Nội dung toàn văn Quyết định 3505/QĐ-UBND năm 2010 xây dựng nông thôn mới Bà Rịa đến năm 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3505/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 24 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định nhiệm vụ xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 291/TTr-SNN ngày 03 tháng 11 năm 2010;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, nội dung chính như sau:
I. Quan điểm:
- Xây dựng nông thôn mới phải tập trung huy động nhiều nguồn lực và sử dụng có hiệu quả trước hết là lao động, đất đai, rừng, biển; khai thác tốt các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên, tận dụng triệt để tiềm năng lợi thế, phát huy cao độ nội lực cùng với huy động nguồn lực của doanh nghiệp vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời tăng mạnh đầu tư của nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí.
- Giải quyết vấn đề nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tính tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân với vai trò chủ thể của quá trình phát triển. Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản: xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống nông dân, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là khâu then chốt.
- Xây dựng nông thôn mới diễn ra cùng lúc ở 43 xã của tỉnh. Song mỗi huyện (TX) chọn 01 xã tổ chức chỉ đạo mô hình điểm nhằm đúc rút các bài học kinh nghiệm, áp dụng xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại đạt kết quả.
II. Mục tiêu:
- Mục tiêu chung: xây dựng nông thôn mới có kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, hệ thống chính trị ở nông thôn trong sạch vững mạnh toàn diện. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2015: 14 xã (30% số xã ở các huyện, thị xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới;
+ Đến năm 2020: 28 xã (60% số xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
+ Trước năm 2030: hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với 100% số xã thuộc huyện (TX) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
III. Nội dung đề án xây dựng nông thôn mới:
Đề án xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng gồm: 13 nội dung sau:
1. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới (tiêu chí 01)
- Yêu cầu: năm 2011 phải hoàn thành quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu, cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn các xã của tỉnh làm cơ sở đầu tư xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu. Đến năm 2015 có 30% số xã đạt nông thôn mới và đến 2020: 60% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
+ Nhiệm vụ 1: quy hoạch sử dụng đất 43 xã đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011 - 2015);
+ Nhiệm vụ 2: quy hoạch hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cho 43 xã (quy hoạch thủy lợi, giao thông, điện, cấp nước sinh hoạt, …);
+ Nhiệm vụ 3: quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, phát triển khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn.
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 1 (quy hoạch sử dụng đất 43 xã đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu 2011 - 2015). Phòng Tài nguyên – Môi trường tổ chức thẩm định quy hoạch sử dụng đất. Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp xã. Theo Điều 25 Luật Đất đai, Ủy ban nhân dân xã tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, trình hội đồng thẩm định và trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt đồng thời tổ chức thực hiện quy hoạch được duyệt.
+ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đầu tư và hướng dẫn lập và rà soát quy hoạch thủy lợi và các sở có liên quan hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 2.
+ Sở Xây dựng chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ 3 (theo Văn bản số 1614/BXD-KTQH ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ Xây dựng và Văn bản 822/SXD-KTQH ngày 04 tháng 5 năm 2010 của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
+ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo và phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện (TX) hướng dẫn các xã rà soát bổ sung và hoàn chỉnh 3 nhiệm vụ kể trên đồng thời chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) giao cho các phòng chức năng (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn…) có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ 1.2.
+ Ủy ban nhân dân xã chủ trì phối hợp với phòng chức năng của huyện tổ chức lập các quy hoạch theo phân cấp quản lý trình quy hoạch với các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Phát triển kinh tế - xã hội xã (43 xã)
- Yêu cầu đạt các tiêu chí 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 15 trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
+ Nhiệm vụ 1 (Tiêu chí 2: giao thông)
Hoàn thiện giao thông liên xã nhựa hóa hoặc bê tông hóa của 25 xã chưa đạt để đến năm 2015: 43 xã (100% số xã) đạt chuẩn.
