Quyết định 37/2009/QĐ-UBND

Quyết định 37/2009/QĐ-UBND quy định về nội dung quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương do tỉnh Hòa Bình ban hành

Quyết định 37/2009/QĐ-UBND quản lý thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương Hòa Bình đã được thay thế bởi Quyết định 446/QĐ-UBND 2018 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực Hòa Bình và được áp dụng kể từ ngày 22/02/2018.

Nội dung toàn văn Quyết định 37/2009/QĐ-UBND quản lý thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương Hòa Bình


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2009/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 11 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ KÊNH MƯƠNG TỈNH HÒA BÌNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương;

Căn cứ Quyết định số Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 134/1999/TT-QLN ngày 25 tháng 9 năm 1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn việc tổ chức thực hiện kiên cố hoá kênh mương;

Căn cứ thông tư số 72/2000/TT-BTC ngày 19 tháng 7 năm 2000 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương;

Căn cứ Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2498/CV-SKHĐT-NN ngày 09/11/2009 và Báo cáo thẩm định của Sở Tư Pháp tại Công văn số 918/BC-STP ngày 19 tháng 10 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về một số nội dung quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương tỉnh Hoà Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 và thay thế Quyết định số 30/2001/QĐ-UB ngày 10 tháng 7 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Tỉnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ KÊNH MƯƠNG TỈNH HOÀ BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 37/2009/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2009 của UBND tỉnh Hoà Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng:

- Quy định này áp dụng cho các dự án kiên cố hoá kênh mương sử dụng nguồn vốn thuộc chương trình kiên cố kênh mương trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

- Những dự án kiên cố hoá kênh mương được đầu tư bằng nguồn vốn khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Điều 2.

Khuyến khích các dự án có nội dung kiên cố hoá kênh mương thuộc các chương trình, nguồn vốn khác, áp dụng quy định này.

Chương II

NGUỒN VỐN VÀ CƠ CẤU VỐN ĐẦU TƯ

Điều 3. Nguồn vốn Chương trình kiên cố kênh mương được chia theo 3 loại kênh: Kênh loại I và loại II do ngân sách đầu tư 100%; Kênh Loại III thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đó:

- Nhà nước hỗ trợ vật tư xây dựng, nhân công kỹ thuật nhưng tối đa không quá 70% dự toán đối với các xã khu vực 1, khu vực 2 và không quá 85% dự toán đối với các xã khu vực 3; còn lại là nhân dân đóng góp. (phân loại khu vực theo tiêu chí phân vùng xã tại Quyết định số 393/QĐ-UBDT ngày 29/3/2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc).

- Nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp bằng ngày công lao động để thực hiện các công việc đào đắp đất, vận chuyển vật liệu, hoặc nhân công và vật tư xây dựng.

Điều 4. Nguồn vốn đầu tư cho chương trình kiên cố hoá kênh mương bao gồm:

1. Vay tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển Nhà nước theo Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nguồn thu của các huyện, thành phố.

3. Các nguồn vốn huy động từ các chương trình, dự án trên địa bàn.

4. Nguồn vốn huy động, đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi.

Chương III

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH

Điều 5. Chủ đầu tư:

- Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố làm chủ đầu tư dự án kiên cố hoá kênh mương thuộc các công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý khai thác. Tùy theo khả năng điều kiện, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư các dự án kiên cố kênh mương do cấp mình quản lý.

- Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi làm Chủ đầu tư dự án kiên cố kênh mương thuộc các công trình do Công ty quản lý.

Điều 6. Ban quản lý xây dựng công trình kiên cố hoá kênh mương:

a) Đối với các công trình do Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố làm chủ đầu tư: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố quyết định thành lập Ban quản lý xây dựng công trình, thành phần gồm:

- Đồng chí Trưởng hoặc Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm Trưởng ban.

- Đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi được hưởng lợi từ công trình, làm Phó Trưởng ban.

- Một số thành viên khác là cán bộ nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật của huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn nơi được hưởng lợi từ công trình làm uỷ viên.

b) Đối với công trình Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi hưởng lợi từ công trình làm chủ đầu tư, việc thành lập Ban quản lý xây dựng công trình do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố quyết định, thành phần Ban quản lý gồm:

- Đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường thị trấn nơi được hưởng lợi từ công trình làm Trưởng ban

- Đồng chí cán bộ phụ trách thuỷ lợi xã, phường, thị trấn nơi được hưởng lợi từ công trình làm Phó Trưởng ban.

- Đồng chí cán bộ phụ trách địa chính nông nghiệp xã, phường, thị trấn nơi được hưởng lợi từ công trình làm Phó trưởng ban.

- Đồng chí Trưởng thôn, bản nơi được hưởng lợi từ công trình làm ủy viên.

- Một số thành viên khác là cán bộ nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật của xã, phường, thị trấn nơi được hưởng lợi từ công trình làm uỷ viên.

c) Đối với những công trình do Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi làm chủ đầu tư, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi quyết định thành lập Ban quản lý xây dựng công trình. Ban quản lý xây dựng công trình nhất thiết phải có thành viên là lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách công tác thuỷ lợi của huyện sở tại và Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi được hưởng lợi từ công trình cùng tham gia để đảm bảo thực hiện tốt các công việc:

- Tham gia lựa chọn tuyến kênh.

- Tham gia huy động đóng góp của nhân dân địa phương và tham gia tổ chức thực hiện các công việc do nhân dân đóng góp quy định tại Điều 3.

- Tham gia theo dõi, giám sát chất lượng công trình và việc nghiệm thu, thanh quyết toán công trình theo quy định hiện hành.

Chương IV

LẬP DỰ ÁN, BÁO CÁO KINH TẾ KỸ THUẬT (THIẾT KẾ KỸ THUẬT, TỔNG DỰ TOÁN) CÔNG TRÌNH

Điều 7. Phân loại kênh mương:

Kênh loại I: Là kênh trục chính của những hệ thống lớn và quan trọng ở miền núi.

Kênh loại II: Là kênh tưới tiêu cho liên huyện, liên xã.

Kênh loại III: Là kênh mương liên thôn, nội đồng.

Điều 8. Kế hoạch hoá công tác kiên cố kênh mương:

- Hàng năm, chủ đầu tư báo cáo kết quả tình hình thực hiện, huy động nhân dân đóng góp của năm trước, nhu cầu tiếp theo, xây dựng kế hoạch kiên cố kênh mương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để chủ động cân đối vốn kiên cố kênh mương năm sau. Thời gian báo cáo trước 31 tháng 10 hàng năm.

- Việc xây dựng kế hoạch kiên cố kênh mương nhất thiết phải được tổng hợp nhu cầu từ thôn bản, xã phường, thị trấn hưởng lợi từ công trình. Chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo (bằng văn bản) đến các địa phương về chủ trương, cơ chế chính sách, đối tượng đầu tư để nhân dân vùng hưởng lợi bàn bạc, lựa chọn công trình và xây dựng phương án đóng góp (có văn bản cam kết đóng góp). Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, chủ đầu tư tổng hợp kế hoạch báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cân đối và quyết định. Kế hoạch cần phân định rõ kênh loại I, kênh loại II, kênh loại III, chiều dài kênh các loại cần kiên cố, kế hoạch vốn nhà nước, kế hoạch vốn nhân dân đóng góp.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ kết quả thực hiện, tình hình huy động nhân dân đóng góp cho nhiệm vụ kiên cố kênh mương năm trước, nhu cầu kiên cố kênh mương và khả năng hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để xem xét phân bổ kế hoạch vốn cho các huyện, thành phố và Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi trên cơ sở xem xét ưu tiên vốn cho các địa phương huy động tốt sự tham gia đóng góp của nhân dân. Các chủ đầu tư căn cứ kế hoạch vốn được giao, phân bổ vốn cho các danh mục cụ thể. Kế hoạch phân bổ vốn cho từng công trình phải được gửi về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 9. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án kiên cố kênh mương:

1. Đối với kênh loại I, kênh loại II và kênh loại III có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên: Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án kiên cố kênh, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình cùng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

2. Đối với kênh loại III có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng: Chỉ cần lập báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt như sau:

a) Lập báo cáo kinh tế kỹ thuật:

- Căn cứ kế hoạch vốn đã giao cho từng danh mục, Chủ đầu tư lập, phê duyệt đề cương, dự toán công tác tư vấn khảo sát thiết kế, chỉ định đơn vị tư vấn có đủ năng lực để lập báo cáo kinh tế kỹ thuật (thiết kế, dự toán công trình) theo quy định về trình tự quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

- Công tác khảo sát thiết kế kiên cố kênh mương cơ bản theo tuyến kênh cũ, đơn giản, vì vậy cần hạn chế các khối lượng khảo sát. Chi phí cho công tác khảo sát thiết kế trước thuế được khoán tối đa không quá 5% giá trị chi phí xây lắp trước thuế. Các Chủ đầu tư phải cùng đơn vị tư vấn thiết kế tính toán kỹ phương án độ dốc và mặt cắt kênh, thống nhất vị trí đặt các cống, phai phân phối nước, lựa chọn vật liệu xây đúc kênh phù hợp để đảm bảo diện tích chiếm đất ít nhất, hiệu quả tưới cao nhất.

- Phương án thiết kế, dự toán trước khi thẩm định cần được công khai trước dân vùng hưởng lợi để dân bàn bạc, xây dựng phương án thực hiện phần vốn do nhân dân đóng góp. Dự toán phần vốn nhân dân đóng góp phải được lập tách riêng. Cấp phối vật tư, vật liệu của các khối lượng xây đúc phải tính toán bóc tách và tổng hợp, công khai tổng khối lượng các loại vật tư vật liệu để tiện cho công tác kiểm tra giám sát của nhân dân vùng hưởng lợi từ công trình.

b) Thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật:

- Chủ đầu tư lựa chọn và quyết định đơn vị tư vấn thẩm tra dự án trước khi tổ chức thẩm định.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sau khi nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc cấp mình quản lý (Kể cả các danh mục công trình kiên cố kênh loại III do Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi được giao làm Chủ đầu tư nhưng nằm trong phạm vi địa giới hành chính do Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý).

Chương V

TỔ CHỨC THI CÔNG, NGHIỆM THU BÀN GIAO ĐƯA CÔNG TRÌNH VÀO KHAI THÁC SỬ DỤNG

Điều 10. Lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp:

1. Đối với các công trình kiên cố hoá kênh loại I, loại II, các công trình có giá trị xây lắp từ 5 tỷ đồng trở lên việc lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp thực hiện theo quy định hiện hành về đấu thầu.

2. Đối với các công trình kiên cố hoá kênh loại III có giá trị xây lắp dưới 5 tỷ đồng:

a) Cơ chế thực hiện: Lựa chọn nhà thầu vận dụng theo cơ chế Chương trình 135 giai đoạn II quy định tại Điểm e, Khoản 2.5.1, Mục 2.5, Phần 2 Thông tư số 01/2008/TTLB-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Liên Bộ: Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010. Cụ thể:

- Gói thầu xây lắp có giá từ 300 triệu đồng trở xuống, thực hiện theo hình thức đấu thầu có sự tham gia của cộng đồng. Chủ đầu tư thông báo cho nhân dân biết để cộng đồng đăng ký tham gia thực hiện. Trường hợp có nhiều nhóm cộng đồng cùng đăng ký tham gia thì Chủ đầu tư tổ chức họp các nhóm đã đăng ký để công khai lựa chọn, dựa vào các tiêu chí giá cả, tiến độ và chất lượng để phê duyệt kết quả đấu thầu; nếu hết thời hạn thông báo (do Chủ đầu tư quyết định), chỉ có 1 nhóm cộng đồng tham gia thì Chủ đầu tư giao cho nhóm đó thực hiện. Trường hợp không có nhóm cộng đồng tham gia thì Chủ đầu tư lựa chọn một nhà thầu phù hợp để đàm phán, ký hợp đồng thực hiện;

- Gói thầu xây lắp hoặc gói thầu xây lắp kết hợp mua sắm hàng hoá có giá trị từ trên 300 triệu đồng trở lên đến dưới 5 tỷ đồng, tổ chức đấu thầu trên cơ sở lựa chọn năng lực và giá dự thầu của ít nhất 3 nhà thầu tham gia. Trường hợp hết hạn thông báo không đủ 3 nhà thầu tham gia gói thầu thì Ban quản lý xây dựng công trình báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố xem xét quyết định; đối với Công ty Khai thác các công trình thuỷ lợi Ban quản lý xây dựng công trình báo cáo Giám đốc Công ty quyết định.

Quy trình thực hiện đấu thầu như sau:

+ Thông báo công khai về việc tổ chức đấu thầu, địa điểm, thời gian phát hành hồ sơ yêu cầu;

+ Lập hồ sơ yêu cầu và phát hành hồ sơ yêu cầu;

+ Chuẩn bị hồ sơ đề xuất;

+ Đánh giá, xem xét hồ sơ đề xuất;

+ Trình duyệt, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

+ Thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

b) Thẩm quyền quyết định:

- Đối với các dự án kiên cố kênh do Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố làm chủ đầu tư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu.

- Đối với các dự án kiên cố kênh do Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi làm Chủ đầu tư, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu.

Điều 11. Giám sát thực hiện, nghiệm thu công trình:

- Chủ đầu tư xây dựng công trình phải kết hợp cùng với người dân vùng hưởng lợi để tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo thi công đúng quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành.

- Thành phần tham gia giám sát, nghiệm thu gồm đại diện: Ban quản lý xây dựng công trình, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Đơn vị thi công, Ban giám sát cộng đồng người hưởng lợi.

Điều 12. Bàn giao, duy tu công trình:

- Công trình thi công xong, Chủ đầu tư phải tiến hành tổ chức bàn giao cho đơn vị quản lý theo phân cấp hiện hành để kịp thời khai thác, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Hàng năm đơn vị quản lý lập kế hoạch duy tu định kỳ, huy động cộng đồng nhân dân vùng hưởng lợi tham gia thực hiện để công trình phát huy hiệu quả sử dụng.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về quản lý Nhà nước chương trình kiên cố kênh mương; là cơ quan thường trực chương trình.

- Sở Tài chính chủ trì cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất mức vay, phân bổ vốn vay cho các huyện, thành phố và Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố, căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước và các các quy định hiện hành để thông báo vốn, thanh, quyết toán vốn, tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

- Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi căn cứ kế hoạch vốn được giao, phân bổ cho các công trình cụ thể. Tổ chức quản lý, thực hiện phần vốn được giao, báo cáo đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 37/2009/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu37/2009/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành11/12/2009
Ngày hiệu lực01/01/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 12/04/2016
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 37/2009/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 37/2009/QĐ-UBND quản lý thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương Hòa Bình


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 37/2009/QĐ-UBND quản lý thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương Hòa Bình
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu37/2009/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Hòa Bình
                Người kýBùi Văn Tỉnh
                Ngày ban hành11/12/2009
                Ngày hiệu lực01/01/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLĩnh vực khác
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 12/04/2016
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản gốc Quyết định 37/2009/QĐ-UBND quản lý thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương Hòa Bình

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 37/2009/QĐ-UBND quản lý thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương Hòa Bình