Quyết định 488/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo tài chánh – ngân hàng thành phố đã được thay thế bởi Quyết định 6728/QĐ-UB-NC bãi bỏ văn bản pháp luật tài chính ngân hàng giá thuế hết hiệu lực do UBND thành phố ban hành từ 02/7/1976 đến 31/12/1996 và được áp dụng kể từ ngày 14/12/1998.
Nội dung toàn văn Quyết định 488/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo tài chánh – ngân hàng thành phố
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 488/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 08 năm 1989 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO TÀI CHÁNH – NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND đã được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1983;
Căn cứ tình hình tài chánh, ngân hàng trên địa bàn thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thành lập Ban chỉ đạo tài chánh – ngân hàng gồm các đồng chí sau:
- Trưởng Ban: Đ/c Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
- Phó Trưởng Ban: Đ/c Phó Chủ tịch/Thường trực UBND thành phố phụ trách khối PPLT
- Các Ủy viên thường trực:
+ Đ/c Giám đốc Sở Tài chánh thành phố
+ Đ/c Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực I
- Các Ủy viên:
+ Đ/c Giám đốc Ngân hàng Công thương TP
+ Đ/c Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương TP
+ Đ/c Giám đốc Sài gòn Công thương ngân hàng
+ Đ/c Giám đốc Ngân hàng phát triển nông nghiệp TP
+ Đ/c Giám đốc Ngân hàng đầu tư và xây dựng TP
+ Đ/c Giám đốc Ngân hàng phát triển nhà TP
Điều 2. Ban chỉ đạo tài chánh – ngân hàng thành phố có nhiệm vụ thay mặt Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện các chủ trương biện pháp cụ thể và tăng thu ngân sách (thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu), tiết kiệm chi bổ sung, giải quyết vốn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhằm bảo đảm cân đối thu chi ngân sách toàn thành phố năm 1989 có dự trữ gối đầu cho quý 1/1990, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thành phố năm 1989
Điều 3. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao Ban chỉ đạo tài chánh – ngân hàng thành phố chọn một số chuyên viên, cán bộ thuộc ngành tài chánh, ngân hàng để phục vụ công tác cho Ban.
Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tài chánh – ngân hàng thành phố đặt tại Sở Tài chánh.
Hàng tuần, tháng, hàng quý Ban chỉ đạo tài chánh – ngân hàng thành phố phải báo cáo kết quả công tác với Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 4. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố, Chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện và các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo tài chánh – ngân hàng thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |