Quyết định 38/QĐ-TCLN-VP

Quyết định 38/QĐ-TCLN-VP năm 2010 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Quyết định 38/QĐ-TCLN-VP chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức Cục Kiểm đã được thay thế bởi Quyết định 5350/QĐ-BNN-TCCB 2014 chức năng nhiệm vụ quyền hạn tổ chức Cục Kiểm lâm Tổng cục Lâm nghiệp và được áp dụng kể từ ngày 15/12/2014.

Nội dung toàn văn Quyết định 38/QĐ-TCLN-VP chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức Cục Kiểm


BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 38/QĐ-TCLN-VP

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC KIỂM LÂM

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;
Căn cứ Quyết định số 04/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Chánh văn phòng Tổng cục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Kiểm lâm là cơ quan trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp có chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm việc thực hiện pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Lâm nghiệp.

Cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trụ sở của Cục Kiểm lâm đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng, trình Tổng cục trưởng các dự thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản theo chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Tổng cục; trình Tổng cục trưởng dự thảo quyết định và các văn bản khác thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng.

2. Xây dựng, trình Tổng cục trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; phương án, dự án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Tham mưu cho Tổng cục trưởng về huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan kiểm lâm và yêu cầu huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, Ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời ngăn chặn những vụ phá rừng nghiêm trọng, chữa cháy rừng trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

4. Xây dựng trình Tổng cục trưởng các chương trình, dự án đầu tư về lĩnh vực bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản, nâng cao năng lực Kiểm lâm thuộc lĩnh vực của Cục; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

5. Giúp Tổng cục trưởng công bố chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt.

6. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục.

7. Ban hành các văn bản cá biệt và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

8. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp trong toàn quốc; trình Tổng cục trưởng kết quả thống kê rừng hàng năm và kết quả kiểm kê rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

9. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác giao rừng, đất lâm nghiệp và quản lý quy hoạch nương rẫy.

10. Tổ chức, chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn ngừa, xử lý vi phạm về bảo vệ rừng trong toàn quốc.

11. Tổ chức thực hiện, chỉ đạo công tác cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm lửa rừng và phòng chữa cháy rừng; xây dựng lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong phạm vi toàn quốc; tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

12. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện quản lý lâm sản trong khâu chế biến, buôn bán, lưu thông .

13. Kiểm tra và chỉ đạo xử lý vi phạm trong hoạt động gây nuôi, trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật rừng thuộc phạm vi toàn quốc.

14. Tổ chức chỉ đạo công tác thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản.

15. Về khoa học công nghệ:

a) Trình Tổng cục trưởng chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý của Cục; đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện; nghiệm thu, quản lý kết quả và chỉ đạo triển khai kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Cục; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Quản lý thông tin khoa học công nghệ về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản;

c) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản.

16. Về hợp tác quốc tế:

a) Trình Tổng cục trưởng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục;

b) Làm đầu mối quốc gia về Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới; thực hiện các chương trình, dự án do quốc tế tài trợ, Hiệp định, Điều ước quốc tế khác theo sự phân công của Tổng cục trưởng.

17. Về cải cách hành chính:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính theo kế hoạch của Tổng cục Lâm nghiệp và sự chỉ đạo của Tổng cục trưởng;

b) Chỉ đạo rà soát, hệ thống hoá và đề xuất, xây dựng hệ thống thể chế, pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục;

c) Chỉ đạo hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức trực thuộc Cục theo hướng phân công, phân cấp;

d) Chỉ đạo thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính và cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hoá công sở, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Cục.

18. Về quản lý nhà nước các tổ chức thực hiện dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Cục:

a) Trình Tổng cục trưởng cơ chế, chính sách về cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực bảo vệ rừng, quản lý lâm sản;

b) Hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

19. Về tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức:

a) Xây dựng dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục; đề xuất việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục;

b) Quyết định thành lập Tổ công tác của Cục; quy định cụ thể về nhiệm vụ tự chủ, điều lệ tổ chức và hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp nhà nước thuộc Cục theo quy định;

c) Trình Tổng cục trưởng kế hoạch biên chế hàng năm của Cục; quyết định phân bổ biên chế hành chính cho các cơ quan, đơn vị thuộc Cục;

d) Quyết định cử cán bộ, công chức đi học tập, công tác ở nước ngoài theo phân cấp quản lý cán bộ của Tổng cục Lâm nghiệp;

đ) Quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức thuộc Cục;

e) Quyết định và thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí trong các đơn vị thuộc Cục;

g) Tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, chế độ tiền lương, khen thưởng và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật, phân cấp của Tổng cục Lâm nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành theo phân công của Tổng cục trưởng;

h) Xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực theo phân công của Tổng cục trưởng;

i) Báo cáo thực hiện về công tác tổ chức, cán bộ và biên chế theo quy định.

20. Về thanh tra, kiểm tra:

a) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật;

b) Chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; tổ chức việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức, thực hiện, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các Cơ quan Kiểm lâm địa phương về hoạt động xử lý vi phạm hành chính; điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức, thực hiện công tác chống tiêu cực trong lực lượng Kiểm lâm;

đ) Kiểm tra thực hiện chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;

e) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

21. Về quản lý tài chính, tài sản:

a) Trình Tổng cục Lâm nghiệp dự toán ngân sách hàng năm và kế hoạch ngân sách trung hạn của Cục và các đơn vị thuộc Cục;

b) Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí, tài sản được giao theo phân cấp và quy định của pháp luật;

c) Quản lý, mua sắm, trang cấp vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ; in ấn, cấp phát các loại ấn chỉ xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, giấy phép vận chuyển đặc biệt theo quy định của pháp luật;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc mua sắm và sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm; trang thiết bị chuyên dùng đối với lực lượng kiểm lâm;

đ) Quản lý kinh phí dự phòng trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy rừng và chống chặt phá rừng.

22. Thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.

23. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Tổng cục trưởng.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Cục có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng giúp việc.

Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và trước pháp luật về hoạt động của Cục.

Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng, Phó cục trưởng thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm

a) Phòng Quản lý bảo vệ rừng;

b) Phòng Thanh tra, Pháp chế;

c) Phòng Tuyên truyền và Xây dựng lực lượng;

d) Đội Kiểm lâm đặc nhiệm;

đ) Văn phòng Cục;

3. Các đơn vị trực thuộc:

a) Kiểm lâm vùng I;

b) Kiểm lâm vùng II;

c) Kiểm lâm vùng III;

d) Hạt Kiểm lâm các Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.

Cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các Vườn quốc gia xây dựng quy chế phối hợp quản lý đối với Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, trình Tổng cục trưởng quyết định.

4. Cán bộ, công chức và người lao động thuộc Cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ được giao.

Các tổ chức quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này có cấp trưởng và tối đa 03 cấp phó do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo phân cấp cán bộ của Tổng cục.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bổ nhiệm cán bộ của các đơn vị trực thuộc Cục theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Tổng cục; chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của Cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc Cục.

Điều 4. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế các Quyết định trước đây về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm.

Chánh Văn phòng Tổng cục, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, các Vụ trưởng, Chánh Thanh tra Tổng cục và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ;
- Các đơn vị trực thuộc Tổng cục;
- Lưu: VT.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 38/QĐ-TCLN-VP

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu38/QĐ-TCLN-VP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành22/04/2010
Ngày hiệu lực22/04/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 15/12/2014
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 38/QĐ-TCLN-VP

Lược đồ Quyết định 38/QĐ-TCLN-VP chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức Cục Kiểm


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 38/QĐ-TCLN-VP chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức Cục Kiểm
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu38/QĐ-TCLN-VP
                Cơ quan ban hànhTổng cục Lâm nghiệp
                Người kýHứa Đức Nhị
                Ngày ban hành22/04/2010
                Ngày hiệu lực22/04/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 15/12/2014
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản gốc Quyết định 38/QĐ-TCLN-VP chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức Cục Kiểm

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 38/QĐ-TCLN-VP chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức Cục Kiểm