Đường trục ngõ xóm sạch - không lầy lội: huy động nguồn lực đóng góp từ nhân dân theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn.
Đường trục chính ra đồng ruộng kết hợp bê tông hóa kênh mương được kiên cố hóa đến 2015 có 76,74% số xã đạt chuẩn và 2020: 43 xã đạt chuẩn.
+ Nhiệm vụ 2 (tiêu chí 3: thủy lợi)
Cải tạo, xây dựng mới hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã đến 2015 có tổng số 33 xã đạt chuẩn (76%) và năm 2020: 100% số xã đạt chuẩn (hoàn thành kiên cố hóa kênh mương nhất là hệ thống thủy lợi như sông Ray, …).
+ Nhiệm vụ 3 (tiêu chí 4: điện)
Xây dựng và lắp đặt hoàn thiện hệ thống đường dây và trạm biến áp: đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn xã đến năm 2015: 100% số xã đạt chuẩn (giai đoạn 2011 - 2015: hoàn thiện thêm 19 xã để 13 xã đạt chuẩn).
+ Nhiệm vụ 4 (tiêu chí 5: trường học)
Hoàn thiện hệ thống công trình phục vụ chuẩn hóa về giáo dục trên địa bàn xã đến năm 2015 có tổng số 28 xã (đạt 65,12%) và đến năm 2020 ó 43 xã đạt chuẩn (100% số xã).
+ Nhiệm vụ 5 (tiêu chí 6: cơ sở vật chất văn hóa)
Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn xã. Đến năm 2015 có 65,12% xã đạt chuẩn và đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn (đề nghị không xét tiêu chí phụ 6.2 nhà văn hóa và khu thể thao ở ấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch).
+ Nhiệm vụ 6 (tiêu chí 15: y tế)
Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa y tế trên địa bàn xã. Đến 2015 có 43 xã (100% số xã đạt chuẩn)
+ Nhiệm vụ 7 (tiêu chí 7: chợ nông thôn):
Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống các công trình chợ nông thôn. Đến năm 2015 có 38 xã đạt 88,37% số xã đạt chuẩn và năm 2020: 100% số xã đạt chuẩn.
+ Nhiệm vụ 8:
Hoàn thiện trụ sở xã và các trình phụ trợ. Đến năm 2015 có 100% số xã đạt chuẩn.
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo, lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 1.
+ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 2.
+ Sở Công thương chịu trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 3 và 7.
+ Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 4.
+ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch chịu trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 5.
+ Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 6.
+ Sở Nội vụ chịu trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kinh doanh và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 8.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) hướng dẫn các xã lập đề án, dự án hoặc báo cáo đầu tư cho từng nhiệm vụ kể trên, đồng thời tổ chức thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm xây dựng đề án, dự án, báo cáo đầu tư cho từng nhiệm vụ, trình cấp có trách nhiệm thẩm định và trình Ủy ban nhân dân huyện hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời Ủy ban nhân dân xã có nhiệm vụ tổ chức thực hiện.
3. Chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập
Đây là nội dung đặc biệt quan trọng xây dựng nông thôn mới cấp xã, theo điều tra tỷ lệ xã có cơ cấu kinh tế (công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ hoặc công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp) và đạt tiêu chí thu nhập bình quân trên đầu người/năm, gấp 1,5 lần mức bình quân thu nhập của dân cư ở khu vực nông thôn là rất ít (năm 2009 chỉ có 1/43 xã đạt (2,33% số xã).
Để đạt chuẩn về tiêu chí 10 (thu nhập) phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu lao động… nên cần có các hợp phần phát triển từng lĩnh vực rất cụ thể, khai thác tốt nhất tiềm năng lợi thế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với hệ thống biện pháp sát thực tế và có tính khả thi cao.
- Yêu cầu là phải đạt tiêu chí số 10, 12 trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Đến năm 2015 có 14 xã đạt chuẩn (33 %) và đến năm 2020 tiêu chí cơ cấu lao động (12) có 26 xã (60%) xã đạt chuẩn và tiêu chí thu nhập (10) có 28 (65,12%) xã đạt chuẩn và phải đến trước năm 2030 mới hoàn thành 100% số xã.
+ Nhiệm vụ 1: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp (trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp), chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
+ Nhiệm vụ 2: đưa nhanh khoa học - công nghệ, kể cả công nghệ cao vào sản xuất nông lâm ngư nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông - khuyến lâm và khuyến ngư.
+ Nhiệm vụ 3: thực hiện đồng bộ - liên hoàn cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với sản phẩm nông ngư nghiệp.
+ Nhiệm vụ 4: gìn giữ bảo tồn và phát triển nghề truyền thống - làng nghề truyền thống gắn với thị trường và dịch vụ du lịch, lực chọn phát triển ngành nghề thế mạnh của từng xã.
+ Nhiệm vụ 5: hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải hết sức cụ thể, thiết thực gắn với sử dụng sau đào tạo, kêu gọi và đưa doanh nghiệp công nghiệp và nông thôn. Tập trung giải quyết việc làm và chuyển đổi nhanh - vững chắc cơ cấu lao động trong nông thôn.
- Quản lý và thực hiện:
+ Ủy ban nhân dân huyện, thị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ số 1, 2, 3, 4.
+ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 5.
+ Ủy ban nhân dân các huyện (TX) hướng dẫn các xã lập đề án, dự án, báo cáo đầu tư theo các nhiệm vụ trên, đồng thời chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân các xã căn cứ vào thực tế tại địa phương sau khi phân tích đánh giá thực trạng các nội dung tương ứng với bộ tiêu chí quốc gia nếu chưa đạt thì tiến hành lập đề án, dự án báo cáo đầu tư trình cấp có thẩm quyền thẩm định - phê duyệt và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
4. Giảm nghèo và an sinh xã hội:
- Yêu cầu phải đạt tiêu chí số 11 của bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
+ Nhiệm vụ 1: tiếp tục thực hiện đạt kết quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo.
+ Nhiệm vụ 2: triển khai thực hiện chương trình an sinh xã hội.
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Lao động và Thương binh xã hội chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ kể trên.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) hướng dẫn các xã lập đề án, dự án, báo cáo đầu tư theo từng nhiệm vụ có liên quan nêu trên, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân xã lập đề án, dự án, báo cáo đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định - phê duyệt và tổ chức thực hiện.
5. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhất là mô hình kinh tế hợp tác, trang trại, … liên kết sản xuất - kinh doanh có hiệu quả thực sự ở nông thôn (tiêu chí 13).
- Yêu cầu thực hiện theo tiêu chí 13 bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Đến 2015 có 14 xã (32,50% số xã) đạt chuẩn và đến năm 2020 65,12% số xã đạt chuẩn và phải trước năm 2030 và hoàn thành 100% số xã.
+ Nhiệm vụ 1: nâng cao hiệu quả của kinh tế hộ, trang trại, củng cố phát triển các mô hình kinh tế hợp tác nhất là hợp tác xã.
+ Nhiệm vụ 2: khuyến khích thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.
+ Nhiệm vụ 3: xây dựng và vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách mới tạo động lực thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các loại hình kinh tế ở nông thôn và liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa (sản xuất - thu mua - chế biến + bảo quản - tiêu thụ).
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ 1 và 3.
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 2.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) hướng dẫn các xã lập đề án, dự án theo nhiệm vụ nêu trên, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện (Ủy ban nhân dân huyện là cơ quan ban hành các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã).
+ Ủy ban nhân dân xã xây dựng đề án theo nhiệm vụ số 1, vận động tuyên truyền phổ biến và lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.
6. Phát triển giáo dục và đào tạo ở nông thôn
- Yêu cầu: thực hiện đạt tiêu chí số 5 và 14 bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Đến năm 2015 có 51,16% xã đạt chuẩn và năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn.
