Quyết định 48/2013/QĐ-UBND Quy chế tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị hành chính Sóc Trăng đã được thay thế bởi Quyết định 49/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Sóc Trăng và được áp dụng kể từ ngày 10/01/2018.
Nội dung toàn văn Quyết định 48/2013/QĐ-UBND Quy chế tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị hành chính Sóc Trăng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2013/QĐ-UBND | Sóc Trăng, ngày 13 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;
Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tỉnh Sóc Trăng trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, tỉnh Sóc Trăng và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 48/2013/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định việc phối hợp giữa Sở Tư pháp với các Sở, Ban, ngành tỉnh (gọi tắt là các Sở), Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được quy định.
2. Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính phải kịp thời, chính xác, đúng thẩm quyền và quy trình, thủ tục; bảo đảm quyền được phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm của các cơ quan trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị.
Chương II
PHỐI HỢP TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Điều 3. Nội dung, hình thức phản ánh, kiến nghị
1. Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh, kiến nghị dưới các hình thức, nội dung quy định tại Điều 5, Điều 6 và đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 7 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
2. Trường hợp phản ánh, kiến nghị không đáp ứng yêu cầu nêu tại Khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP thì cơ quan không tiếp nhận và không vào sổ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.
Điều 4. Trách nhiệm tiếp nhận phản ánh, kiến nghị
1. Sở Tư pháp làm đầu mối tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh.
a) Trường hợp phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành, do Sở Tư pháp tiếp nhận.
b) Trường hợp phản ánh, kiến nghị liên quan đến sở, ngành, địa phương nào thì Sở Tư pháp chuyển văn bản phản ánh, kiến nghị đến sở, ngành, địa phương đó xem xét, xử lý.
2. Các Sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc lĩnh vực hoặc thẩm quyền quản lý theo quy định và tiếp nhận các văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị do Sở Tư pháp chuyển đến.
Phòng Pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách thuộc các Sở, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm giúp Thủ trưởng các Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo đúng quy định.
Trường hợp phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì trong thời hạn quy định phải chuyển đến Sở Tư pháp để tiếp nhận, xử lý theo quy định.
3. Đối với hình thức phản ánh, kiến nghị thông qua Phiếu lấy ý kiến, cơ quan hành chính nhà nước nào gửi Phiếu lấy ý kiến thì cơ quan đó thực hiện việc tiếp nhận, xử lý.
Điều 5. Công khai địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị
1. Các Sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm công bố công khai địa chỉ cơ quan, địa chỉ thư tín, số điện thoại chuyên dùng, địa chỉ website (nếu có), địa chỉ email thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang tin điện tử (nếu có) của cơ quan mình và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và các đơn vị trực thuộc để cá nhân, tổ chức biết.
2. Cá nhân, tổ chức có quyền gửi phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính theo địa chỉ nêu trên đến Sở Tư pháp hoặc các Sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có liên quan.
Điều 6. Xử lý phản ánh, kiến nghị
1. Đối với phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức.
a) Trường hợp Sở Tư pháp tiếp nhận phản ánh, kiến nghị
- Nếu đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở, trong thời hạn quy định Sở Tư pháp làm văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị đến các Sở có liên quan để xử lý; đồng thời thông báo cho cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị biết trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày chuyển văn bản.
Thủ trưởng các Sở có trách nhiệm xử lý phản ánh, kiến nghị trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Tư pháp và thông báo kết quả xử lý cho Sở Tư pháp biết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xử lý, đồng thời công khai kết quả xử lý theo quy định.
- Nếu đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, trong thời hạn quy định Sở Tư pháp làm văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị đến UBND cấp huyện để xử lý.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xử lý hoặc chỉ đạo UBND cấp xã xử lý trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Tư pháp và thông báo kết quả xử lý cho Sở Tư pháp biết trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xử lý, đồng thời công khai kết quả xử lý theo quy định.
- Trường hợp cần thiết, Giám đốc Sở Tư pháp làm việc trực tiếp với Thủ trưởng các Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, người phản ánh, kiến nghị để làm rõ những nội dung phản ánh, kiến nghị.
b) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phản ánh, kiến nghị
- Trường hợp phản ánh, kiến nghị do cá nhân, tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, Thủ trưởng các Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm xử lý trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và thông báo kết quả xử lý cho Sở Tư pháp biết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xử lý, đồng thời công khai kết quả xử lý theo quy định.
- Nếu đối tượng thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã quản lý thì Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý và báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND cấp huyện theo thời hạn nêu trên. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho Sở Tư pháp biết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xử lý của Chủ tịch UBND cấp xã.
2. Đối với phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan tiếp nhận
a) Trường hợp phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, HĐND tỉnh ban hành, Sở Tư pháp có trách nhiệm làm đầu mối tiếp nhận và phối hợp với các Sở có liên quan xem xét, trình UBND tỉnh để báo cáo về Bộ Tư pháp hoặc trình thông qua HĐND tỉnh theo quy định.
b) Trường hợp phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan trình văn bản quy định hành chính xem xét, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc ban hành mới văn bản theo quy định; đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo (nếu cần thiết).
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan trình văn bản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp xem xét, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ hoặc ban hành mới văn bản theo quy định; đồng thời thông báo kết quả cho Sở Tư pháp biết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày trình văn bản.
Trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp có trách nhiệm làm việc trực tiếp với cơ quan trình văn bản hoặc cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị để làm rõ những nội dung có liên quan.
c) Trường hợp phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến UBND cấp huyện để nghiên cứu, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc ban hành mới văn bản theo quy định.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Phòng Tư pháp xem xét, trình HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ hoặc ban hành mới văn bản theo quy định; đồng thời thông báo kết quả cho Sở Tư pháp biết trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày trình văn bản.
Trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp làm việc trực tiếp với HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã hoặc cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị để làm rõ những nội dung có liên quan.
3. Chỉ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong các trường hợp sau:
a) Trường hợp Sở Tư pháp và các Sở, UBND cấp huyện không thống nhất về phương án xử lý.
b) Những phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã được các Sở, UBND cấp huyện xử lý nhưng cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị.
c) Những phản ánh, kiến nghị nhạy cảm có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
4. Sở Tư pháp và các Sở, UBND cấp huyện phải thông báo cho cá nhân, tổ chức biết kết quả xử lý theo đúng quy định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của các Sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã
1. Tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP Nghị định số 48/2013/NĐ-CP và Quy chế này.
2. Quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại cơ quan mình.
3. Phòng Pháp chế, người làm công tác pháp chế chuyên trách thuộc các Sở chịu trách nhiệm giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện các quy định này.
Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã chịu trách nhiệm giúp UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện các quy định này.
4. Ngoài việc thực hiện các quy định nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm đăng tải kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh theo đề nghị của Sở Tư pháp.
5. Ngoài việc thực hiện các quy định nêu trên, Sở Nội vụ có trách nhiệm xem xét, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện hoặc tham mưu UBND, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP Nghị định số 48/2013/NĐ-CP và Quy chế này.
2. Tham mưu, đề xuất các biện pháp xử lý phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh.
3. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh.
4. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị xử lý dứt điểm, kịp thời, đúng thẩm quyền những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
5. Thường xuyên kiểm tra và kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh những biện pháp cần thiết để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
6. Tổng hợp, báo cáo tình hình kết quả thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có yêu cầu đột xuất, trình UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp.
7. Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai thực hiện tốt nội dung Quy chế này và thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.
8. Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ Quy chế này khi cần thiết.