Quyết định 43/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ môi trường Khu công nghiệp Bến Tre đã được thay thế bởi Quyết định 05/2019/QĐ-UBND quản lý bảo vệ môi trường Bến Tre và được áp dụng kể từ ngày 01/02/2019.
Nội dung toàn văn Quyết định 43/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ môi trường Khu công nghiệp Bến Tre
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2016/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 13 tháng 9 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;
Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp tại Tờ trình số 780/TTr-KCN ngày 25 tháng 8 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bến Tre có trách nhiệm phối hợp các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 30/2013/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Bến Tre, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện nơi có Khu công nghiệp, và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong Khu công nghiệp có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19 tháng 9 năm 2016./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định trách nhiệm phối hợp giữa Ban Quản lý các Khu công nghiệp với các cơ quan: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện nơi có Khu công nghiệp đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Quy chế này áp dụng khi Ban Quản lý các Khu công nghiệp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong Khu công nghiệp theo Quyết định số 2177/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
2. Quy chế này áp dụng đối với: Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có Khu công nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (Công ty Phát triển hạ tầng), các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
Việc phối hợp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có Khu công nghiệp theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong Khu công nghiệp.
Điều 3. Nội dung phối hợp
Nội dung phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong Khu công nghiệp giữa Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các cơ quan chuyên môn bao gồm:
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp.
3. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
4. Xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, tiêu hủy phế liệu, phế phẩm; cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; công nhận cơ sở sản xuất, dịch vụ và sản phẩm thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp.
5. Tham mưu cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm.
6. Tổ chức thu và sử dụng phí bảo vệ môi trường.
7. Thẩm định Báo cáo giám sát môi trường định kỳ.
8. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong Khu công nghiệp.
9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về lĩnh vực môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động của Khu công nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
10. Công tác ứng phó giải quyết sự cố môi trường phát sinh đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong Khu công nghiệp.
Chương II
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 4. Trách nhiệm trong công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường
1. Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong Khu công nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 5. Thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, là cơ quan thường trực tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định, gửi kết quả thẩm định cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường; phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thứ cấp đầu tư vào Khu công nghiệp.
2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thứ cấp đầu tư vào Khu công nghiệp, là cơ quan thường trực tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định, có trách nhiệm gửi kết quả thẩm định cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường; cấp Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tham dự hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức; phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp kiểm tra cấp Giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp.
Điều 6. Trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận
1. Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đối với các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp đã được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định; phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu công nghiệp kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đối với các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp đã được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tổ chức thẩm định.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có Khu công nghiệp chủ trì phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong bản đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp; phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Điều 7. Trách nhiệm xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, tiêu hủy phế liệu, phế phẩm; cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; công nhận cơ sở sản xuất, dịch vụ và sản phẩm thân thiện với môi trường cho cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các Khu công nghiệp
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tổ chức kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, thực hiện thủ tục tiêu hủy phế liệu, phế phẩm; cấp và cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, thu hồi Giấy phép quản lý chất thải nguy hại (nếu có); công nhận cơ sở sản xuất, dịch vụ và sản phẩm thân thiện với môi trường cho cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các Khu công nghiệp.
2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thu gom, lưu trữ, xử lý chất thải, tiêu hủy phế liệu, phế phẩm đúng theo quy định pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm tham mưu cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm cho các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép xả nước thải vào nguồn nước, khai thác nước mặt, nước ngầm phục vụ sản xuất.
2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có Khu công nghiệp phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm đối với các đối tượng được nêu tại khoản 1 Điều này.
Điều 9. Trách nhiệm tổ chức thu và sử dụng phí bảo vệ môi trường
1. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn việc kê khai phí bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp được phép xả thải trực tiếp ra bên ngoài; tổ chức thu và sử dụng phí bảo vệ môi trường đúng theo quy định.
2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp được phép xả thải trực tiếp ra bên ngoài kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đúng theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm thẩm định Báo cáo giám sát môi trường định kỳ
1. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tổ chức thẩm định báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp.
2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp có trách nhiệm nhắc nhở các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (Công ty Phát triển hạ tầng), các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp thực hiện Báo cáo giám sát môi trường đúng theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong Khu công nghiệp
1. Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp; thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có Khu công nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp.
4. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp theo quy định pháp luật.
5. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có Khu công nghiệp có trách nhiệm tham gia phối hợp với Công an tỉnh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các Khu công nghiệp.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi các kết quả thanh tra, kiểm tra, các yêu cầu kiến nghị về môi trường đến các đối tượng bị kiểm tra, thanh tra làm cơ sở cho việc khắc phục các vi phạm; đồng thời gửi đến Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện nơi có Khu công nghiệp làm cơ sở theo dõi quá trình khắc phục của cơ sở bị vi phạm.
Điều 12. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về lĩnh vực môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động của khu công nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014
1. Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp; giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp. Chủ động kiểm tra, xử lý sơ bộ các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động của Khu công nghiệp với bên ngoài (kiểm tra có biên bản nhắc nhở, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà Ban Quản lý sẽ chuyển cho các đơn vị có chức năng xử lý), trước khi phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết các sự việc.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có Khu công nghiệp giải quyết khiếu nại, kiến nghị về môi trường giữa doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp với bên ngoài Khu công nghiệp.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có Khu công nghiệp, Công an tỉnh tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo về môi trường trong các Khu công nghiệp.
Điều 13. Trách nhiệm trong công tác ứng phó giải quyết sự cố môi trường phát sinh đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong Khu công nghiệp
1. Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ động xử lý sơ bộ về sự cố môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động của Khu công nghiệp với bên ngoài (kiểm tra có biên bản nhắc nhở, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà Ban Quản lý sẽ chuyển cho các đơn vị có chức năng xử lý), đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp để huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để ứng phó kịp thời về sự cố môi trường. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp phải báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ Ban Quản lý các Khu công nghiệp huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để ứng phó kịp thời về sự cố môi trường.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nơi có Khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu công nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ảnh kịp thời về Ban Quản lý các Khu công nghiệp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo./.