Quyết định 51-NH/QĐ

Quyết định 51-NH/QĐ năm 1992 về Quy chế quản lý Nhà nước về kinh doanh đá quý do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Quyết định 51-NH/QĐ Quy chế quản lý Nhà nước về kinh doanh đá quý đã được thay thế bởi Thông tư 05/TT-NH7 quy chế quản lý hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác buôn bán đá quý hướng dẫn Nghị định 67-CP và được áp dụng kể từ ngày 10/03/1994.

Nội dung toàn văn Quyết định 51-NH/QĐ Quy chế quản lý Nhà nước về kinh doanh đá quý


NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-NH/QĐ

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 51-NH/QĐ NGÀY 14-3-1992 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH DOANH ĐÁ QUÝ

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ điểm 3, Điều 50, chương V Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại lệnh số 37/LCT-HĐNN ngày 24-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 196/HĐBT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ;
Căn cứ Nghị định 138/HĐBT ngày 8-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Quyết định 333/HĐBT ngày 23-10-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức, quản lý các hoạt động điều tra địa chất thăm dò, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối:

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1- Nay ban hành kèm theo quyết định này "Quy chế quản lý Nhà nước về sản xuất và kinh doanh đá quý".

Điều 2- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các quy định của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến đá quý ban hành trước đây.

Điều 3- Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối, Tổng giám đốc, Tổng Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại quốc doanh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Lê Văn Châu

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH DOANH ĐÁ QUÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51 ngày 14 tháng 3 năm 1992)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về mua, bán, gia công, chế tác, xuất nhập khẩu và mở cửa hàng đá quý ở nước ngoài đối với các loại đá: Kim cương, Rubi, Saphia, Emorot và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương, dưới dạng nguyên liệu (đá thô) hoặc đá đã chế tác. Các doanh nghiệp (tổ chức kinh tế và cá nhân) chỉ được kinh doanh đá quý khi có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp. Các giấy phép kinh doanh đá quý được cấp trước ngày ban hành quy chế này đều hết giá trị. Mọi trường hợp kinh doanh đá quý và xuất nhập khẩu đá quý không có giấy phép do Ngân hàng cấp đều là trái phép, vi phạm pháp luật, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Điều 2- Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu của người có đá quý. Việc mua, bán, trao đổi đá quý dưới dạng nguyên liệu trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phải thực hiện tại các Trung tâm mua bán đá quy do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. Nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi đá quý ngoài các trung tâm.

Điều 3- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức các trung tâm mua bán đá quý nguyên liệu tại các địa phương có đá quý và các thành phố lớn. Giá mua, bán đá quý nguyên liệu cũng như đá quý đã chế tại các trung tâm nói trên là giá thị trường, có tham khảo giá Quốc tế.

Điều 4- Tất cả các doanh nghiệp được phép kinh doanh đá quý phải thực hiện nộp thuế, lệ phí (bao gồm phí kiểm định, phí cấp giấy phép, tham gia Trung tâm mua bán đá quý) các quy định về quản lý tài chính và các văn bản khác của Nhà nước.

Chương 2

ĐIỀU KIỆN VỀ KINH DOANH ĐÁ QUÝ

Điều 5- Các doanh nghiệp có đủ các điều kiện, thủ tục sau đây, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp giấy phép kinh doanh đá quý (bao gồm mua bán gia công chế tác):

a) Có tư cách pháp nhân theo quy định trong Nghị định số 17/HĐBT ngày 17-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

b) Có vốn ban đầu tối thiểu là 2 tỷ đồng Việt Nam đối với các tổ chức kinh tế và 500 triệu đồng đối với tư nhân.

c) Có đội ngũ cán bộ, kỹ thuật và công nhân am hiểu về đá quý (biết phân biệt các loại đá, chất lượng và giá trị thương phẩm) được Cơ quan Ngân hàng Nhà nước xác nhận.

d) Có trụ sở và trang thiết bị chuyên dùng cho việc kinh doanh đá quý.

e) Có phương án sản xuất kinh doanh.

g) Có đơn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối) theo mẫu đính kèm. Đơn phải có xác nhận của Thủ trưởng Bộ, Ngành chủ quản hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước địa phương.

Điều 6- Các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh đá quý do Ngân hàng cấp được:

a) Đến các trung tâm mua bán đá quý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức để mua các loại đá quý dưới dạng nguyên liệu, bán sản phẩm đá quý chế tác. Khi mua đã quý phải có hoá đơn để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đá, làm cơ sở pháp lý cho việc gia công chế tác XNK.

b) Nhận gia công chế tác theo mẫu mã của các tổ chức chuyên ngành khai thác đá quý trong nước cũng như các tổ chức nước ngoài. Việc nhập đá quý từ nước ngoài vào Việt Nam để gia công tái xuất phải tuân theo các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối về thủ tục Hải quan của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản pháp luật khác.

c) Được mở cửa hàng để kinh doanh mua bán đá quý đã chế tác.

d) Các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh đá quý theo các quy định của Luật Đầu tư hiện hành.

Chương 3

XUẤT NHẬP KHẨU ĐÁ QUÝ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cấp giấy phép xuất nhập khẩu đá quý đã chế tác và đá quý dưới dạng nguyên liệu cho các tổ chức sản xuất và kinh doanh đá quý khi có đủ điều kiện, thủ tục theo quy định.

Điều 7- Điều kiện, thủ tục xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp đá quý:

a) Có hợp đồng mua bán đá quý với nước ngoài, hợp đồng ghi rõ: tên hàng (loại đá), số lượng, trọng lượng, giá bán, phương thức thanh toán, điều kiện giao hàng mà hai bên phải thực hiện.

b) Có giấy phép kinh doanh đá quý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp hoặc giấy phép khai thác đá quý do Bộ Công nghiệp nặng cấp.

c) Có giấy chứng nhận quyền sở hữu do trung tâm cấp.

d) Có giấy kiểm định chất lượng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

e) Có đơn xin xuất khẩu đá quý gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (theo mẫu quy định). Trong đơn ghi rõ cửa khẩu xuất đá quý.

Điều 8- Điều kiện thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu đá quý:

a) Có giấy phép kinh doanh đá quý do Ngân hàng cấp hoặc giấy phép liên doanh gia công chế tác đá quý với nước ngoài do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp.

b) Có hợp đồng với nước ngoài.

c) Có giấy kiểm định của Ngân hàng Nhà nước.

d) Có đơn xin nhập đá quý gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong đó ghi rõ loại đá, chất lượng, số lượng.

Chương 4

TRUNG TÂM MUA BÁN ĐÁ QUÝ NGUYÊN LIỆU

Điều 9- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý, tổ chức và điều hành hoạt động của Trung tâm mua bán đá quý và nguyên liệu, Trung tâm mua bán đá quý nguyên hoạt động dưới sự chỉ đạo của một Ban điều hành thuộc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố. Các tổ chức kinh tế và cá nhân đều được tham gia Trung tâm mua bán đá quý nguyên liệu khi được Ban điều hành cấp thẻ.

Điều 10- Điều kiện để được tham gia trung tâm mua bán đá quý nguyên liệu:

a) Đối với người mua trong nước phải có:

- Giấy phép kinh doanh đá quý do Ngân hàng Nhà nước cấp.

- Đăng ký nơi sẽ di chuyển số đá sau khi mua.

Đối với người mua là người nước ngoài phải có.

- Tiền gửi tại các ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ và xuất trình bản sao kê số dư tiền gửi.

- Giấy phép mua bán đá quý do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp.

b) Đối với người bán phải có:

- Giấy phép khai thác do Bộ Công nghiệp nặng cấp (nếu là tổ chức kinh tế).

- Chứng minh thư nhân dân (nếu là cá nhân)

- Đăng ký số lượng, chủng loại đá sẽ bán.

Các tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện quy định sẽ được Ban điều hành cấp thẻ ra vào trung tâm để mua bán đá quý nguyên liệu.

Điều 11- Tổ chức hoạt động của Trung tâm mua bán đá quý nguyên liệu.

Ngân hàng nhà nước phối hợp với Uỷ ban nhân tỉnh quy định địa điểm và tổ chức mạng lưới bảo vệ cho Trung tâm mua bán đá quý hoạt động.

Khách hàng phải xuất trình thẻ với phòng bảo vệ để vào Trung tâm mua bán đá quý nguyên liệu.

Khách hàng đến mua, bán đá quý tại Trung tâm được mở hoặc thuê quầy hàng để giao dịch.

Khi mua , bán, người mua, người bán tự định đoạt giá cả và lựa chọn bạn hàng.

Sau khi giao dịch, hai bên mua bán đá quý phải có hoá đơn, chứng từ thanh toán. Bên mua đá quý nguyên liệu phải xuất trình bảng kê kèm toàn bộ hoá đơn chứng từ cho Ban điều hành Trung tâm để được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu đá quý làm cơ sở pháp lý cho việc gia công và chế tác XNK. Đối với người mua là người nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp giấy phép mang đá quý ra nước ngoái sau khi nộp thuế xuất khẩu.

Khi có đủ điều kiện, phương tiện cần thiết, Ngân hàng Nhà nước địa phương sẽ tổ chức phân loại, giám định chất lượng, giá trị đá quý cho khách hàng tại trung tâm để mua bán thuận tiện. Trung tâm mua bán đá quý hoạt động trong tất cả các ngày làm việc. Khách hàng đến giao dịch phải tuân theo các nội quy hoạt động của Trung tâm. Nếu thành viên nào không tuân theo sẽ không được tham gia Trung tâm mua bán đá quý.

Chương 5

MỞ CỬA HÀNG BÁN ĐÁ QUÝ Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 12: Các tổ chức kinh tế Nhà nước kinh doanh đá quý nếu có đủ các điều kiện quy định tại điều 13 dưới đây đều được Ngân hàng Nhà nước xem xét để cấp giấy phép mở cửa hàng bán đá quý ở nước ngoài (kể cả hình thức tham gia hội chợ) để tiêu thụ sản phẩm đá quý.

Khi mang đá quý ra nước ngoài phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Trong giấy phép Ngân hàng Nhà nước ghi rõ được phép xuất để mở cửa hàng bán đá quý ở nước ngoài.

Điều 13: Điều kiện và thủ tục để cấp giấy phép mở cửa hàng bán đá quý ở nước ngoài:

- Có đơn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (theo mẫu đính xem) xin phép được mở cửa hàng bán đá quý ở nước ngoài. Đơn phải có xác nhận của Thủ trưởng Bộ, Ngành, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

- Có giấy phép kinh doanh đá quý do Ngân hàng Nhà nước, hoặc giấy phép khai thác do Bộ Công nghiệp cấp.

- Có giấy phép của nước ngoài cho mở cửa hàng kinh doanh đá quý.

Điều 14: Toàn bộ số ngoại tệ thu được do bán đá quý phải chuyển về nước theo quy định về quản lý ngoại hối hiện hành.

Hàng tháng đơn vị phải gửi báo cáo về tình hình hoạt động, doanh số bán của cửa hàng (số tiền thực thu) cho Ngân hàng Nhà nước Vụ Quản lý ngoại hối).

Chương 6

BÁN ĐẤU GIÁ ĐÁ QUÝ NGUYÊN LIỆU

Điều 15- Các tổ chức kinh tế và cá nhân có đá quý nguyên liệu, với chất lượng cao có thể bán thông qua hình thức đấu giá đá quý.

Việc bán đấu giá đá quý nguyên liệu được tổ chức từng đợt tại các trung tâm mua bán đá quý do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Điều 16- Các tổ chức kinh tế và cá nhân muốn bán đá quý thông qua hình thức đấu giá phải gửi đơn yêu cầu cho Ngân hàng Nhà nước, trong đó ghi rõ số lượng chủng loại đá cần được giám định và tổ chức bán đấu giá.

Căn cứ vào đơn yêu cầu của các tổ chức kinh tế và nhân nói trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập một tổ giám định để phân loại và định giá theo các tiêu chuẩn giám định quốc tế về đá quý.

Sau khi giám định xong chậm nhất là 3 ngày Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo cho các tổ chức , cá nhân có đá quý biết kết quả giám định. Nếu đủ tiêu chuẩn để tổ chức bán đấu giá, Ngân hàng Nhà nước công bố thời gian địa điểm..... tổ chức quảng cáo và mời các tổ chức và cá nhân kinh doanh đá quý trong và ngoài nước tham gia đấu gia.

Căn cứ vào số lượng, chất lượng đá quý và số lượng khách hàng xin tham gia đấu giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ ấn định số lượng đá quý nguyên liệu đưa ra đấu giá từng phiên để đảm bảo việc bán đấu giá đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 17- Sau phiên đấu giá, đối với các tổ chức và cá nhân bán đá phải nộp một khoản phí để bù đắp những chi phí đã bỏ ra.

Đối với tổ chức và cá nhân mua đá: nếu là người ngoài, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp giấy phép mang đá ra nước ngoài, sau khi nộp thuế xuất khẩu. Nếu là người trong nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận mua đá.

Chương 7

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18 - Các tổ chức kinh tế và cá nhân được phép kinh doanh đá quý phải thực hiện đầy đủ các quy định của bản quy chế này và phải chịu sự quản lý, kiểm tra toàn diện của Ngân hàng Nhà nước về kinh doanh đá quý.

Căn cứ điều 11, 13, 14, 15, 16 chương II trong "pháp lệnh xử phạt hành chính" các tổ chức kinh tế và cá nhân vi phạm các quy định của quy chế này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo lý theo các hình thức sau: cảnh cáo, phạt bằng tiền, tịch thu tang vật đá quý vi phạm, thu hồi giấy phép trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 19 - Thẩm quyền xử phạt

Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm việc xử phạt do các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền quy định tại điều 17 chương III pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính thực hiện.

Trong khi chờ đợi xử lý, số đá quý tạm giữ phải nộp vào các chi cục kho bạc tỉnh, thành phố.

Tiền phạt, tang vật đá quý tịch thu nói trên sau khi đã trích chi thưởng theo chế độ quy định cho các đơn vị và cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, bắt giữ, điều tra, số còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước.

Chương 8

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20

- Hàng quý (vào tháng đầu quý sau) Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Tổng Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam lập và gửi báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 333/CT và Quy chế này về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối).

Các tổ chức và cá nhân đã được cấp giấy phép kinh doanh đá quý trước đây, kể từ ngày ban hành quy chế này, phải làm lại các thủ tục cần thiết để Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép mới.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 51-NH/QĐ

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu51-NH/QĐ
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành14/03/1992
Ngày hiệu lực14/03/1992
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThương mại
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 10/03/1994
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 51-NH/QĐ

Lược đồ Quyết định 51-NH/QĐ Quy chế quản lý Nhà nước về kinh doanh đá quý


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản hiện thời

        Quyết định 51-NH/QĐ Quy chế quản lý Nhà nước về kinh doanh đá quý
        Loại văn bảnQuyết định
        Số hiệu51-NH/QĐ
        Cơ quan ban hànhNgân hàng Nhà nước
        Người kýLê Văn Châu
        Ngày ban hành14/03/1992
        Ngày hiệu lực14/03/1992
        Ngày công báo...
        Số công báo
        Lĩnh vựcThương mại
        Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 10/03/1994
        Cập nhật7 năm trước

        Văn bản hướng dẫn

          Văn bản được hợp nhất

            Văn bản gốc Quyết định 51-NH/QĐ Quy chế quản lý Nhà nước về kinh doanh đá quý

            Lịch sử hiệu lực Quyết định 51-NH/QĐ Quy chế quản lý Nhà nước về kinh doanh đá quý