Quyết định 2018/QĐ-BYT

Quyết định 2018/QĐ-BYT năm 2011 về Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án thành phần y tế thuộc Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2008 - 2015 do Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 2018/QĐ-BYT 2011 Quy chế Tổ chức hoạt động Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS


BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2018/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN THÀNH PHẦN Y TẾ THUỘC DỰ ÁN Ô “DỰ ÁN QUỸ TOÀN CẦU PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS” GIAI ĐOẠN 2008-2015 DO QUỸ TOÀN CẦU PHÒNG, CHỐNG AIDS, LAO VÀ SỐT RÉT TÀI TRỢ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý chương trình, dự án ODA;

Căn cứ Công văn số 126/TTg-QHQT ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý bổ sung vốn và điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án “Phòng, chống HIV/AIDS” do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ;

Căn cứ Quyết định số 836/QĐ-BYT ngày 24/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt điều chỉnh bổ sung Văn kiện dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS” do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ;

Căn cứ Quyết định số 839/QĐ-BYT ngày 24/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Văn kiện dự án thành phần Y tế của Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS” do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ;

Căn cứ Quyết định số 1648/QĐ-BYT ngày 26/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập Ban Quản lý dự án thành phần y tế của Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2008 - 2015 do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét tài trợ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án thành phần y tế thuộc Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2008 - 2015 do Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế thuộc Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2008-2015 do Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét tài trợ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Lưu: VT, TCCB, AIDS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Quân Huấn

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN THÀNH PHẦN Y TẾ THUỘC DỰ ÁN Ô “DỰ ÁN QUỸ TOÀN CẦU PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS” GIAI ĐOẠN 2008-2015 DO QUỸ TOÀN CẦU PHÒNG, CHỐNG AIDS, LAO VÀ SỐT RÉT TÀI TRỢ
(Ban hành theo Quyết định số 2018/QĐ-BYT ngày 20 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Dự án thành phần y tế thuộc Dự án ô “Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2008-2015 do Quỹ toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ, được thành lập theo Quyết định số 1648/QĐ-BYT ngày 26/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 2. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định số 22/2010/NĐ-CP ngày 09/3/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý chương trình, dự án ODA;

Căn cứ Quyết định số 11/2008/QĐ-BYT ngày 26/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Ban hành Quy định Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Bộ Y tế;

Căn cứ Công văn số 2085/TTg-QHQT ngày 03/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Văn kiện dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ;

Căn cứ Công văn số 126/TTg-QHQT ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án “Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam” do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ;

Căn cứ Quyết định số 836/QĐ-BYT ngày 24/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Văn kiện Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ;

Căn cứ Quyết định số 839/QĐ-BYT ngày 24/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt nội dung Văn kiện Dự án thành phần y tế của Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ;

Căn cứ Quyết định số 1648/QĐ-BYT ngày 26/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập Ban Quản lý dự án thành phần y tế của Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2008 - 2015 do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ.

Điều 3. Thông tin chung về Dự án thành phần Y tế

1. Tên Dự án: Dự án thành phần Y tế của Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS”.

2. Tên Nhà tài trợ: Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét

3. Mục tiêu của Dự án:

a) Mục tiêu dài hạn: Góp phần thực hiện mục tiêu chung của chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia: khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau năm 2010; giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế, xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể của Dự án:

- Mục tiêu 1: Duy trì và hoàn thiện dịch vụ chăm sóc, điều trị và hỗ trợ HIV/AIDS toàn diện tại các cơ sở y tế địa phương, cộng đồng.

- Mục tiêu 2: Thiết lập gói dịch vụ thiết yếu gồm tư vấn, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS trong các trung tâm 05-06 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và tăng cường hệ thống liên kết dịch vụ giữa các trung tâm 05-06 với các cơ sở y tế và cộng đồng.

Mục tiêu này chủ yếu là do dự án thành phần Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai. Hoạt động của thành phần Y tế chỉ nâng cao năng lực cho các tỉnh, thành phố về thực hành phối hợp chuyển tuyến giữa Trung tâm 05/06 và cộng đồng, cơ chế hỗ trợ, quy trình/công cụ hỗ trợ việc chuyển tuyến đặc biệt đối với bệnh nhân đang điều trị ARV.

- Mục tiêu 3: Thiết lập và mở rộng gói dịch vụ dự phòng HIV thiết yếu cho người có hành vi nguy cơ cao tại cộng đồng.

- Mục tiêu 4: Nâng cao năng lực Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh/thành phố để quản lý dự án một cách hiệu quả và tăng cường hệ thống theo dõi và đánh giá.

4. Thời gian thực hiện: 2008-2015

5. Kinh phí:

- Tổng kinh phí: 143.738.599 USD

+ Tổng vốn ODA: 142.759.794 USD

+ Tổng vốn đối ứng: 978.805 USD

6. Nguồn vốn và cơ chế tài chính trong nước của Dự án đã được Chính phủ Việt Nam cam kết đóng góp để thực hiện Dự án: 978.805 USD

7. Địa điểm thực hiện: tại 53 tỉnh, thành phố trong cả nước.

- 20 tỉnh/thành phố vòng 6: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội (bao gồm cả phần Hà Tây cũ bắt đầu được triển khai từ Vòng 8), Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắc Lắc, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau

- 11 tỉnh/thành phố vòng 8: Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp.

- 22 tỉnh/thành phố vòng 9: Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu.

- Các Viện, Bệnh viện, cơ quan Trung ương và khu vực.

Điều 4. Thông tin về Ban Quản dự án

Tên đầy đủ: Ban Quản lý Dự án thành phần y tế thuộc Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2008-2015 do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ

Tên giao dịch: Ban Quản lý dự án thành phần y tế, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS

Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà số 14 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Điện thoại: 04.37722993.

Fax: 04.37722994.

Tài khoản: 0011002.40.50.70

Tại: Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Mã số thuế: 0102784466

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án

1. Ban Quản lý Dự án thành phần y tế thuộc Dự án ô “Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2008 - 2015 do Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ (sau đây gọi tắt là Dự án thành phần y tế) là đại diện của Chủ Dự án (Cục Phòng, chống HIV/AIDS), thay mặt cho Chủ Dự án điều hành toàn bộ hoạt động của Dự án thành phần y tế từ khi bắt đầu đến khi kết thúc và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Dự án thành phần y tế.

2. Ban Quản lý dự án thành phần y tế là thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Dự án ô Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

3. Ban Quản lý dự án thành phần y tế phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và quy định theo Văn kiện Dự án đã ký kết. Mọi hoạt động của Ban Quản lý dự án chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng theo các quy định của pháp luật hiện hành.

4. Ban Quản lý Dự án thành phần y tế có trách nhiệm quản lý và sử dụng có hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của dự án.

5. Ban Quản lý Dự án thành phần y tế có trách nhiệm giải trình với Bộ Y tế, các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA, các cơ quan bảo vệ pháp luật và Quỹ Toàn cầu về các vấn đề thuộc thẩm quyền theo các quy định hiện hành.

6. Ban Quản lý dự án thành phần y tế được ban hành các quy định riêng về bảo mật, an toàn, an ninh của Dự án thành phần y tế. Ban Quản lý Dự án thành phần y tế được xây dựng và ban hành các quy chế riêng của Dự án thành phần y tế phù hợp với các quy định của Chính phủ Việt Nam và của Quỹ Toàn cầu nhằm đảm bảo cho Dự án thành phần y tế thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, có hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

7. Ban Quản lý dự án thành phần y tế điều hành công việc theo chế độ thủ trưởng. Các bộ phận trong Ban Quản lý dự án thành phần y tế chịu sự điều hành của Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Giám đốc Ban Quản lý Dự án thành phần y tế về nội dung, chất lượng và kết quả công việc được giao. Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế điều hành công việc của Dự án qua các Trưởng bộ phận hoặc đến từng người khi cần thiết.

8. Các bộ phận của Ban Quản lý dự án thành phần y tế được tổ chức nhằm đáp ứng tính đặc thù của Dự án viện trợ không hoàn lại của Quỹ Toàn cầu. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ riêng nhưng có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo mục tiêu, chất lượng và các hoạt động của Dự án, tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước và Nhà tài trợ.

9. Để tăng cường tính chủ động, tinh thần trách nhiệm và năng lực của các cơ quan, địa phương tham gia thực hiện Dự án, Dự án thành phần y tế áp dụng nguyên tắc phân cấp toàn diện trong quản lý dự án. Các cơ quan và địa phương tham gia tự chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện các hoạt động dự án trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, các hướng dẫn của Ban Quản lý dự án thành phần y tế Trung ương.

10. Ban Quản lý dự án thành phần y tế được đảm bảo các điều kiện vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, bao gồm địa điểm làm việc, phương tiện làm việc, phương tiện theo dõi, giám sát hoạt động theo yêu cầu quản lý và thực hiện của Dự án được mô tả trong Văn kiện Dự án và theo các quy định hiện hành

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN THÀNH PHẦN Y TẾ

Điều 6. Chức năng

1. Ban Quản lý Dự án thành phần y tế có chức năng thay mặt cho Chủ Dự án (Cục Phòng chống HIV/AIDS) trong việc quản lý, triển khai thực hiện Dự án thành phần y tế theo Văn kiện Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Ban Quản lý dự án thành phần y tế là thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Dự án ô Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Điều 7. Nhiệm vụ

1. Nhiệm vụ lập kế hoạch

- Trên cơ sở kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án được cơ quan chủ quản (Bộ Y tế) và Quỹ Toàn cầu phê duyệt, Ban Quản lý dự án thành phần y tế xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Dự án trong từng năm, trình Chủ dự án phê duyệt; hướng dẫn các tỉnh, các đơn vị lập kế hoạch năm và tổ chức ký Hợp đồng trách nhiệm với Ban Quản lý dự án các tỉnh/thành phố và các đơn vị.

