Quyết định 26/QĐ-TTg

Quyết định 26/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Đề án “Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 26/QĐ-TTg Đề án Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô,Thừa Thiên Huế đến 2020


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ CHÂN MÂY - LĂNG CÔ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16 tháng 08 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 08 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án: ''Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm và tư tưởng chỉ đạo phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bao gồm: thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Bắc và Đông Bắc giáp biển Đông, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp xã Lộc Bình, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), có diện tích 27.108 ha. Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phải quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau:

a) Tập trung sức xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ khu vực, quốc tế. Ưu tiên cho phát triển kinh tế thương mại, du lịch, đô thị và những ngành khác gắn với cảng Chân Mây. Phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đảm bảo phát triển bền vững, lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm song song với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trên quan điểm kinh tế mở và hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, kể cả nguồn lực trong nước và nguồn lực của nước ngoài cho phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thích ứng với môi trường cạnh tranh quốc tế.

c) Phối hợp với thành phố Huế, Đà Nẵng và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các nước trong Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, hành lang kinh tế Đông Tây, đặc biệt là với các nước láng giềng Campuchia, Lào và Thái Lan nhằm xây dựng phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trở thành đầu mối và cầu nối Huế - Đà Nẵng thành một cực phát triển quan trọng ở phía Bắc của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

d) Khai thác và phát huy triệt để những lợi thế hiện có để xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với mô hình Khu kinh tế tổng hợp với các "khu trong khu" như khu du lịch có các sản phẩm du lịch độc đáo, khu công nghiệp có các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, quy mô lớn, khu phi thuế quan với các ưu đãi tốt nhất gắn với cảng biển nước sâu Chân Mây và khu dân cư đô thị. Giai đoạn đầu tập trung ưu tiên phát triển mạnh cảng Chân Mây thành một cảng tổng hợp, hình thành khu công nghiệp, khu chế xuất, khu phi thuế quan; đồng thời, tận dụng tối đa lợi thế cảng Chân Mây để phát triển thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu. Giai đoạn sau tiếp tục phát triển với chất lượng cao và phạm vi hoàn chỉnh, từng bước thúc đẩy các ngành dịch vụ cảng và dịch vụ du lịch, xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành Trung tâm kinh tế và giao thương quốc tế lớn của khu vực.

đ) Tập trung xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện đại, đồng bộ. Xây dựng đô thị mới Chân Mây hiện đại, văn minh có kiến trúc mang bản sắc Huế gắn với chuỗi đô thị Huế - Chân Mây - Lăng Cô - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất - Nhơn Hội - Vân Phong. Thực hiện cơ chế chính sách phát triển năng động để phát triển tất cả các loại hình sản xuất kinh doanh và các hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

e) Nâng chức năng hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch thành một chức năng quan trọng của Khu kinh tế để có thể phát triển nhanh, đạt hiệu quả cao.

g) Phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bảo đảm hiệu quả tổng hợp, cả kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, mở rộng quan hệ đối ngoại khu vực và quốc tế.

h) Cơ chế chính sách được áp dụng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cần ổn định lâu dài, ưu đãi, tạo điều kiện để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện. Về cơ bản, các cơ chế chính sách áp dụng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được áp dụng thống nhất như chính sách đã áp dụng đối với Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu.

i) Thực hiện quản lý tập trung, thống nhất, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn thuận lợi, một đầu mối, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Khu kinh tế.

2. Tính chất của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

a) Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là Khu kinh tế tổng hợp thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế - một trong những trung tâm thương mại, du lịch, phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với cảng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

b) Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là khu vực có ranh giới địa lý xác định, thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia nhưng không có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng bao gồm: các khu chức năng, các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và cơ chế quản lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong khung pháp lý hiện hành và ngày càng hoàn thiện.

c) Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được vận hành bởi khung pháp lý riêng; áp dụng những ưu đãi theo cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành và một số ưu đãi đặc biệt khác phù hợp với mô hình các khu kinh tế trong khu vực.

3. Phấn đấu đạt những mục tiêu phát triển chủ yếu.

a) Khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và địa lý chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực Bắc Trung Bộ và cả miền Trung, thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước.

b) Xây dựng khu đô thị mới Chân Mây, khu du lịch - dịch vụ đô thị Lăng Cô, đồng thời với việc ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đảo Sơn Chà - Hải Vân - Bạch Mã gắn với đầm phá, biển và núi trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để trở thành một trong những trung tâm du lịch - dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm và của cả nước.

c) Phát triển sản xuất, hình thành các ngành dịch vụ, công nghiệp mũi nhọn, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng và hội nhập thị trường khu vực và thế giới. Xây dựng và kinh doanh kho trung chuyển conteiner gắn với việc đầu tư khai thác có hiệu quả cảng nước sâu Chân Mây để cùng với quốc lộ 49, cửa khẩu S 10 (A Đớt - Tà Vàng), S 3 (Hồng Vân - Cutai); cửa khẩu Lao Bảo đường 9; cửa khẩu Bờ Y và đường 14B, thành cửa ngõ quan trọng ra biển Đông của Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và cả Tiểu vùng sông Mê Kông.

d) Tạo việc làm cho khoảng 73 - 74.000 người (chiếm 62% dân số khu), đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

đ) Từ nay đến năm 2010, hình thành Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với cơ sở pháp lý và cơ chế chính sách thông thoáng, hoàn thành xây dựng các trục giao thông liên vùng và nội vùng, các khu chức năng được quy hoạch chi tiết, để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư và phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, bước đầu khai thác cảng, khu phi thuế quan, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đẩy nhanh tốc độ đầu tư khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cùng với khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội để đến năm 2020 tạo thành chuỗi các khu kinh tế ven biển miền Trung liên kết chặt chẽ với nhau trở thành hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành cầu nối với thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

e) Từ năm 2011 - 2020, tiếp tục xây dựng và đầu tư phát triển hạ tầng của khu vực. Thực hiện theo quy hoạch chi tiết và đi vào sản xuất kinh doanh các khu công nghiệp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu phi thuế quan.

4. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

a) Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực:

- Phát triển du lịch:

+ Phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch tự nhiên cùng tài nguyên du lịch nhân văn (các di tích lịch sử, văn hóa), đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế cơ bản của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Gắn phát triển du lịch của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và du lịch miền Trung, hoà nhập với du lịch khu vực trong khu du lịch trọng điểm quốc gia Cảnh Dương - Lăng Cô - Bạch Mã - Hải Vân; Huế; Non Nước - Hội An - Mỹ Sơn; Phong Nha - Kẻ Bàng.

+ Phát triển đa dạng các loại hình du lịch nhằm khai thác tổng hợp các tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Phát triển du lịch hợp lý, hiệu quả, đồng thời gắn kết với bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, phù hợp với tổ chức không gian du lịch của toàn bộ khu vực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng theo Chiến lược phát triển du lịch thời kỳ 2001 - 2010 (Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ).

- Các loại hình du lịch:

+ Du lịch nghỉ dưỡng: các khu nghỉ dưỡng, khu khám chữa bệnh,....

+ Du lịch biển: nghỉ mát biển, thể thao trên biển, khảo sát sinh vật biển, sinh thái,....

+ Du lịch mạo hiểm: các hoạt động thể thao như leo núi, tàu lượn, lặn biển...

+ Vui chơi giải trí: sân gofl, trung tâm du lịch sinh thái, các loại hình nghệ thuật truyền thống.

+ Du lịch công vụ: nhà đầu tư, tư vấn giao dịch, làm việc tại khu kinh tế.

Tiếp tục nâng cấp và xây dựng theo quy hoạch các cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, cung cấp nước; xây dựng một số khách sạn, nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, các khu vui chơi giải trí phong phú, phát triển các nhà hàng, các loại hình dịch vụ đa dạng nhằm hấp dẫn và thu hút du khách, đặc biệt khách quốc tế nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tạo môi trường tốt thu hút các nguồn đầu tư phát triển du lịch, chú ý các dự án đầu tư nước ngoài, liên doanh liên kết. Khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư phát triển du lịch: tôn tạo và xây dựng các công trình du lịch có chất lượng cao.

Không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ, ý thức phục vụ, văn hoá giao tiếp gây ấn tượng tốt cho du khách. Tổ chức đào tạo về nghiệp vụ tổ chức, quản lý cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch nhằm đem lại công ăn việc làm, thu nhập cho người dân đồng thời tuyên truyền ý thức bảo vệ các tài nguyên du lịch không bị khai thác bừa bãi.

- Phát triển dịch vụ, thương mại và hình thành khu phi thuế quan:

+ Định hướng phát triển chung:

Về phát triển dịch vụ: phát huy lợi thế vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, sự thuận lợi về giao thông, tập trung phát triển dịch vụ vận tải, dịch vụ cảng biển, hệ thống kho ngoại quan, dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, tín dụng bảo hiểm, dịch vụ tư vấn công nghệ, tiếp thị... chú trọng các dịch vụ phục vụ cho hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế.

Về phát triển thương mại: phát triển thương mại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô gắn với phát triển công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, kết hợp với các dịch vụ hỗ trợ mua bán hàng hóa, cất trữ, đóng gói phục vụ xuất khẩu, tái xuất khẩu...

+ Phương hướng phát triển của khu phi thuế quan:

Khu phi thuế quan gắn với một phần cảng Chân Mây bao gồm các hoạt động hàng xuất khẩu và hàng phục vụ tại chỗ, thương mại hàng hoá (bao gồm cả sản xuất, gia công, tái chế, xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập - tái xuất, phân phối, siêu thị bán lẻ), thương mại dịch vụ (phân loại, đóng gói, vận chuyển giao nhận hàng hoá quá cảnh, bảo quản kho tàng, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống), xúc tiến thương mại (giới thiệu sản phẩm, hội chợ triển lãm, đặt chi nhánh, văn phòng đại diện các công ty trong nước và nước ngoài, bao gồm cả các tổ chức tài chính, ngân hàng) và các hoạt động thương mại khác.

Hình thành tại khu phi thuế quan:

+ Khu trung tâm thương mại, văn phòng giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh;

+ Khu sản xuất, gia công, tái chế, lắp rắp, sửa chữa,...

+ Khu giới thiệu sản phẩm, siêu thị, triển lãm, dịch vụ;

+ Khu trung chuyển hàng hoá, kho ngoại quan và các loại kho bãi khác.

- Phát triển công nghiệp:

Hướng phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tập trung vào các ngành sau đây:

+ Sản xuất, gia công, lắp ráp ô tô, lắp ráp xe gắn máy.

+ Sản xuất, gia công thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, lĩnh vực vật liệu xây dựng có hàm lượng công nghệ cao.

+ Sản xuất, gia công, lắp rắp thiết bị văn phòng.

+ Sản xuất, gia công, chế tạo mẫu sản phẩm, bao bì.

+ Sản xuất, gia công hàng chất lượng cao: vàng, bạc, đá quý, hoá mỹ phẩm...

+ Sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị điện, điện lạnh, đồ điện chất lượng cao; sản xuất máy nổ.

+ Sản xuất, gia công thiết bị cơ khí chính xác; lắp ráp thiết bị kỹ thuật số.

+ Sản xuất, gia công, sửa chữa tàu thuỷ, sản xuất container.

+ Sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin - điện tử.

+ Chế biến cao su mủ khô và các sản phẩm từ cao su, sản xuất rượu cao độ.

+ Sản xuất chế biến đá ốp lát, bê tông áp pha; vật liệu xây dựng cao cấp và các sản phẩm bê tông đúc sẵn, gạch tuynen.

+ Sản xuất giầy, dép, đồ da xuất khẩu.

+ Sản xuất cáp điện các loại, bóng điện cao áp thuỷ ngân.

+ Lọc, hoá dầu mini.

+ Sản xuất các sản phẩm từ nhựa cao cấp.

+ Sản xuất chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm.

+ Sản xuất kính các loại, chế biến thuỷ tinh.

+ Sản xuất chế biến hoa quả xuất khẩu, chế biến đồ hộp.

+ Sản xuất bao bì, in ấn nhãn hàng hoá; giấy và các sản phẩm từ giấy.

+ Chế biến thuỷ hải sản, nông - lâm sản (các sản phẩm từ gỗ).

+ Sản xuất sợi và sản xuất các sản phẩm dệt may.

+ Sản xuất đồ gia dụng, dụng cụ thể dục - thể thao, thiết bị, văn phòng phẩm.

Hình thành và phát triển Khu công nghiệp Chân Mây:

Hình thành và phát triển Khu công nghiệp Chân Mây gắn với quá trình hình thành cảng và đô thị mới Chân Mây; các ngành công nghiệp phục vụ cảng, vận tải biển như đóng và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí sửa chữa phương tiện giao thông thủy, bộ; lọc hoá dầu mini; các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch như: công nghiệp phần mềm, vật liệu mới, cơ khí chính xác, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện, điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may, sản xuất giày dép, đồ nhựa; công nghiệp chế biến nông lâm, thuỷ sản phục vụ xuất khẩu...

- Phát triển nông nghiệp, thủy sản:

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tạo cảnh quan khu kinh tế. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị cao nhằm cung cấp thực phẩm an toàn, hoa cây cảnh cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, gắn sản xuất hàng hóa nông nghiệp với du lịch.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm: thu hoạch, bảo quản, chế biến.

Hình thành, phát triển vùng nuôi trồng thủy đặc sản chuyên canh, nước lợ, nước ngọt. Xây dựng vùng nuôi chuyên canh nhuyễn thể theo phương pháp nuôi sinh thái ở đầm Lập An.

Xây dựng và phát triển từng bước thuỷ đặc sản biển ở Chân Mây Tây, hòn Sơn Chà, bãi Chuối, vịnh Chân Mây, Tư Hiền, đầm Cầu Hai, đầm Lập An với các loài hải sản quý hiếm như tôm hùm, bào ngư, ngọc trai.

- Phát triển các lĩnh vực xã hội:

Dân số, lao động:

Đô thị mới Chân Mây được phát triển trên cơ sở hình thành và phát triển cảng biển nước sâu Chân Mây cùng các loại hình công nghiệp dịch vụ hậu cảng, sự phát triển của các khu công nghiệp, các khu kỹ thuật cao, khu thương mại tự do, các khu kho bãi, khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật; khu du lịch, các cơ quan, các trường đào tạo nghề, các cơ sở thương mại, dịch vụ đô thị, xây dựng cơ bản và giao thông đối ngoại và cả một phần cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Dự báo quy mô dân số đến năm 2020 của khu vực này khoảng 120.000 - 150.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 85%, tổng lao động xã hội khoảng 73,4 nghìn người, chiếm khoảng 61,2%.

Phát triển giáo dục và đào tạo.

Triển khai những định hướng phát triển ngành đã được xác định trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Lộc trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô như:

+ Chú trọng nâng cao trình độ dân trí, mở rộng quy mô giáo dục ở tất cả các cấp, chú trọng các trường dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.

+ Thực hiện xã hội hoá giáo dục nhằm thu hút mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, từng bước nâng cao trình độ dân trí và chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Phấn đấu sớm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu về giáo dục đào tạo ở mức cao nhất của khu vực và cả nước ở vùng Chân Mây - Lăng Cô.

Phát triển y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Triển khai những định hướng phát triển ngành đã được xác định trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Lộc trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô như:

+ Phát triển sự nghiệp y tế kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền cả về quy mô và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân theo hướng tích cực phòng ngừa và chữa bệnh kịp thời; đồng thời đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của khách du lịch trong nước và quốc tế.

+ Củng cố và mở rộng mạng lưới y tế cơ sở. Xây dựng bệnh viện Chân Mây đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy mô từ 300 - 600 giường, các bệnh viện chuyên khoa.

+ Hình thành trung tâm cứu hộ, cứu nạn.

- Phát triển văn hoá - thông tin và thể dục thể thao.

Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và sức khỏe nhân dân. Đổi mới các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao theo hướng xã hội hóa.

+ Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, xây dựng một số điểm văn hoá.

+ Tiếp tục bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tuyên truyền, giáo dục nhân dân trân trọng và phát huy các giá trị về văn hóa lịch sử, phong tục tập quán lành mạnh.

+ Tích cực phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các loại hình văn hoá độc hại, các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, cờ bạc.

+ Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá thông tin, đặc biệt đối với các loại hình dịch vụ văn hoá. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

+ Đầu tư nâng cấp mạng lưới bưu chính viễn thông, phát thanh truyền hình quốc tế, nội địa có chất lượng cao đảm bảo yêu cầu thông tin liên lạc, vui chơi giải trí của nhân dân và các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

+ Đầu tư xây dựng mạng lưới phát thanh truyền hình hiện đại tiên tiến đáp ứng yêu cầu của một trung tâm đô thị phát triển năng động.

- Phát triển khoa học - công nghệ và môi trường.

Ứng dụng rộng rãi các tiến bộ mới về khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Gắn liền quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quá trình đầu tư ứng dụng ngay từ đầu các tiến bộ về công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tin học hóa quá trình quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quan tâm xử lý các vấn đề môi trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường, áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái. Trong những năm trước mắt tập trung chống ô nhiễm nguồn nước, vệ sinh môi trường ở các điểm du lịch. Từng bước quy hoạch, xây dựng bãi xử lý rác thải rắn phục vụ Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

b) Định hướng phát triển và đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng:

- Giao thông:

+ Nâng cấp và mở rộng mặt đường quốc lộ 1A đoạn đèo Phước Tượng - Phú Gia, đoạn còn lại chỉ nâng cấp mặt đường.

+ Xây dựng đường sắt nối cảng Chân Mây, nâng cấp ga Lăng Cô thành ga du lịch hành khách.

+ Triển khai xây dựng đường cao tốc đoạn qua Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo quy hoạch đã được xác định trong Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg về phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

+ Triển khai xây dựng theo quy hoạch hệ thống đường trong khu kinh tế. Đường trong khu kinh tế được quy hoạch dạng ô cờ bao gồm đường trục chính, đường khu vực, đường nội bộ:

. Đường trục chính bao gồm các tuyến qua khu dân cư và các khu chức năng.

. Đường khu vực (chủ yếu là các đường ngang, nối đường trục và các khu chức năng).

. Đường nội bộ lộ giới là 16m và 13m.

+ Trong khu du lịch Lăng Cô để phục vụ khách du lịch:

. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch chi tiết và có bước đi trong đầu tư tuyến đường xe điện một ray (monorail). Tuyến được bố trí đường đôi có từ 2 đến 3 nhà ga trung tâm và cứ khoảng 300m có một trạm đón khách.

. Đường tham quan bằng xe treo (Cable - Car): tuyến đường này dài khoảng 10km. Được bố trí xây dựng hai tuyến đi và về.

+ Xây dựng 02 bến xe liên tỉnh tại đô thị Chân Mây. Diện tích mỗi bến xe khoảng 03 - 05ha.

Cảng Chân Mây sẽ trở thành một trong những cảng thương mại, cảng du lịch quốc tế quan trọng của miền Trung; cảng phục vụ công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, của Trung Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan...

Định hướng quy hoạch cảng đến năm 2010 với lượng hàng hoá thông qua cảng khoảng 2,2 - 2,4 triệu tấn, yêu cầu chiều dài bến khoảng 720 m (2 - 3 bến), có thể đón tàu đến 50.000 DWT cập cảng. Đến năm 2020 lượng hàng hóa qua cảng khoảng trên 6 triệu tấn, nhu cầu chiều dài bến cảng khoảng 1350 m (6 - 7 bến). Xây dựng bến cảng du lịch riêng, bến thuyền và khu neo đậu du thuyền, lượng khách du lịch qua cảng đến 2020 khoảng 150.000 - 170.000 khách.

Trên cơ sở hình thành cảng biển nước sâu Chân Mây, khu công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, hậu cảng và đô thị mới Chân Mây sẽ được hình thành, gắn liền với chuỗi đô thị Huế và đô thị vệ tinh, trung tâm du lịch Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô - Đầm Lập An thành một tổng thể hoàn chỉnh, tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội toàn vùng.

- Cấp nước:

Nguồn nước cấp cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chủ yếu là từ nguồn nước mặt, lấy từ sông Bulu, sông Chu Mới, sông Thừa Lưu, hồ Thủy Yên - Thủy Cam. Nguồn nước cấp qua đập Boghe công suất 6000 m3/ngày- đêm, hồ Thủy Cam và Thủy Yên công suất 100.000 m3/ngày-đêm.

Thời gian tới cần xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Xây dựng nhà máy nước trên núi Hòn Voi công suất 83.000 m3/ ngày-đêm. Xây dựng hệ thống dẫn nước với đường ống áp lực từ nhà máy về đô thị dài 5 km.

- Cấp điện:

Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cấp điện Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (nguồn cấp được lấy từ hệ thống lưới điện quốc gia qua trạm 500/220 KV Cầu Đỏ công suất trạm 2 x 450 MVA).

+ Xây dựng đường dây và trạm với 4 tuyến 110 KV sau:

. Tuyến 110 KV lộ kép thứ nhất cấp điện cho 3 trạm biến áp 110/22KV là trạm công nghiệp kỹ thuật cao, trạm khu công nghiệp và khu phi thuế quan, trạm số 2 khu công nghiệp.

. Tuyến 110 KV lộ kép thứ hai cấp điện cho 2 trạm biến áp 110/22KV là trạm số 1 khu công nghiệp và trạm khu đô thị Chân Mây.

. Tuyến 110 KV lộ kép thứ ba cấp điện cho khu cảng.

. Tuyến 110 KV lộ kép thứ tư Đà Nẵng - Chân Mây (tuyến này thay thế cho tuyến 110KV qua khu Lăng Cô).

. Xây dựng lưới 22 KV, lưới hạ thế và lưới chiếu sáng.

- Thoát nước và vệ sinh môi trường: xây dựng hệ thống thoát nước mặt, xử lý nước thải, chất thải rắn cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Hình thành các dự án thoát nước mặt và xử lý nước thải, chất rắn với công nghệ tiên tiến đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

+ Thoát nước bẩn công nghiệp: từng nhà máy có công trình xử lý nước thải cục bộ để làm sạch nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả vào hệ thống nước thải để đưa đi xử lý tập trung. Hai lưu vực thoát nước thải chính là lưu vực phía Tây cảng và lưu vực phía Đông Nam cảng.

+ Thoát nước khu cảng Chân Mây được thiết kế hệ thống thoát nước bẩn và công trình làm sạch nước thải nằm trong dự án thiết kế cảng.

+ Nước thải tại các khu, cụm du lịch được thoát bằng hệ thống cống riêng đưa về các công trình làm sạch nhỏ cục bộ từng cụm để xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo Luật Bảo vệ môi trường trước khi xả ra đầm Lập An. Có phương án xử lý nước thải nghiêm ngặt đối với khu vực đầm Lập An.

+ Nước thải sinh hoạt khu đô thị:

. Lưu vực hữu ngạn sông Bulu: nước thải được đưa qua 4 trạm bơm nước bẩn đưa về trạm làm sạch nước thải sinh hoạt số 1 có công suất 15.000 m3/ngày-đêm.

. Lưu vực tả ngạn sông Bulu: nước thải được đưa qua 3 trạm bơm nước bẩn đưa về trạm làm sạch nước thải sinh hoạt số 2 có công suất 10.000 m3/ngày-đêm.

. Thu gom chất thải rắn, chất thải rắn công nghiệp được tận dụng thu hồi, tái chế và được đưa đến nơi xử lý tập trung, dự kiến đặt ở phía Đông đèo Phước Tượng. Có giải pháp đảm bảo để tránh gây tác động xấu đến môi trường ở khu vực này.

Nghĩa trang của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô quy hoạch ở vị trí thích hợp. Diện tích khu nghĩa trang khoảng 12 ha.

5. Về tổ chức lãnh thổ Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

a) Định hướng sử dụng đất:

Do tính chất khai thác phát triển khu kinh tế, do tình hình tự nhiên và hiện trạng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hướng phát triển và chọn đất xây dựng từ khu vực xung quanh cảng Chân Mây phát triển theo hướng Tây và hướng Nam.

Quản lý chặt chẽ quỹ đất, khai thác triệt để khu đất cồn cát ven biển, gò đồi, đất trống dọc theo ven biển để xây dựng các khu du lịch và đô thị. Dành một phần quỹ đất canh tác để khai thác kinh tế nông nghiệp.

Bảo vệ giữ gìn tôn tạo và khai thác cảnh quan thiên nhiên.

b) Hướng phát triển xây dựng:

- Sử dụng quốc lộ 1A đường sắt xuyên Việt, tuyến nối từ quốc lộ 1A với cảng biển nước sâu Chân Mây làm trục giao thông đối ngoại chính của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

- Cảng biển nước sâu Chân Mây nằm ở phía Tây mũi Chân Mây Đông.

- Khu phi thuế quan nằm sát phía Tây Bắc Cảng.

- Khu công nghiệp Chân Mây gồm: cụm công nghiệp cơ khí, đóng tàu thuyền nằm sát khu bãi Container cảng Chân Mây; cụm công nghiệp chế biến hải sản, nông, lâm sản, sản xuất bao bì nằm ở phía Nam, cụm công nghiệp vật liệu xây dựng, cụm công nghiệp dệt, da, máy xuất khẩu và điện tử bố trí ở giữa khu công nghiệp; cụm công nghiệp kỹ thuật cao được xây dựng ở phía Tây.

- Cụm các công trình đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghiệp sinh học.... Được bố trí sát với công nghiệp kỹ thuật cao, về phía Tây.

- Khu vui chơi giải trí nằm ven sông Bulu đến bờ biển Cảnh Dương, Khu phát triển đô thị nằm ở phía Nam quốc lộ 1A.

- Ngoài ra đối với khu cảng và khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp kỹ thuật cao, đi đôi với đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, cần xây dựng 1 khu ở cao cấp cho chuyên gia. Khu này được bố trí tại khu đất nằm ở phía Đông giữa núi Giòn và núi Phú Gia, sát biển.

- Khu vực xây dựng và phát triển du lịch, bao gồm: toàn bộ Mũi Chân Mây Tây (bao gồm cả bãi Cảng Dương); khu vực Lăng Cô và đầm Lập An và các bãi cát ven đẹp ven núi Hải Vân và đảo Sơn Chà. Tại đây dành cho du lịch, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao dưới nước, công viên biển... và là trung tâm dịch vụ du lịch quốc tế.

- Khu bảo tồn thiên nhiên với các khu vực cảnh quan sông Bulu, Mũi Chân Mây Tây, Chân Mây Đông, Lăng Cô, Cảnh Dương, Đèo Hải Vân, đảo Sơn Chà, ...

c) Định hướng phát triển các phân khu chức năng:

- Khu phi thuế quan là trung tâm dịch vụ, sản xuất (buôn bán, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, thông tin, quảng cáo giới thiệu hàng hoá và các dịch vụ liên quan: chợ (siêu thị); gian hàng trưng bày, quảng cáo; khách sạn; văn phòng đại diện; phòng hội nghị; hội chợ; kho bãi; cửa hàng miễn thuế, bưu chính viễn thông; tài chính; du lịch... công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may; da giày; điện tử, tin học; gia công hàng xuất khẩu; sản xuất vật liệu xây dựng; hoá chất, ...)

Tổng diện tích khu phi thuế quan là 962 ha, trong khu phi thuế quan có các phân khu chức năng sau:

+ Khu chế xuất.

+ Khu công nghệ cao.

+ Khu trung tâm dịch vụ thương mại.

+ Khu sản xuất, gia công, tái chế, sửa chữa, lắp ráp...

+ Khu trung chuyển hàng hoá, kho bãi.

Toàn bộ khu vực này có hàng rào cứng, ra vào có kiểm soát liên ngành.

- Khu thuế quan.

+ Khu công nghiệp: khu công nghiệp có diện tích quy hoạch khoảng 560 ha, bao gồm:

+ Khu công nghiệp tập trung có diện tích 400 ha. Trong khu công nghiệp này dự kiến phát triển các ngành: cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, gia công lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất bao bì từ giấy, kim loại, chất dẻo, bao bì cao cấp; may mặc xuất khẩu; điện tử và các sản phẩm gia dụng; một số ngành công nghiệp sạch sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại.

+ Khu công nghiệp tập trung có diện tích 160 ha. Hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến thủy, hải sản, nông, lâm sản, thực phẩm..., thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng cao cấp; các ngành công nghiệp dệt may, giày dép, đồ da..., sản xuất đồ gia dụng, phi kim loại..., ngành tạp hóa (vàng, bạc, đá quý, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm...), sản xuất dụng cụ thể dục thể thao và du lịch, sản xuất bao bì, in nhãn...; công nghiệp công nghệ cao như tin học, điện tử, chế tạo máy, cơ điện tử, công nghệ sinh học, vật liệu mới...

+ Khu du lịch: khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô là một trong các trung tâm du lịch của tỉnh và là một tụ điểm du lịch quan trọng của tuyến du lịch Trung Trung Bộ có quy mô dài hạn 4250 ha (giai đoạn đầu là 1350 ha). Từ bán đảo Lăng Cô và bờ Đông đầm Lập An sang bờ Tây đầm Lập An. Khu du lịch Lăng Cô gồm các khu:

. Sân golf, câu lạc bộ sân golf, khu biệt thự cao cấp, vùng bảo tồn rừng gỗ giẻ và cây xanh vùng đệm diện tích 339,5 ha.

Sân golf được bố trí gần chân núi Phú Gia, phía Tây giáp với khu đệm là rừng cây xanh (bề rộng 500m), phía Nam giáp với rừng gỗ giẻ; câu l?c bộ sân golf nằm giữa bãi biển và sân golf; trường dạy chơi golf và khu biệt thự dành cho các nhà tỷ phú, khu biệt thự sang trọng sẽ được quy hoạch bên cạnh các con suối, sông rẽ hướng ở giữa khu vực sân golf.

. Khu nghỉ dưỡng A diện tích là 120 ha.

Đây là khu kế tiếp của khu sân golf dọc theo bãi biển Lăng Cô. Khu vực này bao gồm:

. Khu biệt thự thấp tầng ven biển có thể cho khách du lịch thuê ngắn hạn hoặc dài hạn.

. Khu các khách sạn ở chân núi Phú Gia có độ cao trung bình từ 7 - 9 tầng, đặc biệt những khu nhà sát chân núi Phú Gia có thể cao 10 tầng đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao.

. Khu du lịch Cảnh Dương là khu sinh thái nghỉ dưỡng.

. Công viên và khu vui chơi giải trí.

+ Khu trung tâm diện tích 59 ha.

Từ giao điểm cắt Quốc lộ 1A hướng ra biển là trục trung tâm, bao gồm nhà văn phòng, khách sạn và chung cư phục vụ kinh doanh và làm chỗ ở, nơi làm việc cho các cơ quan Ngân hàng, Tài chính, Hải quan, Bảo hiểm. Quảng trường với các đài phun nước gồm các thác nước, dòng nước nhân tạo và đài phun nước. Trung tâm thương mại chuyên sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ (quà tặng, quà lưu niệm). Trung tâm văn hóa nghệ thuật - triển lãm để trưng bày các sản phẩm truyền thống thủ công, mỹ nghệ. Khu trung tâm dịch vụ du lịch phía Bắc. Đây là điểm đón khách du lịch đến Lăng Cô, có bãi đỗ xe và bến thuyền.

+ Khu đô thị hỗn hợp diện tích 45 ha.

Khu vực này bao gồm: khu tái định cư tại chân đèo Phú Gia có thể bố trí nhà ở cho 1.000 hộ gia đình, khu nhà đa chức năng để ở cho kinh doanh, trường hướng nghiệp và dạy nghề.

+ Khu trung tâm văn hóa nghệ thuật diện tích 34 ha.

Khu vực này bao gồm: làng ASEAN, khu giao lưu văn hóa và lễ hội, khách sạn ASEAN, vườn ASEAN, trung tâm di sản văn hóa và lịch sử, nhà hát.

+ Khu khách sạn nghỉ dưỡng ven biển B diện tích 60 ha.

Từ đường trung tâm hướng xuống phía Nam dọc theo bãi biển Lăng Cô, bao gồm: khu biệt thự thấp tầng ven biển và khu khách sạn có độ cao từ 6 - 8 tầng.

+ Khu vực bán đảo đầm Lập An, diện tích 36 ha.

Khu vực này chủ yếu xây dựng những khu nhà biệt lập ven đầm, bao gồm: trung tâm trị liệu, câu lạc bộ thể thao, khu nhà biệt thự gần mặt nước và công viên cây xanh.

+ Khu thị trấn Lăng Cô diện tích 100,5 ha

Khu vực này bao gồm toàn bộ thị trấn Lăng Cô hiện tại, cùng các khách sạn, nhà nghỉ và làng Chài.

Quy hoạch cần đảm bảo sự tồn tại và có sự sắp xếp lại khu làng chài, việc tái định cư theo từng giai đoạn, khoảng 200 - 300 hộ gia đình sẽ được tái định cư. Xây dựng khu nhà hàng hải sản tổng hợp để du khách có thể thưởng thức các đặc sản biển.

+ Làng hoa Lăng Cô diện tích 21,5 ha.

Khu vực này bao gồm: làng hoa Lăng Cô, khu tái định cư phía Nam cầu Lăng Cô, trung tâm dịch vụ du lịch phía Nam có bãi đỗ xe, bến thuyền cho du khách và khách vãng lai.

+ Khu đô thị Hói Dừa, Hói Mít diện tích 76 ha.

Khu đô thị này bao gồm: đường cao tốc phía Tây đầm Lập An, khu tái định cư, nghĩa trang nhỏ.

+ Trường dạy tennis, khu công viên sinh thái tự nhiên và bảo tàng biển, diện tích 215 ha:

Khu vực này gồm có: bảo tàng đại dương, trường dạy Tennis. Công viên chim, khu nuôi thú, nghĩa trang nhỏ. Dành khu vực để mở rộng trong tương lai như: bảo tàng bướm, công viên phong lan; khu vực cưỡi ngựa, nuôi ngựa và dạy cưỡi ngựa...

+ Khu nhà ven đầm và ven đồi diện tích 79 ha.

Khu vực này được xây dựng sau khi hoàn thành đường cao tốc men theo phía Tây đầm Lập An.

+ Khu du lịch khám chữa bệnh.

+ Khu du lịch mạo hiểm: Đảo Sơn Chà - đèo Hải Vân - Bạch Mã.

+ Đất giao thông bến bãi: 174,5 ha.

- Khu cảng: diện tích đất liền và mặt nước khu vực cảng là 684,3 ha, trong đó phần đất liền 227 ha. Đây là cảng tổng hợp gồm 6 bến có chiều dài 1350 m. Hiện đã xây dựng bến cảng số 1 với chiều dài 300m. Tiếp tục sẽ xây dựng thêm 5 bến, mỗi bến có chiều dài 300 - 500 m. Trong khu cảng có khu kho, bãi. Ngoài ra sẽ xây dựng đê chắn sóng 500 - 700 m.

- Hình thành và phát triển đô thị: ngoài các khu chức năng sản xuất như khu công nghiệp, khu phi thuế quan và khu thuế quan ở đô thị Chân Mây và khu du lịch ở Lăng Cô, trong định hướng phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có xác định hình thành đô thị Chân Mây và thị trấn Lăng Cô.

+ Đô thị Chân Mây: là đô thị mới trong hành lang đô thị trọng điểm miền Trung Huế - Chân Mây - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất - Nhơn Hội. Đô thị Chân Mây được hình thành trên cơ sở khai thác lợi thế cảng biển nước sâu Chân Mây là hướng ra biển Đông thuận lợi nhất trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Trong giai đoạn 2006 - 2010, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu cảng, đô thị mới Chân Mây, khu phi thuế quan, khu công nghiệp...

Trên cơ sở hình thành cảng biển, sẽ hình thành khu công nghiệp, khu thương mại và dịch vụ, khu dân cư đô thị, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng. Tổng diện tích tự nhiên của đô thị khoảng 6.000 ha. Quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 12 - 15 vạn người.

Về tổ chức cơ cấu không gian quy hoạch đô thị:

. Khu trung tâm đô thị Chân Mây. Trên cơ sở không gian gắn khu đô thị phía Nam quốc lộ 1 A với khu du lịch Cảnh Dương theo hướng Đông Bắc (song song với sông Bulu), sẽ xây dựng phát triển thành khu trung tâm chính thành phố. Các công trình xây dựng tại đây là những toà nhà cao tầng, bao gồm các cơ quan hành chính, cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, ngân hàng, tài chính, bưu điện, nhà ở cho thuê...v..v.. khu trung tâm này là biểu tượng của đô thị mới Chân Mây trẻ, dân tộc, hiện đại giàu sức sống.

. Các khu dân cư. Trên cơ sở chọn đất và mạng giao thông, khu đô thị Chân Mây được chia thành 5 khu dân cư chính sau:

Khu 1 + 2 gắn liền với trục không gian trung tâm chính đô thị hướng ra vùng cảnh sông Bulu, các công trình tại đây được xây dựng cao tầng, có không gian thoáng đạt, thể hiện là bộ mặt chính của đô thị Chân Mây.

Khu 3: là khu ở cao tầng được quy hoạch xây dựng về phía Tây sông Bulu (tả ngạn sông Bulu). Khu ở này nằm kề vùng bảo tồn thiên nhiên, ven sông Bulu có cảnh quan đẹp và môi trường tốt.

Khu 4: được quy hoạch xây dựng về phía Nam khu 3 sát quốc lộ 1A. Đây là khu ở hỗn hợp thấp tầng nằm giữa đường cao tốc dự kiến và quốc lộ 1A.

Khu 5: là khu ở dự trữ phát triển ngoài năm 2020. Khu đất này sát khu 4 về phía Tây và khu 1+2 về phía Bắc.

. Khu công viên cây xanh, thể dục thể thao: công viên xanh, trung tâm thể dục thể thao được quy hoạch xây dựng tại khu đệm giữa khu ở 1 và khu ở 2, sát bờ sông Bulu. Tại đây sẽ xây dựng công viên văn hoá, thể dục thể thao lớn gắn liền với khu trung tâm đô thị thông qua giải cây xanh ven bờ sông Thừa Lưu đi vào lõi khu đô thị, tạo nên độ thông thoáng và vùng cách ly giữa khu ở và khu công nghiệp.

. Khu trường đào tạo nghề: dành quỹ đất đáng kể gần mũi Cảnh Dương cho việc quy hoạch phát triển khu trường đào tạo dạy nghề cho khu vực miền Trung.

. Khu bệnh viện: bệnh viện đa khoa khu vực đặt tại khu ở 3, do đó có môi trường sinh thái tốt, gần sông Bulu, gần khu bảo tồn thiên nhiên, tách xa khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp.

. Khu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh: khu du lịch Lăng Cô, khu bãi Cảnh Dương và doi cát mũi Chân Mây Tây.

. Hệ thống cảng Chân Mây, các khu công nghiệp và khu phi thuế quan.

Về bố cục kiến trúc đô thị: đô thị Chân Mây quy hoạch xây dựng theo số trục không gian chính sau:

. Trục không gian đô thị chính theo hướng Đông Bắc là trục trung tâm chính thành phố. Trục này bắt đầu từ quốc lộ 1A hướng ra vịnh Chân Mây, qua vùng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên ven sông Bulu, tới thẳng bãi Cảnh Dương.

. Trục không gian đô thị chính theo hướng Đông Tây (song song quốc lộ 1A). Đây cũng là 1 trong những trục không gian đô thị quan trọng, trên đường từ Bắc vào Nam và ngược lại, không gian kiến trúc tại đây là dấu ấn của đô thị công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bởi vậy, trục không gian đô thị này phải được quy hoạch bố cục vừa đảm bảo việc ăn ở đi lại của người dân, vừa đảm bảo sự hoạt động có hiệu quả của các khu chức năng khác.

. Trục không gian cảng - công nghiệp theo hướng Bắc Nam. Trục không gian này gắn hệ thống cảng, các khu công nghiệp với hành lang kỹ thuật quốc lộ 1A, và đường cao tốc xuyên Việt trong tương lai. Việc xây dựng phát triển cho cảng, các khu công nghiệp tại đây phải đảm bảo là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội đô thị Chân Mây và phụ cận, đồng thời phải đảm bảo sự ổn định, bền vững của môi trường.

+ Thị trấn Lăng Cô.

Hướng phát triển không gian của thị trấn là bám theo trục quốc lộ 1A, mở rộng đất xây dựng về phía Bắc, từng bước tiếp cận với khu đô thị mới Chân Mây. Quy hoạch mạng lưới đường giao thông nội thị, phố xá, từng bước đô thị hoá mang tính chất của đô thị du lịch.

Chức năng chính của thị trấn là Trung tâm dịch vụ, du lịch. Về kinh tế, phát triển là một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của Tỉnh, phục vụ trực tiếp cho khu du lịch Lăng Cô.

Thị trấn được quy hoạch chia theo các phân khu chức năng:

Khu trung tâm: bao gồm các cơ quan hành chính, văn hoá, thương mại dịch vụ, du lịch bao gồm khách sạn, nhà hàng, trung tâm giáo dục, y tế...

Khu công viên, văn hoá, thể thao bao gồm các khu cây xanh, các công trình văn hoá thể thao, được bố trí xen kẽ với các phân khu chức năng khác, tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hoá - xã hội.

- Về tổ chức không gian quy hoạch - kiến trúc.

Không gian đèo Phú Gia: với lợi thế độ cao, tổ chức điểm đón khách dừng chân ngắm cảnh bao quát toàn bộ khu vực Lăng Cô - đầm Lập An. Xây dựng “Phú Gia Quan” ở điểm cao nhất, các công trình khác được bố trí xuống thấp dần, trồng cây xanh 2 bên đèo xuôi xuống nối liền với quảng trường trung tâm.

Không gian ven bờ biển: bố trí các biệt thự có chiều cao thấp (từ 7 - 10m), mật độ xây dựng thấp xen kẽ công viên và dải cây xanh ven bờ biển dành cho nghỉ dưỡng và các hoạt động du lịch thể thao nước.

Không gian khu đô thị trung tâm: là không gian giao hòa giữa núi - biển - đầm hồ, ở chân đèo Phú Gia nối ra bờ biển. Các công trình được bố trí thấp dần từ chân đèo Phú Gia xuống đầm Lập An và ra biển Lăng Cô. Ở đây sẽ bố trí đường lớn đi dạo, đài phun nước, các khu cây xanh, công viên trung tâm. Các công trình có độ cao trung bình. Không gian trung tâm nối liền với không gian ven biển Lăng Cô với đầm Lập An.

Không gian khu phía Bắc bán đảo Lăng Cô: khu vực có đất ngập nước xen lẫn với đồi thoai thoải. Địa hình đa dạng giữa núi và biển ở đây có rừng gỗ giẻ cần được bảo tồn hợp lý và đầu tư khai thác phục vụ du lịch. Khu vực này thích hợp bố trí các hoạt động du lịch cao cấp, các nhà nghỉ cho khách du lịch giàu có. Bố trí sân golf gần rừng gỗ giẻ và khu vực đệm, cùng với các công trình như: trường dạy chơi golf, biệt thự, khách sạn sân golf, câu lạc bộ sân golf, khu nhà ven đồi, cạnh sông suối dành cho các tỷ phú.

Không gian ven đầm Lập An: bán đảo đầm Lập An bố trí câu lạc bộ thể thao, trung tâm vật lý trị liệu, khu làng biệt thự với các ngôi nhà trên nước. Phía Bắc đầm bố trí khu thương mại với những đặc trưng để du khách có thể liên tưởng đến các di sản ở Huế và Hội An. Phía Tây đầm bố trí các khu dân cư với không gian khu trường Tennis và các công viên vườn chim, vườn bướm.

Không gian đèo Hải Vân - cửa đầm Lập An và đảo Sơn Chà: điểm nhìn từ cửa ngõ phía Nam là điểm nhìn đẹp nhất, có thể quan sát toàn cảnh Lăng Cô và đầm Lập An với các lớp cận cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Cận cảnh sẽ là làng hoa Lăng Cô với những ngôi nhà vườn xen kẽ, với những vườn trồng hoa màu sắc phong phú. Xa hơn là cửa đầm, mũi bán đảo, bãi cát, làng chài truyền thống được bảo tồn. Xa hơn nữa là toàn khu du lịch Lăng Cô, bãi biển dài và đầm Lập An.

6. Các giai đoạn phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

a) Từ nay đến năm 2010:

- Hình thành được Khu kinh tế với cơ sở pháp lý và cơ chế chính sách thông thoáng, hoàn thành xây dựng các trục giao thông liên vùng và nội vùng, các khu chức năng được quy hoạch chi tiết, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư và phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

- Hoàn thành Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

- Tổ chức đền bù giải toả và tái định cư toàn bộ diện tích khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để đảm bảo thu hồi toàn bộ diện tích đất theo quy hoạch thuộc quyền sử dụng của Nhà nước theo Luật Đất đai.

- Lập quy hoạch chi tiết từng phân khu chức năng với tỷ lệ 1/2000.

- Tập trung xây dựng các công trình hạ tầng chính, công trình cấp nước và một số công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu xây dựng cảng Chân Mây, khu bảo thuế, khu công nghiệp và từng bước hình thành cơ sở hạ tầng các khu đô thị.

- Lập các dự án kêu gọi và thu hút đầu tư và triển khai một số dự án du lịch.

- Xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, các công trình dịch vụ tài chính, tàu biển, hàng hải, hải quan, xuất nhập cảnh.

b) Giai đoạn 2011 - 2020:

Từ năm 2011 - 2020, tiếp tục xây dựng và đầu tư phát triển hạ tầng của khu vực. Thực hiện theo quy hoạch chi tiết và phát triển sản xuất kinh doanh các khu công nghiệp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu phi thuế quan.

- Hoàn thiện phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo quy hoạch, để đưa kinh tế - xã hội của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô lên một nấc phát triển mới.

- Xây dựng xong những hạng mục quan trọng của thành phố Chân Mây và thị trấn du lịch Lăng Cô.

- Hoàn thành các cảng biển, các công trình cấp nước và các công trình dịch vụ công cộng cao cấp khác.

- Hoàn thành các khu du lịch chất lượng cao, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại, giao dịch quốc tế...

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để tổ chức triển khai Đề án.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc thực hiện quản lý hành chính nhà nước Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phối hợp với Ban Quản lý tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Ủy ban nhân dân Tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh lại quy hoạch kinh tế - xã hội của Tỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2020. Cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mời các công ty tư vấn ngoài nước có trình độ tham gia quy hoạch không gian phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phối hợp với các ngành Trung ương triển khai các công việc tiếp theo để nhanh chóng hoàn thành Đề án phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Lao động -Thương binh và Xã hội, Thương mại, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, Ban, ngành phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và hành chính lãnh thổ đối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; uỷ quyền, hướng dẫn cho Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý và phát triển đô thị, quản lý đất đai, lao động, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật và theo Quy chế hoạt động của Khu kinh tế theo nguyên tắc ''một cửa, tại chỗ” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh của các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các yêu cầu đầu tư phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch và các cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập và Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ



 
Phan Văn Khải

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 26/QĐ-TTg

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu26/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành06/01/2006
Ngày hiệu lực30/01/2006
Ngày công báo15/01/2006
Số công báoTừ số 21 đến số 22
Lĩnh vựcĐầu tư, Xây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 26/QĐ-TTg

Lược đồ Quyết định 26/QĐ-TTg Đề án Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô,Thừa Thiên Huế đến 2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản sửa đổi, bổ sung

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Quyết định 26/QĐ-TTg Đề án Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô,Thừa Thiên Huế đến 2020
              Loại văn bảnQuyết định
              Số hiệu26/QĐ-TTg
              Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
              Người kýPhan Văn Khải
              Ngày ban hành06/01/2006
              Ngày hiệu lực30/01/2006
              Ngày công báo15/01/2006
              Số công báoTừ số 21 đến số 22
              Lĩnh vựcĐầu tư, Xây dựng - Đô thị
              Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
              Cập nhật18 năm trước

              Văn bản thay thế

                Văn bản hướng dẫn

                  Văn bản được hợp nhất

                    Văn bản gốc Quyết định 26/QĐ-TTg Đề án Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô,Thừa Thiên Huế đến 2020

                    Lịch sử hiệu lực Quyết định 26/QĐ-TTg Đề án Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô,Thừa Thiên Huế đến 2020

                    • 06/01/2006

                      Văn bản được ban hành

                      Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                    • 15/01/2006

                      Văn bản được đăng công báo

                      Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                    • 30/01/2006

                      Văn bản có hiệu lực

                      Trạng thái: Có hiệu lực