Quyết định 3906/QĐ-UBND

Quyết định 3906/QĐ-UBND năm 2010 về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020

Nội dung toàn văn Quyết định 3906/QĐ-UBND năm 2010 Đào tạo nghề lao động nông thôn Thanh Hóa


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3906/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 29 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH THANH HOÁ ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020; Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của liên Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về Hướng dẫn quản lí và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1997/SKHĐT-VX ngày 22/10/2010, đề nghị của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 2519/SLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi LĐNT, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho LĐNT;

- Học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của LĐNT nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống;

- Chuyển mạnh đào tạo nghề cho LĐNT từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả tỉnh, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

- Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để LĐNT tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, tạo sự chuyển biến sâu sắc về mặt chất lựơng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức, đủ trình độ, bản lĩnh lãnh đạo, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội ở xã phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Xây dựng đội ngũ CBCC xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính, điều hành kinh tế-xã hội và thực thi công vụ trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

- Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho 66.422 LĐNT, bồi dưỡng 3,6 nghìn lượt cán bộ công chức xã; nâng tỷ lệ LĐNT qua đào tạo nghề đến năm 2015 là 28%, năm 2020 là 42%.

2.2. Mục tiêu cụ thể

* Giai đoạn 2011- 2015

a) Đào tạo nghề:

- Đào tạo nghề cho 307.360 LĐNT. Trong đó, cao đẳng nghề: 22.000 người, bình quân mỗi năm đào tạo 4.400 người; trung cấp nghề: 60.360 người, bình quân mỗi năm đào tạo 12.072 người; sơ cấp nghề và DNTX: 225.000 người, bình quân mỗi năm đào tạo 45.000 người.

- LĐNT được đào tạo chia theo các nhóm nghề: nghề nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp 122.944 người (chiếm 40%), nghề phi nông nghiệp 184.416 người (chiếm 60%).

- Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80%; có 50% LĐNT học nghề phi nông nghiệp chuyển sang làm việc ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động.

b) Đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức xã:

- Về Chuyên môn: đào tạo trình độ đại học cho khoảng 300 người thuộc 16 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng, ven biển, trung du; trung cấp chuyên nghiệp trở lên cho khoảng 75% số cán bộ thuộc 11 huyện miền núi.

- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: khoảng 10.000 - 11.000 lượt người.

- Bồi dưỡng kiến thức theo chức danh quy định tại NghÞ định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ là: 8.000 người

* Giai đoạn 2016-2020

a) Đào tạo nghề:

- Lao động nông thôn được đào tạo nghề: 356.860 người. Trong đó, cao đẳng nghề: 26.500 người, bình quân mỗi năm đào tạo 5.300 người; trung cấp nghề: 70.500 người, bình quân mỗi năm đào tạo 14.100 người; sơ cấp nghề và DNTX 259.860 người, bình quân mỗi năm đào tạo 51.972 người.

- LĐNT được đào tạo chia theo nhóm nghề: nghề nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp là 107.058 người (chiếm 30%); nghề phi nông nghiệp: 107.058 người (chiếm 70%).

- Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 85%; có 60% LĐNT học nghề phi nông nghiệp chuyển sang làm việc ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động.

b) Đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức xã:

- Về chuyên môn: đào tạo trình độ đại học cho khoảng 600 người thuộc 16 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng, ven biển, trung du; trung cấp chuyên nghiệp trở lên cho 100% cán bộ thuộc 11 huyện miền núi.

- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: khoảng 8.000 - 9.000 lượt người

- Bồi dưỡng kiến thức theo các chức danh đảm nhiệm: 9.000 người.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Dạy nghề nông nghiệp

1.1. Lĩnh vực dạy nghề:

- Đối với 11 huyện miền núi tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: trồng và khai thác rừng, kỹ thuật trồng luồng hỗn giao, bảo vệ rừng, sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp, kỹ thuật nông lâm kết hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến nông lâm thủy sản, nuôi trồng thủy sản nước ngọt...

- Đối với các huyện đồng bằng, trung du tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: kỹ thuật trồng cây lương thực; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật trồng cây công nghiệp; kỹ thuật trồng mía; kỹ thuật chọn và nhân giống cây trồng; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản nước ngọt; nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; chế biến và bảo quản thủy sản; chế biến lương thực, thực phẩm; quản lý tưới tiêu; quản lý trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn; dịch vụ nông nghiệp ...

- Đối với các huyện vùng biển tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: Kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Kỹ thuật nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, chế biến và bảo quản thủy hải sản, kỹ thuật làm muối....

- Đối với khu đô thị tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chế biến nông lâm thủy sản, dịch vụ nông nghiệp...

1.2. Trình độ dạy nghề: đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng.

1.3. Đối tượng dạy nghề: Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

1.4. Phương thức dạy nghề: được thực hiện đa dạng, linh hoạt, dạy nghề chính quy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề lưu động tại các làng, xã, thôn, bản; dạy nghề tại nơi sản xuất, vườn, ao, chuồng, trang trại, các vùng trồng cây nguyên liệu, chuyên canh.

1.5. Cơ sở dạy nghề: huy động tất cả các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, các viện nghiên cứu, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, trang trại, nông trường, lâm trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ... có đủ điều kiện theo quy định. Cụ thể:

- Dạy nghề trình độ sơ cấp nghề trở lên: có “Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề”; có đào tạo các nghề trong danh mục dạy nghề cho LĐNT.

- Dạy nghề dưới 3 tháng: được Sở Lao động - TBXH kiểm tra, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình, giáo trình; giáo viên, người dạy nghề đối với những nghề trong danh mục dạy nghề cho LĐNT.

2. Dạy nghề phi nông nghiệp

2.1. Lĩnh vực dạy nghề:

- Đối với 11 huyện miền núi tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: Sửa chữa cơ khí, nguội lắp ráp cơ khí, sửa chữa máy bơm điện; quản lý điện nông thôn, điện dân dụng, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ…

- Đối với các huyện đồng bằng, trung du tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: Cơ khí, gò, hàn; điện tử, điện lạnh, điện nước; điện dân dụng, điện công nghiệp, lái xe chuyên dụng, may công nghiệp, quản lý và khai thác công trình thủy lợi, sửa chữa bảo trì xe máy, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ; gia công đá trang sức, chế tác đã mỹ nghệ, sản xuất gốm mỹ nghệ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; may công nghiệp; kỹ thuật xây dựng, cốt pha-giàn giáo, cốt thép biết hàn; sản xuất vật liệu xây dựng, mộc xây dựng và trang trí nội thất…

- Đối với các huyện vùng biển tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: Điều khiển phương tiện thủy nội địa, điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu biển, đóng vỏ tàu cá gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đan lưới..

- Đối với khu đô thị tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: Cơ khí, gò, hàn; điện tử, điện lạnh, điện nước; điện dân dụng, điện công nghiệp, lái xe chuyên dụng, may công nghiệp, quản lý và khai thác công trình thủy lợi, sửa chữa bảo trì xe máy, mộc dân dụng, mộc mỹ nghề; sản xuất giày da, đồ nhựa, đồ cao su; sản xuất xi măng; sản xuất phân bón, sản xuất thức ăn chăn nuôi, gia công đá trang sức, chế tác đã mỹ nghệ, sản xuất gốm mỹ nghệ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ; quản trị cơ sở dữ liệu, quản trị mạng máy tính, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, công nghệ thông tin; kỹ thuật chế biến món ăn, đồ uống; nghiệp vụ nhà hàng-khách sạn; hướng dẫn viên du lịch, chăm sóc sắc đẹp…

2.2. Trình độ dạy nghề: Dạy nghề ở các cấp trình độ và dạy nghề dưới 3 tháng

2.3. Đối tượng: Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

2.4. Phương thức dạy nghề:

- Đối với dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng được thực hiện đa dạng, linh hoạt: dạy nghề chính quy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề lưu động tại các làng, xã, thôn, bản; dạy nghề tại nơi sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề; dạy nghề từ xa đối với những nghề phù hợp; kết hợp dạy lý thuyết nghề tại cơ sở dạy nghề với thực hành nghề ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ.

- Đối với dạy nghề trình độ CĐN, TCN: dạy nghề chính quy tại trường; kết hợp dạy lý thuyết nghề tại cơ sở dạy nghề với thực hành nghề ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ; dạy nghề từ xa đối với những nghề phù hợp.

2.5. Cơ sở dạy nghề: huy động tất cả các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

3. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã

1. Lĩnh vực đào tạo: Kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế địa phương; kiến thức về ô nhiễm môi trường, sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và các kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức về quản lý kinh tế nông nghiệp, bảo quản nông sản hàng hóa và tổ chức thực hiện; kiến thức và kỹ năng tổ chức tiêu thụ hàng hoá nông sản, tổ chức nhân dân phòng chống và khắc phục các hiểm hoạ thiên nhiên, tổ chức thực hiện các vấn đề về an sinh xã hội vùng nông thôn ....

2. Đối tượng đào tạo: Cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020.

3. Phương thức đào tạo:

- Liên kết đào tạo trình độ ĐH, cao đẳng; đào tạo trình độ trung cấp và sơ cấp.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và các văn bản chính sách mới cho đại biểu hội đồng nhân dân và cán bộ không chuyên trách.

4. Cơ sở đào tạo: Các cơ sở đào tạo trong tỉnh và liên kết với các cơ sở đào tạo ở tỉnh ngoài và trung ương.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và LĐNTvề vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

a) Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch, quy hoạch hoặc chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết về công tác đào tạo nghề cho LĐNT của cấp uỷ Đảng cấp trên và cấp uỷ Đảng cùng cấp;

b) Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí và vận động các thành viên của mình tham gia học nghề;

c) Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người LĐNT biết và tích cực tham gia học nghề;

d) Đổi mới chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình.

2. Hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh.

- Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của UBND tỉnh đã ban hành về dạy nghề cho LĐNT như: Quyết định số 2406/2006/QĐ-UBND ngày 5/9/2006 về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 3652/QĐ-UBND ngày 13/12/2006 phê duyệt Kế hoạch phát triển đào tạo nghề và xã hội hóa dạy nghề tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 2622/2009/QĐ-UBND ngày 7/8/2009 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ di dân và tái định cư áp dụng cho Khu kinh tế Nghi Sơn; Hướng dẫn số 2108/HD/STC ngày 25/9/2009 của Sở Tài chính về việc thực hiện chính sách hỗ trợ di dân và tái định cư áp dụng cho Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Quyết định số 2642/2009/QĐ-UBND ngày 10/8/2009 của UBND tỉnh Thanh Hóa về chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quyết định số 3788/QĐ-UBND ngày 23/10/2009 về việc quy định chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

- Các ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản về chính sách khuyến khích cho LĐNT tham gia học nghề và xuất khẩu lao động; chính sách về lương, công tác phí, chỗ ở đối với giáo viên dạy nghề và cơ sở dạy nghề ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; chính sách khuyến khích các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao và nông dân sản xuất giỏi tham gia vào hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT; chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia tư vấn miễn phí về học nghề, tìm kiếm việc làm và vay vốn mở cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ sau khi học nghề, vay và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho LĐNT.

3. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề

a) Tiếp tục củng cố, sắp xếp quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề (CSDN) trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng phát triển các CSDN cho LĐNT theo nghề và cấp trình độ đào tạo đến năm 2020.

- Hoàn thành việc thành lập mới trung tâm dạy nghề ở các huyện chưa có TTDN vào năm 2012 và hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết bị vào năm 2015.

- Đầu tư nâng cao năng lực các trường nghề, trung tâm dạy nghề công lập được đầu tư giai đoạn 2006-2009 nhưng chưa đáp được yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy nghề.

- Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có đủ khả năng đầu tư thành lập các CSDN cho LĐNT phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh. Huy động các cơ sở đào tạo, trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; các doanh nghiệp, nông, lâm trường, hợp tác xã, các trang trại và các cơ sở sản xuất kinh doanh-dịch vụ, các làng nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Mở rộng dạy nghề theo hướng kèm cặp truyền nghề tại gia đình, trang trại, các cơ sở sản xuất, các làng nghề, khôi phục phát triển nghề truyền thống (hoặc du nhập nghề mới).

b) Huy động các cơ sở đào tạo trong tỉnh và liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng cán bội công chức.

4. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý.

a) Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.

- Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề để có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu nghề đào tạo;

- Huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn;

- Đào tạo nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để bổ sung giáo viên cho các trung tâm dạy nghề chưa đủ giáo viên cơ hữu;

- Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm và tạo việc làm cho LĐNT;

- Mỗi huyện có 01 biên chế chuyên trách về công tác dạy nghề thuộc Phòng Lao động - TBXH.

b) Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.

- Xây dựng các tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách, cơ chế đãi ngộ phù hợp để thu hút những người giỏi, có năng lực giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Nghiên cứu kiện toàn tổ chức, biên chế của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt chú trọng đến trường của cấp tỉnh;

- Đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên của hệ thống các trường chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị huyện, các cơ sở đào tạo đáp ứng với chương trình, nội dung giảng dạy;

- Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã trong giai đoạn CNH-HĐH;

5. Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu.

a) Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề.

- Đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của thị trường lao động, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới;

- Huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho LĐNT;

- Hoàn thành chỉnh sửa và xây dựng mới các chương trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp nghề. Cung cấp các chương trình, học liệu dạy nghề cho các cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề cho LĐNT.

b) Xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.

- Tổ chức điều tra xác định những nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu đào tạo của cán bộ, công chức xã trong giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020;

- Xây dựng chương trình nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng cán bộ, công chức xã theo từng vùng miền theo từng giai đoạn phát triển. Từ năm 2010 đến năm 2012, xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức giảng dạy thí điểm, từ năm 2013 đến năm 2020 tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và tổ chức giảng dạy.

6. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án ở các cấp hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN

1. Dạy nghề cho lao động nông thôn

1.1. Hoạt động 1: tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn

- Phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề cho LĐNT.

- Triển khai tuyền truyền, tư vấn dạy nghề và việc làm cho LĐNT trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng, biên soạn tài liệu và tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối với đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ của Hội nông dân; Hội phụ nữ, Tỉnh đòan Thanh niên, Hội dạy nghề-việc làm và xuất khẩu lao động, các hội nghề nghiệp khác.

- Tổ chức các Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với những người có nhiều đóng góp trong công tác dạy nghề cho LĐNT.

- Hàng năm đề nghị Ban tuyên giáo các cấp đưa chuyên đề về nội dung, chính sách và kế hoạch triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg vào chương trình các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt và đội ngũ báo cáo viên.

1.2. Hoạt động 2: điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề

- Sở Lao động - TBXH là cơ quan thường trực, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các huyện: Nga Sơn, Thọ Xuân tổ chức công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện.

- Sở Nội vụ phối hợp với Sở Lao động - TBXH hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

- Các ngành trong Ban chỉ đạo cấp tỉnh được phân công theo dõi, chỉ đạo các huyện tiến hành tổ chức công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo hướng dẫn của Sở Lao động - TBXH, Sở Nội vụ.

- Sở Lao động - TBXH tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu dạy nghề cho LĐNT và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức báo cáo UBND tỉnh và Tổng cục dạy nghề.

1.3. Hoạt động 3: thí điểm các mô hình đào tạo nghề:

- Thí điểm các mô hình dạy nghề tại 02 huyện:

+ Huyện Nga Sơn (vùng biển) chọn xã Nga Tiến 02 mô hình dạy nghề nông nghiệp: Kỹ thuật nuôi lợn hướng nạc, kỹ thuật nuôi tôm sú và 01 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp: Đan hàng tiểu thủ công mỹ nghệ từ cây cói.

+ Huyện Thọ Xuân (vùng đồng bằng và trung du) chọn xã Xuân Thành 01 mô hình dạy nghề nông nghiệp: Kỹ thuật chăn nuôi lợn và xã Xuân Lập 01 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp: Thêu ren, đính hạt cườm và thêu tranh nghệ thuật.

- Các huyện còn lại sẽ chọn điểm xây dựng mô hình dạy nghề cho LĐNT gắn với các xã được chọn để xây dựng theo tiêu chí của mô hình nông thôn mới.

Việc tổ chức triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề cho LĐNT được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế với sự tham gia của nhiều bên, gồm: Sở Lao động-TBXH, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp tiếp nhận lao động sau khi học nghề hoặc cung ứng và bao tiêu sản phẩm.

1.4. Hoạt động 4: đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề

Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg:

- Đối với các Trung tâm dạy nghề thuộc 07 huyện nghèo được đầu tư xây dựng mô hình Trung tâm dạy nghề tổng hợp từ nguồn vốn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ” đối với 62 huyện nghèo.

- Các huyện đã thành lập trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đã lập dự án đầu tư phải rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đáp ứng yêu cầu của ngành, nghề đào tạo.

- Đối với những trung tâm dạy nghề (hoặc trường trung cấp nghề) mới thành lập, khẩn trương lập dự án đầu tư xây dựng, trên cơ sở nguồn lực của địa phương kết hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng cơ sở dạy nghề có chất lượng và hoàn thành chậm nhất vào năm 2013.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho LĐNT; thu hút các cơ sở dạy nghề tư thục, các cơ sở giáo dục (trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm GDTX-DN), các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề cho LĐNT.

1.5. Hoạt động 5: phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề

- Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm xác định danh mục dạy nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cần phải xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu, danh mục thiết bị dạy nghề.

- Sở Công thương chịu trách nhiệm xác định danh mục dạy nghề phi nông nghiệp cho LĐNT trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cần phải xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu, danh mục thiết bị dạy nghề.

- Sở Lao động - TBXH là cơ quan thường trực tổng hợp danh mục dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp báo cáo UBND tỉnh và Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - TBXH để có kế hoạch xây dựng chương trình, giáo trình và học liệu dạy nghề chuẩn trong năm 2010 và những năm tiếp theo.

- Sở Lao động - TBXH hướng dẫn, chỉ đạo các CSDN sử dụng các chương trình, giáo trình dạy nghề hiện có hoặc chỉnh lý, biên soạn bổ sung cập nhật những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động để kịp thời tổ chức dạy nghề cho LĐNT trong năm 2010 và những năm tiếp theo đối với những nghề chưa có chương trình, giáo trình và học liệu dạy nghề chuẩn.

1.6. Hoạt động 6: phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề

Căn cứ thực trạng giáo viên dạy nghề, người dạy nghề và cán bộ quản lý dạy nghề, các cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐNT có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

- Báo cáo Tổng cục Dạy nghề để có kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng trong năm 2010 và những năm tiếp theo về:

+ Bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho giáo viên, người dạy nghề

+ Bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm và tự tạo việc làm cho LĐNT cho cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.

- Huy động những người có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho LĐNT (ngoài giáo viên dạy nghề đạt trình độ chuẩn quy định tại Điều 58 của Luật Dạy nghề) gồm:

+ Tiến sỹ khoa học, tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư có chuyên môn phù hợp;

+ Cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên, người lao động có trình độ tay nghề từ bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư;

+ Nghệ nhân là người thợ giỏi xuất sắc được cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phong tặng danh hiệu nghệ nhân;

+ Nông dân sản xuất giỏi là thành viên chủ chốt của hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở trở lên theo Quy định số 135 QĐ/HND ngày 4/4/2008 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Những người dạy nghề chưa được cấp giấy chứng nhận đã tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Tổng cục Dạy nghề thì chỉ được tham gia dạy thực hành hoặc truyền nghề cho lao động nông thôn.

1.7. Hoạt động 7: hỗ trợ lao động nông thôn học nghề

- Lao động nông được hỗ trợ học nghề theo chính sách quy định của Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hiện hành của Nhà nước có liên quan đến dạy nghề.

- UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ chi phí học nghề phù hợp với từng nghề, thời gian học thực tế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và từng thời kỳ.

1.8. Hoạt động 8: giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án

- Xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá về hiệu quả hoạt động dạy nghề cho LĐNT để các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cùng giám sát, kiểm tra.

- Thư­ờng xuyên theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện Đề án và định kỳ 6 tháng, hàng năm và báo cáo tình hình thực hiện gửi về Bộ Lao động - TBXH.

- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân và các tổ chức thành viên của tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia giám sát quá trình triển khai các hoạt động dạy nghề cho LĐNT và đào tạo bồi dư­ỡng CBCC xã tại các địa phư­ơng.

2. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã

2.1. Hoạt động 1: xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng

- Xây dựng danh mục chương trình, nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ CBCC xã theo từng đối tượng cụ thể cho từng vùng;

- Tổ chức điều tra xác định những nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của CBCC xã trong giai đoạn 2010 - 2020.

2.2. Hoạt động 2: xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng

- Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn đối với mỗi chức danh công chức, chức danh cán bộ quản lý xã;

- Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo từng vùng, miền.

2.3. Hoạt động 3: phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên

- Xây dựng tiêu chuẩn, nhiệm vụ, các chế độ, chính sách, cơ chế đãi ngộ đối với giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

- Đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên của hệ thống các trường chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị huyện, các cơ sở đào tạo đáp ứng chương trình, nội dung giảng dạy;

- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên phương pháp giảng dạy tích cực, chú trọng năng lực thực hành và khả năng xử lý tình huống, phù hợp đối tượng học là người lớn.

2.4. Hoạt động 4: xây dựng chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng

Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, bao gồm cả chế độ, chính sách đối với CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế giao cho các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống như các trường đại học, các viện nghiên cứu tham gia việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã;

2.5. Hoạt động 5: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã

- Đào tạo chuyên môn

- Bồi d­ưỡng kiến thức quản lý nhà n­ước

- Bồi d­ưỡng kiến thức theo vị trí, chức danh đảm nhiệm

V. KINH PHÍ VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN

1. Tổng kinh phí thực hiện đề án: 2.114.709 triệu đồng, gồm:

- Kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT: 2.029.759 triệu đồng.

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: 84.950 triệu đồng.

2. Kinh phí của đề án theo tiến độ thực hiện

- Năm 2010 : 65.170 triệu đồng.

- Giai đoạn 2011-2015: 995.364 triệu đồng.

- Giai đoạn 2016-2020: 1.054.175 triệu đồng.

3. Kinh phí của đề án theo tính chất nguồn vốn:

- NSTW:  1.146.820 triệu đồng.

- NSĐP: 40.000 triệu đồng.

- Nguồn xã hội hóa: 927.889 triệu đồng.

4. Kinh phí của đề án theo từng nội dung hoạt động :

a) Kinh phí dạy nghề cho LĐNT: 2.029.759 triệu đồng.

- Hoạt động 1: 4.284 triệu đồng.

- Hoạt động 2: 1.675 triệu đồng.

- Hoạt động 3: 3.500 triệu đồng.

- Hoạt động 4: 227.000 triệu đồng.

- Hoạt động 5: 4.200 triệu đồng.

- Hoạt động 6: 10.000 triệu đồng.

- Hoạt động 7: 1.753.464 triệu đồng.

- Hoạt động 8: 3.536 triệu đồng.

b) Kinh phí đào tạo bồi dưỡng công chức cấp xã: 84.950 triệu đồng.

- Hoạt động 1: 952 triệu đồng.

- Hoạt động 2: 1.740 triệu đồng.

- Hoạt động 3: 10.342 triệu đồng.

- Hoạt động 4: 534 triệu đồng.

- Hoạt động 5: 71.382 triệu đồng.

5. Cơ chế tài chính

5.1. Cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án:

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao LĐNT đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

5.2. Hỗ trợ chi phí học nghề cho lao động nông thôn:

- Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề-trừ nghề tin học- và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;

- Lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề -trừ nghề tin học- và thời gian học nghề thực tế);

- Lao động nông thôn khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề-trừ nghề tin học- và thời gian học nghề thực tế);

- Lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo học các khóa học trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú;

- Hàng năm, căn cứ vào mức chi phí đào tạo từng nghề được UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh mức hỗ trợ chi phí học nghề cho phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chính sách Nhà nước quy định.

- Huy động thêm nguồn lực của các tổ chức, cá nhân và tổ chức Quốc tế.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo cấp tỉnh

- Tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách các văn bản, các quy định cần thiết phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình thực hiện, để đảm bảo Đề án được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ và các quy định của pháp luật Nhà nước.

- Giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành chung trong suốt quá trình thực hiện Đề án để đảm bảo tính đồng bộ và lồng ghép nguồn lực phù hợp với các chính sách, chương trình đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh.

- Giúp Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện của Đề án và giải quyết những khó khăn vướng mắc tại các địa phương, cơ sở.

2. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan

2.1. Sở Lao động - TBXH

- Là cơ quan thường trực Đề án, chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nội dung và nhu cầu kinh phí hàng năm và từng giai đoạn của Đề án trình UBND tỉnh, Bộ Lao động - TBXH

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ và các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương.

- Dự kiến phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ dạy nghề cho LĐNT hàng năm trình UBND tỉnh và Bộ Lao động- TBXH.

- Chủ trì các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn;

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề cho LĐNT; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - TBXH tình hình thực hiện Đề án.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Chủ trì phối hợp với Sở Lao động -TBXH, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan.

- Xây dựng danh mục các nghề, chương trình dạy các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho lao động nông thôn.

- Cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm Nông nghiệp, dịch vụ Nông nghiệp đến cơ sở.

- Kiểm tra giám sát tình hình thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT, định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT gửi về Sở Lao động -TBXH để tổng hợp.

2.3. Sở Nội vụ.

Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - TBXH, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành liên quan.

- Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng CBCC từng giai đoạn và tổng hợp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã đến năm 2020 báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Lao động - TBXH hướng dẫn các huyện bố trí 01 biên chế chuyên trách theo dõi về công tác dạy nghề.

- Tổ chức thực hiện, chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã theo mục tiêu đã định, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã.

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí hàng năm, từng giai đoạn về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã gửi về Sở Lao động -TBXH để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động - TBXH, Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các trường, trung tâm tham gia bồi dưỡng, cán bộ công chức cấp xã.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo gửi Sở Lao động -TBXH để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành trung ương.

2.4. Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Đổi mới chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT, các trung tâm GDTX để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề sau phổ thông.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động - TBXH và các Sở, ngành chức năng lựa chọn các trường, trung tâm trong ngành giáo dục tham gia bồi dưỡng CBCC xã.

- Tham gia kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giáo dục - đào tạo.

2.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Chủ trì phối hợp với Sở Lao động-TBXH, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ và các Sở, Ngành có liên quan tổng hợp và phân bổ các nguồn vốn để thực hiện Đề án, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Lao động - TBXH, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Sở Nội vụ kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

2.6. Sở Tài chính.

- Chủ trì phối hợp với Sở Lao động-TBXH, Sở Kế hoạch Đầu tư và các Sở, ngành có liên quan tổng hợp nội dung và kinh phí của đề án dạy nghề cho LĐNT, cân đối các nguồn vốn sự nghiệp, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo hàng năm và từng giai đoạn báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.

- Phối hợp với Sở Lao động - TBXH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nội vụ hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các chính sách, hoạt động trong Đề án, phối hợp kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về chế độ quản lý chi tiêu kinh phí.

2.7. Sở Công thương

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT và Truyền hình cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cho LĐNT đến cấp xã và các cơ sở.

- Phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất những chương trình, nội dung kiến thức đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã phù hợp với yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.

2.8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình.

Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, vai trò vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế-xã hội tạo việc làm, nâng cao thu nhập để LĐNT biết và tích cực tham gia học nghề.

2.9. Các Sở, ngành khác.

Theo chức năng nhiệm vụ liên quan đến cơ chế chính sách đầu tư cho công tác dạy nghề, tham gia hướng dẫn chỉ đạo, giám sát thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

3. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Thành lập Ban chỉ đạo để triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg ở cấp huyện do 1 đồng chí lãnh đạo UBND huyện làm trưởng Ban, thường trực là phòng LĐTBXH, thành viên gồm các phòng: Nội vụ, NN &PTNT, Kế hoạch -Tài chính, Công thương, GD-ĐT, NHCSXH, Hội Nông dân...

- Xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án, quy hoạch phát triển mạng lưới CSDN đến năm 2020, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các trung tâm dạy nghề;

- Hàng năm tổ chức triển khai điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và thị trường lao động trên địa bàn huyện và tổng hợp báo cáo về Sở Lao động - TBXH.

- Lựa chọn người có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp làm cán bộ chuyên trách quản lý công tác dạy nghề ở Phòng Lao động-TBXH;

- Theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án và định kỳ, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT về Sở Lao động - TBXH tổng hợp báo cáo UBND tỉnh;

4. Trách nhiệm của UBND cấp xã.

- Phối hợp với phòng Lao động-TBXH thực hiện kế hoạch dạy nghề phù hợp với chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương;

- Tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia dạy nghề cho LĐNT tổ chức các lớp dạy nghề trên địa bàn.

- Phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý, kiểm tra hoạt động dạy, học nghề theo hình thức kèm cặp, truyền nghề trong các hộ gia đình, làng nghề tại địa phương.

- Thống kê các đối tượng được hưởng chính sách người có công, quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn quản lý đang trong độ tuổi lao động trên địa bàn chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề để xét tuyển vào các khoá học nghề theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liện quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách dạy nghề cho các đối tượng được hưởng chính sách ở địa phương, bảo đảm chính sách được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng.

5. Các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp

- Hội Nông dân tỉnh, tổ chức công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn miễn phí về dạy nghề, việc làm, thành lập doanh, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh; tham gia dạy nghề và giám sát tình hình thực hiện đề án.

- Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn trong đề án này vào các nội dung phù hợp của Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn trong đề án này vào các nội dung phù hợp của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”.

- Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội khác, Hội dạy nghề-VLXK lao động tỉnh và các hội nghề nghiệp khác tham gia vào các hoạt động phù hợp của Đề án.

Phần phụ lục: có các phụ biểu đính kèm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng; Công thương, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:

- Như điều 3 (để thực hiện);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các Bộ liên quan;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX (2). M40b.
QD 3813

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 3906/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu3906/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/10/2010
Ngày hiệu lực29/10/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Lao động - Tiền lương, Giáo dục
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật13 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 3906/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 3906/QĐ-UBND năm 2010 Đào tạo nghề lao động nông thôn Thanh Hóa


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 3906/QĐ-UBND năm 2010 Đào tạo nghề lao động nông thôn Thanh Hóa
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu3906/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Thanh Hóa
                Người kýVương Văn Việt
                Ngày ban hành29/10/2010
                Ngày hiệu lực29/10/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Lao động - Tiền lương, Giáo dục
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật13 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 3906/QĐ-UBND năm 2010 Đào tạo nghề lao động nông thôn Thanh Hóa

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 3906/QĐ-UBND năm 2010 Đào tạo nghề lao động nông thôn Thanh Hóa

                  • 29/10/2010

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 29/10/2010

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực