Tuy nhiên, lúa IR50404 chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu giống của tỉnh.

Vụ Đông Xuân 2013 - 2014, tỉnh đã tiếp tục triển khai thực hiện mở rộng dự án cánh đồng lớn ở 07 huyện. Đến tháng 6/2014, tỉnh đã xây dựng 3.183 ha, người dân xung quanh vùng dự án ở các huyện đã mở rộng thêm 3.629 ha nâng tổng diện tích cánh đồng lớn toàn tỉnh 6.812 ha, năng suất lúa trong vùng dự án tăng so với ngoài vùng dự án khoảng 0,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng so với ngoài vùng dự án 3,5 - 4 triệu đồng/ha/vụ.

Vĩnh Long có 03 doanh nghiệp kinh doanh - xuất khẩu gạo tham gia tích cực vào mô hình cánh đồng lớn như: Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Vĩnh Long, Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty Cổ phần Lương thực - Thực phẩm Vĩnh Long tại các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân và thị xã Bình Minh. Năm 2013 các doanh nghiệp đã liên kết tiêu thụ được 3.525 ha. Các doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các hộ dân tại cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh với giá cao hơn giá thị trường 100 - 300 đồng/kg lúa. Cụ thể gồm:

- Công ty Cổ phần XNK Vĩnh Long bao tiêu 376 ha, với sản lượng 2.237 tấn.

- Công ty Cổ phần Lương thực - Thực phẩm Vĩnh Long bao tiêu 1.649 ha với mức hỗ trợ 443 triệu đồng (về giống, kỹ thuật, dụng cụ canh tác).

- Công ty Lương thực Vĩnh Long bao tiêu 650 ha, với sản lượng 1.500 tấn lúa, và số tiền hỗ trợ 225 triệu đồng (hỗ trợ giống…)

Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào cánh đồng lớn của tỉnh như: Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Phân bón Bình Điền.

Nhìn chung, mô hình cánh đồng lớn ngày càng được nhân rộng và đem lại hiệu quả thiết thực. Tổ chức sản xuất tại các cánh đồng lớn theo hướng củng cố, thành lập các tổ hợp tác sản xuất, tổ dịch vụ nông nghiệp tiếp tục được quan tâm; công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa giống cấp xác nhận cho các hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ hợp tác và hộ nông dân sản xuất giống ngày càng được quan tâm hơn, đã giúp cho hộ nông dân áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong khâu giống và kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa giống. Việc hỗ trợ cơ giới hoá đã giúp cho hộ nông dân tại cánh đồng mẫu tăng được hiệu quả sử dụng đất đai và lao động; tiết kiệm các nguồn giống, phân bón, năng lượng, lao động; đáp ứng kịp thời vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu; giảm tổn thất trong và sau thu hoạch; nâng cao chất lượng hạt gạo; góp phần bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng bền vững của sản xuất nông nghiệp; tăng lợi tức trong sản xuất nông nghiệp.

Xuất khẩu gạo năm 2013, đạt 337.793 tấn, kim ngạch 132,8 triệu USD đạt 66,57% về kim ngạch và 73,63% về số lượng so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm chiếm tỷ trọng khoảng 40 - 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 400.000 tấn, góp phần tiêu thụ một lượng lớn lúa gạo hàng hoá, ổn định giá lúa gạo và tăng thu nhập cho người nông dân.

Nhìn chung, sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong tỉnh mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo thời gian qua giảm so với các năm trước, do có nhiều quốc gia cạnh tranh như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan….  Một số quốc gia trước đây là thị trường nhập khẩu gạo lớn nay chuyển sang hạn chế nhập khẩu gạo như Philippines, Indonesia,… nên xuất khẩu gạo của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn.

Công tác thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân và Hè Thu trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện tốt, chỉ tiêu được giao của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2013 là 101.000 tấn quy gạo (vụ Đông Xuân: 48.000 tấn quy gạo và vụ Hè Thu: 53.000 tấn quy gạo) các doanh nghiệp đều thu mua hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Đến nay, các doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh có các cơ sở xay xát lúa gạo và kho chứa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và đã được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là 04 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long, Công ty Lương Thực Vĩnh Long và Công ty Cổ phần Thương mại Hồng Trang.

Hệ thống thương nhân thu mua lúa, gạo, hệ thống kho chứa của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng phát triển, thu mua lúa gạo trong và ngoài tỉnh.

Các hình thức thu mua lúa gạo hiện nay trên địa bàn tỉnh:

- Doanh nghiệp thu mua:

+ Người dân mang lúa, gạo đến bán trực tiếp tại các điểm thu mua của Doanh nghiệp.

+ Doanh nghiệp đến thu mua tại đồng (hình thức này còn ít, chỉ thực hiện ở các cánh đồng mẫu lớn mà doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu)

+ Doanh nghiệp mua lại từ thương nhân, cơ sở xay sát chế biến gạo.

- Thương nhân thu mua:

+ Mua lúa tươi của nông dân tại đồng.

+ Mua lúa khô của nông dân.

+ Mua lại của thương nhân khác.

Hình thức thu mua phổ biến hiện nay là các thương nhân thu mua lúa tươi trên đồng của nông dân sấy, phơi khô, xay xát và bán lại cho doanh nghiệp. Hình thức này thuận lợi cho doanh nghiệp trong thu mua lúa gạo, tuy nhiên chất lượng hàng hoá lúa, gạo không đồng nhất (do trong quá trình thu mua lúa gạo từ người dân các thương nhân chỉ gom lúa lại để chung mà không phân loại riêng từng giống lúa).

b) Rau, củ, trái cây:

- Rau, củ:

Năm 2013, cây màu tiếp tục phát triển khá trên cả diện tích chuyên canh, luân canh và đa dạng về chủng loại; nhiều loại cây màu trúng mùa, được giá, cho thu nhập khá cao đã thúc đẩy phong trào trồng màu tiếp tục phát triển. Diện tích gieo trồng các loại cây màu đạt 44.386 ha, tăng 3,75% so với năm 2012. Trong đó, diện tích màu xuống ruộng 24.278 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích xuống giống; diện tích màu tăng mạnh ở những loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: Hành lá, dưa hấu, hẹ, xà lách xoong,... Sản lượng màu cả năm đạt 896.465 tấn, tăng 2,36% so với năm 2012. Diện tích màu tăng mạnh ở những loại cây có hiệu quả kinh tế cao.

Riêng khoai lang năm 2013 chỉ xuống giống được 10.083 ha, giảm 14,29% so với năm trước do ảnh hưởng khoai lang rớt giá, khó tiêu thụ từ giữa năm 2012. Hiện nay khoai lang được trồng rãi vụ nhằm tránh thu hoạch rộ, đồng loạt nên hạn chế việc bị ép giá, thua lỗ, chủng loại khoai được trồng chủ yếu là khoai lang tím Nhật, chiếm trên 70% diện tích trồng khoai.

Giá khoai lang tím Nhật năm 2013 đã tăng mạnh và tương đối ổn định ở mức khá cao, bình quân trong năm 710.000 - 825.000 đồng/tạ (tức khoảng 11.800 - 13.750 đồng/kg), lợi nhuận cao khoảng 90 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Diện tích gieo trồng khoai lang, bắp, đậu nành giảm mạnh do ảnh hưởng tình hình giá cả và tiêu thụ.

Bảng 1: Sản lượng rau màu chủ yếu trên địa bàn tỉnh năm 2013

STT

Chủng loại

Diện tích (ha)

Sản lượng (Tấn)

Địa bàn trồng chủ yếu

Thị trường tiêu thụ

01

Khoai lang

10.083,3

294.931,8

Bình Tân, Bình Minh

Trong tỉnh, trong nước, xuất khẩu tiểu ngạch

02

Rau các loại

27.825,0

561.746,6

Trên địa bàn tỉnh

Trong tỉnh, trong nước

03

Đậu các loại

410,8

617,5

Bình Tân, Bình Minh

Trong tỉnh, trong nước

04

Đậu nành

310,0

814,4

Bình Tân, Bình Minh

Trong tỉnh, trong nước

- Trái cây:

Năm 2013, toàn tỉnh có 49.055 ha cây lâu năm, tăng 395 ha so với năm 2012. Trong đó, có 41.600 ha đang cho trái, chiếm 85% tổng diện tích; sản lượng thu hoạch ước đạt 544.000 tấn, trong đó sản lượng cây ăn trái đạt 459.800 tấn, tăng 13,15% so với năm 2012. Các loại cây lâu năm đều đạt năng suất, sản lượng khá cao như sầu riêng, cam sành, quít, xoài.

Hiện nay đã có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác quan tâm đến việc kinh doanh các mặt hàng rau, củ, quả, và đã có nhiều cơ sở tham gia sản xuất theo hướng đạt các tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGAp,… Tuy nhiên, đầu ra chủ yếu ở các đường tiểu ngạch, thông qua các tiểu thương, hay bán ở các chợ nên thường bị ép giá, hiện tượng được mùa rớt giá thường xuyên xảy ra.

Cây ăn trái ở Vĩnh Long rất đa dạng và phong phú: Chôm chôm, nhãn, bưởi năm roi,… Hiện tại, đã có các hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap như HTX chôm chôm Bình Hoà Phước, HTX Bưởi Năm roi Mỹ Hoà, HTX rau an toàn Thuận An,….

Bảng 2: Sản lượng cây ăn trái chủ yếu trên địa bàn tỉnh năm 2013

STT

Chủng loại

Diện tích (ha)

Sản lượng (Tấn)

Địa bàn trồng chủ yếu

Thị trường tiêu thụ

01

Cam

7.802,5

81.102,9

Tam Bình, Trà Ôn

Trong tỉnh, trong nước

02

Quýt

342,7

3.429,5

Tam Bình

Trong tỉnh, trong nước

03

Nhãn

9.504,3

82.577,2

Long Hồ, Mang Thít

Trong tỉnh, trong nước, xuất khẩu tiểu ngạch

04

Chôm chôm

1.378,1

21.361,5

Long Hồ, Trà Ôn, Vũng Liêm

Trong tỉnh, trong nước

05

Chuối

1.348,5

14,413,3

Trên địa bàn tỉnh

Trong tỉnh, trong nước

06

Xoài

4.857,5

55.480,7

Trên địa bàn tỉnh

Trong tỉnh, trong nước

07

Bưởi

7.854,4

89.679,0

Bình Minh, Mang Thít

Trong tỉnh, trong nước

08

Sầu riêng

5.504,3

19.774,2

Long Hồ, Trà Ôn

Trong tỉnh, trong nước

c) Chăn nuôi:

Năm 2013, mặc dù gặp khó khăn về tình hình dịch bệnh, nhưng tổng số sản lượng thịt gia súc, gia cầm vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của tỉnh và xuất sang các tỉnh trong khu vực, thành phố Hồ Chí Minh, thu mua chủ yếu qua các thương nhân mua lại từ các hộ nông dân, giết mổ nhỏ lẻ, bán tại chợ. Theo kết quả điều tra 01/10/2013 của tỉnh:

- Tổng đàn heo: 318.486 con, tăng 4,08% so thời điểm 01/10/2012.

- Tổng đàn gia cầm: 6.319.857 con, tăng 5,28% so thời điểm 01/10/2012.

- Đàn bò: 53.763 con, giảm 17,93% so thời điểm 01/10/2012.

Từ đầu quý III năm 2013, giá các sản phẩm chăn nuôi bắt đầu tăng mạnh, đến cuối năm giá heo hơi tăng 34%, giá gà công nghiệp tăng 7%, giá các sản phẩm gia cầm khác tăng từ 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát nên nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư tái đàn sau thời gian dài từ bỏ nghề chăn nuôi do thua lỗ. Các dự án nuôi gà thịt cho công ty CP đã khởi động trở lại giúp đàn gia cầm phục hồi khá mạnh. Riêng đàn bò giảm mạnh do nguồn thức ăn tươi khan hiếm, giá bò giống tăng cao trong khi nguồn vốn đầu tư của người dân hạn chế. Bên cạnh đó, giá thịt bò hơi tăng cao và nguồn bò nhập vào tỉnh hạn chế nên số bán giết thịt từ đàn bò ở địa phương tăng mạnh.

Bảng 3: Sản lượng vật nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh tình đến tháng 10 năm 2013

STT

Chủng loại

Số lượng

(Con)

Sản lượng

(Tấn)

Địa bàn nuôi chủ yếu

Thị trường tiêu thụ

01

Trâu

298

22,4

Bình Minh, Bình Tân, Vũng Liêm

Trong tỉnh, trong nước

02

53.763

9.024,1

Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít

Trong tỉnh, trong nước

03

Heo

318.486

55.048,3

Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn

Trong tỉnh, trong nước

04

3.683.400

15.016,3

Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít, Bình Tân

Trong tỉnh, trong nước

05

Vịt

2.360.100

11.581,5

Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Tân

Trong tỉnh, trong nước

06

Ngan, ngỗng

276.400

1.322,2

Tam Bình, Bình Tân

Trong tỉnh, trong nước

d) Thuỷ sản:

Năm 2013, diện tích nuôi thuỷ sản ước đạt 2.554 ha. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh 423 ha, giảm 29% so với cùng kỳ, diện tích đang thả nuôi là 272 ha, giảm 12% so cùng kỳ. Toàn tỉnh có 671 lồng bè nuôi cá, giảm 70 lồng bè so với cùng kỳ, đang thả nuôi 481 lồng bè, giảm 21 lồng bè so với cùng kỳ, đối tượng nuôi chủ yếu là cá điêu hồng.

Toàn tỉnh có 36,6 ha nuôi cá tra thương phẩm tập trung ở các cù lao, vùng ven sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hậu,…, được chứng nhận GlobalGAP (06 cơ sở), 4,7 ha được chứng nhận VietGAP (03 cơ sở) và 6,6 ha cá tra nuôi theo BMP (thực hành quản lý tốt); có 4,3 ha sản xuất giống được chứng nhận GlobalGAP (02 cơ sở).

Hiện nay, nhiều mô hình nuôi thuỷ sản như: Cá điêu hồng, cá lóc, lươn, cá trê, cá ba sa, cá chép, baba, ếch, tôm cành xanh, ..., đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá nhưng do quy mô nuôi nhỏ, chiếm tỷ trọng thấp nên chưa có tác động nhiều đến tăng trưởng chung của ngành thuỷ sản. Bên cạnh đó, người nuôi chưa được tiếp cận với các nguồn vốn vay với lãi suất thấp do các khoản nợ cũ chưa được thanh toán,..., nên việc khôi phục đầu tư nuôi thả mới còn hạn chế.

Ngoài ra, để giảm rủi ro cho người nuôi, ngành nông nghiệp đã đa dạng hoá các đối tượng thuỷ sản trên lồng bè như: Basa, chim trắng, lăng nha, vồ đém, bông lau, thát lát, cá he,...

Đối với cá tra, hiện nay Vĩnh Long có 04 doanh nghiệp kinh doanh - xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê: Công ty TNHH Thuỷ sản An Phước, Công ty TNHH Thuỷ sản Hùng Cường, Công ty TNHH Phước Anh, Công ty TNHH Thuỷ sản Hùng Vương. Hầu hết các công ty đều có vùng nguyên liệu để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (có ao nuôi cá), hoặc mua nguyên liệu thông qua các thương nhân hay mua trực tiếp từ các hộ nuôi cá.

Năm 2013, thuỷ sản đông lạnh của tỉnh xuất khẩu 9.986 tấn đạt 21,6 triệu USD, giảm 40,61% về lượng và giảm 47,77% về giá trị so với năm 2012.

Đối với các loại cá khác chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh, thành phồ Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ...

Nhìn chung, các mô hình nuôi nhỏ lẻ còn nhiều. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm của người nuôi ở nhiều thời điểm gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững. Việc phân chia lợi ích trong chuỗi sản xuất chưa hợp lý, lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến chưa đạt mức hài hòa, nên thua lỗ luôn thường trực đối với người nuôi.

Bảng 4: Sản lượng thuỷ sản chủ yếu trên địa bàn tỉnh năm 2013

STT

Chủng loại

Đơn vị

Sản lượng

(Tấn)

Địa bàn nuôi chủ yếu

Thị trường tiêu thụ

01

Cá tra thâm canh

423 ha

101.331,9

Mang Thít, Vũng Liêm, Long Hồ

Các chợ truyền thống, các doanh nghiệp, XK sang Mỹ, EU

02

Lồng bè

671 lồng

9.825

Long Hồ

Các chợ truyền thống, TP.HCM

3. Đánh giá chung:

a) Thuận lợi:

- Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng trong thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

- Điều kiện tự nhiên thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển, mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông thuỷ bộ ngày càng được cải thiện, phục vụ tốt cho quá trình sản xuất - tiêu thụ nông sản.

- Người sản xuất ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm.

- Các hộ nông dân đã tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá, áp dụng các quy trình khoa học trong sản xuất, góp phần tăng năng suất ngày càng cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất.

- Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã từng bước xây dựng được hệ thống thu mua lúa gạo. Hệ thống kho chứa của các doanh nghiệp cũng đã đáp ứng được nhu cầu dự trữ hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản ngày càng được mở rộng.

b) Khó khăn:

- Công tác quản lý quy hoạch của các địa phương còn hạn chế.

- Thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường gây ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, nhiều loại dịch hại mới phát sinh gây hại, chưa có biện pháp phòng trừ phù hợp như bệnh chổi rồng trên nhãn, sâu đục trái trên cây có múi, sâu đục củ khoai lang, dịch bệnh trên cá tra, dịch cúm gia cầm H5N1, dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng ở heo...

- Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh thay đổi liên tục ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Chi phí đầu vào ngày càng tăng như giá nguyên liệu vật tư, chi phí lao động tăng gây bất lợi, khó khăn cho người sản xuất và doanh nghiệp.

- Sản xuất còn mang nặng tính tự phát, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp và người sản xuất, các doanh nghiệp trong tỉnh, trong vùng, thiếu sự đầu tư vùng nguyên liệu ổn định, nhất là các sản phẩm nông sản của tỉnh có tính cạnh tranh cao, làm cho sản xuất khó phát triển, thiếu bền vững, thu nhập của nông dân bấp bênh.

- Lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp đang thiếu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cơ giới hoá trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh, nhất là cơ giới hoá khâu sau thu hoạch.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông - thuỷ sản trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn vốn, các nguồn hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Chính phủ khó tiếp cận. Riêng năm qua, tình hình kinh tế khó khăn đã làm cho một số doanh nghiệp thuỷ sản ngưng hoạt động.

- Một số hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trình độ cán bộ quản lý của hợp tác xã còn hạn chế. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chưa đủ mạnh, chưa thực sự làm đầu mối để các hộ nông dân, xã viên ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp.

- Thiếu liên kết sản xuất gắn doanh nghiệp với người sản xuất, chưa tạo được các hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ theo hướng kinh tế hợp tác ở nông thôn, bao gồm liên kết giữa các hộ nông dân với nhau và giữa doanh nghiệp với nông dân.

- Các đơn vị sản xuất - kinh doanh chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại.

- Cụ thể:

* Về Lúa gạo:

- Thiếu hệ thống sấy lúa khi thu hoạch rộ của tỉnh, nhất là đối với vụ Hè Thu.

- Hệ thống kho chứa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật bảo quản gạo nhưng về kho chứa lúa thì chiếm tỷ lệ thấp. Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có dây chuyền đánh bóng gạo, không có xay xát, nếu gạo trữ lâu (đến 3 tháng) thì chất lượng gạo bị giảm sút đáng kể phải tái chế, làm tăng tỷ lệ tổn thất và giảm phẩm cấp.

- Quy mô diện tích của nông hộ nhỏ, giống sản xuất không đồng nhất, nhiều loại giống khác nhau trên một cánh đồng. Phần lớn giống lúa được sử dụng lại từ lúa được thu hoạch trước đó, không tạo được tính nguyên chủng, tính xác nhận cho lúa, khả năng kháng sâu, bệnh kém, chất lượng lúa chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp.

- Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo và các thương nhân, các cơ sở chế biến chưa hình thành một tổ chức hệ thống ổn định.

- Vấn đề mua lúa, gạo thông qua hợp đồng ký với người sản xuất chưa nhiều, chủ yếu thực hiện tại các cánh đồng lớn. Tuy nhiên, khi giá lúa tăng thì người nông dân thường bán ra ngoài thị trường không bán cho doanh nghiệp theo hợp đồng gây khó khăn cho quá trình liên kết tiêu thụ lúa gạo lâu bền giữa doanh nghiệp và nông dân.

* Về rau, củ, trái cây:

- Nhìn chung, quy mô sản xuất rau quả còn nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, chư­a tạo đ­ược sản phẩm hàng hoá lớn, khả năng cạnh tranh thấp.

- Việc thu hoạch, lựa chọn, bảo quản rau, trái cây vẫn tiến hành thủ công là chính, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 20 - 25%; công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển chuyên dùng còn thiếu và lạc hậu. Việc sử dụng các hoá chất bảo quản chưa được kiểm soát chặt chẽ, có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

- Số lượng cơ sở chế biến còn hạn chế, tỷ trọng các sản phẩm đồ hộp chiếm 50%, sau đó là sản phẩm cô đặc và đông lạnh.

- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rau quả thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

- Diện tích sản xuất được áp dụng quy trình sản xuất an toàn có chứng nhận (VietGap, GlobalGap) còn thấp, chỉ khoảng 5% tổng diện tích trồng trọt.

- Thiếu sự liên kết giữa nông dân và nông dân, giữa doanh nghiệp và nông dân.

- Rau củ quả chủ yếu là tiêu thụ ở dạng tươi, ít qua chế biến, chỉ bảo quản trong thời gian ngắn.

- Tỷ lệ sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị còn thấp. Thị trường tiêu thụ hạn hẹp, chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, các tỉnh miền Đông Tây Nam Bộ do chất lượng không cao, không cạnh tranh được với hàng hoá trong nước.

- Việc sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Vĩnh Long chưa có chợ đầu mối nông sản, thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn, chưa ổn định.

* Về chăn nuôi:

- Qui mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là hộ chăn nuôi, mô hình chăn nuôi tập trung còn ít, mô hình chăn nuôi hộ nông dân chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng thịt trong lưu thông chưa thực hiện tốt, thiếu bộ máy tổ chức chuyên nghiệp kiểm tra chất lượng thịt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao.

- Công tác kiểm soát về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng trừ dịch bệnh, sử dụng các loại thuốc thú y còn nhiều bất cập. Ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao, vì mục đích lợi nhuận sử dụng các chất phụ gia không cho phép, chất độn, hay sử dụng những loại thịt đã qua thải loại để sử dụng, chế biến sản phẩm, ảnh hưởng đến tâm lý sử dụng của người tiêu dùng.

- Sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu là sản phẩm dạng thịt sống, công tác chế biến, đóng gói chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sản phẩm chuyên sâu.

- Đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, vốn đầu tư cho chăn nuôi hạn hẹp, lãi suất cao, khó tiếp cận.

* Về thuỷ sản:

- Tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, khu vực chế biến và các dịch bệnh ngày càng phát triển ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả nuôi cá.

- Nhìn chung, các sản phẩm chế biến từ cá tra còn đơn điệu, chủ yếu là sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh chiếm đến trên 95% (phi lê, nguyên con, cắt khúc), 5% còn lại là các sản phẩm chế biến sâu, phối chế, làm sẵn, ăn liền.

- Các phụ phẩm trong chế biến như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ cá tra tuy đã tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm như dầu cá, bột cá, bong bóng, bao tử cá... nhưng sản phẩm còn thô, chưa có những sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm như tinh dầu cá, gelatine, thực phẩm chức năng chứa vi chất có giá trị cao.

- Nghề nuôi thuỷ sản ở Vĩnh Long hiện nay còn mang tính truyền thống, nhỏ lẻ, chủ yếu là người dân nuôi tự phát, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm chưa đồng nhất.

- Hiện nay, tình hình thả nuôi cá tra trong dân vẫn trầm lắng, người nuôi cá tra chịu quá nhiều rủi ro, các nhà máy chế biến đang gặp khó khăn; giá bán chưa đảm bảo người nuôi có lợi nhuận trong thời gian dài, diện tích treo ao tăng. Các doanh nghiệp và người sản xuất rất khó khăn về vốn và khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

- Các yêu cầu về chất lượng xuất khẩu thay đổi và các vụ kiện về chống bán phá giá ở các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Trung Đông đã tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ cá của các doanh nghiệp và người sản xuất.

II. DỰ BÁO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC MẶT HÀNG NÔNG - THUỶ SẢN TRONG THỜI GIAN TỚI:

Dân số, thu nhập và sức mua dân cư ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thương mại. Nếu thu nhập của dân cư tăng lên sẽ làm cho sức mua dân cư lớn, nhu cầu mua sắm hàng hoá tăng và tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ xã hội của tỉnh sẽ tăng lên, nhu cầu về lương thực, thực phẩm sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng.

Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 31 triệu đồng/người/năm. Trong những năm tới, do sản xuất của tỉnh có sự phát triển nên thu nhập dân cư sẽ tăng lên, theo dự báo thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Vĩnh Long năm 2015 là 39 triệu đồng/người/năm (1.650 USD) và năm 2020 đạt 90 triệu đồng/người/năm (3.700 USD).

Dân số Việt Nam đến năm 2020 khoảng 100 triệu người. Trong đó, dự báo dân số trung bình toàn tỉnh đến 2015 là 1.079.240 người, năm 2020 là 1.129.150 người. Bao gồm thành thị: 445.130 người (40%), nông thôn 684.020 người (60%). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,02% (2011- 2015) và nhỏ hơn 1% cho giai đoạn (2016-2020).

Bảng 6 : Dự báo thu nhập và sức mua dân cư tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2015

2020

1

GDP/người (HH)

Tr. đồng/người

39

90

GDP/người (HH)

USD/ người

1.650

3.700

2

Thu nhập dân cư

Tỷ đồng

44.905

108.828

3

Mức tiêu dùng/thu nhập

%

75

70

4

Quĩ mua dân cư

Tỷ đồng

33.678

76.180

1. Dự báo sản lượng sản xuất, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo đến năm 2020:

Dự báo nhu cầu lúa trong nước đến năm 2015 là 32,1 triệu tấn, năm 2020 khoảng 35,2 triệu tấn.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp diện tích trồng lúa năm 2015 là 163.000 ha, đến năm 2020 là 131.000 ha. Diện tích cánh đồng lớn đến năm 2020 đạt khoảng 25.000 ha, đặc biệt là ở khu vực phía nam quốc lộ 1A, thuộc địa bàn các huyện: Tam Bình, Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn. Trong đó, tập trung cho vùng nguyên liệu lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao, phấn đấu đạt trên 80% diện tích canh tác.

Sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo quy hoạch là 819.000 tấn, lượng lúa hàng hoá trên 600.000 tấn (tương đương 400.000 tấn gạo), nhu cầu về lương thực dự báo đến năm 2015 của tỉnh là 302.000 tấn lúa, đến năm 2020 là 290.000 tấn lúa; sau khi trừ đi tiêu dùng và làm giống thì còn thừa để xuất khẩu khoảng trên 300 ngàn tấn lúa, phục vụ cho nhu cầu dự trữ, xuất bán trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, thị trường thế giới có khoảng 20 nước xuất khẩu và 80 nước nhập khẩu gạo, lượng gạo nhập khẩu trên thế giới là 23 - 24 triệu tấn, dự tính nhu cầu gạo năm 2015 khoảng 26 - 27 triệu tấn và năm 2020 khoảng 36 triệu tấn. Như vậy, nhu cầu gạo xuất khẩu trong những năm tới vẫn tăng nhưng các nước xuất khẩu gạo phải cạnh tranh về giá cả và chất lượng gạo.

2. Dự báo thị trường rau, củ, trái cây:

Hàng năm, thế giới cần khoảng 600 triệu tấn rau và 500 triệu tấn trái cây với tổng giá trị giao dịch trên 100 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu rau quả Việt Nam ra thị trường thế giới còn rất nhiều tiềm năng. Ngoài các thị trường truyền thống châu Á, Đông Âu như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nga,… các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU yêu cầu chất lượng cao đang có nhiều hợp đồng nhập khẩu rau quả Việt Nam.

Xu hướng chung đối với tiêu thụ rau quả trên thế giới đều là lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu, tăng tiêu dùng các sản phẩm tươi, giảm tiêu dùng các sản phẩm rau quả đóng gói và hướng tới các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, tiện lợi và đặc biệt là an toàn cho sức khoẻ.

Nhu cầu về rau dự báo đến năm 2015 của tỉnh là 105.000 tấn, đến năm 2020 là 125.000 tấn; nhu cầu về trái cây dự báo đến năm 2015 của tỉnh là 52.800 tấn, đến năm 2020 là 55.400 tấn.

Theo quy hoạch ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, sản lượng trái cây đạt 547.000 tấn/năm, rau các loại 800.000 tấn/năm, khoai lang 330.000 tấn/năm.

3. Dự báo thị trường sản phẩm chăn nuôi:

Thịt là thực phẩm quan trọng trong đời sống con người và xã hội. Nhu cầu thịt sử dụng về loại sản phẩm này ngày càng cao hơn về số lượng, chất lượng, sự đa dạng của các sản phẩm chế biến, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm... Hàng năm Việt Nam sản xuất khoảng trên 3 triệu tấn, so với tổng lượng thịt trên thế giới là rất ít.

Đến năm 2022, xuất khẩu thịt thế giới dự kiến tăng khoảng 19%, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 1,6%/năm.

Do vậy thị trường các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhu cầu thực phẩm và nguyên liệu cho chế biến trong nước tăng mạnh, bình quân tốc độ tăng trưởng trên 8% năm. Việt Nam cũng nằm trong xu thế phát triển chung của các nước đang phát triển, nhu cầu các sản phẩm từ thịt ngày càng tăng, trong tình hình kinh tế công nghiệp hoá thì nhu cầu chế biến các sản phẩm qua chế biến ngày càng gia tăng.

Theo quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến đến năm 2015, 2020 như sau:

Bảng 5: Sản lượng chăn nuôi dự kiến đến năm 2015, 2020 trên địa bàn tỉnh.

STT

Danh mục

Đơn vị

Ước thực hiện năm 2014

Kế hoạch năm 2015

Kế hoạch năm 2020

1

Đàn gia súc, gia cầm

 

 

 

 

1.1

Đàn trâu

1000 con

0.301

0.310

0.300

1.2

Đàn bò

-

57.000

58.000

68.000

1.3

Đàn heo

-

347.000

350.000

350.000

1.4

Gia cầm

-

6,700.000

7,100.000

8,100.000

 

- Gà

-

3,900.000

4,000.000

4,600.000

 

- Vịt

-

2,500.000

2,600.000

3,000.000

 

- Gia cầm khác

-

300.000

500.000

500.000

2

Sản phẩm chăn nuôi

1000 tấn

96.671

100.220

111.800

2.1

- Thịt heo

-

58.159

60.500

63.000

2.2

- Thịt bò

-

9.262

9.700

9.800

2.3

- Thịt trâu

-

0.024

0.020

 

2.4

- Thịt gia cầm

-

29.226

30.000

39.000

4. Dự báo thị trường thuỷ sản:

Cá tra Việt Nam đã có mặt ở 149 thị trường, 2 thị trường chính là EU và Mỹ, hiện chiếm gần 50% sản lượng xuất khẩu của cả nước. ASEAN là thị trường có giá trị nhập khẩu cá tra thấp nhất trong 4 thị trường (Mỹ, EU, Trung Đông), nhưng lại có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến giảm khoảng 5% so năm 2013. Nhu cầu tại thị trường các nước châu Á, Mỹ Latin sẽ không thay đổi. Trung Quốc trở thành thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khi đã có mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2013, đạt 6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhu cầu thuỷ sản thế giới là rất lớn trong khi nguồn cung từ khai thác đang ngày càng giảm dần. Nhu cầu về thuỷ sản ngày càng được quan tâm trong cung cấp thực phẩm cho con người. Riêng đối với nhu cầu cá tra trong thời gian qua cũng có sự tăng trưởng tốt. Khối lượng cá tra có khả năng tiêu thụ hiện nay của nước ta đã chiếm tỷ trọng 4% thị trường cá nước ngọt thế giới. Nếu duy trì thị phần này thì đến năm 2015 là 1,6 triệu tấn và năm 2020 khoảng 1,85 triệu tấn. Khối lượng tiêu thụ có thể tăng lên nếu cá tra vẫn giữ được lợi thế so sánh bởi vì thực tế hiện nay nhu cầu của thế giới phụ thuộc rất lớn vào mức giá cạnh tranh, chất lượng đảm bảo và sản phẩm phong phú, tiện dụng, thân thiện môi trường.

Ngoài ra mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân theo đầu người của Việt Nam tăng bình quân 5%/năm trong giai đoạn 1990 - 2010, nếu xu hướng này vẫn được thiết lập trong thời gian tới thì dự báo mức tiêu thụ thuỷ sản vào các năm 2015 và 2020 lần lượt là 33 - 37 kg/người. Thị trường trong nước cũng bắt đầu được chú trọng, nhất là thị trường tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, khối lượng sản phẩm cá tra được chế biến tiêu thụ nội địa ước chiếm 1,5% khoảng 15.000 tấn/năm. Trong thời gian tới cá tra sẽ trở nên quan trọng ở thị trường nội địa nếu cá tra vẫn giữ được giá cả ổn định và có nhiều sản phẩm được chế biến làm sẵn hoặc ăn liền.

Theo quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 sản lượng thuỷ sản của tỉnh đạt 205.000 tấn, trong đó cá tra 170.000 tấn.

III. TỔ CHỨC HỆ THỐNG TIÊU THỤ NÔNG - THUỶ SẢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

1. Mục tiêu của Đề án:

- Giải quyết mối quan hệ kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản.

- Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Tổ chức hệ thống thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh.

- Góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020 của tỉnh Vĩnh Long, gắn kết giữa sản xuất - tiêu thụ.

- Góp phần thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch xuất khẩu nông sản của tỉnh, thực hiện chương trình xuất khẩu của tỉnh, đảm bảo tính thông suốt của thị trường nông sản trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ kịp thời nông sản và sự phát triển bền vững của ngành sản xuất nông - thuỷ sản tỉnh Vĩnh Long.

2. Mục tiêu cụ thể:

-  Xây dựng các Dự án và mô hình thí điểm sản xuất - tiêu thụ

+ Lúa gạo: Tại huyện Trà Ôn (năm 2015)

+ Thuỷ sản: Tại huyện Mang Thít (năm 2016)

+ Trái cây: Tại huyện Long Hồ hoặc Tam Bình (năm 2016)

+ Rau, củ: Tại huyện Bình Tân (năm 2017)

+ Chăn nuôi: Tại huyện Vũng Liêm (năm 2017)

- Tạo vùng liên kết của doanh nghiệp với nông dân về tiêu thụ lúa gạo theo mô hình cánh đồng lớn: (04 doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo của tỉnh)

+ Năm 2015: 3.300 ha

+ Năm 2020: 13.800 ha.

- Thành lập đơn vị kinh tế làm đầu mối liên kết tiêu thụ qua hợp đồng.

- Phấn đấu tìm các đối tác (doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu mối) có hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ đối với các mặt hàng nông - thuỷ sản chính của tỉnh như cá tra, sản phẩm chăn nuôi, khoai lang, một số loại rau màu, trái cây được sản xuất theo quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có thương hiệu.

- Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh sẽ phấn đấu thu hút đầu tư thực hiện các dự án:

+ Dự án xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến hàng nông nghiệp công nghệ cao.

+ Dự án xây dựng Trung tâm giao dịch hàng nông sản tại thị xã Bình Minh.

3. Nhiệm vụ cụ thể:

a) Khảo sát, nắm tình hình về hệ thống thu mua nông sản trên thị trường hiện nay trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức khảo sát các hình thức thu mua.

- Khảo sát các kho, địa điểm mua hàng hoá nông - thuỷ sản.

- Khảo sát các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của các doanh nghiệp, các thương nhân.

- Khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản của tỉnh, hợp tác xã, tổ hợp tác, về công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến, đào tạo, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức liên kết với các thương nhân, doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh để hình thành hệ thống thu mua ổn định để thu mua nông sản phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ sản xuất - kinh doanh lúa, gạo, trái cây, rau màu, chăn nuôi, cá tra trong đó doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu làm nòng cốt và thành viên là các thương nhân, các doanh nghiệp chế biến trong hệ thống của doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ hợp tác.

- Xây dựng mô hình thí điểm liên kết từ khâu sản xuất - tiêu thụ theo đề án, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh giữa doanh nghiệp với người sản xuất, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để triển khai cho các doanh nghiệp khác.

- Xây dựng quy chế mẫu của các câu lạc bộ sản xuất - kinh doanh.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác ký hợp đồng tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo quy định.

- Doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất của tỉnh và từng bước mở rộng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ sản xuất.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hoá các hình thức ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản: Doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông dân, doanh nghiệp - thương nhân thu mua nông sản, doanh nghiệp đầu tư phân bón thuốc bảo vệ thực vật và thu hồi lại sản phẩm…

- Nghiên cứu tiến tới các hình thức liên kết cao hơn: Nông dân góp vốn bằng đất hoặc cho doanh nghiệp thuê đất rồi sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp…

d) Đẩy mạnh liên kết giữa những người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản với đơn vị đầu mối là hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Khuyến khích, hướng dẫn các hộ nông dân tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, vùng chuyên canh.

Củng cố và phát triển kinh tế hợp tác để làm đầu mối ký kết hợp đồng sản xuất - tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản của tỉnh. Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hiệu quả.

e) Trên cơ sở Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông sản của tỉnh Vĩnh Long, xây dựng các Dự án chi tiết triển khai thực hiện gồm:

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ lúa, gạo.

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ thuỷ sản.

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ rau, củ.

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ trái cây.

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

4. Kinh phí thực hiện Đề án: 750.000.000 đồng.(Bảy trăm năm mươi triệu đồng) từ nguồn ngân sách nhà nước.

ĐVT: Đồng

STT

Nội dung thực hiện

Kinh phí

Ghi chú

01

Khảo sát phục vụ xây dựng Đề án, các Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản

80.000.000

 

02

Xây dựng 05 Dự án và mô hình thí điểm sản xuất - tiêu thụ nông - thuỷ sản

350.000.000

70 triệu/dự án

03

Chi phí triển khai Đề án + Dự án

20.000.000

 

04

Chi phí tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tổ chức Hội nghị, chi phí quản lý, chi phí tổng kết Đề án và các chi phí khác.

300.000.000

Trung bình 50 triệu/năm

Tổng cộng

750.000.000

 

Phân kỳ thực hiện:

- Năm 2015: Khảo sát và xây dựng 2 Dự án.

- Năm 2016: Xây dựng 2 Dự án.

- Năm 2017: Xây dựng 01 Dự án và thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai Đề án, các Dự án.

- Năm 2018: Tiếp tục triển khai, kiểm tra giám sát, nhân rộng mô hình.

- Năm 2019: Kiểm tra giám sát, nhân rộng và báo cáo kết quả thực hiện.

- Năm 2020: Tổng kết Đề án.

Thời gian thực hiện Đề án: Giai đoạn năm 2015 đến 2020:

Thời gian khảo sát nắm tình hình phục vụ xây dựng Đề án, Dự án: Năm 2015

Thời gian xây dựng các Dự án:

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ lúa, gạo: 2015

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ thuỷ sản: 2015

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ trái cây: 2016

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi: 2016

- Dự án tổ chức hệ thống tiêu thụ rau, củ: 2017

5. Giải pháp thực hiện:

a) Giải pháp kinh tế:

- Ngân sách tỉnh chi hỗ trợ thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 62/2013/QĐ-TTg phát triển hợp tác sản xuất tiêu thụ nông sản">15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013.

- Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hỗ trợ cho vay vốn đầu tư thực hiện mô hình cánh đồng lớn, cho vay thu mua lúa gạo, nông sản theo hợp đồng của các doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh.

b) Giải pháp hỗ trợ sản xuất nông sản:

- Thực hiện công tác khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất để tăng lợi nhuận cho nông dân.

- Thực hiện chương trình giống nông nghiệp để chọn giống cho năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Tăng cường công tác khuyến công, hỗ trợ trong đào tạo, các máy móc thiết bị, các mô hình sản xuất có hiệu quả cho phát triển kinh tế nông thôn, cho các khâu chế biến hàng nông sản.

- Tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thuế và tín dụng khuyến khích cạnh tranh, có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.

- Tổ chức sản xuất nông - thuỷ sản với quy mô lớn, sử dụng giống mới, kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap,..) kết hợp với rải vụ thu hoạch, gắn kết các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, xuất khẩu với vùng nguyên liệu, giảm tổn thất sau thu hoạch.

- Xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung theo mô hình cánh đồng lớn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Căn cứ các quy định hiện hành, nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành mức hỗ trợ cụ thể trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Chính phủ…

c) Giải pháp về thị trường:

- Thành lập đơn vị đầu mối liên kết hợp đồng đầu tư - sản xuất - tiêu thụ hàng hoá nông sản của tỉnh.

- Tổ chức hệ thống thông tin thị trường, cung cấp thông tin về các thị trường tiêu thụ hàng hoá nông sản của tỉnh (cả thị trường trong nước và xuất khẩu), phát hành bản tin thị trường, góp phần định hướng sản xuất hàng hoá nông sản trong tỉnh gắn kết giữa sản xuất - tiêu thụ.

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước thông qua chính sách xúc tiến thương mại của tỉnh.

- Triển khai thực hiện đề án, hỗ trợ xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nhất là đối với các mặt hàng nông - thuỷ sản chủ yếu của tỉnh.

- Củng cố và phát triển thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường mới; tuyên truyền quảng bá hình ảnh hàng nông sản thông qua các kênh truyền hình, internet…đến trực tiếp người tiêu dùng cuối cùng.

- Thường xuyên cập nhật, thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các tổ chức quốc tế, thông tin thị trường nông - thuỷ sản trên các trang Web để người sản xuất, kinh doanh nắm vững thông tin về thị trường.

- Tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản trong tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP … tham gia kết nối vào hệ thống phân phối tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các hệ thống chợ truyền thống.

- Khuyến khích các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng các website, ứng dụng thương mại điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như thông tin thị trường.

d) Giải pháp về nguồn nhân lực:

- Nâng cao hiệu quả chương trình đào tạo nghề nông thôn.

- Nâng cao trình độ ứng dụng khoa học công nghệ cho người sản xuất.

- Nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý và điều hành cho bộ phận quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp, Ban chủ nhiệm các hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất.

e) Giải pháp phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản:

- Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu, làm sẵn, ăn liền.

- Đầu tư thiết bị, hiện đại hoá các dây chuyền chế biến, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao để đa dạng hoá sản phẩm; đầu tư, nghiên cứu bao bì, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị cho hàng nông - thuỷ sản; tận dụng các phụ phẩm trong khâu chế biến để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh đầu ra đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính (Nhật, Mỹ, EU,...)

- Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng công nghiệp gắn với phát triển ngành chăn nuôi ở những vùng sản xuất hàng hoá, nguyên liệu tập trung; đa dạng hoá các sản phẩm chế biến theo nhu cầu thị trường, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất nhằm tiết kiệm điện, nước, vật tư và áp dụng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng, thu mua đến chế biến và tiêu thụ.

- Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước.

- Tăng cường các hoạt động marketing, xây dựng xuất xứ địa lý, thương hiệu hàng nông sản, nâng cao giá trị xuất khẩu trên thị trường thế giới.

f) Giải pháp về liên kết hệ thống:

- Tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc liên kết đến các hộ nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Đồng thời, giới thiệu những mô hình liên kết hiệu quả để thu hút sự tham gia.

- Tăng cường công tác khuyến nông, phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện mô hình liên kết.

- Thực hiện triển khai tổ chức, mở rộng liên kết vùng, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn trong vùng về liên kết tiêu thụ hàng hoá trong nước và xuất khẩu.

- Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất - kinh doanh các mặt hàng nông - thuỷ sản tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ theo quy định.

- Tổ chức lại sản xuất nuôi trồng theo hướng sản xuất theo chuỗi liên kết, phát triển doanh nghiệp vừa và lớn trong nuôi trồng, sơ chế, chế biến, phát triển sản phẩm chuyên sâu. Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành nghề phù hợp với kinh tế thị trường.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Công thương:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát hệ thống thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các mặt hàng nông - thuỷ sản giới thiệu sản phẩm thông qua các kỳ Hội chợ - Triển lãm trong và ngoài nước.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thí điểm ở các câu lạc bộ sản xuất tiêu thụ nông sản, xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp người dân an tâm sản xuất, cân đối giá thành nông sản.

- Chỉ đạo Trung tâm Tư vấn và Phát triển Công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong đào tạo nghề, hỗ trợ công nghệ, máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến, hỗ trợ trong xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các website thương mại, các ứng dụng thương mại điện tử nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thông qua inetrnet.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Vĩnh Long tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay để thực hiện các dự án, chương trình sản xuất, kinh doanh trong Đề án Tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu xây dựng Đề án, thành lập đơn vị đầu mối tiêu thụ hàng hoá nông - thuỷ sản của tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Tổng hợp dự toán hàng năm kinh phí thực hiện các dự án để các cơ quan chuyên môn tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, phân bổ kinh phí thực hiện.

- Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện Đề án.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng Kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp địa phương.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Công thương trong việc tạo mô hình điểm sản xuất trong tỉnh gắn kết với tiêu thụ, nhất là 5 mô hình điểm tại 5 huyện.

- Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, giới thiệu các mô hình có hiệu quả, thực hiện công tác khuyến nông, chương trình giống nông nghiệp, triển khai xây dựng mô hình cánh đồng lớn, vùng chuyên canh, các mô hình thí điểm, tạo lòng tin trong thực hiện liên kết ở người dân.

- Cung cấp thường xuyên thông tin về công tác đào tạo nghề trong nông nghiệp. Phối hợp đào tạo nâng cao năng lực quản lý và điều hành cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng cho nông dân, kiểm soát các dịch bệnh, thông tin về dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kip thời, hiệu quả. Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình quản lí vệ sinh thú y trong sản xuất, giết mổ, chế biến, thương mại; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Hướng dẫn các hộ dân sản xuất hàng nông sản sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả.

- Tăng cường tập huấn, đào tạo kiến thức cho nông dân về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi và kiến thức trong lĩnh vực thương mại.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn thực hiện Đề án.

- Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản Vĩnh Long theo quy định tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ và Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

4. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối và phân bổ nguồn vốn thực hiện Đề án.

- Hướng dẫn các cơ quan chức năng trong sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí theo cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng năm theo quy định.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long:

- Căn cứ các quy định hiện hành, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản theo quy định.

- Phối hợp với các Sở ngành liên quan trong việc giới thiệu các đối tác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn theo kế hoạch kết nối của ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông - thuỷ sản tiếp cận được nguồn vốn vay.

6. Liên minh hợp tác xã tỉnh:

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, kinh doanh và đào tạo nghề trong nông nghiệp cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Tham mưu xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

- Vận động phong trào sản xuất lớn, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

7. Hội Nông dân tỉnh:

- Vận động các doanh nghiệp, các hộ nông dân tham gia sản xuất lớn và tham gia hệ thống liên kết tiêu thụ nông - thuỷ sản.

- Phối hợp thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, các đối tác kinh tế khác và bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết.

8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án đến các thương nhân thu mua nông sản, các hộ sản xuất trên địa bàn để biết và thực hiện.

- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan để triển khai thực hiện theo nội dung của Đề án.

- Phối hợp xây dựng và quản lý, thực hiện quy hoạch các dự án cánh đồng lớn, vùng chuyên canh, các mô hình thí điểm tại địa phương.

- Chỉ đạo các phòng ban cấp huyện xây dựng kế hoạch, thực hiện Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

9. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông - thuỷ sản, các hợp tác xã, các tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh:

- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh liên quan, các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện theo nội dung của Đề án.

- Thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ với người sản xuất tại các cánh đồng lớn, vùng chuyên canh, đa dạng hoá các hình thức ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, gắn kết lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân.

- Hình thành hệ thống liên kết ổn định giữa thương nhân, cơ sở chế biến nông sản và hộ nông dân.

- Tích cực mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

- Các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện tốt vai trò cầu nối, liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

- Thực hiện sản xuất, chế biến kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

10. Hộ nông dân:

- Nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết ghi trong hợp đồng để nâng cao uy tín và xác lập liên kết lâu dài với doanh nghiệp.

- Tích cực học tập kinh nghiệm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình có hiệu quả vào sản xuất, nâng cao nhận thức về hàng hoá, kinh tế thị trường.

- Thực hiện sản xuất theo định hướng, quy hoạch sản xuất và khuyến cáo của các cơ quan chức năng về nhu cầu hàng hoá của thị trường.

- Sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông - thuỷ sản đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái khu vực và xung quanh, thực hiện các quy định về nuôi trồng nông - thuỷ sản, giảm thiểu các dịch bệnh.

Các sở ngành liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả triển khai, thực hiện nội dung Đề án về Sở Công thương, để Sở Công thương tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1883/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 1883/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 15/12/2014
Ngày hiệu lực 15/12/2014
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 9 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1883/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1883/QĐ-UBND 2014 tiêu thụ nông thuỷ sản tái cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Long 2015 2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 1883/QĐ-UBND 2014 tiêu thụ nông thuỷ sản tái cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Long 2015 2020
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 1883/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Phan Anh Vũ
Ngày ban hành 15/12/2014
Ngày hiệu lực 15/12/2014
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 9 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Quyết định 1883/QĐ-UBND 2014 tiêu thụ nông thuỷ sản tái cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Long 2015 2020

Lịch sử hiệu lực Quyết định 1883/QĐ-UBND 2014 tiêu thụ nông thuỷ sản tái cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Long 2015 2020

  • 15/12/2014

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 15/12/2014

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực