Quyết định 20/1998/QĐ-TTg

Quyết định 20/1998/QĐ-TTg về Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 20/1998/QĐ-TTg Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam


 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 1 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 19/ CP ngày 16 tháng 2 năm 1995 của Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1998. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bản Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/1998/QĐ-TTg ngày 26 tháng 1 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này áp dụng cho hoạt động quản lý tài chính đối với toàn bộ hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bao gồm:

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh).

- Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội huyện).

Điều 2. Hàng tháng, Bộ Tài chính cấp đủ kinh phí cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chi trả cho các đối tượng đang hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 1 tháng 1 năm 1995. Khoản kinh phí trên được hạch toán, quyết toán riêng theo các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 3. Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành do người lao động và người sử dụng lao động đóng, Ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ, lãi hoạt động bảo tồn, tăng trưởng quỹ và thu khác. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam; hạch toán độc lập với Ngân sách Nhà nước và được Nhà nước bảo hộ.

Điều 4. Quỹ bảo hiểm xã hội dùng để chi trả cho các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, chi phí quản lý bộ máy của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi cho hoạt động bảo tồn, tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội và chi khác.

Điều 5. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Ngân sách Nhà nước cân đối cấp dần trong một số năm, ngoài ra còn được bổ sung từ tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp đầu tư tăng trưởng quỹ đem lại.

Điều 6. Hàng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm lập dự toán thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, chi bộ máy quản lý, chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trình Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua và gửi Bộ Tài chính. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ vào dự toán đã được thông qua giao nhiệm vụ thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, chi đầu tư xây dựng cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quyết toán thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, chi đầu tư xây dựng và mua sắm, trang bị phương tiện làm việc theo chế độ kế toán bảo hiểm xã hội do Bộ Tài chính ban hành và các chế độ quản lý tài chính khác do Nhà nước quy định.

Chương 2:

NGUỒN HÌNH THÀNH QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 7. Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn sau đây:

1. Đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động.

2. Nhà nước đóng và hỗ trợ để đảm bảo thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

3. Tiền sinh lời từ việc thực hiện các hoạt động đầu tư bảo tồn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.

4. Thu từ nguồn tài trợ, viện trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

5. Các khoản thu khác.

Điều 8. Việc đóng góp của các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các quy định tại Điểm 1 và Điểm 2 Điều 36 của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ, các quy định tại Điểm 1 và Điểm 2 Điều 34 của Điều lệ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ được thực hiện như sau:

1. Bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thu bảo hiểm xã hội của tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đúng kỳ, đủ số lượng theo đúng quy định.

2. Hàng tháng, các đơn vị sử dụng lao động (kể cả các đơn vị, cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Ban Cơ yếu Chính phủ) có trách nhiệm đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ bảo hiểm xã hội, ngay sau khi thanh toán tiền lương hàng tháng cho người lao động.

Điều 9. Hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được mở tài khoản tiền gửi quỹ bảo hiểm xã hội tại hệ thống Kho bạc Nhà nước và được mở tài khoản chuyên thu bảo hiểm xã hội tại hệ thống Ngân hàng thương mại của Nhà nước. Số dư trên tất cả các tài khoản tiền gửi của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Ngân hàng thương mại Nhà nước và Kho bạc Nhà nước được hưởng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn theo quy định của các ngân hàng thương mại của Nhà nước.

Chương 3:

CHI TRẢ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 10.

1. Bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện chi bảo hiểm xã hội đúng chế độ, chính sách của Nhà nước, kịp thời, đầy đủ cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Việc chi trả bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội các cấp trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho các đơn vị sử dụng lao động, các đại diện phường, xã, thị trấn thực hiện phải đảm bảo đúng nguyên tắc quản lý tài chính; các chứng từ chi phải hợp pháp, hợp lệ đúng quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ chứng từ kế toán.

3. Bảo hiểm xã hội các cấp có quyền từ chối chi trả bảo hiểm xã hội cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội khi có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi man trá, làm giả hồ sơ, tài liệu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; thực hiện ngay các biện pháp để thu hồi khoản tiền đã chi trả sai (nếu có), đồng thời thông báo cho các đương sự, đơn vị sử dụng lao động quản lý đối tượng đang làm việc hoặc chính quyền nơi đối tượng cư trú đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội để truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.

Điều 11. Ngân sách Nhà nước cấp đủ kinh phí để chi trả cho các đối tượng đang hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 1 tháng 1 năm 1995 bao gồm các khoản:

1. Lương hưu.

2. Trợ cấp mất sức lao động.

3. Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động và người phục vụ người bị tai nạn lao động, trang cấp dụng cụ cho người bị tai nạn lao động.

4. Trợ cấp bệnh nghề nghiệp.

5. Trợ cấp công nhân cao su.

6. Tiền tuất (định xuất cơ bản và nuôi dưỡng) và mai táng phí.

7. Tiền mua bảo hiểm y tế.

8. Lệ phí chi trả.

9. Các khoản chi khác (nếu có).

Điều 12. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đầy đủ các quy định về việc lập dự toán, sử dụng kinh phí và quyết toán kinh phí để chi trả cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội do Ngân sách Nhà nước bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và hướng dẫn của Chính Phủ và Bộ Tài chính về thực hiện việc cấp, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước.

Điều 13. Quỹ bảo hiểm xã hội sử dụng để chi trả cho các đối tượng được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 bao gồm các khoản:

1. Chi lương hưu (thường xuyên và một lần).

2. Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động và người phục vụ người bị tai nạn lao động, trang cấp dụng cụ cho người bị tai nạn lao động.

3. Chi trợ cấp ốm đau.

4. Chi trợ cấp thai sản.

5. Trợ cấp bệnh nghề nghiệp.

6. Tiền tuất (định xuất cơ bản và nuôi dưỡng) và mai táng phí.

7. Tiền mua bảo hiểm y tế.

8. Lệ phí chi trả.

9. Các khoản chi khác.

Chương 4:

CHI PHÍ QUẢN LÝ CỦA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Điều 14.

1. Chi phí quản lý thường xuyên của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội được tính bằng tỷ lệ % trên số thực thu bảo hiểm xã hội hàng năm (do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp). Trước mắt, chi phí quản lý được tính bằng tỷ lệ 6% trong 5 năm.

2. Chi phí quản lý của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước; ngoài ra những khoản chi tiêu đặc thù của ngành do Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.

3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm phân bổ chi phí quản lý bộ máy cho Bảo hiểm xã hội các cấp theo đúng định mức, tiêu chuẩn chế độ chi tiêu và nhiệm vụ được giao; bảo đảm nguyên tắc kinh phí phân bổ cho Bảo hiểm xã hội các cấp không được vượt so với tổng mức.

Điều 15.

1. Hàng năm, căn cứ vào tỷ lệ chi phí quản lý đã được duyệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập dự toán chi phí quản lý của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, gửi Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện chi, quyết toán và báo cáo tài chính theo chế độ kế toán bảo hiểm xã hội ban hành theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 16.

1. Kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Ngân sách Nhà nước cân đối cấp dần trong một số năm và một phần từ các khoản thu nhập do hoạt động bảo tồn giá trị và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội đem lại.

2. Khi tiến hành đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước cấp phát và nguồn vốn trích từ khoản lãi do đầu tư tăng trưởng quỹ đem lại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Chương 5:

HOẠT ĐỘNG BẢO TOÀN GIÁ TRỊ VÀ TĂNG TRƯỞNG QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 17.

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam được sử dụng tiền tạm thời nhàn rỗi của quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện các biện pháp bảo tồn giá trị và tăng trưởng. Việc dùng quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư phải bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, bảo toàn được giá trị và có hiệu quả kinh tế - xã hội.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện các biện pháp đầu tư để bảo tồn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội như:

- Mua trái phiếu, tín phiếu của Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng thương mại của Nhà nước.

- Cho vay đối với Ngân sách Nhà nước, Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, các Ngân hàng Thương mại của Nhà nước.

- Đầu tư vốn vào một số dự án và doanh nghiệp lớn của Nhà nước có nhu cầu về vốn được Thủ tướng Chính phủ cho phép và bảo trợ.

Điều 18. Tiền sinh lợi do hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội được phân bổ sử dụng như sau:

- Được trích 50% trong 5 năm để bổ sung vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của toàn hệ thống bảo hiểm xã hội.

- Trích 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 3 tháng lương thực tế toàn ngành.

- Phần còn lại bổ sung vào quỹ bảo hiểm xã hội để bảo toàn và tăng trưởng.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 20/1998/QĐ-TTg

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu20/1998/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành26/01/1998
Ngày hiệu lực01/01/1998
Ngày công báo20/03/1998
Số công báoSố 8
Lĩnh vựcBảo hiểm
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 20/1998/QĐ-TTg

Lược đồ Quyết định 20/1998/QĐ-TTg Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản sửa đổi, bổ sung

      Văn bản bị thay thế

        Văn bản hiện thời

        Quyết định 20/1998/QĐ-TTg Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam
        Loại văn bảnQuyết định
        Số hiệu20/1998/QĐ-TTg
        Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
        Người kýNguyễn Tấn Dũng
        Ngày ban hành26/01/1998
        Ngày hiệu lực01/01/1998
        Ngày công báo20/03/1998
        Số công báoSố 8
        Lĩnh vựcBảo hiểm
        Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
        Cập nhật16 năm trước

        Văn bản thay thế

          Văn bản được căn cứ

          Văn bản hợp nhất

            Văn bản gốc Quyết định 20/1998/QĐ-TTg Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam

            Lịch sử hiệu lực Quyết định 20/1998/QĐ-TTg Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam

            • 26/01/1998

              Văn bản được ban hành

              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

            • 20/03/1998

              Văn bản được đăng công báo

              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

            • 01/01/1998

              Văn bản có hiệu lực

              Trạng thái: Có hiệu lực