Nội dung toàn văn Quyết định 33/QĐ-ĐTĐL Quy trình đồng bộ thời gian
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/QĐ-ĐTĐL | Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH ĐỒNG BỘ THỜI GIAN
CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỀU TIẾT ĐIỆN LỰC
Căn cứ Quyết định số 153/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số 27/2009/TT-BCT ngày 25 tháng 9 năm 2009 của Bộ Công Thương Quy định Đo đếm điện năng trong thị trường phát điện cạnh tranh;
Theo đề nghị của Trưởng phòng Thị trường điện lực,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình đồng bộ thời gian hướng dẫn thực hiện Thông tư số 27/2009/TT-BCT ngày 25 tháng 9 năm 2009 của Bộ Công Thương Quy định đo đếm điện năng trong thị trường phát điện cạnh tranh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Cục, các Trưởng phòng thuộc Cục Điều tiết điện lực, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giám đốc đơn vị điện lực và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |
QUY TRÌNH
ĐỒNG BỘ THỜI GIAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/QĐ-ĐTĐL ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy trình này quy định trình tự, thủ tục đồng bộ đồng hồ thời gian của các công tơ và thiết bị truy cập số liệu theo thời gian chuẩn của Việt Nam trong thị trường điện phát điện cạnh tranh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy trình này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Đơn vị quản lý số liệu đo đếm.
2. Đơn vị phát điện.
3. Công ty mua bán điện.
4. Đơn vị vận hành lưới truyền tải điện.
5. Đơn vị vận hành lưới phân phối điện.
6. Đơn vị thí nghiệm, kiểm định.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy trình này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công tơ là thiết bị đo đếm điện năng thực hiện tích phân công suất theo thời gian, lưu và hiển thị giá trị điện năng đo đếm được.
2. Công ty mua bán điện (Công ty MBĐ) là đơn vị có chức năng mua buôn điện duy nhất trong thị trường điện và bán buôn cho các Công ty điện lực.
3. Đơn vị phát điện là đơn vị sở hữu, quản lý một hay nhiều nhà máy điện tham gia thị trường điện hoặc một hay nhiều nhà máy điện BOT.
4. Đơn vị quản lý lưới điện (Đơn vị QLLĐ) là đơn vị vận hành lưới truyền tải điện hoặc đơn vị vận hành lưới phân phối điện.
5. Đơn vị quản lý số liệu đo đếm (Đơn vị quản lý SLĐĐ) là đơn vị cung cấp, lắp đặt, quản lý vận hành hệ thống thu thập, xử lý, lưu trữ số liệu đo đếm điện năng phục vụ thị trường điện.
6. Đơn vị quản lý vận hành hệ thống đo đếm (Đơn vị quản lý vận hành HTĐĐ) là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống đo đếm nằm trong phạm vi quản lý của mình. Đơn vị quản lý vận hành HTĐĐ có thể là nhà máy điện hoặc Đơn vị quản lý lưới điện.
7. Đơn vị thí nghiệm, kiểm định (Đơn vị TNKĐ) là đơn vị có chức năng thí nghiệm, kiểm định, hiệu chỉnh thiết bị, hệ thống đo đếm và cài đặt chương trình, mật khẩu công tơ.
8. Hệ thống thu thập, xử lý và lưu trữ số liệu đo đếm là tập hợp các thiết bị phần cứng, đường truyền thông tin và các chương trình phần mềm thực hiện chức năng thu thập, truyền, xử lý, lưu trữ số liệu đo đếm điện năng phục vụ mua bán, thanh toán trong thị trường điện.
9. Mật khẩu mức “Đồng bộ thời gian” là mức mật khẩu cho phép truy nhập công tơ để đọc số liệu và đồng bộ thời gian của công tơ. Mật khẩu mức này không cho phép cài đặt, thay đổi các thông số và chương trình làm việc của công tơ.
10. Máy tính đặt tại chỗ là máy tính của Đơn vị quản lý vận hành HTĐĐ phục vụ việc thu thập và truyền số liệu đo đếm về trung tâm thu thập, xử lý và lưu trữ số liệu đo đếm của Đơn vị quản lý SLĐĐ.
11. Nguồn thời gian chuẩn là nguồn thời gian lấy từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hoặc lấy từ thời gian của Hệ thống thu thập, xử lý và lưu trữ số liệu đo đếm của Đơn vị quản lý SLĐĐ được đồng bộ thời gian với hệ thống định vị toàn cầu, lấy theo múi giờ Việt Nam.
12. Phần mềm đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ là phần mềm dùng để cấu hình, lập trình công tơ của nhà sản xuất có chức năng đồng bộ thời gian.
13. Phần mềm đồng bộ từ xa là phần mềm đọc công tơ từ xa có chức năng đồng bộ thời gian sử dụng trong hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm của Đơn vị quản lý SLĐĐ.
14. Thiết bị truy cập số liệu là máy tính đọc số liệu của Đơn vị quản lý số liệu đo đếm và máy tính đọc số liệu đặt tại chỗ (tại Đơn vị quản lý vận hành HTĐĐ).
15. Trang Web thị trường điện là trang thông tin điện tử nội bộ phục vụ hoạt động giao dịch của các thành viên thị trường phát điện cạnh tranh.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
Điều 4. Trách nhiệm của Đơn vị quản lý số liệu đo đếm
1. Tiếp nhận mật khẩu mức đồng bộ thời gian từ Đơn vị TNKĐ và quản lý mật khẩu mức đồng bộ thời gian các công tơ tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
2. Giám sát thời gian của công tơ và thông báo cho Công ty MBĐ, Đơn vị phát điện, Đơn vị QLLĐ về các công tơ có sai lệch thời gian vượt quá quy định.
3. Lập kế hoạch và thực hiện đồng bộ thời gian từ xa hoặc tại nơi lắp đặt công tơ.
4. Chủ trì, phối hợp với Đơn vị quản lý vận hành HTĐĐ, Công ty MBĐ trong việc thực hiện đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt công tơ.
5. Lập biên bản xác nhận số liệu đo đếm trước và sau khi đồng bộ thời gian cho công tơ tại vị trí lắp đặt.
6. Chịu trách nhiệm về tính chính xác về thời gian của hệ thống thu thập số liệu tại Đơn vị quản lý SLĐĐ.
Điều 5. Trách nhiệm của Đơn vị thí nghiệm, kiểm định
1. Cài đặt các thông số và các mức mật khẩu cho công tơ, quản lý các mức mật khẩu của công tơ.
2. Cung cấp mật khẩu mức đồng bộ thời gian công tơ chính xác và kịp thời cho Đơn vị quản lý SLĐĐ sau mỗi lần thay đổi mật khẩu này.
3. Thực hiện kiểm tra, kiểm định lại công tơ bị sự cố về đồng hồ thời gian khi có yêu cầu của Đơn vị quản lý vận hành HTĐĐ.
Điều 6. Trách nhiệm của Đơn vị quản lý lưới điện
1. Theo dõi hoạt động của công tơ thuộc hệ thống đo đếm điện năng trong phạm vi quản lý của mình và thông báo kịp thời cho Đơn vị quản lý SLĐĐ khi phát hiện có bất thường về thời gian của công tơ.
2. Giám sát việc thực hiện đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ đối với các công tơ đặt tại trạm điện của Đơn vị QLLĐ.
3. Xác nhận số liệu đo đếm trước và sau khi đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ.
4. Tham gia kiểm tra, kiểm định lại công tơ tại nơi lắp đặt khi công tơ đặt tại trạm điện của Đơn vị QLLĐ bị sự cố về đồng hồ thời gian.
Điều 7. Trách nhiệm của Đơn vị phát điện
1. Theo dõi hoạt động của công tơ thuộc hệ thống đo đếm điện năng trong phạm vi quản lý của mình và thông báo kịp thời cho Đơn vị quản lý SLĐĐ khi phát hiện công tơ có bất thường về thời gian.
2. Phối hợp với Đơn vị quản lý SLĐĐ, Công ty MBĐ khi thực hiện đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ; xác nhận số liệu đo đếm trước và sau khi đồng bộ thời gian.
3. Chủ trì thực hiện việc kiểm tra, kiểm định lại công tơ có sự cố về đồng hồ thời gian.
Điều 8. Trách nhiệm của Công ty mua bán điện
Phối hợp với Đơn vị quản lý SLĐĐ, Đơn vị phát điện khi thực hiện đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ; xác nhận số liệu đo đếm trước và sau khi đồng bộ thời gian.
Chương III
CÁC CHẾ ĐỘ ĐỒNG BỘ THỜI GIAN
Điều 9. Đồng bộ thời gian công tơ từ xa
1. Việc đồng bộ thời gian công tơ từ xa được thực hiện hàng ngày cho tất cả các công tơ thuộc hệ thống đo đếm điện năng của các Đơn vị phát điện có thời gian sai lệch giữa công tơ so với nguồn thời gian chuẩn nằm trong khoảng từ năm (05) giây đến ba (03) phút.
2. Đơn vị quản lý SLĐĐ thực hiện đồng bộ thời gian công tơ từ xa bằng phần mềm đồng bộ từ xa được sử dụng trong Hệ thống thu thập, xử lý và lưu trữ số liệu đo đếm phục vụ trong thị trường điện phát điện cạnh tranh. Việc đồng bộ từ xa phải được tính toán giảm thiểu tối đa sai lệch thời gian do độ trễ của đường truyền và thiết bị truy cập số liệu.
Điều 10. Đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt
1. Đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ được áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Công tơ không đồng bộ được từ xa;
b) Công tơ lắp đặt mới, công tơ thay thế hoặc công tơ lắp đặt lại sau khi được tháo ra kiểm định.
2. Đối với công tơ phải đồng bộ từ xa do không thể lắp đặt được đường truyền thông tin thì việc đồng bộ thời gian công tơ được tiến hành định kỳ theo chu kỳ sáu (06) tháng một lần.
3. Các đơn vị có trách nhiệm tham gia thực hiện đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ:
a) Đơn vị phát điện;
b) Đơn vị quản lý SLĐĐ hoặc Đơn vị TNKĐ;
c) Đơn vị QLLĐ;
d) Công ty MBĐ.
Điều 11. Đồng bộ thời gian thiết bị truy cập số liệu
1. Đơn vị quản lý SLĐĐ có trách nhiệm tiến hành đồng bộ thời gian của các thiết bị truy cập số liệu với nguồn thời gian chuẩn khi thời gian của thiết bị truy cập số liệu sai lệch quá năm (05) giây so với nguồn thời gian chuẩn.
2. Việc đồng bộ thời gian thiết bị truy cập số liệu được thực hiện từ xa trong quá trình thu thập số liệu đo đếm điện năng. Trường hợp không thể tiến hành đồng bộ từ xa, Đơn vị quản lý SLĐĐ phối hợp với các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân để đưa ra biện pháp xử lý sự cố và biện pháp đồng bộ thời gian cho thiết bị truy cập số liệu.
Chương IV
TRÌNH TỰ THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ THỜI GIAN
Điều 12. Trình tự thực hiện đồng bộ thời gian công tơ từ xa
1. Hàng ngày, Đơn vị quản lý SLĐĐ thực hiện việc đọc số liệu và đồng bộ thời gian từ xa các công tơ theo trình tự sau:
a) Kiểm tra, đồng bộ thời gian của máy tính truy cập số liệu công tơ với nguồn thời gian chuẩn trước khi thực hiện đọc số liệu công tơ;
b) Kiểm tra, thiết lập lịch đọc và các tham số để đồng bộ thời gian công tơ; Tiến hành việc thu thập số liệu và đồng bộ thời gian công tơ tự động bằng chương trình phần mềm thu thập số liệu;
c) Theo dõi quá trình đọc số liệu và đồng bộ thời gian công tơ tự động từ xa; kiểm tra kết quả đồng bộ của chương trình và thực hiện đồng bộ lại từ xa các công tơ đồng bộ thời gian không thành công bằng tay;
d) Trường hợp đồng bộ không thành công thì kiểm tra, phối hợp với các đơn vị liên quan tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý để đồng bộ thời gian công tơ từ xa kịp thời;
đ) Lập báo cáo đồng bộ thời gian và báo cáo sự cố cho các công tơ theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Quy trình này và lưu vào hồ sơ vận hành.
2. Đối với công tơ không đồng bộ được thời gian từ xa, Đơn vị quản lý SLĐĐ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân không thể đồng bộ được từ xa. Trường hợp nguyên nhân do công tơ bị sự cố đồng hồ thời gian, việc xử lý được thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Quy trình này.
3. Trường hợp nguyên nhân sai lệch thời gian công tơ do sự cố thiết bị khác, đơn vị quản lý thiết bị bị sự cố có trách nhiệm khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất có thể.
Điều 13. Trình tự đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt
Trường hợp phải thực hiện đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt, Đơn vị quản lý SLĐĐ thực hiện đồng bộ thời gian công tơ theo trình tự sau:
1. Kiểm tra, đồng bộ thời gian của máy tính dùng để đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt chính xác với nguồn thời gian chuẩn.
2. Đọc và ghi nhận thời gian công tơ, dữ liệu về sản lượng của tháng trước đó và tháng thực hiện đồng bộ thời gian; đọc số liệu các thanh ghi tức thời, thanh ghi chốt tổng và chốt các biểu giá của tháng gần nhất.
3. Ghi nhận số liệu và thời gian công tơ trước khi đồng bộ thời gian theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Quy trình này, kèm theo bản in cấu hình và dữ liệu xuất ra từ phần mềm đọc công tơ tại chỗ.
4. Thiết lập các tham số đồng bộ thời gian cho phần mềm đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ.
5. Sử dụng mật khẩu mức đồng bộ để đồng bộ thời gian công tơ bằng phần mềm đồng bộ thời gian tại nơi lắp đặt công tơ.
6. Đọc và ghi nhận số liệu công tơ, sai lệch thời gian công tơ sau khi đồng bộ.
7. Lập biên bản xác nhận việc đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt với các đơn vị có liên quan theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Quy trình này.
8. Trường hợp sau khi đồng bộ thời gian cho công tơ nhưng thời gian của công tơ vẫn sai lệch so với nguồn thời gian chuẩn trên năm (05) giây thì phải tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân: Nếu nguyên nhân không phải do sự cố công tơ và có thể xử lý được thì sau khi xử lý sự cố phải tiến hành lại việc đồng bộ thời gian; Nếu nguyên nhân do sự cố công tơ thì phải tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 14 Quy trình này.
9. Trường hợp phải đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt do sự cố thiết bị khác, đơn vị quản lý thiết bị bị sự cố có trách nhiệm khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất có thể. Nếu thời gian khắc phục kéo dài quá một (01) tháng thì đơn vị quản lý thiết bị bị sự cố có trách nhiệm chi trả các chi phí để Đơn vị quản lý SLĐĐ thực hiện đồng bộ thời gian công tơ định kỳ hàng tháng tại nơi lắp đặt.
Điều 14. Xử lý sự cố sai lệch thời gian công tơ
1. Trong quá trình thu thập số liệu và đồng bộ thời gian công tơ từ xa, nếu Đơn vị quản lý SLĐĐ phát hiện công tơ sai lệch thời gian so với nguồn thời gian chuẩn quá ba (03) phút hoặc công tơ phải đồng bộ thời gian trong hai (02) ngày liên tiếp thì công tơ đó được coi là bị sự cố về đồng hồ thời gian. Đơn vị quản lý SLĐĐ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tình trạng sự cố công tơ này cho Công ty MBĐ, Đơn vị phát điện, Đơn vị quản lý vận hành HTĐĐ và công bố lên trang web thị trường điện.
2. Trong quá trình đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt đối với công tơ đã vận hành, nếu Đơn vị quản lý SLĐĐ phát hiện công tơ có sai lệch thời gian so với nguồn thời gian chuẩn quá mười lăm (15) phút thì công tơ đó được coi là bị sự cố về đồng hồ thời gian. Đơn vị quản lý SLĐĐ có trách nhiệm lập biên bản sự cố và thông báo cho Công ty MBĐ, Đơn vị phát điện, Đơn vị quản lý vận hành HTĐĐ và công bố lên trang Web thị trường điện.
3. Đơn vị sở hữu công tơ đo đếm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và chịu chi phí tiến hành kiểm định, sửa chữa hoặc thay thế mới công tơ bị sự cố về đồng hồ thời gian./.
PHỤ LỤC 1
SƠ ĐỒ TRÌNH TỰ ĐỒNG BỘ THỜI GIAN CÔNG TƠ
(Kèm theo Quyết định số 33/QĐ-ĐTĐL ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực)
1. Đồng bộ thời gian công tơ từ xa
2. Đồng bộ thời gian công tơ tại nơi lắp đặt
PHỤ LỤC 2
BÁO CÁO ĐỒNG BỘ THỜI GIAN CÔNG TƠ HÀNG NGÀY
(Kèm theo Quyết định số 33/QĐ-ĐTĐL ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực)
Ngày ……tháng ……năm……..
Cán bộ thực hiện: …………………… Cán bộ giám sát: ……………………..
Số TT | Tên điểm đo | Mã điểm đo | Số chế tạo | Vị trí | Số điện thoại | Thời điểm đọc | Thời gian sai lệch (giây) | Thời điểm đồng bộ | Số lần đồng bộ | Ghi chú |
1 | HB_MF1 | 01 | 098409 | MF | 11220 | 23: 00 | 03 |
|
|
|
2 | TB_171 | 38 | 948579 | XT | 33998 | 23: 00 | 06 | 23h05 | 01 |
|
| … |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
BÁO CÁO SỰ CỐ ĐỒNG BỘ THỜI GIAN CÔNG TƠ HÀNG NGÀY
Ngày ……tháng ……năm……..
Cán bộ thực hiện: ……………………
Cán bộ giám sát: ……………………..
Số TT | Tên điểm đo | Mã điểm đo | Số chế tạo | Vị trí | Số điện thoại | Thời điểm đọc | Thời gian sai lệch (giây) | Thời điểm đồng bộ | Số lần đồng bộ | Ghi chú |
1 | CT_232 | 479 | 9847505 | XT | 33009 | 23: 00 | 540 |
|
| Sự cố đồng hồ TG |
| … |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ LỤC 3
BIÊN BẢN
XÁC NHẬN SỐ LIỆU TRƯỚC VÀ SAU KHI ĐỒNG BỘ THỜI GIAN TẠI NƠI LẮP ĐẶT CÔNG TƠ
(Kèm theo Quyết định số 33/QĐ-ĐTĐL ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực)
Ngày………. tháng ………. năm ……….
Tên trạm/ Nhà máy: ………………………………………………………………
Vị trí điểm đo:……………………………………………………………………..
Loại công tơ: ……………………….. Số chế tạo: ……………………………...
Cấp chính xác:……………………… Hệ số nhân:………………………….......
Chỉ số chốt của tháng: .................................
Giao [P] | Nhận [P] | Giao [Q] |
Biểu 1: | Biểu 1: | Nhận [Q] |
Biểu 2: | Biểu 2: |
|
Biểu 3: | Biểu 3: |
|
Trạng thái trước khi đồng bộ:
Thời gian sai lệch so với nguồn thời gian chuẩn trước khi đồng bộ:………giây
Giao [P] | Nhận [P] | Giao [Q] |
Biểu 1: | Biểu 1: | Nhận [Q] |
Biểu 2: | Biểu 2: |
|
Biểu 3: | Biểu 3: |
|
Trạng thái sau khi đồng bộ:
Thời gian sai lệch so với nguồn thời gian chuẩn sau khi đồng bộ:………… giây
Giao [P] | Nhận [P] | Giao [Q] |
Biểu 1: | Biểu 1: | Nhận [Q] |
Biểu 2: | Biểu 2: |
|
Biểu 3: | Biểu 3: |
|
Kết luận:
………………………………………………………………………………......
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Ghi chú:
…………………………………………………………………………………...
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Đơn vị phát điện | Đại diện đơn vị quản lý SLĐĐ |
Công ty Mua bán điện | Đơn vị Quản lý lưới điện |