Quyết định 353/QĐ-UB quy định tạm thời về việc quản lý hoạt động các Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế đã được thay thế bởi Quyết định 4340/QĐ-UB-NC bãi bỏ văn bản pháp luật hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ 02/7/1976 đến 31/12/1996 và được áp dụng kể từ ngày 21/08/1998.
Nội dung toàn văn Quyết định 353/QĐ-UB quy định tạm thời về việc quản lý hoạt động các Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 353/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 3 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÁC VĂN PHÒNG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (BUSINESS CENTER) TRÊN ĐỊA BÀN TP.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989 ;
- Căn cứ yêu cầu tăng cường quản lý và phát triển các hoạt động kinh doanh Văn phòng giao dịch thương mại trên địa bàn thành phố ;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại, Công an thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành bản “quy định về quản lý hoạt động các Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế” kèm theo quyết định này.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3.- Các Ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các sở, ban ngành, các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dânthành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC VĂN PHÒNG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (BUSINESS CENTER).
(Ban hành kèm theo Quyết định số 353/QĐ-UB ngày 09 tháng 3 năm 1993 của UBND thành phố).
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Các doanh nghiệpNhà nước hoạt động hợp pháp ở thành phố hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn nêu trong bản quy định này có thể xin phép thành lập Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi có giấy phép đầu tư được phép hoạt động trên lãnh vực dịch vụ này (BUSINESS CENTER) phải đăng ký với cơ quan quản lý của thành phố (Sở Kinh tế đối ngoại).
Điều 2.- Trong bản quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :
1- Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế là doanh nghiệpkinh doanh các loại hình dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp quốc tế vãng lai đến thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác đầu tư, hợp tác khoa học kỹ thuật. Văn phòng hoạt động nhằm mục đích sinh lợi.
2- Doanh nhân quốc tế vãng lai là cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài có nhu cầu được phục vụ các dịch vụ nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, hợp tác đầu tư, hợp tác khoa học kỹ thuật và các công việc có tính chất kinh tế khác.
3- Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế có thể được thực hiện một phần hoặc toàn bộ của một số hoặc tất cả nghiệp vụ về dịch vụ dưới đây theo đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động do Sở Kinh tế đối ngoại cấp:
a- Dịch vụ viễn thông : Fax, Telex, điện thoại, điện thoại quốc tế.
b- Dịch vụ văn phòng : Photocopy, đánh máy, tốc ký, trình bày biểu bảng, thư ký hội nghị, thư ký làm việc...
c- Dịch vụ chuyên môn : Dịch tài liệu văn bản, phiên dịch, giới thiệu đối tác đầu tư, kinh doanh, dịch vụ tổ chức hội họp, hội thảo, triển lãm...
d- Dịch vụ cho thuê : Địa điểm làm việc tạm thời, phương tiện vận chuyển nhỏ, thiết bị văn phòng.
e- Các dịch vụ khác cần thiết cho hoạt động của các doanh nhân quốc tế như : đặt vé, đặt buồng khách sạn, cung cấp thông tin theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Chương II
KHÁCH THUÊ ĐỊA ĐIỂM LÀM VIỆC TẠM THỜI
Điều 3.- Doanh nhân quốc tế vãng lai được phép thuê địa điểm làm việc tạm thời và được cung ứng các dịch vụ liên quan.
Điều 4.- Doanh nhân quốc tế vãng lai ký hợp đồng cụ thể với Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế. Việc đảm bảo Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế hoạt động đúng theo các quy định của luật pháp Việt Nam thuộc trách nhiệm của những doanh nghiệp được phép kinh doanh loại hình này. Vì thế, những doanh nghiệp này có trách nhiệm từ chối hoặc chấm dứt hợp đồng cho thuê khi khách thuê không thực hiện đúng các nội quy của Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế cụ thể hóa các quy định của luật pháp Việt Nam bao gồm cả những điều nêu trong bản quy định này.
Điều 5.- Thời hạn và phạm vi hoạt động của một khách thuê địa điểm làm việc tạm thời :
- Khách thuê sử dụng địa điểm làm việc tạm thời trong khoảng thời gian được phép lưu trú tại Việt Nam.
- Hoạt động của khách thuê địa điểm làm việc tạm thời phải tương ứng với những yêu cầu cụ thể về nghiên cứu thị trường, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư, ký kết các hợp đồng thương mại.
Hoạt động của Văn phòng giao dịch thương mại không được trái với các điều quy định giới hạn hoạt động đối với Văn phòng đại diện về chi trả kiều hối, mua gom hàng xuất khẩu hoặc bán hàng nhập khẩu theo theo Nghị định số 382/HĐBT ngày 5/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 752/QĐ-UB ngày 21/12/1991 của Ủy ban nhân dânthành phố ban hành quy định về hoạt động của Văn phòng đại diện thường trú của các tổ chức kinh tế nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 6.- Khách thuê không được sử dụng địa điểm làm việc tạm thời làm nơi lưu trú, không thuê người giúp việc không phải là nhân viên của Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế.
Các Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế có trách nhiệm cung cấp nhân viên đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, và việc cung cấp này chỉ được thực hiện trong giới hạn thời gian thuê địa điểm làm việc tạm thời.
Điều 7.- Khách thuê được sử dụng địa điểm làm việc tạm thời torng giờ làm việc. Giờ làm việc do mỗi cơ sở thỏa thuận với khách thuê.
Chương III
DOANH NGHIỆP ĐƯỢC PHÉP THÀNH LẬP VĂN PHÒNG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Điều 8.- Doanh nghiệp được xem xét cho phép thành lập Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế phải hội đủ các điều kiện và đạt tiêu chuẩn dưới đây :
1- Có phương hướng mục tiêu rõ ràng thể hiện qua phương án kinh doanh và điều lệ được Ủy ban nhân dânthành phố duyệt.
2- Có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với từng lãnh vực hoạt động quy định tại điều 2 điểm 3 của Bản quy định này và được các cơ quan chức năng do Ủy ban nhân dânthành phố chỉ định công nhận và cho phép sử dụng.
3- Có đội ngũ cán bộ công nhân viên đáp ứng được các tiêu chuẩn sau đây :
- Người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh : Giám đốc hoặc Phó Giám đốc hoặc người được Giám đốc giao phụ trách kinh doanh phải có bằng Đại học kinh tế, tài chánh, thương mại, đã hoạt động trong lãnh vực kinh tế đối ngoại ít nhất 03 năm, biết ít nhất một ngoại ngữ thông dụng.
- Đội ngũ cán bộ trực tiếp giao dịch ký kết làm việc với khách hàng phải có nghiệp vụ chuyên môn, nói và viết thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.
- Có đội ngũ phiên dịch đủ số lượng và đảm bảo chất lượng phục vụ khách, có trình độ Đại học ngoại ngữ.
4- Được cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 10 dưới đây cấp giấy phép hành nghề.
Điều 9.- Trách nhiệm của Văn phòng Giao dịch và Thương mại Quốc tế:
1- Chỉ hợp đồng cho thuê đối với những khách có đúng tính chất và hoạt động được nêu trong các điều thuộc chương II.
48 giờ sau khi ký hợp đồng cho khách thuê địa điểm làm việc tạm thời, báo cáo theo mẫu về Công an thành phố và Sở Kinh tế đối ngoại kèm bản sao hợp đồng cho thuê.
2- Văn phòng Giao dịch có nhiệm vụ thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về lưu trú, đi lại và hoạt động của người nước ngoài.
3- Đảm bảo hướng dẫn khách hoạt động đúng tính chất của một địa điểm làm việc tạm thời và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về những vi phạm tại Văn phòng Giao dịch.
4- Tạo mọi điều kiện cho các đơn vị chức năng thực hiện việc kiểm tra hoạt động của cơ sở và của khách hàng đúng quy định.
5- Định kỳ 03 tháng một lần, các cơ sở phải gởi báo cáo hoạt động kinh doanh cho Ủy ban nhân dânthành phố thông qua Sở Kinh tế đối ngoại.
Chương IV
CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ HÀNH CHÁNH NHÀ NƯỚC
Điều 10.- Sở Kinh tế đối ngoại là cơ quan quản lý Nhà nước về các mặt hoạt động kinh tế đối ngoại được Ủy ban nhân dânthành phố ủy quyền cấp giấy phép đăng ký hoạt động cho các doanh nghiệp có nhu cầu theo các điều kiện về tiêu chuẩn quy định tại điều 8.
Điều 11.- Sở Kinh tế đối ngoại có trách nhiệm :
- Phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan kiểm tra xem xét cấp giấy phép hoạt động và quản lý các hoạt động của Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế đúng theo luật pháp hiện hành.
- Tổng hợp tình hình và báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân thành phố 6 tháng một lần, vào tháng 1 và tháng 6 hàng năm.
Điều 12.- Sở Kinh tế đối ngoại có hướng dẫn riêng về thủ tục xin giấy phép hoạt động và đăng ký hoạt động. Các Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế hoạt động không có giấy phép đăng ký hợp lệ sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.
Điều 13.- Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Kinh tế đối ngoại phối hợp Công an thành phố và các ngành hữu quan tổ chức kiểm tra và xử lý những vụ việc vi phạm các điều khoản trong bản quy định này.
Cần quy định thẩm quyền, mức độ xử lý cụ thể.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THỰC HIỆN
Điều 14.- Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Sở Kinh tế đối ngoại và các sở, ngành hữu quan theo dõi thực hiện và kịp thời đề xuất những điều bổ sung cần thiết để đảm bảo quy định về Văn phòng Giao dịch Thương mại Quốc tế phục vụ được yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý Nhà nước của thành phố.-