Quyết định 37/1999/QĐ-BCN

Quyết định 37/1999/QĐ-BCN về Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Trường Trung học Kinh tế do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Quyết định 37/1999/QĐ-BCN Điều lệ Tổ chức Hoạt động Trường Trung học Kinh tế đã được thay thế bởi Quyết định 5572/QĐ-BCT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật Bộ Công thương chủ trì hoặc liên tịch hết hiệu lực pháp luật và được áp dụng kể từ ngày 05/11/2009.

Nội dung toàn văn Quyết định 37/1999/QĐ-BCN Điều lệ Tổ chức Hoạt động Trường Trung học Kinh tế


BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/1999/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 1999 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC KINH TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 781/GD-ĐT ngày 03 tháng 3 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về việc ban hành Quy chế Trường Trung học chuyên nghiệp công lập;
Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế (tại Công văn số 60/CV-THKT ngày 07 tháng 5 năm 1999);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Trường Trung học Kinh tế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng các Vụ chức năng, các Cục trưởng các Cục Quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ và Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3,
- Bộ Giáo dục và Đào tạo,
- Bộ Khoa hoc,Công nghệ & MT,
- Bộ Kế hoạch-Đầu tư,
- Công báo,
- Lưu VP, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
 



Giã Tấn Dĩnh


ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC KINH TẾ
(Ban hành kèm theo QĐ số 37/1999/QĐ-BCN ngày 23 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trường Trung học Kinh tế là cơ sở đào tạo cán bộ có trình độ đến trung học; bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế, công chức Nhà nước thuộc ngành Công nghiệp theo cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục-đào tạo được quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ. Đồng thời, Trường còn là cơ sở nghiên cứu triển khai khoa học quản lý kinh tế phục vụ công tác quản lý của ngành và sự phát triển kinh tế-xã hội.

Trường Trung học Kinh tế trực thuộc Bộ Công nghiệp và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục-Đào tạo về giáo dục và đào tạo; được hưởng các chính sách, chế độ của Nhà nước áp dụng cho hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp.

- Trường Trung học Kinh tế có tên giao dịch quốc tế viết bằng tiếng Anh: THE ECONOMIC SECONDARY SCHOOL; Viết tắt: ESS.

- Trụ sở chính: Xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Điều 2. Chức năng Trường Trung học Kinh tế:

1. Tổ chức đào tạo cán bộ có trình độ đến trung học chuyên nghiệp về kinh tế; bồi dưỡng và đào tại lại cán bộ quản lý kinh tế, công chức Nhà nước theo yêu cầu của Bộ Công nghiệp và các thành phần kinh tế khác.

2. Hợp tác liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các đơn vị sản xuất-kinh doanh trong, ngoài nước để thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất-kỹ thuật, năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường.

Điều 3. Nhiệm vụ của Trường Trung học Kinh tế:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, kế hoạch năm về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trình Bộ Công nghiệp phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó;

2. Tổ chức đào tạo cán bộ đến trình độ trung học kinh tế để phục vụ yêu cầu quản lý và sản xuất-kinh doanh trong, ngoài ngành;

3. Bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ quản lý kinh tế và công chức Nhà nước theo yêu cầu của Bộ Công nghiệp và các cơ quan, đơn vị có nhu cầu;

4. Giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận Mác-Lênin và thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với học sinh. Công tác học sinh nước ngoài học tại Trường có quy định riêng;

5. Tổ chức công tác nghiên cứu, triển khai khoa học quản lý kinh tế, khoa học giáo dục; thực hiện gắn đào tạo với nghiên cứu thực nghiệm khoa học và lao động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu phát triển ngày càng cao của sản xuất-kinh doanh;

6. Thực hiện các quan hệ hợp tác, liên kết, liên thông với các cơ quan, tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu, các đơn vị sản xuất-kinh doanh trong nước và ngoài nước, về đào tạo bồi dưỡng cán bộ;

7. Xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có cơ cấu đồng bộ, trình độ chuyên ôn cao nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt-học tốt” trong trường;

8. Thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn về đầu tư, đào tạo, nghề nghiệp, việc làm, đời sống cho học sinh và các đơn vị có nhu cầu;

9. Quản lý, phát triển, bảo quản và sử dụng đúng mục đích có hiệu quả cơ sở vật chất-kỹ thuật, tài sản, các nguồn vốn được giao cho Trường theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước;

10. Xây dựng và không ngừng hoàn thiện công tác tổ chức-cán bộ của trường bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Có quy hoạch, kế hoạch xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí và thực hiện các chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo được Nhà nước giao;

11. Thực hiện công tác quân sự, xây dựng, củng cố lực lượng bảo vệ bảo đảm yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản, bí mật quốc gia, thực hiện các quy chế và các biện pháp bảo hộ, an toàn lao động trong Trường.

Điều 4. Đối tượng tuyển sinh của trường là cán bộ, công nhân viên, học sinh phổ thông và các đối tượng khác đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học nghề, trung học bổ túc... theo Quy chế Tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Điều 5. Văn bằng tốt nghiệp, chứng chỉ do Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế cấp cho học sinh hoàn thành chương trình đào tạo một ngành xác định theo Quy chế Cấp bằng tốt nghiệp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 1994/QĐ-ĐH ngày 23 tháng 11 năm 1990;

Điều kiện cụ thể về việc hoàn thành chương trình đào tạo được quy định trong Quy chế thi kiểm tra và công nhận tốt nghiệp đối với từng cấp đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 6. Trường Trung học Kinh tế, trực thuộc Bộ Công nghiệp là đơn vị sự nghiệp đào tạo được Nhà nước tập trung đầu tư phát triển, hoạt động theo nguồn kinh phí sự nghiệp do ngân sách Nhà nước cấp. trường được tiến hành một số hoạt động nghiên cứu, tư vấn, dịch vụ có thu theo quy định của Nhà nước, có con dấu (bao gồm có con dấu nổi, con dấu thu nhỏ) để hoạt động và giao dịch theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân đầy đủ, có tài khoản tại Kho bạc và Ngân hàng Nhà nước.

Chương 2:

TỔ CHỨC QUẢN LÝ CỦA TRƯỜNG 

Điều 7. Cơ cấu tổ chức của Trường Trung học Kinh tế

1. Lãnh đạo

- Hiệu trưởng;

- Các Phó Hiệu trưởng;

2. Các bộ phận nghiệp vụ;

3. Các bộ phận chuyên môn (các tổ bộ môn, lớp học);

4. Các cơ sở phục vụ, dịch vụ (các trung tâm dịch vụ, tư vấn...);

5. Các Hội đồng.

Mục I: LÃNH ĐẠO TRƯỜNG 

Điều 8. Hiệu trưởng là người quản lý cao nhất Trường Trung học Kinh tế, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục-Đào tạo về toàn bộ các hoạt động của trường;

Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 9. Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế có các nhiệm vụ sau:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu triển khai khoa học để phục vụ có hiệu quả sự phát triển sản xuất-kinh doanh của ngành Công nghiệp;

2. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất bảo đảm hoàn thành kế hoạch Bộ giao và chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên, giáo viên, học sinh của Trường;

3. Chỉ đạo công tác tổ chức-cán bộ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng và xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, vững mạnh về mọi mặt đặc biệt là đội ngũ giáo viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

4. Tổ chức, chỉ đạo việc hợp tác, liên kết, liên thông về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu triển khai khoa học với các cơ quan đơn vị, cá nhân trong nước và ngoài nước;

5. Quản lý sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất-kỹ thuật, tài chính, vật tư thiết bị theo đúng các quy định của Nhà nước;

6. Lãnh đạo Trường thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác quân sự, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an toàn bảo hộ lao động;

7. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động các đơn vị, cá nhân trong Trường; tổ chức công tác thi đua, động viên khen thưởng và quyết định kỷ luật đối với tập thể cá nhân vi phạm, làm trái với chính sách, chế độ pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định, quy chế của Trường trên cơ sở đề nghị của Hội đồng kỷ luật của Trường.

Điều 10. Hiệu trưởng có quyền hạn:

1. Ban hành các nội quy, quy định, quy chế quản lý để tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo-bồi dưỡng cán bộ của Trường;

2. Quyết định tuyển dụng, điều động, bố trí, sắp xếp, nâng lương, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật... đối với cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh của Trường theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Công nghiệp;

3. Quyết định công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp trung học kinh tế và bằng tốt nghiệp cấp thấp hơn.

Điều 11. Giúp việc Hiệu trưởng có các Phó Hiệu trưởng, được Hiệu trưởng phân công phụ trách một hoặc một số mặt công tác cụ thể của Trường. Khi Hiệu trưởng đi vắng ủy quyền cho một phó Hiệu trưởng điều hành công việc của Trường.

Việc bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm Phó Hiệu trưởng do Hiệu trưởng đề nghị; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định. 

Mục II: CÁC PHÒNG (BAN) CHỨC NĂNG 

Điều 12. Các phòng (ban) chức năng tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác tổ chức quản lý cụ thể, có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Quản lý một hoặc một số mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Đề xuất, trình bầy các đề án, dự án, các chủ trương công tác, dự thảo các quyết định quản lý để Hiệu trưởng xem xét ra quyết định;

- Tổ chức thực hiện các quyết định của Hiệu trưởng và giải quyết công việc hàng ngày thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình;

- Căn cứ từng giai đoạn phát triển của Trường, Hiệu trưởng kiến nghị Bộ thành lập các phòng (ban) chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với quy mô đào tạo. Trước mắt Trường có các phòng:

1. Đào tạo;

2. Tổ chức-Hành chính-Tổng hợp;

3. Quản trị-Đời sống;

4. Tài chính-Kế toán;

5. Nhà ăn tập thể.

Việc thành lập hoặc giải thể các phòng (ban), quy định chức năng, nhiệm vụ, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm Trưởng phòng (ban), các Phó Trưởng phòng (ban) do Hiệu trưởng quyết định sau khi được Bộ Công nghiệp phê duyệt về tổ chức-nhân sự của Trường. 

Mục III: CÁC BỘ PHẬN CHUYÊN MÔN 

Điều 13. Các bộ phận chuyên môn bao gồm các nhóm chuyên môn hoặc ngành đào tạo có nội dung chuyên môn gần nhau về đối tượng nghiên cứu, phương pháp giảng dạy, học tập và có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Xây dựng, quản lý và thực hiện kế hoạch, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy các môn học (bao gồm giảng dạy lý thuyết, thực hành, kiểm tra và thi kết thúc môn học);

2. Quản lý và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; xây dựng các giáo trình, bài giảng theo kế hoạch được giao;

3. Quản lý, bảo quản, sử dụng, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thiết bị đồ dùng dạy học để phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học;

4. Thực hiện công tác giáo dục, rèn luyện học sinh theo đúng mục tiêu yêu cầu, phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước, công tác chủ nhiệm lớp học;

5. Xây dựng bộ môn vững mạnh về mọi mặt, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ giáo viên trong tổ;

6. Nghiên cứu đề xuất với Trường về công tác chuyên môn, gồm:

- Phương hướng phát triển hoặc đổi mới ngành nghề đào tạo;

- Về mục tiêu đào tạo, chương trình môn học, mô hình, học cụ;

- Xác định và thực hiện nội dung các đề tài nghiên cứu khoa học.

Căn cứ nhiệm vụ đào tạo-bồi dưỡng cán bộ, Trường được tổ chức các tổ bộ môn như sau:

- Tổ Cơ sở và Bổ trợ;

- Tổ Quản lý Doanh nghiệp;

- Tổ Kinh tế-Kế hoạch hóa;

- Tổ Hạch toán-Kế toán...;

- Tổ Tin học.

Các tổ bộ môn được đặt dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng; việc thành lập, sáp nhập, giải thể và bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó tổ bộ môn do Hiệu trưởng quyết định.

Điều 14. Lớp học:

Học sinh Trường Trung học Kinh tế được tổ chức thành các lớp học theo ngành đào tạo và theo năm học; lớp học đặt dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng.

Lớp học có các nhiệm vụ:

1. Thực hiện kế hoạch học tập của trường, thực hiện các buổi học tập sinh hoạt ngoài giờ và tham gia các mặt công tác khác của trường.

2. Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất;

3. Phát huy tinh thần tự chủ, tổ chức tự quản tốt đời sống vật chất, tinh thần và chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định quy chế của Trường.

Điều 15. Lớp học có Ban cán sự lớp do tập thể học sinh lớp học bầu ra được Hiệu trưởng quyết định công nhận hoặc do Hiệu trưởng chỉ định.

Ban cán sự lớp học có nhiệm vụ:

1. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của lớp học;

2. Tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của tổ bộ môn, của Trường;

3. Phản ánh, đề đạt nguyện vọng của học sinh với giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng tổ bộ môn và Hiệu trưởng;

4. Phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các hoạt động của lớp học. 

Mục IV

CÁC CƠ SỞ PHỤC VỤ ĐÀO TẠO VÀ DỊCH VỤ

 Điều 16. Các cơ sở phục vụ, dịch vụ và thực hành, thực tập của Trường gồm có:

1. Các cơ sở phục vụ (phóng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện và phòng đọc, phòng truyền thống, ký túc xá...) do Hiệu trưởng quyết định thành lập, quy định chức năng nhiệm vụ và bổ nhiệm các cán bộ quản lý;

2. Các cơ sở dịch vụ (các Trung tâm: Dịch vụ tư vấn đầu tư; Dịch vụ đào tạo và tư vấn nghề nghiệp, việc làm, đời sống cho học sinh) Hiệu trưởng xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của các trung tâm trình Bộ quyết định. 

Mục V:

CÁC HỘI ĐỒNG

Điều 17. Trường Trung học Kinh tế có các hội đồng tư vấn giúp Hiệu trưởng để quyết định đúng đắn về phương hướng, chủ trương công tác lớn và những vấn đề cơ bản trong việc tổ chức quản lý Trường.

Trường có các hội đồng sau:

1. Hội đồng Trường (Hội đồng đào tạo);

2. Hội đồng tuyển dụng;

3. Hội đồng tuyển sinh;

4. Hội đồng thi và xét công nhận tốt nghiệp;

5. Hội đồng chủ nhiệm lớp;

6. Hội đồng khoa học;

và các hội đồng khác (lương, khen thưởng kỷ luật,...).

Điều 18. Các hội đồng tư vấn trong Trường được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng với các thành phần sau:

- Chủ tịch: Hiệu trưởng

- Các Phó Chủ tịch: Các Phó Hiệu trưởng;

- Ủy viên thư ký: Trưởng phòng chức năng chính trong từng hội đồng;

- Các ủy viên: Những cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

Chủ tịch Hội đồng quy định chức năng nhiệm vụ, nội dung hoạt động các hội đồng theo các quy định hiện hành của Bộ Công nghiệp và các Bộ hữu quan. 

Mục VI: TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ QUẦN CHÚNG 

Điều 19. Tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Trung học Kinh tế có nhiệm vụ lãnh đạo Trường thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giáo dục, động viên các đảng viên, quần chúng đoàn kết nhất trí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của trường.

Điều 20. Tổ chức cơ sở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ sở của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong trường được thành lập và hoạt động theo Luật Công đoàn và Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 

Chương 3:

HỌC SINH, GIÁO VIÊN, CÁN BỘ CNVC 

Điều 21. Học sinh Trường Trung học Kinh tế có các nhiệm vụ sau:

1. Học tập nắm vững kiến thức và phương pháp rèn luyện kỹ năng thực hành, hoàn thành đúng thời hạn các môn học, thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất do trường quy định;

2. Ra sức học tập lý luận cơbản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và không ngừng nâng cao trình độ chính trị tư tưởng, phẩm chất, đạo đức cách mạng;

3. Chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước, các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nội quy của Trường;

4. Hoàn thành kế hoạch huấn luyện quân sự, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc;

5. Phát huy tinh thần làm chủ tập thể, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ tài sản của Trường.

Điều 22. Học sinh Trường Trung học Kinh tế có quyền lợi:

1. Được hưởng mọi quyền lợi vật chất và tinh thần do Nhà nước quy định;

2. Được sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của Trường vào việc học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt theo quy định của Trường;

3. Tham gia nghiên cứu khoa học, sinh hoạt học thuật, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao theo hướng dẫn của Trường;

4. Những học sinh học giỏi, phẩm chất đạo đức tốt được khen thưởng; tốt nghiệp đạt kết quả xuất sắc được ưu tiên xét chọn cho tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ;

5. Được quyền ứng cử, bầu cử vào Ban cán sự lớp và tham gia một số tổ chức có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của học sinh;

6. Được quyền phát biểu ý kiến và nguyện vọng công tác đào tạo của Trường, được khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền khi quyền lợi bị xâm phạm.

Mục II: GIÁO VIÊN, GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM 

Điều 23. Giáo viên bao gồm những người thuộc biên chế Trường Trung học Kinh tế làm công tác giảng dạy và những cán bộ kinh tế-kỹ thuật, cán bộ quản lý làm việc trong và ngoài Trường tham gia giảng dạy theo chế độ kiêm nhiệm, có trình độ chuyên môn bậc đại học trở lên, có năng lực sư phạm đạt yêu cầu tiêu chuẩn hóa, có khả năng giảng dạy lý thuyết và thực hành các môn học bậc trung học và thấp hơn.

Điều 24. Giáo viên Trường Trung học Kinh tế có các nhiệm vụ sau:

1. Giảng dạy, hướng dẫn các môn học theo sự phân công của tổ bộ môn, thực hiện công tác nghiên cứu, thực nghiệm khoa học quản lý kinh tế, khoa học giáo dục và chăm lo sự phát triển toàn diện của học sinh;

2. Tổ chức triển khai kết quả nghiên cứu vào hoạt động đào tạo của Trường và thực tiễn quản lý sản xuất-kinh doanh của ngành; biên soạn và cải tiến giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập. Tổng kết, đúc rút kinh nghiệm sư phạm, phương pháp giảng dạy lý thuyết và thực hành trong Trường;

3. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về giảng dạy, về công tác giáo viên chủ nhiệm lớp học, về quản lý học tập và rèn luyện học sinh;

4. Chấp hành pháp luật của Nhà nước, nội quy và các quy định của Trường và xã hội;

5. Giáo viên còn được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Điều 25. Giáo viên Trường Trung học Kinh tế có quyền hạn

1. Được sử dụng tài liệu, sách giáo khoa và phương tiện vật chất-kỹ thuật của Trường vào việc nghiên cứu, thực nghiệm, giảng dạy và hướng dẫn học sinh học tập, thực hành, thực tập, lao động sản xuất theo kế hoạch, chương trình công tác của Trường.

2. Được cung cấp và trao đổi các thông tin, kinh nghiệm giảng dạy; tham gia các hội nghị chuyên đề, hội thảo theo kế hoạch, chương trình nghiên cứu thực nghiệm khoa học với các cơ quan, đơn vị sản xuất-kinh doanh và trường bạn.

3. Được kiến nghị với Hiệu trưởng về các vấn đề có quan hệ đến công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo, nhận xét đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong Trường.

4. Được ứng cử, đề cử và kiến nghị về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ trong hệ thống đào tạo và quản lý của Trường.

5. Được hưởng các quyền lợi vật chất, tinh thần theo chính sách, chế độ của Nhà nước đối với giáo viên.

6. Giáo viên dạy giỏi được khuyến khích; trường hợp có thành tích đặc biệt trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học được ưu tiên xét chọn và đề nghị tặng danh hiệu cao quý của nhà giáo hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ở trong, ngoài nước.

Điều 26. Giáo viên chủ nhiệm

Lớp học có giáo viên chủ nhiệm do Trưởng phòng Đào tạo đề nghị và Hiệu trưởng quyết định. Giáo viên chủ nhiệm lớp học thực hiện các Điều 23; 24; 25 của Quy chế này và có các nhiệm vụ sau:

1. Truyền đạt và hướng dẫn học sinh thực hiện các chủ trương công tác, kế hoạch học tập của tổ bộ môn và Trường;

2. Nắm vững tình hình giảng dạy của các giáo viên bộ môn, tinh thần học tập, rèn luyện, sinh hoạt của tập thể lớp học và từng học sinh để có biện pháp giúp đỡ hoặc đề xuất với Trưởng phòng Đào tạo, Trưởng bộ môn về phương hướng giáo dục học sinh;

3. Hướng dẫn và giúp đỡ ban cán sự lớp học, tổ trưởng tổ học tập trong việc tổ chức học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia đầy đủ các hoạt động của Trường và sinh hoạt xây dựng lớp học;

4. Đề đạt ý kiến với Trường về nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh thuộc lớp học do mình phụ trách.

Điều 27. Quyền hạn của giáo viên chủ nhiệm:

1. Triệu tập Ban cán sự lớp học hoặc cả lớp học để truyền đạt chủ trương, chỉ thị, quyết định của Hiệu trưởng và cấp trên. Dự các cuộc họp lớp học, Ban cán sự lớp học và Tổ học tập;

2. Chủ trì các cuộc họp các giáo viên đang giảng dạy ở lớp học theo kế hoạch của Trường để nắm và bàn biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Phối hợp với các tổ chức Đảng, đoàn thể của lớp học để đẩy mạnh các phong trào thi đua và đưa mọi hoạt động của lớp học đi vào nề nếp;

3. Tham gia dự họp các hội đồng có liên quan và được phát biểu các ý kiến về nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh thuộc lớp học đang phụ trách. 

Mục III: CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN 

Điều 28. Cán bộ, công nhân, nhân viên Trường Trung học Kinh tế gồm cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên môn, cán bộ chuyên trách công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhân viên hành chính sự nghiệp, nhân viên và công nhân kỹ thuật, nhân viên phục vụ trong các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của trường.

Chức vụ công tác, nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ làm việc của cán bộ công nhân viên (không kể cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể) do Hiệu trưởng quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Công nghiệp.

 Chương 4:

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN 

Điều 29. Các nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động của Trường, gồm:

1. Kinh phí sự nghiệp đào tạo do Nhà nước cấp, gồm: tiền lương, chi phí bộ máy, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ... và chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Nhà nước giao;

2. Học phí do học sinh đóng góp;

3. Thu từ sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu thực nghiệm khoa học;

4. Tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong, ngoài nước.

Điều 30. Trường được tự chủ về tài chính, chủ động tạo vốn; được lập và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các loại quỹ theo quy định của Nhà nước.

Điều 31. Trường phải lập kế hoạch thu chi tài chính hàng quý, hàng năm, báo cáo kế toán thống kê và quyết toán tài chính theo pháp lệnh kế toán thống kê của Nhà nước.

Điều 32. Tài sản của Trường bao gồm: tài sản cố định, tài sản lưu động được Nhà nước, Bộ giao và tài sản tự có. Trường có trách nhiệm:

1. Bảo quản, sử dụng tài sản đúng mục đích và có hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động của Trường;

2. Toàn bộ tài sản phải được thống kê đầy đủ và ghi số sách theo quy định của Nhà nước. 

Chương 5:

MỐI QUAN HỆ CỦA TRƯỜNG VỚI CÁC CƠ QUAN KHÁC 

Điều 33. Trường chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục, đào tạo và quản lý hành chính của UBND địa phương nơi Trường đóng trụ sở.

Điều 34. Trường có quan hệ với các Vụ chức năng, các Cục Quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Công nghiệp, với các cơ quan nghiên cứu khoa học-công nghệ, các Trường đào tạo, doanh nghiệp và các tổ chức khác để thực hiện nhiệm vụ của mình. Trường được phép thiết lập quan hệ hợp tác về đào tạo-bồi dưỡng cán bộ với các cơ quan, tổ chức các nước, và các tổ chức quốc tế.

Điều 35. Hiệu trưởng Trường được dự các cuộc họp của lãnh đạo Bộ bàn về các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Trường.

Điều 36. Mối quan hệ giữa Hiệu trưởng Trường với cấp ủy thực hiện theo Quy định số 51/QĐ-TW ngày 19 tháng 11 năm 1992 của BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 37. Quan hệ giữa Hiệu trưởng với Công đoàn Trường là mối quan hệ phối hợp, cùng nhau giải quyết những vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của Hiệu trưởng, của Nhà trường và Công đoàn theo quy định tại Luật Công đoàn đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990 do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố tại lệnh số 40/LCT/HĐNN8 ngày 07 tháng 7 năm 1990.

Điều 38. Trường tạo điều kiện làm việc và cung cấp thông tin cần thiết để tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của mình theo Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 39. Căn cứ vào các quy định của Điều lệ này, Hiệu trưởng có trách nhiệm xây dựng, ban hành các nội quy, quy định, chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận để đưa mọi hoạt động của Trường vào nề nếp.

Điều 40. Việc bổ sung, sửa đổi, thay thế Điều lệ này do Hiệu trưởng và Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 37/1999/QĐ-BCN

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu37/1999/QĐ-BCN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành23/06/1999
Ngày hiệu lực08/07/1999
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 05/11/2009
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 37/1999/QĐ-BCN

Lược đồ Quyết định 37/1999/QĐ-BCN Điều lệ Tổ chức Hoạt động Trường Trung học Kinh tế


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 37/1999/QĐ-BCN Điều lệ Tổ chức Hoạt động Trường Trung học Kinh tế
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu37/1999/QĐ-BCN
                Cơ quan ban hànhBộ Công nghiệp
                Người kýGiã Tấn Dĩnh
                Ngày ban hành23/06/1999
                Ngày hiệu lực08/07/1999
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 05/11/2009
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản gốc Quyết định 37/1999/QĐ-BCN Điều lệ Tổ chức Hoạt động Trường Trung học Kinh tế

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 37/1999/QĐ-BCN Điều lệ Tổ chức Hoạt động Trường Trung học Kinh tế