- Tổng hợp kế hoạch năm, kế hoạch từng giai đoạn của các dự án thành phần, trình Ban Chỉ đạo thực hiện dự án ô để Ban Chỉ đạo thực hiện dự án ô trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch hàng năm của các đơn vị thụ hưởng dự án thành phần y tế theo đúng quy định của nhà tài trợ và của Bộ Y tế.

- Kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch của các Dự án thành phần khác và các đơn vị thụ hưởng kinh phí của Dự án thành phần y tế.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch của toàn bộ Dự án ô và Dự án thành phần y tế cho các đơn vị có liên quan và nhà tài trợ theo quy định tại Văn kiện Dự án và pháp luật Việt Nam.

2. Nhiệm vụ thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về đấu thầu theo đúng kế hoạch đấu thầu về cung cấp hàng hóa và cung cấp dịch vụ của Dự án được Bộ Y tế phê duyệt và phù hợp với quy định về đấu thầu của Pháp luật Việt Nam, của Quỹ Toàn cầu và quy định ủy quyền của Bộ Y tế.

- Quản lý việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng đối với đơn vị trúng thầu; thường xuyên theo dõi, giám sát đôn đốc thực hiện đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký kết với các nhà thầu; kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện.

- Tổ chức nghiệm thu các sản phẩm và thanh quyết toán các hợp đồng theo quy định của pháp luật.

- Ngoài trách nhiệm đối với vấn đề mua sắm đấu thầu thuộc Dự án thành phần y tế, Ban Quản lý dự án thành phần y tế chịu trách nhiệm đấu thầu mua thuốc kháng vi rút (ARV) và sinh phẩm CD4 cho các máy đếm tế bào CD4 phù hợp để phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân AIDS thuộc các Dự án thành phần khác của Dự án ô.

- Ban quản lý dự án thành phần y tế Trung ương không chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi kế hoạch của Ban quản lý dự án các tỉnh/thành phố và các đơn vị thực hiện dự án.

3. Nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản

- Quản lý, sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của Dự án một cách hợp pháp, hợp lý, hiệu quả và đúng mục đích.

- Ban Quản lý dự án thành phần y tế có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ kinh phí của Dự án ô do nhà tài trợ cung cấp và tiến hành các thủ tục theo quy định chuyển tiền cho các Ban Quản lý dự án thành phần và các đơn vị thụ hưởng Dự án thành phần y tế theo kế hoạch đã được phê duyệt.

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí của các đơn vị thụ hưởng Dự án thành phần y tế.

- Tổ chức việc giám sát, hỗ trợ công tác tài chính - kế toán đối với các dự án thành phần khác.

- Tổ chức kiểm toán độc lập đối với các Dự án thành phần khác và các đơn vị thụ hưởng Dự án thành phần y tế theo quy định của Văn kiện Dự án và pháp luật Việt Nam.

- Thực hiện công tác báo cáo tài chính của toàn bộ Dự án ô và Dự án thành phần y tế cho các cơ quan có thẩm quyền, nhà tài trợ theo quy định của Văn kiện Dự án và pháp luật Việt Nam.

- Lưu giữ toàn bộ hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và những tài liệu liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của dự án theo đúng các quy định của Văn kiện Dự án và pháp luật Việt Nam.

4. Nhiệm vụ hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình

- Đề xuất với Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành các quy chế, quy trình hướng dẫn quản lý và thực hiện Dự án. Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, tập hợp, phân loại, lưu trữ toàn bộ thông tin, tư liệu gốc liên quan đến Dự án theo các quy định của pháp luật hiện hành.

- Được quyết định thành lập các tổ công tác, chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ban Quản lý Dự án thành phần y tế để triển khai các hoạt động của Dự án thành phần y tế. Được tuyển chọn, quản lý và sử dụng các cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng cho Ban Quản lý dự án thành phần y tế theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

- Phối hợp và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thụ hưởng dự án trong việc thành lập bộ máy thực hiện dự án tại các đơn vị, địa phương.

- Chuẩn bị các nội dung để Lãnh đạo Bộ ra quyết định thành lập Ban Quản lý dự án, công khai hóa nội dung, tổ chức, tiến độ thực hiện và ngân sách của Dự án cho những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Dự án.

- Cung cấp các thông tin chính xác và trung thực cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhà tài trợ, các cơ quan thông tin đại chúng và cá nhân liên quan trong khuôn khổ nhiệm vụ và trách nhiệm được giao, ngoại trừ những thông tin được giới hạn phổ biến theo luật định.

5. Nhiệm vụ theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện Dự án.

- Tổ chức đánh giá về hoạt động của Ban Quản lý dự án thành phần y tế.

- Tổ chức theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện dự án theo quy định hiện hành, trong đó:

+ Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án.

+ Tổ chức theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện dự án theo quy định hiện hành (Quyết định số 1248/2007/QĐ-BKH ngày 30/10/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010 và Khung theo dõi và đánh giá ban hành kèm theo);

+ Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình thực hiện dự án và lập báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự án theo quy định (Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA);

+ Thuê tư vấn tiến hành đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc theo nội dung Văn kiện dự án đã được phê duyệt; làm đầu mối phối hợp với Nhà tài trợ hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền để đánh giá Dự án.

- Gửi báo cáo tình hình thực hiện dự án định kỳ và đột xuất để Bộ Y tế tổng hợp gửi báo cáo tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Nhà tài trợ theo quy định hiện hành.

6. Nhiệm vụ nghiệm thu, bàn giao, quyết toán Dự án

- Xây dựng kế hoạch hướng dẫn kết thúc dự án cho dự án thành phần y tế. Hướng dẫn các Ban Quản lý dự án của các tỉnh, thành phố về quy trình kết thúc dự án, quy trình quyết toán và tổng kết, báo cáo kết thúc dự án theo các quy định của Nhà tài trợ và của Chính phủ.

- Sau khi kết thúc Dự án, trong vòng 6 tháng, Ban Quản lý dự án thành phần y tế có trách nhiệm hoàn tất các hoạt động của Dự án, tổ chức việc tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Dự án, báo cáo quyết toán Dự án để trình Cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu Dự án.

- Ban Quản lý dự án thành phần y tế tiến hành xử lý tài sản của Ban Quản lý dự án thành phần y tế theo quy định hiện hành và tổ chức bàn giao Dự án đã hoàn thành cho đơn vị tiếp nhận theo quy định để vận hành, khai thác.

- Sau khi báo cáo kết thúc và báo cáo quyết toán dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và việc xử lý tài sản của Ban Quản lý dự án thành phần y tế đã hoàn thành, Bộ Y tế sẽ ban hành Quyết định kết thúc dự án và giải thể Ban Quản lý dự án thành phần y tế.

- Trong trường hợp chưa thể kết thúc các công việc nêu trên theo thời hạn quy định, trên cơ sở văn bản giải trình của Ban Quản lý dự án thành phần y tế và không phản đối của Nhà tài trợ, Bộ Y tế ban hành văn bản cho phép gia hạn Dự án để Ban Quản lý dự án thành phần y tế tiếp tục hoàn thành các công việc và đảm bảo kinh phí cần thiết để Ban Quản lý dự án thành phần y tế duy trì hoạt động trong thời gian gia hạn.

7. Các nhiệm vụ đặc thù

- Ban Quản lý dự án thành phần y tế thực hiện các nhiệm vụ khác theo thỏa thuận với Quỹ toàn cầu.

- Ban Quản lý dự án thành phần y tế thực hiện các nhiệm vụ khác trong khuôn khổ Dự án do Bộ Y tế giao hoặc ủy quyền.

Điều 8. Quyền hạn

1. Sử dụng kinh phí cho các hoạt động của Dự án đã được phê duyệt tại Văn kiện dự án theo đúng quy định hiện hành đã ký kết với Nhà tài trợ.

2. Căn cứ vào nhu cầu công việc của từng giai đoạn, Ban Quản lý dự án thành phần y tế được tuyển chọn và ký hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn trong nước, tư vấn quốc tế và các nhân viên hợp đồng làm việc cho Dự án hoặc đề xuất với Lãnh đạo Bộ Y tế tuyển chọn các cán bộ làm việc kiêm nhiệm, biệt phái cho Dự án theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo mục tiêu, chất lượng các hoạt động của Dự án.

3. Ban Quản lý dự án thành phần y tế được mời các chuyên gia trong và ngoài nước để thảo luận, xây dựng nội dung chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS và các vấn đề liên quan.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ PHẬN THUỘC BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN THÀNH PHẦN Y TẾ

Điều 9. Cơ cấu tổ chức

Ban Quản lý dự án thành phần y tế gồm Giám đốc Ban Quản lý Dự án, các Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án, Kế toán trưởng và các bộ phận như sau:

- Bộ phận Điều trị, chăm sóc.

- Bộ phận Can thiệp.

- Bộ phận Theo dõi, giám sát.

- Bộ phận Phối hợp liên ngành.

- Bộ phận Kế hoạch.

- Bộ phận Tài chính - Kế toán.

- Bộ phận Hành chính.

- Bộ phận phía Nam

Điều 10. Chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận:

1. Bộ phận Điều trị, chăm sóc

1.1. Chức năng:

Giúp Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế tổ chức thực hiện các hoạt động của Dự án trong lĩnh vực điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bao gồm: điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phối hợp điều trị HIV/lao.

1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch từng giai đoạn theo văn kiện dự án đã được phê duyệt về lĩnh vực điều trị và chăm sóc HIV/AIDS;

b) Tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật các hoạt động điều trị và chăm sóc HIV/AIDS;

c) Phân bổ, quản lý, điều phối thuốc ARV, thuốc nhiễm trùng cơ hội, sinh phẩm CD4, máy đếm tế bào CD4; thực hiện kiểm định chất lượng thuốc ARV;

d) Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ dự án về điều trị và chăm sóc HIV/AIDS;

đ) Hỗ trợ các đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ nâng cao năng lực các hoạt động liên quan đến công tác điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV;

e) Tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả hoạt động hàng quý, 6 tháng, 12 tháng về lĩnh vực điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS và chuyển cho Bộ phận Theo dõi, giám sát để tổng hợp theo đúng thời gian quy định;

g) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc Ban quản lý dự án phân công.

2. Bộ phận Can thiệp

2.1. Chức năng:

Giúp Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế tổ chức thực hiện các hoạt động về lĩnh vực can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch từng giai đoạn theo văn kiện dự án đã được phê duyệt về can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm: chương trình cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm (BKT), bao cao su (BCS), chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone), phối hợp phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STI) tại các đơn vị triển khai dự án;

b) Hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng, quản lý, đào tạo mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS;

c) Phân phối, quản lý; kiểm tra, giám sát việc bảo quản, sử dụng thuốc methadone, BKT, BCS, thuốc STI của các đơn vị;

d) Tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá kết quả các hoạt động thuộc lĩnh vực can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV;

đ) Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia dự án và nhân viên tiếp cận cộng đồng về can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV;

e) Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ về can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV;

g) Tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả hoạt động hàng quý, 6 tháng, 12 tháng về hoạt động thuộc lĩnh vực can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và chuyển cho Bộ phận Theo dõi, giám sát theo đúng thời gian quy định;

h) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc Ban quản lý dự án phân công.

3. Bộ phận Theo dõi, giám sát

3.1. Chức năng:

Giúp Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế tổ chức thực hiện các hoạt động của Dự án về tổng hợp, báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; theo dõi, đánh giá, giám sát HIV/AIDS/STI; tư vấn xét nghiệm tự nguyện; xét nghiệm chẩn đoán HIV; nâng cao năng lực cho dự án.

3.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và từng giai đoạn theo văn kiện dự án đã được phê duyệt về hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, giám sát, theo dõi, đánh giá, xét nghiệm chẩn đoán HIV và nâng cao năng lực dự án;

b) Tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật các hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện, giám sát, theo dõi, đánh giá, xét nghiệm chẩn đoán HIV/AIDS;

c) Phân phối, quản lý, kiểm tra việc sử dụng, bảo quản sinh phẩm chẩn đoán HIV, các trang thiết bị phục vụ cho việc xét nghiệm chẩn đoán HIV;

d) Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ dự án về tư vấn xét nghiệm tự nguyện, giám sát, theo dõi đánh giá, xét nghiệm chẩn đoán HIV/AIDS;

e) Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ về tư vấn xét nghiệm tự nguyện, giám sát, theo dõi, đánh giá, xét nghiệm chẩn đoán HIV/AIDS;

g) Tiếp nhận các báo cáo của các Bộ phận liên quan, tổng hợp, báo cáo hàng quý, 6 tháng, 12 tháng kết quả hoạt động của toàn bộ dự án báo cáo nhà tài trợ và các đơn vị liên quan theo quy định;

h) Đầu mối tổ chức, thực hiện đánh giá giữa kỳ, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ của dự án;

i) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc Ban quản lý dự án phân công.

4. Bộ phận Phối hợp liên ngành

4.1. Chức năng:

Giúp Trưởng ban chỉ đạo thực hiện dự án ô làm đầu mối đôn đốc các Ban Quản lý dự án thành phần: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) trong việc triển khai hoạt động của dự án thành phần.

4.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Tổng hợp kế hoạch hàng năm và từng giai đoạn của các Ban Quản lý dự án thành phần: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, VUSTA, trình Ban chỉ đạo thực hiện dự án ô, để Ban chỉ đạo thực hiện dự án ô trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Ban chỉ đạo thực hiện dự án ô tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động theo kế hoạch đã được phê duyệt của các Ban Quản lý dự án thành phần;

c) Làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các Ban Quản lý dự án thành phần Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, VUSTA;

d) Tổng hợp, phân tích các kết quả hoạt động quý, 6 tháng, 12 tháng của các Ban Quản lý dự án thành phần Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, VUSTA, báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện dự án ô;

đ) Tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất giữa Ban chỉ đạo thực hiện dự án ô với các Ban Quản lý dự án thành phần;

e) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc Ban quản lý dự án phân công.

5. Bộ phận Kế hoạch

5.1. Chức năng:

Giúp Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế thực hiện công tác kế hoạch, công tác đấu thầu mua sắm của Dự án.

5.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch từng giai đoạn theo văn kiện dự án đã được phê duyệt bao gồm kế hoạch về chuyên môn và kế hoạch về kinh phí của dự án thành phần y tế;

b) Tổng hợp kế hoạch năm, kế hoạch từng giai đoạn của các dự án thành phần, trình Ban chỉ đạo thực hiện dự án ô, để Ban chỉ đạo thực hiện dự án ô trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tổ chức việc ký kết hợp đồng trách nhiệm hàng năm và nghiệm thu thanh lý hợp đồng với các đơn vị thụ hưởng dự án thành phần y tế;

d) Thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch hàng năm của các đơn vị thụ hưởng dự án thành phần y tế theo đúng quy định của nhà tài trợ và của Bộ Y tế;

đ) Tổ chức việc đấu thầu mua sắm theo kế hoạch theo đúng các quy định hiện hành về đấu thầu mua sắm;

e) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, việc tổ chức đấu thầu, mua sắm của các đơn vị thụ hưởng dự án thành phần y tế;

g) Hỗ trợ nâng cao năng lực các đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ về lập kế hoạch, đấu thầu, mua sắm;

h) Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về lập kế hoạch, đấu thầu mua sắm cho cán bộ dự án;

i) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc Ban quản lý dự án phân công.

6. Bộ phận Tài chính - Kế toán

6.1. Chức năng:

Giúp Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế thực hiện công tác tài chính, kế toán; quản lý tài sản của dự án thành phần y tế.

6.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Giúp Ban chỉ đạo thực hiện dự án ô thực hiện việc tiếp nhận và cấp kinh phí của dự án ô do nhà tài trợ cung cấp cho các dự án thành phần theo đúng quy định của nhà tài trợ và luật pháp Việt Nam;

b) Thực hiện việc cấp phát kinh phí cho các đơn vị thụ hưởng dự án thành phần y tế theo kế hoạch đã được phê duyệt;

c) Theo dõi, quản lý tài sản và giá trị tài sản của dự án thành phần y tế (kể cả tài sản bằng hiện vật do Ban Quản lý dự án thành phần y tế cấp cho các đơn vị thụ hưởng dự án);

d) Quản lý và quyết toán nguồn kinh phí sử dụng tại Ban quản lý dự án thành phần y tế;

đ) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí của các đơn vị thụ hưởng dự án thành phần y tế.

e) Phối hợp với Bộ phận Kế hoạch thực hiện việc thanh lý các hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị thụ hưởng dự án thành phần y tế;

g) Theo dõi, tổng hợp kết quả giải ngân hàng quý, 6 tháng, 12 tháng của các đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ và các đơn vị thụ hưởng dự án thành phần y tế để báo cáo nhà tài trợ và các đơn vị liên quan;

h) Phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm toán, công tác quyết toán theo các quy định của nhà tài trợ và pháp luật Việt Nam;

i) Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ về công tác tài chính, kế toán và quản lý tài sản;

k) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ dự án về công tác tài chính kế toán và quản lý tài sản;

l) Phối hợp với Bộ phận Hành chính tổ chức kiểm kê tài sản hàng năm của Ban Quản lý dự án thành phần y tế;

m) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc Ban quản lý dự án phân công.

7. Bộ phận Hành chính

7.1. Chức năng:

Giúp Giám đốc Ban quản lý dự án trong công tác tổng hợp, hành chính, quản trị, tổ chức cán bộ, công nghệ thông tin, công tác pháp chế và thi đua khen thưởng của Ban Quản lý dự án thành phần y tế.

7.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo Ban Quản lý dự án thành phần y tế, theo dõi, đôn đốc cán bộ dự án chấp hành đúng các quy định của Luật Lao động và các quy định của Ban Quản lý dự án thành phần y tế;

b) Tổng hợp kết quả hoạt động hàng tháng, quý, 6 tháng, 12 tháng của Ban Quản lý dự án thành phần y tế;

c) Theo dõi, đôn đốc các bộ phận, cá nhân thực hiện các công việc theo sự phân công của Lãnh đạo Ban Quản lý dự án thành phần y tế đảm bảo đúng thời gian;

d) Thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, thông tin liên lạc, lễ tân;

đ) Làm đầu mối trong việc tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết của dự án;

e) Thực hiện công tác tổ chức cán bộ của dự án;

g) Thực hiện việc mua sắm, cung ứng trang thiết bị, văn phòng phẩm, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc phục vụ công tác điều hành của Lãnh đạo dự án và phương tiện làm việc cho cán bộ dự án;

h) Quản lý, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tài sản của Ban Quản lý dự án thành phần y tế;

i) Đầu mối phối hợp với Bộ phận Tài chính - Kế toán và các bộ phận liên quan để tiến hành việc kiểm kê tài sản theo quy định;

k) Quản lý tài sản của Ban Quản lý dự án thành phần y tế;

l) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc Ban quản lý dự án phân công.

8. Bộ phận phía Nam

8.1. Chức năng:

Giúp Giám đốc Ban Quản lý Dự án thành phần y tế tổ chức, triển khai các hoạt động của Dự án tại 20 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.

8.2. Quyền hạn:

a) Được sử dụng con dấu của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các hoạt động Dự án, được mở tài khoản Ngân hàng để tiếp nhận kinh phí hoạt động theo kế hoạch;

b) Trực tiếp hướng dẫn lập kế hoạch cho 20 tỉnh/ thành phố thuộc khu vực phía Nam;

c) Qua kiểm tra, giám sát, Bộ phận phía Nam có quyền ra quyết định đình chỉ những hoạt động của 20 tỉnh/thành phố phía Nam không đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra sau khi báo cáo Giám đốc Ban Quản lý Dự án;

d) Được phép mời các chuyên gia tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, các đợt kiểm tra giám sát;

e) Được hưởng phụ cấp và các chế độ chính sách theo quy định của Bộ Y tế và Ban quản lý dự án thành phần y tế Trung ương;

g) Tiếp nhận các báo cáo của Ban quản lý dự án 20 tỉnh/thành phố phía Nam theo quy định.

8.3. Nhiệm vụ:

a) Làm đầu mối, phối hợp với các bộ phận có liên quan của Ban Quản lý dự án thành phần y tế và Ban Quản lý dự án tỉnh, thành phố lập kế hoạch hoạt động hàng năm cho 20 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật đối với 20 tỉnh, thành phố của Dự án thuộc khu vực phía Nam;

c) Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất kết quả hoạt động của 20 tỉnh của Dự án thuộc khu vực phía Nam gửi Ban Quản lý Dự án Trung ương theo quy định hoặc theo yêu cầu;

d) Tổ chức, tham gia tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đối với 20 tỉnh, thành phố của Dự án thuộc khu vực phía Nam theo sự phân công của Dự án;

đ) Lưu giữ toàn bộ hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và những tài liệu liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của Dự án.

e) Quản lý, sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của Dự án theo đúng các quy định của pháp luật và Dự án.

g) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc Ban quản lý dự án phân công.

Điều 11. Giám đốc Ban quản lý dự án thành phần y tế

Giám đốc Ban quản lý dự án thành phần y tế được Bộ Y tế ra quyết định bổ nhiệm.

Giám đốc dự án có quyền hạn và trách nhiệm cụ thể như sau:

- Tuyển chọn cán bộ hợp đồng, tổ chức bộ máy Ban quản lý dự án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Dự án.

- Chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và tiến hành ký Hợp đồng trách nhiệm với Ban Quản lý dự án các tỉnh/thành phố và các đơn vị dự án trên cơ sở kế hoạch năm đã được Bộ Y tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS phê duyệt.

- Quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đã được phê duyệt.

- Chỉ đạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, giám sát đánh giá, sơ kết, tổng kết dự án.

- Thông qua các báo cáo kỹ thuật, báo cáo tài chính định kỳ hoặc đột xuất để trình Bộ Y tế và Nhà tài trợ.

- Chịu trách nhiệm xem xét và đề xuất với Nhà tài trợ về kế hoạch sử dụng kinh phí phát sinh của Ban Quản lý Dự án.

- Tổ chức thực hiện các yêu cầu của Quỹ toàn cầu trong quản lý và thực hiện dự án.

- Vận động sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan, đối tác trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ dự án.

Điều 12. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giúp Giám đốc thực hiện nội dung công tác trong phạm vi được phân công cụ thể hoặc được ủy quyền của Giám đốc Ban Quản lý Dự án theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 13. Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án thành phần y tế

Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án thành phần y tế giúp việc cho Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế trong việc thực hiện các hoạt động về tài chính - kế toán với các nội dung cụ thể sau:

- Thực hiện các hoạt động rút vốn, chuyển tiền, theo dõi kinh phí chuyển đến các Dự án thành phần.

- Thực hiện quyết toán, kiểm tra chứng từ kế toán của Dự án thành phần y tế.

- Kiểm tra việc chi tiêu tài chính của Dự án thành phần y tế.

- Lập sổ sách kế toán theo đúng yêu cầu của Nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam.

- Tổng hợp báo cáo tài chính của các Dự án thành phần và thực hiện báo cáo tài chính định kỳ và đột xuất theo quy định hiện hành của nhà nước và của nhà tài trợ.

- Tổ chức việc giám sát, hỗ trợ công tác tài chính - kế toán đối với các Dự án thành phần.

- Tổ chức kiểm toán độc lập đối với các Dự án thành phần.

- Tham gia các hoạt động khác khi được Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phần y tế yêu cầu.

Điều 14. Nhân sự của Ban Quản lý dự án thành phần y tế

1. Cán bộ làm việc tại Ban Quản lý dự án thành phần y tế

Cán bộ làm việc tại Ban Quản lý dự án thành phần y tế bao gồm các cán bộ làm kiêm nhiệm và các cán bộ hợp đồng.

Các cán bộ làm việc tại Ban Quản lý dự án phải đáp ứng yêu cầu trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, phẩm chất đạo đức, khả năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ như đã được mô tả trong bản mô tả công việc cho mỗi vị trí

2. Tư vấn trong nước và quốc tế:

- Chuyên gia tư vấn làm việc dưới sự điều hành của Giám đốc Ban Quản lý Dự án, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động chuyên môn và kế hoạch của Dự án theo điều khoản tham chiếu và hợp đồng đã được ký kết.

- Các chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho việc triển khai các hoạt động dự án như xây dựng kế hoạch, lập báo cáo tiến độ, báo cáo đánh giá, thiết kế, xây dựng các tài liệu và chương trình đào tạo, thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động dự án. Theo nhu cầu trong từng giai đoạn thực hiện dự án, các chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài sẽ được Ban Quản lý dự án tuyển chọn. Tất cả các tư vấn sẽ được tuyển dụng phù hợp với các quy định tại Hướng dẫn sử dụng tư vấn của nhà tài trợ.

Điều 15. Chế độ đãi ngộ của Ban Quản lý dự án thành phần y tế

- Công chức, viên chức, các cán bộ làm việc toàn bộ thời gian hoặc làm việc kiêm nhiệm cho Ban Quản lý dự án được hưởng phụ cấp, lương theo văn kiện dự án và các quy định của pháp luật hiện hành.

- Các quy định khác:

+ Ban Quản lý dự án thành phần y tế được Bộ Y tế đảm bảo các điều kiện vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, bao gồm văn phòng và các phương tiện làm việc, phương tiện theo dõi, giám sát theo yêu cầu quản lý và thực hiện Dự án. Trong trường hợp Bộ Y tế không bố trí được trụ sở làm việc, Ban Quản lý dự án được thuê trụ sở làm việc theo mức giá hợp lý.

+ Ban Quản lý dự án thành phần y tế được cung cấp thiết bị, dụng cụ văn phòng và văn phòng phẩm, thiết bị phục vụ cho hội họp và các trang thiết bị khác từ nguồn vốn viện trợ và ngân sách của Dự án đảm bảo cho việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ được giao.

+ Ban Quản lý dự án thành phần y tế được cung cấp xe ô tô công tác, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị tin học từ ngân sách của Dự án, trên cơ sở kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương IV

MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP CÔNG TÁC

Điều 16. Chế độ phối hợp

1. Ban Quản lý dự án thành phần y tế là thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Dự án ô Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, làm đầu mối tổ chức các cuộc họp của Ban chỉ đạo thực hiện Dự án ô và tổng hợp báo cáo nhà tài trợ theo quy định.

2. Ban Quản lý dự án thành phần y tế phối hợp với các cơ quan thuộc các Bộ, các Ngành khác để bảo đảm các điều kiện cho Dự án thực hiện đúng cam kết và đúng tiến độ.

3. Ban Quản lý dự án thành phần y tế phối hợp với các Vụ, Cục trong cơ quan Bộ Y tế trong việc soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, xác định các nghiên cứu có liên quan đến việc thực hiện Dự án và các cam kết của Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ trong Hiệp định riêng được ký kết.

4. Ban Quản lý dự án thành phần y tế phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở Trung ương cũng như các địa phương và các tổ chức phi chính phủ triển khai thực hiện Dự án để bảo đảm mục tiêu, chất lượng và hiệu quả các hoạt động.

5. Ban Quản lý dự án thành phần y tế phối hợp, hỗ trợ các Ban Quản lý dự án thành phần khác về mặt chuyên môn, kỹ thuật.

Điều 17. Chế độ điều phối các Ban Quản lý dự án tại các tỉnh, thành phố

Ban Quản lý dự án thành phần y tế chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương thuộc Dự án thành phần y tế trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Dự án thành phần y tế để bảo đảm Dự án thành phần y tế được thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật và của nhà tài trợ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Dự án thành phần y tế gồm 5 Chương và 18 Điều, có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án thành phần y tế có trách nhiệm đề xuất với Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quy chế này./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2018/QĐ-BYT

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2018/QĐ-BYT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành20/06/2011
Ngày hiệu lực20/06/2011
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật13 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2018/QĐ-BYT

Lược đồ Quyết định 2018/QĐ-BYT 2011 Quy chế Tổ chức hoạt động Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2018/QĐ-BYT 2011 Quy chế Tổ chức hoạt động Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2018/QĐ-BYT
                Cơ quan ban hànhBộ Y tế
                Người kýTrịnh Quân Huấn
                Ngày ban hành20/06/2011
                Ngày hiệu lực20/06/2011
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật13 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 2018/QĐ-BYT 2011 Quy chế Tổ chức hoạt động Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 2018/QĐ-BYT 2011 Quy chế Tổ chức hoạt động Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS

                  • 20/06/2011

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 20/06/2011

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực