Quyết định 32/2000/QĐ-UB phối hợp phòng chống các tệ nạn xã hội Nghệ An đã được thay thế bởi Quyết định 5038/QĐ-UBND năm 2012 rà soát văn bản quy phạm Uỷ ban Nghệ An ban hành từ 31/12/2011 và được áp dụng kể từ ngày 13/12/2012.
Nội dung toàn văn Quyết định 32/2000/QĐ-UB phối hợp phòng chống các tệ nạn xã hội Nghệ An
UBND TỈNH NGHỆ AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 32/2000/QĐ-UB | Vinh, ngày 10 tháng 4 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994,
Căn cứ Nghị quyết 05/CP 29/01/1993 về ngăn chặn chống tệ nạn mại dâm và Nghị quyết 06/CP ngày 29/01/1993 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở lao động TBXH và một số ngành có liên quan.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động trong công tác phòng chống các tệ nạn xã hội (TNXH).
Điều 2: Quyết định này thay thế Quyết định số 983/QĐ-UB ngày 15/4/1996 của UBND tỉnh Nghệ An có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, cơ quan cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
QUY CHẾ
TRÁCH NHIỆM VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2000/QĐ-UB ngày 10/4/2000 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy chế này quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội. Các cơ quan, tổ chức khi tiến hành việc phối hợp hoạt động phòng chống các tệ nạn xã hội đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và nội dung của bản quy chế này.
Điều 2: Các ngành đoàn thể, tổ chức có chức năng phòng chống các tệ nạn xã hội có trách nhiệm:
1. Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng chương trình kế hoạch phòng chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn mình quản lý.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện quy định của Trung ương và UBND tỉnh về công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong lĩnh vực hoạt động của ngành mình quản lý.
3. Thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được ghiao trong phạm vi ngành, địa bàn, tổ chức của mình về công tác phòng chống các tệ nạn xã hội theo quy định của Chính phủ.
Điều 3:
1. Cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội chủ động phối hợp tổ chức, hoạt động để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
2. Việc phối hợp tiến hành trên cơ sở nhiệm vụ quyền hạn của từng ngành, đoàn thể tổ chức theo yêu cầu của công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong từng thời gian, địa bàn và lĩnh vực cụ thể.
Điều 4:
1. Các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, cung cấp tư liệu thông tin kịp thời theo chức năng của mình trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
2. Sở lao động TBXH, Công an tỉnh, Sở y tế, Sở văn hóa thông tin, ban dân tộc miền núi, có trách nhiệm chủ trì phối hợp giữa các cơ quan tổ chức đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh theo chương trình đã được UBND tỉnh phân công.
3. Đề nghị UBMT tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp, liên quan các cuộc vận động đoàn viên, hội viên của mình tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, ĐOÀN THỂ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI
Điều 5: Sở lao động TBXH có trách nhiệm:
1. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phòng chống tệ nạn mại dâm và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện ma túy, trình UBND tỉnh duyệt, đồng thời tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện chương trình kế hoạch đó.
2. Phối hợp với Công an tỉnh, Sở y tế, ban dân tộc miền núi, các ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị trong việc tổ chức điều tra nắm tình hình các loại đối tượng, các tụ điểm ổ nhóm đường dây hoạt động mại dâm, ma túy, xây dựng các phương án phòng chống các tệ nạn xã hội.
3. Quản lý các cơ sở chữa trị, giáo dục, dạy nghề tạo việc làm cho các đối tượng gái mại dâm, người nghiện ma túy.
4. Cùng với Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn các ngành, các cấp, các cơ sở thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính từ các nguồn kinh phí phục vụ cho việc phòng chống tệ nạn mại dâm theo quy định của Liên bộ tài chính - lao động và TBXH.
5. Tổng hợp tình hình các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh theo định kỳ tháng, quý, năm, tham mưu cho Ban chỉ đạo trong công tác phòng chống các tệ nạn xã hội.
Điều 6: Công an tỉnh có trách nhiệm:
1. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình kế hoạch phòng chống tệ nạn ma túy nói riêng và chương trình kiểm soát các TNXH nói chung.
2. Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan để chỉ đạo điều tra vavs loại đối tượng TNXH, nắm chắc tình hình diễn biến thực trạng TNXH trong từng thời điểm, tổng hợp số liệu các loại đối tượng tham gia hoạt động TNXH có biện pháp xử lý kịp thời.
3. Lập kế hoạch điều tra, khám phá, bắt giữ, xử lý xóa bỏ các tụ điểm, ổ chứa mại dâm, ma túy, cờ bạc, số đề, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa không lành mạnh; đồng thời triệt phá các hoạt động TNXH trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Chỉ đạo lực lượng công an từ tỉnh xuống tận cơ sở xã, phường, thị trấn, tạo chỗ dựa vững chắc cho quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng chống TNXH. Đồng thời trực tiếp quản lý chặt chẽ các đối tượng vi phạm TNXH.
5. Phối hợp với Sở lao động TBXH, các ngành chức năng lập hồ sơ, danh sách gái mại dâm chuyên nghiệp, người nghiện ma túy trình UBND tỉnh ra quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm của tỉnh.
Điều 7: Sở văn hóa thông tin có trách nhiệm:
1. Tham mưu chu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa thông tin, phòng chống và bài trừ các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa khong lành mạnh trong các cơ sở dịch vụ văn hóa. Chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ.
2. Phối hợp với Sở lao động TBXH, Công an tỉnh, Sở y tế, các ngành, các cấp tổ chức điều tra các loại đối tượng, các tụ điểm, ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm ma túy, cờ bạc, số đề, để xây dựng phương án phối hợp phòng chống có hiệu quả.
3. Chỉ đạo trung tâm thông tin triển lãm tỉnh và các TTVH huyện, thành, thị, xây dựng chương trình tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện tốt Nghị định 87/CP và các quy định của Chính phủ về phòng chống các TNXH thường xuyên liên tục và có hiệu quả.
4. Thực hiện tốt các cuộc vận động (toàn dân đoàn kết cảm hóa những người bị lầm lỗi, xây dựng khối, phố, làng, bản, gia đình văn hóa với cuộc vận động xây dựng xã phường trong sạch lành mạnh) nhằm giảm dần văn hóa độc hại, từng bước đẩy lùi các TNXH.
5. Xây dựng các tiểu phẩm, tác phẩm, các chương trình thông tin cổ động về phòng chống các TNXH để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
6. Chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ trên toàn tỉnh để báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo, UBND tỉnh và các Bộ, ngành, Trung ương.
Điều 8: Sở y tế có trách nhiệm:
1. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình kế hoạch phòng chống HIV/AIDS, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại bệnh viện tâm thần và các Trung tâm y tế huyện, thành, thị tại công đồng theo quy định của Bộ y tế và những quy định của tỉnh.
2. Phối hợp với các ngành, các cấp hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình. Phòng chống có hiệu quả các hiện tượng tái nghiện ma túy, tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá công tác cai nghiện để có biện pháp bổ sung kịp thời.
3. Chỉ đạo Trạm da liễu tỉnh, các bệnh viện, các Sở y tế điều trị và quản lý các bệnh lây lan qua đường tình dục.
4. Tổ chức tư vấn HIV/AIDS cho các đối tượng mại dâm, ma túy và các đối tượng xã hội khác.
5. Quản lý có hiệu quả kinh phí cai nghiện theo quy định hiện hành.
6. Hướng dẫn các cơ sở dịch vụ, khách sạn nhà hàng, nhà nghỉ thực hiện đúng quy định dịch vụ xoa bóp vật lý trị liệu.
7. Tổng hợp tình hình báo cáo các kết quả phòng chống HVI/AIDS và cai nghiện về Thường trực Ban chỉ đạo và UBND tỉnh.
Điều 9: Ban dân tộc miền nùi có trách nhiệm:
Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền giáo dục, tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ vốn cho đồng bào vùng trồng cây thuốc phiện chuyển dịch cơ cấu cây, con phù hợp với khí hậu và điều kiện xã hội trong vùng nhằm chống tái trồng cây thuốc phiện. Chỉ đạo sử dụng các nguồn kinh phí chương trình xóa bỏ trồng cây thuốc phiện có hiệu quả.
Điều 10: Ban chỉ huy bộ đội biên phòng và Hải quan tỉnh chỉ đạo lực lượng của mình tham gia kiểm soát đường biển, chống các loại chất ma túy từ nước ngoài chuyển vào nội địa; Vận động đồng bào miền núi không tái trồng cây thuốc phiện, không buôn bán, vận chuyển và sử dụng chất ma túy.
Điều 11: Sở Giáo dục - đào tạo có trách nhiệm:
1. Đưa chương trình phòng chống các TNXH vào tuyên truyền trong các trường học để phòng ngừa và ngăn chặn các đối tượng thanh thiếu niên vi phạm các TNXH mà nhất là tệ nạn ma túy, HIV/AIDS.
2. Tổng hợp tình hình học sinh, sinh viên vi phạm TNXH thông tin với các cơ quan hữu quan để tìm biện pháp xử lý, giáo dục.
Điều 12: Sở du lich, Sở thương mại có trách nhiệm:
1. Tuyên truyền, giáo dục, chỉ đạo cán bộ nhân viên trong ngành mình thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về phòng chống các TNXH.
2. Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra hệ thống nhà hàng, khách sạn thuộc quyền quản lý của mình về hợp đồng lao động, rà soát lại các điều kiện kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn, quán Karaoke, mát xa, chiếu băng hình, không để một tổ chức, cá nhân nào trong ngành mình vi phạm các TNXH.
Điều 13: Sở tư pháp có trách nhiệm:
1. Phối hợp với các ngành, các cấp tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trong lĩnh vực phòng chống các TNXH, kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung và tham gia xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
2. Phối hợp với các cơ quan hữu quan tham gia lập kế hoạch, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống TNXH để mọi tổ chức, cá nhânhiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
3. Phối hợp hoạt động kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn xử lý các vi phạm TNXH theo quy định của pháp luật.
Điều 14: UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm:
1. Lập kế hoạch, tổ chức chỉ đạo chặt chẽ các phòng ban, phường, xã, thị trấn xây dựng chương trình nhành động cụ thể về phòng chống các TNXH trong phạm vi địa phương mình.
2. Tổ chức điều tra thực trạng các TNXH, có biện pháp bắt buộc chữa trị và tạo việc làm cho đối tượng hòa nhập cộng đồng nhằm ổn định đời sống, chống tái nghiện theo kế hoạch tỉnh giao.
3. Ngăn chặn, giảm dần và đi đến xóa bỏ các TNXH trên các địa bàn xã, phường, thị trấn trọng điểm và toàn bộ địa bàn thuộc huyện, thành, thị quản lý. Không để tổ chức, cá nhân vi phạm.
4. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và gia đình tiếp nhận, quản lý tốt các đối tượng do Trung tâm cai nghiện và chữa trị trả về, không để cho các đối tượng tái nghiện.
Điều 15: Trách nhiệm của các tổ chức xã hội:
Đề nghị UBMT tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng, hội viên đăng ký và cam kết thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống các TNXH trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều 16: Bộ phận thường trực của Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở lao động TBXH, Công an tỉnh, Sở y tế, Sở văn hóa thông tin và các ngành có liên quan xây dựng tiêu chuẩn thi đua khen thưởng về công tác phòng chống các TNXH đối với các tập thể và cá nhân có thành tích.
Chương III
QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH, PHÒNG CHỐNG CÁC TNXH.
Điều 17: Sở lao động TBXH, Công an tỉnh, Sở y tế, Sở văn hóa thông tin, ban dân tộc miền núi, là thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống các TNXH tỉnh có trách nhiệm:
1. Chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động chung giữa các cơ quan, tổ chức xã hội có chức năng phòng chống các TNXH trên các lĩnh vực được phân công để tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống các TNXH.
2. Theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội trong việc tỏo chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của UBND tỉnh về công tác phòng chống các TNXH trên các lĩnh vực được phân công.
3. Tổng hợp tình hình hoạt động phòng chống các TNXH trong toàn tỉnh để báo cáo về cơ quan thường trực BCĐ, UBND tỉnh và Bộ, Ngành trung ương.
4. Chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành khi được thành lập để kiểm tra công tác phòng chống các TNXH trên địa bàn tỉnh.
Điều 18: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị tổ các tổ chức xã hội có chức năng phòng chống các TNXH có trách nhiệm phối hợp hoạt động như sau:
1. Phân công 1 đồng chí lãnh đạo đơn vị mình phụ trách chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng chống các TNXH của ngành, tổ chức mình, đồng thời làm đầu mối quan hệ phối hợp.
2. Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm với các thành viên thường trực Ban chỉ đạo về tình hình đấu tranh, phòng chống các TNXH của ngành, tổ chức và địa phương mình để các thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống các TNXH tổng hợp, báo cáo với UBND tỉnh.
3. Thực hiện sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất đồng bộ với các cơ quan hữu quan cả về kế hoạch và biện pháp cụ thể để tiến hành có hiệu quả công tác phòng chống các TNXH.
4. Tham gia đầy đủ các phiên họp do Ban chỉ đạo phòng chôngs các TNXH tổ chức. Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết về phòng chống các TNXH của tổ chức mình để tham gia có chất lượng trong các phiên họp theo yêu cầu của Ban chỉ đạo.
5. Cử cán bộ, chuyên viên của cơ quan, tổ chức mình tham gia phối hợp giải quyết công việc chung khi tiến hành phối hợp công tác đấu tranh phòng chống các TNXH theo quyết định của UBND tỉnh.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19:
1. Giao cho Giám đốc các Sở lao động TBXH, Ban dân tộc và miền núi, Sở văn hóa thông tin, Công an tỉnh, Sở y tế, Thủ trưởng các Ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu tách nhiệm hướng dẫn, thi hành các nội dung tại bản quy chế này.
2. Đề nghị UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện tốt các chức năng phòng chống các TNXH theo nội dung của bản quy chế này.
Điều 20:
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống các TNXH được khen thưởng; Nếu vi phạm quy chế này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc cần sửa đổi bổ sung thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống các TNXH của tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết./.