Nội dung toàn văn Quyết định 2352/QĐ-UBND năm 2014 hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS Bình Dương 2014 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2352/QĐ-UBND | Bình Dương, ngày 23 tháng 09 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI HIV/AIDS TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 90/TTr-SLĐTBXH ngày 29/8/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Bình Dương giai đoạn 2014 - 2020 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
Tạo điều kiện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn thích hợp, tiếp cận với giáo dục, hưởng các chính sách xã hội theo quy định hiện hành, được sống ở nơi an toàn cùng với bố, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc người thân hoặc được sống ở những cơ sở chăm sóc thay thế; trẻ em nhiễm HIV trong diện quản lý được chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến HIV/AIDS.
2. Mục tiêu đến năm 2020
2.1. Phấn đấu 90% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định.
2.2. Phấn đấu 90% cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
2.3. 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.
II. Đối tượng và phạm vi thực hiện
1. Đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bao gồm
a) Trẻ nhiễm HIV.
b) Trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV: Trẻ em mồ côi do bố và mẹ hoặc bố hoặc mẹ chết hoặc người nuôi dưỡng chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS; trẻ em sống với bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng nhiễm HIV.
c) Trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV:
- Trẻ em sử dụng ma túy;
- Trẻ em là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy;
- Trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp trẻ em;
- Trẻ em bị xâm hại tình dục;
- Trẻ em lang thang;
- Trẻ em mồ côi do các nguyên nhân khác;
2. Phạm vi thực hiện:
Kế hoạch được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó, ưu tiên các địa bàn có nhiều trẻ em sống trong các khu nhà trọ.
III. Các nội dung hoạt động và giải pháp chủ yếu
1. Quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thông qua phiếu khảo sát. Từ đó, phân loại rõ từng đối tượng trẻ em để tìm giải pháp chăm sóc tốt nhất cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về y tế, giáo dục, chính sách,…
- Tổ chức các lớp tập huấn để cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho đội ngũ cộng tác viên Bảo vệ chăm sóc trẻ em khu, ấp; người làm công tác chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các cơ sở bảo trợ xã hội và tại cộng đồng; giáo viên ở các trường học, người cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Ban chủ nhiệm và các thành viên tham gia câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS”;…
- Từng bước rà soát, đề xuất bổ sung để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Tiếp nhận và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do Trung ương hướng dẫn.
- Tổ chức triển khai, đánh giá, thu thập thông tin, báo cáo và sơ, tổng kết về tình hình thực hiện kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hàng năm tại địa phương.
2. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để cộng đồng hiểu rõ đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thông qua các hình thức như diễn đàn, hội thi, hội diễn văn nghệ, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tư vấn,... tại cộng đồng, trường học và gia đình.
- Tạo điều kiện, tổ chức đưa trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đi giao lưu, tham quan vui chơi với trẻ em trong và ngoài tỉnh.
- Nhân bản, in ấn các tài liệu, sản phẩm truyền thông nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về bảo vệ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho từng nhóm đối tượng có liên quan.
- Đẩy mạnh xã hội hóa; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS.
3. Hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Kiện toàn các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và xây dựng mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Kịp thời có biện pháp quản lý, tác động cần thiết bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả của các dịch vụ.
- Hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em: gói dịch vụ điều trị và chăm sóc cơ bản dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm HIV; hưởng các chính sách về giáo dục cho trẻ em theo quy định; chăm sóc tâm lý, dinh dưỡng, phát triển thể chất và chăm sóc tại gia đình, cộng đồng; tiếp cận với dịch vụ vui chơi giải trí và các chính sách xã hội khác.
- Tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả 20 Câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS” ở thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Thuận An. Mở rộng, thành lập mới từ 20 câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS” ở các huyện, thị xã còn lại.
IV. Dự kiến kinh phí thực hiện
Dự kiến kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Bình Dương giai đoạn 2014 - 2020 là 2.310.000.000 đồng (Hai tỷ ba trăm mười triệu đồng), cụ thể như sau:
- Ngân sách cấp tỉnh: 540.000.000 đồng.
- Ngân sách cấp huyện: 1.770.000.000 đồng.
(Kèm theo phụ lục kinh phí)
V. Tổ chức thực hiện.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Tổ chức triển khai Kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh.
- Tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ 6 tháng, năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động- Thương binh Xã hội.
- Liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Tiếp nhận và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Tô chức sơ kết vào năm 2016 và tổng kết cuối năm 2020 việc thực hiện Kế hoạch này.
2. Sở Y tế:
- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cung cấp gói dịch vụ điều trị và chăm sóc cơ bản dành cho trẻ nhiễm HIV và trẻ phơi nhiễm HIV, tư vấn xét nghiệm HIV.
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch với các hoạt động của ngành Y tế.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Triển khai việc hỗ trợ về giáo dục cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS theo nhu cầu của trẻ.
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Triển khai các hoạt động chống kỳ thị, chống phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong trường học và lồng ghép với các hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo.
4 Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan vận động các nguồn lực để hỗ trợ cho việc thực hiện kế hoạch.
5. Sở Tài chính: căn cứ khả năng ngân sách của tỉnh để bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; chống kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2014 - 2020.
- Chủ động lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch này với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch tại địa phương gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Bố trí ngân sách thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia thực hiện Kế hoạch: tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong tổ chức mình; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
VI. Cơ chế phối hợp thực hiện và báo cáo:
1. Căn cứ Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Bình Dương giai đoạn 2014 - 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch cụ thể hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng (10/6) và năm (10/12) theo quy định.
2. Các Sở, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai và gửi báo cáo kết quả thực hiện Chương trình của đơn vị mình về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |