Quyết định 38/2006/QĐ-UBND

Quyết định 38/2006/QĐ-UBND về Chương trình phát triển Du lịch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2006-2010

Quyết định 38/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển du lịch Quảng Bình 2006 2010 đã được thay thế bởi Quyết định 3524/QĐ-UBND năm 2011 danh mục văn bản hết hiệu lực Quảng Bình và được áp dụng kể từ ngày 30/12/2011.

Nội dung toàn văn Quyết định 38/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển du lịch Quảng Bình 2006 2010


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2006/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 01 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG BÌNH THỜI KỲ 2006 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam 2001- 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 39/2005/NQ-HĐND ngày 09/12/2005 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tại Tờ trình số 253/TMDL ngày 18 tháng 8 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển Du lịch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2006-2010.

Điều 2. Giao Sở Thương mại và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện Chương trình.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tổng cục Du lịch;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Ban: KTNS, PC, VHXH-HĐND tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, TM.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thị Bích Lựa

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỜI KỲ 2006 - 2010
(Kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

Trong những năm qua, do có các cơ chế chính sách đúng đắn và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, trực tiếp là Tổng cục Du lịch nên du lịch Quảng Bình đạt được những kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện chủ yếu trên các mặt sau đây:

- Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 2.300.000 lượt, tăng 4 lần so với giai đoạn 1996-2000 và tăng bình quân 18,6%/năm; trong đó, có 34.400 lượt khách quốc tế, tăng 25%/năm. Doanh thu thuần tuý từ du lịch đạt 221 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với 5 năm 1996-2000; doanh thu du lịch xã hội đạt gần 1.500 tỷ đồng; tỷ trọng Du lịch chiếm khoảng 8% GDP của tỉnh; nộp ngân sách 35 tỷ đồng, tăng 29%.

- Đã huy động trên 500 tỷ đồng đầu tư vào các dự án phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng du lịch; trong đó, gần 400 tỷ đồng đầu tư vào các khách sạn, nhà hàng. Tranh thủ được 70 tỷ đồng từ Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tổng cục Du lịch để cùng nguồn vốn ngân sách của địa phương đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại một số khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

- Hệ thống cơ sở lưu trú được xây dựng, cải tạo với chất lượng ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 134 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, có 82 khách sạn và 52 nhà khách, nhà nghỉ, với 2.118 buồng và 4.438 giường. Có 16 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1- 4 sao (Khu nghỉ mát cao cấp Sun Spa Resort Mỹ Cảnh-Bảo Ninh và Khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình đã được Tổng cục Du lịch xếp hạng 4 sao).

- Đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch như thuyền, ô tô, đáp ứng yêu cầu của du khách.

- Nhân lực phục vụ du lịch ngày càng phát triển về số lượng cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý; chất lượng phục vụ khách được cải thiện rõ rệt.

- Công tác quản lý nhà nước về du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh.

Tóm lại, phần lớn các mục tiêu của Chương trình phát triển Du lịch giai đoạn 2000-2005 đề ra đều hoàn thành vượt mức; trong đó, có một số mục tiêu vượt cao như: về số lượng khách du lịch, mục tiêu đến năm 2005 phấn đấu đón 500.000 lượt, trên thực tế năm 2004 đã có trên 620.000 lượt khách đến tham quan tỉnh ta, vượt trước kế hoạch một năm; về doanh thu, Chương trình đề ra phấn đấu đến năm 2005 đạt 45.000 triệu đồng, nhưng đã đạt 65.000 triệu đồng, vượt 20.000 triệu đồng, tăng 44%; về số buồng khách sạn chỉ tiêu đến năm 2005 có 750 buồng, hiện nay có 2.118 buồng, vượt 1.368 buồng, tăng 266%.

II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ:

- Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, do đó, thời gian lưu trú của du khách chỉ đạt 1,2 ngày/lượt khách (so với kế hoạch đặt ra là 1,5 ngày/lượt khách).

- Công tác xúc tiến du lịch triển khai chậm; hoạt động quảng bá, tuyên truyền du lịch thiếu chiến lược lâu dài, tính chuyên nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ chưa chú trọng công tác phối hợp tuyên truyền quảng bá cho du lịch Quảng Bình nói chung và cho bản thân doanh nghiệp nói riêng.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chậm phát triển và thiếu đồng bộ; các doanh nghiệp hoạt động du lịch chưa đủ mạnh.

- Các Lễ hội chưa được tổ chức tốt để thu hút du khách; sản xuất hàng lưu niệm chưa phát triển; loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hoá - lịch sử có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác.

- Các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại chưa được đầu tư xây dựng; nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch đã được cấp phép nhưng triển khai chậm; thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư chưa thật thông thoáng, thuận tiện.

- Tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố chưa theo kịp sự phát triển của du lịch.

- Hoạt động kinh doanh du lịch phần lớn còn mang tính tự phát; tư duy làm ăn còn thiển cận, thiếu bài bản; hoạt động lữ hành còn yếu; hiệu quả kinh doanh du lịch chưa cao, thiếu tính bền vững.

- Việc phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch còn chưa chặt chẽ; hiện tượng trốn thuế, kinh doanh du lịch khi chưa đủ điều kiện vẫn còn xảy ra...

III. NGUYÊN NHÂN:

1. Nguyên nhân kết quả đạt được:

- Quảng Bình có tiềm năng du lịch đa dạng, đặc sắc; đặc biệt, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là động lực rất lớn cho việc phát triển du lịch của tỉnh.

- Cùng với Chương trình Phát triển Du lịch giai đoạn 2001-2005, tỉnh đã sớm có quy hoạch phát triển du lịch và có các cơ chế, chính sách đúng đắn, kịp thời, khuyến khích các thành phần kinh tế huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.

- Bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực; các Sở, Ban, ngành, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển Du lịch của tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện tốt Chương trình. Đặc biệt, sự năng động sáng tạo của các địa phương, các doanh nghiệp, thương nhân và cộng đồng dân cư là nền tảng quan trọng trong phát triển du lịch.

- Doanh nghiệp, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế bước đầu đã quan tâm đến việc đầu tư phát triển du lịch và xem đây là một lĩnh vực đầu tư có hiệu quả, nhất là về lâu dài.

2. Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế:

- Quảng Bình ở xa các trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước, giao thông đi lại chưa thuận lợi.

- Tiềm lực kinh tế của tỉnh còn thấp, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; quy hoạch tổng thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chưa được triển khai.

- Tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình khá cao, thường chỉ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm.

- Nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch bền vững còn hạn chế, du lịch cộng đồng chưa được khai thác. Trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương đối với phát triển du lịch chưa được phát huy đầy đủ.

- Đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành du lịch, nhất là ở những cơ sở trực tiếp kinh doanh phục vụ du lịch tính chuyên nghiệp chưa thật cao, còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức, quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần thái độ phục vụ.

- Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ và giá cả chưa cao; liên doanh, liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch còn yếu.

- Vai trò quản lý Nhà nước về du lịch chưa được phát huy đầy đủ. Việc phân cấp quản lý về du lịch giữa tỉnh, huyện, thành phố và xã chưa rõ ràng, rành mạch cả về tổ chức hoạt động, công tác quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch. Công tác tuyên truyền quảng bá về tiềm năng du lịch của tỉnh chưa chú trọng đúng mức, thiếu trọng tâm, tính chuyên nghiệp chưa cao nên chưa thu hút được du khách và các nhà đầu tư.

Phần thứ hai

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỜI KỲ 2006 - 2010

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH VÀ THỊ TRƯỜNG KHÁCH DU LỊCH:

1. Thuận lợi:

- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, đa dạng hoá sản phẩm và các loại hình du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. Đối với tỉnh ta, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã định hướng: Ưu tiên phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của tỉnh.

- Nền kinh tế nước ta nói chung và kinh tế Quảng Bình tiếp tục phát triển với tốc độ cao, thu nhập của người dân được cải thiện nên nhu cầu tham quan và hưởng thụ du lịch tăng cao. Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện và yêu thích của du khách quốc tế; trong đó, Quảng Bình là một địa chỉ trong hành trình du lịch đến với các Di sản Thế giới ở khu vực miền Trung.

- Chương trình hành động Quốc gia về Du lịch thời kỳ 2006 - 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục triển khai; trong đó, phát triển du lịch ở các tỉnh miền Trung với tiềm năng du lịch rất lớn, được Chính phủ và Tổng cục Du lịch đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đã quyết định bố trí nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch cho thời kỳ 2006 - 2010.

- Các tuyến du lịch mang tính quốc gia và quốc tế được triển khai như: Tuyến du lịch Con đường Di sản Thế giới, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Tuyến du lịch hành lang Đông - Tây.

- Nhiều chính sách phát triển du lịch được ban hành như cho phép khách Du lịch Trung Quốc có Hộ chiếu du lịch vào nước ta, miễn thị thực cho khách du lịch của nhiều nước, cho phép ô tô tay lái nghịch của Thái Lan vào nước ta qua cửa khẩu đường 8, đường 9...

- Cơ sở hạ tầng được tiếp tục cải thiện đáng kể, hệ thống đường bộ tương đối hoàn chỉnh, quốc lộ 12A thông thương với Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, tuyến đường sắt tiếp tục hoàn thiện; sân bay Đồng Hới, cảng biển Hòn La đang được xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng trong tương lai gần. Đây là điều kiện thuận lợi để đón khách du lịch (nhất là khách du lịch quốc tế) qua đường hàng không, đường biển, đường sắt và đường bộ.

- Kinh nghiệm phát triển du lịch cũng như kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình phát triển Du lịch giai đoạn 2001 - 2005 là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển Du lịch 2006 - 2010.

- Cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, khuyến khích phát triển du lịch. Nhận thức của cộng đồng dân cư và các thành phần kinh tế về vai trò, vị trí của du lịch trong nền kinh tế ngày càng được nâng cao.

2- Khó khăn:

- Là địa phương xa các trung tâm kinh tế - xã hội, tiềm năng về du lịch là rất lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác, chủ yếu chỉ tập trung khai thác động Phong Nha, động Tiên Sơn mà chưa có các sản phẩm du lịch đặc sắc khác.

- Điểm xuất phát về kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của tỉnh ta còn thấp so với trung bình chung của cả nước. Nguồn lực huy động từ nội bộ ngành kinh tế của tỉnh và của nhân dân trong tỉnh để đầu tư phát triển du lịch còn khó khăn.

- Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trong tỉnh tuy đã có bước trưởng thành nhưng chưa thực sự đủ mạnh (kể cả về quy mô, năng lực tài chính, kinh nghiệm trong kinh doanh, năng lực canh tranh...) để có thể huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch.

- Nhân lực phục vụ du lịch chưa có tính chuyên nghiệp cao, thiếu lao động có bậc nghề cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và năng lực quản lý còn yếu; lực lượng lao động phần lớn chưa qua đào tạo (nhất là đối với các nhà nghỉ, khách sạn không đủ tiêu chuẩn xếp hạng sao).

3. Dự báo thị trường khách du lịch:

- Thị trường trong nước: Dự báo khách du lịch đến với Quảng Bình trong những năm tới chủ yếu, chiếm thị phần lớn vẫn là khách nội địa, tập trung vào các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, một số tỉnh phía Bắc và phía Nam.

- Thị trường nước ngoài: Trong tương lai, thị trường khách du lịch Quốc tế đến tỉnh ta từ Lào và Thái Lan theo tuyến hành lang Đông - Tây qua cửa khẩu Cha Lo, Lao Bảo, Cầu Treo; khách du lịch Trung Quốc đi theo hộ chiếu du lịch. Bên cạnh đó, thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Bắc Âu, Mỹ sẽ tăng nhanh nếu biết khai thác.

II- ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỜI KỲ 2006 - 2010:

1. Mục tiêu:

a. Mục tiêu tổng quát:

- Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của tỉnh; góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong GDP; tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu cho ngân sách; tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển.

- Phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.

- Nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ du lịch; tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch. Nâng cao vị thế của Du lịch Quảng Bình trong cả nước và quốc tế; dần dần xây dựng Quảng Bình không chỉ là điểm dừng chân của du khách trong và ngoài nước mà trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo và mến khách.

b. Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2010, Du lịch Quảng Bình phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể như sau:

- Tổng số lượng khách du lịch: Từ 1 đến 1,2 triệu lượt khách (vào năm 2010); trong đó, có 30.000 lượt khách quốc tế (nếu tính cả thời kỳ 2006 - 2010 là 4,2 triệu lượt khách, tăng gần gấp 2 lần so với thời kỳ 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng trung bình 17%/năm).

- Doanh thu du lịch: Đạt 400 tỷ đồng.

- Nộp ngân sách: 65 tỷ đồng.

- Tỷ trọng du lịch chiếm 10% GDP của tỉnh.

- Số cơ sở lưu trú du lịch: 170 cơ sở với tổng số phòng 3.300 và trên 6.000 giường; trong đó, có ít nhất 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao trở lên.

- Nhân lực du lịch: 6.000 người; trong đó, có 4.000 lao động trực tiếp và 2.000 lao động gián tiếp (trong các ngành nghề dịch vụ du lịch).

- Thời gian lưu trú trung bình: 1,5 ngày/lượt khách.

2. Nhiệm vụ trọng tâm:

a- Xây dựng Kế hoạch Du lịch cụ thể cho từng năm, trên cơ sở đó, triển khai có hiệu quả những nội dung mà kế hoạch đã đề ra. Chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, tham gia Hội chợ trong nước và quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

b- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển du lịch. Thực hiện công tác cải cách hành chính trong cấp phép các dự án đầu tư phát triển du lịch; tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và khi đi vào hoạt động kinh doanh.

c- Tích cực tham gia các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia về du lịch; liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng cũng như với các tỉnh của nước CHDCN Lào, Đông - Bắc Thái Lan để đẩy mạnh phát triển du lịch ở các tỉnh miền Trung và trên tuyến hành lang Đông - Tây.

d- Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh.

3- Định hướng phát triển các loại hình du lịch:

Trong những năm tới, cần phát triển các loại hình du lịch đang là thế mạnh của tỉnh ta như: Nâng cao và phát triển loại hình du lịch hang động, phát triển loại hình du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch thám hiểm, du lịch mua sắm. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch hang động, du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.

Cùng với phát triển các loại hình du lịch, chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo mang sắc thái riêng của Quảng Bình đủ sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế; đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đảm bảo trật tự vệ sinh, an toàn tại các điểm du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, phát triển du lịch bền vững. Ưu tiên phát triển du lịch cao cấp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

4- Tổ chức không gian du lịch:

Tiếp tục triển khai đầu tư 4 cụm du lịch trọng điểm của tỉnh là Phong Nha - Kẻ Bàng, trung tâm Thành phố Đồng Hới, Vũng Chùa - Đảo Yến, suối nước khoáng nóng Bang; dựa trên các khu du lịch trọng điểm này để phát triển, mở rộng thêm các khu, điểm du lịch vùng phụ cận.

4.1- Cụm du lịch Di sản Thiên nhiên Thế giới VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

Đây là Khu du lịch trọng tâm có tính đột phá của tỉnh, cần phải được tập trung đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch thích hợp theo hướng bền vững thân thiện với môi trường, đồng thời, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản Thế giới. Trong thời kỳ 2006 - 2010 tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sau đây:

- Nâng cao chất lượng phục vụ nhằm khai thác hai động Phong Nha, Tiên Sơn tốt hơn; cải tiến phương thức vận chuyển khách, đưa các dịch vụ mới vào hoạt động; thử nghiệm tuyến du lịch mạo hiểm vào sâu trong động Phong Nha (vào sâu đến 1.000m) cho một số du khách.

- Mở tuyến du lịch vào các hang động như: hang Tối, hang Thiên Đường, hang Mẹ Bồng Con.

- Xây dựng một số tuyến du lịch sinh thái (trước mắt chủ yếu là các tuyến đi bộ trong rừng) đã được đề cập trong đề tài nghiên cứu các tuyến du lịch mạo hiểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Triển khai dự án xây dựng Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh huyền thoại thu nhỏ ở khu vực Trạng An (do Bộ Quốc phòng đầu tư), cùng với Đền thờ các Liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng phục vụ khai thác loại hình du lịch văn hoá - lịch sử.

- Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững trên cơ sở dự án của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong khuôn khổ hợp tác vùng Mê Công mở rộng, các tổ chức Phi chính phủ như SNV, CPI, KFW...

- Bước đầu nghiên cứu để sớm có thể triển khai loại hình du lịch mạo hiểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Triển khai tốt các dự án đầu tư phát triển du lịch của các Công ty như CIVIDEC, Công ty TNHH Sinh thái Phong Nha, Công ty Du lịch Cổ phần Sài Gòn - Quảng Bình...

4.2- Cụm du lịch thành phố Đồng Hới

Thành phố Đồng Hới, được xác định là cụm du lịch quan trọng thứ hai sau Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi tiếp nhận khách du lịch từ các tuyến du lịch trong nước và quốc tế. Đối với Thành phố Đồng Hới, tập trung vào du lịch biển, du lịch văn hoá - lịch sử, mua sắm - giải trí, du lịch hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế (MICE); cụ thể:

- Quy hoạch và triển khai xây dựng bãi tắm Nhật Lệ II; sắp xếp, tổ chức lại các nhà hàng dọc bãi biển Hải Thành - Quang Phú.

- Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư đã được cấp phép ở Quang Phú, Bảo Ninh như Sun Spa Resort giai đoạn 2, dự án của Công ty Du lịch Cổ phần Sài Gòn Quảng Bình, Công ty Vĩnh Hà, Công ty Hồ Thiệu Trị và cộng sự...

- Hoàn thành khu Đô thị mới và Thương mại ở Nam Lý, triển khai xây dựng Tượng đài Hồ Chí Minh, công viên Cầu Rào, xây dựng một số siêu thị loại II, loại III.

- Trong tương lai, xây dựng Đồng Hới thành Trung tâm du lịch Hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế (loại hình du lịch MICE).

- Trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử; hoàn thành Nhà Bảo tàng tỉnh, Hồ thành Đồng Hới, tu bổ chứng tích chiến tranh Tam Toà... để có thể đón khách du lịch tham quan.

- Hình thành khu phố ẩm thực tại đường Cô Tám, phường Hải Đình nhằm khai thác nghệ thuật ẩm thực đặc trưng của Quảng Bình phục vụ khách du lịch.

- Nghiên cứu phát triển du lịch ở phía Tây Đồng Hới như: Vực Quành, hồ Phú Vinh, Khe Đá...

4.3. Cụm du lịch suối nước khoáng nóng Bang:

Cùng với suối nước khoáng nóng Bang, cần khai thác tốt Bàu Sen, hồ An Mã, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, núi Thần Đinh...

- Khẩn trương sửa đổi, điều chỉnh quy hoạch suối nước khoáng nóng Bang và vùng phụ cận; triển khai xây dựng các hạng mục công trình như bể bơi, bể ngâm nước khoáng, nhà nghỉ, khu tiếp đón để phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Về lâu dài, có thể mở rộng khu du lịch suối nước khoáng nóng Bang để phát triển nhiều loại hình du lịch khác như sân gôn, trường đua ngựa...

- Nghiên cứu giao cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình xây dựng khu đón tiếp khách tại Lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh để thu hút khách du lịch các tỉnh phía Nam.

- Xây dựng bãi đỗ xe và một số hạ tầng khác tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Trùng tu, tôn tạo chùa Non trên núi Thần Đinh và khuyến khích các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư xây dựng các hạng mục công trình để đón khách đến viếng Chùa.

4.4- Cụm du lịch Vũng chùa - Đảo Yến

Tập trung đầu tư và khai thác sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm biển, cụm di tích lịch sử - văn hoá Đèo Ngang - Hoành Sơn quan, cảng biển Hòn La. Trong thời kỳ 2006 - 2010 cần chú trọng:

- Triển khai dự án Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến do Công ty Đông Sơn đầu tư để có thể đón khách vào cuối năm 2007.

- Cùng với đầu tư xây dựng cảng Hòn La, khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển du lịch tại đây.

- Triển khai loại hình du lịch thám hiểm biển, đảo gắn với việc bảo tồn sinh thái biển Vịnh Hòn La.

- Trùng tu, tôn tạo Hoành Sơn Quan, đền thờ Công chúa Liễu Hạnh; phát triển làng nghề Cảnh Dương để khai thai thác phục vụ khách tham quan.

4.5. Các điểm du lịch khác:

Tuỳ theo tình hình cụ thể, các địa phương có thể phát triển những điểm du lịch nhỏ (chủ yếu dựa vào cộng đồng) dựa vào đặc điểm nổi trội của điểm du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để phát triển du lịch bền vững vì người nghèo.

5. Các tuyến du lịch:

+ Tuyến du lịch quốc gia và quốc tế:

- Con đường Di sản Thế giới miền Trung.

- Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

- Tuyến Du lịch hành lang Đông - Tây.

+ Các tuyến du lịch chính trong tỉnh:

- Đồng Hới - Phong Nha - Đền các Liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng - Đồng Hới.

- Đồng Hới - Phong Nha - Vực Quành - Đồng Hới.

- Đồng Hới - Đá Nhảy - Vũng Chùa, Đảo Yến - Đèo Ngang - Đồng Hới.

- Đồng Hới - Phong Nha - Bang - Đồng Hới.

+ Tuyến du lịch nội thành Đồng Hới (Dong Hoi City tours).

Du khách sẽ tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, vui chơi giải trí và mua sắm hàng hoá của thành phố Đồng Hới và vùng lân cận.

III- Các giải pháp phát triển du lịch:

1. Quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch

* Về quy hoạch:

- Phối hợp với Viện Quy hoạch phát triển Du lịch (Tổng Cục Du lịch) tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2015, định hướng đến 2020.

- Trong năm 2006, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Phong Nha để triển khai các dự án đầu tư; năm 2007 - 2008, hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng do tư vấn nước ngoài thực hiện.

- Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt như: Suối nước khoáng nóng Bang, Vũng Chùa - Đảo Yến, Bảo Ninh, Nhật Lệ - Quang Phú.

- Uỷ ban nhân dân các huyện, hành phố Đồng Hới điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch phát triển các điểm du lịch của địa phương mình như: Điểm Du lịch phía Tây của thành phố Đồng Hới; chùa Non - núi Thần Đinh, Hải Ninh ở huyện Quảng Ninh; Đá Nhảy, Nhân Trạch của huyện Bố Trạch; Bàu Sen, Ngư Thuỷ Bắc ở huyện Lệ Thuỷ; bãi tắm Quảng Thọ ở huyện Quảng Trạch.

- Tăng cường vai trò, hiệu lực quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch của các cấp các ngành.

* Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch :

Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, khẩn trương xây dựng các dự án đầu tư phát triển du lịch; đồng thời, giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt.

2- Đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch

+ Đào tạo nguồn nhân lực

Du lịch tỉnh ta mới chỉ phát triển trong mấy năm gần đây nên đội ngũ cán bộ nhân viên lao động vừa thiếu lại vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực là giải pháp ưu tiên đặc biệt nhằm tạo ra sự phát triển vượt bậc trong chất lượng phục vụ du lịch.

Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2015 là đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu ngành nghề cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, cần đa dạng hoá các chương trình đào tạo, đào tạo lại với nhiều hình thức và nguồn kinh phí khác nhau; khuyến khích các doanh nghiệp, các đơn vị đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ công nhân viên lao động của đơn vị mình. Phấn đấu đến năm 2010, có từ 70-80% trên tổng số lao động trong ngành du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, cần có cơ chế thu hút các chuyên gia, thợ lành nghề, cán bộ quản lý giỏi trong lĩnh vực du lịch đến công tác và làm việc tại tỉnh.

Trong năm 2007 và 2008, phối hợp với các trường Du lịch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý hiện đang thiếu và yếu nghiệp vụ, gắn đào tạo với việc trao đổi nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm quản lý của các tỉnh bạn. Những năm tiếp theo tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân, bàn, buồng, chế biến món ăn cho đội ngũ nhân viên phục vụ khách sạn, nhà hàng.

Lồng ghép kiến thức về an ninh quốc phòng trong du lịch vào chương trình đào tạo cho đội ngũ làm công tác du lịch từ cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ quản lý cho đến đội ngũ nhân viên phục vụ.

+ Nâng cao chất lượng phục vụ du lịch

Nâng cao chất lượng phục vụ du lịch là một yêu cầu bức thiết của Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh, cần được quan tâm triển khai có hiệu quả, nhằm tăng cường năng lực của ngành. Trước mắt, cần tập trung nâng cao chất lượng phục vụ tại các khu, điểm du lịch; trong các khách sạn, nhà hàng, trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch, trong đón tiếp và các dịch vụ khác; đa dạng hoá các dịch vụ lưu trú, các tours, tuyến, loại hình du lịch, hàng lưu niệm cung cấp cho khách du lịch gắn với việc giáo dục đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong ngành; tăng cường khả năng hội nhập du lịch trong nước và quốc tế.

3- Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư du lịch

Nhằm khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về du lịch của tỉnh, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư du lịch và khuyến khích phát triển du lịch. Ngoài việc giao trách nhiệm cho các ngành, các huyện và thành phố Đồng Hới xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của ngành, địa phương mình, cần dành quỹ đất thích hợp xây dựng các khu du lịch kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Sở Thương mại và Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành quy định ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép đầu tư cho các nhà đầu tư trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế.

Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và quốc tế, các thương nhân, cộng đồng dân cư đầu tư phát triển du lịch.

4 - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch

Tăng cường tuyên truyền quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức thích hợp. Đối với thị trường nước ngoài, chú trọng các thị trường truyền thống, các nước trong khu vực trên tuyến hành lang Đông - Tây. Nâng cao hình ảnh du lịch Quảng Bình, quảng bá các sản phẩm độc đáo hấp dẫn, giới thiệu lịch sử anh hùng và văn hoá truyền thống đặc sắc của địa phương để thu hút khách du lịch quốc tế. Đối với trong nước và trong tỉnh, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về vai trò của Du lịch - là ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với việc bảo tồn Di sản Thiên nhiên thế giới, văn hoá và môi trường.

Hướng dẫn các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế chủ động làm tốt hơn công tác tuyên truyền, quảng bá cho chính đơn vị mình, nhằm mở rộng thị trường và góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương.

Hình thức tuyên truyền, quảng bá chủ yếu tập trung vào các loại hình như Website, hội chợ - triển lãm trong nước và nước ngoài, thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hoá - du lịch, xây dựng các bảng quảng cáo lớn, các biển chỉ dẫn tại sân bay Đồng Hới, cửa khẩu Cha Lo và các khu, tuyến, điểm du lịch; cung cấp thông tin miễn phí cho khách du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ của Chương trình hành động quốc gia về du lịch để nâng cao hình ảnh của Du lịch Quảng Bình trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Lồng ghép việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về phát triển du lịch (nhất là phát triển du lịch bền vững) vào các chương trình, dự án, các chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch ra nước ngoài. Các địa phương cần xây dựng các dự án phát triển du lịch bền vững quy mô nhỏ, dựa vào cộng đồng. Đây là giải pháp quan trọng để phát triển du lịch bền vững và góp phần xoá đói giảm nghèo.

5. Bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch

- Tài nguyên, môi trường là yếu tố quyết định sống còn đối với các hoạt động du lịch; vì vậy, cần chú trọng giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường (môi trường tự nhiên và môi trường xã hội) du lịch, tại các tuyến, điểm, khu du lịch, nhất là ở Trung tâm Du lịch Sinh thái Văn hoá Phong Nha.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại bãi biển Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo Ninh, Vũng Chùa - Đảo Yến, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng và một số tuyến điểm du lịch khác trong tỉnh. Có các biện pháp hữu hiệu thu gom và xử lý rác, nước thải tại các khu, tuyến, điểm du lịch. Chú trọng công tác đánh giá tác động môi trường của các hoạt động du lịch, nhất là những nơi nhạy cảm về môi trường như Phong Nha - Kẻ Bàng, Bang, các bãi biển.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, bảo vệ văn hoá truyền thống và các giá trị của di sản. Hưởng ứng tuần lễ môi trường du lịch hàng năm, động viên mọi người quan tâm bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển du lịch bền vững.

- Có giải pháp hữu hiệu chấm dứt nạn ăn xin, tình trạng chèo kéo, ép khách du lịch để bán hàng hoá làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch của tỉnh.

6. Phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ Du lịch

- Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch:

Để du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế, ngoài việc xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ, tỉnh và các địa phương cần đầu tư hơn nữa cho du lịch, nhất là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Đối với các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Phong Nha - Kẻ Bàng, thành phố Đồng Hới, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch của Tổng Cục Du lịch, ngân sách tỉnh, nguồn vốn ODA. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm bố trí nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch của địa phương mình.

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá du lịch nhằm huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, thương nhân, các tổ chức để phát triển đa dạng về du lịch.

- Các dịch vụ hỗ trợ du lịch:

Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho Du lịch phát triển như: hệ thống giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, Ngân hàng. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn để sản xuất tại chỗ các hàng lưu niệm mang bản sắc của từng vùng, từng miền trong tỉnh phục vụ khách du lịch, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư.

7. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển du lịch

Tăng cường công tác nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững. Chú trọng đúng mức việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh du lịch. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ quan khoa học trong và ngoài nước để tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm, tiếp cận với những thành tựu khoa học công nghệ du lịch mới, tiên tiến của quốc tế để áp dụng cho du lịch tỉnh nhà.

Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh trong các dự án đầu tư phát triển du lịch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng.

8. Tăng cường hiệu lực Quản lý Nhà nước về du lịch

- Đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch; tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, có hiệu quả.

- Tăng cường bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đủ mạnh từ cấp tỉnh đến các địa phương, nhất là tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan quản lý về du lịch cấp tỉnh tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư du lịch, thanh tra du lịch.

- Tăng cường liên doanh liên kết với các tỉnh trong nước và hợp tác quốc tế, nhất là đối với các tỉnh Khăm Muộn, Savanakhẹt (nước CHDCND Lào), các tỉnh Đông - Bắc Thái Lan để phát triển du lịch thông qua tuyến đường 12; đồng thời, gắn hoạt động Du lịch với Quốc phòng - An ninh Quốc gia.

- Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong công tác QLNN về du lịch; nghiên cứu thành lập Ban quản lý Khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Cải cách hành chính trong cấp giấy phép đầu tư cũng như trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án được triển khai đúng tiến độ.

- Cương quyết thu hồi giấy phép đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đối với những dự án phát triển du lịch đã quá thời hạn nhưng không triển khai xây dựng.

- Nghiên cứu thành lập Hiệp hội Khách sạn của tỉnh nhằm liên doanh, liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch và lợi ích của các thành viên của Hiệp hội.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hành động phát triển du lịch hàng năm; đồng thời, chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan để triển khai và tổ chức thực hiện tốt những nội dung nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Phát triển Du lịch thời kỳ 2006 - 2010 đề ra. Theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình thực hiện chương trình, báo cáo Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan xây dựng chính sách khuyến khích phát triển du lịch của tỉnh, xây dựng cơ chế phân cấp quản lý, khai thác du lịch trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức tốt các Lễ hội, sự kiện văn hoá, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá - lịch sử gắn với hoạt động du lịch nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của địa phương và của dân tộc.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch trong việc xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch và lập kế hoạch đầu tư các dự án du lịch trong tỉnh.

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách cho Chương trình phát triển du lịch và các dự án đầu tư phát triển du lịch của tỉnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch và các Sở, ban, ngành có liên quan rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quy hoạch, cấp đất cho các dự án đầu tư du lịch và các hoạt động bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững.

6. UBND các huyện, thành phố căn cứ vào nội dung của Chương trình phát triển Du lịch để cụ thể hoá phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, trong đó cần chú trọng khai thác những lợi thế về du lịch trên địa bàn. Phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch và các sở, ban ngành liên quan trong việc xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, chương trình phát triển du lịch trên địa bàn địa phương mình; thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

7. Các Sở, ban, ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện những nội dung thuộc các lĩnh vực có liên quan; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các hoạt động, thực hiện tốt các mục tiêu Chương trình phát triển Du lịch thời kỳ 2006 - 2010 đề ra./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 38/2006/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu38/2006/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/09/2006
Ngày hiệu lực11/09/2006
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 30/12/2011
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 38/2006/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 38/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển du lịch Quảng Bình 2006 2010


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 38/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển du lịch Quảng Bình 2006 2010
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu38/2006/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Bình
                Người kýPhạm Thị Bích Lựa
                Ngày ban hành01/09/2006
                Ngày hiệu lực11/09/2006
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 30/12/2011
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 38/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển du lịch Quảng Bình 2006 2010

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 38/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển du lịch Quảng Bình 2006 2010