Quyết định 20/2011/QĐ-UBND

Quyết định 20/2011/QĐ-UBND về Đề án "Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015" do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành

Quyết định 20/2011/QĐ-UBND Đề án Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách đã được thay thế bởi Quyết định 460/QĐ-UBND 2018 danh mục văn bản hết hiệu lực của Hội đồng nhân dân Lâm Đồng và được áp dụng kể từ ngày 07/03/2018.

Nội dung toàn văn Quyết định 20/2011/QĐ-UBND Đề án Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/2011/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 12 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN "ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2015".

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế;
Theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 618/TTr-CT ngày 25 tháng 3 năm 2011;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015" trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2: Giao Cục trưởng Cục Thuế phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung Đề án "đổi mới công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3: Giám đốc các Sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc căn cứ vào tình hình thực tế và các định hướng về chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh và của từng địa phương có trách nhiệm phối hợp với ngành thuế chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015” thuộc phạm vi ngành và địa phương mình quản lý.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Huỳnh Đức Hòa

 

ĐỀ ÁN

“ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2015”.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ, TĂNG TỐC THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2010”

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ VIII - nhiệm kỳ 2006-2010 và Đề án “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, tăng tốc thu ngân sách Nhà nước tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010” của UBND Tỉnh Lâm Đồng ban hành theo Quyết định số 40/2006/QĐ-UBND ngày 06/7/2006, công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn trong 5 năm qua đã đạt được những kết quả đáng kể, tốc độ thu bình quân tăng khá.

Đạt được kết quả đó, là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự phối hợp chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Tài chính -Tổng cục Thuế; sự nỗ lực của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, của các tổ chức, cá nhân nộp thuế, đặc biệt là sự phấn đấu của ngành Tài chính - Thuế từ tỉnh đến cơ sở trong những năm qua.

I. Đặc điểm tình hình chung.

Đề án “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, tăng tốc thu ngân sách Nhà nước tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010” triển khai thực hiện trong điều kiện nền kinh tế còn có nhiều khó khăn như: thiên tai, dịch cúm gia cầm, dịch bệnh trên cây trồng, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có biến động mạnh làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sự khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước và sự phát triển kinh tế tại địa phương. Bên cạnh những khó khăn việc triển khai, thực hiện Đề án có những thuận lợi cơ bản, đó là:

- Nghị quyết Đại Hội Tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2006-2010 đã đề ra các chỉ tiêu định hướng về tăng trưởng, phát triển kinh tế, các giải pháp, cơ chế thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ.

- Tình hình kinh tế xã hội của tỉnh qua các năm tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt khá. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của giai đoạn 2006-2010 đạt 14%, đạt mục tiêu đề ra là tăng bình quân từ 13-14%/năm.

- Luật NSNN, các Luật thuế (GTGT, TNDN, ...), Luật Quản lý thuế năm 2006, các chế độ thu về tài chính, thuế, phí và các văn bản pháp quy hướng dẫn được Nhà nước sửa đổi, bổ sung kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

- Chương trình cải cách thủ tục hành chính và cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2006-2010 theo kế hoạch của Chính phủ đã được triển khai thực hiện kịp thời tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và người nộp thuế trong việc giao dịch hành chính và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

II. Kết quả đạt được.

Tổng thu NSNN trên địa bàn 5 năm đạt 11.693,4 tỷ đồng (KH 10.750-11.050 tỷ đồng), tốc độ tăng thu đạt 23,5%/năm, tỷ lệ huy động so với GDP đạt 14,3%, trong đó huy động thuế phí vào ngân sách đạt 7,6%/GDP (KH 12-13%), so với dự toán HĐND và UBND tỉnh giao đạt 105%.

Đối chiếu với mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ VIII và mục tiêu Đề án thì trong 5 năm (2006-2010) thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đảm bảo mục tiêu nghị quyết đề ra, thu ngân sách Nhà nước năm sau có tốc độ tăng hơn năm trước. Cụ thể số thu ngân sách trong giai đoạn:

- Năm 2006 thực hiện 1.474 tỷ đồng (tăng 22,5% so với năm 2005).

- Năm 2007 là 1.859,5 tỷ đồng (tăng 26,2% so với năm 2006).

- Năm 2008 là 2.212,5 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2007).

- Năm 2009 là 2.689,4 tỷ đồng (tăng 21,5% so với năm 2008).

- Năm 2010 là 3.458,4 tỷ đồng (tăng 28,6% so với năm 2009).

Trong đó về thuế phí:

- Năm 2006 thực hiện 834 tỷ đồng (tăng 11,3% so với năm 2005).

- Năm 2007 là 1.057 tỷ đồng (tăng 26,1% so với năm 2006).

- Năm 2008 là 1.308 tỷ đồng (tăng 23,8% so với năm 2007).

- Năm 2009 là 1.379,6 tỷ đồng (tăng 5,5% so với năm 2008).

- Năm 2010 là 1.644 tỷ đồng (tăng 28,6% so với năm 2009).

III. Một số tồn tại trong công tác triển khai thực hiện Đề án.

1. Tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều hoàn thành vượt mức dự toán và tăng trưởng so cùng kỳ, nhưng số thu về thuế, phí chưa đảm bảo mục tiêu Nghị quyết đề ra, tình trạng thất thu thuế, phí vẫn còn xảy ra, chưa có biện pháp khắc phục.

2. Một bộ phận cán bộ công chức thuế trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, trách nhiệm chính trị và ý thức kỷ luật chưa cao; phẩm chất đạo đức người cán bộ thuế chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

3. Vẫn còn một số tổ chức, cá nhân thực hiện cơ chế tự khai-tự tính-tự nộp thuế khi kê khai thuế với ý thức tuân thủ Pháp luật chưa cao, còn cố ý trốn thuế, gian lận về thuế và tìm đủ mọi cách để giảm số thuế phải nộp, để nợ đọng thuế dây dưa kéo dài.

IV. Nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm.

1. Nguyên nhân:

- Ảnh hưởng sau suy giảm kinh tế, tình hình hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân; dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và do tác động yếu tố chính sánh như giảm, giản thuế làm giảm thu NSNN.

- Thực hiện chủ trương thu hút dự án đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành các quy định thực hiện môi trường đầu tư của tỉnh thông thoáng và có sự phối hợp của các ngành địa phương có tiến bộ, chặt chẽ hơn. Song trong thực tế vẫn còn một số khâu giải quyết còn chậm và chưa được đồng bộ nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác giao đất cho các nhà đầu tư chưa kịp thời, nhiều dự án chậm triển khai hoặc thực hiện không đúng tiến độ nên ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách Nhà nước.

- Việc phân cấp quản lý nguồn thu và Ủy nhiệm thu cho xã, phường, thị trấn đã được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhưng một số nguồn thu và tỷ lệ điều tiết chưa thật phù hợp, nên chưa thật sự khuyến khích Ủy nhiệm thu của xã, phường, thị trấn.

- Sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương liên quan đến công tác thu ngân sách, trên một số lĩnh vực có lúc chưa kịp thời, đồng bộ dẫn đến việc thu thập, trao đổi, xử lý thông tin chưa tập trung, chưa thống nhất, kết quả chưa cao; một số địa phương triển khai, chỉ đạo, điều hành công tác thu ngân sách có mặt còn hạn chế.

- Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, có số thu thuế chiếm tỷ trọng lớn đang gặp khó khăn về tài chính, tình trạng chậm và không thanh toán được công nợ với nhau gia tăng nên sản xuất, kinh doanh cầm chừng hoặc dừng kinh doanh; một số dự án dự kiến có số thu lớn triển khai chậm.

- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm chính trị tại một số Chi cục Thuế chưa được quan tâm đúng mức.

2. Những bài học kinh nghiệm.

- Cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, đòan thể các cấp phải xác định nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước là của địa phương mình, ngành mình, từ đó thực hiện việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả cùng với cơ quan thuế.

- Phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý các nguồn thu tránh được chồng chéo giữa các cấp, nhất là cấp huyện, thành phố và Ủy nhiêm thu cho UBND xã, phường, thị trấn; gắn quản lý thu ngân sách Nhà nước với quản lý kinh tế xã hội trên địa bàn nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp; thời gian thực hiện phân cấp phải phù hợp với thời kỳ ổn định ngân sách tại địa phương, trên cơ sở tăng tỷ lệ điều tiết cho cơ sở nhằm hạn chế việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới;

- Việc phân cấp quản lý nguồn thu phải gắn với tỷ lệ điều tiết ngân sách từng cấp để các địa phương chủ động khai thác mọi nguồn thu, thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích các địa phương phấn đấu vượt thu để có thêm nguồn vốn chi đầu tư phát triển; kịp thời khen thưởng động viên các cơ quan khai thác nguồn thu mới phát sinh, chống thất thu ngân sách có hiệu quả góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

- Xây dựng và triển khai thực hiện quản lý thuế theo các chuyên đề để tập trung quản lý vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm nhằm khai thác tốt nguồn thu chủ yếu, các nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách.

PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. Mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thu ngân sách Nhà nước từng năm trong giai đoạn 2011-2015.

1. Mục tiêu

- Làm cơ sở để ngành thuế, các ngành, các cấp và các địa phương trong tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN giai đoạn 2011-2015, đảm bảo số thu ngân sách về tổng thể, về tỷ trong các khoản thu và tốc độ thu không thấp hơn chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

- Phân cấp rõ nguồn thu, tránh chồng chéo nhiệm vụ thu của các cơ quan thuộc tỉnh và nhiệm vụ thu của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã; xác định tỷ lệ điều tiết hợp lý, để các địa phương chủ động khai thác nguồn thu, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; phấn đấu đến cuối năm 2015 các nguồn thu đều được phân cấp cho cấp huyện, cấp xã quản lý và thực hiện thu.

- Tập trung các giải pháp thu đối với các khoản thu lớn, các khoản thu có dấu hiệu thất thu ngân sách để tổ chức thu đúng, thu đủ vào ngân sách Nhà nước đồng thời tạo sự bình đẳng trong thu nộp ngân sách giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, phí.

- Tạo điều kiện cho cơ quan chức năng, các đoàn thể và nhân dân thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các đối tượng nộp thuế và các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thu ngân sách.

2. Nhiệm vụ.

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 15% - 16%, tỷ lệ huy động tổng thu ngân sách trên GDP đạt từ 13,8% - 14,3 %. Trong đó thuế phí từ 8,9% - 9,3%. Tổng thu NSNN trên địa bàn 5 năm 2011-2015 đạt và vượt 29.800 -30.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt từ 20% đến 21%, tỷ lệ huy động trên GDP đạt từ 13,8% đến 14%; trong đó thu thuế, phí đạt 19.200 – 19.700 tỷ đồng, tỷ trọng thuế phí trong tổng thu NSNN đạt từ 60% đến 62%; đến năm 2015 thu ngân sách Nhà nước đạt từ 8.760 tỷ đồng trở lên, hơn 2,5 lần năm 2010.

3. Lộ trình thu ngân sách Nhà nước phân kỳ qua từng năm.

3.1. Năm 2011 dự toán thu là: 3.800 tỷ đồng, Trong đó: Thuế phí thu 2.150 tỷ đồng, so năm trước tổng thu tăng 9,9%, thuế phí tăng 30,8%; Các khoản thu từ đất nhà 602 tỷ, hải quan thu 390 tỷ và tài chính thu 453 tỷ.

- GDP năm 2011 dự kiến là 28.465 tỷ đồng, tăng 21,5% so năm 2010. Tỷ lệ huy động thu ngân sách Nhà nước trên GDP là 13,3%, trong đó nhiệm vụ huy động thuế phí đạt 7,5% so với GDP.

- Thuế phí chiếm tỷ trọng 56,6% trong tổng thu NSNN.

3.2. Năm 2012 dự toán thu là: 4.548 tỷ đồng tăng 19,7% so với năm trước Trong đó: Thuế phí thu 2.747 tỷ đồng tăng 27,8%.

- GDP năm 2012 dự kiến là 34.750 tỷ đồng, tăng 22,1% so năm 2011. Tỷ lệ huy động tổng thu NSNN trên GDP 13,1%, trong đó thuế phí đạt 7,9% so với GDP.

- Thuế phí chiếm 60,4% trong tổng thu NSNN.

3.3. Năm 2013 dự toán thu là: 5.780 tỷ đồng tăng 27,1% so với năm trước, Trong đó: Thuế phí thu 3.765 tỷ đồng tăng 37%.

- GDP năm 2013 dự kiến là 42.070 tỷ đồng, tăng 21,1% so năm 2012. Tỷ lệ huy động tổng thu NSNN trên GDP 13,7%, trong đó thuế phí đạt 8,9% so với GDP.

- Thuế phí chiếm 65,1% trong tổng thu NSNN.

3.4. Năm 2014 dự toán thu là: 7.210 tỷ đồng tăng 24,7% so với năm trước, Trong đó: Thuế phí thu 4.817 tỷ đồng tăng 27,9%.

- GDP năm 2014 dự kiến là 50.560 tỷ đồng, tăng 20,2% so năm 2013. Tỷ lệ huy động tổng thu NSNN trên GDP 14,2%, trong đó thuế phí đạt 9,5% so với GDP.

- Tỷ trọng thuế phí chiếm 66,8% trong tổng thu NSNN.

3.5. Năm 2015 là năm cuối nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, năm phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Nghị quyết của Đại hội đã đề ra, đồng thời cũng là năm mà nhiều công trình, dự án lớn của Tỉnh chính thức đi vào hoạt động, có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, do đó có thể nhận định đây sẽ là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như thu ngân sách tăng cao nhất của cả giai đoạn. Trước nhận định đó, dự kiến thu ngân sách năm 2015 như sau:

- Tổng thu đạt từ 8.760 đến 9.162 tỷ đồng tăng từ 21,4,4% đến 27,1%, Trong đó: Thuế phí thu từ 5.720 đến 6.220 tỷ đồng tăng từ 19% đến 29%.

+ GDP năm 2015 dự kiến đạt 60.415 tỷ đồng, tăng từ 19,5% so năm 2014. Tỷ lệ huy động tổng thu NSNN trên GDP đạt từ 13,5% đến 14%, trong đó thuế phí đạt từ 8,9% đến 9,3% so với GDP.

+ Thuế phí chiếm từ 67,6% đến 67,8% trong tổng thu NSNN.

(Phân kỳ chi tiết thu NSNN giai đoạn 2011-2015 và chi tiết nhiệm vụ thu NSNN theo địa bàn có phụ biểu 01 và phụ biểu 02 kèm theo)

II. Giải pháp thực hiện Đề án.

1. Tập trung vào các khâu chủ yếu có tác động, ảnh hưởng lớn đến quản lý thu ngân sách Nhà nước.

1.1. Triển khai pháp luật thuế, chế độ chính sách quản lý thu; mở rộng và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, hỗ trợ Người nộp thuế:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế: Thường xuyên phổ biến chính sách pháp luật thuế; thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế nâng cao tính tự giác, ý thức tuân thủ pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuyên dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, lên án mạnh mẽ các hành vi gian lận, trốn thuế để nợ đọng thuế, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trong công tác thuế.

- Chủ động phối hợp đồng bộ với các cấp, các ngành, từng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền có tính giáo dục, thuyết phục cao và hướng trọng tâm vào cộng đồng dân cư, tuyên truyền trong hệ thống trường học phổ thông để thực hiện tốt Luật Quản lý thuế và các Luật thuế, chế độ thu nộp ngân sách Nhà nước, về tiến trình cải cách, hiện đại hoá ngành thuế.

- Thực hiện tuyên truyền, giáo dục về thuế bằng nhiều hình thức phong phú và có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của đối tượng nộp thuế; Áp dụng các hình thức dịch vụ hỗ trợ về thuế cho người nộp thuế; khuyến khích và phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tư vấn thuế, kế toán thuế. Xây dựng trung tâm hỗ trợ người nộp thuế qua điện thoại.

- Làm tốt công tác chuẩn bị triển khai các Luật thuế mới: Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật thuế bảo vệ môi trường, đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế theo quy chế đã ban hành; nâng cao chất lượng trang điện tử của ngành thuế có đầy đủ thông tin, chính xác, dễ truy cập đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa”, tinh thần phục vụ, hỗ trợ người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế đăng ký, mở rộng các hoạt động kinh doanh trên địa bàn nhằm thu hút nguồn thu ngân sách địa phương.

- Về lực lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền, hỗ trợ phải đảm bảo 6% tổng số CBCC của Ngành

1.2. Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy trình quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính thuế:

- Về nghiệp vụ quản lý thuế: Rà soát, hoàn thiện các quy trình quản lý thuế theo cơ chế tự khai - tự nộp thuế; xây dựng sổ tay nghiệp vụ của các chức năng quản lý thuế.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính thuế theo hướng hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát được tất cả các đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, hạn chế thất thu thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu vào Ngân sách Nhà nước.

- Thực hiện nghiêm túc các thủ tục hành chính thuế và duy trì tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong việc giải quyết các thủ tục hành chính thuế tại các đơn vị đã được công nhận và đăng ký phấn đấu được công nhận đối với các đơn vị trong hệ thống ngành thuế chưa triển khai.

1.3. Đẩy mạnh ứng dụng tin học phục vụ cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế:

- Xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT ngành Thuế giai đoạn 2011-2015 nhằm mục tiêu hướng tới thực hiện hệ thống thuế điện tử và Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng, minh bạch và phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao với hệ thống thông tin điện tử ngành Tài chính và phát huy được toàn bộ nguồn lực và tính chủ động của các đơn vị từ Tổng cục đến các Chi cục thuế. Đồng thời kế thừa kết quả ứng dụng CNTT đã đạt được trong các giai đoạn trước và có biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém phát sinh. Hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn, quy trình về quản lý ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực ứng dụng CNTT.

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý thuế, gắn chặt với quá trình cải cách hành chính thuế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thuế, thực hiện minh bạch hoá thủ tục thuế phục vụ người nộp thuế và doanh nghiệp tốt hơn, chất lượng hơn.

+ Đến năm 2015, hệ thống ứng dụng của ngành Thuế phải được tích hợp và chuyển đổi toàn diện sang mô hình xử lý tập trung hiện đại, đáp ứng việc điện tử hóa và liên kết chặt chẽ toàn bộ các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế các sắc thuế, đặc biệt với hệ thống TAMIS của Kho bạc.

+ Tổ chức tiếp nhận, triển khai và duy trì tốt hệ thống mạng, hạ tầng truyền thông, các ứng dụng phục vụ công tác quản lý thuế, quản lý hành chính và hỗ trợ người nộp thuế, đẩy mạnh công tác hỗ trợ sử dụng các ứng dụng sau triển khai. Tập trung triển khai hệ thống ứng dụng Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Quản lý hoá đơn tự in, Dự án hiện đại hoá công tác thu nộp (kết nối Thuế - Kho bạc - Tài chính - Hải quan) cho 11/12 Chi cục thuế còn lại…

2. Tập trung công tác thanh tra, kiểm tra thuế chống thất thu ngân sách.

Xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, phân loại doanh nghiệp để lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra. Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra cho các đơn vị và tập trung thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp sau:

- Các doanh nghiệp lớn hoạt động kinh doanh đa ngành, đa nghề và có nhiều chi nhánh, cửa hàng tại các địa phương.

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lỗ nhiều năm nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc phạm vi kinh doanh rộng nhưng có số nộp thuế ít, các đơn vị thuộc diện miễn thuế TNDN năm đầu tiên.

- Các doanh nghiệp ngành xây dựng, kinh doanh xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh doanh bất động sản.

- Các doanh nghiệp đã được hoàn thuế từ 3-5 kỳ trở lên, nhất là doanh nghiệp có số thuế hoàn lớn và liên tục nhiều kỳ trong năm.

- Các cơ sở kinh doanh xe ôtô, xe hai bánh gắn máy ghi giá bán xe ôtô, xe hai bánh gắn máy trên hóa đơn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường để tiến hành xử lý theo pháp luật.

- Chú trọng đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết nhằm hạn chế tối đa hoạt động chuyển giá và xác định giá thị trường làm căn cứ kê khai xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp FDI giám sát, xác định định mức chi phí thực tế có liên quan đến hạch toán giá thành sản phẩm, từ đó xác định doanh thu chịu thuế.

- Đối với lĩnh vực thủy điện và các dự án đầu tư mới, các dự án trọng điểm theo dõi tiến độ đầu tư và kê khai thuế để phối hợp quản lý thu thuế kịp thời.

- Đối với lĩnh vực XDCB và XD vãng lai cần tập trung rà soát, đối chiếu tiến độ hoàn thành bàn giao, phối hợp với các sở, ban ngành, ban quản lý dự án và các chủ đầu tư để nắm và thống kê các công trình mới có kế hoạch thu đúng theo tiến độ hoàn thành bàn giao hoặc tiến độ giải ngân.

3. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở trong quản lý nguồn thu ngân sách Nhà nước.

3.1. Thực hiện phân cấp quản lý nguồn thu, phát huy tính sáng tạo, tự chủ, trách nhiệm của các cấp ngân sách:

Tiếp tục thực hiện phân cấp rõ ràng phạm vi, đối tượng quản lý, kiểm tra giữa Cục và Chi cục để không chồng chéo; xây dựng Đề án phân cấp quản lý thu ngân sách giữa các cấp trong ngành thuế, trước mắt trong năm 2011 thí điểm phân cấp quản lý thu ngân sách toàn diện trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng; tiếp tục nhân rộng phân cấp toàn diện công tác thu ngân sách đối với tất cả các địa bàn huyện, thành phố còn lại từ năm 2012 và những năm tiếp theo.

3.2. Triển khai công tác kê khai thuế, nộp thuế:

Nhằm tiếp tục hỗ trợ, giúp người nộp thuế thực hiện cơ chế tự khai - tự tính - tự nộp thuế giai đoạn 2011-2015, theo theo lộ trình của ngành.

- Kê khai thuế qua mạng: Từ năm 2011 triển khai hệ thống nộp hồ sơ khai thuế qua mạng nhằm thực hiện một trong những khâu quản lý thu thuế theo cơ chế “doanh nghiệp tự kê khai và tự nộp thuế vào NSNN”, qua đó tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân hoạt động SX-KD-DV, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân nộp thuế về kết quả sản xuất kinh doanh và tự giác thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước; đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý thu thuế hiện đại, nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá việc kê khai thuế qua mạng.

- Triển khai phối hợp thu Ngân sách với các ngân hàng thương mại: Để nâng cao hiệu quả quản lý thu NSNN theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế trên cơ sở dự án hiện đại hoá thu NSNN của ngành thuế; thực hiện việc mở tài khoản chuyên thu NSNN tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính đơn giản hoá và giảm thiểu thời gian, thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế; đồng thời nâng cao tính hiệu quả, đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng trong việc thực hiện cơ chế tự khai - tự nộp thuế vào NSNN thông qua ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế giao dịch để thực hiện nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân nộp thuế.

- Đối với hộ kinh doanh cá thể: Đối với hộ kinh doanh có môn bài bậc 1, bậc 2 và một phần bậc 3: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ và chuyển nộp thuế theo kê khai. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ và kiểm tra có tính quyết định đến chất lượng quản lý hộ nộp thuế theo kê khai và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để chuyển dần thực hiện cơ chế “ tự khai - tự nộp ”.

Đối với hộ nộp thuế ổn định: Thực hiện kê khai cả năm và nộp thuế hàng quý trực tiếp vào KBNN hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng theo lộ trình của ngành thuế và theo đề án uỷ nhiệm thu; cơ quan thuế quản lý lập bộ thuế, thực hiện công khai doanh thu, mức thuế đối với hộ kinh doanh khoán ổn định thuế đúng qui trình quản lý.

4. Phát huy có hiệu quả tính cưỡng chế, chế tài của các luật thuế, tăng cường trật tự kỷ cương trong và ngoài ngành thuế:

Đối với ngành thuế: Từng đơn vị, CBCC thuế phải thực hiện đầy đủ các chính sách thuế hiện hành, các quy trình quản lý, quy chế của ngành; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm (nếu có) phải xử lý nghiêm minh.

Đối với tổ chức, cá nhân nộp thuế: Phải tự giác chấp hành các quy định về kê khai thuế, nộp thuế đầy đủ số thuế thực tế phát sinh, kịp thời nộp vào NSNN; các trường hợp kê khai có dấu hiệu gian lận về thuế, gian lận thương mại, chậm nộp thuế theo quy định, nợ thuế dây dưa kéo dài, không chấp hành các lệnh thu nộp thuế, lệnh phạt về thuế.... thì phải bị xử lý các biện pháp chế tài và cưỡng chế về thuế theo quy định của pháp luật.

5. Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ công chức ngành thuế.

5.1. Củng cố tổ chức bộ máy:

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy thu ngân sách, đăc biệt là các phòng của Cục Thuế, tổ chức các đội thuế thuộc Chi cục Thuế các huyện thành phố theo mô hình chức năng; bố trí phân công cán bộ hợp lý giữa các đơn vị trong ngành và giữa các bộ phận trong từng đơn vị, với quy mô biên chế hiện tại để tăng cường cán bộ cho công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo từ 25-30% tổng số CBCC.

Nâng cao hiệu lực quản lý và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức thuế theo đúng quy định chức năng, nhiệm vụ nhằm bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thu ngân sách, đảm bảo bộ máy thường xuyên được kiện toàn và hoạt động tốt hơn, gọn nhẹ hơn, hiệu quả quản lý thuế tốt hơn và đúng theo chiến lược cải cách hệ thống thuế. Thực hiện tốt việc đề bạt bổ nhiệm, luân phiên, luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác trong đơn vị, ngành đồng thời gắn với xây dựng lực lượng và đào tạo cán bộ toàn Ngành.

Tiếp tục củng cố và hình thành các Đội thuế liên xã, phường tập trung quản lý hộ trực tiếp 1 và hộ trực tiếp 2 và kiểm tra việc thu thuế các hộ khoán thuế ổn định do ủy nhiệm thu các phường, xã thực hiện, số cán bộ biên chế dôi ra do sắp xếp lại sẽ tập trung vào chức năng kiểm tra thuế và kiểm tra nội bộ cùng một số bộ phận thiếu nhân sự. Tăng cường cán bộ có năng lực vào các khâu: thanh kiểm tra; tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế; kê khai, kế toán thuế.

5.2. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức cán bộ:

Có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ nghiệp vụ thuế, tin học đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2015 có 2% đạt trình độ sau Đại học, trên 80% có trình độ đại học và cao đẳng về chuyên môn; có 100 % cán bộ sử dụng máy vi tính trong công tác quản lý thuế; CBCC được bố trí ở vị trí thường xuyên tiếp xúc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải hiểu biết thông thạo ít nhất một ngoại ngữ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; ngoài ra có nhiều hình thức phối hợp để tập trung đào tạo về lý luận chính trị, phấn đấu đến năm 2015 có từ 60% - 70% Đảng viên là lãnh đạo các cấp có trình độ cử nhân và cao cấp chính trị.

Bên cạnh đó phải thường xuyên tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm chính trị và phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thuế, thực hiện nghiêm 10 điều kỷ luật của ngành; có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, kiến thức quốc phòng, thường xuyên cập nhật chính sách thuế, nghiệp vụ quản lý thuế, ứng dụng tin học, ngoại ngữ, và phong cách ứng xử của người cán bộ thuế;

6. Phát huy sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước.

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước là trách nhiệm của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương, do đó việc phối hợp giũa các cấp trong công tác thu ngân sách thể hiện ở một số lĩnh vực sau:

- Các cấp ủy Đảng phải xác định nhiệm vụ thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thường xuyên chỉ đạo và theo dỏi công tác thu ngân sách trên địa bàn.

- Ngành thuế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, Ban Tuyên giáo, hệ thống giáo dục... để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức về thuế cho tổ chức, cá nhân nộp thuế và nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi để thực hiện tốt pháp luật về thuế, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp đồng thuận; tạo môi trường quản lý và thu thuế lành mạnh; cùng xử lý kịp thời những vướng mắc trong quá trình quản lý thu, đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý kinh tế và ngân sách của chính quyền các cấp; đồng thời đẩy nhanh quá trình xã hội hóa công tác thuế, đặc biệt là công khai minh bạch thủ tục hành chính, qui trình quản lý thuế để nhân dân tham gia giám sát, đóng góp cho ngành thuế về công tác quản lý thu theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; gắn công tác vận động thu - nộp thuế với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hoá.

- Hàng năm tổ chức hội nghị kịp thời tôn vinh các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời phê phán nghiêm khắc và kiên quyết xử lý các hành vi gian lận thuế.

7. Đẩy mạnh phát động phong trào thi đua, khen thưởng hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế.

Thường xuyên phát động phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Có chỉ tiêu nội dung thi đua cụ thể sau mỗi đợt thi đua, cần kịp thời tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế.

Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp công tác; thi đua thực hành tiết kiệm, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

8. Cơ chế trích thưởng về kết quả thu ngân sách Nhà nước.

Các cấp ngân sách (huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn) quản lý và khai thác tốt nguồn thu, phấn đấu thu vượt dự toán được giao, phần vượt dự toán sẽ được xem xét để bổ sung cho ngân sách cấp đó để tăng nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội theo quy định của Chính phủ.

III. Trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án của Ngành Tài chính, Kho bạc, Thuế, Hải quan, UBND huyện, thành phố và các Sở, ngành trong tỉnh.

1. Đối với cơ quan Tài chính, Kho bạc, Thuế, Hải quan.

Tổ chức học tập quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và Quyết định của UBND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội hàng năm nhằm nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ đảng viên, công chức trong đơn vị và xây dựng ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện giao dự toán thu cho các đơn vị, bộ phận ngay từ đầu năm, có phân lộ trình thu hàng quý và giao nhiệm vụ thu hàng tháng đối với các đơn vị trực thuộc quản lý thực hiện.

1.1 Đối với ngành thuế:

- Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ và UBND các cấp trong công tác thu ngân sách: Phối hợp đồng bộ với các ngành, tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn ngay từ đầu năm.

- Phối hợp với UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên: Tổ chức sơ kết quy chế phối hợp giữa Cục Thuế và UBMTTQ tỉnh, sơ kết thi đua và có kế hoạch phát động thi đua để triển khai ra quân vận động nhân dân nộp thuế nhà đất ngay từ đầu năm, có kế hoạch phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh trong công tác vận động thu nộp thuế ở địa bàn dân cư.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế: Tập trung thu thập dữ liệu, sàng lọc, phân tích kỹ các thông tin để đánh giá mức độ tuân thủ, từ đó lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra; Tập trung thanh tra, kiểm tra vào những địa bàn, một số ngành nghề, lĩnh vực trong điểm. Xử lý kịp thời, đúng luật những doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm nhằm mục đích trốn lậu thuế; ngoài xử phạt vi phạm hành chính phải tiến hành ấn định số thuế phải nộp và đôn đốc thu các khoản tiền thuế, tiền phạt sau thanh, kiểm tra vào ngân sách đúng thời gian quy định của pháp luật.

- Tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế: Triển khai thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ hàng năm theo chỉ đạo của ngành thuế, đảm bảo tỷ lệ dưới 4% so với tổng thu ngân sách; thực hiện việc phân loại nợ và phân tích cụ thể nguyên nhân nợ đến từng doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các chuyên đề quản lý thuế: Tiếp tục thực hiện đề án quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp ĐTNN sản xuất kinh doanh chế biến trà và nhân rộng ra các doanh nghiệp khác có sản xuất kinh doanh chế biến trà; triển khai thực hiện các đề án thu theo ngành; tập trung thực hiện đề án phân cấp quản lý thu ngân sách trên địa bàn huyện Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc.

- Tập trung triển khai các chính sách thuế mới theo quy định; đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hóa ngành thế, trong đó chu trọng công tác tin học hóa trong quản lý thu ngân sách.

- Phát động phong trào thi đua với mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung thi đua cụ thể, sát thực tế yêu cầu nhiệm vụ; có phát động thi đua cả năm và hàng quý, thi đua theo các chuyên đề, đồng thời sau mỗi đợt thi đua cần có sơ tổng kết, động viên khen thưởng kịp thời.

1.2. Đối với cơ quan tài chính các cấp:

- Tham mưu với UBND các cấp trong xây dựng, điều hành thu ngân sách hàng năm và cả giai đoạn; thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt giá các khoản thu về đất, thu lệ phí theo quy định của pháp luật;

- Đôn đốc các ngành liên quan để thu hoặc ghi thu ghi chi kịp thời vào ngân sách các khoản thu khác và thu biện pháp tài chính đảm bảo đúng tiến độ và đúng luật.

1.3. Chi cục Hải quan Đà Lạt bám sát kế hoạch của UBND Tỉnh Lâm Đồng, Cục Hải quan Đắk Lắk về nội dung, đối tượng cần tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phối hợp với cơ quan chức năng nắm bắt hiệu quả về hoạt động kinh doanh của các dự án để có biện pháp kiểm tra ngăn chặn các trường hợp gian lận qua giá tính thuế, chuyển giá.

1.4. Kho bạc Nhà nước có kế hoạch phối hợp quản lý thu về thuế trong nhiệm vụ thực hiện kiểm soát chi như thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, thu các khoản phí, thu sự nghiệp..; phối hợp triển khai thực hiện Dự án kê khai thuế qua mạng và nộp thuế qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng theo tiến độ triển khai của ngành nhằm tập trung nhanh chóng các khoản thu vào NSNN.

2. Đối với UBND huyện, thành phố.

- UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và quyết định của UBND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ đảng viên, công chức xây dựng ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách được giao của địa phương mình.

- Báo cáo cấp ủy để huy động hệ thống chính trị cùng thực hiện công tác quản lý và thu ngân sách trên địa bàn quản lý; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện thu ngân sách từng tháng, quý, năm; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện để các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn thực hiện đúng tiến độ sớm đưa vào vận hành, khai thác; phân công, phân cấp cho UBND xã, phường, thị trấn, cơ quan Tài chính, Thuế, .... quản lý tận gốc các khoản thu, chú trọng các nguồn thu về thuế, phí, lệ phí, các khoản thu từ đất, nhà;

3. Đối với các sở, ngành có liên quan.

3.1. Sở Kế hoach và Đầu tư:

- Phối hợp với cơ quan thuế duy trì thực hiện đồng bộ trong việc kết nối thông tin đăng ký mã số thuế đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thuế giao dịch nhận từ Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư theo chủ trương của Chính phủ về việc đăng ký Doanh nghiệp và thường xuyên rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, đơn vị ngưng, nghỉ kinh doanh để quản lý thuế chặt chẽ.

- Phối hợp với cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế để quản lý thuế đối với các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách,

3.2. Sở Tài nguyên - Môi trường:

- Tổng rà soát hồ sơ kê khai tiền thuê mặt đất, thuê mặt nước và lập bộ tiền thuê đất từ năm 2010 trở về trước để làm cơ sở lập bộ các năm tiếp theo; thực hiện kê khai hoặc điều chỉnh đơn giá thuê đất theo đúng quy định.

- Thường xuyên kiểm tra và tổ chức kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế có hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; phối hợp với các cơ quan thuế trong việc thu thuế các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản.

3.3. Sở Công Thương: Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp với Cục Thuế có hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kết hợp kiểm tra giá và kiểm tra thuế kết hợp kiểm tra hóa đơn để ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại,...

3.4. Sở Xây dựng: Phối hợp với cơ quan thuế để quản lý thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định.

3.5. Đối với Sở Tư pháp: Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh trong việc tuyên truyền, phố biến pháp luật thuế và tổ chức thực hiện bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ.

3.6. Công an tỉnh:

- Rà soát để tổ chức sơ kết và sửa đổi bổ sung quy chế phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra ngăn ngừa, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật thuế, đặc biệt là các hành vi tội phạm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

- Chỉ đạo công an các huyện và thành phố: Phối hợp chặt chẽ trong công tác chống thất thu trên mọi lĩnh vực, tiến hành rà soát, chọn lọc những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn gian lận, trốn thuế để lập kế hoạch phối hợp kiểm tra; chọn những trường hợp nợ đọng thuế lớn, kéo dài, các trường hợp cố tình không chấp hành quyết định xử lý, xử phạt VPHC của cơ quan thuế để phối hợp cưỡng chế nợ thuế.

IV. Tổ chức thực hiện.

1. Quán triệt công tác thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các Sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở; các ngành, các cấp phải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác quản lý và thu thuế trong Đề án này để tổ chức thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu thu ngân sách mà Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX đã đề ra.

2. Đề nghị UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt nghĩa vụ nộp Ngân sách khi có kinh doanh và nộp thuế nhà đất năm 2011 và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp các năm tiếp theo.

3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đề án, nếu có các quy định mới về công tác quản lý thu Ngân sách Nhà nước của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì Đề án “Đổi mới công tác quản lý thu Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015” sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

4. Định kỳ 6 tháng và hàng năm Cục Thuế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả thực hiện đề án này./-

Phụ biểu số 01

TỔNG THU NSNN GIAI ĐOẠN 2006-2010 VÀ GIAI ĐOẠN 2011-2015

ĐVT: Tỷ đồng

Năm

GDP

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm(%)

Tổng thu NSNN

Tốc độ tăng trưởng thu NS (%)

% thu NS so GDP

Tỷ trọng thuế phí so tổng thu NS (%)

Tổng

Trong đó Thuế phí

Tổng

Trong đó Thuế phí

Tổng

Trong đó Thuế phí

2006

9.330,7

126,74

1.474,0

834,0

122,46

111,27

15,80

8,94

56,58

2007

12.548,0

134,48

1.859,5

1.057,0

126,15

126,74

14,82

8,42

56,84

2008

16.321,3

130,07

2.212,5

1.308,0

118,98

123,75

13,56

8,01

59,12

2009

19.950,9

122,24

2.689,4

1.379,6

121,55

105,47

13,48

6,91

51,30

2010

23.415,9

117,37

3.458,0

1.644,0

128,58

119,16

14,77

7,02

47,54

2006-2010

81.566,8

126,04

11.693,4

6.222,6

123,50

117,01

14,34

7,63

53,21

2011

28.465,0

121,56

3.800,0

2.150,0

109,89

130,78

13,35

7,55

56,58

2012

34.750,0

122,08

4.548,0

2.747,8

119,68

127,80

13,09

7,91

60,42

2013

42.070,0

121,06

5.780,0

3.765,0

127,09

137,02

13,74

8,95

65,14

2014

50.560,0

120,18

7.210,0

4.817,2

124,74

127,95

14,26

9,53

66,81

2015

60.415,0

119,49

 8.760-9.162

5.720-6.220

121,4 -127

120-130

14-15,2

9,47 - 10,3

 67,6-68

2011-2015

216.260

120,87

29.800 – 30.500

 19.200 -19.700

120 -122

1,28-130

14,00

8,9 - 9,3

64,4-65

 

Phụ biểu số 2

TỔNG THU NSNN GIAI ĐOẠN 2011-2015 TRÊN ĐỊA BÀN

Tổng hợp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các huyện, thành phố

ĐVT: Triệu đồng

STT

Địa phương

Tổng thu trên địa bàn

Chia ra các năm

2011

2012

2013

2014

2015

1

Đà Lạt

15.135.036

2.097.287

2.483.279

2.940.709

3.484.936

4.128.825

2

Bảo Lộc

3.000.000

417.950

470.070

566.053

691.050

854.877

3

Bảo Lâm

1.507.000

216.345

236.900

283.000

361.700

409.055

4

Đức Trọng

2.804.076

389.850

472.613

546.422

638.252

756.939

5

Di linh

2.150.000

290.640

386.200

428.000

470.000

575.160

6

Lâm Hà

1.600.000

189.036

255.809

306.475

366.810

481.870

7

Đơn Dương

289.910

50.067

51.504

56.900

62.589

68.850

8

Lạc Dương

169.620

26.804

30.204

33.204

37.204

42.204

9

Đam Rông

106.855

15.725

18.150

20.960

24.020

28.000

10

Đạ Huoai

203.720

30.900

34.480

40.690

42.650

55.000

11

Đạ Tẻh

171.320

25.700

29.290

33.480

38.500

44.350

12

Cát Tiên

200.511

30.000

33.000

39.600

45.540

52.371

13

Hải quan (thuế XNK)

2.460.000

390.000

420.000

500.000

550.000

600.000

 

Toàn tỉnh

29.798.048

4.170.304

4.921.499

5.795.493

6.813.251

8.097.501

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 20/2011/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu20/2011/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành12/05/2011
Ngày hiệu lực22/05/2011
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 07/03/2018
Cập nhật4 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 20/2011/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 20/2011/QĐ-UBND Đề án Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 20/2011/QĐ-UBND Đề án Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu20/2011/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Lâm Đồng
                Người kýHuỳnh Đức Hòa
                Ngày ban hành12/05/2011
                Ngày hiệu lực22/05/2011
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài chính nhà nước
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 07/03/2018
                Cập nhật4 năm trước

                Văn bản gốc Quyết định 20/2011/QĐ-UBND Đề án Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 20/2011/QĐ-UBND Đề án Đổi mới công tác quản lý thu ngân sách