Quyết định 226-CP thành lập Ban chỉ đạo phân bố lao động dân cư đã được thay thế bởi Nghị định 76-HĐBT giải thể Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư Trung ương và các cấp và được áp dụng kể từ ngày 03/06/1984.
Nội dung toàn văn Quyết định 226-CP thành lập Ban chỉ đạo phân bố lao động dân cư
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 226-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 1981 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 226-CP NGÀY 1-6-1981 VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÂN BỐ LAO ĐỘNG VÀ DÂN CƯ
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật tổ chức hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 13 tháng 5 năm 1981;
Để đầy mạnh việc phân bố lại lao động và dân cư trên địa bàn cả nước theo yêu cầu phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Thành lập Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư Trung ương để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các mặt sau đây:
1. Nghiên cứu, kiến nghị với Hội đồng Chính phủ thông qua các chủ trương, chính sách, kế hoạch phân bố lao động và dân cư phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng trong thời gian 1981 -1985 và các kế hoạch dài hạn.
2. Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các ngành, các cấp trong việc thực hiện kế hoạch phân bố lao động và dân cư đã giao.
3. Điều hoà, phối hợp các ngành trong quá trình thực hiện; phát hiện các vấn đề nảy sinh và kiến nghị cách giải quyết các vấn đề mà các ngành không giải quyết được, phối hợp với các ngành để thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chủ trương, biện pháp về điều động lao động, tổ chức sản xuất và tổ chức đời sống ở các nơi phân bố lao động đến.
Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư Trung ương có quyền:
1. yêu cầu các ngành, các cấp báo cáo chủ trương, kế hoạch, biện pháp và tình hình thực hiện việc điều động, phân bố lao động và dân cư, tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống... theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.
2. Kiến nghị với các ngành, các cấp những công việc cần làm để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước về phân bố lao động và dân cư.
3. Căn cứ kế hoạch phân bố lao động và dân cư, và tình hình thực hiện kế hoạch ấy, đề ra các yêu cầu cần thống nhất hành động để thực hiện tốt kế hoạch phân bố lao động.
Điều 2. - Thành phần Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư Trung ương gồm có:
- Trưởng ban: Đào Thiện Thi, Bộ trưởng Bộ Lao động;
- Phó trưởng ban: Chế Viết Tấn, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước,
Nguyễn Công Tạn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp,
Hoàng Tiến, phó trưởng ban thường trực.
- Uỷ viên: Đại diện các Bộ Lâm nghiệp, Hải sản, Quốc phòng, Tài chính, Lương thực, Giao thông vận tải và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí Minh.
Điều 3. - Thành lập Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phân bố lao động và dân cư.
Ban chỉ đạo phân bố lao động tỉnh, thành phố có nhiệm vụ, quyền hạn ở địa phương giống như Ban chỉ đạo phân bố lao động của các tỉnh, thành phố khác có liên quan để tổ chức thực hiện kế hoạch điều động lao động và dân cư giữa các địa phương.
Thành phân Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư tỉnh, thành phố gồm :
Trưởng ban: Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố;
Phó trưởng ban: Phó thủ trưởng các cơ quan lao động, kế hoạch, nông nghiệp, bí thư hoặc phó bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và một hoặc hai phó trưởng ban chuyên trách;
Uỷ viên: Đại diện các Ty, Sở tài chính, lương thực, giao thông vận tải, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố (và lâm nghiệp, hải sản nếu dịa phương có các cơ quan này).
Điều 4. - Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã phân công một Phó chủ tịch phụ trách việc huy động, điều hoà, phối hợp lực lượng của các ban, ngành trong địa phương (nhất là các ban nông, lâm, ngư nghiệp) và đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để tổ chức thực hiện kế hoạch phân bố lao động trên địa bàn huyện và chỉ đạo các xã, phường động viên, tổ chức lao động và dân cư đi và đến theo kế hoạch phân bố lao động và dân cư do Nhà nước giao.
Điều 5. - Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư ở Trung ương và tỉnh, thành phố có một số chuyên viên giúp việc, làm việc thường xuyên do các thành viên trong ban cử đến.
Địa điểm làm việc và bộ máy giúp việc của Ban ở Trung ương là Văn phòng Phủ thủ Thủ tướng và ở địa phương là Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Điều 6. - Các đồng chí bộ trưởng Phủ Thủ tướng, bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thi hành quyết định này.
| Tố Hữu (Đã ký) |