Nội dung toàn văn Quyết định 2666/QĐ-BYT 2021 hướng dẫn sử dụng ứng dụng khai báo y tế phòng chống Covid19
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2666/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CÁC ỨNG DỤNG KHAI BÁO Y TẾ VÀ PHÁT HIỆN TIẾP XÚC GẦN PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Thông báo số 113/TB-VPCP ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các Ông/Bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN
SỬ DỤNG CÁC ỨNG DỤNG KHAI BÁO Y TẾ VÀ PHÁT HIỆN TIẾP XÚC GẦN PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29/05/2021 của Bộ Y tế)
I. MỤC ĐÍCH
1. Hỗ trợ thực hiện khai báo y tế điện tử giúp quản lý, theo dõi y tế và phát hiện sớm ca bệnh phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
2. Quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
II. NGUYÊN TẮC
1. Dễ dàng và đơn giản trong thực hiện khai báo y tế điện tử trên các ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
2. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở, địa điểm... chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
3. Người dân luôn mang theo mã QR (lưu trong điện thoại hoặc in ra) được sinh ra từ các ứng dụng khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình.
III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Hướng dẫn này áp dụng đối với người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí; nơi tập trung đông người bao gồm:
1. Các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí: Trụ sở làm việc; khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; Quán bar; vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn (theo quy định của Ban tổ chức hoặc người có thẩm quyền triệu tập)...
2. Nơi tập trung đông người: Bệnh viện, các cơ sở y tế; chung cư; trường học; nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu; đám tang, đám cưới; địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí; khu tâm linh...
IV. ỨNG DỤNG KHAI BÁO Y TẾ VÀ PHÁT HIỆN TIẾP XÚC GẦN
4.1. Ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn
Ứng dụng VHD và Tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc); khai báo y tế toàn dân; cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày đối với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc), ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
Tokhaiyte.vn là nơi cung cấp và tạo ra mã QR cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, chung cư, trường học,...
4.2. Ứng dụng Bluezone
Bluezone cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone.
Bluezone cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân; ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.
4.3. Ứng dụng NCOVI
Ứng dụng NCOVI cho phép người dân thực hiện khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày (tự nguyện); ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
V. NỘI DUNG HƯỚNG DẪN
5.1. Đối với người dân
- Người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.
- Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.
- Sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình.
- Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó.
5.1.1. Khai báo y tế lần đầu
- Người dân thực hiện khai báo y tế điện tử lần đầu tại một trong những ứng dụng khai báo y tế. Sau khai báo, nhận mã QR của hệ thống tạo ra (có thể in ra, hoặc lưu trong điện thoại) phục vụ dùng khai báo y tế về sau.
- Khi cần cập nhật khai báo y tế, người dân có thể khai báo/cập nhật thông tin trên web hoặc trên các ứng dụng di động.
Thông tin khai báo bao gồm:
- Thông tin chung: Họ và tên; Số điện thoại; Số hộ chiếu/CMND/CCCD/Mã thẻ BHYT; Năm sinh; Giới tính; Quốc tịch; Địa chỉ: tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, Số nhà, phố, tổ dân phố/thôn/đội.
- Thông tin triệu chứng: Trong vòng 21 ngày qua, Anh/Chị có thấy xuất hiện ít nhất 1 trong các dấu hiệu: sốt/ ho/ khó thở/ viêm phổi/ đau họng/ mệt mỏi không?
- Thông tin dịch tễ: (1) Trong vòng 21 ngày qua, Anh/Chị đã đến tỉnh/thành phố, quốc gia/vùng lãnh thổ nào (Có thể đi qua nhiều nơi)? (2) Trong vòng 21 ngày qua, Anh/Chị có tiếp xúc với: Người bệnh hoặc nghi ngờ, mắc bệnh COVID-19/ Người từ nước có bệnh COVID-19 / Người có biểu hiện (Sốt, ho, khó thở, Viêm phổi).
5.1.2. Khai báo cập nhật thông tin về triệu chứng hay thông tin dịch tễ
- Người dân khai báo trên web hoặc trên các ứng dụng di động.
- Thực hiện khai báo y tế/cập nhật khai báo khi có triệu chứng, yếu tố dịch tễ hoặc theo yêu cầu của chính quyền các cấp.
Thông tin khai báo bao gồm:
- Thông tin triệu chứng: Trong vòng 21 ngày qua, Anh/Chị có thấy xuất hiện ít nhất 1 trong các dấu hiệu: sốt/ ho/ khó thở/ viêm phổi/ đau họng/ mệt mỏi không?
- Thông tin dịch tễ: (1) Trong vòng 21 ngày qua, Anh/Chị đã đến tỉnh/thành phố, quốc gia/vùng lãnh thổ nào (Có thể đi qua nhiều nơi)? (2) Trong vòng 21 ngày qua, Anh/Chị có tiếp xúc với: Người bệnh hoặc nghi ngờ, mắc bệnh COVID-19/ Người từ nước có bệnh COVID-19 / Người có biểu hiện (Sốt, ho, khó thở, Viêm phổi).
5.2. Tại các cơ sở khám chữa bệnh
5.2.1. Người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh
- Chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
- Bố trí khu vực khai báo y tế, trang bị các bàn máy tính, kiosk (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên y tế (có điện thoại thông minh) kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ.
- Tổ chức phân luồng khu vực khai báo y tế:
■ Luồng màu xanh: Đối với người dân không có các triệu chứng (sốt/ho/khó thở...) hoặc yếu tố dịch tễ (đi về từ vùng dịch/tiếp xúc với người mắc bệnh...).
■ Luồng màu đỏ: Đối với người dân có các triệu chứng (sốt/ho/khó thở...) hoặc yếu tố dịch tễ (đi về từ vùng dịch/tiếp xúc với người mắc bệnh...).
- Tại các khoa phòng, tòa nhà: trang bị máy đọc mã QR (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên y tế kiểm soát người ra vào.
5.2.2. Nhân viên y tế kiểm soát, hỗ trợ khai báo y tế
- Có điện thoại thông minh và phải cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.
- Thực hiện quét mã QR (trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT hoặc sinh ra bởi hệ thống phần mềm) của Người bệnh/Người nhà/Khách tới làm việc...
- Thực hiện sàng lọc, phân luồng đối với người có triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ.
- Hướng dẫn, hỗ trợ Người bệnh/Người nhà/Khách tới làm việc...khai báo y tế tại các bàn khai báo hoặc kiosk.
5.2.3. Người bệnh/Người nhà/Khách tới làm việc...
- Đối với người không có các triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ cần khai báo: Di chuyển qua luồng màu xanh:
■ Đưa mã QR (trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT hoặc sinh ra bởi hệ thống phần mềm) qua máy quét/cho cán bộ kiểm soát quét;
■ Hoặc cung cấp số điện thoại cho cán bộ kiểm soát nhập vào.
- Đối với người có các triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ cần khai báo: Di chuyển qua luồng màu đỏ:
■ Đưa mã QR (trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT hoặc sinh ra bởi hệ thống phần mềm) qua máy quét/cho cán bộ kiểm soát quét;
■ Khai báo thông tin triệu chứng/hoặc dịch tễ.
5.3. Tại các cảng hàng không
5.3.1. Người đứng đầu cảng hàng không
- Chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào các tòa nhà khu vực cảng, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
- Bố trí khu vực khai báo y tế, trang bị các bàn máy tính, kiosk (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên kiểm soát (có điện thoại thông minh) người ra vào tại các vị trí ra vào, các tòa nhà.
5.3.2. Nhân viên cảng hàng không (kiểm soát người ra vào các tòa nhà thuộc cảng)
- Có điện thoại thông minh và phải cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.
- Thực hiện quét mã QR (trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT hoặc sinh ra bởi hệ thống phần mềm) của người ra vào.
5.3.3. Người đứng đầu các hãng hàng không
- Chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin hành khách đi máy bay, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
- Bố trí nhân viên kiểm soát hành khách lên máy bay.
5.3.4. Nhân viên hãng hàng không (kiểm soát hành khách bay)
- Có điện thoại thông minh và phải cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.
- Thực hiện quét mã QR (trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT hoặc sinh ra bởi hệ thống phần mềm) của hành khách. (Nhập số hiệu chuyến bay trước khi quét).
5.4. Trên các phương tiện giao thông công cộng
5.4.1. Chủ phương tiện
- Chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin hành khách đi trên phương tiện, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
- Bố trí nhân viên (có điện thoại thông minh) kiểm soát hành khách đi trên phương tiện.
5.4.2. Người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện công cộng
- Có điện thoại thông minh và phải cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.
- Thực hiện quét mã QR (trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT hoặc sinh ra bởi hệ thống phần mềm) của hành khách đi trên phương tiện.
5.5. Tại các địa điểm khác
5.5.1. Người đứng đầu các địa điểm
- Chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
- Bố trí khu vực khai báo y tế, trang bị các bàn máy tính, kiosk, máy quét mã QR (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên kiểm soát (có điện thoại thông minh) người ra vào tại các vị trí ra, vào các tòa nhà.
5.5.2. Nhân viên kiểm soát
- Có điện thoại thông minh và phải cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.
- Thực hiện quét mã QR (trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT hoặc sinh ra bởi hệ thống phần mềm) của người ra vào hoặc yêu cầu và kiểm soát được người ra, vào tự quét mã QR của địa điểm.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.
- Quyết định khu vực, địa điểm đang có ổ dịch COVID-19 trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế để áp dụng nghiêm các biện pháp chống dịch phù hợp mà không áp dụng hướng dẫn này.
2. Các Bộ, ban, ngành theo thẩm quyền, phạm vi quản lý tăng cường đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc tổ chức thực hiện hướng dẫn này.
3. Sở Y tế và các Sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương trong lĩnh vực được giao quản lý trực tiếp hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn quản lý.
4. Sở Y tế làm đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế theo quy định.
5. Người đứng đầu các tổ chức, cơ sở, địa điểm, khu vực được giao quản lý trong phạm vi áp dụng hướng dẫn chịu trách nhiệm việc tổ chức triển khai, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện nghiêm hướng dẫn này.