+ Nhiệm vụ: tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo và chương trình dạy nghè cho lao động nông thôn, đáp ứng đúng theo bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) hướng dẫn các xã lập đề án, dự án, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân xã lập đề án, dự án trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và có nghĩa vụ tổ chúc thực hiện.
7. Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe dân cư nông thôn:
- Yêu cầu: đạt yêu cầu 15 của bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Đến năm 2015 100% số xã đạt chuẩn.
- Nhiệm vụ: tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực y tế, đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và tổ chức chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) hướng dẫn các xã lập đề án theo nhiệm vụ kể trên, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân xã lập đề án, trình phê duyệt đề án và tổ chức thực hiện.
8. Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn
- Yêu cầu: đạt theo đúng tiêu chí số 6 và 16 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Đến năm 2015 có 65,12% số xã đạt tiêu chí 6 và 100% số xã đạt tiêu chí 16, đến 2020: 43 xã đạt chuẩn theo tiêu chí 6 (không xét tiêu chí 6.2: 100% thôn (ấp) có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch).
+ Nhiệm vụ 1: tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
+ Nhiệm vụ 2: thực hiện thông tin và truyền thông nông thôn.
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 1.
+ Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì lập kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 2.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) hướng dẫn các xã lập đề án theo nhiệm vụ kể trên, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân xã lập đề án, trình phê duyệt đề án và tổ chức thực hiện.
9. Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- Yêu cầu: thực hiện đúng tiêu chí 17 đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho khu dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng, thực hiện các yêu cầu bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn xã. Đến năm 2015 có 35 xã (chiếm 81,4% số xã) đạt chuẩn và đến năm 2018 có 100% số xã đạt chuẩn.
+ Nhiệm vụ 1: tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
+ Nhiệm vụ 2: xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, ấp theo quy hoạch gồm: xây dựng, cải tạo hệ thống công trình tiêu thoát nước trong ấp, xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở xã, chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang, cải tạo xây dựng các ao, hồ sinh thái cảnh quan trong khu dân cư, trồng và quản lý cây xanh ở các công trình công cộng, …
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) hướng dẫn xã lập đề án, dự án, báo cáo đầu tư theo các nội dung kể trên, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân xã lập đề án, dự án, báo cáo đầu tư, lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, trình đề án, dự án,… với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
10. Nâng cao chất lượng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn xã.
- Yêu cầu đạt theo quy định tại tiêu chí 18 trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Đến năm 2015 có 100% số xã (43 xã) đạt chuẩn.
+ Nhiệm vụ 1: tiếp tục tổ chức đào tạo cán bộ xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
+ Nhiệm vụ 2: sửa đổi, bổ sung và ban hành thêm chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ trẻ đã qua đào tạo đủ điều kiện vê công tác tại xã, đặc biệt là các xã còn nhiều khó khăn.
+ Nhiệm vụ 3: bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ chế chính sách của các tổ chức trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Nội vụ lập kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trên.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) hướng dẫn lập đề án theo từng nhiệm vụ, sát với thực tế, đồng thời chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân xã lập đề án theo nhiệm vụ 1, 3 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
11. Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn:
- Yêu cầu thực hiện đạt tiêu chí 19. Đến năm 2015 có 100% số xã đạt chuẩn.
+ Nhiệm vụ 1: ban hành nội dung, quy ước của ấp về trật tự, an ninh, phòng chống các tệ nạn xã hội và các thủ tục lạc hậu.
+ Nhiệm vụ 2: điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ và chính sách. Tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã, ấp, xóm hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
- Quản lý, thực hiện:
+ Công an tỉnh chủ trì, lập kế hoạch hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX), hướng dẫn các xã lập đề án và tổ chức thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân xã “lập đề án trình với Công an huyện và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
12. Xây dựng kế hoạch và dự kiến tiến độ thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới của 43 xã tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020.
Năm 2011: hoàn thành tiêu chí 1 đối với 43 xã xây dựng nông thôn mới.
Đến năm 2015: có 100% số xã đạt các tiêu chí 4 (điện), 8 (bưu điện), 15 (y tế), 18 (tổ chức chính trị xã hội) và 19 (an ninh trật tự xã hội).
Đến năm 2020 chỉ còn 2 tiêu chí là số 10 (thu nhập) và 13 (cơ cấu lao động) là chưa đạt 100% số xã (số xã chuyển sang sau năm 2020 là 6 xã).
Tiến độ và số lượng xã đạt từng tiêu chí nông thôn mới trình bày chi tiết ở bảng 4 trang sau.
13. Lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới 43 xã
- Yêu cầu: Trong năm 2011 hoàn thành xây dựng, thẩm định phê duyệt và bắt đầu triển khai tổ chức thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới 43 xã (đạt 100% số xã).
+ Nhiệm vụ: lập đề án xây dựng mới xã (43 xã) theo Văn bản số 2543/BNN-KTHT).
- Quản lý, thực hiện:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và hướng dẫn nội dung - phương pháp và dự toán chi phí lập đề án xây dựng nông thôn cấp xã trên cơ sở Văn bản số 2543/BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
+ Ủy ban nhân dân huyện (TX) có chương trình, kế hoạch hướng dẫn các xã lập đề án, Ủy ban nhân dân huyện (TX) tổ chức thẩm định, phê duyệt đề án tạo cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân xã tiến hành lập đề án xây dựng nông thôn mới trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2011.
IV. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Biện pháp nâng cao nhận thức và năng lực tiến hành lập đề án, dự án, báo cáo đầu tư xây dựng nông thôn mới cho hệ thống chính trị cấp xã.
- Tiến hành mở nhiều lớp tập huấn - đào tạo cho 100% cán bộ công chức đang công tác trong hệ thống chính trị của từng xã (BCH Đảng ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân và trưởng các Ban, lãnh đạo Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ,…) về các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh là các căn cứ xây dựng nông thôn mới và nội dung phương pháp lập đề án, dự án, báo cáo đầu tư xây dựng nông thôn mới.
- Tổ chức tham quan học tập các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới cho ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã.
2. Tuyên truyền vận động về xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia cho cộng đồng dân cư
- Tổ chức phát động, tuyên truyền, phổ biến, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân hiểu và tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới với vai trò chủ thể.
- Nhận thức về xây dựng nông thôn mới phải thật sâu rộng và trở thành nghĩa vụ trách nhiệm của mỗi người dân trước cộng đồng dân cư.
- Xây dựng nông thôn mới phải thực sự dân chủ - công khai - minh bạch, thấm nhuần phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và dân tham gia đóng góp tiền - của - công lao động” .
3. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện đề án xây dựng mới từng xã có chất lượng và đạt kết quả cao, đảm bảo tiến độ, phù hợp với thực tế của địa phương.
- Năm 2011 hoàn thành xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai đề án xây dựng nông thôn mới cho 43 xã (100% số xã).
- Đề án được xây dựng đúng nội dung, phương pháp có căn cứ cơ sở khoa học và mang tính khả thi cao.
4. Vốn và cơ cấu nguồn vốn xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
- Tổng số vốn xây dựng nông thôn mới cho 43 xã: 9.476,959 tỷ đồng.
Trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015: 5.605,045 tỷ đồng chiếm 59,14%.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: 3.011,414 tỷ đồng chiếm 31,78%.
+ Sau năm 2020: 860,500 tỷ đồng chiếm 9,08%.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới
+ Vốn ngân sách: 3.790,887 tỷ đồng chiếm 40,0%.
Trong đó:
Ngân sách Trung ương: 2.011,522 tỷ đồng chiếm 21,23%.
Ngân sách địa phương : 1.779,366 tỷ đồng chiếm 18,78% .
+ Vốn tín dụng: 2.842,041 tỷ đồng chiếm 30,0%.
+ Vốn các doanh nghiệp, HTX,… : 1.895,799 tỷ đồng chiếm 20,0%.
+ Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư: 947,232 tỷ đồng chiếm 10,0%.
5. Tập trung các biện pháp giải quyết 2 tiêu chí số 10 (thu nhập) và tiêu chí 12 (cơ cấu lao động nông - lâm - ngư nghiệp).
- Tập trung đầu tư đúng mức chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của từng xã, đảm bảo hiệu quả đầu tư và chuyển đổi cơ cấu kinh tế bền vững.
- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là thế mạnh của từng xã gắn với thị trường tiêu thụ và công nghiệp chế biến nông - thủy sản, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao.
- Ưu tiên lập đề án và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn với sử dụng và giới thiệu việc làm một cách hiệu quả bằng các phương thức mới sát thực tế.
- Vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách mới phát triển sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phải tạo được đột phá trong tổ chức thực hiện 2 tiêu chí này.
6. Vận dụng sáng tạo Bộ tiêu chí quốc gia vào thực tiễn của 43 xã tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giao cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức soạn thảo và lập ý kiến của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện (TX), tiếp đó trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên cơ sở kế thừa vận dụng sáng tạo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
V. PHÂN CÔNG QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:
1. Trách nhiệm của sở, ngành tỉnh:
- Các sở, ngành được phân công thực hiện 13 nội dung của đề án (tại mục II) chịu trách nhiệm tiếp nhận các văn bản, cơ chế, chính sách, hướng dẫn lập, trình duyệt, tổ chức thực hiện đề án từ bộ, ngành, trung ương nhất là kế hoạch năm 2011 triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (Kế hoạch số 435/KH-BCĐXDNTM ngày 20 tháng 9 năm 2010). Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát thực hiện ở các xã.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực và cũng là văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, có nhiệm vụ:
+ Giúp Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện chương trình, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
+ Đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới theo từng nội dung của các sở, ngành, các tổ chức chính trị có liên quan và các huyện (TX) thuộc tỉnh tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan cân đối và phân bổ nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới thuộc vốn ngân sách, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, quản lý thực hiện chương trình của tỉnh sát thực tiễn, đúng quy định hiện hành.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác định vốn từ ngân sách đối với từng nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, huyện, xã triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy định của luật ngân sách nhà nước. Đồng thời, chịu trách nhiệm hướng dẫn cơ chế tài chính phù hợp với các đề án, dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, giám sát chỉ tiêu, tổng hợp quyết toán kinh phí xây dựng nông thôn mới, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Sở Xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ, chỉ đạo các xã hoàn thành lập quy hoạch xây dựng cấp xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
- Các Sở: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công thương, Giao thông vận tải, Thông tin - truyền thông,… theo phân công ở mục II chịu trách nhiệm thực hiện.
- Các cơ quan thông tin - truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu,… có trách nhiệm tuyên truyền phục vụ yêu cầu chương trình xây dựng nông thôn mới.
2. Trách nhiệm của huyện (TX) và xã:
- Tổ chức triển khai 13 nội dung xây dựng nông thôn trên địa bàn.
- Tổ chức Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện (TX) và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở cấp xã có đủ năng lực, trình độ và cơ cấu. Phân công cụ thể trách nhiệm trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp xã; đặc biệt coi trọng và đề cao trách nhiệm đối với Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp cơ sở (xã).
- Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện (TX) hướng dẫn chỉ đạo và tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án, đề án, báo cáo đầu tư theo phân cấp, giám sát kiểm tra - đôn đốc các Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ.
- Ban Quản lý xây dựng nông thôn cấp xã chịu trách nhiệm lập đề án, dự án, báo cáo đầu tư hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện thực hiện. Đồng thời Ủy ban nhân dân xã trình đề án, dự án, báo cáo đầu tư với Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
- Huy động các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |