Quyết định 2165/QĐ-UBND

Quyết định 2165/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

Nội dung toàn văn Quyết định 2165/QĐ-UBND Đề án thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp khu kinh tế Hà Giang 2016


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2165/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 16 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 02/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; Công văn số 1432-CV/TU ngày 09/9/2016 của Tỉnh ủy về Đề án thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tại Tờ trình số 37/TTr-BQLKKT ngày 15/9/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Sơn

 

ĐỀ ÁN

THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 16/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích đất tự nhiên là 7.929,48 km2, cách Hà Nội 318 km theo đường bộ, phía Bắc tỉnh Hà Giang giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc với trên 277 km đường biên giới. 90% diện tích Hà Giang là đồi núi. Hiện nay, tỉnh có 11 đơn vị hành chính (1 thành phố và 10 huyện). Dân số hơn 80 vạn người, với 19 dân tộc anh em chung sống.

Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… Nhờ vậy, tỉnh đã thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước phục vụ cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, giải quyết các vấn đề xã hội, việc làm... Ngoài ra còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhiều ngành kinh tế công nghiệp trọng điểm của tỉnh, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực dịch vụ cũng như sản phẩm mới.

Đóng góp vào những thành tựu chung đó có vai trò quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và Khu công nghiệp Bình Vàng. Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tỉnh Hà Giang là một trong những cửa khẩu của Việt Nam tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Trong những năm qua các hoạt động thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu chu chuyển hàng hóa giữa hai nước qua Cửa khẩu Thanh Thủy đã góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong 05 năm gần đây bình quân số thu qua cửa khẩu chiếm 30% tổng thu ngân sách địa phương. Việc phát triển khu công nghiệp đã khai thác được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển công nghiệp chế biến góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, bước đầu có nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm cho trên 500 lao động địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư vào tỉnh Hà Giang nói chung và vào khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những mặt hạn chế: Một số dự án lớn sử dụng nhiều đất, sử dụng nhiều lao động giản đơn nhưng đóng góp vào ngân sách của tỉnh còn ít; các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chủ yếu nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp ráp, khai thác và chế biến khoáng sản nhằm tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ, hàm lượng công nghệ còn thấp; một số dự án hoạt động không hiệu quả đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư;… Mặt khác, đến nay quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của nhà nước đã có nhiều thay đổi. Lợi thế so sánh dần giảm đi do cạnh tranh quyết liệt.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên cho thấy Hà Giang cần có sự điều chỉnh về chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, lấy phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) làm trọng tâm với mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng dòng vốn, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư hướng tới góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi vào năm 2020.

II. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Ngân sách ngày 26/12/2002; Luật Đầu tư ngày 26/11/2014; Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008;

Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu; Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy - tỉnh Hà Giang đến năm 2030; Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 02/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;

Quyết định 805/QĐ-BCT ngày 23/01/2014 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1093/QĐ-BCT ngày 03/02/2015 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND ngày 14/7/2012, Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015, Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 và Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND ngày 21/7/2016 của HĐND tỉnh Hà Giang;

Quyết định số 1648/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm cửa khẩu Thanh Thủy - Vị Xuyên; Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 22/3/2016 của UBND tỉnh Hà Giang về Ban hành Quy định chi tiết thực hiện một số Điều của Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh Hà Giang.

Phần II

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH HÀ GIANG

I. TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

1. Về phát triển nông lâm nghiệp

Hà Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông lâm nghiệp, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, đặc biệt với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thể tổ chức sản xuất thành hàng hóa, như cây ăn quả ôn đới, rau, hoa, cây dược liệu, thảo quả, chè, cao su, cá nước lạnh, chăn nuôi đại gia súc... Hà Giang có những sản phẩm nổi tiếng như: Cam sành (diện tích kinh doanh 1.497,7 ha); chè Shan Tuyết (diện tích kinh doanh 16.972 ha); giá trị xuất khẩu nông sản 110,37 USD. Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn. Diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp 566.545,2 ha. Trong đó đất có rừng 436.600,5 ha (rừng tự nhiên 356.301,1ha; rừng trồng 80.299,4 ha). Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2014 (theo giá 2010) đạt 456,749 tỷ đồng. Diện tích rừng trồng mới 5 năm từ năm 2010 đến năm 2014 là 29.117,4 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2014 đạt 54,3%. Đặc biệt trên địa bàn Hà Giang đã phát hiện tới trên 1.101 loài cây dược liệu khác nhau, trong đó có 51 loại cây được đưa vào diện có nguy cơ đe dọa trong sách đỏ Việt Nam, với tổng diện tích cây dược liệu trên toàn tỉnh là 10.727 ha.

2. Về phát triển công nghiệp

Tỉnh Hà Giang có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với nhiều loại và trữ lượng lớn; hiện có 215 điểm mỏ với 28 loại khoáng sản có giá trị. Gồm: quặng sắt (21 điểm); quặng chì, kẽm (16 điểm); quặng mangan (27 điểm); quặng antimon và một số quặng có giá trị khác như vàng, thiếc, vonfram...Với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, công nghiệp khai khoáng và chế biến sâu khoáng sản là bước đột phá để Hà Giang phát triển.

Phát triển công nghiệp sản xuất điện từ thủy năng cũng là một lợi thế của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay có 46 dự án thủy điện đã được quy hoạch với tổng công suất lắp máy khoảng 772,8MW. Hiện có 22 nhà máy thủy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất lắp máy là 354,3MW, sản lượng điện năm 2015 là 1.567.237.520 KWh. Doanh thu các nhà máy thủy điện năm 2015 đạt 1.766.942.946.922 đồng. Hiện tại tỉnh Hà Giang đang tiến hành rà soát, lập bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các dự án thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn 2016 - 2020.

3. Phát triển thương mại, dịch vụ

Hà Giang có cặp cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo (nằm trên điểm cuối trục Quốc lộ 2, cách Thành phố Hà Giang 22 km về phía Bắc); có 03 cặp cửa khẩu phụ gồm: Săm Pun - Điền Bồng, Phó Bảng - Đổng Cán, Xín Mần - Đô Long và 11 lối mở (đường qua lại biên giới). Hàng năm giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh trong những năm gần đây đạt trên 300 triệu USD/năm, riêng năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến có khả năng đạt khoảng 1 tỷ USD. Cơ sở hạ tầng ở các cửa khẩu, chợ đường biên đang được quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho dân cư 2 bên biên giới đi lại thuận lợi, hoạt động biên mậu và tiểu ngạch diễn ra phổ biến và dễ dàng.

Lợi thế trong phát triển du lịch của tỉnh với cảnh quan môi trường độc đáo và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ít nơi có được như Suối Tiên, cổng Trời, thác nước Quảng Ngần, khu Nậm Má, khu chum vàng, chum bạc, di tích nhà họ Vương, cột cờ Lũng Cú…Đặc biệt 04 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Đây là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung. Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều nếu được mở ra sẽ góp phần đáng kể và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI CỦA TỈNH HÀ GIANG 2010 - 2015

1. Những kết quả đạt được

Sản xuất công nghiệp có bước phát triển khá, giá trị sản xuất năm 2015 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2010; công nghiệp khai khoáng và thủy điện được phát huy. Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2015 tăng gần 3 lần so với năm 2010; du lịch phát triển có tính đột phá, lượng khách du lịch tăng nhanh, gấp 4 lần so với năm 2010. Kinh tế biên mậu bước đầu đạt được kết quả tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2015 tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2005 - 2010.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 33,7% so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 2,8 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Đến năm 2015, có 83,3% số hộ gia đình được sử dụng điện, trên 85% dân số ở đô thị được sử dụng nước sạch, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 89,2% số thôn có đường đi được cơ giới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,8% năm 2010 xuống còn 17,91% năm 2015.

Chất lượng giáo dục toàn diện, 100% các xã có trường học trung tâm được đầu tư xây dựng kiên cố. Công tác y tế có nhiều tiến bộ, chất lượng các dịch vụ y tế được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm, các thiết chế văn hóa ở cơ sở tiếp tục được đầu tư. Hệ thống bưu chính - viễn thông phát triển mạnh; ứng dụng công nghệ thông tin có bước đột phá, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh tăng cao, từ vị trí thứ 63/63 tỉnh, thành năm 2010 lên 13/63 năm 2015. Các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm; chế độ chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả.

Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; công tác tư pháp có chuyển biến tích cực. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt. Công tác đối ngoại được quản lý chặt chẽ và đẩy mạnh; chủ động thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước để quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư.

2. Hạn chế, thách thức

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hà Giang vẫn còn những hạn chế, bất cập, đặt ra những khó khăn, thách thức: Tăng trưởng kinh tế và chất lượng giảm nghèo chưa thực sự bền vững; sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, giá trị hàng xuất khẩu chưa cao; chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng công vụ, công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quản lý biên giới có nơi còn hạn chế, xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới còn xảy ra. Hà Giang vẫn là tỉnh đặc biệt khó khăn; đời sống nhân dân còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chưa đồng bộ; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh… Nhưng hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng trực tiếp, quyết định vẫn là nguyên nhân chủ quan, do vậy trong nhiệm kỳ tới 2015 - 2020 cần phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo khắc phục, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt để phát triển nhanh và bền vững hơn.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

1. Định hướng của Trung ương

Tỉnh Hà Giang thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tại Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37- NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX; Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 và Quyết định 980/QĐ-TTg ngày 21/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, xác định: Tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế của các địa phương trong vùng; phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo bước đột phá làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế. Phát triển nông, lâm nghiệp với quy mô tập trung, gắn với phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm sau thu hoạch phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ưu tiên phát triển và hiện đại hóa các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, vận tải, giáo dục, y tế ở những nơi có tiềm năng, lợi thế, nhất là ở các khu kinh tế cửa khẩu; khuyến khích phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

2. Định hướng của tỉnh Hà Giang

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2015 là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, từng bước xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch và trọng điểm quốc gia về dược liệu; có hệ thống hạ tầng cơ bản đồng bộ; có nền văn minh văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ quyền quốc gia được giữ vững, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Phấn đấu xây dựng Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi”.

Với chủ đề là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; phấn đấu đến năm 2020 Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”. Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định Hai khâu đột phá gồm: Đột phá về nâng cao chất lượng công vụ, xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh và bền vững; Đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Và Năm chương trình trọng tâm đó là: Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo; Chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững; Chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm.

Phần III

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU CÔNG NGHIỆP VÀ KHU KINH TẾ CỬA KHẨU HÀ GIANG

I. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU CÔNG NGHIỆP

Tỉnh Hà Giang có một KCN Bình Vàng nằm trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006. Được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3115/QĐ-UBND ngày 17/10/2007 với quy mô 254,77 ha và chia ra làm 02 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn I đang triển khai đầu tư xây dựng có diện tích 142,94 ha với tổng mức đầu tư đã phê duyệt là 330 tỷ đồng.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Bình Vàng (Giai đoạn I) chủ yếu sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với tổng số vốn 164 tỷ đồng theo Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang đã triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng để giao đất cho 03 dự án, xây dựng 02 trục đường giao thông nội bộ, triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và hệ thống thoát nước thải KCN, trong khi vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương và vốn do nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng đầu tư là không có. Các hạng mục như Hệ thống cấp điện 110Kv, viễn thông do các đơn vị chuyên ngành đầu tư. Ban Quản lý Khu kinh tế cũng đã huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các quỹ (Quỹ đầu tư, phát triển và bảo lãnh tín dụng, Quỹ Môi trường tỉnh) với lãi suất thấp và vốn ứng từ ngân sách địa phương để triển khai xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: Hệ thống thoát nước mưa, đường giao thông nội bộ. Tuy nhiên hiện nay một số công trình chưa triển khai được hoặc chậm tiến độ do thiếu vốn đầu tư như: Hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông nội bộ tuyến D2, D3.

Về cơ chế, chính sách: Trên cơ sở cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ chung của nhà nước về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, thuế… Tỉnh Hà Giang đã áp dụng linh hoạt và cụ thể hóa nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, có nhiều giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa bàn tỉnh Hà Giang, như ban hành Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND ngày 14/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang.

Về thu hút đầu tư: Đến nay Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào KCN Bình Vàng cho 15 dự án với tổng số vốn đăng ký là 5.316,47 tỷ đồng. Có 07 dự án đã đi vào hoạt động; 03 dự án đang đầu tư xây dựng; 03 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Dự kiến trong năm 2016 sẽ có thêm 02 dự án đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy của KCN Bình Vàng (Giai đoạn I) đạt trên 92%. Một số dự án trọng điểm gồm: Nhà máy sản xuất ferro mangan và silico mangan công suất 40.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp công suất 150.000 m3/năm, nhà máy vê viên tinh quặng sắt công suất 300.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất chì thỏi - chì kim loại công suất 10.000 tấn/năm,...

Năm 2015 doanh thu các nhà máy đạt 299,4 tỷ đồng, thu nộp ngân sách 23 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016 doanh thu đạt 212 tỷ đồng, thu nộp ngân sách 5,3 tỷ đồng. Tổng số lao động làm việc trong KCN tăng từ 500 người năm 2015 lên 690 người trong năm 2016.

II. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA KKT CỬA KHẨU THANH THỦY

KKT cửa khẩu Thanh Thủy được thành lập theo Quyết định số 136/2009/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích tự nhiên 28.781 ha thuộc địa phận 7 xã của huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. KKT cửa khẩu Thanh Thủy được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: KCN, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác. Hệ thống cửa khẩu của tỉnh Hà Giang bao gồm 01 cặp Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo và có 03 cặp cửa khẩu phụ gồm: Săm Pun - Điền Bồng, Phó Bảng - Đổng Cán, Xín Mần - Đô Long và 11 lối mở (đường qua lại biên giới).

Về đầu tư xây dựng hạ tầng KKT: Từ năm 2003 đến nay, KKT cửa khẩu Thanh Thủy đã huy động các nguồn vốn được trên 500 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó vốn hỗ trợ có mục tiêu là: 211,27 tỷ đồng (Vốn NSTW là 205,77 tỷ đồng; vốn NSĐP là 5,5 tỷ đồng).

Đến nay đã rà phá bom mìn được 240,21 ha; San ủi mặt bằng được 39,18 ha; nâng cấp, mở mới 6km đường phân lô; xây dựng 728m kè biên giới; xây dựng Quốc Môn; Trạm kiểm soát liên ngành; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thu gom trên tổng diện tích 16 ha; cấp điện và các công trình công cộng khác (Đồn Biên phòng, Chi Cục Hải Quan, Đội Kiểm soát Hải Quan, Trường Tiểu học xã Thanh Thủy, Đoàn KTQP 313…). Các dự án được đầu tư đều đem lại hiệu quả thiết thực mang lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cần tiếp tục huy động mọi nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật tại KKT cửa khẩu Thanh Thủy như: Hệ thống kết cấu hạ tầng khu Biên mậu Nà La; Dự án Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ; Dự án san nền, kè bờ Đông sông Lô KKT cửa khẩu Thanh Thuỷ.

Về cơ chế, chính sách: Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu như: Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, Nghị đnh 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.... mỗi năm ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho KKT cửa khẩu Thanh Thủy từ 15 - 25 tỷ đồng. Trên cơ sở đó tỉnh đã kịp thời ban hành một số chính sách đặc thù và có nhiều giải pháp tích cực nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế biên mậu như: Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND ngày 14/7/2012, Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang; Quyết định số 2748/2012/QĐ-UBND ngày 11/12/2012 và Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 22/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

Những năm gần đây, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều biện pháp, chính sách nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác thương mại thông qua việc mở cửa biên giới. Đặc biệt, hằng năm, hai tỉnh Hà Giang - Vân Nam thường xuyên cử các đoàn đại biểu cấp tỉnh sang thăm và hội đàm, trao đổi hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và xây dựng biên giới hòa bình, ổn định. Quan hệ hợp tác thân thiện, hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền hai tỉnh Hà Giang - Vân Nam là điều kiện, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên tích cực xúc tiến đầu tư và hợp tác kinh doanh.

Về thu hút đầu tư: Từ năm 2003 đến nay tại khu Trung tâm cửa khẩu Thanh Thủy có 41 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó có: 26 dự án có Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư (01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài); Tổng vốn đăng ký đầu tư: 374,91 tỷ đồng với các ngành nghề kinh doanh: Kho, bãi, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh,….Có 20 dự án đã đưa vào khai thác sử dụng, 21 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng và chuẩn bị đầu tư.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy từ năm 2001 đến nay không ngừng tăng lên. Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong toàn tỉnh. Tổng giá trị kim ngạch XNK hàng hóa từ năm 2001 đến năm 2015 đạt 2.065,2 triệu USD (Trong đó: Giai đoạn 2001-2005 đạt 287,5 triệu USD; giai đoạn 2006-2010 đạt 714,8 triệu USD; giai đoạn 2011-2015 đạt 1.062,89 triệu USD); Trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 610 triệu USD, ước cả năm đạt khoảng 1 tỷ USD. Cơ cấu các loại mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Hoa, rau củ quả các loại, các loại hạt, ván bóc, sắn, ván gỗ ép, hải sản các loại, bao bì nhựa,... Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Thiết bị điện, nước dân dụng.... Các loại hình xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy ngày càng đa dạng phong phú.

Hoạt động xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy chủ yếu là khách du lịch và cư dân biên giới qua lại buôn bán. Hàng năm Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy có trên 200.000 lượt ngườitrên 8.000 lượt phương tiện các loại tham gia xuất nhập cảnh. Tổng số lượt người xuất nhập cảnh từ năm 2001 đến năm 2015 là: 2.538.320 lượt người (trong đó: Giai đoạn 2001 - 2005 là 302.737 lượt người; giai đoạn 2006 - 2010 là 731.811 lượt người; giai đoạn 2011 - 20151.503.772 lượt người). Tổng số phương tiện vận tải xuất nhập cảnh từ năm 2001 đến năm 2015 là: 117.351 lượt phương tiện (trong đó: Giai đoạn 2001 - 2005 là 19.357 lượt; giai đoạn 2006 - 2010 là 27.918 lượt; giai đoạn 2011 - 201558.047 lượt).

Về thu ngân sách qua cửa khẩu: Tổng số thuế xuất nhập khẩu đã nộp ngân sách nhà nước từ năm 2001 đến năm 2015 là: 2.544,383 tỷ đồng (Trong đó: Giai đoạn 2001 - 2005 là 250,647 tỷ đồng; giai đoạn 2006 - 2010 là 799,773 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 20151.493,964 tỷ đồng); 7 tháng đầu năm 2016 đạt gần 100 tỷ đồng.

III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN TRONG CÔNG TÁC ĐẦU TƯ VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO KCN, KKT

1. Tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, có sự mất cân đối về cơ cấu ngành, lĩnh vực giữa khu vực đầu tư trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài và trong từng khu vực. Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, lắp ráp, sản xuất vật liệu xây dựng với 17 dự án và các dự án về kinh doanh thương mại, dịch vụ. Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế. Riêng với chế biến nông sản, dược liệu, thức ăn gia súc chưa thu hút được.

Thứ hai, Chất lượng công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, tính dự báo chưa cao, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều.

Thứ ba, Thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT còn rườm rà, khó thực hiện.

Thứ tư, công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết các vướng mắc liên quan đến mặt bằng cho nhà đầu tư còn chậm.

Thứ năm, vấn đề bảo vệ môi trường: Một số chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho công tác bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, vấn đề lao động, việc làm: Chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn lao động còn thấp, một số lượng lớn người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, nhà máy là lao động phổ thông, kiến thức am hiểu về pháp luật, kỷ luật lao động chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp.

Thứ bảy, về công nghệ: Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về công nghệ, tuy nhiên một số dự án còn sử dụng công nghệ cũ, hiệu quả đầu tư thấp và chưa tạo ra giá trị gia tăng cao.

Thứ tám, các dự án đầu tư vào KCN, KKT có số nộp ngân sách chưa tương xứng với quy mô vốn đầu tư, suất đầu tư cũng như diện tích chiếm đất. Một số nhà đầu tư năng lực còn hạn chế dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm, kéo dài nhiều năm. Một số dự án gặp khó khăn về thị trường sau khi hoàn thành đầu tư không thể tiếp tục hoạt động được.

Thứ chín, việc chấp hành chính sách pháp luật của một số Chủ đầu tư còn nhiều hạn chế: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định; chậm triển khai dự án, hoặc giữ đất, chiếm đất trong một thời gian dài mà không triển khai dự án.

Thứ mười, công tác xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT thực hiện chưa thực sự hiệu quả, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Thứ mười một, công tác an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên vẫn còn để xảy ra tình trạng như trộm cắp, đánh nhau, chống đối cản trở dẫn đến xô xát trong công tác giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng an ninh trật tự.

2. Nguyên nhân

2.1. Nguyên nhân chủ quan:

- Cơ chế chính sách thu hút đầu tư có giai đoạn định hướng chưa rõ ràng, chưa thực sự tạo sức hút đối với nhà đầu tư, thời gian đầu mới coi trọng số lượng dự án đăng ký đầu tư mà chưa chú trọng đến chất lượng dự án. Công tác thu hút đầu tư giai đoạn trước còn thiếu định hướng về quy hoạch không gian và ngành nghề, lĩnh vực thu hút.

- Công tác xúc tiến đầu tư phần nào còn bất cập và thụ động. Việc quản lý và điều phối các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh chưa được chú trọng đúng mức. Công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ (hỗ trợ các nhà đầu tư đang hoạt động) chưa phát huy được hiệu quả.

- Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát đầu tư giữa các cấp, các ngành chưa thống nhất, thiếu đồng bộ gây ảnh hưởng tới tâm lý, tình hình đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Cơ chế phối hợp tham mưu giữa các sở, ngành của tỉnh và giữa các cơ quan của tỉnh với cơ quan chức năng ở địa phương tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản vẫn còn yếu kém, thiếu đồng bộ, thiếu nhà ở công nhân, nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT chủ yếu dựa vào vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương còn hạn chế, việc huy động từ các nguồn vốn khác gặp rất nhiều khó khăn.

- Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài trong nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm được; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật chưa được sâu sát; sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa được quyết liệt, trong khi nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế, có nơi còn chống đối, cản trở giải phóng mặt bằng.

2.2. Nguyên nhân khách quan:

- Hệ thống pháp luật, chính sách chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và thay đổi nhanh, chồng chéo giữa pháp luật đầu tư, doanh nghiệp và các luật chuyên ngành.

- Công tác cải cách thủ tục hành chính chậm đổi mới. Tính chuyên nghiệp, năng động của đội ngũ công chức, viên chức chưa cao. Phương pháp quản lý, cách thức làm việc, phối hợp giữa các cơ quan hành chính chưa thực sự hợp lý. Mức độ hiện đại hóa nền hành chính còn hạn chế; mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại chưa được áp dụng phổ biến.

- Nền kinh tế thế giới và trong nước sụt giảm, không ổn định kéo dài đã ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, tác động tiêu cực đến hiệu quả của một số dự án đầu tư.

- Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động qua đào tạo tại các trường dạy nghề của tỉnh tỷ lệ còn thấp.

- KKT của khẩu quốc tế Thanh Thủy không được nằm trong Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các KKT cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 1531/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 và không thuộc danh mục các KKT cửa khẩu được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 tại văn bản số 2236/TTg-KTTH ngày 08/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Phần IV

MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, hấp dẫn, tin cậy để vận động thu hút, nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu quả các dự án nhằm đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Làm cơ sở tổ chức thực hiện thu hút đầu tư về các ngành, lĩnh vực ưu tiên; lựa chọn các đối tác, công nghệ đầu tư; điều chỉnh cơ cấu đầu tư, phân bổ lại nguồn lực đầu tư của tỉnh trong giai đoạn mới.

Phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nhanh chóng đưa ngành công nghiệp khai khoáng - luyện kim, công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế biên mậu, trọng tâm là cửa khẩu quốc tế Thanh thủy và các cửa khẩu biên giới đất liền khác trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về phát triển kết cấu hạ tầng:

- Hoàn thành kết cấu hạ tầng giai đoạn I, triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn II KCN Bình Vàng. Đến năm 2025 hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Bình Vàng.

- Từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KKT cửa khẩu Thanh Thủy và các cửa khẩu khác theo quy hoạch được duyệt.

2.2. Về thu hút đầu tư:

- Phấn đấu hoàn thành thu hút đầu tư các dự án trong danh mục khuyến khích đầu tư vào KCN, KKT.

- Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy KCN Bình Vàng đạt 100%.

- Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tận dụng mọi nguồn vốn bằng nhiều hình thức đầu tư để thực đầu tư vào KKT cửa khẩu Thanh Thủy và khu vực các cửa khẩu biên giới đất liền khác trên địa bàn tỉnh.

2.3. Về phát triển thương mại:

- Phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt 1 tỷ USD; đến năm 2020 đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2025 đạt trên 1,7 tỷ USD.

- Tổng số lượt người xuất nhập cảnh từ năm 2016 đến năm 2020 đạt trên 2 triệu lượt người; đến năm 2025 đạt trên 4 triệu lượt người.

- Tổng số phương tiện vận tải xuất nhập cảnh từ năm 2016 đến năm 2020 đạt trên 80.000 lượt phương tiện và đến năm 2025 đạt trên 100.000 lượt phương tiện.

II. ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ

1. Phát triển công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XV tỉnh Hà Giang đã xác định một trong tám đột phá về phát triển kinh tế - xã hội đó là “Đột phá về sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả cao của tỉnh”. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu là: “Đẩy mạnh đầu tư, ưu tiên phát triển công nghiệp có thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp nhất là chế biến sâu khoáng sản, phát triển thủy điện theo quy hoạch, chế biến nông lâm sản”.

Công nghiệp chế biến, thủy điện và sản xuất vật liệu xây dựng là những ngành có tiềm năng phát triển lớn và giữ vị trí quan trọng trong phát triển nền kinh tế tỉnh Hà Giang trong những năm vừa qua. Do đó cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh hướng tới sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong đó, đối với giai đoạn 2 KCN Bình Vàng cần ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thực phẩm với công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng nhiều lao động.

2. Phát triển các ngành thương mại, dịch vụ

Để hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng chất lượng và bền vững, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh với trọng tâm là tập trung phát triển KKT cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy: Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, mở rộng ngành nghề và giải quyết lao động tại chỗ. Phát triển thương mại, dịch vụ gắn với việc quy hoạch xây dựng KKT nhm phát triển đồng bộ và bền vững. Hoàn thiện hệ thống chợ theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Phát triển hệ thống logistics, mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại phù hợp với quy hoạch KKT, đa dạng hóa các loại hình, quy mô và phương thức kinh doanh.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng

Trong thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng phát triển cũng là một trong những điều kiện hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ hơn nữa vốn đầu tư vào KCN, KKT. Trong điều kiện vốn ngân sách còn hạn hẹp, chúng ta cần có chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư: BOT, BT, BTO, PPP… Hiện nay đã có một số dự án đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ngoài ngân sách do các nhà đầu tư, đơn vị chuyên ngành thực hiện đạt hiệu quả tốt: Dự án cấp điện tại KCN Bình Vàng,.... Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Giang chủ trương tiếp tục “Tập trung huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng” trong đó có hạ tầng KCN, KKT. Các dự án thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách chủ yếu gồm: Hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, dịch vụ kho, bãi tại các cửa khẩu.

III. GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Vận dụng đầy đủ và linh hoạt cơ chế, chính sách hiện có của nhà nước và của tỉnh trong công tác thu hút và quản lý đầu tư.

- Rà soát các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hiện hành của tỉnh; nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư đặc thù của tỉnh đối với các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư), trong đó tập trung vào một số lĩnh vực:

+ Hỗ trợ xúc tiến đầu tư.

+ Hỗ trợ về mặt bằng: Hỗ trợ và phối hợp với nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi.

+ Hỗ trợ cung ứng và đào tạo lao động: Tạo điều kiện liên kết, cung ứng đào tạo nghề giữa nhà đầu tư với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhà đầu tư được ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương đã qua đào tạo.

+ Hỗ trợ các dịch vụ tư vấn bước chuẩn bị đầu tư, khảo sát, thiết kế dự án.

+ Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án.

+ Hỗ trợ nhà đầu tư về hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng các mô hình công nghệ chất lượng cao.

2. Giải pháp về quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết; công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát các quy hoạch hiện có để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ. Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư và triển khai dự án như: giao thông, điện, cấp thoát nước, dịch vụ viễn thông, nhà ở cho người lao động.

3. Giải pháp về giải phóng mặt bằng và tái định cư

Ưu tiên bố trí các nguồn vốn từ ngân sách vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo mặt bằng sạch trước khi triển khai dự án.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt nhà nước ưu tiên triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật (Điện, đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải), hạ tầng xã hội (Trường học, trạm y tế, nhà ở công nhân); ưu tiên đầu tư xây dựng khu tái định cư, triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án.

4. Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

- Cụ thể hóa Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 thành chương trình, kế hoạch cụ thể. Phấn đấu cải thiện chỉ số CPI, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Tiếp tục phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ một cửa theo hướng hiện đại. Vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính. Tăng cường công tác rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính. Đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hằng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

- Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực phẩm chất làm công tác quản lý, xúc tiến đầu tư. Phối hợp thực hiện tốt Quyết định số 1783/QĐ-UBND ngày 10/8/2016 của UBND tỉnh Hà Giang về ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong các KCN, KKT.

- Công khai, minh bạch các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, cụ thể hóa các quy định của nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành.

- Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại hình dịch vụ: Tài chính, dịch vụ tư vấn, kiểm toán, xúc tiến thương mại,... Từng bước hình thành thị trường vốn, thị trường lao động của tỉnh.

- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Định kỳ tổ chức các hội nghị, hội thảo giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan với các nhà đầu tư.

5. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư. Nghiên cứu, điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nâng cao trình độ lao động, đặc biệt đối với người nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng KCN, KKT.

Nghiên cứu xây dựng trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lấy trường nghề làm nòng cốt trước mắt đáp ứng yêu cầu trong KCN, KKT, hướng tới xuất khẩu lao động. Rà soát các cơ sở đào tạo nghề hiện nay để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp. Gắn kết giữa nhà đầu tư với các cơ sở đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.

6. Giải pháp về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư

- Xây dựng hệ thống thông tin về xúc tiến đầu tư. Giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và của tỉnh: Báo chí, truyền hình, mạng internet.

- Công khai, minh bạch hệ thống các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, danh mục các lĩnh vực ưu tiên, trao đổi thông tin hỗ trợ giải đáp thông tin cho các nhà đầu tư.

- Phối hợp, tham gia các hoạt động xúc tiến, vận động đầu tư trong và ngoài nước. Chủ động phối hợp hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch; phối hợp và lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, quốc tế.

- Lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, lập danh mục các đối tác vận động đầu tư. Tiến hành vận động đầu tư thông qua nhiều hình thức: Trực tiếp cử đoàn đi xúc tiến, mời đoàn vào tìm hiểu cơ hội đầu tư, gửi thư ngỏ và các ấn phẩm tài liệu giới thiệu về tiềm năng cơ hội đầu tư; tổ chức các hội nghị xúc tiến, các hội chợ,... hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chuyên trách về công tác tư vấn và xúc tiến đầu tư như: VCCI, KOTRA,..., thông qua hệ thống mạng lưới xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan.

- Chú trọng và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các doanh nghiệp đã tham gia đầu tư trên địa bàn.

7. Giải pháp về vốn

- Nhà nước bằng nguồn vốn từ ngân sách đầu tư kịp thời đối với các công trình, dự án hạ tầng thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Bồi thường giải phóng mặt bằng; hệ thống giao thông, thoát nước mưa, điện chiếu sáng, cây xanh, hạ tầng xã hội, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ theo chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư bằng nhiều hình thức đầu tư (PPP, BOT, BCC...) tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong KCN, KKT (Bao gồm cả tham gia vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trong KCN, KKT: Cấp nước, xử lý nước thải, cấp điện, dịch vụ kho, bãi...).

- Về dự báo nhu cầu vốn đầu tư:

+ Nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật trong KCN, KKT: Giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 817,68 tỷ đồng; giai đoạn 2021 -2025 khoảng 500 tỷ đồng.

+ Nhu cầu vốn đầu tư bằng các nguồn vốn khác hoặc đầu tư theo hình thức PPP đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật trong KCN, KKT: Giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 514,5 tỷ đồng.

+ Nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp vào KCN, KKT: Giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.300 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.000 tỷ đồng.

8. Giải pháp về đảm bảo củng cố và giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội

Đảm bảo củng cố và giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh là cơ quan thường trực tổ chức theo dõi, đôn đốc điều phối, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án, tập trung vào các nhiệm vụ sau:

- Rà soát các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hiện hành của tỉnh.

- Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích thu hút đầu tư đặc thù vào KCN, KKT.

- Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Rà soát việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm so với quy định của pháp luật.

2. Sở Xây dựng: Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng lộ trình quy hoạch về hạ tầng xã hội, phát triển các khu nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi nơi có KCN, KKT.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên các dự án của tỉnh để kịp thời uốn nắn, xử lý và hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng đất đai hiệu quả, tránh lãng phí.

- Tham mưu ban hành quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Tiến hành rà soát, đánh giá công nghệ đã được sử dụng tại các dự án đang triển khai, kiến nghị biện pháp xử lý đối với các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường lớn.

- Nghiên cứu, đề xuất quy định hỗ trợ đầu tư về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

Rà soát, nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động; quy định về hỗ trợ cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động.

6. Sở Công Thương: Xây dựng Đề án phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2025; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 9028/QĐ-BCT ngày 08/10/2014 về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển công nghiệp có thế mạnh của tỉnh đến năm 2020.

7. Sở Tài chính: Trên cơ sở cân đối nguồn vốn ngân sách, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí nguồn ngân sách cho thực hiện các chính sách liên quan đến vốn trong thu hút đầu tư vào KCN, KKT.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trong việc rà soát, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích thu hút đầu tư đặc thù vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính trong việc bố trí kế hoạch vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng và các chính sách về vốn hỗ trợ đầu tư trong KCN, KKT.

- Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư.

9. UBND huyện Vị Xuyên: Giải quyết dứt điểm những vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng Khu tái định cư và KCN Bình Vàng giai đoạn I, dự án trong KKT cửa khẩu Thanh Thủy nhằm tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Khu tái định cư và KCN Bình Vàng giai đoạn II.

10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thẩm định chặt chẽ những khu vực phát triển các KCN, KKT nằm trong địa bàn nhạy cảm về QP - AN, khu vực có loại địa hình đặc biệt quan trọng trong thế trận quốc phòng, an ninh, vừa bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững thế trận quân sự trên địa bàn.

11. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan: Theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong Đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Đề án. Định kỳ 6 tháng và một năm, các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố nơi có KCN, KKT báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh thông qua Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ về tình hình thực hiện đề án; chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2165/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2165/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành16/09/2016
Ngày hiệu lực16/09/2016
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcĐầu tư
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật8 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2165/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 2165/QĐ-UBND Đề án thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp khu kinh tế Hà Giang 2016


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2165/QĐ-UBND Đề án thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp khu kinh tế Hà Giang 2016
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2165/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Hà Giang
                Người kýNguyễn Văn Sơn
                Ngày ban hành16/09/2016
                Ngày hiệu lực16/09/2016
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcĐầu tư
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật8 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                      Văn bản hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 2165/QĐ-UBND Đề án thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp khu kinh tế Hà Giang 2016

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 2165/QĐ-UBND Đề án thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp khu kinh tế Hà Giang 2016

                        • 16/09/2016

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 16/09/2016

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực