Quyết định 4524/2004/QĐ-UB đề án phát triển giáo dục mầm non Quảng Ninh 2010 đã được thay thế bởi Quyết định 639/2008/QĐ-UBND đề án phát triển giáo dục mầm non Quảng Ninh và được áp dụng kể từ ngày 15/03/2008.
Nội dung toàn văn Quyết định 4524/2004/QĐ-UB đề án phát triển giáo dục mầm non Quảng Ninh 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4524/2004/QĐ-UB | Quảng Ninh, ngày 10 tháng 12 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
"V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2010"
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003.
- Căn cứ Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 05/2003/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 24/2/2003 vủa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non.
- Theo đề nghị của Sở Giáo dục - Đào tạo tại Tờ trình số 408/HC-TH ngày 09/4/2004 và của Sở Kế hoạch - Đầu tư tại Tờ trình số 671/KHĐT-QHCS ngày 12/7/2004 về việc phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau:
1/ Định hướng phát triển các loại hình cơ sở giáo dục mầm non đến năm 2010.
a/ Các loại hình cơ sở giáo dục mầm non:
- Cơ sở giáo dục mầm non công lập bao gồm các trường, lớp giáo dục mầm non do ngân sách Nhà nước đảm bảo cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và kinh phí hoạt động.
- Cơ sở giáo dục mầm non bán công bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non do Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng nông thôn trước đây do hợp tác xã nông nghiệp đầu tư nay do Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý và hoạt động trên cơ sở tự quản lý về tài chính, nhân lực hoặc được ngân sách địa phương hỗ trợ cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục.
- Cơ sở giáo dục mầm non dân lập bao gồm các trường, lớp mầm non do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được phép thành lập, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước.
- Cơ sở giáo dục mầm non tư thục bao gồm các trường, lớp mầm non do cá nhân hoặc một nhóm cá nhân được phép thành lập và đầu tư.
b/ Định hướng phát triển:
- Cơ sở giáo dục mầm non công lập được xây dựng chủ yếu ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quy định.
- Cơ sở giáo dục mầm non bán công được xây dựng chủ yếu ở vùng nông thôn và địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn có mức thu nhập thấp.
- Khuyến khích việc thành lập trường, lớp mầm non dân lập, tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp và những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
- Khi có điều kiện sẽ thực hiện việc chuyển một số trường mầm non công lập ở địa bàn kinh tế - xã hội phát triển (thị xã, thành phố) sang mô hình trường lớp ngoài công lập hoặc mô hình đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định của Nhà nước.
2/ Mục tiêu phát triển giáo dục mầm non đến 2010.
a/ Mục tiêu chung:
- Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trước 6 tuổi tạo cơ hội để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ.
- Mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường lớp mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư, đặc biệt là ở vùng nông thôn và những vùng khó khăn. Mỗi xã phường có ít nhất một trường mầm non.
- Tăng cường phổ biến kiến thức và tư vấn nuôi dạy trẻ cho các gia đình.
- Ưu tiên phát triển mẫu giáo (nhất là mẫu giáo 5 tuổi) cho các vùng khó khăn, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa (đặc biệt là ở vùng dân tộc).
- Tăng cường xã hội hoá giáo dục mần non trên địa bàn toàn tỉnh.
b/ Nhiệm vụ cụ thể:
- Về quy mô phát triển:
+ Phấn đấu đến 2005:
Tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi được nhận vào nhà, nhóm trẻ ít nhất 20% đối với vùng thị xã, thành phố; 5% đối với vùng nông thôn, miền núi. Tỷ lệ trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được thu nhận vào trường lớp mẫu giáo đạt ít nhất 45% đối với vùng miền núi, nông thôn; 75% đối với các vùng thị xã, thành phố. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi được thu nhận vào trường lớp mẫu giáo ít nhất 85% đối với vùng nông thôn miền núi; 95% đối với vùng thị xã, thành phố.
+ Đến năm 2010:
Tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi được nhận vào nhà, nhóm trẻ ít nhất 30% đối với vùng thị xã, thành phố; 10% đối với vùng miền núi, nông thôn. Tỷ lệ trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được thu nhận vào trường lớp mẫu giáo đạt ít nhất 50% đối với vùng miền núi, nông thôn; 80% đối với vùng thị xã, thành phố. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi được thu nhận vào trường lớp mẫu giáo ít nhất 90% đối với các vùng nông thôn, miền núi; 100% đối với vùng thị xã, thành phố.
- Về chất lượng chăm sóc giáo dục:
Đảm bảo cho các cháu được học theo đúng chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được chăm sóc và bảo đảm an toàn thân thể và bảo vệ sức khoẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện.
- Về đội ngũ cán bộ giáo viên:
+ Đến năm 2005 có 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn (trung cấp), trong đó 10% đạt trình độ trên chuẩn; đến năm 2010 có trên 20% cán bộ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.
+ Các trường mầm non được bố trí đủ nhân viên nấu ăn có nghiệp vụ, nhân viên kế toán, nhân viên y tế, theo quy định.
- Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục mần non:
+ Thành lập và xây dựng 60 trường mầm non công lập, bán công ở các xã chưa có trường mầm non, trong đó: dự kiến 52 trường công lập ở các xã đặc biệt khó khăn và 8 trường bán công ở các xã chưa có trường mầm non với tổng kinh phí xây dựng là 112.000 triệu đồng.
+ Xoá phòng học tạm và kiên cố hóa trường, lớp: Từ năm 2004 đến năm 2007: 298 phòng và đến năm 2010 có 100% trường có khu trung tâm đảm bảo yêu cầu của Quyết định số 45/QĐ/BGD&ĐT ngày 26/12/2001của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% nhóm lớp có phòng học riêng (trong đó có 60% số phòng học kiên cố). Kinh phí: 29.800 triệu đồng (bình quân 100 triệu đồng/phòng).
+ Trước mắt, trong năm 2004 - 2007: Xây dựng 143 lớp học mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn (trước khi thành lập các trường mầm non ở những xã này). Kinh phí đầu tư: 14.300 triệu đồng (bình quân 100 triệu đồng/lớp).
+ Phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia: Đến năm học 2005 - 2006 phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia; đến 2010 phấn đấu 20% số trường đạt chuẩn Quốc gia. Kinh phí hỗ trợ: 6.000 triệu đồng (bình quân 300 triệu đồng/trường).
Tổng kinh phí đầu tư: 162.100.000.000đ (một trăm sáu mươi hai tỷ, một trăm triệu đồng).
3/ Các giải pháp :
a/ Xây dựng đội ngũ giáo viên và chế độ chính sách:
- Tiếp tục đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên (Khoa mầm non - Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh) để thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng chuẩn hoá giáo viên, cán bộ quản lý ngành học mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mầm non.
- Tuyển dụng vào biên chế Nhà nước đối với:
+ Hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non công lập, bán công.
+ Giáo viên mầm non ở các trường, lớp mầm non công lập (trường thành lập mới hoặc trường được củng cố kiện toàn lại) thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Riêng đối với giáo viên đã thực hiện chế độ hợp đồng không xác định thời gian trong chỉ tiêu biên chế ở các trường, lớp thuộc các xã nêu trên vẫn tiếp tục thực hiện chế độ hợp đồng
- Đối với giáo viên mầm non thuộc biên chế nhà nước tại các trường, lớp mầm non bán công ở vùng nông thôn; các trường lớp mầm non công lập ở thành phố, thị xã, thị trấn và những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển khi các trường, lớp này chuyển sang trường, lớp bán công thì vẫn được ở trong biên chế nhà nước cho tới khi nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác khác. Từ năm 2005 các trường, lớp này không tuyển bổ sung hoặc thay thế biên chế, nếu thiếu giáo viên so với định mức thì được tuyển đủ theo chế độ hợp đồng lao động.
- Giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng chế độ tiền lương, các khoản phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, các danh hiệu tôn vinh nhà giáo như giáo viên trong biên chế; tiền lương, phụ cấp, các khoản bảo hiểm phải đóng được chi trả từ nguồn thu học phí và các khoản thu hợp pháp khác.
b/ Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học:
- Ưu tiên bố trí vốn xây dựng trường, lớp mầm non công lập ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quyết định (theo Thông tư liên tịch số 05/2003-TT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 24/02/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ).
- Bố trí kinh phí cho giáo dục mầm non: Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phấn đấu đảm bảo mức chi thường xuyên tối thiểu đạt 10% trong tổng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục - đào tạo hàng năm (hiện nay mới đạt được 6%).
c/ Các giải pháp về chuyên môn và quản lý:
- Trên cơ sở Đề án được duyệt, Sở Giáo dục - Đào tạo theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh. Hàng năm, Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục mầm non trong kế hoạch phát triển giáo dục chung của địa phương để thực hiện.
- Các dự án đầu tư xã hội hoá giáo dục mầm non được thực hiện theo tinh thần Nghị định 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), Nghị định số 35/2002/NĐ-CP và Quyết định số 2045/2004/QĐ-UB ngày 18/6/2004 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc ban hành một số chính sách khuyến khích các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngành Giáo dục - Đào tạo và các địa phương cần tuyên truyền, động viên các thành phần kinh tế tham gia mạnh mẽ đầu tư cho ngành học giáo dục mầm non - nền tảng đầu tiên của sự phát triển giáo dục.
Điều 2: Tổ chức thực hiện:
1/ Giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phối hợp với các Sở, Ngành thuộc tỉnh, các cơ quan quản lý thuộc Bộ, Ngành Trung ương để triển khai các yêu cầu và nội dung của Đề án; tổ chức kiểm tra, thanh tra kế hoạch phát triển ngành học giáo dục mầm non trên địa bàn.
2/ Các Sở, Ngành liên quan của tỉnh và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ và tiến độ đã đề ra.
3/ Thời gian thực hiện: Từ năm học 2004 - 2005.
Điều 3: Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH |